Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2011

Sẽ bán gì?

Sẽ bán gì?

Nghịch Nhĩ

Tiền đồng Việt Nam và tiền đô la Mỹ. AFP PHOTO
Tiền đồng Việt Nam và tiền đô la Mỹ. AFP PHOTO
Hồi trẻ trai, rất thích đọc Đông Chu liệt quốcTam quốc diễn nghĩa, từng nhớ vanh vách mấy trăm tên người, mấy chục tên nước cùng bao nhiêu là sự kiện ở những thời, những xứ đâu đâu. Giờ lão lai tài tận, trí nhớ suy giảm thì ưa đọc Đại Vệ chí dị bởi nó chỉ nói chuyện một nước, trong một thời, xoay quanh dăm nhân vật, lâu lâu mới ra một đôi trang quen mà lạ, lạ mà quen, lại vẫn đủ mùi phấn sáp, binh đao, thum thủm… Câu chuyện dưới đây là ví dụ:
Nước Vệ triều nhà Sản, năm thứ 66, mùa xuân năm Tân Mão.

Thiên hạ thái bình, dân tình no ấm, hoan ca khắp nơi.

Nhờ ơn đức triều đình thấm nhuần bốn cõi, khắp nơi đều phẳng lặng.

Ngân khố đầy ắp, trù phú, thật là một nước cường thịnh đang đi lên, vị thế bang giao lớn mạnh. Thật là mấy mươi năm chưa lúc nào nước Vệ oai hùng thực sự đến vậy.

Bấy giờ nhân lúc thiên hạ thái bình, các quan trong triều nhàn tản mới mở tiệc trong cung luận đàm cách trông coi việc nước. Nước Vệ thường hay có lệ luận đàm, trước là đúc kết kinh nghiệm, sau là vạch ra đường lối, thể thức để cứ thế mà làm.

Bạo là Tể tướng, quyền to như Chúa ngày xưa, làm chủ cuộc luận đàm. Bạo tự đắc lắm, dù sao bao nhiêu năm qua nước Vệ có được ngày nay phồn thịnh, ấm no đều một tay Bạo quyết cả. Các quan tán tụng mãi về tài năng của Bạo.

Các quan bàn nhau đạo làm quan, cai trị, sách lược nào là nhân, trí, dũng, tín tràng giang đại hải một hồi. Bạo nghe tủm tỉm cười, đợi khi các quan bàn chán chê Bạo mới nói:

- Nực cười, đạo làm quan nước Vệ chỉ có đúng một từ mà thôi, lấy đâu ra nhiều thế.

Các quan xúm lại quanh Bạo, mong mỏi nghe lời hay. Bạo nói:

- Nước Vệ này sở dĩ có được thái bình, ấm no, phẳng lặng tất đều nhờ vào chữ Cấm mà thôi.

Các quan nghe Bạo nói xong, nhìn nhau giây lát rồi ai nấy đều gật gù khen phải. Quan Tuyên huấn nói rằng:

- Tể tướng tuy học hành không nhiều, nhưng ý chí đúc kết cả tinh hoa ngàn cuốn sách, đạo trị nước quả là trong đúng một chữ Cấm mà thôi. Ví như bộ ta quản lí, cấm không cho nói chuyện đói rét, thất nghiệp, giặc giã. Không được nói thì sẽ là không có chuyện đó, mà không có chuyện đó thì tất nhiên sẽ chỉ còn có chuyện no ấm, thái bình, thịnh trị…

Quan Thương mại khoái trá cười:

- Thật là tuyệt diệu, như chỗ chúng tôi, cái gì khan hiếm, đắt đỏ khỏi cần phải nghĩ cách tăng cường, bổ sung mà chỉ cấm là xong hết. Thiên hạ có vàng, triều đình thiếu thốn, giá vàng cao ngất, tiền triều đình mất giá. Chỉ cấm tư thương buôn bán vàng là xong, bắt được tịch thu, giá vàng giảm đột ngột, nay đây sắp tới bộ tôi sắp dâng sớ xin triều đình cấm thêm một số thứ nữa. Có gì xin các ngài đồng lòng duyệt giúp.

Quan Bộ Hình nói:

- Nước nhà yên ổn cũng là do các quan hành pháp biết khéo dùng chữ cấm, ví dụ bọn dân khiếu kiện đông thì cấm chúng tụ tập. Cấm đứng đơn nhiều người, bẻ chúng nó ra riêng rẽ từng thằng thì làm sao mà đất nước không yên lành, phẳng lặng.

Các quan lao xao, quan Giao thông cấm đường, quan Dân số cấm đẻ, quan nào cũng ráo riết khoe mình cấm nhiều, cấm triệt để. Bạo ngồi trên ghế Chúa nói:

- Các quan một lòng như vậy, nước Vệ này dẫu có sụp đất, đổ trời, thiên tai, mất mùa, đói kém đến đâu đi nữa thì vẫn là thái bình, ấm no, hạnh phúc. Khắp nơi nơi hoan ca, vui vẻ.

Bạo rời triều, các quan lục tục kéo về, sân điện thưa thớt người. Hai tên lính hầu nói chuyện, một tên bên hữu nói:

- Ban nãy Tể tướng nói có một chữ Cấm, theo tôi còn thiếu chữ nữa. Chắc ngài không muốn nói ra.

Tên lính bên tả hỏi:

- Có phải đó là chữ Bán phải không?

Tên kia gật đầu, tên bên tả bảo:

- Thì vua quan nước Vệ này cả đời quan nghiệp chỉ làm hai điều là Cấm và Bán mà thôi. Cấm người ta mọi thứ, còn mình thì bán đủ thứ để vơ vét.

Tên bên hữu nói:

- Cấm thì bàn cho nhau được, nhưng bán phải giữ riêng cho mình, kẻo thi nhau bán thì mình bán không kịp.

Cả hai tên cười ngặt nghẽo, lát sau tên bên tả thì thầm:

- Giờ mà ghép cả hai lại thành Cấm Bán nhỉ ?

Tên bên hữu nói:

- Ông dở mồm, cấm bán thì triều đình ta sao mà tồn tại được.
Đọc câu chuyện trên đã mấy tuần mà gáy vẫn còn lạnh. Chuyện là chuyện nước Vệ chứ có phải mình đâu, thế mà cứ nghĩ đến mình lại sởn cả gai ốc.
Vì sao ư?
Vì thấy từ hồi nào, báo “lề phải” đã cho hay nhiều quận huyện không còn quỹ đất dự trữ, tức là chẳng còn đất mà bán. Giờ muốn có đất, người ta phải lập dự án, đền bù, giải phóng mặt bằng, trong nhiều trường hợp thì có thể nói luôn là phải cướp của người dân, khiến đâu đâu cũng khiếu kiện về đất đai, cũng “tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây”, làm cho bà Lê Hiền Đức – người Việt Nam duy nhất đến thời điểm này được nhận giải thưởng Liêm Chính quốc tế – phải kêu lên rằng ở Việt Nam, tham nhũng về đất đai thật là kinh khủng. Chính phủ Việt Nam cũng thừa nhận tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2010 tiếp tục tăng so với năm 2009, các cơ quan Nhà nước đã tiếp nhận 157.797 đơn khiếu nại, tố cáo (tăng 29,8%) về 112.063 vụ việc (tăng 17%), số lượt công dân đến các cơ quan Nhà nước khiếu nại, tố cáo lên đến 379.989 (tăng 23,7%), khiếu kiện đông người tăng 43,11%, trong đó nội dung khiếu nại chủ yếu vẫn tập trung vào lĩnh vực đất đai (69,9%), nội dung tố cáo nhiều nhất vẫn là về các cán bộ, công chức có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật về quản lí đất đai.
Vì thấy người ta nói chỉ đôi ba năm nữa Việt Nam sẽ phải nhập khẩu hàng chục triệu tấn than, sau đó là nhập khẩu dầu, vậy mà giờ vẫn ra sức moi hút cho nhanh, bán cho cùng kiệt. Người ta cũng tiếp tục bán bauxite, quặng titan, quặng sắt, quặng đồng, quặng mangan, quặng kẽm, quặng magnetit… với những lí do muôn năm cũ như dư thừa sau khi chế biến, trong nước chưa có cơ sở chế biến sâu hơn, cần tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan thì năm 2009, số lượng quặng và khoáng sản xuất khẩu lên tới 2,15 triệu tấn, đạt kim ngạch gần 135 triệu USD (chưa kể dầu thô) và chủ yếu xuất sang Trung Quốc.
Vì thấy người ta chẳng những đã cho thuê mấy trăm ngàn hécta rừng, bao gồm cả rừng đầu nguồn, rừng biên giới, rừng ở khu vực trọng yếu về quốc phòng – an ninh mà còn cho thuê cả bờ biển, mặt biển. Chỉ riêng tại tỉnh Khánh Hòa, người nước ngoài đã thuê được hàng ngàn hécta mặt biển với thời hạn hàng chục năm. Chẳng biết có phải là trùng hợp ngẫu nghiên không khi cả rừng lẫn biển đó, phần lớn người thuê có nguồn gốc Trung Quốc.
Vì thấy trí thức nhiều người phải tha phương cầu thực, số còn ở trong nước thì bị bịt mồm, trói chân trói tay bằng đủ cách chẳng hay ho gì, nhẹ là buộc đi tới chỗ tự tuyên bố giải thể như Viện IDS, nặng là bị tống vô tù như ông Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ. Liệu như thế có phải là hủy hoại nguyên khí quốc gia?

Bán tới mức như thế, phải quẫn bách lắm rồi.
Vậy sắp tới, người ta sẽ bán gì?
Thấy gần đây phần dự báo thời tiết trong chương trình “Chào buổi sáng” của VTV sử dụng tấm bản đồ không có hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, cũng không đề cập thời tiết ở hai quần đảo này và một số đảo nhạy cảm khác.

Hay là đang sắp…

Càng lạnh gáy hơn nữa!

N.N.

Tác giả gửi tực tiếp cho BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét