Chứng khoán Việt dò đáy thị trường
(VEF.VN) - Nếu so sánh với TTCK của 15 nước trong khu vực châu Á, hẳn rất nhiều người phải ngạc nhiên không hiểu nền kinh tế VN có vấn đề gì mà chứng khoán chỉ có xuống và xuống.Bài học từ lịch sử
Trong một số giai đoạn ngắn hạn nào đó, có thể giữa thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam và các TTCK trên thế giới không có mối liên thông, hay nói cách khác là TTCKVN không chịu ảnh hưởng nhiều từ những biến động của chứng khoán quốc tế. Nhưng trên tổng thể, không thể đơn giản mà cho rằng TTCKVN vận động hoàn toàn độc lập trong một thế giới mà độ phủ sóng toàn cầu hóa đang ngày càng mở rộng.
Thời kỳ gần cuối năm 2003 và quý III/2005 là những dẫn chứng cụ thể về mối quan hệ có tính song ánh giữa chứng khoán VN với thế giới. Vào năm 2003, TTCK Mỹ bắt đầu phục hồi, chứng khoán VN cũng tăng hơn hai lần. Còn từ quý III/2005, sau một thời gian đi ngang khá dài, chứng khoán Mỹ bắt đầu bước vào một chu kỳ tăng trưởng dài hạn, TTCKVN cũng đã có một đợt tăng đến 2,5 lần.
Trong những khoảng thời gian trên, nền kinh tế thế giới, được dẫn đầu với nước Mỹ đã có biểu đồ vận động khá ổn định và đạt mức tăng trưởng đều qua các năm. Trong khi đó, các thông số kinh tế của VN như tỷ lệ tăng trưởng GDP, kim ngạch xuất khẩu, dự trữ quốc gia, tỷ lệ lạm phát cũng khá ổn định. Đặc biệt, vào thời gian đó nước ta chưa bị ám ảnh bởi vấn đề nợ công quốc gia như hiện nay.
Đó cũng là lý do dẫn tới sự vận động đồng pha giữa TTCKVN với TTCK Mỹ từ khoảng giữa năm 2006 đến tận quý III/2007. Trong giai đoạn này, khi chứng khoán Mỹ tăng từ mốc 10.500 điểm lên trên 14.000 điểm (lập đỉnh vào tháng 10/2007), chứng khoán VN cũng đã có một đợt tăng trưởng được coi là thần kỳ, từ mức 400 điểm lên đến 1.170 điểm, tức gấp gần 3 lần.
Tuy nhiên vào tháng những tháng cuối năm 2007, trong lúc TTCK Mỹ và nhiều nước châu Âu đã suy giảm khoảng 10% thì không ít tổ chức và chuyên gia phân tích chứng khoán của VN vẫn mơ màng về triển vọng VN-Index (VNI) có thể vươn lên đến 1.200, thậm chí 1.500 điểm (vào tháng 3/2007, một cuộc khảo sát còn cho thấy có đến 50% số người được hỏi kỳ vọng VNI sẽ đạt 1.200 - 1.800 điểm vào cuối năm 2007).
Vào tháng 11/2007, mặc dù biểu đồ chứng khoán nước ta đã bộc lộ xu hướng giảm khá rõ nét, nhưng các cơ quan quản lý chứng khoán như Ủy ban chứng khoán nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cũng chỉ đưa ra những khuyến nghị chung chung như cảnh báo nhà đầu tư về trạng thái thị trường có thể "quá nóng", chứ hoàn toàn không xây dựng những phương án "cấp cứu" trong tình huống thị trường bước vào thời kỳ đổ dốc.
Tình hình sau đó như thế nào thì mọi người đều biết, nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, cho thấy TTCK đúng là dấu chỉ của kinh tế khi cả chứng khoán Mỹ lẫn VN đã sụt giảm từ trước đó. Mới đầu, các chuyên gia kinh tế thế giới còn dè dặt trước sự phá sản của một số ngân hàng Mỹ, và báo chí VN khi đó cũng mới chỉ bày tỏ sự ngạc nhiên trước những dấu hiệu xấu đi khá nhanh chóng của kinh tế và chứng khoán thế giới. Nhưng chẳng bao lâu sau, khi TTCKVN hiện ra những cú lao dốc thất thần, người ta đã phải thừa nhận sự ảnh hưởng tiêu cực từ thế giới đối với nước ta là yếu tố có thực. Yếu tố đó đã trở nên nổi trội nhất trong suốt năm 2008 và cả quý I/2009.
Những "kỷ niệm" trên xứng đáng là bài học đắt giá cho chúng ta, nhất là với những ai đã từng mất mát đến 80-90% vào giai đoạn kinh hoàng đó. Bài học đó chính là việc những cơ quan hữu trách của VN đã không đánh giá hết được những mầm mống nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và cũng chẳng dự báo được những tác động quá nguy hiểm của nó đến TTCKVN.
Đừng để lịch sử lặp lại
Trong thực tế, lịch sử đang lặp lại với một sắc thái mới: TTCKVN suy giảm triền miên trong khi TTCK thế giới tăng trưởng liên tục. Cho tới nay, sau khi TTCK thế giới đã lập đỉnh mới thì thị trường của chúng ta lại trở thành một tâm điểm "kém phát triển" trong tất cả các TTCK trên thế giới. Nếu so sánh với TTCK của 15 nước trong khu vực châu Á, hẳn rất nhiều người phải ngạc nhiên không hiểu nền kinh tế VN có vấn đề gì mà chứng khoán chỉ có xuống và xuống.
Thế nhưng vấn đề đặt ra là đà rơi của TTCKVN đã kết thúc hay chưa, cho dù mặt bằng giá cổ phiếu đã quá "hấp dẫn"? Không ai biết được. Chỉ có điều, quy luật "liên thông ngược" vẫn có thể diễn ra: khi TTCK thế giới tăng, TTCKVN giảm; còn khi TTCK thế giới giảm, TTCKVN sẽ có "cớ" để giảm tiếp.
Trong Báo Cáo Triển Vọng Kinh Tế Toàn Cầu (World Economic Outlook-WEO), một tài liệu đánh giá về nền kinh tế thế giới của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) trước khi hội nghị thượng đỉnh mùa xuân của IMF sẽ diễn ra tại Washington vào tháng 4/2011, IMF cho biết quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu đang "dần hồi phục" mặc dù tỉ lệ thất nghiệp còn tương đối cao.
Tuy vậy, IMF cũng lo ngại kinh tế thế giới vẫn sẽ tiếp tục đón nhận những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng nợ ở Châu Âu, khủng hoảng chính trị ở Trung Đông, khủng hoảng lương thực, biến động khó lường của giá dầu thô, và thảm họa động đất - sóng thần - hạt nhân ở Nhật Bản.
IMF hoàn toàn có cơ sở để lo ngại. Và nếu đúng với những lo lắng của IMF, vận động của các TTCK chính trên thế giới từ đây đến cuối năm 2011 sẽ có khả năng đi ngang cứ không giữ được mức tăng trưởng như năm 2010.
Còn nếu tình hình kinh tế thế giới có những biến động theo chiều hướng xấu, gần như chắc chắn TTCK Mỹ sẽ là hàn thử biểu báo trước sự xuống dốc cho khả năng kinh tế thế giới rơi vào tái suy thoái. Trong trường hợp này, một sự lặp lại kịch bản cuối năm 2007 có thể diễn ra, với thất bại đầu tiên thuộc về thị trường bất động sản (hiện thị trường này chỉ còn trên đáy khủng hoảng khoảng 3%), sau đó là TTCK. Khi đó, liệu chứng khoán VN sẽ nằm trong vòng xoáy nào?
Khách quan mà nói, bối cảnh những khó khăn kinh tế của nước ta hiện thời không khác mấy châu Âu, cũng với tỷ lệ lạm phát đang dâng cao, mối đe dọa phải thanh toán nợ công trong những năm tới. Với TTCKVN, cũng đang có nhiều dấu hiệu trùng lặp với giai đoạn năm 2008 như mặt bằng giá cổ phiếu giảm sút nghiêm trọng, tình hình nhiều công ty chứng khoán lỗ lã, nguồn cung cổ phiếu ngập tràn nhưng bị nhà đầu tư thờ ơ, tâm lý nhà đầu tư đang bị kích động theo chiều hướng rất tiêu cực...
Với những yếu tố đó, tương lai xảy ra những đợt lao dốc mạnh của thị trường là có thể. Vậy các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nhỏ lẻ, cần được thông tin và khuyến nghị gì để hạn chế những thiệt hại có thể có trong thời gian tới?
Những câu hỏi trên dành cho những nhà dự báo chiến lược của Ủy ban chứng khoán nhà nước. Trong thực tế, vẫn có một "căn bệnh" trong công tác dự báo chiến lược là nội dung được dự báo chủ yếu mang tính "định hướng" chứ ít được đào sâu vào những tình huống, giả định, càng ít được vạch ra những phương án cụ thể để đối phó với các tình huống xấu có thể xảy ra. Tất nhiên, việc đánh giá sự biến động của nền kinh tế thế giới từ đây đến năm 2020 là quá khó khăn, vượt ngoài tầm của nước ta. Nhưng ít nhất, việc dự báo cần được tiến hành cho thời gian 2-3 năm tới, với nguy cơ trước mắt là hệ quả tái suy thoái.
Ngày 18/4/2011, sau hơn 5 tuần "giằng co" đầy chủ ý, cả hai sàn HOSE và HNX đều đỏ rực, báo hiệu cho xu hướng mòn mỏi của nhà đầu tư đang chuyển nhanh sang tâm lý bán tháo. "Hãy khoan quan tâm đến mặt bằng giá cổ phiếu, mà phải xem đáy của thị trường ở đâu" - đó là tâm trạng bức xúc của đại đa số nhà đầu tư hiện nay.
Liệu Ủy ban chứng khoán nhà nước có dự liệu được những phương án về vùng đáy của TTCKVN để giúp cho nhà đầu tư?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét