Ngô Nhân Dụng
Ðồng bào biểu tình tuần hành
tại Sài Gòn ngày Chủ Nhật vừa qua mang một khẩu hiệu rất gợi hình: Trung
Quốc To Xác Xấu Bụng! Ðó là một cách dịch bằng hình ảnh rất cụ thể hai
chữ Bá Quyền.
Bắt chước lối nói bình dân đó, có thể mô tả tình trạng kinh tế của Trung Quốc bằng một hình ảnh: Xác To, Bụng Xấu.
Xác To: Sản lượng kinh tế của Trung Quốc đứng hàng thứ nhì trên thế
giới, và trong vài ba thập niên nữa sẽ lên hàng thứ nhất. Một con số nổi
bật là số dự trữ ngoại tệ. Vào Tháng Ba, số ngoại tệ dự trữ tại Ngân
Hàng Trung Ương ở Bắc Kinh (tên chính thức là Nhân Dân Ngân Hàng) đã lên
tới 3,000 tỷ đô la Mỹ, tăng gần một phần tư trong 12 tháng.
Bụng Xấu: Kinh tế Trung Quốc đang bị một “mối họa tâm phúc,” tiếng ta
gọi là đau bụng, một chứng đau bụng kinh niên, ngày càng trầm trọng
thêm vì hệ thống tài chánh đang trên đường phá sản với những món nợ
khổng lồ không thể thanh toán được! Tình cảnh này không khác gì những
đại ngân hàng sụp đổ ở Mỹ vào năm 2007, sau khi cho vay để người ta mua
nhà rồi con nợ không trả được. Năm 2008 Tổng Thống Gorges W. Bush đã
phải bỏ ra 700 tỷ đô la để cứu, sau khi để cho một anh phá sản! Cơn sốt
địa ốc và chứng khoán ở Trung Quốc trầm trọng không thua gì ở Mỹ bốn năm
trước. Khi các ngân hàng lâm cảnh vỡ nợ, Hồ Cẩm Ðào hay Tập Cận Bình
cũng sẽ phải cứu. Số nợ không đòi được của các ngân hàng thương mại
Trung Quốc có thể lớn đến 1,200 tỷ đô la! Trong khi đó, số nợ của Ngân
Hàng Nhân Dân cũng đang tăng lên chính vì muốn thu hút ngoại tệ vào
trong tay! Tình trạng “nợ xấu” này là hậu quả của cơ cấu kinh tế mất cân
bằng và việc cải tổ chính trị chậm chạp. Cho nên ông Ôn Gia Bảo đã phải
báo động hai lần là nếu không thay đổi chính trị thì kinh tế sẽ ngưng
trệ!
Tóm lại, kinh tế Trung Quốc là hình ảnh một anh to béo vạm vỡ nhưng ruột gan đầy bệnh tật!
Tại sao hệ thống ngân hàng Trung Quốc sinh ra chứng bệnh “Báng” đầy
những nợ xấu trong bụng như thế? Nguyên do là chính sách của đảng Cộng
Sản Trung Hoa dùng các ngân hàng của nhà nước cho các doanh nghiệp nhà
nuớc vay, gọi là “phát tiền” thì đúng hơn, vì các tiêu chuẩn thẩm định
tín dụng thường được bỏ qua. Ðặc biệt từ năm 2008, một khối tiền khổng
lồ được đổ ra để “kích thích kinh tế.” Chính quyền Trung Quốc không dùng
số tiền đó vào việc kích thích người dân tiêu thụ nhưng họ đưa tiền cho
các công ty quốc doanh đầu tư thêm, mà phần lớn các vụ đầu tư đó không
có lợi. Hậu quả là tỷ lệ lạm phát ngày càng lên cao. Từ năm ngoái Bắc
Kinh đã cố chặn bớt số tiền cho vay lại, bằng cách tăng lãi suất; bắt
các ngân hàng thương mại phải giữ một số tiền dự trữ cao hơn, năm 2009
giữ 15%, năm nay tăng thành trên 20%.
Nhưng các đảng viên cao cấp đang điều khiển các ngân hàng của nhà
nước đã có nhiều cách lách để vẫn tiếp tục cho các doanh nghiệp nhà nước
vay tiền với lãi suất thấp do nhà nước ấn định. Một phương pháp là đi
vòng quanh, dùng một con đường khác. Họ lập ra những “công ty tín thác”
(trust companies), cũng có tiền vô tiền ra nhưng không bị kiểm soát chặt
chẽ như các ngân hàng. Các công ty tín thác gọi vốn đầu tư của các đại
gia, của các doanh nghiệp nhà nuớc dư tiền mặt, hứa hẹn suất lời cao.
Sau đó họ đem tiền cho vay, với một lãi suất cao gấp bội, đưa tiền vào
những dự án kinh doanh nhiều rủi ro hơn. Không ai kiểm tra để biết số nợ
xấu của các công ty tín thác là bao nhiêu, vì họ không phải báo cáo như
các ngân hàng. Theo tuần báo kinh tế Quan Sát ở Trung Quốc, tại thành
phố Ôn Châu nổi tiếng là một trung tâm sản xuất đồng hồ, bật lửa và giầy
dép cho cả thế giới, có 1000 công ty tín thác hoạt động như vậy. Họ cho
chủ nhân các xí nghiệp tư vay với lãi suất cao tới 5% một tháng, tức
gần 80% một năm, hàng chục lần lãi suất mà các xí nghiệp quốc doanh vay
ngân hàng! Ði vay như vậy đầy rủi ro. Nếu có lúc nào thị trường thế giới
ngưng lại không mua hàng nữa vì kinh tế các nơi bị suy thoái; hay vì bị
hàng các nước khác, như Ấn Ðộ, Indonesia, Mã Lai cạnh tranh, thì các xí
nghiệp tư trên sẽ khó trả được nợ. Số nợ xấu trên toàn quốc sẽ tăng
vọt!
Nhưng các ngân hàng của nhà nước còn có nhiều cách khác để có thể
tiếp tục cho vay thêm mà vẫn giữ đủ tiền dự trữ theo tỷ lệ 20% mà Ngân
Hàng Trung Ương đòi hỏi. Họ đem “bán” các món nợ họ đã cho vay, các công
ty tín thác do họ lập ra đứng ra mua. Thế là giảm bớt ngay con số nợ
ghi trên sổ sách. Những công ty tín thác con mới gom các món nợ đã mua
lại thành từng “bó” rồi chia mỗi bó thành nhiều “dụng cụ đầu tư” nhỏ,
giống như các chứng khoán. Ngân hàng mẹ sẽ mua chứng khoán này rồi đem
bán lại cho các thân chủ nào muốn được mức lời cao. So với lãi suất trả
cho các món tiền ký thác trong ngân hàng thì những món “dụng cụ đầu tư”
mới này hấp dẫn hơn nhiều! Công việc gom lại rồi phân chia ra này không
khác gì việc các ngân hàng đầu tư ở Mỹ đã làm trong mấy năm trước 2007,
họ cũng gom các món nợ địa ốc lại rồi chia ra các đơn vị nhỏ mà đem bán
cho các nhà đầu tư khắp thế giới! Hậu quả khi giá nhà xuống đã gây ra
cơn khủng hoảng tín dụng đến bây giờ vẫn chưa thuyên giảm.
Năm 2009, chính quyền Trung Quốc đã cấm các ngân hàng và công ty tín
thác của họ không được mua đi bán lại với nhau như thế nữa. Ngay lập
tức, người ta thay đổi phương pháp. Một ngân hàng sẽ bán các món nợ mình
làm chủ cho một ngân hàng khác, ngân hàng thứ hai này bán lại cho một
công ty tín thác, rồi công ty tín thác mới gom các món nợ đó lại, chia
thành nhiều đơn vị nhỏ bán lại cho ngân hàng thứ nhất. Cứ như vậy, lại
tiếp tục vòng quay đưa các “dụng cụ đầu tư” mới tới cho các thân chủ y
như hồi trước!
Thủ thuật mua đi bán lại này mang lại lợi lớn. Mỗi công ty tín thác
chỉ cần làm công việc trên giấy tờ khi gom các món nợ lại rồi đem chia
ra. Họ lấy công bằng một mức lời rất nhỏ, dưới 3%, nhưng nhờ khối lượng
lớn nên cũng giầu to! Như công ty Anh Ðại Tín Thác (Yingda International
Trust), trong năm 2009 chỉ lấy tiền hoa hồng và tiền công bằng 0.17%
(17 phần 10 ngàn) trên số tiền 147 tỷ đồng Nguyên mà họ phụ trách. Nhưng
họ đã kiếm được 240 triệu Nguyên (gần 40 triệu Mỹ kim), mà tất cả họ
chỉ làm những công việc giấy tờ. Trong năm 2010, các công ty tín thác ở
Trung Quốc đã hoán chuyển các món nợ trị giá trên 2,000 tỷ đồng nguyên,
tương đương với hơn 300 tỷ Mỹ kim! Những việc ra tiền làm này được dành
cho những người “quan hệ tốt” với ban giám đốc các ngân hàng. Chúng giúp
các ngân hàng có thể cho vay thêm sau khi đã “bán” các món nợ cũ đi,
giúp cho những người có “quan hệ tốt” được đầu tư thu lợi nhiều hơn; tất
cả là những món lợi lớn lo cho các người biết đi đúng cửa!
Theo công ty Fitch, chuyên về thẩm định tín dụng (credit-rating) quốc
tế thì trong 11 tháng đầu năm 2010 các ngân hàng đã chuyển được 2,500
tỷ đồng Nguyên qua các công ty tín thác. Ngân Hàng Nhân Dân thì cho con
số chính thức, chỉ tới 1,600 tỷ Nguyên. Tương tự, Ngân Hàng Trung Ương
Trung Quốc báo cáo chỉ có 1.14% các món nợ của các ngân hàng là nợ xấu,
nhưng Fitch kiểm tra kỹ hơn thì thấy tỷ lệ nợ xấu lên tới 6%, nếu tính
đủ những món nợ mà các cơ quan chính quyền địa phương đi vay.
Tổng số vay nợ trong cả nước Trung Hoa là 48 ngàn tỷ đồng Nguyên
trong năm 2010, nếu tính 6% nợ xấu thì cũng tới 2,900 tỷ Nguyên, tương
đương với 1,200 tỷ đô la Mỹ, hơn một phần ba số ngoại tệ dự trữ! Công ty
Fitch đã hạ thấp điểm tín nhiệm của Trung Quốc trong tháng trước; và
đây là lần đầu tiên nước này bị hạ thấp điểm tín dụng kể từ năm 1999 đến
nay. Theo phân tích của Fitch thì nếu chính phủ Bắc Kinh muốn đem tiền
cứu các ngân hàng như chính phủ Mỹ đã làm năm 2008 thì số tiền chi ra sẽ
lớn bằng 30% tổng sản lượng nội địa, tức là hơn 1,600 tỷ đô la Mỹ. Con
số đó hơn gấp đôi số tiền 700 tỷ mà Tổng Thống Bush đã dùng để cứu các
ngân hàng lớn, mà sau ba năm nhiều ngân hàng Mỹ đã hoàn trả lại, với
tiền lãi đầy đủ, chỉ có một số nhỏ bị mất. Còn ở Trung Quốc, nếu nhà
nước có đem tiền ra cứu các ngân hàng thì cũng khó đòi lại! Số dự trữ
ngoại tệ trên 3,000 tỷ đô la sẽ hao mất một nửa khi tai nạn này xẩy ra!
Nhưng số tiền dự trữ đó, tự nó là một hiện tượng xấu, chính nó gây ra
những tai nạn khác trong nền kinh tế Trung Quốc. Ngân Hàng Trung Ương
Trung Quốc thu vào một số tiền khổng lồ như thế chỉ vì họ muốn giữ giá
trị đồng Nguyên thấp, sợ nếu nó lên giá so với đô la Mỹ thì hàng xuất
cảng của họ sẽ tăng giá, khó bán. Ngân Hàng Trung Ương mua các ngoại tệ
đem vào nước Tầu, do các xí nghiệp của họ xuất cảng hoặc do các nhà đầu
tư ngoại quốc đem vào. Khi đem tiền vào, người ta đem đổi, mua lấy nhân
dân tệ mà dùng, nhiều người mua sẽ khiến đồng tiền nước Tầu lên giá. Ðể
ngăn lại, hễ có đồng Mỹ kim, đồng Yen hay Euro nào qua cửa ải là Ngân
Hàng Trung Ương mua vét cho hối suất không lên. Lấy tiền đâu để đi mua
vét như vậy? Họ có thể vay trong công chúng, hoặc sử dụng quyền in đồng
Nguyên để dùng, cứ mỗi đồng in ra lại ghi vào sổ sách như một món nợ
mới!
Có hai hậu quả trong công việc in tiền để mua ngoại tệ này. Một là
Ngân Hàng Nhân Dân “nêu gương xấu” chuyên làm ăn thua lỗ! Từ bao năm nay
họ liên tiếp đem một đồng tiền đang trên đà lên giá (đồng Nguyên tăng
giá gần 5% trong hai năm 2009, 2010) đổi lấy một đồng tiền đang dần dần
xuống giá (Mỹ kim), cứ thế hết năm này sang năm khác. Chính quyền Trung
Quốc đã kêu gọi chính phủ Mỹ hãy giữ vững giá đồng đô la, nhưng Mỹ bỏ
ngoài tai vì chính sách của họ là hạ giá đồng đô la để bớt nhập cảng,
tăng xuất cảng! Có nhà kinh doanh nào dại dột cứ đem một món hàng đang
lên giá đổi lấy một món hàng liên tục xuống giá, hết năm này sang năm
khác hay không?
Hậu quả thứ hai là chính sách in thêm tiền để thu mua ngoại tệ này
góp phần sinh ra lạm phát. Muốn ngăn lạm phát phải tăng lãi suất. Nhưng
mỗi lần tăng lãi suất thì chính Ngân Hàng Trung Ương này phải trả tiền
lãi cao hơn trên những món nợ mà họ vay để lấy tiền đi mua ngoại tệ!
Chính thức, tổng số nợ của nhà nước Trung Quốc chỉ lớn bằng 17% tổng sản
lượng nội địa. Nhưng khi tính hết các số nợ không chính thức thì các
công ty tài chánh quốc tế đoán tỷ lệ thật lên tới 160% GDP.
Cuối cùng thì ai sẽ trả các món nợ và tiền lãi cho Ngân Hàng Nhân
Dân? Chính là Nhân Dân Trung Hoa! Dân chúng sẽ “đóng góp” vào việc trả
nợ qua nhiều hình thức: Thuế má cao, lương bổng thấp, tiền lời rất thấp
khi gửi ngân hàng (hiện nay lãi suất gửi đã là số âm khi tính tới lạm
phát). Dân chúng bị ép, thắt lưng buộc bụng ra sao họ cũng phải chịu.
Nhưng hiện tượng trên lại gây một hậu quả khó khăn cho chính đảng cầm
quyền. Vì khi dân chúng bị lấy bớt tiền thì họ cũng bớt tiêu thụ! Có lúc
trong tổng sản lượng nội địa của Trung Quốc có tới 60% là do dân tiêu
thụ; ngày nay tỷ lệ tiêu thụ chỉ còn là 36% GDP. Trong khi đó, đầu Tháng
Ba năm nay chính ông Ôn Gia Bảo mới nói đảng Cộng Sản Trung Hoa đang
chuyển hướng chính sách kinh tế, muốn dân chúng tiêu thụ nhiều hơn thay
vì hoàn toàn tùy thuộc việc xuất cảng và bị tình hình kinh tế thế giới
lôi cuốn!
Tóm lại, phải thấy là nền kinh tế Trung Quốc hiện mang hình ảnh một
anh khổng lồ mà trong ruột gan đầy bệnh tật. Ai mang bệnh Báng thì biết,
cái bụng cứ phì lên, trông thật là Xác To. Nhưng nhìn vào sâu mới thấy
Bụng Xấu, rất xấu. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét