Lạm phát làm tăng đói nghèo ở Việt Nam
Tình trạng đói nghèo sẽ gia tăng tại Việt Nam do mức độ lạm phát tăng vọt trong thời gian qua, do vậy chính phủ Việt Nam phải tiếp tục duy trì các biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát, theo ông John Hendra, Trưởng phái đoàn Liên Hiệp Quốc (UN) tại Hà Nội.
Một tìm hiểu của UN thu thập từ các nghiên cứu về kinh tế Việt Nam cho thấy tình trạng đói nghèo tăng 2,1% kể từ sau đợt lạm phát cao hồi năm 2008.Theo Thông tin nhanh của UN Việt Nam cho biết lạm phát trong tháng Tư tại Việt Nam ở mức 17,5% - cao nhất kể từ tháng 12/2008, tức tăng 3,3% so với tháng 3/2011 và vẫn tiếp tục gia tăng.
Ông Hendra cũng cho biết Việt Nam thuộc trong số 5 nước có tỉ lệ lạm phát cao nhất trên thế giới, cao hơn so với các nền kinh tế ASEAN khác và gọi đây là "tình trạng nghiêm trọng".
"Nó sẽ gia tăng tỉ lệ nghèo đói, 1 hay 2% hoặc cao hơn thế", ông nói trong một cuộc gặp gỡ phóng viên tại Hà Nội, hôm thứ Ba, 10/5.
Sau Tết chính phủ Việt Nam đã thực hiện một loạt các biện pháp nhằm kìm hãm lạm phát như tăng tỉ lệ lãi xuất vài lần, tìm cách giảm mức tăng trưởng kinh tế mà theo UN là "gần tới mức tăng trưởng quá nóng", và hứa hẹn cắt giảm chi tiêu công cộng.
UN Việt Nam đánh giá việc chính phủ Việt Nam chủ động thực hiệ các biện pháp nói trên là một điều tích cực nhưng nhấn mạnh rằng "các áp lực liên quan đến việc giảm tỉ giá hối đoái giữa đồng Việt Nam và đồng ngoại tệ, dự trữ ngoại tệ thấp và thâm hụt thương mại cao vẫn là những mối quan ngại lớn", đồng thời nhắc tới ngành tài chính như một ngành tiếp tục "có nguy cơ cao do tăng trưởng tín dụng ở mức rất cao, và tình trạng này cần được kìm chế một cách cẩn trọng".
Tuần trước Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết cuộc chiến chống lạm phát được đặt lên trên nhu cầu tăng trưởng kinh tế và rằng chính phủ Việt Nam nay cho là tăng trưởng sản phẩm quốc nội sẽ ở mức 6,5% trong năm nay, thay vì mức đề ra như một mục tiêu chính thức là 7 đến 7,5%.
Vẫn theo ông Hendra cho biết thì Việt Nam chỉ thua một vài nước trên thế giới trong việc giảm tình trạng đói nghèo tuy nhiên vẫn có những khu vực nghèo đói khó giải quyết, đặc biệt là ở các vùng dân tộc thiểu số, và ông kêu gọi chính phủ cần có một cách tiếp cận mới.
Năm 2002, thu nhập của nhóm những người giàu nhất tại Việt Nam, chiếm 20% dân số, cao gấp 8 lần so với thu nhập của nhóm 20% dân số những người nghèo nhất và khoảng cách này nay tăng lên thành có thu nhập gấp 9 lần.
Ông Hendra nói thêm rằng giới chức trách cần "giải quyết tình trạng bất bình đẳng và chênh lệch ngày càng gia tăng rõ rệt này".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét