Nhật ký biểu tình
Đăng bởi bauxitevn on 07/06/2011
Nhà báo Nguyễn Thượng Long
Đêm 4/6/2011:
Thao thức mãi không ngủ được vì một phản hồi cho ngày mai 5/6/2011:
“Đi biểu tình là yêu nước.
Không đi biểu tình là chưa yêu nước.
Chống lại biểu tình là bán nước.”
Không nhớ được đây là phản hồi của ai. Thực ra, câu
“Không đi biểu tình là chưa yêu nước!” không hoàn toàn là thuyết phục,
còn vế đầu và vế cuối là đúng.
Cả ngày hôm nay, chưa thấy những nhân vật săn sóc tôi
nói gì với tôi về việc ngày mai của tôi. Phải chăng cơ quan công an đã
bật đèn xanh cho cuộc xuống đường trước cổng Sứ quán Trung Quốc tại Hà
Nội! Có thể lắm, không đi chính những người này sẽ cười mình.
Ngày 5/6/2011:
7h 30 phút.
Vườn hoa trước cổng Đại sứ quán Trung Quốc không khí
vẫn bình yên. Những cụ già râu tóc bạc phơ đang uyển chuyển thân mình
trong những động tác dưỡng sinh, các bà các cô đang uốn éo thân thể
trong những động tác thể dục để hoàn thiện hình thể của mình. Các cháu
nhỏ đang đá cầu, đá bóng cùng những trò vui của chúng. Nhưng chẳng cần
tinh mắt sẽ thấy những tốp công an, an ninh các loại trong trang phục
dân sự đang phân tán khắp vườn hoa, họ đang kiểm soát chặt chẽ mọi biến
động tại vườn hoa này. Những gì hiện diện hôm nay, khác hẳn những gì đã
xảy ra cũng chính nơi này vào những ngày cuối năm 2007, ngày diễn ra
cuộc biểu tình to lớn của yọc sinh và sinh viên mà tôi đã tham dự và
chứng kiến. Hôm nay, không thấy hàng rào cảnh sát cơ động với trang phục
màu xám, giày dã chiến, gậy gỗ trong tay đứng nối nhau thành hàng rào
quanh vườn hoa, không thấy sự cố tình phô bày không khí răn đe của những
dãy xe đặc chủng, xe vòi rồng, xe bịt bùng cùng đàn chó nghiệp vụ.
8h 00 phút.
Bắt đầu xuất hiện nhiều tốp sinh viên, học sinh áo
phông đỏ từ nhiều hướng tiến về phía vườn hoa đối diện với cổng Sứ quán
Trung Quốc đang đóng im ỉm đầy mưu mô. Lập tức nhiều nhân viên an ninh
bám sát những học sinh sinh viên này. Không khí bắt đầu căng thẳng dần.
Những lời tranh cãi qua lại vọng đến tai tôi. Người đàn ông ngồi bên
cạnh tôi bỗng nói lớn: Có chuyện rồi, đoạn ông vùng dậy chạy đến chỗ đó,
tôi cũng đứng dậy và lững thững tiến theo, chưa kịp hỏi han thì nhận ra
lão nghệ sĩ của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch DH đang gay gắt trước đám đông an
ninh đủ loại: “Đi biểu tình là yêu nước! Cấm biểu tình là bán nước!”,
“Bao nhiêu xương máu mới có được đất nước này sao lại đi bênh vực bảo vệ
cho bọn xâm lược?”. Lập tức khẩu hiệu trên giấy A4 đồng loạt được giơ
cao cùng với những tiếng hô: VIỆT NAM! VIỆT NAM!. Những tiếng lách cách
loạt xoạt của những máy ảnh công an, camera an ninh vây quanh ghi hình,
nhận diện đám đông. Tôi biết là hồ sơ về tôi, lại được bổ sung những tài
liệu mới. Tôi kịp đọc được nội dung của các khẩu hiệu: “Hoàng Sa –
Trường Sa là của Việt Nam”, “Phản đối đường lưỡi bò phi pháp”, “China
hàng xóm to xác mà xấu tính!”…
Phía xa xa có một tốp đông khác, thấy cô Dương Thị
Xuân cựu giáo viên Địa Lý của Đại học Sư phạm Xuân Hoà Vĩnh Phú đang
diễn thuyết phấn khích như một người bị “nhập đồng!”. Chưa kịp quan sát
được gì hơn thì tôi bị hai nhân viên an ninh A42 quen mặt kè hai bên xô
tôi ra xa khỏi đám đông với những lời nhã nhặn nhưng kiên quyết: “Em xin
bác, có vấn đề nhạy cảm, bác không nên đến chỗ này!”. Tôi vặn lại: “Là
người cầm bút, là người viết báo không đến chỗ này thì đến chỗ nào?”.
Không trả lời tôi, viên an ninh A42 và một công an có lẽ là người của
đồn Kim Chi Hà Đông tiếp tục xô tôi ra xa. Bị đẩy ra tới góc vườn hoa
phía đầu đường Trần Phú, tôi ngồi bệt xuống thảm cỏ xanh kiên quyết
không đi ra xa hơn nữa. Hai người vẫn kiên quyết: “Bác không nên tiếp
xúc với đám đông này”. Tôi vặc lại: “Thế họ là người xấu hay sao?”. Viên
sĩ quan an ninh vẫn kiên nhẫn giải thích: “Em không bảo họ là ngưòi
xấu! Em chỉ lo nhiều anh em trẻ… không biết bác là ai, họ làm ẩu thì
thật buồn”… Tôi vẫn chưa hiểu điều họ lo như thế là thế nào thì thấy cô
Dương Thị Xuân bị một tay mang áo sơ mi đen to lớn như một con gấu khống
chế vặn tay kêu la oai oái trên hè đường trước mặt ông Lênin đang dửng
dưng đứng nhìn không biết từ bao giờ. Nhác thấy tôi, cô Xuân vừa la lớn:
“Thầy Long! Thầy Long ơi cứu em!”, thì lập tức cô đã mất hút trong
chiếc xe bịt bùng với lao xao những tiếng nói cuối cùng: “… xe đạp của
em còn bỏ lại ở vườn hoa…”. Tôi cay đắng nhìn xuống đất. Tôi làm gì được
trong cảnh ngộ này.
Dường như cũng bất ngờ trước trường đoạn trên, viên
sĩ quan của A42 nhún vai bảo tôi: “Bác thấy đấy! Bác không nên tiếp xúc
với đám đông này”. Tôi bảo: “Có gì đâu, đã dấn thân thì phải chấp nhận
thôi, nhưng nói thật với ông nhé: Quân đội – Công an – Lãnh đạo quốc gia
này mà không có sự ủng hộ của Nhân Dân thì điều gì sẽ xảy ra đây?”
Không trả lời tôi, họ kiên quyết xô tôi qua đường Trần Phú, lần cuối kịp
ngoái lại đằng sau tôi thấy đám đông học sinh, sinh viên cũng đang bị
xô ra khỏi vườn hoa, thấy xa xa một khẩu hiệu lớn trên vải đỏ: “TRUNG
QUỐC VĨ ĐẠI NHƯNG HÀNH XỬ TẦM THƯỜNG” trên tay hai cháu sinh viên áo đỏ
đang bị đẩy dúi dụi, thấy một pano lớn in hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp
đang nắm chặt bàn tay cũng đang nghiêng ngả vì bị xô đuổi ra khỏi vườn
hoa trước cửa Sứ quán Trung Quốc.
Tôi cũng không ngờ hai ông an ninh hôm nay lại ngăn
chặn tôi kiên quyết đến thế. Tôi chỉ thực sự được họ buông tha khi thấy
tôi dắt xe đạp ra khỏi bãi gửi trong Bệnh viện Xanh Pôn và trước khi tôi
mất hút trong dòng xe cộ tấp nập ngược xuôi trên đường Trần Phú, tôi
cũng kịp nói với viên sĩ quan A42 rằng: “Thế này thì chắc chắn chúng ta
sẽ mất nước thôi!”. Ông ta bảo: “Bác cứ lo quá xa làm gì! Việt Nam hình
chữ S mất làm sao được !”.
Tôi lên xe trong ngao ngán. Có lẽ những người sập bẫy
“16 chữ vàng” và bẫy “4 tốt” của người Trung Quốc mà để mất quá nhiều
đất đai, biển đảo… của tiền nhân để lại, vẫn tự huyễn rằng, đám đông dân
chúng đang tíu tít ngược xuôi kia vẫn là những cổ động viên ngoan ngoãn
của họ, là những fan hâm mộ họ, là “MÊNH MÔNG TÌNH DÂN” (Lê Khả Phiêu)
của họ, còn những người đến vườn hoa này là người xấu, là kẻ thù, cần
phải trấn áp!… Nếu thực sự não trạng của họ lại luẩn quẩn với những biện
giải như thế, sự rơi vào vòng Bắc thuộc mới là điều chắc chắn.
Về đến Thanh Xuân, gặp PP tôi được biết, người vợ trẻ
của anh đã làm một ông an ninh líu lưỡi khi anh này xô đẩy cô đang bế
đứa con trai 3 tuổi trong đám đông trước cửa Sứ quán Tàu sáng nay, cô
hỏi: “Làm thế em không biết xấu hổ à?”. Và tôi cũng được biết đám đông
sinh viên sau khi bị xô ra khỏi vườn hoa đã tách ra thành hai đoàn tuần
hành trên đường phố có đích đến là tượng đài Lý Thái Tổ ở Bờ Hồ rồi giải
tán. Nhưng nhiều sinh viên học sinh không chịu giải tán ngay lại hành
quân tiếp tới Văn Miếu rồi phân thành nhóm nhỏ tan hòa trong Thăng Long –
Đông Đô -Hà Nội.
Về đến nhà trong một tâm trạng mệt mỏi, thất vọng và
buồn chán quá, tôi vẫn cố gượng dậy vào mạng để biết điều gì đã xảy ra ở
Sài Gòn cũng sáng ngày hôm nay. Tôi như khoẻ lại thật bất ngờ khi được
biết cuộc xuống đường của sinh viên, học sinh Sài Gòn hoành tráng và mĩ
mãn hơn những gì xảy ra ở Hà Nội nhiều. Người Phương Nam dường như có
văn hoá tổ chức, có ý thức kết gắn cộng đồng hơn hẳn người Phương Bắc
thì phải. Thử hỏi chẳng lẽ lại không hơn điểm khi một danh sách những
gương mặt lớn của Sài Gòn hoa lệ đã xuất hiện giữa thanh thiên bạch nhật
ngày hôm nay:
Từ trái qua: Đình Vượng, Vương Đình Chữ,
cụ Nguyễn Đình Đầu, cựu “quan chức” Mặt trận Tổ quốc Lê Hiếu Đằng, Nhà
thơ Đỗ Trung Quân, Nhà báo Nguyễn Quốc Thái, cô Trần Tử Vân Anh, André
Hồ Cương Quyết, Huỳnh Tấn Mẫm – có thể khác tuổi tác, tôn giáo, dân tộc,
quá khứ, thậm chí cả chính kiến… nhưng cùng chung một tình yêu đất
nước. (Các ảnh trong bài đều lấy từ Ba Sàm)
Từ khi cập nhật được đầy đủ tin tức trên mạng, tôi cứ
bâng khuâng: Dường như viên Sĩ Quan A42 đã khống chế tôi sáng nay đã
nói đúng: Đất nước Việt Nam hình chữ S không thể mất được! Nhưng tôi xin
bổ sung: Chúng ta sẽ không thể bị mất nước là vì vẫn còn có những sinh
viên, học sinh không sợ bị đuổi học, đã xuất hiện sáng nay trước Đại sứ
quán Trung Quốc ở Hà Nội và trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Sài Gòn, vẫn
còn có những gương mặt trí thức, văn nghệ sĩ như những người có tên
trong bức ảnh này. Bao nhiêu gương mặt lớn của giới sĩ phu Bắc Hà hôm
nay đâu rồi mà sáng nay lại thưa thớt đến thế? Câu hỏi này xin dành cho
tất cả mọi người./.
Hà Đông, ngày 6/6/2011
N. T. L.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét