SGTT.VN - Đã có nhiều người viết về hiện trạng khoa học Việt Nam so với thế giới. Tuy nhiên bản Báo cáo khoa học thế giới 2010 của UNESCO (Cuộc rượt đuổi của châu Á) cho một cái nhìn tổng quan và có lẽ khách quan hơn. Dưới đây là một vài điểm liên quan tới khoa học Việt Nam, rút ra từ báo cáo.
Vị trí khiêm tốn
Những điểm yếu nổi bật của khoa học Việt Nam là hoá, y học lâm sàng, kỹ thuật và công nghệ, y sinh. Ảnh: Phương Vy |
Chắc không ai ngạc nhiên về vị trí rất khiêm tốn của các ngành khoa học – công nghệ Việt Nam so với thế giới. Trong bài trước (Cuộc rượt đuổi của châu Á), chúng tôi đã nói tới “sự chuyển dịch địa lý” về nghiên cứu – phát triển (R&D) mà UNESCO đã nêu lên như một tính chất nổi bật của toàn cảnh khoa học thế giới trong khoảng thời gian 2002-2007: châu Á (không kể Nhật) đang có một cuộc rượt đuổi ngoạn mục các nước Tây phương có truyền thống khoa học lâu đời. Nhưng đó là nói tới các nước và lãnh thổ Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan (mà, vì lý do chính trị, Báo cáo chỉ lướt qua ở 1, 2 chỗ), hay Singapore…
Xếp hạng theo “Chỉ số kinh tế tri thức (KEI)”, Việt Nam đã nhảy 14 bậc (từ 120 lên 106) trong khoảng thời gian 1995 – 2009 (Báo cáo, trang 436), nhưng thực ra đầu tư cho khoa học – công nghệ của nước ta còn rất thấp.
Báo cáo chỉ có được những con số của Việt Nam cho năm 2002: tổng đầu tư cho R&D là 252 triệu 159 ngàn USD (1) (tức 0,19% GDP, bình quân 3,1 USD/người), so với hơn 39 tỉ của Trung Quốc (1,07% GDP, hay 30,5 USD/người), 25,5 tỉ của Hàn Quốc (2,4% GDP, bình quân 479,4 USD/người) và 3 tỉ của Singapore (2,15% GDP, hay 738,6 USD/người). Nếu tính theo số người làm trong lĩnh vực R&D, năm 2002 ta đầu tư 6.100 USD cho một nhà nghiên cứu, hoặc 27.000 USD cho một nhà nghiên cứu “quy đổi toàn thời gian”(2).
Năm năm sau (2007), Trung Quốc tăng hơn gấp đôi đầu tư trong lĩnh vực này (77,1 USD/người), Hàn Quốc và Singapore cũng tăng gần gấp đôi, đạt tới các con số 861,9 và 1.297,8 USD/người. Trong khi đó, UNESCO không có được con số liên quan đối với Việt Nam (3). Phải chăng do những khó khăn từ chính hệ thống thống kê kinh tế của nước ta – mà Báo cáo chỉ bóng gió nói tới khi phân biệt các chính sách “ẩn” và “hiện” (implicit, explicit)?
Các công trình được công bố quốc tế
Tất nhiên, những con số đầu tư nhiều hay ít cho R&D không máy móc dẫn đến những kết quả mạnh hay yếu cho nền khoa học của mỗi nước. Song vị trí khiêm tốn của khoa học – công nghệ nước ta vẫn không khá hơn khi ta nhìn vào những con số công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế. Bảng 1 (bên dưới) so sánh số công trình được công bố theo ISI (viện Thông tin khoa học) giữa một số nước Đông Nam Á và Hàn Quốc, trong khoảng thời gian từ 2002 đến 2008. Rõ ràng, ngay trong khu vực, chúng ta chỉ so sánh được với những nước như Indonesia và Philippines, và còn lâu mới đuổi kịp Thái Lan – chưa nói Singapore hay Hàn Quốc.
Nếu đi xa hơn, phân tích số công trình “hoàn toàn nội địa ” và số công trình có sự hợp tác với một hay nhiều nhà khoa học nước ngoài, thực lực khoa học Việt Nam còn thấp hơn nữa. So sánh số bằng phát minh còn tệ hơn nhiều lần (hàng năm, Việt Nam chỉ có được một vài bằng phát minh, so với vài chục của Thái Lan và vài trăm của Singapore)!
Còn bảng 2, tập trung vào năm 2008, cho thấy sức nặng tương đối của nền khoa học – công nghệ của ba nước Đông Nam Á gần gũi mà ta cần học hỏi, trong tám lĩnh vực lớn mà UNESCO chọn để phân bố các ngành khoa học.
Qua đây, ta thấy những điểm yếu nổi bật của khoa học Việt Nam là hoá, y học lâm sàng, kỹ thuật và công nghệ, y sinh. Đó là những lĩnh vực mà Việt Nam có tương đối ít công trình được công bố hơn so với toàn cục. Chẳng hạn, ngành hoá của Việt Nam chỉ công bố được 0,34 phần ngàn số công trình của thế giới, trong khi tính chung tất cả các ngành, số công trình của Việt Nam so với thế giới là 0,89 phần ngàn.
Ngược lại, thành tựu của toán học Việt Nam cao hơn hẳn (4). Hoặc nói cách khác (với giả thuyết khả tín là các nhà hoá học, nhà y sinh học hay các kỹ sư Việt Nam chẳng thua kém gì các nhà toán học đứng về năng lực trí tuệ), đầu tư của nhà nước và xã hội ta cho những ngành ứng dụng rất quan trọng đó quá yếu để họ có thể đạt được những kết quả tương xứng.
Để có được những kết luận hữu ích hơn – cho phép nhà quản lý hoạch định những chính sách đúng đắn để chấn chỉnh tình trạng nói trên – còn cần thêm những con số về nhân lực, tài – vật lực trong mỗi ngành, nhưng phải chăng, ta cũng có nhiều điều cần học hỏi khi nhìn vào những lựa chọn của các nước láng giềng, phản ánh qua các con số R&D trong bảng trên?
Hà Dương Tường
(1) Các số tiền ở đây được quy đổi theo sức mua (PPP).
(2) Khái niệm này (tiếng Anh: Full Time Equivalent) được đề ra để tính tới những người chỉ tham gia nghiên cứu một phần thời gian của họ. Cách biệt giữa các con số 6.100 và 27.000 cho thấy “trung bình” những “nhà nghiên cứu” chỉ dành chưa tới 1/4 thời gian của mình cho nghiên cứu. Điều này phù hợp với tình trạng các giảng viên đại học phải dạy thêm quá nhiều để kiếm sống, đã được phản ánh nhiều trên báo chí trong nước.
(3) Theo bộ Khoa học và công nghệ, đầu tư toàn xã hội cho khoa học và công nghệ của Việt Nam năm 2007 đạt mức 5 USD/người (xem Kinh tế và Đô thị 24.2.2010), nhưng không biết USD này đã được quy đổi theo sức mua hay chưa.
(4) Sẽ là sai lầm lớn nếu so sánh con số 121 công trình toán học với 173 công trình y học lâm sàng để nói rằng y học lâm sàng mới là ngành “mạnh” của Việt Nam chứ không phải toán. Mỗi ngành có “văn hoá công bố” của riêng mình, và các con số trong bảng 2 cho thấy tổng cộng các nhà nghiên cứu y học lâm sàng trên thế giới công bố gấp tám lần số công trình của các nhà toán học.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét