Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Bài viết đáng chú ý

Mỹ thiệt trước lợi sau khi chơi với VN?

Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trương Tấn Sang vừa có chuyến thăm thính thức Hoa Kỳ ba ngày theo lời mời của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Trong chuyến thăm này, hai bên đã ra tuyên bố chung nâng cấp quan hệ song phương lên "đối tác toàn diện", cam kết hợp tác và tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Nhân dịp này, BBC Tiếng Việt có cuộc trao đổi qua email với luật sư Hoàng Duy Hùng, nghị viên thành phố Houston thuộc tiểu bang Texas, Hoa Kỳ.
Ông Trương Tấn Sang gặp ông Obama
Hoa Kỳ và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên 'đối tác toàn diện'
Ông cho biết quan điểm về khả năng dễ dàng hay không trong việc thực hiện các cam kết trao đổi thương mại việc giữa các lãnh đạo Hoa Kỳ và Việt Nam, cũng như liệu Hoa Kỳ có đang ‘thua thiệt' khi có vẻ nhập nhiều song lại bán hàng sang Việt Nam ít hơn?
Ông Hoàng Duy Hùng: Lịch sử của thế giới cho thấy thời gian đầu giao dịch thương mại Hoa Kỳ thường bị “thua thiệt” như trường hợp Hoa Kỳ liên tục bị “thua thiệt” với Trung Quốc trong nhiều thập niên, xuất cảng thì ít mà nhập hàng từ Trung Quốc thì nhiều. Tuy nhiên, Hoa Kỳ là một anh tư bản có nhiều vốn và họ tính toán trường kỳ hơn ngắn hạn. Ngắn hạn thì họ thua thiệt đó, nhưng lâu dài thì chưa chắc. Hoa Kỳ đã dùng sự trỗi dậy của Trung Quốc để đánh đổ cả triều đại Cộng Sản do Nga Sô lãnh đạo để rồi sau đó Hoa Kỳ hưởng không biết bao nhiêu là quyền lợi từ vụ sụp đổ của Liên Xô. Đánh đổ xong Đế Quốc Cộng Sản, bây giờ Trung Quốc trở thành đối tác và đối thủ nặng ký thì Hoa Kỳ xoay sở sang tìm một thế lực khác để cân bằng Trung Quốc.
Đối với Việt Nam, cán cân mậu dịch có chênh lệch nhưng so với Trung Quốc thì không có là bao nhiêu hết. Hoa Kỳ đồng ý nâng cấp “chiến lược toàn phương diện” với Việt Nam cho thấy vai trò quan trọng của Việt Nam ở Đông Nam Á để cân bằng thế lực của Trung Quốc. Sự cân bằng thế lực của Trung Quốc quan trọng hơn nhiều với cán cân mậu dịch vài trăm triệu USD một năm. Hoa Kỳ chẳng có thua thiệt gì về vấn đề này cả vì Hoa Kỳ dùng sự cân bằng này để đạt nhiều lợi nhuận ở những nơi khác.
Thời đại này là thời đại của sự liên đới nương tựa lẫn nhau nên “interdependence” quan trọng hơn “independence” rất nhiều. Trung Quốc là đối thủ của Hoa Kỳ trên nhiều phương diện, nhưng chính Trung Quốc lại là “sự nương tựa lẫn nhau” (interdependence) cho sự phát triển của Hoa Kỳ, và ngược lại, Hoa Kỳ chính là chất xúc tác cho phát triển của Trung Quốc.
Nhiều người nghĩ rằng Hoa Kỳ dùng Việt Nam như một người tiền phong chống sự bành trướng của Trung Quốc xuống phía nam. Điều đó đúng một phần. Phần khác có lẽ cũng quan trọng không thua kém gì khác lại quan trọng hơn đó là Hoa Kỳ dùng Việt Nam như đầu cầu để khai thác tài nguyên và đầu tư của Khối Asean.
Cục diện của Việt Nam không thể nào chỉ được đánh giá dễ dàng hay không dễ dàng dựa trên tiểu chuẩn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ mà phải nói dựa trên tiêu chuẩn “con cờ Việt Nam” như thế nào trong ván cờ quốc tế.
Trong ván cờ quốc tế hiện nay, Việt Nam đang từ từ trỗi dậy ở phía nam, là đầu tàu quan trọng của Asean nên Hoa Kỳ đối xử rất “rộng tay” với Việt Nam cho dầu còn có nhiều vấn đề lấn cấn như vấn đề đàn áp nhân quyền hay không có đối lập ở Việt Nam. Đó là lý do tại sao Tổng Thống Barack Obama đã tiếp đón rất long trọng với Chủ Tịch Trương Tấn Sang và đã rộng tay trong vấn đề mậu dịch với Việt Nam dẫu rằng rất nhiều người Việt biểu tình ở ngoài Tòa Bạch Ốc cũng như nhiều Thượng Nghị Sĩ và Dân Biểu của Hoa Kỳ đã viết thư yêu cầu Tổng Thống Barack Obama làm áp lực với Chủ Tịch Trương Tấn Sang nhiều hơn nữa trong vấn đề nhân quyền.
Quá trình của Hoa Kỳ đối xử với Trung Quốc như thế nào trong những thập niên trước cũng sẽ được áp dụng tại Việt Nam. Như thế, trong khoảng 2 thập niên tới, chúng ta sẽ thấy Hoa Kỳ rất “rộng rãi” với Việt Nam giúp cho Việt Nam trở thành một Trung Quyền Lực (Middle Power) để thăng bằng cán cân trong vùng. Trong những thập niên trước, Hoa Kỳ cũng đã từng lên tiếng về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc thì Hoa Kỳ cũng sẽ liên tục lên tiếng vấn đề nhân quyền ở Việt Nam trong những thập niên tới, nhưng đó cũng chỉ là chiêu thức võ miệng chứ trong thực tế không có tác dụng mạnh mẽ.
Vì chính sách thực tiễn của Hoa Kỳ nên Hoa Kỳ dùng những cuộc biểu tình hay những thỉnh nguyện thư của người Việt như một lá bài để trả giá với Việt Nam. Thời điểm này Việt Nam cũng đã khá thành thạo chính sách đó của Hoa Kỳ nên khi cần thì họ tương nhượng và khi thấy quyền lực của Đảng Cộng Sản bị gậm nhấm thì họ nhất quyết không thỏa hiệp. Đó là nguyên do chúng ta thấy trong chuyến công du của Chủ Tịch Trương Tấn Sang vừa qua đã không có những sự trả tự do cho các bloggers trước khi ông đến Washington D.C và dự trù cũng sẽ không thả một ai sau chuyến công du.
'Nói gà, nói vịt'
BBC: Kinh nghiệm của ông từ TP Houston cho thấy khi thúc đẩy đầu tư của Hoa Kỳ sang Việt Nam, doanh nhân Mỹ e ngại điều gì? Tham nhũng? Luật lệ bất nhất?
Kinh nghiệm của tôi ở Thành phố Houston, các doanh nhân e ngại luật pháp của Việt Nam còn rất bấp bênh. Họ e ngại Ngành Tư pháp không được độc lập hơn là e ngại vấn đề tham nhũng. Vấn đề tham nhũng là một vấn nạn nhưng cũng còn có thể giải quyết bằng luật pháp. Hệ thống luật pháp không có vững và ngành tư pháp không độc lập thì không còn cách gì để cứu vãn. Do đó, triệt hạ tham nhũng là một cấp bách, nhưng Việt Nam cần xây dựng hệ thống luật pháp vững vàng và ngành tư pháp phải được độc lập lại càng cấp bách hơn.
BBC: Là một luật sư, ông nghĩ sao về tuyên bố chung Mỹ – Việt nói về nhân quyền? Quan hệ giữa nhân quyền và nhà nước pháp quyền trong bối cảnh VN hiện nay ra sao?
Nhân quyền là một vấn đề khá trừu tượng vì mỗi người hiểu nhân quyền theo quan niệm của họ. Tôi được biết rất nhiều Thượng Nghị Sĩ và Dân Biểu Hoa Kỳ đã viết thư yêu cầu Tổng Thống Barack Obama nói về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam với Chủ Tịch Trương Tấn Sang. Tổng Thống Obama hiểu nhân quyền theo tiêu chuẩn khác và Chủ Tịch Trương Tấn Sang hiểu nhân quyền theo tiêu chuẩn khác. Tôi cho rằng trong cuộc họp Thượng Đỉnh Mỹ Việt vừa qua, ở phạm trù nhân quyền, ông đã nói gà và bà đã nói vịt. Rốt cuộc, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không xoáy sâu vào vấn đề nhân quyền mà là quyền lợi kinh tế cũng như ảnh hưởng chính trị của mỗi quốc gia.
Ở Việt Nam hiện nay các cán bộ Cộng sản cũng tự hào họ có dân chủ nhưng phải hiểu “Dân Chủ” ở đây là “Dân Chủ Tập Trung của Đảng Cộng Sản” nên khi bàn đến nhiều khi không đạt được kết quả chỉ vì hai quan niệm khác nhau. Các bloggers bị bắt bỏ tù nhiều năm tháng cũng chỉ vì quan niệm “Dân Chủ” thì phải có “đa đảng” khác với quan niệm “độc đảng” của Đảng Cộng Sản. Một nhà nước nhân quyền như Hoa Kỳ khi làm việc với một nhà nước độc đảng như Việt Nam thì buộc lòng họ phải nhân nhượng một số nguyên tắc để cả hai cùng có lợi. Chính vì “quyền lợi” là nền tảng cho sự quan hệ nên chúng ta thấy đề tài nhân quyền có được nêu lên đi nữa thì chỉ là món đồ trang sức chớ không đi vào thực dụng và có đủ “răng” để “cắn” cho Việt Nam phải chấp thuận đa đảng.
Học bài học đầy thực tiễn này, các nhà đấu tranh dân chủ cần phải uyển chuyển sách lược để mang lại kết quả hơn là cứ nêu cao sĩ khí ngất trời rồi tốn hao chủ lực. Nhưng khổ bản chất của sĩ phu lại đặt nặng ý tưởng “thà chết vinh hơn sống nhục” nên âu đó cũng là vận nước vậy.
(BBC)

Phe hữu Mỹ bực vì Obama và Hồ Chí Minh

Chia rẽ trong chính trị Hoa Kỳ lại được khơi dậy sau câu nói của Tổng thống Barack Obama về lãnh tụ cộng sản Hồ Chí Minh.
Khi tiếp Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang ở Nhà Trắng hôm 25/7, ông Obama cho biết phía Việt Nam tặng ông bản sao lá thư Hồ Chí Minh gửi tổng thống Mỹ Harry Truman năm 1946 bày tỏ mong muốn có quan hệ “hợp tác đầy đủ” .
“Hồ Chí Minh thực sự có cảm hứng nhờ Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp Hoa Kỳ, và những lời nói của Thomas Jefferson.”
“Hồ Chí Minh đã nói ông muốn hợp tác với Hoa Kỳ. Và Chủ tịch Sang bày tỏ rằng ngay cả nếu 67 năm đã trôi qua, thì cũng là điều tốt khi chúng ta còn đang có tiến bộ,” ông Obama nói.
Ông Hồ Chí Minh đã trích dẫn Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Mỹ
‘Thiếu hiểu biết’
Ngay lập tức kênh truyền hữu cánh hữu Fox News gọi bình luận của ông Obama là “ngu dốt”, đặt câu hỏi phải chăng ông xúc phạm giới cựu binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam.
Chris Stirewalt, biên tập viên chính trị của Fox News, cho rằng ngụ ý của ông Obama, tổng thống thuộc đảng Dân chủ, là “giá như ông Hồ và Truman có thể làm những gì mà Obama và ông Sang làm tuần này, thì đã tránh được biết bao hiểu lầm”.
Ông này nói “thật khó hiểu làm sao” Người Cha Lập Quốc như Jefferson lại “gây cảm hứng cho sự nghiệp giết chóc của nhà độc tài Việt Nam”.
“Việc liên hệ giữa những nhà sáng lập Hoa Kỳ và ông Hồ cho thấy hoặc tổng thống vô cùng thiếu hiểu biết lịch sử hoặc chứng tỏ sự mềm dẻo đạo đức đáng ngạc nhiên.”
Viết trên tờ Wall Street Journal, cây bút Ronald Radosh lại nói Hồ Chí Minh “không phải là Washington hay Jefferson; ông ta là tay Marxist-Leninist trung thành”.
“Hãy gạt đi ý tưởng là Hồ Chí Minh có chút gì quan tâm đến Tuyên ngôn Độc lập, ngoại trừ đó chỉ là công cụ mà có lúc ông ta dùng đến để hy vọng đạt được các mục tiêu cộng sản,” người này viết.
Một số chính khách đảng Cộng hòa cũng ra tuyên bố phản đối.
Dân biểu Texas, Sam Johnson, từng bị giam bảy năm tại nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội trong thời chiến, nói ông Obama “xúc phạm” các tù nhân chiến tranh.
“Đây là cú tát vào mặt những người từng phục vụ - và đặc biệt những ai phải trả cao nhất cho tự do trong thời kỳ đen tối đó,” ông này ra thông cáo.
Từ Florida, dân biểu Ileana Ros-Lehtinen tuyên bố "đánh đồng Hồ Chí Minh với Thomas Jefferson là xúc phạm cống hiến và hy sinh của những người từng phục vụ ở Việt Nam".
"Dám nói một tay đồ tể tàn sát đối thủ và giết những người chống lại ách chuyên chế lại có cảm hứng từ những lý tưởng đã đưa quốc gia này trở thành đất nước tự do và dân chủ nhất thế giới, là coi thường những Người Cha Lập Quốc và những người đổ máu để bảo vệ viễn kiến của họ," bà giận dữ.
Nhưng cũng có người bênh vực tổng thống Mỹ, như cây bút Asawin Suebsaeng trên trang Mother Jones.
“Bình luận của Obama không phải là nói hớ hay xúc phạm các cựu binh Mỹ,” ông này viết.
“Điều Obama nói là sự thật lịch sử. Tháng Chín 1945, Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại Hà Nội.”
“Lá cờ ánh sao chói lọi [quốc ca Mỹ ] được một ban nhạc người Việt chơi lúc ông ta đọc diễn văn, nhưng ông ta còn mở đầu tuyên ngôn bằng trích dẫn Thomas Jefferson,” cây bút này nhắc lại.
(BBC)

Đằng sau hợp tác đối tác toàn diện Mỹ - Việt


Tổng thống Hoa Kỳ Barak Obama tiếp Chủ tịch Trương Tấn Sang tại Nhà Trắng hôm 25/07/2013.
AFP

Trong cuộc gặp giữa Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 25 tháng 7, lãnh đạo hai nước thống nhất đưa quan hệ hai nước thành đối tác toàn diện. Quan hệ đối tác toàn diện có gì khác với đối tác chiến lược? có gì đằng sau tên gọi quan hệ đối tác mới giữa hai nước?

Đối tác toàn diện với Mỹ là gì?

Hơn 2 năm sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Cliton vào năm 2010 tuyên bố đã có đủ cơ sở để Mỹ và Việt Nam nâng tầm quan hệ chiến lược lên một mức mới, vào ngày 25 tháng 7 vừa qua, lãnh đạo hai nước tuyên bố mối quan hệ Việt Nam và Mỹ là quan hệ hợp tác đối tác toàn diện. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama phát biểu với báo chí sau cuộc gặp với Chủ tịch Trương Tấn Sang vào cùng ngày:

“Tất cả chúng ta đều biết về lịch sử rất phức tạp giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Nhưng từng bước, chúng ta đã có thể xây dựng được sự tôn trọng và lòng tin để bây giờ cho phép chúng ta công bố một “hợp tác đối tác tòan diện” giữa hai quốc gia để từ đó có sự hợp tác rộng lớn hơn trong tất cả mọi lĩnh vực từ thương mại và mậu dịch cho đến hợp tác giữa hai quân đội và hợp tác song phương trong cứu nạn, cho đến trao đổi khoa học và giáo dục.”
Thuật ngữ đối tác chiến lược là một thuật ngữ chính trị để xác định từng nước mà VN đã phát triển quan hệ song phương toàn diện và VN coi nước đó là đặc biệt quan trọng.
-GS Carl Thayer
Trước chuyến thăm của chủ tịch Trương Tấn Sang tới Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Obama, đã có nhiều dự đoán về khả năng Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ nâng tầm quan hệ lên thành đối tác chiến lược. Trong diễn đàn Shangrila tại Singapore vào tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng cũng nói đến mong muốn của Việt Nam được thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Cho đến lúc này, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 11 nước, trong đó có 3 nước thường trự Hội đông bảo an là Trung Quốc, Nga, và Anh. Vẫn còn hai nước lớn mà Việt Nam chưa thể có quan hệ đối tác chiến lược chính là Mỹ và Pháp.

Trong bài viết mới đây trên blog cá nhân, Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về châu Á thuộc Công ty tư vấn Thayer Consultancy, giải thích có sự khác biệt giữa quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện. Về khái niệm đối tác chiến lược, giáo sư Carl Thayer viết:

“Thuật ngữ đối tác chiến lược là một thuật ngữ chính trị để xác định từng nước mà Việt Nam đã phát triển quan hệ song phương toàn diện và Việt Nam coi nước đó là đặc biệt quan trọng trong việc đạt được quyền lợi quốc gia của mình.”

Theo Giáo sư Carl Thayer, việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam với các nước thường đi cùng với một bản tuyên bố chính thức mà nội dung và hình thức của tuyên bố này có thể khác nhau với từng nước.

Trước khi Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Hoa Kỳ, Việt Nam cũng đã thiết lập đối tác toàn diện với Úc từ năm 2009. Nguyên nhân được đưa ra là vào lúc đó Thủ tướng Úc, Kevin Rudd đã khước từ chữ chiến lược vì cho rằng mối quan hệ song phương giữa hai nước chưa đạt đến mức thân thiết nếu so với các hợp tác mà Úc có được với các đồng minh và các khác có cùng quan điểm. Tuy nhiên trong đối tác toàn diện với Úc, hai nước có thiết lập kế hoạch hành động từng năm trong thỏa thuận đạt được về đối tác toàn diện giữa hai nước.

Theo phân tích của Giáo sư Carl Thayer, đối tác toàn diện với Mỹ là một việc vẫn đang trong quá trình hoàn tất, dựa chủ yếu vào những cơ chế hợp tác hiện có giữa hai nước trên cả 9 lĩnh vực được đề cập trong tuyên bố chung. Đối tác toàn diện giữa hai nước cũng không đề cập đến một kế hoạch hành động như với Úc và bản tuyên bố chung cũng không nói đến cơ chế cấp cao về hợp tác trên 9 lĩnh vực là chính trị ngoại giao, quan hệ kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ, giáo dục, môi trường y tế, khắc phục hậu quả chiến tranh, quốc phòng an ninh, quyền con người, văn hóa, du lịch và thể thao.

Tại sao chỉ là đối tác toàn diện?

Câu hỏi đặt ra là tại sao hai nước Mỹ và Việt Nam chỉ hợp tác đối tác toàn diện mà không phải là đối tác chiến lược, giữa lúc Mỹ đang chuyển trục chiến lược về châu Á, và Việt Nam đang cần quan hệ với Mỹ để tạo thế cân bằng với người láng giềng Trung Quốc? Giáo sư Carl Thayer đưa ra hai giải thích:

“Có hai giải thích có thể về việc Mỹ và Việt Nam chọn đối tác toàn diện thay vì đối tác chiến lược. Thứ nhất, đàm phán về đối tác chiến lược đã bế tắc và hai bên đồng ý là một thỏa thuận ít chính thức hơn vẫn tốt hơn là không có được một thỏa thuận nào. Giải thích thức hai là các nguồn tin ở Việt Nam cho biết các lãnh đạo cấp cao bảo thủ của Đảng Cộng sản không thích dùng chữ đối tác chiến lược để miêu tả quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ. Ví dụ, sau khi tuyên bố chung được công bố, Bộ Ngoại giao đã chỉ định cho báo chí không được nói quan hệ đối tác toàn diện là nâng cấp của quan hệ hai nước Việt Nam Hoa Kỳ. Báo chí Việt Nam chỉ được đưa tin là quan hệ đối tác toàn diện mà thôi.”

Về dự đoán khả năng đưa quan hệ hai nước lên tầm đối tác chiến lược trước chuyến đi của Chủ tịch Trương Tấn Sang, Giáo sư Nguyễn mạnh Hùng, trường đại học George Mason nói với đài Á Châu Tự do:
Từng bước, chúng ta đã có thể xây dựng được sự tôn trọng và lòng tin để bây giờ cho phép chúng ta công bố một “hợp tác đối tác tòan diện” giữa hai quốc gia để từ đó có sự hợp tác rộng lớn hơn.
-TT Barack Obama
“Việt Nam rất muốn đẩy cao tầm quan hệ chiến lược với Mỹ bởi vì ông tuyên bố ông muốn thiết lập đối tác chiến lược với tất cả 5 quốc gia thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, ông đã làm được 3 rồi, chỉ còn Pháp với Mỹ thôi. Ông Mỹ rất quan trọng. Việt Nam rất tha thiết. Nếu Việt Nam có một số nhượng bộ thỏa đáng thì tôi nghĩ trong thông cáo chung sẽ có thể phản ánh được hoặc là một sự tiến bộ, hoặc là một sự nào đó trong quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và Việt Nam.”

Một trong các nhượng bộ được nói đến nhiều nhất chính là vấn đề nhân quyền tại Việt Nam. Ngay từ trước chuyến đi, đã có những tổ chức nhân quyền quốc tế, dân biểu Mỹ và các nhà hoạt động xã hội tại Việt Nam lên tiếng kêu gọi Hoa Kỳ phải gây sức ép lên Việt Nam về vấn đề này trước khi có các đàm phán về hiệp ước xuyên Thái Bình dương (TPP), về dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí và để tiến tới là hợp tác đối tác chiến lược.

Theo HRW, tình hình nhân quyền tại Việt Nam trong năm qua tiếp tục xuống dốc. Chỉ trong nửa đầu năm 2013 số người bất đồng chính kiến, bloggers và lãnh đạo tôn giáo ở Việt Nam bị kết án đã vượt quá con số của năm 2010 và năm 2011 với khoảng gần 50 người.

Vấn đề nhân quyền cũng đã khiến đối thoại nhân quyền thường niên giữa Mỹ và Việt Nam vào cuối năm ngoái bị trì hoãn cho đến tận đầu năm nay.

Nhân quyền cũng có thể coi là rào cản lớn giữa hai nước và được lãnh đạo hai quốc gia nhìn nhận trong phát biểu với báo chí. Tổng thống Obama nhấn mạnh nước Mỹ luôn coi trọng các quyền cơ bản của con người và đề cập đến những thách thức tại Việt Nam.

“Hoa Kỳ tiếp tục tin tưởng rằng tất cả chúng ta đều phải tôn trọng những vấn đề như quyền tự do phát biểu ý kiến, tự do tôn giáo và tự do lập hội. Chúng tôi đã có một cuộc trao đổi rất thẳng thắn về những tiến bộ Việt Nam đạt được cũng như những thách thức còn tồn tại.”

Còn Chủ tịch Trương Tấn Sang thừa nhận bằng một câu ngắn gọn:

“Về vấn đề quyền con người, hai bên vẫn còn những điểm khác biệt.”

Cũng bởi những cách biệt này mà cho đến lúc này Hoa Kỳ vẫn chưa dỡ bỏ những hạn chế về bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Bất chấp những khác biệt về vấn đề nhân quyền, lãnh đạo hai quốc gia vẫn khẳng định sẽ tiến tới hoàn tất việc đàm phán TPP vào cuối năm nay để đẩy mạnh hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại.

Rõ ràng là tên gọi đối tác toàn diện giữa hai nước chưa thể coi là tương đồng với đối tác chiến lược, nếu xét về tổng thể. Nhưng theo kết luận trong bài viết mới đây của Giáo sư Carl Thayer, các thảo luận mới đây của hai lãnh đạo quốc gia đã đưa hợp tác song phương lên cao trong các lĩnh vực thương mại và kinh tế. Trong khi đó, hợp tác trong các lĩnh vực khác sẽ vẫn tiếp tục ở mức hiện có.

Việt Hà, phóng viên RFA
2013-07-26

Bài phát biểu của CT Trương Tấn Sang tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS)

Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong một châu Á – Thái Bình Dương năng động và thịnh vượng
LTS- Tiếp tục các hoạt động trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, ngày 26-7 (theo giờ Việt Nam), Chủ tịch nước TRƯƠNG TẤN SANG đã đến thăm Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) và có bài phát biểu quan trọng tại đây. Dưới đây là toàn văn bài phát biểu.

Ông Trương Tấn Sang thăm Mỹ

Thưa Tiến sĩ Giôn Ham-rơ, Chủ tịch - Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ
Thưa các quý vị và các bạn,
Tôi vui mừng tới thăm và phát biểu ý kiến với các quý vị tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ (CSIS). Trong khán phòng hôm nay, tôi được biết nhiều học giả có tên tuổi, nhiều vị đã có mối quan tâm lâu dài với Việt Nam. Nhiều vị đã và đang có những đóng góp rất quan trọng cho mối bang giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Xin gửi tới các quý vị lời chào trân trọng và lời cảm ơn chân thành nhất.
Tôi đánh giá cao vai trò của CSIS, với tư cách là một trung tâm học thuật, nghiên cứu chiến lược hàng đầu ở Hoa Kỳ và trên thế giới, trong việc tăng cường đối thoại, hiểu biết giữa chính giới, học giả và nhân dân các nước, cũng như đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến an ninh, hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên thế giới. Ðó là những quan tâm và lợi ích mà tất cả các nước đều chia sẻ. Ðây chính là nhân tố quan trọng và rất cần thiết để thúc đẩy sự hợp tác và phát triển của quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong giai đoạn tới.
Tôi muốn chia sẻ một số suy nghĩ về khung cảnh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong khung cảnh đó.
Những chuyển dịch sâu sắc, chưa từng có trên toàn cầu trong hơn một thập kỷ qua khẳng định, trong thế kỷ 21, khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực phát triển năng động nhất và đóng vai trò đầu tàu trong liên kết kinh tế thế giới. Ðây là khu vực tập trung 10 trong số 20 nền kinh tế lớn nhất, với tỷ trọng thương mại xuyên Thái Bình Dương hiện đã chiếm 2/3 thương mại toàn cầu, đóng góp gần 40% tăng trưởng toàn cầu.
Châu Á - Thái Bình Dương ngày nay đang đem lại cơ hội cho tất cả các quốc gia trên thế giới. Hoa Kỳ cùng chia sẻ bờ biển Thái Bình Dương, châu Âu với những mối liên hệ lịch sử, các nước ven bờ Ấn Ðộ Dương gắn chặt với Thái Bình Dương qua eo biển Ma-lắc-ca. Sự thịnh vượng kinh tế của mỗi nước tại khu vực - dù đó là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, hay Ấn Ðộ và các nước ASEAN - đều đóng góp cho sự thịnh vượng chung của cả khu vực. Và ngược lại, một châu Á phồn vinh cũng tạo đà mạnh mẽ cho sự phát triển của mỗi nước trong khu vực. Sự phát triển của khu vực gắn liền với phần còn lại của thế giới. Do đó, việc các nước lớn đặt châu Á - Thái Bình Dương ở vị trí ưu tiên trong chính sách của mình là điều tất yếu.
Những cơ hội to lớn mà châu Á - Thái Bình Dương đem lại đang thúc đẩy xu hướng hợp tác, liên kết năng động. Các diễn đàn khu vực và liên khu vực như APEC, ASEM tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong liên kết giữa các nước ven bờ Thái Bình Dương với châu Á, giữa châu Âu với châu Á. Trong vài năm gần đây, bên cạnh việc triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã ký kết, các nước cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ các liên kết kinh tế mới sâu rộng hơn rất nhiều về cấp độ, quy mô và không gian kinh tế như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Khu vực thương mại tự do Ðông Bắc Á. Tất cả các kênh liên kết này sẽ chiếm tỷ trọng lớn và sẽ đem đến những thay đổi đáng kể trong nền kinh tế toàn cầu, góp phần tạo động lực phát triển mới, đồng thời mở ra triển vọng hướng tới một khu vực thương mại tự do chung cho toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Có thể nói, việc thực hiện thành công các liên kết này có tầm quan trọng chiến lược với tất cả chúng ta.
Thưa các quý vị,
Những tiềm năng của khu vực là hết sức to lớn. Thế nhưng những tiềm năng đó có trở thành hiện thực hay không phụ thuộc vào môi trường hòa bình, an ninh khu vực. Bảo đảm một môi trường hòa bình, ổn định, ngăn chặn và kiểm soát các xung đột là trách nhiệm chung của các nước trong và ngoài khu vực.
Việc xây dựng và củng cố một cấu trúc khu vực nhằm tăng cường hợp tác, kết nối giữa các nước về kinh tế, thương mại, chính trị, an ninh, văn hóa, xã hội chính là sự bảo đảm hữu hiệu nhất cho hòa bình và thịnh vượng. Nằm ở trung tâm của khu vực trải rộng từ Thái Bình Dương tới Ấn Ðộ Dương và là cầu nối giữa các cường quốc, các nước vừa và nhỏ, ASEAN có vị trí hết sức quan trọng trong các tiến trình hợp tác ở châu Á. Chính vì vậy mà các nước đều thừa nhận vai trò trung tâm của Hiệp hội ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.
Ðể bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và phát triển, ASEAN sẽ tăng cường hoạt động của cơ chế, diễn đàn, thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện các công cụ, chuẩn mực, quy tắc. Trong vấn đề an ninh, an toàn và tự do hàng hải, ASEAN kiên trì thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, thực hiện đầy đủ DOC, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật Biển 1982. Việc ASEAN và Trung Quốc mới đây đạt được nhất trí về khởi động tham vấn chính thức nhằm hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC) là dấu hiệu tích cực ban đầu và cần tiếp tục được thúc đẩy.
Về kinh tế, ASEAN là giao điểm của nhiều mạng kết nối kinh tế - thương mại tại châu Á - Thái Bình Dương. ASEAN sẽ nỗ lực hơn nữa nhằm gắn kết các hiệp định thương mại tự do song phương cũng như đa phương, thúc đẩy việc hướng tới một khu vực thương mại tự do chung cho toàn khu vực. Xu thế hướng tới liên kết khu vực chặt chẽ sẽ là chất xúc tác mạnh mẽ cho các mối quan hệ kinh tế và lợi ích đan xen giữa các nước, một bảo đảm cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng lâu dài.
Các nước lớn luôn có vai trò quan trọng trong các mối quan hệ quốc tế, trong các cơ chế đa phương và tại châu Á - Thái Bình Dương. Tăng cường quan hệ với các nước đối tác quan trọng luôn là một ưu tiên của ASEAN cũng như Việt Nam. Trong việc xử lý các vấn đề an ninh, điều mà ASEAN mong muốn là hòa bình, ổn định được duy trì, các cơ chế khu vực phát huy vai trò, luật pháp quốc tế được tôn trọng. Chúng tôi mong muốn tất cả các cường quốc đóng góp một cách có trách nhiệm vào nỗ lực chung này. Hiệp hội sẽ không trở thành công cụ cho bất cứ sự đối đầu và chia rẽ nào, một điều sẽ không đem lại lợi ích cho bất kỳ quốc gia nào, dù lớn hay nhỏ.
Trong bối cảnh đó, việc xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN tự cường vào năm 2015 đã trở thành ưu tiên số một của các nước thành viên Hiệp hội. Ðối với Việt Nam, đây là một nội hàm hết sức quan trọng trong đường lối đối ngoại của chúng tôi. Chúng tôi đã và sẽ tham gia vào các hoạt động của ASEAN một cách chủ động, tích cực và có trách nhiệm, gắn lợi ích quốc gia của mình với lợi ích chung của Hiệp hội nhằm củng cố vai trò, vị thế của ASEAN, duy trì và tăng cường đoàn kết, đồng thuận nội khối. Có như vậy, ASEAN mới có đủ sức mạnh, tự cường để xây dựng thành công Cộng đồng. Chúng tôi cũng sẽ cùng các nước phấn đấu đưa Hiệp hội trở thành hạt nhân trung tâm trong tiến trình hợp tác khu vực, tăng cường mối quan hệ tương tác sâu rộng với các nước đối tác nhằm phục vụ các mục tiêu và lợi ích chung.
Thưa các quý vị,
Trong lòng một khu vực châu Á - Thái Bình Dương năng động và giàu tiềm năng, mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã thực sự được mở rộng và nâng tầm trên nhiều lĩnh vực, cả bề rộng, bề sâu cũng như hiệu quả của các lĩnh vực đó. Nếu nhìn lại cả chặng đường dài lịch sử, chúng ta mới thấy được những bước tiến, những thành tựu trong quan hệ hai nước ngày nay là rất có ý nghĩa.
Như các quý vị có thể đã biết, cách đây 100 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt chân lên đất nước Hoa Kỳ trên con đường đi tìm tự do và độc lập cho dân tộc mình. Người đã chia sẻ những khát vọng chung của loài người, được Tổng thống Hoa Kỳ Thô-mát Gie-phơ-xơn nêu trong Tuyên ngôn 1776 khai sinh ra nước Hợp chúng quốc Hoa Kỳ: Ðó là khát vọng được sống, bình đẳng, tự do và hạnh phúc. Tháng 2-1946, không lâu sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Tổng thống Hoa Kỳ Tru-man bày tỏ mong muốn hai dân tộc cùng dựng xây mối quan hệ "hợp tác đầy đủ". Trải qua những thăng trầm của lịch sử, năm 1995, hai nước đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một chương mới trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.
Ðối với Việt Nam, việc tăng cường quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ nằm trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đưa các mối quan hệ với các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, ổn định. Sáng hôm nay, tôi đã có cuộc hội đàm với Ngài Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma. Tôi vui mừng thông báo với các bạn, Việt Nam và Hoa Kỳ đã nhất trí xác lập khuôn khổ quan hệ Ðối tác toàn diện. Theo đó, hợp tác giữa hai nước sẽ gồm tất cả các lĩnh vực: chính trị - đối ngoại, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, khoa học - công nghệ, quốc phòng-an ninh. Chúng ta sẽ tiếp tục hình thành những cơ chế đối thoại và hợp tác với những chương trình cụ thể nhằm đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu và phát triển thực chất.
Một nội dung quan trọng nữa là Việt Nam và Hoa Kỳ đã tái khẳng định quyết tâm và cam kết cùng các nước thành viên kết thúc đàm phán TPP theo lộ trình đã đề ra, hướng tới một hiệp định cân bằng vì phát triển. Với việc hướng tới tham gia vào liên kết kinh tế quan trọng hàng đầu này, Việt Nam tiến một bước lớn trên con đường hội nhập quốc tế toàn diện, đồng thời đóng góp vào sự năng động, phồn vinh của khu vực. Chúng tôi mong muốn hiện thực hóa những lợi ích về thương mại, đầu tư, công nghệ, tiếp cận các công đoạn cao hơn của chuỗi giá trị và cung ứng ở khu vực và trên toàn cầu, tạo việc làm và góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi người dân. Việc tham gia TPP cũng góp phần thúc đẩy việc tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Cố nhiên, quá trình này không hề đơn giản với một nước đang phát triển như Việt Nam. Bên cạnh cố gắng cao độ của chúng tôi thì sự linh hoạt và hợp tác của Hoa Kỳ cũng là yếu tố rất quan trọng.
Chúng tôi nhận thức rõ rằng mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển ổn định, lâu dài, thực chất không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi nước mà còn có tầm quan trọng đối với hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực. Chúng tôi hoan nghênh cam kết của Tổng thống Ô-ba-ma tiếp tục chính sách tăng cường hợp tác với châu Á - Thái Bình Dương vì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực; coi ASEAN là trụ cột chính trong chính sách này, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và bày tỏ sự ủng hộ đối với việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Ðông. Bên cạnh khuôn khổ TPP, Việt Nam sẽ đẩy mạnh hợp tác với Hoa Kỳ trên nhiều diễn đàn khác nhau, trong đó có các cơ chế của ASEAN, hợp tác Tiểu vùng Mê Công, Cấp cao Ðông Á và APEC.
Ðương nhiên, hai nước sẽ tiếp tục phải giải quyết những vấn đề còn tồn tại. Là một dân tộc có truyền thống hòa hiếu, Việt Nam chủ trương "gác lại quá khứ và hướng tới tương lai". Trong bất cứ mối quan hệ quốc tế nào, việc tồn tại các bất đồng và khác biệt là điều bình thường. Việc chúng ta cần làm là xây dựng lòng tin, xây dựng quan hệ trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, thể chế chính trị và cùng có lợi.
Nhìn lại lịch sử quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, việc xác lập quan hệ Ðối tác toàn diện hôm nay là kết quả của một quá trình hợp tác hướng tới tương lai của cả hai bên. Bắt đầu từ những nỗ lực nối lại quan hệ sau chiến tranh, đến tháng 7-1995, bang giao Việt Nam-Hoa Kỳ đã chính thức được thiết lập, mở ra một chương hoàn toàn mới trong quan hệ giữa hai nhà nước và nhân dân hai nước. Trong 18 năm qua, mối bang giao Việt Nam - Hoa Kỳ đã có những bước phát triển nhanh chóng. Năm 2005, hai nước đã xác lập khuôn khổ "Quan hệ đối tác ổn định và bền vững".
Cùng với các bước phát triển của quan hệ, phương cách quan hệ giữa hai bên đang dần thay đổi. Mô thức quan hệ giữa hai cựu thù mà đặc trưng là những chính sách bao vây, cấm vận, trừng phạt trước đây đã nhường chỗ cho các chính sách hòa giải và hợp tác nhiều mặt, đối tác xây dựng mà đặc trưng là tôn trọng thể chế chính trị của nhau, cùng có lợi, đối thoại, gia tăng giao lưu để thu hẹp khác biệt... Ðến nay quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ đã phát triển nhanh chóng. Từ năm 2005, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng gấp 54 lần trong 18 năm. Tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Hoa Kỳ vào Việt Nam tính đến cuối tháng 5-2013 đạt 10,5 tỷ USD, đứng thứ 7 trong số các nước, vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Hợp tác về khoa học, công nghệ, văn hóa, giáo dục, du lịch, quốc phòng - an ninh cũng đang phát triển sâu rộng. Các hoạt động hợp tác về y tế và nhân đạo như rà phá bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, vấn đề di chứng và chất độc da cam đi-ô-xin, tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh... đã có sự hợp tác tốt và hiệu quả cao, có sức lan tỏa lớn từ cả hai phía.
Thưa các quý vị,
Thông điệp mà tôi muốn nhấn mạnh với quý vị là Việt Nam mong muốn hai nước sẽ tăng cường hợp tác toàn diện vì lợi ích của nhân dân hai nước, cùng chung tay đóng góp và vun đắp cho một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động và thịnh vượng. Và chúng ta cần nỗ lực, hết sức nỗ lực hợp tác với nhau trên tinh thần tôn trọng, bình đẳng và cùng có lợi vì mục tiêu chung đó.
Tôi cảm ơn Tiến sĩ Giôn Ham-rơ và quý vị về buổi đón tiếp trọng thể này. Mong rằng CSIS sẽ tiếp tục có nhiều cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm nhằm trao đổi những ý tưởng về các tiến trình hợp tác tại châu Á - Thái Bình Dương, về sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Mong rằng mỗi quý vị có mặt tại đây sẽ tiếp tục những đóng góp tích cực và có ý nghĩa cho những tiến trình đó, như quý vị đã và đang làm.
Xin trân trọng cảm ơn.
(Báo Nhân dân)

Chủ tịch nước kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Hoa Kỳ

ew York, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có các cuộc tiếp xúc với các nhà giáo dục và nghiên cứu kinh tế của Hoa Kỳ, cựu chiến binh hai nước, bạn bè Hoa Kỳ và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Gặp ban lãnh đạo Quỹ Hỗ trợ Giáo dục Đại học Việt Nam và đại diện một số trường ĐH Hoa Kỳ, Chủ tịch nước cho rằng: Giáo dục là một lĩnh vực hợp tác ưu tiên trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Trong những năm qua, Các quỹ, các trường đại học, viện nghiên cứu và các nhà giáo Hoa Kỳ đã góp phần tích cực trong việc triển khai các chương trình hợp tác hiệu quả như Chương trình Fulbright, Chương trình Liên minh Giáo dục ĐH ngành kỹ thuật, Chương trình đưa giảng viên, sinh viên giỏi đi đào tạo tiến sĩ tại các trường đại học có uy tín ở Hoa Kỳ để làm nguồn giảng viên cho các trường đại học, cao đẳng...
Hiện có tới trên 15.000 sinh viên Việt Nam học tập tại Hoa Kỳ, đứng đầu các nước Đông Nam Á và đứng thứ 8 trong số các nước gửi sinh viên sang Hoa Kỳ học tập. Chủ tịch nước nhấn mạnh: việc hai nước xác lập quan hệ đối tác toàn diện sẽ tạo khuôn khổ mới cho quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục; kêu gọi phía Hoa Kỳ tăng cường hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam; đồng thời nhấn mạnh Việt Nam coi Hoa Kỳ là đối tác quan trọng hàng đầu trong phát triển giáo dục đại học.
Trong cuộc thảo luận bàn tròn với một số chuyên gia kinh tế Hoa Kỳ với chủ đề: Đổi mới theo hướng rồng bay – Nhận định về nền kinh tế toàn cầu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảm ơn các chuyên gia đã đồng hành với nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua. Chủ tịch nước và các chuyên gia đã cùng chia sẻ về các xu hướng kinh tế của thế giới, trong đó có tình hình và triển vọng của các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc; cùng xem xét cơ hội và thách thức với nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu và trong quá trình đổi mới toàn diện. Chủ tịch nước và các chuyên gia cũng đã cùng thảo luận về các phương án phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp đại diện Cộng đồng người Việt, lưu học sinh, bạn bè Hoa Kỳ và Phái đoàn Việt Nam tại LHQ. (Ảnh: TTXVN)
Dự buổi gặp mặt cựu chiến binh hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá vao vai trò của các cựu chiến binh Hoa Kỳ trong quá trình hòa giải, hàn gắn những vết thương do chiến tranh để lại trong lòng hai dân tộc, đóng góp tích cực vào việc dỡ bỏ cấm vận, bình thường hóa quan hệ trước đây, xây dựng và thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa 2 nước. Thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam cảm ơn các tình cảm tốt đẹp đó và mong muốn các cự chiến binh Mỹ tiếp tục đóng góp, hỗ trợ Việt Nam trong việc thúc đẩy giải quyết hậu quả còn lại của chiến tranh như vấn đề của chất độc da cam/dioxin, rà phá bom mìn, tìm kiếm các quân nhân Việt Nam mất tích trong chiến tranh. Đây cũng là những vấn đề mà các cựu chiến binh Hoa Kỳ cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với phía Việt Nam để đạt được sự hòa giải nhanh nhất giữa hai bên.
Gặp gỡ một số bạn bè Hoa Kỳ, Chủ tịch nước cảm ơn các phong trào, lực lượng trong xã hội Mỹ đã tích cực ủng hộ Việt Nam trong chiến tranh giành độc lập và công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh; thông báo về một số những kết quả về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam thời gian gần đây.Trong tình mới, Chủ tịch mong muốn các bạn bè Hoa Kỳ tiếp tục đóng góp hỗ trợ thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là trong việc giải quyết hậu quả do chiến tranh để lại; đồng thời, là cầu nối giúp chính giới, xã hội Mỹ hiểu đúng, hiểu rõ về Việt Nam.
Chiều tối, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp mặt đại diện cộng đồng người Việt, lưu học sinh, sinh viên Việt Nam, bạn bè Mỹ và Liên hợp quốc. Tại đây, Chủ tịch nước thông báo tình hình phát triển mọi mặt của Việt Nam thời gian qua; kết quả chuyến thăm, kết quả cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước với Tổng thống Obama. Chủ tịch nước cũng đã lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của bà con Việt kiều, chia sẻ những vấn đề mà cộng đồng người Việt ở nước ngoài đang quan tâm.
Về vấn đề Biển Đông và chủ quyền quốc gia, Chủ tịch nước khẳng định: Đảng, nhà nước và chính phủ Việt Nam đã và đang là bất cứ gì có thể để bảo vệ chủ quyền biên cương của tổ quốc với tinh thần hòa hiếu nhưng cương quyết. Lập trường tổng quát của Việt Nam là giải quyết mọi bất đồng trên cơ sở hòa bình, theo luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên quốc về Luật biển năm 1982. Chủ tịch cũng đã chân thành mời bà con Việt kiều về Việt Nam nhiều hơn nữa để trực tiếp chứng kiến công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiên nay, qua đó, có thêm thông tin để chia sẻ với cộng đồng người Việt Nam ở Hoa Kỳ.
Các hoạt động tại New York đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Hoa Kỹ theo lời mời của Tổng thống Barak Obama từ ngày 24-26/7. Chuyến thăm thành công đã mở ra một giai đoạn hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia Việt Nam và Hoa Kỳ.
Hồng Phúc - Trường Sơn
(VTV)

Dân Nguyễn - Đi một ngày đàng…

Liên tiếp là những chuyến công du của các vị lãnh đạo hàng đầu của đảng, nhà nước, Quốc Hội và Chính Phủ đến các quốc gia, các châu lục trong mấy năm qua kể từ sau đại hội đảng cs VN lần thứ XI.
Những chuyến công du của nguyên thủ các nước, không ngoài mục đích mở rộng hợp tác, giao thương trong tất cả các lĩnh vực, giúp cho sự phát triển của quốc gia, tranh thủ thời cơ, đem lại sự thịnh vượng cho đất nước, cho quốc kế dân sinh.
Không kể những chuyến đi tới Âu châu của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng, thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng, thì gần đây, các vị này cũng có liên tiếp các chuyến công du tới các nước láng giềng Đông Nam Á; Và những ngày này, cuộc viếng thăm đất nước Myamar của chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng vẫn còn chưa kết thúc. Trước đó thủ tướng nước CHXHCN VN cũng đã có chuyến viếng thăm xứ sở này.
 Quả thực, khi các nhà lãnh đạo của đất nước tới Nghị Viện Châu Âu, hay đặt chân tới Mạc tư Khoa, quê hương của chủ nghĩa cs trước đây, hay viếng thăm vương quốc của nữ hoàng Elizabett, người dân trong nước cũng không dõi theo một cách đặc biệt.
Nhưng những chuyến đi của các vị lãnh đạo đất nước tới các nước Đông Nam Á, nhất là tới đât nước Myamar, đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân trong nước.
Thời gian gần đây, báo chí nói nhiều tới Myamar.  Báo chí nhấn mạnh về xu thế cải cách chính trị của nước nam Á này.
Còn nhớ, mấy mươi năm trước, ở VN, người ta gọi đất nước này với cái tên Miến Điện. Gọi đầy đủ thì là: Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Miến Điện.
  Trong mắt mọi người, mô hình chế độ tại Miến Điện là mô hình của chế độ độc tài.
  Nó kéo dài nhiều thập kỷ.
 Và vì có thể chế độc tài, nên nhân quyền bị vi phạm trầm trọng, nếu không muốn nói là nhân quyền đã không được thực thi trên đất nước đông nam Á này suốt nhiều thập kỷ qua.
Cũng trong hàng chục năm qua, tại đất nước này xuất hiện một người phụ nữ-một con người dũng cảm-một người bất đồng chính kiến được cả thế giới biết đến-
 Bà dám đương đầu với chế độ độc tài, kiên trì cuộc đấu tranh vận động cho dân chủ, nhân quyền được thực thi trên quê hương đất nước thân yêu của bà.
 Bà từng là tù nhân nhiều năm của chế độ độc tài tại chính quê hương mình
 Nhưng tù ngục, hay bất cứ sự đe dọa nào cũng không ngăn cản được ý chí đấu tranh cho tự do của người phụ nữ dũng cảm.
 Và gần đây, trước sự cởi mở của chính quyền Myamar, bà nổi lên như một chính khách sáng giá.
 Những chính khách, những nguyên thủ quốc gia của nhiều nước, khi đến thăm quốc gia này, đều dành thời gian thăm và hội kiến với bà.
 Có thể nói, hình ảnh của bà là không thể thiếu trên bước đường dân chủ hóa của quốc gia nam Á này.
  Và cũng không quá, nếu nói rằng chính bà đang làm cho Miamar đẹp hơn trong mắt cộng đồng quốc tế!
Một người phụ nữ mảnh mai, điềm tĩnh, và nghị lực.
Công lao đấu tranh của bà có thể là một nhân tố quan trọng thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa đất nước đang có được hiện nay.
Có thể nói, Myamar thua VN về nhiều lĩnh vực, chí ít là cho tới thời điểm hiện nay. Một Myamar bị chia rẽ, xung đột, hạ tầng cơ sở hầu như không có gì, thu nhập GDP, thậm chí có thể nói cả dân trí cũng thua VN. Một Myamar bị cô lập, bị trừng phạt kinh tế, một đất nước mà quân đội cai trị nhiều năm…
 Nhưng hôm nay Myamar đã đổi khác. Myamar tuy chua đạt được tầm cao, nhưng đã cất cánh.
Có hai con người, ngày hôm qua rất khác nhau, thậm chí là kẻ thù của nhau, thì hôm nay, bằng trí tuệ, bằng cả trái tim, họ đã trở thành động lực mở ra một trang mới cho đất nước thân yêu của mình. Đó là tổng thống đương nhiệm Thein Sein và bà Aung San Suu Kyi.
Bà Aung San Suu Kyi cũng đã được tổng thống Obama mời sang thăm Mỹ. Nguyên thủ các nước phương tây liên tiếp viếng thăm đất nước này và có những cam kết dành cho tổng thống Thein Sein những ưu ái đặc biệt, về xóa nợ, về viện trợ phát triển kinh tế…
  Gần đây tổng thống Thein Sein cam kết sẽ thả 70 tù chính trị. Trước đó ông cũng tuyên bố sẵn sàng chúc mừng đối thủ của mình- bà Aung San Suu Kyi, nếu bà được nhân dân tín nhiệm bầu làm tổng thống.
 Người ta không biết lý giải thế nào về sự CHUYỂN MÌNH hết sức ngoạn mục của đất nước đông nam Á này.
Đó mới thực sự là ĐỔI MỚI.
Cái động lực để một quốc gia có thể cất cánh, phải là nền dân chủ, bởi từ DÂN CHỦ, mọi bế tắc, mọi cản trở sẽ được khai thông.
 Trái ngược với những gì đang diễn ra ở Myamar, trong khi tù chính trị được thả, thì ở VN, những nhà bất đồng chính kiến đang lần lượt theo nhau vào tù, với những bản án ngày càng phi lý hơn, ngày càng khắc nghiệt hơn!...Chính quyền đang dùng mọi biện pháp để đàn áp những nhà bất đồng chính kiến- những người thực tâm muốn đất nước thay đổi theo hướng tích cực, theo xu thế chung của thời đại.
Với những gì đang diễn ra ở VN, khiến người ta không khỏi nghi ngại mà đặt câu hỏi: Những chuyến viếng thăm của các vị lãnh đạo hàng đầu của đất nước tới Myamar, thực chất là nhằm mục đích gì!?” Kinh tế vẫn doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo, chính trị vẫn không có Đối lập…bất đồng chính kiến vẫn bị đàn áp…
 “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Các cụ xưa nói vậy; Nhưng ấy là câu dành cho những người thực tâm muốn HỌC, những người cầu thị.
 Chuyến viếng thăm Myamar lần này, chủ tịch Quốc hội VN sẽ  học được gì từ láng giềng của mình?
AFR Dân Nguyễn
(Quê choa)

“Nhận trách nhiệm, hình ảnh Bộ trưởng Y tế đẹp hơn!”

“Dũng cảm nhận thiếu sót trong việc chỉ đạo, quản lý và khắc phục, hình ảnh Bộ trưởng Y tế đẹp hơn trong lòng công chúng”, nguyên đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông, bày tỏ.
Xung quanh vụ 3 cháu bé tử vong do tiêm vắc xin viêm gan B ở Quảng Trị và cách hành xử của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với nguyên đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông, để làm rõ trách nhiệm của "tư lệnh lĩnh vực"- người đứng đầu ngành y tế. 
 
- Những ngày gần đây, vụ việc 3 cháu bé tử vong do tiêm vắc xin viêm gan B ở Quảng Trị đang khiến nhiều người quan tâm, một số người tỏ ra bất an. Ông có theo dõi diễn biến sự việc này?
 
Vụ việc 3 cháu bé tử vong do tiêm vắc xin viêm gan B ở Hướng Hóa (Quảng Trị) đang khiến nhiều người quan tâm, và tôi cũng không ngoại lệ. Mỗi cháu bé chào đời là niềm vui, niềm động viên của mỗi gia đình. Do vậy, việc tiêm chủng viêm gan B để các cháu bé lớn lên khỏe mạnh là mong muốn tất yếu của những người làm cha mẹ. 
 
Các cháu mới chào đời chưa lâu thì đã sớm bị cướp đi sinh mạng. Tôi nghĩ, để xảy ra sự việc đó… thật đáng buồn!
 
Nguyên đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông.
- Khi biết thông tin đó, rất nhiều người bày tỏ sự thương cảm, không ít người dù không quen biết gia đình nạn nhân cũng bật khóc. Dư luận cũng bày tỏ sự thất vọng khi Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đang có mặt ở Quảng Trị nhưng không có động thái thăm hỏi các gia đình có con bị tử vong. Ý kiến của ông về cách hành xử này?
 
Khi sự việc xảy ra, Bộ Y tế nhanh chóng cử người điều tra, làm sáng tỏ vụ việc thì tôi cho rằng đây là việc làm có tính trách nhiệm cao. 
 
Việc chỉ đạo làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm là tất yếu, nhưng nếu có thể, Bộ trưởng nên đích thân dành thời gian tới xin lỗi, chia buồn, động viên gia đình để giảm nỗi đau mất mát. 
 
Tôi thấy, ở các nước, trong những tai nạn nghiêm trọng khiến nhiều người tử vong, thương vong, Thủ tướng có lúc còn tổ chức những ngày tang lễ hoặc tới trực tiếp chia buồn. Đó vừa là cái tâm, cũng là trách nhiệm của người lãnh đạo. 
 
Bộ trưởng công tác ở ngay Quảng Trị, nơi xảy ra vụ việc mà không đến thăm hỏi, theo tôi đó là điều đáng tiếc!
 
- Bộ trưởng Y tế có giải thích với báo chí, do lịch công tác được sắp xếp kín nên không thể đến thăm. Có phải lịch làm việc của lãnh đạo đã xếp thì “bất di bất dịch”, thưa ông?
 
Công tác cán bộ nói chung, với Bộ trưởng Bộ Y tế nói riêng là những việc bình thường phải làm hàng ngày. Với vụ việc đột xuất này, Bộ trưởng nên tạm gác lại các công việc, hay việc gì có thể thì nên chỉ đạo các Thứ trưởng làm thay, nên đích thân đến thăm, chia buồn, động viên gia đình. 
 
Đây là vụ việc nhạy cảm, đòi hỏi sự linh hoạt của người làm chính trị. 
 
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dự lễ khởi công xây dựng Nhà tháp chuông nghĩa trang liệt sĩ huyện Gio Linh ngày 21/7. (Ảnh: Báo Quảng Trị)
 
- Bộ trưởng Tiến cũng khẳng định, sẽ công khai, minh bạch nguyên nhân: “Trách nhiệm của ai sẽ xử lý người đó. Lỗi của vắc xin thì xử vắc xin; lỗi do người tiêm, xử người tiêm; lỗi do kỹ thuật xử lý kỹ thuật”. Nhiều người cho rằng phát ngôn của Bộ trưởng Tiến quả là khó hiểu. Ông có nghĩ như vậy?
 
“Xử lý vắc xin” là xử lý gì? (Cười). Tôi hiểu ý Bộ trưởng Tiến, là người nào sai thì phải chịu trách nhiệm. 
 
Đúng. Về lý mà nói, bộ phận nào sai thì bộ phận đó phải chịu trách nhiệm: chất lượng vắc xin không tốt do cơ sở sản xuất, thì cơ sở sản xuất phải chịu trách nhiệm; do quá trình lưu thông, bảo quản, hay do cán bộ sử dụng chưa đúng quy trình… thì bộ phận phụ trách chịu trách nhiệm. Đó là trách nhiệm chuyên môn, trách nhiệm trước pháp luật.
 
Nhưng còn cái gọi là “trách nhiệm chính trị”, là “tư lệnh” đứng đầu ngành y tế thì tất cả những vấn đề liên quan dù trực tiếp, hay gián tiếp để xảy ra hậu quả nghiêm trọng làm ảnh hưởng hình ảnh của ngành thì Bộ trưởng phải đứng ra nhận trách nhiệm xin lỗi dân chứ. Sau đó, phải chỉ đạo đến nơi đến chốn để ngăn cản sự việc không tái diễn nữa. 
 
Nếu người bình thường chỉ nói đến trách nhiệm chuyên môn và pháp luật thì được, Bộ trưởng bỏ qua trách nhiệm chính trị, không nhắc đến là chưa đủ. 
 
- Đây không phải lần đầu phát ngôn của Bộ trưởng Tiến khiến dư luận bức xúc, hoang mang. Nên chăng, người lãnh đạo cần có những phát ngôn đúng mực, thưa ông?
 
Tôi cũng theo dõi một số chương trình chất vấn của Quốc hội, hay "Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời" và thấy rằng nhiều phát ngôn của Bộ trưởng Bộ Y tế còn chưa được chuẩn mực, bộc lộ sự thiếu kinh nghiệm, thiếu nhận thức xã hội và nhạy cảm chính trị…
 
Nói như Bộ trưởng Tiến, “lỗi của vắc xin thì xử vắc xin” thì không đúng, không đủ, không rõ nghĩa. Vắc xin là sản phẩm do con người sản xuất ra, không phải cụ thể cá nhân, nhóm người nào thì biết chịu trách nhiệm ra sao?
 
Hay, Bộ trưởng Y tế từng nói rằng “bà con không được đưa bác sĩ phong bì”, “ai chụp ảnh được bác sĩ nhận tiền thì gửi cho chúng tôi”… đó là những phát ngôn chưa được chặt chẽ, chưa sát thực tế, chưa đề cao trách nhiệm cá nhân nên chưa được đồng thuận của dư luận cũng dễ hiểu. 
 
Người xưa thường nói “con dại cái mang” mà, trách nhiệm cụ thể thì người làm sai phải chịu, nhưng Bộ trưởng là người đồng hành nên xin lỗi và nhận trách nhiệm của mình. Dũng cảm nhận thiếu sót trong việc chỉ đạo, quản lý, để từ đó tìm giải pháp khắc phục thì không chỉ hình ảnh của ngành y tế, mà chính hình ảnh Bộ trưởng đẹp hơn trong lòng công chúng. Không nên né tránh trách nhiệm, hay tìm cách đùn đẩy trách nhiệm cho người này, người khác.
 
- Xin cảm ơn ông!
  Phạm Thủy (thực hiện)
  (Kiến thức)

Tokyo tăng cường hợp tác trên biển với Manila, đối phó với Bắc Kinh

Nhân chuyến thăm Manila, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hứa tăng cường khả năng chiến đấu cho lực lượng tuần duyên Philippines (Reuters)
Nhân chuyến thăm Manila, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hứa tăng cường khả năng chiến đấu cho lực lượng tuần duyên Philippines (Reuters)

Philippines là một đối tác chiến lược của Nhật Bản. Tokyo cam kết tăng cường khả năng chiến đấu cho lực lượng tuần duyên Philippines. Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố như trên trong cuộc họp báo tại Manila. Ông Shinzo Abe đến Philippines trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hãn trong các tranh chấp chủ quyền biển đảo với các nước láng giềng.

Họp báo cùng với Tổng thống Philippines Benigno Aquino, tại Manila, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm nay 27/07/2013 khẳng định : « Philippines là một đối tác chiến lược của Nhật Bản (…) Nước Nhật chia sẻ với quốc gia này nhiều giá trị nền tảng và quyền lợi chiến lược (…) Để tăng cường mối quan hệ đó Nhật Bản cam kết tiếp tục hỗ trợ lực lượng tuần duyên Philippines nâng cao khả năng chiến đấu ».

Về phần mình, Tổng thống Philippines Aquino cũng nhấn mạnh : « Manila và Tokyo đồng ý tăng cường quan hệ hợp tác trên biển và đây là cột trụ của đối tác chiến lược » giữa Nhật Bản và Philippines. Không nêu đích danh Trung Quốc và không trực tiếp đề cập đến tranh chấp chủ quyền biển đảo đang diễn ra giữa Philippines với Trung Quốc, nhưng Tổng thống Aquino tuyên bố ông tin tưởng luật pháp quốc tế sẽ giúp các bên sẽ tìm được giải pháp hòa bình trong vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển.

Một ngày sau chuyến viếng thăm Singapore, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đến Philippines vào lúc căng thẳng giữa Bắc Kinh và Tokyo đang gia tăng. Trung Quốc liên tục điều tàu hải giám đến vùng biển có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản ở vùng biển Hoa Đông. Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ quyết tâm tăng cường hợp tác với các nước trong khối ASEAN.

Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền tại vùng biển Hoa Đông, chung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Về phần mình, Philippines đang phản đối Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông. Bản tin của AFP nhắc lại đầu năm nay, Tokyo thông báo giúp đỡ tài chính cho Philippines, giúp Manila trang bị thêm 10 tàu tuần tra.

Hải quân và lực lượng tuần duyên Philippines đang phải đương đầu với tàu hải giám và tuần tra của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh khẳng định 80% lãnh hải là thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Thái độ ngày càng cứng rắn của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông đang khiến nhiều quốc gia trong vùng, trong đó có Việt Nam, lo ngại.
Thanh Hà (RFI)
 

Du khách Trung Quốc bị lên án vì phá hoại sinh vật biển Hoàng Sa

Một số loài cầu gai và sao biển được xem như "quý hiếm" do chỉ sinh sản tự nhiên ở vùng Hoàng Sa (DR)
Một số loài cầu gai và sao biển được xem như "quý hiếm" do chỉ sinh sản tự nhiên ở vùng Hoàng Sa (DR)

Nhiều tháng sau khi Bắc Kinh mở ra các tour du lịch tại Hoàng Sa, quần đảo chiếm được của Việt Nam từ năm 1974, thái độ của các du khách Trung Quốc tại đây đang bị lên án. Những tấm ảnh những người khách này đang xâm hại các sinh vật biển quý hiếm tại Hoàng Sa, từ hôm qua 26/07/2013 đã làm dấy lên một làn sóng chỉ trích gay gắt trên các diễn đàn mạng Trung Quốc.

Trong các tấm ảnh được đăng trên mạng, người ta thấy một nhóm người lặn biển tại một hòn đảo ở Hoàng Sa – quần đảo đã bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm từ tay quân đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1974 – sục sạo dưới đáy biển tìm bắt những con cầu gai và sao biển. Những sinh vật biển này sau đó trở thành món sashimi và cầu gai hấp trong bữa ăn tối của họ.

Trong nhiều hình khác, khách du lịch Trung Quốc khoe khoang đã thưởng thức món thịt trai tai tượng khổng lồ (tên khoa học là Tridacna gigas), ốc Anh Vũ (Nautilidae)…các loài nhuyễn thể lớn có nguy cơ tuyệt chủng, được Công ước về buôn bán các loài hoang dã đang nguy cấp (CITES) bảo vệ. Người này viết : « Trai tai tượng ngon nhất khi ăn sống, với mù tạt và nước tương. Hầu hết những con trai mà chúng tôi bắt được nặng ít nhất bốn kí lô ».

Một cư dân mạng Vi Bác phẫn nộ : « Đây là những gì phải làm để xúc tiến du lịch tại Hoàng Sa hay chăng ? ». Một người khác viết : « Các vị có thể chừa ra ít nhất một chỗ nào đó trên lãnh thổ Trung Quốc hay không ? ».

Tờ South China Morning Post trích một số ý kiến khác : « Hãy ngưng ngay cái gọi là phát triển du lịch trước khi quần đảo Hoàng Sa bị phá hủy ». Người khác tự hỏi : « Tây Sa (tức Hoàng Sa) sẽ ra sao trong hai năm tới ? ». Có hàng ngàn ý kiến chỉ trích của cư dân mạng, nhiều người cho rằng việc mở tour du lịch tại Hoàng Sa là một ý tưởng tồi tệ.

Hãng tin AFP nhắc lại, trong những tuần lễ gần đây, những cuộc tranh luận đã dấy lên tại Trung Quốc về thái độ thiếu văn hóa của du khách nước này - mà số lượng người đi đến các quốc gia nhiệt đới du lịch ngày càng đông đảo. Sự kiện nói trên gợi nhớ vụ một con cá heo bị chết trên bãi biển đảo Hải Nam hồi tháng Sáu, do bị khách du lịch kéo lên khỏi mặt nước để chụp hình kỷ niệm.

Các tấm ảnh bị tranh cãi trên đây, lúc đầu được đăng trên một diễn đàn về cá biển. Tác giả các bức ảnh cho biết các thành viên trong nhóm mình, mỗi người đã trả 8.500 nhân dân tệ cho chuyến du lịch bảy ngày đến Hoàng Sa ; từ thành phố Hải Khẩu đi, họ ở lại trên quần đảo năm ngày. Trang web thương mại điện tử lớn nhất của Trung Quốc là Đào Bảo (Taobao) đề nghị một tour trọn gói, được quảng cáo là « du khảo dã ngoại » cũng với giá tương tự, còn một chuyến du hành quanh quần đảo Hoàng Sa có giá 5.000 nhân dân tệ.

South China Morning Post dẫn lời một phát ngôn viên chính quyền của “thành phố Tam Sa” – đơn vị hành chính do Trung Quốc tự tiện lập ra vào năm 2012 trong đó gồm cả quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam – biện hộ rằng luôn ưu tiên cho việc bảo vệ môi trường. Tờ báo Hồng Kông ghi nhận, việc Trung Quốc cho mở các tour du lịch tại Hoàng Sa đã gây phẫn nộ cho Việt Nam và khiến Hoa Kỳ quan ngại.
Thụy My (RFI)

Thành quản, cái nghề bị ghét nhất ở Trung Quốc

(xứ Vịt cũng giống nhỉ !!!)

Những người bán hàng rong thường bị các viên "thành quản" bắt nạt, trấn lột (Getty Images /Eightfish)
Những người bán hàng rong thường bị các viên "thành quản" bắt nạt, trấn lột (Getty Images /Eightfish)

Từ gần hai tuần qua, hình ảnh một người đàn ông nằm sõng soài trên mặt đường, đầu bị trọng thương gây rất nhiều xôn xao trong dư luận Trung Quốc, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội. Nạn nhân là một người bán dưa hấu rong, 56 tuổi, bị nhân viên quản lý đô thị của huyện Lâm Võ, thị trấn Sâm Châu, tỉnh Hồ Nam đánh chết.

Hành vi tàn bạo của các nhân viên giữ gìn trật tự quản lý đô thị ở Hồ Nam càng làm xấu đi hình ảnh của những viên « thành quản » Trung Quốc và họ đang bị người dân nhìn với một đôi mắt căm thù.

Tất cả bắt đầu vào một buổi sáng ngày 17/07/2013 khi một nhóm chừng bảy, tám cán bộ quản lý đô thị yêu cầu hai vợ chồng người bán dưa hấu Đặng Chính Gia rời xe bán hàng rong của họ đi nơi khác. Thế rồi lời qua tiếng lại và xô xát xảy ra.

Tưởng rằng mọi chuyện êm thắm khi người dân tại chỗ trông thấy toán cán bộ thành phố bỏ đi. Nhưng chỉ nửa tiếng sau đó những nhân viên giữ gìn trật tự quản lý đô thị Sâm Châu đã quay trở lại. Theo lời gia đình nạn nhân, lần này vợ ông bán hàng rong bị cảnh sát toan bắt đi.

Ông Đặng Chính Gia can thiệp. Theo lời các nhân chứng tại chỗ thì cán bộ ở Hồ Nam đã dùng quả cân đánh vào đầu nạn nhân. Các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc đã bác bỏ tin này trước khi có kết quả giảo nghiệm tử thi. Thậm chí các tờ báo Trung Quốc còn được chỉ thị không đề cập tới đề tài này. Trên các trang mạng internet cụm từ « người bán dưa hấu » bị kiểm duyệt.

Các cán bộ Trung Quốc ở cấp huyện, cấp tỉnh đều bác bỏ lời chứng của gia đình ông Đặng Chính Gia. Theo nhận xét của thông tín viên đài RFI từ Bắc Kinh trong hầu hết những vụ tai tiếng đánh chết người như vậy chính quyền địa phương luôn dập tắt các đám cháy bằng cách bồi thường cho gia đình nạn nhân.

Chỉ ba ngày sau khi ông bán hàng rong xấu số bị đánh chết tờ Bắc Kinh Nhật Báo số đề ngày 20/07/2013 đưa tin « Tang lễ ông bán dưa hấu đã hoàn tất. Gia đình cảm ơn chính quyền huyện Lâm Võ ». Tân Hoa Xã thì cho hay là « gia đình ông Đặng Chính Gia được bồi thường ». Con trai nạn nhân cho biết số tiền bồi thường là 897000 nhân dân tệ.

Cuộc xét nghiệm tử thi ông bán hàng hàng rong cho thấy ông này đã bị chấn thương sọ và có thể là đã bị đánh vào đầu trước khi chết. Trong khi đó, nhân viên trật tự địa phương chỉ nhìn nhận là đã tịch thu bốn quả dưa hấu của hai ông bà Đặng mà thôi.

Gần như cùng lúc với vụ ông bán hàng rong ở Hồ Nam bị đánh chết, tờ báo South China Morning Post ấn bản đề ngày 22/07/2013 cho biết một người bán hàng rong khác ở Cáp Nhĩ Tân miền bắc Trung Quốc cũng bị các nhân viên lực lượng trật tự đô thị đả thương. Hình ảnh nạn nhân máu me bê bết lại cũng được truyền tải rất nhanh trên các trang mạng ở Trung Quốc.

Thế rồi ngày 20/07/2013, một vụ nổ ngay tại sân bay Bắc Kinh như đã thức tỉnh dư luận : tác giả vụ nổ là một người đàn ông ngồi xe lăn. Năm 2005 khi còn là một tài xế tắc xi chui, ông này đã bị sa lưới nhân viên trật tự thành phố và bị đánh đập tàn nhẫn. Chung cuộc, ông bị bại hai chân.

Như nhiều trường hợp từng xảy ra, khi người dân thấp cổ bé miệng đâm đơn kiện lại chính quyền Trung Quốc. Đơn kiện của ông tài xế tắc xi này không hề được cứu xét. Để rồi phải sống trong nỗi tuyệt vọng, ông đã muốn biến thân mình thành thuốc nổ.

Cư dân mạng đã động lòng trước hoàn cảnh của ông tài xế tắc xi nói trên, căm phẫn đối với những nhân viên trật tự đô thị lại càng lớn. Dư luận đòi xét lại quyền hạn của các viên « thành quản ». tại một quốc gia đang trên đà đô thị hóa như Trung Quốc, đòi hỏi của dân cư mạng không dễ được thỏa mãn.

Vào mùa hè năm 2011, hình ảnh một phụ nữ Trung Quốc mang thai bị nhân viên trật tự đô thị đánh đập dã man đã cũng đã được truyền tải rộng rãi trên mạng internet. Tất cả những hình ảnh đó khó có thể hàn gắn rạn nứt giữa người dân và các cán bộ địa phương của xứ này.

Chính báo chí Trung Quốc nhìn nhận những thông tin được tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch công bố, theo đó từ tháng 7/2010 đến tháng 3/2012 đã có 150 vụ lạm dụng quyền lực của các cán bộ quản lý đô thị Trung Quốc.

Nhân viên quản lý đô thị Trung Quốc còn được gọi là các viên « thành quản » đang bị dự luận Trung Quốc chán ghét qua các vụ tai tiếng được báo chí đưa ra ánh sáng. Bên cạnh những hành vi thô bạo đối với dân, các hành vi tham ô moi tiền của những người bán hàng rong càng khiến những cán bộ này trở thành mục tiêu tấn công của giới dân cư mạng Trung Quốc.

Nhiều nhà trí thức Trung Quốc kêu gọi các lãnh đạo Bắc Kinh quan tâm đến hồ sơ này. Như lời một nhà báo kiêm nhà văn Trung Quốc « khi ông Tập Cận Bình không thể bảo vệ được một người bán dưa hấu, thì làm sao ông có thể thực hiện được Giấc mơ Trung hoa ? »
Thanh Hà (RFI)
 

Làm thế nào mà một thương gia Hàn Quốc mất hơn 6,8 triệu USD tiền đầu tư vào Trung Quốc

Kim Kwang-nam, who lost US$6.8 million attempting to build businesses in China, gestures as he tells his story. (Epoch Times)
Pic Kim Kwang-nam, người mất 6,8 triệu USD trong nỗ lực đầu tư vào Trung Quốc, khoa tay khi ông kể lại câu chuyện.

SEOUL – Sau nhiều năm cố gắng thiết lập những dự án kinh doanh có thể sinh lãi ở Trung Quốc và mất hơn 7 tỉ Won (6,8 triệu USD), ông chủ doanh nghiệp Hàn Quốc và là người phát minh máy hút bụi WELVA, ông Kim Kwang-Nam, đã từ bỏ và tuyên bố rút lui vô thời hạn ra khỏi thị trường Trung Quốc.

“Tiềm lực của thị trường Trung Quốc có thể là rất to lớn, nhưng các cơ quan xã hội và đạo đức của người dân nơi đây đã khiến tôi dừng bước,” ông Kim nói với Đại Kỷ Nguyên (Epoch Times).

Vị cựu chủ tịch Liên doanh Xí nghiệp Thành phố Bucheon tại Hàn Quốc cho biết, kinh nghiệm của ông ở Trung Quốc nay đã làm ông quen thuộc với những điều kiện khó khăn mà hầu hết những doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc phải đối mặt tại Trung Quốc hiện nay.

Ông Kim đã mất vài năm ở Trung Quốc, đầu tư thời gian và tiền của vào việc sáng chế ra những sản phẩm mới. Tuy nhiên, mỗi khi ông chuẩn bị giới thiệu sản phẩm của mình ra thị trường, ông luôn bị bất ngờ bởi những hàng rào quan liêu mà ông phải đương đầu.

“Chẳng hạn như, theo lệ thường thì mất khoảng 40 ngày để xác nhận bản quyền một phát minh và cho phép sản xuất một loại sản phẩm mới, nhưng ở Trung Quốc, một quá trình tương tự phải mất ít nhất là 8 tháng,” ông nói.

Không chỉ là sự châm trễ quá đáng, ông Kim cũng nói về lòng tin của mình đối với những thương nhân Trung Quốc.

“Gần đây, một số khách hàng ở thành phố Trịnh Châu muốn làm ăn với tôi và họ đề nghị tôi đến Trịnh Châu để gặp họ,” ông Kim nói. “Khi tôi đến, họ đề nghị tôi mời họ đi ăn. Khi đến nhà hàng, tôi trông thấy khoảng 30 người đang đợi tôi ở đó. Tiếp đó, sau khi chúng tôi bắt đầu dùng bữa, họ bắt đầu yêu cầu tôi mời họ rượu và đồ uống. Lúc đó tôi giận dữ la lên rằng họ là những kẻ lừa đảo, và lập tức đặt vé máy bay về Hàn Quốc. Làm sao mà tôi có thể tin được những người này và làm ăn với họ được?”

Lần đầu tư thất bại đầu tiên của ông xảy ra khi ông cố bán một loại máy chữa bệnh ở những thành phố Thượng Hải, Thanh Đảo, Đại Khánh, Cáp Nhĩ Tân, và Tề Tề Cáp Nhĩ. Chiếc máy là một phát minh của ông, sử dụng dòng điện để loại bỏ dịch bệnh trong các mạch máu.

“Tôi cung cấp những thử nghiệm y khoa và điều trị miễn phí, với mỗi lần điều trị là 1 tiếng đồng hồ. Một số khách hàng lớn tuổi lúc mới bắt đầu điều trị thì đi lại còn khó khăn, đã có thể đi lại bình thường chỉ sau 2 tuần,” ông Kim nói.

“Tôi tặng tất cả khách hàng, mỗi người khoảng 3 tháng điều trị miễn phí, và rất nhiều người đã được chữa khỏi thông qua điều trị. Tại Hàn Quốc, hầu hết mọi người sẽ mua máy sau khi tự họ thấy có hiệu quả. Nhưng ở Trung Quốc, thậm chí sau khi trải qua 1 năm điều trị miễn phí, không có ai mua dù chỉ là 1 máy,” ông Kim nói.

“Lần thất bại thứ 2 xảy ra vào 5 năm trước. Tôi phát minh ra một loại máy hút bụi và giao sản phẩm cho một công ty ở Vĩnh Khang, tỉnh Chiết Giang. Sản phẩm này rất phổ biến, chúng tôi bán được khoảng 1400 chiếc mỗi ngày ở Hàn Quốc, và cũng bán được nhiều ở Trung Quốc. Nhưng công ty Trung Quốc sau đó bắt đầu gây khó khăn cho tôi, trong nỗ lực hất cẳng tôi ra và tự mình bán sản phẩm. Chẳng hạn như, khi tôi đặt hàng 1000 sản phẩm của họ, họ sẽ chỉ đưa tôi 900, nói với tôi rằng giá sản phẩm đã tăng lên. Mục đích của họ là làm cho tôi từ bỏ.”

“Có một lần, một xí nghiệp sản xuất xe hơi ở Trường Xuân đã đặt hàng tôi, và thậm chí là đã trả tiền đặt cọc. Tuy nhiên, ngay khi họ biết được cơ sở sản xuất ra sản phẩm này, họ liên hệ trực tiếp với nhà máy đó và đặt hàng, sau đó họ yêu cầu tôi trả lại tiền đặt cọc.”

“Nhìn thấy sự thiếu trung thực của những con người này, tôi cuối cùng đã quyết định rút lui khỏi thị trường Trung Quốc,” ông Kim nói. Nhưng kể từ đó ông không có cách nào lấy lại tất cả vốn đầu tư và công nghệ mà ông đã đổ vào Trung Quốc. “Lúc đó tôi đã gần như đạt được thoả thuận sản xuất 20.000 máy hút bụi cho Công ty Kỹ thuật Tàu thuỷ và Hải quân Daewoo (DSME) ở Hàn Quốc, nhưng bởi vì những lý do tương tự, hợp đồng đã bị mất.”

“Công nghệ của Trung Quốc trong lãnh vực sản xuất cần trục loại nặng vẫn còn kém Hàn Quốc. Vài năm trước, một xí nghiệp sản xuất cần trục của Hàn Quốc đã cố thâm nhập vào Trung Quốc và đã chuyển giao công nghệ sản xuất cần trục cho một số nhà máy ở Yên Đài, tỉnh Sơn Đông. Những nhà máy này sau đó đã ép xí nghiệp Hàn Quốc, làm cho xí nghiệp này phải phá sản. Sau khi những nhà máy Trung Quốc đã đạt được công nghệ của xí nghiệp Hàn Quốc, họ sao chép những thiết kế của xí nghiệp này và kiểm soát thị trường Trung Quốc. Hơn nữa, mặc dù những xí nghiệp Hàn Quốc đã bán cần trục với giá rất rẻ ở Trung Quốc, họ không thể cạnh tranh với những đối thủ Trung Quốc, bởi vì những đối thủ này được hậu thuẫn bởi chính quyền, cơ quan ngấm ngầm kiểm soát thị trường.”

“Thật ra, rất nhiều người Trung Quốc thích những sản phẩm Hàn Quốc, và cố tránh những phiên bản nhái của Trung Quốc, đó là lý do tại sao nhiều người Trung Quốc mua hàng hoá tại Hàn Quốc rồi đem về Trung Quốc. Nhưng bất chấp điều đó, những rủi ro mà một công ty Hàn Quốc phải đương đầu khi đầu tư vào một nhà máy ở Trung Quốc đơn giản là quá cao.”

“Sau khi mất hết vốn liếng của cả đời mình ở Trung Quốc, có nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc cảm thấy xấu hổ khi phải quay trở về Hàn Quốc, nên họ đã quyết định ở lại Trung Quốc một cách bất hợp pháp. Hiện nay có nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đang sinh sống bất hợp pháp tại Thanh Đảo và Thâm Quyến. Nếu tôi vẫn còn ở lại Trung Quốc thì nay tôi cũng đã khánh kiệt rồi.”

Tác giả: Wen Long, Epoch Times
Thứ năm, 25 Tháng 7 2013 16:33

Cam Bốt : Vấn đề Việt Nam lại nổi lên trước bầu cử

Theo ông Sam Rainsy, nhiều cử tri có thể bỏ phiếu hai lần và mực dùng để lấy dấu tay vẫn có thể xóa đi được - REUTERS /S. Pring
Theo ông Sam Rainsy, nhiều cử tri có thể bỏ phiếu hai lần và mực dùng để lấy dấu tay vẫn có thể xóa đi được - REUTERS /S. Pring

Hôm nay, 27/07/2013, phe đối lập Cam Bốt tố cáo những danh sách cử tri giả mạo và những gian lận bầu cử khác, một ngày trước khi diễn ra bầu cử Quốc hội, mà thủ tướng Hun Sen được dự báo sẽ lại chiến thắng.

Hôm nay, 27/07/2013, phe đối lập Cam Bốt tố cáo những danh sách cử tri giả mạo và những gian lận bầu cử khác, một ngày trước khi diễn ra bầu cử Quốc hội, mà thủ tướng Hun Sen được dự báo sẽ lại chiến thắng.

Vừa trở về nước cách đây một tuần, ông San Rainsy, lãnh đạo phe đối lập Cam Bốt cho biết họ đã phát hiện hàng chục ngàn tên đã được in hai lần trong các danh sách cử tri và như vậy những cử tri này có thể bỏ phiếu hai lần. Ông Sam Rainsy còn khẳng định mực dùng để lấy dấu tay nhằm ngăn chận việc bỏ phiếu hai lần là loại mực có thể xóa đi được.

Một tập hợp các tổ chức bảo vệ nhân quyền và giám sát bầu cử trong tuần này cũng đã tố cáo nhiều gian lận trong chiến dịch tranh cử.

Nhưng những tố cáo nói trên cũng sẽ chẳng làm thay đổi tương quan lực lượng giữa phe đối lập với đảng cầm quyền, Đảng Nhân dân Cam Bốt. Sau gần 30 năm làm thủ tướng, Hun Sen chắc chắn sẽ lại thắng cử, đến mức ông không cần vận động tranh cử. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, đa số tuyệt đối của Đảng Nhân Dân Cam Bốt có thể bị đe dọa bởi Đảng Cứu nguy Dân tộc Cam Bốt của ông Sam Rainsy.

Vào trước ngày bầu cử, vấn đề Việt Nam lại nổi lên tại Cam Bốt, như tường trình của thông tín viên Phạm Phạn từ Phnom Penh :

« Trước cuộc bầu cử Đảng Sam Rainsy tuyên bố không lấy đề tài Việt Nam, cụ thể là di dân Việt, để thu hút lá phiếu. Trong tuần này, khi vận động tranh cử tại hai tỉnh Tây Bắc là Battambang và Siêm Riệp, ông Sam Rainsy đã phát biểu rằng nếu thắng cử ông sẽ lấy lại đền Angkor cho người Cam Bốt.

Nguồn thu từ du lịch tại đền cổ Angkor đang nằm dưới sự điều hành của một đại gia giàu có. Theo cư dân Cam Bốt, đại gia này là một người gốc Việt, có quan hệ làm ăn kinh tế sâu đậm với các giới chức cấp cao trong chính quyền Phnom Penh.

Sáng nay, 27/07/2013, nhật báo Anh Ngữ The Cambodia Daily đăng bài nói về việc Đại Sứ Quán Việt Nam tại Phnom Penh lên tiếng chỉ trích thái độ phân biệt chủng tộc của Đảng Cứu Nguy Dân Tộc trong những ngày gần đây khi vận động tranh cử. Đại loại là Đảng Cứu Nguy Dân Tộc đã không dùng từ Việt Nam để chỉ người Việt, mà lại dùng một danh từ thông dụng của người Cam Bốt khi nói về người Việt. Phía ông Sam Rainsy nói rằng, việc ông dùng từ “Yuon” để nói đến người Việt, không có ý phỉ báng người Việt, tuy nhiên từ ngữ đó có thể không đúng về mặt chính trị.

Theo báo Cambodia Daily thì Đại Sứ Quán Việt Nam tại Phnom Penh đã cảnh báo cư dân Việt tại Cam Bốt nên tránh xa những chỗ đông người, và phải cẩn trọng.

Cộng đồng người Việt tại Cam Bốt khá đông, nhưng do không có số thống kê cụ thể, nên không thể đưa ra con số chính xác. Số người Việt sống lâu đời thì đã hội nhập gần như hoàn toàn với với dân bản xứ. Thế nhưng, thời kỳ cấm người Việt sống bằng 18 nghề trong xã hội vào thập niên 1960, và sau đó là thời kỳ lùng kiếm người Việt để thanh toán vào thập niên 1970 vẫn còn ám ảnh tâm trí người Việt hiện nay.

Dù không nhiều lắm, nhưng vẫn có người Việt ủng hộ Đảng Cứu Nguy Dân Tộc, vì số người Việt này mong muốn có đổi mới chính trị, yêu tự do dân chủ, và chống lại thể chế độc tài tham nhũng hiện nay."
Thanh Phương (RFI)
 

Sáng nay Blogger Hà Nội tổ chức giao lưu với thân nhân blogger Điếu Cày


VRNs (27.08.2013) – Hà Nội – Trong tuần lễ qua, dân cư mạng ở Việt Nam chú ý rất nhiều đến trường hợp tuyệt thực của blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải. Nhân dịp bà Dương Thị Tân và anh Nguyễn Trí Dũng (vợ và con blogger Điếu Cày) đang ở Hà Nội, để đợi Bộ công an và Tổng cục 8 (thuộc bộ CA) trả lời về khiếu nại và kêu gọi cứu blogger Điếu Cày, các blogger Hà Nội đã quyết định tổ chức buổi cà phê giao lưu với thân nhân Điếu Cày.
VRNs xin chuyển thư mời đến quý vị, nhất là những ai ở vùng Hà Nội.

———
                                                        Thư mời
                       Giao lưu với chị Dương Thị Tân và cháu Nguyễn Trí Dũng


Kính thưa mọi người,

Vào 9h sáng Chủ Nhật, ngày 28.07.2013, chúng tôi có tổ chức cafe giao lưu cùng chị Dương Thị Tân (vợ anh Điếu Cày) cùng con trai là cháu Nguyễn Trí Dũng với chủ đề:
ĐIẾU CÀY – NHÌN TỪ GÓC ĐỘ CÔNG LÝ, NHÂN QUYỀN VÀ NHÂN ĐẠO
Vậy trân trọng kính mời những ai quan tâm tới giao lưu cafe với chị và cháu để nghe lại những câu chuyện về anh Điếu Cày, về quá trình đấu tranh / tuyệt thực trước đó của anh cũng như những vất vả của chị và cháu trong quá trình thăm nom; để tìm hiểu về tình hình nhân quyền, nhân đạo mà những “tù nhân lương tâm” như anh đã trải qua và cùng bàn về việc đấu tranh / đòi quyền lợi chính đáng của anh tuần tới!
Địa điểm: một quán cafe ở gần Hồ Gươm sẽ báo sau!
Một số anh em No-U Hà Nội trân trọng kính báo!
Blogger Hà Nội
(VRNs)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét