Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2011

Mó dái ngựa 13/06/2011

Mó dái ngựa

Trần Bình Nam
-
Lời tác giả: Đây chỉ là Phiếm luận khi quý bà phụ nữ Việt Nam để cho các ông bàn chuyện “Nga đánh Mỹ, Mỹ đánh Tàu” trong khi các bà bàn chuyện thực tế “mua nhà ở đâu, cho con học đại học nào”. Và trong khi các nhóm đấu tranh chính trị cho một nước Việt Nam tự do dân chủ phú cường “chửi bới” Trung quốc là xâm lăng ỷ mạnh hiếp yếu, chỉ trích chính quyền Hà Nội là “hèn nhát” mà chưa đưa ra một đối sách cứu quốc nào làm cho đồng bào trong nước yên tâm trước đe dọa quốc phá gia vong.
Phiếm luận thường cho trí tưởng tượng bay xa, ý tưởng phát xuất tại  chỗ đôi khi không kịp có dữ kiện chứng minh nên không tránh khỏi cường điệu. Xin độc giả đọc phiếm luận này trong tinh thần khoan dung, dễ dãi, lấy chân làm giả, lấy hư làm thật.
————————————–
Năm 1979 Trung quốc “Sờ Đít Cọp”, đánh Việt Nam. Cọp Nga không dám vồ dù mới một tháng trước đó ký Hiệp ước thề sống thề chết bảo vệ Việt Nam làm ông em Việt Nam tưởng bở đem quân đánh Cam Bốt lật đổ chính phủ Polpot thân Trung quốc. Bộ trưởng Ngoại giao Trung quốc Hoàng Hoa sau đó ví von với một viên chức Hoa Kỳ “Chúng tôi đã sờ đít cọp”. May mà Trung quốc sờ nhằm đít “cọp giấy”.
Chuyện được thua cách đây 32 năm được ông tiến sĩ Henry Kissinger thuật lại và bình luận nơi chương 13 trong cuốn “On China” của ông mới xuất bản (xem Chiến Tranh Việt Hoa 1979)
Cuốn sách ra đời đúng lúc Trung quốc và Việt Nam lục đục trong vụ tranh giành Biển Đông. Hồi đó công khai là thù, hôm nay chính danh là bạn; nhưng bản chất Trung quốc cướp đất và nhân dân Việt Nam quyết tâm giữ đất vẫn là một.
Trong tháng 5 và tháng 6, 2011 Trung quốc hai lần cho tàu ngăn cản việc dò tìm dầu hỏa của sở dầu khí Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trung quốc đi quá xa, và đã đến lúc những nhà lãnh đạo tại Hà Nội không thể nhân nhượng giữa bạn và thù, nước lớn nước nhỏ nữa, mà phải xác định lập trường quyết tâm bảo vệ quốc gia.
Toàn quốc bừng dậy. Sài Gòn, Hà Nội, Huế, Nha Trang, Đà Nẵng nhân dân đủ mọi tầng lớp, trong đó có những đảng viên đảng cộng sản Việt Nam biểu tình chống hành động thô bạo của Trung quốc. Tướng Phùng  Quang Thanh  Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã mạnh mẽ xác định lập trường bảo vệ vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo luật quốc tế trong Hội nghị “Đối thoại Shangri-La” tại Singapore ngày 5/6/2011 vừa qua.
Trung quốc giận tím gan. Trung quốc cho các cơ sở thông tin độc lập (độc lập nhưng đi bên lề phải) phản ảnh sự giận dữ của mình. Hãy đọc đoạn văn sắt máu dưới đây của mạng “Trung quốc Binh khí Đại toàn:”
Quần đảo Nam Sa (Việt Nam gọi là Trường Sa) vốn dĩ là chuỗi ngọc trai lấp lánh của đất mẹ Trung Hoa, nhưng lại bị nhiều kẻ trộm cắp, muốn chiếm đoạt, giành giật, việc này chỉ làm phân tán đi ánh hào quang của chuỗi ngọc trai mà thôi. Trong số các đảo bị các nước chiếm đoạt, bọn Việt Nam kiêu ngạo, vong ơn bội nghĩa đã ráo riết chiếm đóng quần đảo với số lượng nhiều nhất. Nghĩ lại mà xem, Việt Nam vốn xưa là phiên thuộc của Đại Hán ta. Năm 1885, theo Thỏa ước Pháp – Thanh, Việt Nam đã bị nhượng lại cho Pháp, dần trở thành thuộc địa của Pháp. Trong hai cuộc chiến tranh, Trung Quốc đã giúp Việt Nam đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hai miền Nam Bắc đã được thống nhất. Nhưng thật không ngờ bọn Việt Nam không những không biết ơn Trung Quốc, mà trái lại đã lấy oán báo ân, tự vỗ ngực xem mình là nước có tiềm lực quân sự lớn thứ ba thế giới, liên tiếp khiêu khích Trung Quốc. Mặc dù qua hai bài học, là cuộc chiến tranh biên giới Trung–Việt và chiến tranh Bãi đá ngầm, nhưng Việt Nam vẫn không nhận ra được bài học, càng ra sức chiếm đoạt nhiều đảo hơn.
Do bọn Việt Nam bắt tay thực hiện khai thác đảo sớm nên điều kiện chiếm cứ thuận lợi hơn, hơn nữa lại có nguồn nước ngọt nên bọn chúng có thể thi công trên đảo, xây dựng sân bay, kiến tạo hạ tầng kỹ thuật thông tin di động, di dân ra đảo, tổ chức du lịch quốc tế, thiết lập phân chia ranh giới khu hành chính cấp huyện hòng vĩnh cửu hóa, thực tế hóa, quốc tế hóa, hợp pháp hóa hành vi bá chiếm. Tiếp đó các nước khác cũng lần lượt theo đuôi Việt Nam, như Philipin, Malaysia, Indonesia, Brunei… xâu xé vùng biển Nam Sa của Trung Quốc, xây dựng căn cứ quân sự hoặc khoan dầu mỏ. Tất cả bọn chúng đều không coi Trung Quốc ra gì. Các nước xung quanh xâm chiếm quần đảo Nam Sa đúng vào thời kỳ đất nước Trung Quốc chúng ta tiến hành cải cách mở cửa, thực hiện chiến lược đối ngoại hòa bình, tập trung xây dựng kinh tế trong nước, duy trì hòa bình phát triển với bên ngoài. Cùng là những nước đang phát triển đáng ra Việt Nam và các nước lân cận phải có thiện ý giải quyết hài hòa những tranh chấp. Đất nước chúng ta đề xướng ra mục tiêu “gác lại chiến tranh, cùng nhau phát triển”.
Tuy nhiên, 30 năm qua, lòng tốt của chúng ta lại không hề được báo đáp, mà trái lại các nước còn không ngừng tăng cường lấn chiếm khu vực biển của nước ta, ngang nhiên chiếm lãnh hải, lãnh thổ nước ta. Không khó khăn lắm, chúng ta cũng có thể nhận ra rằng, lòng tốt của chúng ta không được báo đáp tử tế; danh dự, lãnh thổ và lãnh hải quốc gia nếu chỉ dựa vào giao thiệp hòa bình thì khó mà giữ gìn, bảo vệ được. Ủy ban thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc quy định, 12/5/2009 là kỳ hạn cuối cùng cho các quốc gia có liên quan phải hoàn thành việc gửi những bản giải trình các luận cứ khoa học về chủ quyền thềm lục địa và khu kinh tế đặc quyền.
Tình hình phát triển còn làm phức tạp hóa vấn đề, sự xoay chuyển của thời gian sẽ làm cho chúng ta càng thêm bất lợi, nếu cứ tiếp tục kéo dài sự khoan dung của chúng ta thì kẻ khác sẽ cho rằng chúng ta đã chấp nhận, bằng lòng với việc đó. Vì thế, biện pháp hiệu quả nhất là phải dùng lực lượng quân sự chiếm đoạt lại Nam Sa, và phải đưa việc này vào chương trình nghị sự. Chúng ta phải thấy một thực tế rằng, mức độ xâm phạm của các nước có liên quan đối với lợi ích của nước ta là khác nhau, do điều kiện môi trường và địa vị quốc tế khác nhau nên sẽ có những phản ứng khác nhau đối với hoạt động quân sự của nước ta, vì vậy mà chúng ta cần phải có những cách đối xử khác nhau, giải quyết tốt những mâu thuẫn chủ yếu, thúc đẩy giải quyết những mâu thuẫn thứ yếu. Không còn nghi ngờ gì nữa, mục tiêu tấn công chủ yếu của chúng ta phải là Việt Nam.”

Và bài báo kết luận: “Hãy giết chết bọn giặc Việt Nam để làm vật tế cờ cho trận chiến tái chiếm Nam Sa”
Vấn đề không còn là Trung quốc có muốn đánh Việt Nam để giành đất giành biển không. Vấn đề là nếu đánh thì có những hậu quả gì?
Năm 1979 trước khi “sờ đít cọp”, Đặng Tiểu Bình đã đi một vòng du thuyết, và sau khi biết ý Hoa Kỳ chẳng những sẽ không can thiệp mà còn gián tiếp khuyến khích  Trung quốc mới ra tay, mà cũng chỉ dám đánh trong vòng 1 tháng với một chiến thuật biển người thí hơn 50.000 mạng lính rồi vội vàng rút lui (xem Chiến Tranh Việt Hoa 1979). Hơn nữa yếu tố Trung quốc quyết định đánh Việt Nam mà không sợ Nga Sô đánh trả có lẽ còn dựa vào yếu tố “rận cùng chăn biết tẩy lẫn nhau” rằng Nga Sô chỉ nói mạnh nhưng kỳ thật yếu kém kinh tế và con gờm thái độ của Hoa Kỳ. Trung quốc hồi đó còn yếu, lo chế độ mới được củng cố bị Nga Sô về hùa với Hoa Kỳ đe dọa nên dùng cái vốn có sẵn là mạng người thừa thãi bỏ vào canh bạc. Đối với Mao, lính càng chết nhiều càng đỡ miệng ăn, càng tránh nạn đói, một đe dọa hãi hùng của Trung quốc.
Thời điểm này Trung quốc có  lợi thế hơn: Quân lực mạnh, kinh tế sung mãn, tinh thần quốc gia qúa khích và mộng đế quốc trong lòng người dân  – nhớ thời kỳ bị người da trắng bắt nạt – đang hừng hực. Trong khi đó “con ngựa” Hoa Kỳ tuy đang là siêu cường duy nhất vẫn tiềm tàng một số nhược điểm: kinh tế khó khăn, hai cuộc chiến hao mòn mệt mỏi chưa gỡ xong, ngân sách thâm thủng, nợ nần chồng chất, mà chủ nợ lại là Trung quốc.
Đánh Việt Nam, kịch bản của Trung quốc đơn giản là: dồn Việt Nam vào chân tường để Việt Nam phản ứng, rồi lấy cớ đánh mạnh đánh mau, trước hết trên biển dùng Hải và Không quân nhanh chóng chiếm toàn bộ quần đảo Trường Sa. Trên bộ xua bộ binh biển người tiến vào Hà Nội, giải giới quân đội Việt Nam, thành lập một chính phủ thân Trung quốc (kiểu chính phủ Hunsen ở Cam Bốt đối với Việt Nam năm 1979), đóng quân tại các nơi hiểm yếu rồi rút đại quân về, biến Việt Nam thành một Tây Tạng.
Năm 1979 Trung quốc đã sờ đít cọp Nga. Lần này đánh Việt Nam, Trung quốc biết mình sẽ “mó dái ngựa” Hoa Kỳ. Ngựa có đá không? Nếu dùng lý giải tình hình năm 1979 vào tình hình hiện nay, Trung quốc dễ đi đến kết luận “Ngựa Hoa Kỳ sẽ không dám đá”. Hoa Kỳ chưa có ràng buộc gì với Việt Nam, và Hoa Kỳ đang có nhiều vấn đề. Và sau khi thắng trận đánh khai thông cửa ngỏ Đông Nam Á  châu, kiểm soát con đường thông thương huyết mạch từ Ấn Độ Dương vào Thái bình Dương, uy hiếp Indonesia, Úc châu, Tân Tây Lan, Trung quốc sẽ chơi ngang hàng với Hoa Kỳ ở các châu khác trên thế giới, Phi châu, Nam Mỹ, Trung Đông.
Nếu năm 1979 Nga Sô đã không đám đánh Trung quốc để trả đũa trận đánh vào biên giới Việt Nam và sau đó Nga Xô mang “cục nợ” Việt Nam phải viện trợ … viện trợ để rồi “xuất huyết” mà sụp đổ, thì lần này nếu Trung quốc có thể “Mó dái ngựa” mà vô sự thì cái ngày Trung quốc làm bá chủ thế giới sẽ được thu ngắn vài thập niên.
Đây là một kết luận quá ngon lành và hấp dẫn. Nhưng cái gì “quá ngon” thì “nhiều chất độc”. Nền kinh tế Mác xít của Nga Sô là một nền kinh tế “chết” nên năm 1979 Nga có đánh trả Trung quốc hay không Nga cũng dần đi đến chỗ chết. Trái lại nền kinh tế Hoa Kỳ là một nền kinh tế tư bản. Chiến tranh toàn diện vì an ninh của chính nước Mỹ sẽ là kích thích tố cần thiết cho nền kinh tế đang èo ọp của Hoa Kỳ, và làm sống dậy tinh thần quốc gia của nhân dân Mỹ.
Và các nhà chiến lược về sự bành trướng của Trung quốc cần quan tâm đến một yếu tố đặc thù của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ vốn là một võ sĩ có võ nghệ cao cường, theo tinh thần võ sĩ hiệp là bản tính hiền hòa và nhân nhượng. Nhưng khi buộc phải xuất chiêu để bảo vệ sinh mạng và những giá trị của mình, thì nhất định sẽ không để kẻ địch sống. Trung quốc từng tuyên bố Biển Đông là vùng “quyền lợi cốt lõi”. Hoa Kỳ đáp lại: sự tự do dùng thủy lộ qua Biển Đông là “quyền lợi thiết yếu” của Hoa Kỳ. Võ sĩ mà không dám bảo vệ quyền lợi thiết yếu của mình được sao?
Nếu Trung quốc đánh Việt Nam kịch bản có thể là: Chính phủ cộng sản Việt Nam nếu còn một chỗ đất để trụ (dưới sự bảo vệ của Hoa Kỳ và Liên hiệp quốc) sẽ đưa vấn đề xâm lăng ra Liên hiệp quốc. Cộng đồng thế giới yểm trợ Việt Nam, nhưng phiếu phủ quyết của Trung quốc sẽ không cho Liên hiệp quốc hành động. Nếu Hoa Kỳ hành động sẽ phải hành động một mình với sự trợ lực của các đồng minh, nhất là các đồng minh Âu châu.
Chiến tranh nguyên tử sẽ bùng nổ chăng? Hoa Kỳ, Trung quốc và cộng đồng thế giới đều không muốn tự diệt nên sẽ không (hay chưa) có chiến tranh nguyên tử. Chiến tranh quy ước trên không, trên biển và nhất là trên bộ là chọn lựa của Trung quốc.
Nhưng cục diện khó dừng ở đó. Các nhà chiến lược Hoa Kỳ biết rằng trước sau trong thế kỷ 21 này, Trung quốc và Hoa Kỳ cũng phải đụng độ nhau trong một cuộc chạm trán thư hùng để phân chia ngôi thứ, và thời gian càng trôi qua càng bất lợi cho Hoa Kỳ.
Vậy … vậy tại sao không nhân cơ hội  này dùng thế thượng phong quân sự và lực lượng nguyên tử áp đảo để “knock out” Trung quốc luôn. Trong cuộc chạm trán nguyên tử, Hoa Kỳ sẽ dùng “hỏa tiễn phá hỏa tiễn” (missiles anti missiles) để phá nổ các hỏa tiễn nguyên tử của Trung quốc bắn ra ngay trên không phận Trung quốc, chấp nhận bụi phóng xạ trong giới hạn sống được tại các nơi khác trên thế giới trong đó có lục địa Hoa Kỳ.
Knock out Trung quốc, trả lại tự do cho Tây Tạng, Tân Cương, Mãn châu, Việt Nam, phá bỏ cơ chế Liên hiệp quốc lỗi thời, cân bằng lại trật tự thế giới, tạo cơ hội cho các nước tại Phi châu, Nam Mỹ, các nước Ấn Độ, Nhật Bản, Đức tham gia thế giới sự.
Còn vũ khí nguyên tử? Con quỹ dữ khi đã thoát ra khỏi miệng bình thì không nhốt vào bình được nữa. Cách tốt nhất là làm quen với nó để cho nó chung sống với người. Hủy bỏ đặc quyền 5 nước chính thức có vũ khí nguyên tử. Nước nào muốn chế tạo vũ khí nguyên tử cứ “bán hết thóc” và  “nhịn đói” mà chế tạo. Ai cũng có thì chẳng ai dọa được ai, và con quỷ nguyên tử sẽ biến thành con cừu. Không có gì chướng mắt bằng thấy Nga, Mỹ, Tàu, Anh, Pháp ôm khư khư kho bom của mình, trong khi ai chế bom thì la ó ồn ào làm như thế giới tiêu vong đến nơi!
Phải nhân cơ hội Trung quốc “mó dái ngựa ” đá cho Trung quốc té nhào và xây dựng lại một trật tự thế giới công bình hơn. Việt Nam sẽ nhân đó thoát khỏi đại nạn cộng sản. Một thời đại mới mở màn trong cảnh hoang tàn, nhưng là bước khỏi đầu cho một nước Việt Nam tự do dân chủ và phú cường xứng đáng với tài nguyên, đất đai con người và lịch sử của nó.
Viết đến đây tôi bàng hoàng như qua một giấc mộng, thấy mình đáng bị đánh vài hèo vì tội nói khoác.  Có bị vài hèo cũng chịu, tôi chỉ hy vọng các nhà lãnh đạo Trung quốc chia sẻ giấc mộng của tôi để biết sợ mà không dám “mó dái ngựa”. Hãy để yên cho đất nước tôi. Mấy ngàn năm chúng tôi thâm nhập văn hóa quý vị, thế mà quý vị đã không đồng hóa nổi chúng tôi thì bây giờ quý vị đừng hy vọng hão huyền có thể nuốt chửng chúng tôi.
Tôi cũng hy vọng các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ chia sẻ giấc mộng này để nhân cơ hội “Trung quốc đánh Việt Nam” tung vó đập tan cường bạo, tái lập lại trật tự thế giới và đồng thời cải tạo chính mình thoát ra khỏi cái vòng tròn luẫn quẩn càng lúc càng tự lừa dối mình.
Và đó là dịp để thức tỉnh những người đang lãnh đạo đất nước Việt Nam trở về với cội nguồn và là niềm hy vọng của đại khối nhân dân Việt Nam sống trong nước hay đang sống ở chân trời góc biển nào.
Cùng tất biến, biến tất thông. Đó là quy luật.
June 10, 2011
© Trần Bình Nam
© Đàn Chim Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét