Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015

“Tín giả, giao hữu chi bản” và công thức 4 + 6 = 209

Xuân Dương
 
(GDVN) - Người Việt đã dùng “lễ” đón ông Tập Cận Bình, thế nhưng hành động của ông ở Singapore đã khiến người Việt mất đi “Tín giả, giao hữu chi bản” với ông rồi. 


Trước và sau chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc luôn có một giọng điệu quen thuộc, tuyên bố tại Mỹ: “Quần đảo Trường Sa là lãnh thổ Trung Quốc từ thời cổ đại đến nay, chúng tôi có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý để chứng minh điều đó”.

Tại Anh Quốc trong bài trả lời phỏng vấn viết sẵn gửi cho hãng tin Reuters trước chuyến thăm, ông Tập nói: "Chủ quyền các đảo ở Biển Đông có từ cổ đại, do tổ tông để lại". Còn tại Singapore ông Tập nói “các đảo ở Biển Đông là lãnh thổ Trung Quốc từ thời cổ đại”. [1]
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: TTXVN)
Báo News Week dẫn lời một quan chức Trung Quốc giấu tên nói "còn 209 thực thể đất đai ở Biển Đông vẫn "còn trống" và chúng tôi có thể chiếm tất cả chúng. Chúng tôi có thể chiếm lấy chúng trong vòng 18 tháng?".[2]

Phát biểu tại Quốc hội Việt Nam, ông Tập nói đến “Lễ chi dụng, hòa vi quý” (trong phép đối xử thì lấy lễ nghĩa, hòa thuận, qúy trọng  nhau làm đầu); “Tín giả, giao hữu chi bản” (lòng tin là cái gốc để xây dựng tình bạn).

Nhận xét phát biểu của ông Tập, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng: “Có một câu mà ông ấy nhắc đến là chúng ta có vận mệnh chung. Tôi không nghĩ vậy. Tôi nghĩ nhân loại có vận mệnh chung chứ quốc gia thì không. Mỗi quốc gia có vận mệnh của mình và làm chủ điều đó”. [3]

Đọc kỹ toàn văn bài phát biểu của ông Tập mà truyền thông quốc tế đăng tải còn thấy rất nhiều cái “chung” mà ông Tập lồng ghép vào như “một khối chung, chung sinh mạng, chung mục tiêu,…”.

Mong muốn cuối cùng của ông Tập là Việt Nam và Trung Quốc “tránh việc quan hệ song phương giữa hai nước đi lệch khỏi quỹ đạo”.

Phải chăng cái “quỹ đạo” mà ông Tập muốn là Việt Nam cần đi theo Trung Quốc, đồng thời công nhận “chủ quyền lịch sử của Trung Quốc với toàn bộ vùng nước nằm trong đường “lưỡi bò” mà họ vẽ bừa ra năm 1949?

Đến thăm Việt Nam, ông Tập không dùng giọng điệu như đã nói tại Mỹ và Anh.
Ông đã khôn khéo lờ đi những gì mà người dân Việt muốn biết về “tình huynh đệ” mà ông đề cập.
Rõ ràng là ông Tập không vì “4 tốt” hay “16 chữ” mà bỏ qua cái gọi là “lợi ích cốt lõi” mà ông nhận là do “tổ tông” ông để lại.

Với người Việt, lãnh đạo Trung Quốc nói gì không quan trọng, quan trọng là họ làm gì. Nói họ “làm gì” là nói giới lãnh đạo sẽ chỉ thị cho máy bay, tàu chiến, tàu ngầm và các loại tàu binh trá hình tàu cá ngày đêm trên Biển Đông thực sự vì mục đích gì? Nên hiểu như thế nào?

Đó có phải là để tiếp tục cướp tài sản và đâm chìm tàu ngư dân Việt Nam trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa hay tiếp tục hút cát phá hoại môi sinh ở Trường Sa để làm cho “tổ tông” rạng rỡ vì đã có công “mở mang bờ cõi” đến gần sát bờ biển Việt Nam, Mã Lai và mấy nước Đông Nam Á khác?

Với cách nói của vị quan chức giấu tên người Trung Quốc, có thể các quân sư đã chuẩn bị sẵn cho ông Tập cái công thức toán học 4 + 6 = 209.
Nghĩa là vì đại cục, vì tình hảo hảo giữa hai bên, để chống sự “bành trướng, can thiệp” của Mỹ, Nhật, Ấn, Úc… Việt Nam và các nước ven Biển Đông nên để cho Trung Quốc chiếm nốt 209 thực thể còn lại.
Nếu được như thế thì “con đường tơ lụa” sẽ thông thương, hàng hóa dùng vài ngày là hỏng, hoa quả, thực phẩm nhiễm độc sẽ được cung cấp thường xuyên, liên tục đến tận các hang cùng ngõ hẻm mỗi quốc gia!

Con cháu Tôn Tử vốn là bậc thầy về binh pháp, trong đó hai chiêu “Tiên lễ hậu binh” và “Bất chiến tự nhiên thành” luôn được vận dụng triệt để.

Truyền thông quốc tế không thể không đặt câu hỏi, vì sao ngay khi rời khỏi Việt Nam, ông Tập Cận Bình chọn Singapore để lặp lại câu nói về chủ quyền các đảo, đá trên Biển Đông? Có nhiều đáp án cho câu hỏi này.

Tình hình nội bộ Trung Quốc

Chiến dịch mà ông Tập Cận Bình phát động “đả hổ, đập ruồi, săn cáo” với mục đích công khai là làm trong sạch Đảng Cộng Sản Trung Quốc nhưng không khó để nhận thấy mục đích thật sự tiềm ẩn bên trong.

Sau khi thành công trong việc xử lý 2 cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương là Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, ông Tập Cận Bình đã thông qua Nhân dân Nhật báo đã "cảnh cáo" các vị tiền bối "không can thiệp vào chính trị khi đã về hưu".

Dư luận quốc tế còn đồn đại về âm mưu đảo chính đối với ông Tập Cận Bình, tuy chỉ là lời đồn thổi song chính bản thân việc đồn thổi đó cho thấy ông còn quá nhiều việc phải bận tâm ngay trên chính đất nước ông và việc sử dụng chiêu bài “Biển Đông” chính là cách hướng dư luận trong nước ra bên ngoài.

Trung Quốc tiếp tục kiên trì yêu sách bành trướng “có từ thời cổ đại”

(GDVN) - Không thể nghi ngờ về yêu sách bành trướng "đường lưỡi bò", vấn đề còn lại là tìm mọi cách chặn đứng tham vọng và các hành động, thủ đoạn áp đặt yêu sách đó.

Việc giới nhà giàu Trung Quốc tìm cách kéo nhau ra nước ngoài sinh sống hoặc chuyển tiền ra nước ngoài cho thấy tâm trạng bất an của tầng lớp giàu có tại quốc gia này.

JPMorgan ước tính trong khoảng thời gian từ quý 3/2014 tới quý 2/2015, khoảng 235 tỷ USD “tiền nóng” của Trung Quốc đã “chảy” ra nước ngoài.
Sự bất an không phải chỉ xuất phát từ tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút và thị trường chứng khoán lao dốc mà còn là sự lo ngại những bất ổn chính trị có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.

Nhiều thế hệ lãnh đạo Trung Quốc đã thành công trong việc nhồi nhét tư tưởng đại Hán, bành trướng cho người dân nước này.

Liệu nó có khiến cho người Trung Quốc quên đi những thảm họa đang hàng ngày đe dọa cuộc sống của họ như nạn tham nhũng, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tấn công khủng bố xảy ra ở nhiều nơi (Tân Cương, Quảng Châu… )?

Tạo dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo đầy quyền lực không chỉ của Trung Quốc mà còn của  thế giới thông qua các hành động và tuyên bố bất chấp luật pháp quốc tế về chủ quyền trên Biển Đông có thể đáp ứng tư tưởng dân tộc cực đoan của không ít người Trung Quốc nhưng nó là con dao hai lưỡi vì nhân loại ngày nay luôn cảnh giác, chơi dao sẽ có lúc bị đứt tay.

Dư luận quốc tế

Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) vừa ra phán quyết rằng, PCA có quyền xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc về chính sách bành trướng ở Biển Đông.

Đây là một thất bại ngoại giao đáng kể của Trung Quốc kể từ khi ông Tập Cận Bình nắm quyền lãnh đạo quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Dù Trung Quốc và Đài Loan tuyên bố không công nhận kết quả phiên xử thì tính pháp lý các kết luận mà PCA đưa ra vẫn được quốc tế công nhận.

Đó là một khích lệ cho Việt Nam trong trường hợp cần vận dụng công cụ luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đang bị Trung Quốc xâm chiếm và đe dọa xâm chiếm tiếp trên Biển Đông.

Bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Quốc hội Việt Nam

(GDVN) - Sáng 6/11, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII.
Nhiều nước trước đây im lặng để giữ quan hệ kinh tế với Trung Quốc như Malaysia nay đã lên tiếng phản đối Trung Quốc.
Tư lệnh Lực lượng vũ trang Malaysia, Zulkefli Mohd Zin bất ngờ lên án hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc trên các bãi đá ở Biển Đông là “sự khiêu khích phi pháp không thể chấp nhận”.

Mỹ đã phản đối đòi hỏi chủ quyền vô lý, phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông bằng cách cho tàu chiến tuần tra trong phạm vi 12 hải lý các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp tại Biển Đông ngày 27/10/2015…

Dù vẫn ngang ngạnh bất chấp công luận song những người lãnh đạo Bắc Kinh không thể không nhận thấy sự cô lập của mình.
Củ cà rốt mà Bắc Kinh đưa ra qua các hợp đồng kinh tế không làm cho các nước bớt nghi ngại về sự bành trướng và tham vọng thống trị thế giới của giới cầm quyền Trung Nam Hải.

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng cùng 8 đối tác khu vực (AMD+) không ra được tuyên bố chung cho thấy không phải là Trung Quốc thành công trong việc chia rẽ ASEAN mà là sự bất đồng quan điểm đã trở nên trầm trọng.

Nhiều nước tuy nhận rõ bản chất cố hữu của giới cầm quyền Trung Quốc nhưng vì lợi ích kinh tế buộc họ phải nhắm mắt làm ngơ nhưng nhân loại không thể không cảnh giác.

Chủ nghĩa bành trướng và tư tưởng dân tộc cực đoan chính là mầm họa mà nhân loại đang phải đối mặt khi bước sang thiên niên kỷ mới.

Quan hệ Việt - Trung

Trước khi ông Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam, quân đội Trung Quốc liên tục diễn tập thực binh trên Biển Đông.
Người ta còn úp mở chuyện các máy bay tham gia diễn tập mang tên lửa cất cánh từ đường băng sân bay quân sự ở Hoàng Sa
Đây là gì nếu không phải là một cách diễu võ giương oai trợ lực cho chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc, một cách gây sức ép với các đối tác mà họ luôn muốn nắm trong vòng tay của mình?

Việt Nam đã đáp lễ Trung Quốc, chúng ta đã dành cho ông Tập Cận Bình nghi lễ dành cho nguyên thủ quốc gia, có thiếu nhi mang cờ hoa và hai mươi mốt loạt đại bác, có chiêu đãi và đội quân danh dự…

Vấn đề là trong trái tim, mỗi người Việt luôn trân trọng câu nói của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời phóng viên quốc tế khi thăm làm việc tại Philippines từ 21-22/5/2014:
Việt Nam sẽ không sử dụng biện pháp quân sự để giải quyết căng thẳng trên biển Đông hiện nay; song, Việt Nam cũng không chấp nhận đánh đổi chủ quyền lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng để  nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”. [3]

Muốn bạn bè quý mến thì đừng tham lam, muốn người khác tin tưởng mình thì đừng dối trá, muốn kết bạn thì đừng ăn cướp của bạn, muốn làm người vĩ đại thì đừng nhỏ nhen, muốn nâng tầm dân tộc mình thì đừng giẫm lên vai dân tộc khác.

Đến Việt Nam đừng nói dối hay đánh trống lảng. Đến Việt Nam đừng hứa hẹn bằng những lời hoa mỹ. Đến Việt Nam đừng nghĩ rằng đó là quốc gia nhược tiểu. Đến Việt Nam đừng cho rằng thời thế ngày nay vẫn như những năm 70 của thế kỷ trước.

Điều quan trọng cần phải hiểu là niềm tin phải mất nhiều năm tháng, phải qua nhiều thế hệ mới tạo dựng được nhưng chỉ cần một hành động xâm phạm thì điều đó sẽ biến mất, cho dù nó không mất hoàn toàn thì cũng không còn như trước.

Sử dụng chiêu cũ “tiên lễ hậu binh”, ở Việt Nam, ông Tập nói về đại cục và hữu nghị, ông còn đọc thơ Hồ Chủ Tịch, ký kết các hiệp định về đào tạo cán bộ, ngay sau đó ông tái khẳng định các đảo, đá trên Biển Đông là của Trung Quốc, phải chăng sau “lễ” sẽ là “binh”?  

Với lời tuyên bố của ông Tập tại Singapore chỉ một ngày sau khi rời Việt Nam, chúng ta không thể không chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu nhất khi mà Trung Quốc đang lăm le xâm chiếm 209 thực thể còn lại trên Biển Đông.

Một văn bản khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế cần phải được chuẩn bị thật hoàn chỉnh, một chiến dịch tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của Việt Nam với bạn bè quốc tế cần phải tiến hành ngay thay vì dành tiền xây trụ sở cơ quan hay tượng đài hoành tráng.

Người viết rất mong muốn Nhà nước có quyết định xây dựng lực lượng tự vệ biển, hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt để có thể chống lại những tàu cá trá hình Trung Quốc mà tạp chí DefenseNew gọi là China’s "Little Blue Men" (dân quân áo xanh).

Như lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói, người Việt không ai tin vào “một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó” mà lơ là cảnh giác, càng không thể tin rằng những lời hữu nghị của ông Tập sẽ mang lại hòa bình cho ASEAN nói riêng và thế giới nói chung.

Người Việt đã dùng “lễ” đón ông Tập Cận Bình, thế nhưng hành động của ông ở Singapore đã khiến người Việt mất đi “Tín giả, giao hữu chi bản” với ông rồi.
Tài liệu tham khảo:
 [1] http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Thien-chi-chot-luoi-dau-moi-post163188.gd
[2] http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Trung-Quoc-se-danh-chiem-not-209-thuc-the-chua-nuoc-nao-chot-giu-o-Bien-Dong-post162428.gd
[3] http://vneconomy.vn/thoi-su/dai-bieu-quoc-hoi-nhan-xet-phat-bieu-cua-ong-tap-can-binh-20151106062232843.htm
[4] http://laodong.com.vn/chinh-tri/thu-tuong-nguyen-tan-dung-khong-danh-doi-chu-quyen-lay-thu-huu-nghi-vien-vong-202740.bld
Xuân Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét