Khi nhà cầm quyền "sờ gáy" một đế chế
Với một loạt hành động kiên quyết sau nhiều năm yếm thế, các nhà cầm quyền Mexico cho thấy họ đã sẵn sàng để thách thức trùm Carlos Slim Helú và đế chế viễn thông hùng mạnh của ông.Tấn công dồn dập
Trong suốt 2 thập kỷ Slim xây dựng đế chế viễn thông hùng mạnh của mình trên nền công nghiệp viễn thông độc quyền đổ nát của Mexico, ông đã luôn thành công trong việc đánh bại các đối thủ cạnh tranh và thách thức các nhà chức trách muốn giới hạn tầm kiểm soát của các công ty của mình.
Tuy nhiên, trong hơn nửa tháng lại đây, một loạt các cuộc tấn công dồn dập đang đe dọa vị trí thống trị mà Slim đang nắm giữ.
Phát súng đầu tiên là từ cơ quan chống độc quyền của Mexico với khoản phạt 1 tỉ đô la nhắm vào mạng di động Telcel - một chi nhánh nội địa thuộc Tập đoàn América Móvil của Slim. Sau đó, vào cuối tháng 4, Quốc hội Mexico lại thông qua bộ luật chống độc quyền mới trong đó qui định việc tăng tiền phạt đối với các hành động độc quyền và áp dụng hình phạt tù cho những giám đốc điều hành cố tình thực thi độc quyền.
Tuần đầu tháng 5, Tòa án tối cao Mexico đã ra phán quyết chặn đứng một thủ thuật pháp lý mà các công ty của Slim đang dùng để chống lại các đối thủ có bảng giá thấp hơn. Quyết định này được cho là sẽ tiếp thêm sức mạnh cho các công ty viễn thông trong nước do chi phí kết nối mà họ phải trả cho América Móvil từ đây có thể được cắt giảm.
Với một loạt các hành động kiên quyết sau nhiều năm yếm thế, các nhà cầm quyền ở Mexico cho thấy họ đã sẵn sàng để thách thức trùm Slim và thực thi lời hứa đem lại một môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn cho ngành công nghiệp viễn thông nước này.
Những hành động trên cũng nhắn nhủ các công ty "đại gia" ở Mexico rằng rồi sẽ đến lúc họ cũng phải nằm dưới sự giám sát chặt chẽ hơn. Trong nhiều năm qua, những công ty này đã cố tình đi ngược lại các qui định bằng cách điều khiển tòa án và tận dụng ảnh hưởng chính trị của mình.
Cơ quan chống độc quyền của Mexico yêu cầu phạt mạng di động Telcel của Slim 1 tỷ đô la |
Dẫu vậy, hiện vẫn là quá sớm để nói liệu các hành động này có hiệu quả không và chúng sẽ được duy trì trong bao lâu.
Các chi nhánh nội địa của América Móvil như Telcel và Telmex sẽ tiếp tục theo đuổi quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng và các nhà phân tích cho rằng tiền phạt sẽ không được trả trong nhiều năm tới, nếu không nói là không bao giờ được trả. Trong khi đó, Telmex hiện vẫn đang chiếm giữ hơn 80% thị phần mạng điện thoại cố định và Telcel chiếm giữ hơn 70% thị phần mạng không dây.
Mặc dù đã thông qua luật chống độc quyền mới, trong nhiều năm qua, các nhà lập pháp và cầm quyền ở Mexico vẫn luôn trì hoãn những biện pháp cần thiết để áp dụng các qui định này đối với ngành viễn thông.
Và khi mà cuộc tổng tuyển cử tháng 7/2012 đang đến gần, những nỗ lực chính trị nhằm đẩy mạnh các biện pháp cứng rắn chống lại Slim - người được coi là giàu nhất thế giới - và các ông trùm khác sẽ sớm suy yếu dần do các đảng tranh cử đều cần hỗ trợ từ giới doanh nghiệp lớn.
"Các công ty lớn tin rằng khi luật pháp được áp dụng cho họ thì lý do duy nhất chỉ có thể là thù oán cá nhân và rằng luật pháp chỉ để dành cho các đối thủ của họ. Họ nghĩ đây là một đất nước của những ân huệ, tình bạn và các đặc quyền," ông Eduardo Pérez Motta, chủ tịch Hiệp hội Cạnh tranh Liên bang - đơn vị đang đề nghị khoản phạt 1 tỷ đô la - phát biểu.
Các giám đốc của các công ty của Slim thì lập luận rằng họ đem lại lợi ích cho người dân Mexico bằng cách tiếp cận cả những cộng đồng nghèo nhất của đất nước, trong khi các đối thủ của họ chỉ muốn bán cho người giàu.
Trong các lần xuất hiện trước công chúng, Slim trả lời các câu hỏi về độc quyền bằng cách lập luận rằng công ty của ông cũng phải chống lại những đối thủ quốc tế lớn mạnh như AT&T và rằng còn có nhiều công ty khác trên thị trường Mexico. Slim cũng dẫn chứng rằng ông phải đối mặt với các rào cản, ví dụ như khi các nhà cầm quyền từ chối cấp giấy phép kinh doanh truyền hình cho các công ty của ông, trong khi lại cho phép các công ty truyền hình mở dịch vụ điện thoại.
|
Slim Helú. Ảnh: Getty Images |
Cạnh tranh trong kinh doanh được coi là một vấn đề sống còn đối với tương lai của nền kinh tế Mexico. Các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cho thấy tình trạng độc quyền đang kìm hãm sự phát triển kinh tế của nước này. Mặc dầu tăng trưởng 5% trong quí đầu năm nay, Mexico vẫn đang lê bước đằng sau các nền kinh tế lớn ở châu Mỹ Latin.
Các công ty lớn kiểm soát nhiều loại hàng hóa và dịch vụ cơ bản, bao gồm xi măng, bia, bột bắp và phân phối thuốc. Kết quả là giá cả mọi thứ đều cao khiến cho khoảng cách giàu nghèo ngày càng rõ rệt.
Theo thống kê về tỉ lệ thâm nhập internet băng thông rộng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Mexico đứng dưới cùng của bảng xếp hạng và xếp sau các nước như Brazil và Argentina.
Dẫu vậy, trong nhiều năm qua, mặc cho các nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài của chính phủ, các công ty viễn thông ngoại quốc hầu như đã từ bỏ thị trường này vì sự thống trị của Telmex và Telcel. Ông Mony de Swaan, chủ tịch Hiệp hội Viễn thông Quốc gia cho biết các nhà đầu tư than phiền về chi phí quá cao mà Telcel áp đặt cho các cuộc gọi từ mạng của họ và các giới hạn đầu tư nước ngoài. "Họ nói: 'Đất nước các ông không thu hút tôi.' Và 'Tôi sẽ không cạnh tranh với quí ông [Slim] này!'"
Hiện nay, Slim đang đối mặt với một đối thủ mới ngay trên sân nhà. Televisa, đài truyền hình thống trị ở Mexico và cũng là một trong những công ty truyền thông tiếng Tây Ban Nha lớn nhất thế giới, đã xây dựng được mạng lưới viễn thông riêng của mình.
Đặt dưới sự điều hành của Emilio Azcárraga, tài phiệt 43 tuổi, Televisa đang cung cấp các dịch vụ điện thoại và Internet thông qua các công ty cáp của mình. Năm ngoái, họ mua lại 50% cổ phần của một công ty điện thoại nhỏ, Iusacell, với giá 1,6 tỉ đô.
Jana Palacios Prieto, một chuyên gia phân tích nhận xét: "Mexico cần một công ty với hầu bao thật rủng rỉnh để cạnh tranh trong thị trường di động. Vì vậy, Televisa có thể là một đối thủ đáng tin cậy."
Dẫu vậy, bản thân Televisa cho rằng chính phủ vẫn còn một chặng đường dài phía trước để biến thị trường thành sân chơi bình đẳng. Javier Tejado Dondé, giám đốc phụ trách thông tin của Televisa cho biết: "Những quyết định mà chính phủ đáng ra phải thực hiện từ lâu rồi thì bây giờ mới bắt đầu được thực hiện. Mà chúng còn phải được thử thách tại tòa án nữa. Vì vậy nếu nói rằng chúng ta đã đạt đến thời điểm cạnh tranh hoàn toàn lành mạnh - thì tôi cho là còn quá xa!"
- Vân Anh (theo New York Times)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét