Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

Ngày 27/9/2013 - Họ vô cảm đến thế là cùng & Mạng người rẻ quá!

TIN LÃNH THỔ


TIN XÃ HỘI


TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ


TIN THẾ GIỚI

BĐS đổ vỡ, cho cả học trò mua nhà để cứu vãn



Trước nguy cơ đổ vỡ của thị trường BĐS, trong dự thảo Luật nhà ở mới của Bộ Xây dựng đã mở rộng thêm một đối tượng được phép thuê, mua nhà ở xã hội là học sinh, sinh viên. Trong khi đó, các doanh nghiệp tập trung vào phân khúc nhà ở thương mại cũng đang đẩy mạnh chia nhỏ căn hộ để cứu chính mình.

Cho học sinh, sinh viên thuê, mua nhà ở xã hội

Theo dự thảo Luật nhà ở mới của Bộ Xây dựng trình Quốc hội đã đề xuất cụ thể 9 đối tượng được thuê, mua nhà ở xã hội và các điều kiện chi tiết cho các đối tượng này.
Trước đó, theo Nghị định 34/2013 của Chính phủ, có 8 đối tượng được thuê, thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước. Bao gồm: Người có công với cách mạng; Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; Sĩ quan, hạ sỹ quan chuyên nghiệp, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân và những người làm công tác cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước;
Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp tập trung; Người thu nhập thấp, hộ nghèo tại khu vực đô thị; Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ; Các hộ gia đình, cá nhân thuộc diện phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quyết định thu hồi đất của Nhà nước; Các đối tượng có khó khăn về nhà ở theo quy định của Chính phủ.
Và đối tượng thứ 9 được bổ sung là học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung cấp nghề (không phân biệt công lập hoặc dân lập).
Các đối tượng thuộc diện được thuê, mua nhà ở xã hội phải có đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội.
Đối với người thu nhập thấp thì phải không thuộc diện nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp thuê mua nhà ở xã hội thì ngoài các điều kiện quy định trên, người thuê mua còn phải có khả năng thanh toán lần đầu bằng 20% giá trị của nhà ở thuê mua.
Trong khi đó,nhiều dự án vẫn đang tiếp tục xin chuyển sang nhà ở xã hội để giải cứu thị trường. Trường hợp mới nhất là đại gia Lê Thanh Thản – Giám đốc công ty Xây dựng số 1 Lai Châu đã làm thủ tục xin Bộ Xây dựng cho phép chuyển đổi dự án nhà ở thương mại tại VP 6 Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội sang nhà ở xã hội. Việc cho hay không đang chờ bộ quyết.

Đại gia nhà ở thương mại thi nhau chia nhỏ căn hộ vì vẫn trận

Đứng trước nguy cơ đổ vỡ của thị trường BĐS và buộc phải tự tìm cách cứu mình, các đại gia nhà ở thương mại vang tiếng một thời đã phải tính đến nước xin chia nhỏ căn hộ với hy vọng bán được hàng.
Điển hình là Công ty Quốc Cường Gia Lai, sau một thời gian dài “sa lầy”‘ đã chính thức xin chuyển đổi từ căn hộ lớn sang căn hộ nhỏ và chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Theo đó, tại khu đô thị mới Nam Sài Gòn (Khu Nam), QCGL có chung vốn trong một dự án chung cư 300 căn. Trong đó, QCGL góp 95% vốn vào dự án này, hiện đã đổ vào khoảng 700 tỷ đồng.
Do tình hình thị trường BĐS quá khó khăn, không bán được hàng, QCGL đã xin chuyển đổi toàn bộ 300 căn hộ trong dự án này từ diện tích 120 m2 thành 60 m2; loại căn hộ 140 m2 chuyển thành 70 m2, từ 300 căn hộ lớn được chia thành 492 căn hộ nhỏ.
Hay một đại gia khác là Tập đoàn Novaland mới đây cũng tiến hành giảm giá, xây dựng nhiều căn hộ với các loại diện tích khác nhau.
Cụ thể, với dự án Sunrise City Q.7 gần 500.000 m2 xây dựng, có 3 giai đoạn khác nhau. Giai đoạn 1, Novaland xây dựng các căn hộ với diện tích lớn, trên 1000 m2. Tuy nhiên đến giai đoạn 3, cũng là giai đoạn áp dụng giảm giá thì các căn hộ chỉ vào khoảng 56 m2, 70 m2 và 90 m2.
Vào cuối tháng 7/2013, CTCP Xây dựng số 1 (Vinaconex 1) cũng xin phép UBND TP Hà Nội được chia nhỏ diện tích căn hộ Tòa nhà C2 thuộc dự án Khu văn phòng và nhà ở cao cấp Vinaconex 1 tại đường Khuất Duy Tiến, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội để bán ra thị trường.
Chưa biết phương án này có thành công hay không, nhưng theo các chuyên gia kinh tế thì phương án chia nhỏ căn hộ để bán là giải pháp tình thế, có khi lợi bất cập hại bởi nó không đảm bảo chất lượng và sự phát triển bền vững.

BĐS sụp đổ, truy đại gia dự án Việt Nam khắp thế giới



Vị đại gia đã ôm tiền biến mất để lại dự án phần hầm và móng bỏ hoang, sắt thép đã hoen gỉ.

Nằm trong xu hướng đổ vỡ chung của thị trường BĐS, chủ đầu tư nước ngoài cũng không thể trụ được tại thị trường Việt Nam và ôm tiền bỏ trốn.
Mới đây, AP có bài viết xoay quanh dự án Tricon Towers, tại khu đô thị Bắc An Khánh, Hà Nội, của công ty đầu tư Minh Việt mà báo giới trong nước đã đề cập nhiều những tháng qua, sau khi chủ đầu tư là ông Edward Chi ôm tiền bỏ trốn.
Edward Chi từng hứa hẹn với các nhà đầu tư rằng dự án xây dựng các căn hộ hào nhoáng của họ vẫn đang đi đúng hướng ngay cả khi BĐS đang bắt đầu có dấu hiệu đổ vỡ. Doanh nhân này thậm chí còn “hùng hồn” tuyên bố ông sẵn sàng bán các BĐS của mình tại California để hoàn trả tiền cho khách hàng, nếu việc xây dựng dự án bị trì hoãn.
Thế nhưng, thực chất vị giám đốc này không hề đứng tên trong căn hộ dự định sẽ bán tại Mỹ và sau lời hứa đó thì cũng không ai nhìn thấy bóng dáng ‘đại gia’ đâu. Bên cạnh đó, Edward Chi còn tiếp thị và nhận tiền đặt cọc cho một dự án thứ hai nhìn ra vịnh Hạ Long, một điểm du lịch ở phía Bắc. Nhưng việc xây dựng dự án này lại chưa hề được tiến hành.
Hiện có ít nhất 128 nhà đầu tư giận dữ đang săn lùng ông chủ này. Nhiều người trong số này đã vay mượn hoặc lấy tiền tiền kiệm ra góp vốn tới 150.000 USD (hơn 3,1 tỉ đồng). Tuy nhiên, công an cho biết Chi đã rời Việt Nam và không thể liên lạc được.
THEO ĐẤT VIỆT

Chí Phèo mới hồi sinh???

Thế nào mà chỉ trong vòng chưa đầy một tháng ngắn ngủ tôi thấy báo chí Việt Nam ( và đôi khi là cả Trung Quốc) liên tục đưa tin về chuỗi các vụ như: bắn súng giết cán bộ, ném mìn trước cổng nhà ông chủ tịch xã, tự thiêu trước trụ sở công an… Tôi chỉ biết vậy, còn nguyên nhân báo chí đưa tin, tôi đọc vậy thôi.

Nhưng có một điều làm tôi nhớ, nhớ lắm về chuyện CHÍ PHÈO. Cái thời tôi học, tôi đã phục ông Nam Cao nhiều rồi, nay tôi còn phục ông ấy nhiều hơn.
Việt Nam trước năm 1945 ( Chí Phèo được viết năm 1941) đã được vẽ lại qua anh Chí Phèo để thấy một phần nông dân lao động lương thiện bị đẩy vào con đường tha hóa, lưu manh. Nay dưới lá cờ và chính chế độ Cộng Sản đã từng hứa và đưa cả dân tộc thoát lên trên nhiều bi kịch, trong đó có bị kịch kiểu anh Chí  thì nay đang dần được lặp lại. Nhưng có vẻ được lặp lại nhiều về số lượng, hình thức và nguyên nhân hơn.
Và lẽ tất nhiên tôi thấu hơn cái bi kịch và chính Nam Cao đã phải chứng kiến để cho ra “ Chí Phèo”. Nay báo chí truyền thông đưa tin nhiều, bạn đọc hiểu được bao nhiêu? Hiểu rồi, thấu rồi thì làm được những gì?
Nếu bạn  may mắn khi chưa bị những con kền kền hút và liếm sạch những hạt gạo, manh áo cuối cùng bạn sẽ khó để thấu cho được lý do vì sao những anh Chí thời nay lại hành động điên rồ, sát nhân như vậy đâu.
Có vẻ nạn nhân ở đây là nguồn tinh hoa của chế độ Cộng Sản: có trí thức, học thức, địa vị….(nhân cách của đảng viên nữa). Và những tên Chí Phèo thì vẫn luôn rách rưới, nghèo đói và đầy tội lỗi. Cớ sao mà những anh Chí vốn lao động chăm chỉ, nông dân hiền lành mà thành vậy?
Chuyện về anh Chí trước và nay thực về bản chất thì cũng không có khác. Nhưng tôi dám chắc chắn là những phôi thai của anh Chí đang ngày càng nhiều hơn. Họ cần 1 giải pháp, 1 xã hội tốt đẹp hơn từ những người thứ 3: những người đang đứng ngoài cuộc một sự cảm thông và tiếng nói lương tâm.
Bớt một chút thời gian để tới những buổi tiếp dân ở huyện, tỉnh. Một chút thời gian để vòng qua vườn hoa Mai Xuân Thưởng, thêm chút nữa là phòng tiếp dân của Chính phủ ở số 1 Ngô Thì Nhậm – Hà Đông bạn sẽ rõ hơn về cảnh của “ Người cùng khổ”.
 
Những lá đơn tố cáo, kiến nghị trong sự hòa bình và níu kéo chút hi vọng về sự công bằng của Pháp luật thật mong manh. 2 năm, 3 năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm…. Kiên Giang, Đắc Nông, Quảng Trị, Thái Bình, Hà Nam, Sơn La…. 3 miền có đủ, 63 tỉnh thành không thiếu. Đặc biệt phần đông là ông bà, các bác sống hơn nửa đời người, đầu có hai thứ tóc khăn gói bỏ nhà, bỏ cuộc sống bình yên để đi tìm công lý.

 Câu chuyện về anh Chí xin tạm ngưng. Vấn đề là:
  1. Những “Thị Nở” nay trở nên hiếm và cần rất nhiều. Mỗi người không nên vì cái xấu ngoài, và đôi lời của bà CÔ mà quên đi tiếng nói yêu thương, lương tâm, công bằng trong chính mình.
  2. Bất kể Cụ Bá Kiến to hay nhỏ, xã – huyện – tỉnh hay trung ương cũng nên đừng tham lam quá. Tham thì thâm thôi, Chí Phèo vốn dễ tìm và nhiều nhiều hơn các chư vị mà.
  3. Những anh Chí thời nay cần uống ít rượu hơn để dành thời gian tỉnh táo thấu cho đươc cái âm mưu của các kền kền Bá Kiến.( Các bác ấy giờ thích chơi chữ, lừa dân trên văn bản – giấy tờ lắm, tới theo là bạo lực ngầm, cả du kích vào những tên đang say sưa hát bài ca mừng đảng mừng xuân nhưng có cơ bắp để dọa mình….)
  4. Trân trọng gửi lời tới đại bộ phận những đảng viên ưu tú, những trí thức, doanh nhân… Những người đang được hưởng sự thịnh vượng mà Chế độ CS đang tạo ra thì nên Tỉnh giấc mộng đi. Kền Kền không biết no và nó có nghĩa là chưa đến lượt các vị thôi… Không phải là đe dọa mà chỉ là một lời khuyên.

Gian lận ở BV Mắt Hà Nội: Giám đốc chỉ đạo?


Với việc tráo nhân thủy tinh thể của bệnh nhân từ sản phẩm Mỹ thành Ấn Độ, Singapore, nhiều bác sĩ, y tá băn khoăn và góp ý với Giám đốc, nhưng không được tiếp thu. Thực hư chuyện này thế nào?
Gần đây, liên tục các vụ việc lien quan đến ngành y tế Thủ đô bị phanh phui, trong đó có nhiều vụ khiến dư luận hết sức bàng hoàng và phải kêu cứu đến tận người đứng đầu Thủ đô là Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị.
Điển hình là trường hợp của bác sĩ BS Nguyễn Thị Thủy – làm việc tại BV Mắt Hà Nội, trong buổi tiếp xúc cử tri (ngày 24/9) tại đơn vị bầu cử số 2, quận Hai Bà Trưng, đã trực tiếp đứng lên tố cáo những việc làm sai trái trong việc thay thuỷ tinh thể tại Bệnh viện Mắt Hà Nội.
Theo BS Thủy, Giám đốc Vũ Thị Thanh đã lừa 3.000 bệnh nhân với số tiền lên tới hàng tỷ đồng từ việc thay thủy tinh thể. Cụ thể, bệnh viện nói thay thủy tinh thể của Mỹ cho bệnh nhân, với giá khoảng 6,5 triệu đồng, nhưng thực tế thủy tinh thể bệnh nhân được thay không phải của Mỹ, mà của nước khác và có giá chỉ bằng 1/10 so với giá của Mỹ. Như vậy, số tiền bệnh nhân bị móc túi lên đến hàng tỷ đồng.
Cũng theo thông tin của bác sĩ Thuỷ, trước đây, sự việc này đã được báo cáo lên Sở Y tế Hà Nội nhưng sự việc không được giải quyết thoả đáng, mà cho đó là sai sót chuyên môn. Chính bởi vậy, nhiều bác sĩ và bệnh nhân đã đặt ra câu hỏi phải chăng có sự dung túng, bao che của Sở Y tế với BV Mắt Hà Nội?
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết: Đây là vấn đề lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo giải quyết nhiều lần, nếu chưa giải quyết triệt để, tới đây thành phố sẽ giao vụ việc cho đoàn thanh tra liên ngành để tiến hành thanh kiểm tra.
Có mặt và phát biểu trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 24/9 tại đơn vị bàu cử số 2, quận Hai Bà Trưng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu cho biết, sẽ chỉ đạo Sở Y tế Hà Nội tập hợp đầy đủ thông tin, hồ sơ tiến hành thanh kiểm tra lại về những nội dung tố cáo của bác sĩ Thuỷ đối với những sai phạm của BV Mắt Hà Nội.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trước đó (năm 2011), tại BV Mắt Hà Nội, một số bác sĩ và điều dưỡng đã tố cáo tình trạng tráo nhân thủy tinh thể của bệnh nhân từ sản phẩm của Mỹ thành của Ấn Độ, Singapore có chất lượng và giá thành thấp hơn để trục lợi.
“Nhiều tháng qua, Bệnh viện mắt Hà Nội khi mổ cho bệnh nhân đục thuỷ tinh thể, thay vì thay nhân mắt IQ của Mỹ như đã tư vấn và thu tiền (theo hoá đơn thu tiền của bệnh viện) thì Bệnh viện mắt Hà Nội đã thay cho bệnh nhân nhân mắt Hoya và Focus của Singapore và các nước khác”, điều dưỡng N.M.C cho biết.
Cùng với phản ánh của điều dưỡng N.M.C, bác sĩ Nguyễn Thị Thuỷ, Khoa khám bệnh, cho biết thêm:“Trên thực tế, ở bệnh viện mắt Hà Nội, nhiều bệnh nhân được sử dụng loại nhân xuất xứ không phải thuộc hãng IQ của Mỹ, nhưng họ cứ tưởng là được lắp nhân IQ của Mỹ như ghi trong hoá đơn thu tiền. Và việc đưa một số loại nhân như Hoya, Focus được vào sử dụng cho bệnh nhân mổ mắt là theo quyết định của Giám đốc bệnh viện. Vì việc này diễn ra quá thường xuyên và bệnh nhân chắc chắn sẽ có người bị ảnh hưởng nên nhiều bác sĩ, y tá thấy băn khoăn và có góp ý với Giám đốc nhưng không được tiếp thu”.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra sở Y tế Hà Nội cho biết: Sau khi nhận được phản ánh về vụ việc trên, Thanh tra tiến hành xác minh và thấy, kết quả thanh tra về giá giữa các loại thủy tinh thể cho thấy, chênh lệch thấp nhất 3.000đ, cao nhất là 90.000đ. Cơ quan Thanh tra yêu cầu bệnh viện phải hoàn thiện hồ sơ, thực hiện đúng quy trình trong khám chữa bệnh, nhất là với những trường hợp thay đổi thể thủy tinh trong phẫu thuật như tư vấn cho bệnh nhân, đề nghị họ ký xác nhận vào bệnh án…
Về vấn đề chất lượng nhân thể thủy tinh được thay đổi để sử dụng trong các ca phẫu thuật, ông Cường cho rằng, các sản phẩm thủy tinh thể của các hãng IQ, Hoya, Focus đều có giấy phép lưu hành ở Việt Nam, thực hiện theo quy định đấu thầu. Còn đối với việc liệu có chuyện bác sỹ phẫu thuật, lãnh đạo bệnh viện có “thiện cảm” với sản phẩm của hãng nào đó và sử dụng nó cho người bệnh thì ông Cường cho rằng, chưa có căn cứ để khẳng định.
Có lẽ chính việc “mập mờ” trong kết luận Thanh tra trên của Sở Y tế Hà Nội, khiến những người tố cáo tỏ ra không phục và tiếp tục tố cáo những sai phạm này lên người đứng đầu Thành phố để mong đòi lại được công bằng cho bệnh nhân.
THEO KIẾN THỨC

 

Cách hành xử của cán bộ nhà nước

Hiện tượng cán bộ nhà nước ăn xài phung phí và cư xử xem thường luật pháp được bàn đến nhiều lần. Gần đây nhất là một viên Tổng giám đốc khi đi chơi trò chơi golf đắt tiền đã hành hung nhân viên sân golf.



Đạo đức sa sút

Sự việc làm xôn xao báo giới trong nước trong vài ngày qua là chuyện ông Nguyễn Đức Sơn, tổng giám đốc một công ty của nhà nước về Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, khi đi chơi golf đã dùng gậy đánh nhân viên sân golf bị thương. Sau đó ông Sơn đã bị sân golf Tam đảo cấm chơi một tháng.
Theo điều tra của báo Sài Gòn Tiếp Thị thì ông Nguyễn Đức Sơn có mức lương là tám triệu đồng một tháng, và doanh thu của công ty ông đều nộp vào ngân sách nhà nước.
Trong khi đó chi phí chơi golf tại sân Tam Đảo nếu không phải là hội viên là 82 đô la Mỹ một lần tức là vào khoảng một triệu rưỡi tiền Việt Nam. Ông Sơn cho báo chí biết là ông đi chơi golf mỗi tuần từ một đến hai lần.
Như vậy số lương ông Sơn lãnh hàng tháng xem như được tiêu trọn vào việc chơi golf. Ông Sơn cũng cho rằng nhiều công chức vùng Hà Nội cũng chơi golf như ông vì bây giờ đây là trò chơi rất phổ biến.
Đây là doanh nghiệp công ích, doanh nghiệp của chính quyền địa phương, tôi nghĩ chuyện đấy bộc lộ lên toàn bộ sự thối rữa của hệ thống này.
-TS Nguyễn Quang A
Công luận có vẻ sẽ chú ý đến hai việc. Thứ nhất là tiền từ đâu mà các công chức như ông Sơn có để dùng vào việc chơi trò đắt tiền này. Việc thứ hai là việc cư xử của các viên chức này trong hành vi phạm pháp xúc phạm than thể con người như vụ việc vừa nêu.
Cách đây không lâu báo chí Việt Nam đưa tin việc những giám đốc các công ty công ích ở TP HCM có lương lên đến 2,6 tỉ đồng một năm, tức là hơn 100.000 đô la Mỹ.
Đây có lẽ là một trong những vụ việc rất hiếm hoi mà số tiền thu nhập của các viên chức nhà nước được ghi trong giấy tờ với số cao như vậy. Từ lâu ở Việt Nam đã có những cặp khái niệm đi song hành với nhau để chỉ việc thu nhập của quan chức, như Bổng – Lộc, Lương – Lậu, ý nói rằng khoản tiền lương trên giấy tờ chỉ có tính tượng trưng, còn thu nhập thực sự đến từ nhiều nguồn khác nhau, và những nguồn gốc khác nhau đó không thể công khai được vì nó bất hợp pháp.
Một cô nhân viên kinh doanh trẻ của một công ty tư nhân nói với chúng tôi về sự việc này như sau:
“Vấn đề cán bộ nhà nước ở Việt Nam tiêu xài quá đáng như vậy không có lạ. Những cán bộ đó có cái thế và có nhiều tiền. Họ không sợ dư luận hay gì cả, mà điều đó dường như là một sự hiển nhiên của xã hội Việt Nam mình.”

Nói về hành vi đạo đức của những người nhiều tiền của trong xã hội hiện nay, một nhà sư từ TP HCM nói với chúng tôi:
“Sự sa sút đạo đức trong xã hội có nhiều mặt, nhiều khía cạnh. Bỗng dưng có nhiều tiền mà không hiểu giá trị mồ hôi xương máu của đồng tiền thế nào rồi ăn xài phung phí mất đạo đức đi, đó là một vấn đề nhức nhối.”
Khi đề cập đến thu nhập quá cao như vậy của các công chức nhà nước, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng Viện IDS một tổ chức Think Tank độc lập đã tự giải thể nói:
“Nếu là một công ty tư nhân thì khỏi phải bàn cãi về lương bổng của lãnh đạo. Họ làm hiệu quả lương họ cao, lương cao quá mà hoạt động không được thì họ phá sản. Nhưng đây là doanh nghiệp công ích, doanh nghiệp của chính quyền địa phương, tôi nghĩ chuyện đấy bộc lộ lên toàn bộ sự thối rữa của hệ thống này.”
Cái trục trặc của cả hệ thống mà tiến sĩ Quang A vừa đề cập trở nên nghiêm trọng hơn khi những người thuộc thế hệ trẻ như cô nhân viên kinh doanh mà chúng tôi hỏi chuyện trên kia cho rằng điều đó đã trở thành bình thường trong xã hội Việt Nam.

Một giai cấp mới

Đất nước đang bị kiềm hãm rất nhiều, thiếu dân chủ trong vấn đề chọn lựa nhân sự, thiếu dân chủ trong lúc thực thi quyền lực cho nên mới kéo tới tình trạng thê thảm hiện nay.
-GS Nguyễn Đăng Hưng
Công ty mà ông Nguyễn Đức Sơn làm Tổng giám đốc đảm nhiệm những công việc rất cao cả. Đó là: nhà ở cho người thu nhập thấp, người thuộc diện chính sách, người có công với cách mạng, nhà ở phục vụ công nhân, học sinh, sinh viên. Tức là những mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà đảng cộng sản Việt Nam lúc nào cũng tuyên bố là mình phục vụ dưới bóng cờ công nông của họ.
Nhưng thực sự là đã hình thành một giai cấp mới gồm có nhiều người như ông Sơn, thuộc đảng lãnh đạo, xem việc người khác phục vụ mình là đương nhiên và mình có quyền xâm hại đến những người thấp cổ bé họng hơn mà không bị trừng phạt. Cô nhân viên trẻ tuổi nói tiếp:
“Những người đó họ có thế, họ nhìn những người bình thường, những nhân viên mà họ gặp là những người phải phục vụ họ tối đa. Họ có thể bức hiếp xâm hại mà những người kia khó có thể nào đòi lại được công bằng.”
Sự sa sút đạo đức trên nhiều mặt như lời nhà sư, trong một bối cảnh thu nhập cao không rõ ràng của quan chức và sự xem thường pháp luật của họ, đã thực sự trở nên đáng lo ngại vì nó đã trở nên những điều bình thường.
Trả lời đài Á châu tự do nhân dịp tuyên bố thành lập diễn đàn xã hội dân sự của các nhân sĩ trí thức và nhiều tầng lớp khác vừa xảy ra cách đây vài này, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, một nhà khoa học Việt kiều hồi hương, nói:
“Đất nước đang bị kiềm hãm rất nhiều, thiếu dân chủ trong vấn đề chọn lựa nhân sự, thiếu dân chủ trong lúc thực thi quyền lực cho nên mới kéo tới tình trạng thê thảm hiện nay, đó là tham nhũng.”
Diễn đàn được thành lập với hy vọng tập hợp nhiều tiếng nói hơn nữa nhằm tiến tới một xã hội dân sự có sự kiểm tra quyền lực, chống sự bạo quyền và tham nhũng. Những cố gắng liên tục vẫn đang được thực hiện để biến những điều bình thường đau đớn trở thành bất thường và loại bỏ chúng.
Theo RFA

Họ vô cảm đến thế là cùng

Đúng là các quan chức của Bộ Y tế đã quá vô cảm với “tương lai con em của chúng ta”, cho nên đến giờ phút này, họ vẫn đánh “quả bóng giá sữa” đi nơi khác. Mà căn bệnh vô cảm này, với họ, xem ra cũng là nan y. Khó chữa lắm!

Chương trình thời sự của VTV1 tối ngày 23/9, trong phóng sự nói về chuyện giá sữa tăng, có đưa hình ảnh rất hay, ấy là Bộ Tài chính và Bộ Y tế “chơi” bóng bàn.
Quả bóng là giá sữa…!
Quả bóng giá sữa được hai Bộ đánh cho nhau và… không rơi xuống đất!
Quả thực, không còn có thể hiểu nổi sự vô cảm của các quan chức có trách nhiệm của Bộ Y tế đã đến mức nào?

Làm nghề y, lẽ ra từ lâu nay Bộ Y tế phải là cơ quan vào cuộc quyết liệt nhất về việc tại sao giá sữa tăng cao bất thường như vậy?
Lẽ ra lãnh đạo Bộ Y tế phải lên án mạnh mẽ những thủ đoạn “thổi” giá của các hãng sữa?
Lẽ ra Bộ Y tế phải lấy làm sốt ruột về việc con trẻ chúng ta phải ăn sữa với giá trên trời như vậy?
Lẽ ra Bộ Y tế phải là cơ quan đầu tiên “tuyên chiến” với việc giá sữa tăng vô lối và kiến nghị với Bộ Tài chính, Chính phủ… có những biện pháp cứng rắn để giá sữa đúng với giá trị thực. Trẻ em có sữa, sức khỏe sẽ tốt hơn và dĩ nhiên sẽ ít phải đến bệnh viện hơn… Đó chẳng phải là mục đích tốt đẹp ư?
Những người có trách nhiệm ở Bộ Y tế chẳng lẽ không hiểu được điều đơn giản ấy hay sao?
Vậy tại sao có chuyện Bộ nọ đổ lỗi cho Bộ kia? Tại sao Bộ Y tế không biết sốt ruột, lo lắng trước chuyện con trẻ phải uống sữa giá cao?
Nhiều quốc gia, người ta phải bù giá, trợ giá cho sữa để con trẻ được uống nhiều hơn.
Ngay ở Cuba, một quốc gia đang khốn khổ vì cấm vận của Mỹ, nhưng Nhà nước vẫn đảm bảo cung cấp cho tất cả trẻ em 1-10 tuổi nửa lít sữa tươi mỗi ngày! Còn với những trẻ sinh ra mà có vấn đề về dinh dưỡng thì được chăm sóc theo chế độ đặc biệt. Sữa bột ngoại có đủ loại, nhưng giá cả do nhà nước quản rất chặt và đặc biệt, ngành y tế Cuba có thái độ rất nghiêm khắc với những bà mẹ lười cho con bú mà lạm dụng dùng sữa bột.
Bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa chính là từ những lít sữa này đấy, chứ chưa hẳn là những gì to tát hơn đâu.
Chỉ riêng việc đùn đẩy trách nhiệm về giá sữa thì đủ thấy rằng, y đức của ngành y đã xuống cấp chính từ đây. Họ không biết thương xót con trẻ, thương xót cho cha mẹ chúng phải nghiến răng cho con uống sữa giá cao thì nói gì đến “từ mẫu”?
Mấy tháng trước, dư luận cho rằng, bà Bộ trưởng không có cách hành xử của “chính khách” và điển hình về sự vô cảm của bà là từ chuyện ba cháu bé chết vì tiêm vắcxin tại Quảng Trị. Hôm đó, bà Bộ trưởng có mặt ở đấy, nhưng vì “bận” dự khởi công xây dựng nhà tháp chuông nghĩa trang ở huyện Gio Linh nên “không thể đến” chia sẻ với gia đình các cháu?
Việc giá sữa tăng, thôi thì cứ cho là việc đã rồi, nay cần phải xử lý, lẽ ra rất đơn giản.
Chỉ cần hai quý Bộ ngồi lại với nhau nửa giờ, thống nhất cách làm và lấy mục tiêu “vì con em chúng ta” làm trọng… thế là xong!
Số cán bộ quan liêu, đùn đẩy trách nhiệm… cách chức ngay, thế là xong về “công tác tổ chức”.
Còn đối với các hãng sữa, cần quản thật chặt khâu chất lượng, khâu quảng cáo, chi hoa hồng, kiểm soát chặt giá từ gốc… Hãng nào lươn lẹo, cố tình vi phạm, đóng cửa, đuổi ra khỏi Việt Nam… Thế là xong. Việc gì phải lắm lời – “đa ngôn, đa oán” – các cụ xưa dạy thế rồi. Việc gì phải “giáo dục, thuyết phục”, việc gì phải “nương tay” với những kẻ lợi dụng nhu cầu của con trẻ để bóc lột cha mẹ chúng. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho ngành sữa Việt Nam phát triển, sản xuất sữa có chất lượng cao, giảm giá thành bằng chế độ thuế ưu đãi. Làm sao để cho mọi người biết rằng: “Ai thừa tiền, sính dùng hàng ngoại thì cứ việc bỏ tiền ra mà mua. Còn trẻ Việt, chỉ cần dùng sữa Việt”.
Cũng có dư luận cho rằng, chẳng phải các quan chức có trách nhiệm của Bộ Y tế kém cỏi gì mà không biết “kêu” khi giá sữa tăng. Mà họ lờ đi, họ im lặng là vì các hãng sữa đã cho họ… “uống sữa”? Lỡ “uống sữa” của họ rồi, muốn nói cũng khó? Điều này, xem ra cũng có lý.
Đúng là các quan chức của Bộ Y tế đã quá vô cảm với “tương lai con em của chúng ta”, cho nên đến giờ phút này, họ vẫn đánh “quả bóng giá sữa” đi nơi khác. Mà căn bệnh vô cảm này, với họ, xem ra cũng là nan y. Khó chữa lắm!
Rất mong Chính phủ ra tay “chữa bệnh” cho họ bằng cách, cho ngay những kẻ vô cảm này đi chỗ khác!

Theo PetroTimes

Mạng người rẻ quá!

Trong khi người dân ở ngay giữa thủ đô bị tai nạn, cần đến xe cấp cứu thì không có hoặc được trả lời “hết xe” đến nỗi chết ngay trên đường thì vẫn có những dự án hơn 4000 tỷ đồng chỉ để phục vụ nhu cầu cho dân thủ đô đi du lịch tâm linh. Thật là những người làm dự án biết nhìn xa trông rộng, vì kiểu này, dân còn biết tin vào đâu, kêu với ai ngoài kêu Phật!
Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn chưa hết sốc và bất bình với vụ tai nạn ngay giữa thủ đô tối 23/9 nhưng gọi cấp cứu 115 không được, cuối cùng nạn nhân đã thiệt mạng.
Hóa ra bị tai nạn ở nội thành cũng chẳng được “ưu đãi” gì hơn, còn nhớ cách đây chưa lâu, một vụ tai nạn giao thông của 2 mẹ con xảy ra ở một huyện ngoại thành, 115 Hà Nội đã trả lời: “Chỉ phục vụ trong nội thành”. Giờ thì rõ ràng ra đấy, bị tai nạn dù là nội thành hay ngoại thành thì cứ tự mà gánh chịu lấy mọi hậu quả, cấp cứu cũng phủi tay.
Mà đáng nghi ngờ hơn cả là cách giải thích của lãnh đạo Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội sau sự việc này với nhà báo Trần Đăng Tuấn – một nhân chứng và cũng là người đã gọi điện thoại báo cho 115 về vụ tai nạn. Họ nói rằng đã có xe đi, nhưng vì có một cuộc điện thoại báo đến là người bị nạn có xe chở đi rồi, nên lại gọi xe về. Liệu đây có phải là một cách giải bớt đi trách nhiệm và sự vô cảm của 115 Hà Nội hay không?
Trên khắp các diễn đàn, người ta nêu ra bao nhiêu vụ tai nạn đã từng gọi cấp cứu 115 mà không có sự hồi đáp, đã nhiều người ra đi tức tưởi và oan uổng, giá họ là công dân của một đất nước khác, họ đã không phải gánh chịu một số phận hẩm hiu và đen đủi như thế.
Ngẫm càng thấy chua xót, chẳng ở đâu mạng người rẻ như ở nước mình. Chẳng ở đâu mà sự vô cảm, vô trách nhiệm của các nhân viên công quyền lại lên tới đỉnh điểm như vậy. Những đồng tiền thuế của dân, đã được hồi đáp bằng kiểu dịch vụ công như vậy, có thỏa đáng không.
Ấy thế mà mặt khác, người ta lại đang lo cho nhu cầu tâm linh của dân thủ đô đến độ sắp sửa thông qua một dự án làm tuyến đường du lịch Mỹ Đình- Bái Đính trong khi không phải là thiếu đường đi. Dự án này đang có 3 phương án lựa chọn, rẻ nhất là 3.400 tỷ, đắt nhất là 4.300 tỷ, nghe những con số này, dân nghèo chắc phải dựng hết cả tóc mai, tóc gáy.
Một sự lãng phí khổng lồ đang từ trên giấy tờ sắp được hiện thực hóa trong nay mai, các ý kiến phản đối, phân tích hợp tình hợp lý của các chuyên gia về đường bộ và sự không đồng tình của người dân có lẽ sẽ không được tính đến.
Giá như, một phần nhỏ trong số tiền ấy, được dùng để tăng cường hệ thống xe cấp cứu, để giúp người dân được hưởng miễn phí dịch vụ cứu mạng này thì có lẽ cả 6,5 triệu dân thủ đô sẽ cảm thấy hoan hỉ như trông thấy tượng Phật ở chùa Bái Đính.
Phật dạy “cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp”, thế nhưng có lẽ trong trường hợp này, người ta đang nhân danh “tâm linh” để mở một con đường đưa chúng sinh về dưới chân Phật mà bất cần biết nó sẽ là một tội ác từ sự lãng phí khổng lồ.
Mà nghĩ đi nghĩ lại, chợt thấy dự án xây con đường du lịch tâm linh này có khi lại là một sự “nhìn xa trông rộng” của các cán bộ ở trên cao, vì trong thời buổi gặp tai nạn không được cứu như hiện nay, chúng sinh còn có cửa nào để kêu cầu khác hơn là tìm về với Phật?
Này nhé, thực phẩm bẩn, nhiễm độc, nguy hại đến sức khỏe giống nòi, nhưng trên thực tế, một cái bánh có đến 3 Bộ quản, nên cứ đùn đẩy nhau, và người tiêu dùng thì được khuyên “hãy trở thành người tiêu dùng thông thái”. Ra đường rủi lỡ có bị tai nạn giao thông, gọi đến cấp cứu thì cấp cứu trả lời vòng vèo rồi cũng phủi tay, thiệt mạng tự chịu. Buôn bán ở trung tâm thương mại, lỡ có bà Hỏa viếng thăm thì cứu hỏa cũng tê liệt vì xe thiếu nước, vì ít phương tiện, coi như mất trắng sản nghiệp một trăm phần trăm.
Chỉ mới kể ra sơ sơ vài ba câu chuyện thế thôi, đã thấy đúng là người dân tốt nhất nên thường xuyên tìm đến cầu khẩn Đức Phật, rồi gửi niềm tin vào cõi siêu nhiên chứ trông mong gì ở cõi trần này được nữa. Mặc dù để duy trì những cơ quan công quyền ở “cõi trần”, toàn “tiền tươi thóc thật” từ nghĩa vụ đóng thuế của dân cả đấy.
Cứ hình dung mai kia, khi mà con đường du lịch tâm linh Mỹ Đình- Bái Đính đã được khánh thành rồi, cả 6,5 triệu dân Hà Nội cứ dịp cuối tuần là lại rồng rắn kéo nhau hành hương tìm về với Phật để cầu xin sự chở che.
Nhưng rốt cục, họ sẽ khấn vái điều gì, có cách nào khác đâu, rồi cũng phải quay về khấn ông lo về vệ sinh an toàn thực phẩm đừng “ăn bẩn” để cho dân được “ăn sạch”. Khấn ông cấp cứu đừng hết xe vào lúc chẳng may có tai nạn giao thông. Khấn ông cứu hỏa đừng hết nước, hỏng thang đúng vào lúc chẳng may nhà bị cháy.
Chẳng biết phải nghe chúng sinh rào rào đồng thanh kêu than những lời cầu khấn ấy, Đức Phật có thấy phiền lòng?
Theo Phunutoaday

Thu ngân sách có nguy cơ ‘vỡ trận’

Ngay từ những tháng đầu năm, thu ngân sách đã là chủ đề nóng trên nhiều diễn đàn. Tình hình kinh tế khó khăn, kết quả kinh doanh kém, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, giải thể là nguyên nhân chính làm giảm nguồn thu ngân sách. Thậm chí có không ít doanh nghiệp lớn của các ngành kinh tế trọng điểm xin gia hạn, miễn giảm thuế như Vietsopetro, Viettel…

Ông lớn đua nhau xin miễn giảm

Tại các báo cáo cũng như nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, số DN chịu nhiều tác động của khủng hoảng và suy thoái kinh tế chủ yếu là DN vừa và nhỏ. Tuy nhiên thực tế thì khó khăn cũng không tha các DN lớn, thậm chí cả những DN đầu ngành.
Tháng 6.2013, ôtô Trường Hải gửi văn bản đề nghị gia hạn chậm nộp 1.200 tỉ đồng tiền thuế nhập khẩu trong vòng 1 năm với lý do nợ lớn, tồn kho cao, triển vọng thị trường kém sáng sủa. Đề xuất của Trường Hải đã được Chính phủ chấp thuận.
Sau đó 6 DN khác đang hoạt động trong lĩnh vực ôtô cũng gửi kiến nghị xin giảm, gia hạn thuế với lý do tương tự. Nếu như DN ôtô chỉ xin gia hạn nộp 1 năm thì ngành than thậm chí còn được giảm thuế xuất khẩu từ 13% xuống trở lại 10%.
Theo Vinacomin từ tháng 7.2013 sản lượng khai thác và xuất bán đã giảm dần chỉ còn từ 2,1 – 2,7 triệu tấn/tháng so với mức trung bình 4 triệu tấn/tháng của 6 tháng đầu năm.
Ôtô do cầu thị trường trong nước yếu, than khó xuất khẩu do thuế xuất điều chỉnh tăng, giá bán không cạnh tranh, còn với “ông lớn” dầu khí Liên doanh Vietsopetro là “không còn khoản tiền nào để ứng trước cho việc nộp ngay thuế xuất khẩu dầu thô”.
Giải thích cho nguyên nhân hết tiền nộp thuế thông quan, Vietsopetro cho biết, liên doanh để lại 35% khối lượng dầu thô khai thác được để trang trải chi phí cho hoạt động, đồng thời ủy thác trọn gói qua PVOil với thù lao 0,9USD/tấn để xuất khẩu. Do vậy, liên doanh này đề xuất tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thuế như “cũ”, tức là nộp thuế xuất khẩu chậm nhất là ngày thứ 35 kể từ ngày làm xong thủ tục hải quan thay vì nộp trước khi thông quan!
Không thiếu tiền nhưng “hậm hực” với chính sách “bên trọng, bên khinh”, Viettel cũng gửi văn bản xin miễn thuế nhập khẩu 5 năm với toàn bộ nguyên liệu, vật tư và bộ phận phụ trợ dùng cho hoạt động nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, lắp ráp điện thoại di động. Bởi theo Viettel, các hãng nước ngoài sản xuất điện thoại tại Việt Nam cũng được miễn thuế nguyên vật liệu, vật tư, linh kiện và bộ phận phụ trợ, “điển hình như Cty Samsung Electronics Vietnam”. Dường như cái khó thị trường đã thực sự bó cái khôn của mọi DN, từ lớn đến nhỏ!

Thu hụt hơi, chi tăng đều

Báo cáo thường kỳ tháng 8 của Bộ Tài chính, tổng thu cân đối NSNN ước đạt 50.100 tỉ đồng. Lũy kế đến hết tháng 8.2013, tổng thu NSNN ước đạt 484.820 tỉ đồng, bằng 59,4% dự toán. Thu nội địa đóng góp tỉ trọng lớn nhất vào tổng thu NSNN đạt 317.740 tỉ đồng, bằng 58,2% dự toán cả năm.
Tuy nhiên có tới 40/63 địa phương chưa đạt tiến độ thu theo yêu cầu, trong đó có các trọng điểm thu như: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương. Trong khi đó chi ngân sách 8 tháng đầu năm ước 604.670 tỉ đồng, bằng 61,8% dự toán, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2012. Bội chi 8 tháng khoảng 119.850 tỉ đồng, bằng 73,9% kế hoạch bội chi cả năm.
Năm 2012 được đánh giá là năm thu ngân sách đã rất khó khăn nhưng so sánh tình hình thu ngân sách năm 2013 cam go hơn nhiều. Năm 2012, Quốc hội đặt mục tiêu thu ngân sách 740.500 tỉ đồng và kết thúc năm ngành tài chính đã thu được 741.500 tỉ đồng.
Để hoàn thành mục tiêu, riêng trong 2 tháng cuối, ngân sách thu về hơn 176 ngàn tỉ đồng, xấp xỉ 1/4 tổng thu kế hoạch cả năm. Tuy nhiên với tình hình của năm 2013, khả năng để tăng tốc thu ngân sách trong 4 tháng cuối năm là thấp. Hơn nữa chỉ tiêu thu ngân sách 2013 được Quốc hội thông qua tăng 10% so với năm 2012, là 816.000 tỉ đồng. Thách thức hoàn thành mục tiêu cân đối thu chi ngân sách đối với ngành tài chính rất lớn.
Nghị quyết tháng 8 của Chính phủ đã đề nghị điều chỉnh tỉ lệ bội chi ngân sách “ở mức hợp lý” để báo cáo Quốc hội cho phép phát hành thêm trái phiếu chính phủ so với tổng mức đã được phê duyệt cho giai đoạn 2011-2015. Dù được Quốc hội thông qua hay không thì đề xuất này của Chính phủ cũng cho thấy khả năng thu ngân sách 2014 còn nhiều khó khăn và tiếp tục thử thách ngành tài chính.
THEO LAO ĐỘNG

Kinh tế Việt Nam vẫn trong lộ trình xuống đáy

Vấn đề kinh tế tăng trưởng chậm, trì trệ kéo dài và nguy cơ tụt hậu trong khu vực được các chuyên gia đưa ra phân tích tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2013 khai mạc sáng nay.
“Tại sao chúng ta lại duy trì những chính sách kìm nén sự phát triển kinh tế đất nước?”, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – Trần Đình Thiên đặt vấn đề tại phiên thảo luận sáng nay.
Theo ông, từ khủng hoảng toàn cầu và suy thoái kinh tế năm 2008, đến nay thế giới đã bước vào quỹ đạo phục hồi, nhưng Việt Nam vẫn đang trong lộ trình “xuống đáy”, với mối lo tụt hậu xa hơn so với các nước trong khu vực.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Trần Du Lịch – Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ Quốc gia cho hay, đây là giai đoạn bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài nhất kể từ đầu thập niên 1990. “Kinh tế Việt Nam lâm vào tình trạng bất ổn từ năm 2008, và dù dần hồi phục vào cuối năm 2012 do những chính sách kích thích tổng cầu nhưng bước vào năm 2013, vẫn đối mặt với nhiều thách thức”, ông nói.
Theo ông, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp nhưng nguy cơ bùng phát trở lại vẫn rình rập bởi những nguyên nhân nội tại của nền kinh tế chưa được giải quyết. Nợ xấu chưa cải thiện, tình trạng thừa tiền thiếu vốn còn kéo dài, những nỗ lực làm ấm thị trường bất động sản cũng chưa thể mang lại kết quả nên thanh khoản khó được cải thiện.
Năm 2013 cũng xuất hiện vấn đề mới có nguy cơ gây bất ổn kinh tế vĩ mô, đó là thâm hụt ngân sách do nguồn thu không đạt kế hoạch. Ông Lịch nhận xét: “Thâm hụt diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ, doanh nghiệp thua lỗ, thị trường bất động sản đóng băng đang trở thành vấn đề nan giải cho bài toán ngân sách trong hai năm tới”.
Chính phủ đã thông qua đề án tái cơ cấu kinh tế đến năm 2015. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quá trình triển khai rất chậm chạp và chưa mang lại hiệu quả. “Tái cơ cấu đầu tư chưa đụng đến cốt lõi vấn đề vận hành ngân sách Nhà nước, nợ xấu và sở hữu chéo vẫn còn nguyên, tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế Nhà nước mới thực hiện trên giấy”, ông Thiên đánh giá.
Viện trưởng Viện Kinh tế còn lo lắng hơn khi nghĩ tới chất lượng thống kê hiện nay, đe dọa tính hiệu quả của các bài toán kinh tế. “Số liệu tăng trưởng GDP các tỉnh gấp đôi toàn quốc, và cả hai đều là số liệu chính thức thì sự thực ở đâu? Sai số hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng nợ xấu, thu chi ngân sách… trong các báo cáo chẳng lẽ lại trở thành chuyện bình thường”, ông Thiên dẫn chứng.
Tiến sĩ Trần Du Lịch dự báo tăng trưởng GDP năm nay chỉ có thể đạt 5,2%, thấp hơn mục tiêu 5,5% Chính phủ đã đề ra. Lạm phát cả năm được kiểm soát ở mức khoảng 7%. Sang năm 2014, ông Lịch đánh giá kinh tế vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn trì trệ, dự báo GDP tăng 5,5% và CPI tăng 7%.
Chuyên gia này nhấn mạnh không nên đặt nặng mục tiêu tăng trưởng GDP mà cần cải cách thể chế hiện nay. “Tôi dám chắc với cơ chế ngân sách như hiện nay, nếu phát hành trái phiếu trả nợ cũ thì vừa trả hết đã lại phát sinh ra nợ mới. Chúng ta phải sắp xếp tất cả lại trên một mặt phẳng mới mong đưa nền kinh tế phát triển”, ông phát biểu.
Trong ngắn hạn, ông Trần Du Lịch cho rằng vẫn cần ưu tiên giải quyết nợ xấu của ngân hàng thương mại để xử lý điểm nghẽn của tín dụng, tạo điều kiện cho nền kinh tế hấp thụ vốn. Bên cạnh đó, phải xử lý một phần nợ xây dựng cơ bản mà ngân sách đang nợ doanh nghiệp và đưa gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho thị trường bất động sản hướng nhiều hơn đến phân khúc nhà ở phổ thông, hỗ trợ trực tiếp người mua chứ không hỗ trợ trực tiếp người bán.
Kế hoạch kinh tế 5 năm đã trải qua ba phần năm chặng đường, nhưng đến nay triển vọng phục hồi rất chậm. Một phân tích mới đây chỉ ra, tăng trưởng kinh tế giai đoạn này chỉ ước đạt 5,8%, thấp hơn mục tiêu 6,5-7% Quốc hội thông qua.
“Nếu nền kinh tế Việt Nam không đạt được tốc độ tăng trưởng khoảng 7- 8% mỗi năm trong vòng vài thập niên thì không thể kỳ vọng công nghiệp hóa thành công”, ông Lịch cảnh báo. Do vậy, tiến sĩ Trần Du Lịch đề xuất một chương trình trung hạn để phục hồi kinh tế nhằm chấm dứt tình trạng ban hành giải pháp theo kiểu “ăn đong” như vừa qua.
Đầu tiên, ông cho rằng cần thực hiện chính sách “lạm phát mục tiêu” với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7% mỗi năm trong 3 năm 2013-2015 và dưới 5% trong các năm tiếp theo. “Lạm phát mục tiêu sẽ tạo ra dư địa cho chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cũng như lộ trình điều chỉnh giá cả dịch vụ, hàng hóa công cộng, mà không gây ra lạm phát do chi phí đẩy”, ông Lịch cho biết.
Dựa trên chính sách “lạm phát mục tiêu”, vị này khuyến nghị chính sách tiền tệ và tài khóa phải phục vụ cho mục tiêu huy động tổng đầu tư xã hội từ 30-32% GDP trong 3 năm sắp tới. Đồng thời, Chính phủ cần mạnh dạn tăng chi tiêu công để kích thích tăng tổng cầu, với các giải pháp như tăng trần bội chi ngân sách so với mức 4,8% GDP hiện nay, phát hành trái phiếu Chính phủ ngoài định mức 45.000 tỷ đồng mỗi năm nhằm thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và các công trình xây dựng dang dở.
“Chúng ta ý thức việc phải bảo đảm an toàn của nợ công, nhưng trong tình thế hiện nay, chính đầu tư công là giải pháp có tác động nhanh nhất để kích thích sự tăng tổng cầu của nền kinh tế, khi mà chính sách tiền tệ đang có tác dụng hạn chế. Một khi nền kinh tế hấp thụ được vốn tốt hơn, có điều kiện để tăng tín dụng, thì sẽ giảm đầu tư công, khuyến khích đầu tư tư nhân, cân bằng mức nợ công như Quốc hội đã cho phép”, ông Lịch nhận định.
“Nhiệm vụ của năm 2 năm tới là phải phục hồi niềm tin của thị trường thông qua các chính sách kinh tế trung, dài hạn và kết quả của quá trình tái cơ cấu, trong đó tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và khu vực doanh nghiệp Nhà nước là quan trọng nhất”, vị đại biểu Quốc hội này phát biểu.
Theo Vnexpress

6 nghịch lý ‘bất thường’ của thị trường BĐS

Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, quá trình “sốt” giá đất đã tạo nên những nghịch lý của thị trường BĐS hiện nay.
Diễn đàn kinh tế Mùa thu năm 2013 đang diễn ra tại Thành phố Huế. Nhiều vấn đề kinh tế vĩ mô quan trọng đã và đang được các chuyên gia đưa ra luận đàm.
Trong phần viết về “Thị trường bất động sản và những giải pháp cần thiết”, GS. Đặng Hùng Võ đã đưa ra những đánh giá về thị trường BĐS, trong đó đáng chú ý là 6 nghịch lý của thị trường hiện nay.
Nghịch lý 1: Giá nhà ở trung bình cao gấp 25 lần thu nhập trung bình năm của người lao động (trong khi ở các nước khác tỷ lệ này là 2 – 4 lần), nếu người lao động tiết kiệm được 25% thu nhập thì cũng phải 100 năm sau mới mua được nhà. Đến nay, tỷ lệ này đã giảm tới mức 10 lần trong khu vực nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội.
Nghịch lý 2: Thừa cung nhà ở giá cao đã tạo nên kho BĐS tồn đọng gắn với nợ xấu mà không có cầu, trong khi đó thiếu cung trầm trọng đối với nhà ở giá thấp có cầu rất cao. Đây là nghịch lý của sự không gặp nhau giữa đường cung và đường cầu trong hoàn cảnh cả cung và cầu đều rất cao. Tổng cung và tổng cầu lúc này không có nghĩa.
Nghịch lý 3: BĐS tồn đọng nhiều nhưng giá BĐS chỉ hạ tới mức nhất định, không có hiện tượng phá giá vì vốn tồn đọng chủ yếu từ vốn góp của người tiêu dùng trong phương thức “mua nhà trên giấy”, vốn tín dụng từ ngân hàng chiếm tỷ lệ không cao và có một lượng vốn khá lớn từ các ngân hàng thương mại đầu tư trực tiếp cho thị trường BĐS chứ không thông qua cơ chế vay tín dụng.
Theo nghiên cứu của Dragon Capital, tổng BĐS tồn đọng của cả Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đã lên tới 70.000 căn hộ, nếu mức giá là 1,5 tỷ đồng mỗi căn thì ước tính tổng số vốn bị tồn đọng trong BĐS tồn đọng lên tới 100.000 tỷ đồng. Nhiều chuyên gia đã ước tính rằng thông thường để giải quyết số lượng tồn kho BĐS này phải mất ít nhất 7 năm.
“Kho tồn đọng” này tiếp tục tồn tại chờ Nhà nước cứu giúp. Nhà đầu tư kêu ca nhiều nhưng chỉ có rất ít nhà đầu tư chủ động tìm giải pháp cho mình.
Nghịch lý 4: Các nhà đầu tư BĐS nói rằng rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn, gần như phá sản nhưng trên thực tế vẫn có tới 80% đang kinh doanh có lãi, thực – hư quả khó lường. Các nhà đầu tư BĐS kêu cứu thảm thiết nhưng số lượng M&A không cao.
Nghịch lý 5: Giá nhà ở xã hội với nhiều ưu đãi của Chính phủ có giá cao hơn nhà ở thương mại giá thấp cùng loại, nhà ở xã hội đang được quản lý theo cơ chế thuần túy bao cấp trong khi giá nhà ở thương mại được hình thành từ cạnh tranh trên thị trường.
Giá nhà ở xã hội của Nhà nước, cũng đang được hình thành với nhiều ưu đãi của Nhà nước hiện cao hơn giá các nhà ở thương mại giá rẻ. Sự thực, để giải quyết tình trạng này không khó vì giá cả nhà ở luôn phụ thuộc vào công nghệ xây dựng, vật liệu xây dựng, chi phí quản lý, chi phí huy động vốn, v.v… Giá nhà ở xã hội cũng sẽ giảm nếu có những thay đổi tốt hơn về xây dựng, quản lý và huy động vốn.
Nghịch lý 6: Gói tín dụng ưu đãi cho người có thu nhập thấp mua nhà đã sẵn sàng với giá trị lên tới 21.000 tỷ đồng nhưng người có nhu cầu rất khó tiếp cận vốn, chưa biết bao giờ mới giải ngân xong và liệu người có thu nhập thấp thực sự có tiếp cận được ưu đãi này.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, những nghịch lý này nghe ra có vẻ bất thường nhưng thực sự lại rất bình thường trong thị trường BĐS hiện nay. Tất cả do tính thiếu chuyên nghiệp của thị trường BĐS, từ quản lý tới nhà đầu tư và tới người tiêu dùng. Thông tin không đầy đủ, thiếu chính xác. Các rủi ro gần như không được quản lý.
Như vậy, từ cuối năm 2012 tới nay có 2 việc cần làm cho thị trường BĐS nước ta: một là tăng cung cho khu vực giá rẻ gồm cả nhà ở xã hội nhằm thỏa mãn cầu rất cao của những người lao động có thu nhập thấp; và hai là giải quyết kho BĐS tồn đọng có giá cao và giá trung bình. Bên cạnh 2 việc này còn có một số việc khác cần làm nhằm tái cơ cấu khu vực kinh tế BĐS.
Theo Trí Thức Trẻ

Mỹ và những hoài nghi xung quanh Hiệp định thế kỷ TPP

 Mỹ đang theo đuổi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương bất chấp nghi ngờ mục đích địa chính trị, không phải thương mại đơn thuần.
Nếu mọi thỏa thuận đều êm xuôi thì trong một vài tháng nữa thế giới sẽ có một tổ chức lớn nắm quyền can thiệp đến mọi hoạt động thương mại, từ những vụ thầu ở Úc đến loại chỉ mà các thợ may Việt nam được sử dụng. Vùng thương mại này trải dài từ Mỹ đến New Zealand, từ Nhật Bản đến Peru, có thể sẽ là “Hiệp định thương mại thế kỷ”, hay nói cách khác, là bước tiến quan trọng nhất cho mậu dịch tự do trong hai thập niên tới.
Song Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) thực chất nhằm mục đích gì? Có ý kiến cho rằng, đó là “tiêu chuẩn vàng” của các vụ thương thuyết. Họ cho rằng, câu lạc bộ 12 thành viên theo đuổi tự do thương mại, đứng đầu là Mỹ, có thể tạo ra một cú huých cho vòng đàm phán đa phương Doha đang ngưng trệ.
Những người phản đối thì cho rằng TPP thể hiện sự thâu tóm quyền lực của các tổ chức lớn hòng gây nguy hại cho anh ninh lương thực, tiếp cận thuốc, cũng như tinh thần đoàn kết dân tộc.
Một số ý kiến khác cho rằng Hiệp định này không hợp lý, hoặc ít nhất cũng là chiến lược địa chính trị của Mỹ để tái xâm nhập vào ngành may mặc tự do thương mại của châu Á.
Từ một Hiệp định thương mại do Brunei, Chile, New Zealand và Singapore khởi xướng, năm 2008 TPP đã chuyển biến sang một hình thức khác, khi Mỹ bày tỏ quan tâm đến Hiệp định này. Từ đó, TPP đã mở rộng tới 12 thành viên, trong đó kết nạp thêm Úc, Canada, Malaysia, Mexico, Peru và Việt Nam, Nhật Bản. Đặc biệt, Nhật vốn được coi là nước “bảo thủ” trong quá trình tự do thương mại, đã gây nhạc nhiên khi tham gia vào quá trình thương thuyết. Sự gia nhập của Nhật Bản mang đến hiệu quả lớn cho nhóm các thành viên chiếm 2/5 sản lượng toàn cầu và 1/3 giao dịch thương mại quốc tế.
Thứ năm tuần trước, với tư cách là nhà đàm phán cấp cao tại vòng đàm phán TPP cuối cùng ở Washington, tổng thống Barack Obama đã phát biểu: “Mỹ đã đi được một đoạn đường dài để đưa Hiệp định đến thành công. Từ đây sẽ mở ra cơ hội cho những thị trường bị bó hẹp bởi những quy định nghiệm ngặt, đồng thời có mối quan hệ mật thiết với các công ty Mỹ”.
Các đại diện tham gia đàm phán TPP.
Đối với Washington, TPP thể hiện nhiều mục tiêu. Thứ nhất là để làm mới những quy tắc của WTO vốn không đổi từ năm 1994.
Thứ hai, tăng ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực châu Á, giảm quyền “bá chủ” của Trung Quốc.
Thứ ba là để tìm một phương thức thay thế hoặc thúc đẩy vòng đàm phán Doha bằng cách tạo áp lực cho nhiều quốc gia tham gia khu vực thương mại tự do. Nếu như Mỹ “một công đôi việc” có thể tích hợp thỏa thuận thương mại tự do đang theo đuổi với châu Âu, thì các nước chiếm 2/3 sản lượng toàn cầu sẽ là đối tác của Mỹ.
Về mặt lý thuyết, Washington khẳng định Hiệp định TPP có thể đạt được thỏa thuận trong năm nay với hy vọng đột phá ở cuộc họp Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương vào tháng tới tại Bali.
Song trong thực tế, hầu hết mọi người đều biết rằng đây là điều không thể và các cuộc đàm phán sẽ phải kéo dài đến tận năm sau. “Mỗi nước đều có một hay nhiều vấn đề riêng cần phải giải quyết”, ông Michael Froman, đại diện thương mại của Mỹ thừa nhận. Không chỉ một trong 29 chương trong bản thỏa thuận vô cùng phức tạp đã khép lại, mà những vấn đề gai góc nhất cũng vẫn đang để bỏ ngỏ.
Những mục tiêu được trính dẫn của TPP nhằm phát triển thương mại về chiều sâu qua các vấn đề cần giải quyết như: việc mua ngoài của Nhà nước, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý các doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra, TPP cũng nhằm làm mới các ký kết thương mại sau thời điểm phát triển WTO, gồm thương mại điện tử, điện toán đám mây cùng với các tiêu chuẩn về lao động và môi trường.
Đối với những người ủng hộ, TPP sẽ giúp phá bỏ các hàng rào phi thuế quan, đồng thời gia tăng sức ép cho các quốc gia như Nhật Bản và Việt Nam phải “nhượng bộ” một số quyền lợi trong nước vốn bất di bất dịch.
Đối với những người phản đối, TPP đại diện cho sự “ăn mòn” quyền làm chủ lợi ích trong các hoạt động kinh doanh lớn. Những người phản đối cũng phàn nàn rằng các cuộc đối thoại đã diễn ra trong không khí bí mật “bài dân chủ”.
Mitch Jones, giám đốc chương trình tài nguyên chung tại tổ chức phi lợi nhuận Food & Water Watch của Mỹ, cho rằng những thỏa thuận thương mại tự do mang lại ít lợi ích cho quỹ lương bình quân của Mỹ. Tệ hơn, Hiệp định TPP sẽ hạ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm bởi Mỹ sẽ chấp nhận nhập khẩu các sản phẩm, trong đó có hải sản từ Việt Nam không đạt các tiêu chuẩn an toàn hiện hành của Mỹ.
Những người ủng hộ Hiệp định TPP lo lắng những nguyên tắc cơ bản ban đầu sẽ bị hạ thấp trong các cuộc đàm phán, giờ đã ở vòng 19. Với một số quốc gia như Việt Nam và Singapore đến Mỹ và Nhật Bản, những điều lo lắng có thể rất dễ xảy ra.
Đại diện thương mại Mỹ nhấn mạnh Hiệp định TPP phải vượt lên trên những thỏa thuận thương mại bình thường, thiết lập những tiêu chuẩn cao và các nguyên tắc mạnh mẽ. Có quá nhiều quyền lợi mâu thuẫn khiến những “tiêu chuẩn cao” mà ông Froman đề cập khó có thể đạt được. Danh sách những vấn đề tranh cãi khá dài:
● TPP muốn luật sở hữu trí tuệ nghiêm ngặt hơn những tổ chức khác. Các nước nghèo hơn e sợ rằng những điều kiện như vậy sẽ khiến họ gặp gặp khó khăn trong việc sử dụng các loại thuốc gốc, khiến người dân không thể tiếp cận với các loại thuốc cứu mạng sống. Ngoài ra, những quy định nghiêm ngặt của luật sở hữu trí tuệ được đánh giá chỉ để làm lợi cho các nước phát triển hơn là các nước nghèo, bởi những nước có điều kiện kinh thế kém hơn thường sẽ tiếp thu những tiến bộ kỹ thuật qua việc sao chép. Do đó, theo ý kiến của nhóm phản đối thì đây là chiến thắng cho chủ nghĩa bảo hộ chứ không phải tự do thương mại.
● Thỏa thuận muốn điều tiết vai trò của các doanh nghiệp nhà nước, không nằm ngoài mục đích đưa các doanh nghiệp này vào sân chơi công bằng với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh khi xin giấy phép, đấu thầu hay nhận rót vốn từ nhà nước. Điều này được coi như là đòn tấn công vào chủ nghĩa tư bản nhà nước ở những quốc gia như Trung Quốc. Thậm chí ở Nhật Bản, bưu điện nằm trong tay nhà nước và ở Mỹ, hai ngân hàng Fannie Mae và Freddie Mac thuộc quyền quản lý nhà nước cũng có thể không đáp ứng được một số quy định trong bản thỏa thuận.
● TPP kêu gọi giải quyết những vụ tranh chấp của các nhà đầu tư mà theo lý thuyết sẽ cho phép các công ty kiện kính phủ nếu họ bị đối xử không công bằng. Úc đã cho rằng điều khoản này sẽ làm yếu đi quyền tự chủ của các công ty đa quốc gia. Cơ chế này sẽ tạo điều kiện cho các công ty dầu khí kiện nhà chức trách địa phương đã đưa ra các quy định ngặt nghèo về môi trường. Canada đã dấy lên mối lo ngại rằng các công ty thuốc lá có thể sử dụng những kêu gọi của TPP để kiện chính phủ đã đưa ra các quy định cấm thuốc lá. Thủ lĩnh phe đối lập ở Malaysia, ông Anwar Ibrahim đã miêu tả Hiệp định TPP như là một nỗ lực của Mỹ nhằm áp mô hình kinh tế lên những quốc gia không sẵn sàng gia nhập.
Xưởng may ở Việt Nam
● Như ở hầu hết các cuộc thương thuyết, mỗi nước đều tìm kiếm những ngoại lệ cho các ngành nhạy cảm. Nhật được tạo điều kiện tham gia vào các buổi tọa đàm trên cơ sở sẽ bỏ chế độ bảo hộ ngành nông nghiệp đã già cỗi. Tuy nhiên các nhà đàm phán Nhật trong những lần tọa đàm tại Brunei vào tháng 7 vừa qua, đã bày tỏ những mong muốn ưu tiên cho năm mặt hàng nông nghiệp “khan hiếm” gồm: gạo, lùa mì, thịt bò, sản phẩm từ sữa và đường. Canada và Mỹ đều muốn bảo hộ cho các sản phẩm từ sữa trước tiềm năng cạnh tranh lớn của NewZealand. Việt Nam bày tỏ mong muốn được ưu tiên cho ngành dệt may, từ đó có thể xâm nhập miễn thuế vào thị trường Mỹ trong khi vẫn tiếp tục sử dụng chất liệu sợi sản xuất từ các nước phản đối TPP, đặc biệt là Trung Quốc.
Để thuyết phục tất cả 12 nước thành viên đồng thuận với một chương trình nghị sự như vậy là quá khó. Trung Quốc nhận được rất nhiều đề nghị tham gia TPP với lập luận như: đất nước chỉ có một Đảng duy nhất như Việt Nam là một thành viên được đón chào, thì Trung quốc khó có thể tách biệt khỏi Hiệp định này. Sự vắng mặt của Trung Quốc rất đáng lưu tâm. Các thành viên của TPP cho rằng những lời cáo buộc về âm mưu cô lập Trung quốc là hoàn toàn không có cơ sở logic. Các nước đều không hề muốn đánh liều vứt bỏ cơ hội để tiếp cận thị trường Trung Quốc. Hàn Quốc, Indonesia và Thái Lan đã bày tỏ sự quan tâm đối với TPP kể từ khi các cuộc thương thảo đi đúng tiến trình và nhịp độ.
THEO FT/DÂN VIỆT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét