Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 19 tháng 5, 2011

MỘT LẦN ÐẾN RO RÓ

MỘT LẦN ÐẾN RO RÓ
[20.05.2011 01:24 - Nhịp Cầu Thế Giới Online]
(NCTG) “Trong sâu thẳm, ai cũng muốn con mình được học và đi ra khỏi cái thôn Ro Ró kia, được nhìn thấy đường cái, có xe máy ô tô chạy ầm ầm mà lũ trẻ chỉ được nghe qua lời cô giáo kể. Tôi có thể nhìn thấy điều đó trong ánh mắt của lũ trẻ khi chia tay chúng tôi, những ánh mắt hỏi nhiều điều mà chúng tôi không dám hứa hay trả lời, có thể đơn giản chỉ là bao giờ thì cô quay lại đây lần nữa?”

Khung cảnh nên thơ


Ro Ró hay Rò Ró (phiên âm từ tiếng dân tộc Pakoh, Vân Kiều) đều gợi lên sự cô lập, bé nhỏ, xa hun hút. Đó là 1 thôn miền núi thuộc Xã Avao, Huyện Đakrong, tỉnh Quảng Trị, nơi chúng tôi đã “nằm vùng” một tuần khi xây dựng bộ tài liệu sách, tranh, truyện giáo dục mầm non cho trẻ em dân tộc thiểu số vùng này.

Dẫn vào thôn là một con đường độc đạo ven theo con núi, có đoạn dốc dựng ngược khiến những người lười tập thể thao như tôi mặt mày xanh lét, tim đập thình thịch, tưởng đứt hơi mới leo được lên đến nơi sau gần 2 tiếng đồng hồ thở phì phò. Cả thôn có khoảng 30 nóc nhà, hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài, khung cảnh khá thơ mộng với triền núi phủ đầy hoa dại, xa xa là bò, lợn, dê, gà thả rông đi lại thoải mái tung tăng.

Đoàn chúng tôi có 7 anh em gồm 2 anh tư vấn, 2 chị em nhóm dự án của tôi, cùng với 1 cô giáo và 1 thầy giáo người dân tộc đi làm phiên dịch, kết nạp thêm bà mẹ trẻ người Pakoh. Chúng tôi đã liên hệ để ở tại nhà văn hóa của thôn, thực ra là 1 căn nhà sàn đơn sơ vách nứa làm nơi hội họp của thôn khi có công chuyện, còn ăn uống thì tại nhà anh Vàng, trưởng thôn, mới ngoài 40 tuổi mà đã có 6 đứa con. Đồ đạc chúng tôi mang đi đủ thứ lỉnh kỉnh, nào là nồi xoong, bát đĩa, đèn pin, túi ngủ, thuốc men, sách vở, tài liệu, cũng vài thùng nặng è cổ.


Các cô đang tác nghiệp


Căn nhà sàn nơi cả đoàn tá túc, giữa tháng 6 mà gió vù vù rét run cả đêm, đám bọ chét từ lưng đàn dê dưới nhà sàn bắt đầu tung hoành nhảy nhót và cắn phá. Đến ngày thứ hai, tôi là người đầu tiên thấy ngứa, ngứa khắp nơi, không còn chỗ nào thoát, dù đã có người đi tiền trạm cho chuyến này mà không ai nhớ ra chi tiết phải mang thuốc bôi chống côn trùng.

Thấy tôi bị ngứa, gãi cành cạch như khỉ, các anh giai xúm vào trêu, tôi gầm gừ “hãy đợi đấy”. Y như rằng hôm sau có hai “tên” khác bắt đầu gãi, nốt bọ chét đốt sưng đỏ và ngứa vô cùng, không làm ăn gì được ngoài việc ngồi gãi, gãi cả đêm.

Nhiệm vụ của chúng tôi đợt này là đi sưu tầm các bài hát, thơ, truyện, chụp ảnh các loại nhạc cụ, quần áo, thu âm các câu chuyện kể của già làng, các loại nguyên liệu thô để về xây dựng bộ tài liệu cho trẻ. Ban ngày thì tôi và Lành (cô bạn nhỏ làm cùng) tập trung lũ trẻ ở thôn, làm thế nào để biết được các cháu thích gì, vẽ gì về ngôi trường mơ ước của mình thật khó, vì lũ trẻ cả đời chưa bao giờ đi ra khỏi cái thôn đó, biết gì mà mơ ước.
 
Thay vì hì hụi khai thác thông tin, Lành và tôi xoay ra dạy bọn trẻ cách giữ vệ sinh, Lành thì cắt móng tay cho cả đám, còn tôi thì sẵn năng khiếu nên cắt tóc xoèn xoẹt bằng kéo hẳn hoi cho hơn 10 chiến sĩ, rồi lôi chúng ra vòi nước tắm gội sạch sẽ bằng xà phòng thơm hiệu Lux hẳn hoi.
 

Ðứng vẹo cả người để cắt tóc chỗ khó


Nhà anh Vàng có 6 đứa con lít nhít, đứa lớn bế đứa bé vẹo cả sườn. Đến bữa ăn thì chủ yếu có cơm và muối trắng dầm với ớt, cho chút dầu ăn vào rồi ăn bốc ngon lành. Chúng tôi đưa tiền nhờ anh Vàng mua gà, mua cá để ăn chung cùng gia đình anh cho vui, bữa cơm nào cũng tối thui vì điện cực yếu, chỉ thắp sáng được 1 bóng đèn duy nhất, nếu bật bóng khác thì bóng này tự tắt (hình như thủy điện bà con tự làm thế là tốt lắm rồi).

Trẻ em ở đây hay bỏ học sớm vì cha mẹ nghĩ đi học chẳng để làm gì, cùng lắm hết lớp 9 rồi lại bỏ đi làm rẫy và trông em, lấy chồng lấy vợ sớm cho xong nghĩa vụ. Để xây dựng đề xuất hay kế hoạch cho một dự án chăm sóc giáo dục trẻ thơ, chúng tôi cần nhiều các kết quả đầu ra hoành tráng như giảm tỉ lệ trẻ bỏ học đến bao nhiêu phần trăm, nâng cao năng lực cho bao nhiêu giáo viên, xây được bao nhiêu trường học, bao nhiêu nhà vệ sinh, v.v...

Nhưng riêng đối với tôi, chỉ cần làm sao cho cha mẹ thay đổi quan niệm về việc giữ vệ sinh cho trẻ đã là cả một vấn đề to lớn, nếu làm được thì là một kỳ tích vì đây đã là văn hóa của họ. Trẻ em ở vùng này không mặc quần áo, có quần áo cũng không mặc, để thế cho nó mát. Đứa lớn hơn chút thì mặc gọi cho là có, còn đứa dưới 3 tuổi thì cứ “thiên nhiên” như thế này.


Trang phục “thiên nhiên” của trẻ em vùng núi

 
Nhìn bọn trẻ tôi nghĩ đến con mình ở nhà sung sướng và may mắn gấp vạn lần, thế nhưng đám trẻ ở đây lại có sự vô tư hồn nhiên mà không phải đứa trẻ thành phố nào cũng có. Chúng chơi chung với nhau, chia sẻ và nhường nhịn, đồ chơi thì không có gì thế nên không có cảnh tranh giành cũng phải. Khi chúng tôi chia kẹo, chúng đứng chờ đến lượt, không nhao nhao đòi phần mình, cũng thi thoảng có cậu ăn gian, xin một lần rồi lại cất vào túi xin tiếp lần khác.

Người Pakoh, Vân Kiều có truyền thống gia đình rất đáng học tập, họ yêu thương con cái, ít khi đánh mắng chửi con, có thể bao bọc và nuôi con hàng xóm nếu như bố mẹ chúng qua đời. Sự nghèo nàn, lạc hậu làm họ chưa quan tâm đến việc học hành và phát triển trí tuệ, thể chất của con, nhưng tình thương và sự đùm bọc luôn hiện hữu dưới mỗi mái nhà tranh ấy.

Tôi rất cảm động khi gặp cậu bé Lung, bị tàn tật cụt 2 chân, Lung có cặp mắt rất buồn, nhưng có lẽ sống ở cái thôn xóm này, với lũ trẻ thò lò mũi xanh, đầu tóc rối bời khét mùi nắng, Lung lại may mắn hơn rất nhiều vì sẽ không phải chứng kiến sự khác biệt, sự xa lánh của bạn bè mà tủi thân. Lung chơi đùa với bạn, cậu di chuyển bằng tay và đầu gối rất nhanh nhẹn như một chú khỉ con - nhìn Lung tôi không sao tránh khỏi bùi ngùi, dù không muốn thể hiện ra ngoài cho em biết.
 

Lung đang chơi cùng các bạn


Phần vui nhất là các buổi chiều, tôi và cả đoàn tổ chức trò chơi cho các em, thực ra là khuyến khích các em chơi các trò dân gian của dân tộc mình để đoàn quay phim và ghi âm làm dữ liệu. Bọn trẻ khoái chí, được “vui chơi có tổ chức”, chúng chơi và hát hò thoải mái, cười vang cả xóm. Bà con cũng vui lây vì thấy mấy đồng chí người Kinh cả tuần “ba cùng” với dân bản. Tối đến, mấy anh tư vấn vác đèn pin đi xuống nhà các già làng để nghe kể chuyện, còn bọn tôi thì tụ tập các mẹ, các chị để nghe hát ru và ghi âm rồi dịch ngay tại trận, mệt nhưng vui và thân thiết.

Kết thúc tuần làm việc, anh Vàng đưa chúng tôi xuống núi, anh vác đồ hộ chúng tôi mà đi phăm phăm không biết mệt, lũ trẻ nhà anh thì bịn rịn, chia tay các cô mà mặt buồn rười rượi, sự có mặt của chúng tôi trong một tuần làm khuấy động cả thôn xóm nhỏ, vui vẻ nhộn nhịp hẳn lên, vì thế đứa nào cũng buồn thiu, thật tội nghiệp.

Chúng tôi không thu thâp được nhiều như mong đợi, văn hóa dân gian của hai dân tộc vùng dọc đường Trường Sơn này đã bị mai một rất nhiều. Các câu chuyện dân gian đa phần đã tam sao thất bản, thêm vào đó, có nhiều yếu tố bạo lực và tình yêu oan trái nên chỉ áp dụng được rất ít. Các thành viên của dự án đã phải sử dụng các hình ảnh quen thuộc và gần gũi với văn hóa của bà con để sáng tác và chuyển thể nhiều các tác phẩm khác để xây dựng nên bộ tài liệu.


Cuốn sách “Một ngày của bé”


Bìa cuốn sách thơ tôi viết về một ngày của em bé người Pakoh, Vân Kiều với những hình ảnh tươi đẹp được minh họa để phần nào giúp các em muốn đi học hơn mỗi ngày. Bộ tài liệu dù chưa hoàn hảo nhưng khi nghĩ về nó tôi thấy vui vì trên giá sách tại các lớp mầm non tại các thôn bản ngày lại có thêm nhiều sách, nói như các bà, các mẹ là có cái chữ về làng.

Trong sâu thẳm, ai cũng muốn con mình được học và đi ra khỏi cái thôn Ro Ró kia, được nhìn thấy đường cái, có xe máy ô tô chạy ầm ầm mà lũ trẻ chỉ được nghe qua lời cô giáo kể. Tôi có thể nhìn thấy điều đó trong ánh mắt của lũ trẻ khi chia tay chúng tôi, những ánh mắt hỏi nhiều điều mà chúng tôi không dám hứa hay trả lời, có thể đơn giản chỉ là bao giờ thì cô quay lại đây lần nữa?
Bài và ảnh: Mai Quỳnh Anh, từ Hà Nội




 Bản để in In trang này |  Lưu dạng file Lưu để đọc sau |  Gửi tin qua email Email bài này |  Thảo luận Ý kiến của bạn


Những tin khác:



Lên đầu trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét