Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

Hồng Kông và kịch bản mãng xà - Cẩm nang Đấu tranh Bất tuân Dân sự của OCLP

Cẩm nang Đấu tranh Bất tuân Dân sự của OCLP

Dân Luận: Xin gửi bản dịch này tới các anh em hoạt động xã hội ở Việt Nam, những người đang từng bước theo dõi diễn biến cuộc cách mạng ở Hồng Kông. Sức mạnh của họ nằm ở tình thân ái và trí tuệ, và chính vì thế chúng ta luôn mong mỏi họ sẽ chiến thắng.
Bất tuân dân sự
 
(1) Ý nghĩa triết học

1. Bất tuân dân sự là hành vi phản kháng sự bất công bằng cách từ chối thực thi luật, nghị định hay trật tự xã hội. Những người tham gia nó sẽ không sử dụng đến bạo lực. Thay vào đó, họ chủ động chấp nhận những hệ quả pháp lý do sự phản kháng đem lại. Hành vi phản kháng không chỉ thể hiện tính văn minh mà còn phải tỏ thái độ bất tuân không chấp nhận hợp tác với nhà chức trách không công bằng, và phấn đấu thay đổi xã hội thông qua những cuộc đấu tranh liên tục. Những người yêu hòa bình thực sự không có nghĩa là họ từ chối chống lại cái ác, mà họ đấu tranh với cái ác một cách mạnh mẽ bằng phương pháp bất bạo động.

2. Sử dụng bạo lực chống lại bạo lực không chỉ làm tăng thêm sự thiên vị và sợ hãi, cho nhà cầm quyền lý do để đàn áp, và như thế củng cố địa vị của kẻ độc tài. Bất tuân dân sự là dùng tình yêu để chiến thắng lòng thù hận. Những người tham gia sẽ phải đối mặt với những đau khổ bằng thái độ cao quý, qua đó thu phục lương tâm của những kẻ đàn áp và giảm thiểu những sự thù hận đằng sau hành vi đàn áp. Quan trọng hơn là bất bạo động sẽ thu hút được sự thông cảm của những người bàng quan đang đứng ở bên ngoài, và cho mọi người thấy sự thiếu chính danh / chính nghĩa của tổ chức sử dụng bạo lực. Sự hy sinh của người đấu tranh chính là nhằm thức tỉnh công chúng.

3. Mục tiêu cuối cùng của chiến dịch là thiết lập một xã hội biết tôn trọng sự bình đẳng, tha thứ, tình yêu và quan tâm lẫn nhau. Chúng ta chiến đấu chống lại một hệ thống bất công, không phải những cá nhân. Chúng ta không phá hủy hay làm bẽ mặt các cơ quan thực thi pháp luật, thay vào đó chúng tôi muốn lấy được sự tôn trọng và hiểu biết của họ. Chúng ta không chỉ cần tránh va chạm và đối đầu bạo lực, mà còn cần tránh phát triển lòng thù hận trong tim chúng ta.

4. Những người tham gia chiến dịch Chiếm Giữ Trung Tâm phải thực hiện đúng nguyên tắc bất bạo động nếu chúng ta muốn dành được sự cảm thông và ủng hộ của quần chúng. Các nhà đấu tranh không được tham gia vào các xung đột chân tay hay đấu khẩu với lực lượng thực thi pháp luật, không được làm tổn hại tới tài sản công. Khi đối mặt với bạo lực, bạn được phép che chắn nhưng không được phép chống lại. Khi đối mặt với bắt bớ, bạn có thể tạo thành một chuỗi người và nằm xuống để làm cho việc bắt bớ khó hơn, nhưng không được vùng vẫy mạnh. Người biểu tình cần thể hiện một thái độ hòa bình và duy lý với phẩm giá cao đẹp. Họ phải liên tục nhắc nhở bản thân thể hiện tiêu chuẩn đạo đức cao hơn của những người đàn áp, và như thế mới dành được sự ủng hộ của xã hội.
bzfucb8ceaasr5x.jpg

Người biểu tình Hồng Kông dơ cao hai tay, dấu hiệu cho thấy họ sẽ không phản kháng hay đánh trả khi đối mặt với đám đông khiêu khích.

(2) Nguyên tắc tham gia biểu tình bất bạo động

1. Triệt để tuân thủ việc sử dụng phương pháp bất bạo động. Trước mặt những người thực thi pháp luật và những người phản đối cuộc biểu tình của chúng ta, không bao giờ làm tổn thương ai về tinh thần cũng như thân thể, hoặc làm tổn hại tới các tài sản.

2. Hãy dũng cảm đối diện với nhà chức trách và chấp nhận trách nhiệm về sự bất tuân dân sự của mình. Không sử dụng mặt nạ để che mặt.

3. Không mang theo vũ khí hoặc bất kỳ vật gì có thể sử dụng như vũ khí.

4. Khi đối mặt với bắt bớ, hãy tạo thành một chuỗi xích và nằm xuống để tỏ thái độ bất hợp tác. Không dẫy dụa mạnh để tránh bị tổn thương.

5. Hãy dũng cảm đối mặt với bạo lực. Không tấn công trở lại. Di chuyển tới nơi an toàn và yêu cầu nhóm y tế và đồng đội trợ giúp.

6. Để dễ dàng truyền tin tới đám đông, không ai ngoại trừ người được giao nhiệm vụ được cầm loa pin. Đừng dựng lên những lá cờ dài hoặc biểu ngữ lớn có thể chặn tầm nhìn.

7. Lãnh đạo của cuộc biểu tình có thể bị bắt giữ bất cứ lúc nào. Hãy chuẩn bị sẵn sàng để thay đổi quyền lãnh đạo và duy trì trật tự tốt cho đến cùng.

8. Tôn trọng các quyết định của tổ chức OCLP. Mọi bất đồng chỉ được xem xét sau khi cuộc biểu tình đã hoàn tất. Tránh các hành vi có thể làm gián đoạn cuộc biểu tình.
998850_510512562419275_996867578738881944_n.jpg

Khi đối mặt với bắt bớ, hãy tạo thành một chuỗi xích và nằm xuống để tỏ thái độ bất hợp tác

Những vấn đề pháp lý 

(1) Lưu ý về vấn đề pháp lý

OCLP là một phong trào bất tuân dân sự hòa bình, mục đích của nó là truyền cảm hứng cho những người khác trong xã hội, để cho họ nhìn thấy một số điều bất công trong luật pháp hay hệ thống chính trị hiện thời, và khuyến khích họ tham gia hỗ trợ sửa chữa những bất công đó. Những người tham gia vào bất tuân dân sự sẽ thách thức những bất công trong luật pháp hay trong hệ thống bằng cách thực hiện một số hành vi bất hợp pháp có giới hạn và sẽ chấp nhận hậu quả pháp lý của hành vi sai trái mà họ thực hiện. Điều này nhằm chứng minh sự quyết tâm của công dân Hồng Kông đấu tranh cho quyền phổ thông đầu phiếu ngay cả khi đối mặt với việc phải chịu trách nhiệm pháp lý, và cũng là để khuyến khích phần còn lại của xã hội tham gia. Mặc dù chúng ta sẵn sàng chịu những hậu quả pháp lý về hành vi sai trái của chúng ta, chúng ta cũng phải hiểu những điều luật, bảo vệ quyền lợi cá nhân cũng như tập thể, và để cẩn trọng trong hành động của chúng ta, để nhằm giảm thiểu những xung đột và hậu quả không cần thiết.
1.1 Những điều khoản công tố viên có thể sử dụng để chống lại cuộc tuần hành:
1) Làm tắc nghẽn nơi công cộng: Mục 4A của Pháp Lệnh Tóm tắt những vi phạm, Cap. 228 Luật Hồng Kông.
2) Tụ tập trái phép: Mục 17A của Pháp lệnh Trật tự công cộng, Cap. 245 của Luật Hồng Kông.
3) Tụ tập trái pháp luật: Mục 18 của Pháp lệnh Trật tự công cộng, Cap. 245 của Luật Hồng Kông. [*]
4) Gây rối ở nơi công cộng: Phần 17B của Pháp lệnh Trật tự công cộng, Cap. 245 của Luật Hồng Kông. [*]
[*] Những người tham gia sẽ không vi phạm luật này nếu họ duy trì đúng tinh thần đấu tranh bất bạo động mà OCLP đề ra.
10670220_10152404738549033_4217225805926157667_n.jpg

1.1.1 Tắc nghẽn nơi công cộng

Mục 4A của Pháp lệnh Tóm tắt những vi phạm, Cap. 228 của Luật Hồng Kông:

“Bất kỳ người nào, mà không có sự ủy quyền hoặc lý do hợp pháp, bày ra hoặc để lại những đồ vật cản trở, gây phiền hà hoặc nguy hiểm, hoặc có thể cản trở, gây phiền hà hoặc gây nguy hiểm, cho bất kỳ người hay xe đang lưu thông nơi công cộng sẽ bị phạt $5000 hoặc phạt tù 3 tháng.”

Sẽ bị ghi hồ sơ phạm tội trong trường hợp bị truy tố và kết án với tội danh này. Hầu hết người vi phạm lần đầu tiên sẽ chỉ bị phạt tiền.

1.1.2 Tụ tập trái phép:

Mục 17A(3)(a) của Pháp lệnh Trật tự công cộng, Cap. 245 của Luật Hồng Kông.

Mục 7 của Pháp lệnh Trật tự công cộng nói rằng một cuộc họp mặt trên 50 người chỉ được phép khi đã gửi Thư Không Phản Đối tới văn phòng Cảnh sát trưởng theo Mục 8 của Pháp lệnh Trật tự công cộng. Mục 9 của Pháp lệnh Trật tự công cộng cho phép Cảnh sát trưởng ngăn cản việc tổ chức bất kỳ cuộc họp công cộng nào được thông báo ở Mục 8 với lý do an ninh quốc gia hay an toàn công cộng, trật tự công cộng hay bảo vệ quyền và tự do của người khác.

Theo Điều 17(3)(a) của Pháp lệnh về Trật tự Công cộng, Chương 245 của Bộ Luật Hong Kong, Occupy Central là một hành vi tụ tập trái phép và “những cá nhân nào, khi không có thẩm quyền hợp pháp hoặc sự miễn trừ hợp lý, cố tình tham gia hoặc tiếp tục tham gia hay tổ chức hoặc tiếp tục tổ chức một phần của những hành vi tụ tập trái phép... là phạm tội và phải - (i) bị kết án bởi đoàn bồi thẩm dựa trên bản cáo trạng, với mức án 5 năm tù giam; và (ii) bị kết án bởi chánh án mà không thông qua hội thẩm, mức án phạt cấp thứ 2 và mức án 3 năm tù giam.”

Sẽ bị ghi hồ sơ phạm tội trong trường hợp bị truy tố và kết án với tội danh này. Hầu hết người vi phạm lần đầu tiên sẽ chỉ bị phạt tiền, hoặc bị tù giam trong vài tuần, nhưng cũng có thể nhận án treo.

1.1.3 Tụ tập trái pháp luật

Theo Điều 18 của Pháp lệnh về Trật tự Công cộng, “Khi có từ 3 người trở lên, tập trung lại, và có hành vi gây mất trật tự công cộng, đe dọa, lăng mạ hay khiêu khích với mục đính hoặc cố ý gây ra cho bất kỳ người nào khác một lý do chính đáng để sợ hãi rằng những người tụ tập đó sẽ phá vỡ an ninh trật tự, thì họ đã tụ tập trái phép. - (a) bị kết án bởi đoàn bồi thẩm dựa trên bản cáo trạng, với mức án 5 năm tù giam; và (b) bị kết án bởi chánh án mà không thông qua hội thẩm, mức án phạt cấp thứ 2 và mức án 3 năm tù giam.”

Nếu người tham gia phong trào Chiếm Trung Tâm chỉ đứng hoặc ngồi trên lòng đường mà không làm gì cả, và duy trì tinh thần bất bạo động, bình tĩnh và ôn hòa, thì khả năng vi phạm điều luật tụ tập trái pháp luật khi tham gia chiến dịch là không lớn.

1.1.4 Gây rối trật tự công cộng

Điều 17B của Pháp lệnh về Trật tự Công cộng quy định rằng, “(1) Bất kỳ người nào đang tụ tập ở nơi công cộng mà có những hành động gây mất trật tự công cộng với mục đích cản trở việc thực hiện mục đích của cuộc tụ tập công khai này hoặc kích động những người khác có những hành vi tương tự, sẽ bị buộc tội và bị truy tố với mức phạt cấp thứ 2 và với mức án 12 tháng tù giam” hoặc “(2) Bất kỳ người nào ở nơi công cộng mà có những hành vi gây mất trật tự hay phá rối, hay sử dụng, hay phân phát hay trưng bày những biểu ngữ có nội dung hăm dọa, sỉ nhục hay lăng mạ, với mục đích khiêu khích gây rối an ninh trật tự, hoặc là vì như thế mà việc gây rối an ninh trật tự sẽ có cơ hội xảy ra, sẽ bị buộc tội và sẽ bị truy tố với mức phạt cấp thứ 2 và với mức án 12 tháng tù giam.”

Cũng giống như trường hợp tụ tập trái pháp luật, nếu chúng ta duy trì tinh thần bất bạo động thì khả năng vi phạm điều khoản này là không lớn.
(2) Hướng dẫn cho người bị bắt 

2.1 Trước khi tham gia

Chuẩn bị một địa chỉ liên lạc khẩn cấp, người này không tham gia vào cuộc tuần hành và cho anh ta biết tên của bạn (cả tiếng Anh và tiếng Trung) cùng với số chứng minh nhân dân, để anh ta có thể liên hệ với OCLP và sắp xếp hỗ trợ pháp lý khi mất liên lạc với bạn hoặc khi được biết bạn bị bắt.

Thảo trước một bản tin SMS với đầy đủ chi tiết tên tuổi của bạn (cả tiếng Anh và tiếng Trung) cùng số chứng minh nhân dân để bạn có thể gửi nó tới đường dây nóng hỗ trợ của OCLP ngay khi bạn bị bắt.

Chuẩn bị trước quần áo thay đổi đơn giản và một áo khoác ấm.

Nếu bạn có bệnh mãn tính hoặc nhu cầu y tế đặc biệt, bạn nên mang theo giấy chứng nhận theo người.

Khi bị bắt giữ, cảnh sát sẽ giữ tất cả giấy tờ và đồ đạc cá nhân của bạn, do đó đừng mang theo người những thông tin nhạy cảm.

Điện thoại bạn mang theo người cũng không được chứa thông tin nhạy cảm về cuộc tuần hành hay các dữ liệu cá nhân quan trọng.

2.2 Khi bị bắt giữ

Cảnh sát đầu tiên sẽ thông báo cuộc tụ tập và tuần hành là trái phép, đọc ra những điều khoản liên quan trong Pháp lệnh Trật tự Công Cộng, và kêu gọi những ai tham gia giải tán hoặc sẽ đối mặt với hành động tiếp theo của cảnh sát.

Nếu những người đang có mặt không chịu giải tán, cảnh sát sẽ phát lời cảnh báo cuối cùng, tuyên bố cuộc biểu tình là trái pháp luật, và tuyên bố họ sẽ thực thi pháp luật. Cảnh sát sẽ bao vây những người có mặt và có thể ngăn cản bất kỳ ai rời khỏi khu vực trước khi họ giải tỏa khu vực.

Khi cảnh sát bắt đầu giải tỏa khu vực, nếu không có xung đột hay bạo lực, thì cảnh sát chỉ được sử dụng vũ lực tối thiểu để giải tán người biểu tình. Trước khi bắt người biểu tình, cảnh sát đầu tiên sẽ hỏi người biểu tình có chịu đi lên xe cảnh sát một cách tự nguyện không. Nếu người biểu tình tự nguyện, cảnh sát sẽ không sử dụng vũ lực; nếu người biểu tình cố gắng nằm lại, cảnh sát sẽ bắt anh ta bằng một nhóm 4 người nắm 2 chân và 2 tay của người biểu tình. Trong khi vác người biểu tình, dò người biểu tình có chống lại hay không, cảnh sát sẽ khóa tay người biểu tình bằng cách bẻ hoặc xoắn cổ tay anh ta. Người biểu tình nên thả lỏng cơ thể vào lúc này để tránh bị tổn thương và tránh cho cảnh sát lý do chính đáng để sử dụng vũ lực ở mức độ mạnh bạo hơn. Trên đường ra xe cảnh sát, OCLP sẽ có những người tình nguyện đứng tại khu vực để thu nhận tên của những người bị bắt giữ (nếu họ không bị ngăn cản bởi cảnh sát). Hãy làm theo yêu cầu của người tình nguyện này và nói to tên tuổi của mình để họ có thể giúp sắp xếp hỗ trợ pháp lý.

Khi lên xe cảnh sát, tùy thuộc vào tình hình, cảnh sát có thể hoặc không bắt đầu tiến trình đăng ký. Người bị bắt có thể hỏi cảnh sát rằng họ sẽ được chuyển tới đồn nào?

Khi tới đồn cảnh sát hoặc trung tâm tạm giam, cảnh sát sẽ bắt đầu tiến trình đăng ký theo nhóm, ghi lại tên, tuổi, chiều cao, nghề nghiệp, địa chỉ và số điện thoại liên lạc của từng người. Cảnh sát sẽ cho biết lý do bị bắt giữ, để người bị bắt biết hành vi vi phạm mà mình bị truy tố trong tương lai. Cảnh sát sẽ hỏi liệu họ có cần liên lạc với người thân, và người bị bắt có thể tùy ý chọn có hoặc không. Trong quá trình đăng ký, cảnh sát sẽ cung cấp túi ny-lon cho người bị bắt để bỏ các tài liệu và đồ dùng cá nhân vào đó. Một khi được niêm phong, thì người bị bắt có thể mang theo túi ny-lon này và nó sẽ không được mở ra nếu không có sự đồng ý của người bị bắt và lời tuyên bố của cảnh sát khi anh ta được trả tự do. Túi ny-lon này không thể mở được trước khi bỏ dấu niêm phong và người bị bắt được thả ra. Người bị bắt có thể yêu cầu nhiều hơn một túi ny-lon và có thể cho các phần của cùng một món đồ (ví dụ điện thoại, pin và SIM card) vào các túi khác nhau.

Sau khi đăng ký và niêm phong túi ny-lon, cảnh sát sẽ sắp xếp để người bị bắt giữ vào phòng chụp ảnh. Nếu có nhiều người bị bắt cùng lúc thì cảnh sát sẽ đơn giản hóa quy trình bằng cách chụp ảnh lấy ngay trong quá trình đăng ký. Sau đó cảnh sát sẽ sắp xếp để lấy khẩu cung và cho phép người bị bắt gặp một luật sư. Người bị bắt có thể yêu cầu lấy khẩu cung trước mặt luật sư của mình. Nếu có nhiều người cùng bị bắt một lúc, cảnh sát có thể không đòi hỏi lấy khẩu cung từ người bị bắt, nhưng sẽ phải sắp xếp để người bị bắt gặp luật sư.

Sau thủ tục nói trên thì thủ tục bắt giữ kết thúc. Nếu người bị bắt chỉ phải nhận cảnh cáo (thường xảy ra nếu bạn chỉ tham gia vào cuộc biểu tình) mà không cần phải bảo lãnh, cảnh sát sẽ thả người bị bắt ngay khi có thể. Nếu cảnh sát yêu cầu phải có bảo lãnh cho người bị bắt (thường xảy ra nếu bạn là người tổ chức), người bị bắt có thể chọn giữa trả tiền hoặc ở lại trong đồn 48 tiếng. Một người bị bắt có quyền được bảo lãnh hoặc được đưa ra tòa sớm nhất có thể; trong mọi trường hợp, người bị bắt không thể bị giam quá 48 tiếng nếu không có sự phê chuẩn của tòa án.

Nếu người bị bắt chọn phương án trả tiền bảo lãnh, cảnh sát sẽ thả anh ta ngay khi có thể, nhưng sau khi được thả, anh ta cần phải có mặt tại đồn cảnh sát thường xuyên theo điều kiện đặt ra bởi phía cảnh sát. Không có một quy tắc cố định cho số lần và thời gian trình diện, và cảnh sát sẽ giữ quyền truy tố người bị bắt.

Nếu người bị bắt chọn nằm lại trong đồn cảnh sát trong 48 tiếng, cảnh sát sẽ phải quyết định có truy tố anh ta không, và đưa anh ta ra tòa ngay lập tức. Nếu cảnh sát quyết định thả người bị bắt ngay lập tức, cảnh sát sẽ giữ quyền truy tố, và người bị bắt không cần phải trình diện tại đồn cảnh sát thường xuyên cũng như trả tiền tại ngoại.

Từ lúc cảnh sát bắt đầu bắt giữ, tất cả những quyền của người bị bắt sẽ được áp dụng (xem chương kế tiếp: quyền của người bị bắt giữ). Khi đến đồn cảnh sát, người bị bắt có thể yêu cầu đi toilet và có thể yêu cầu thức ăn được cung cấp bởi cảnh sát.
2.3 Sau khi bị bắt giữ

Trong khi bị bắt giữ, hãy lưu ý và cố gắng nhớ mã số của viên chức bắt giữ bạn, lý do bị bắt và tội danh.

Bạn chỉ cần cung cấp cho cảnh sát số điện thoại, địa chỉ, và số chứng minh nhân dân.

Sau khi bạn bị bắt, mọi điều bạn nói có thể trở thành bằng chứng, ngay cả nói chuyện ngoài khuôn khổ cuộc thẩm vấn chính thức (ví dụ trong xe cảnh sát, hoặc khi đang đợi ở đồn cảnh sát v.v…)

Bạn không bắt buộc phải nói điều gì khi lấy cung, và bạn có thể nói “tôi không có gì để nói” để trả lời các câu hỏi của cảnh sát.

Bạn có thể yêu cầu được liên lạc với thế giới bên ngoài, và trong trường hợp bạn liên lạc được với số liên lạc khẩn cấp thì hãy nói cho anh ta biết đồn cảnh sát bạn đang bị giam giữ và tội danh, và yêu cầu được hỗ trợ pháp lý.

Bạn có thể yêu cầu cảnh sát cho bạn một danh sách luật sư.

Cảnh sát có thể đòi khám xét cơ thể, nhưng nếu không có lý do chính đáng, cảnh sát không có quyền đòi bạn bỏ quần áo để khám.

Bạn có thể yêu cầu được nghỉ ngơi và đòi hỏi đồ ăn từ phía cảnh sát.
Bạn có thể yêu cầu gặp bác sĩ, và kiểm tra y tế và đòi hỏi bất kỳ trợ giúp y tế cần thiết nào.

Bạn sẽ được nhận một thông báo dành cho những người bị bắt giữ, và dựa vào đó bạn có thể biết các quyền của bạn khi bị bắt giữ.

Một người bị bắt có quyền được bảo lãnh hoặc được đưa ra tòa ngay khi có thể; trong mọi trường hợp, một người bị bắt không thể bị tạm giam quá 48 tiếng nếu không có sự chấp thuận của tòa án.
2.4 Hướng dẫn về việc lấy khẩu cung

Nếu bạn chấp nhận cho cảnh sát lấy khẩu cung, thì lời khuyên của chúng tôi dành cho bạn là hãy đợi đến khi có luật sư tới và tham gia cùng bạn. Một người bị bắt có quyền từ chối cung cấp thông tin cho cảnh sát cho đến khi luật sư của mình tới.

Bạn không cần phải trả lời bất kỳ câu hỏi nào, trừ phi bạn tự nguyện làm việc đó. Cảnh sát sẽ ghi lại thông tin bạn cung cấp và giữ làm bằng chứng. Nếu bạn thấy có sai sót hay thiếu hụt nào, hoặc những chỗ không có cơ sở thực tế, bạn phải ngay lập tức yêu cầu sửa đổi lời khai – nếu không thì từ chối không ký vào bản cung khai.

Cảnh sát không được dùng bất kỳ đe dọa nào để bắt ép bạn phải cung cấp lời khai hay nói gì đó.

Một người bị bắt có quyền ngưng hoạt từ chối tiếp tục tham gia vào quá trình thẩm vấn nếu anh ta cảm thấy không khỏe.

Trang phục và đồ dùng cần thiết (cho cuộc bất tuân dân sự)
 
1. Nhu cầu cơ bản

- Những bữa ăn ít nhưng thường xuyên hơn tốt cho tiêu hóa và bảo tồn năng lượng. Hãy mang đủ thức ăn trong 2-3 ngày. Thực phẩm bổ sung sẽ được cung cấp bởi nhà tổ chức.

- Nước uống

- Đồ ăn khô (bánh quy, trái cây khô, các thanh đồ ăn cung cấp năng lượng v.v…)

- Đồ uống có chất điện giải (Electrolytes drink)

- Thẻ y tế (với chi tiết về bệnh mãn tính, nếu có, và địa chỉ liên lạc khẩn cấp)

[*] Những người có bệnh mãn tính được khuyến cáo không tham gia các cuộc biểu tình dài ngoài trời.
2. Chăm sóc sức khỏe

- Đồ mang theo cần gọn nhẹ và an toàn

- Áo chống gió và ấm, quần áo để thay đổi

- Đi giầy thể thao cho dễ di chuyển

- Kính bảo hộ, tránh đeo kính áp tròng

- Đồ che mưa và che nắng

- Nước rửa, băng sát trùng, khăn tắm lớn, chai nhựa rỗng lớn (cho nam giới)
3. Công cụ 

- Ban tổ chức sẽ cung cấp các sách hướng dẫn tại chỗ
- Giấy và bút (để ghi lại những điểm quan trọng)
- Điện thoại di động (để gửi SMS), pin dự phòng, đồ xạc, túi chống nước
- Tiền mặt (để đi xe taxi về nhà buổi tối)
- Túi ngủ (lều không được khuyến khích), ghế du lịch
- Ba lô lớn và các túi đựng nhỏ
10630609_10152467278702872_5374351510505964936_o.jpg

Kính bảo hộ, áo mưa, đồ uống thể thao có chất điện giải, chuối (chứ không phải bánh mỳ hay sữa)... là những thứ được khuyến nghị mang theo tại HK
 
Nguyễn Công Huân chuyển ngữ
 (Dân luận)

-Hồng Kông và kịch bản mãng xà

Procontra

Michael DeGolyer trả lời phỏng vấn báo taz

Phạm Thị Hoài dịch
taz: Chương trình nghiên cứu Hồng Kông trong thời kì quá độ (Hong Kong Transition Project) mà ông phụ trách đã phân tích sự phát triển tại thành phố này từ 1982. Ông có ngạc nhiên về quy mô của cuộc biểu tình phản kháng hiện nay không?
Michael DeGolyer: Không, không hề. Trong báo cáo cách đây chín tháng chúng tôi đã nhận định là dân chúng sẽ phản ứng rất mạnh, nếu các yêu cầu về dân chủ của họ bị bỏ qua. Sự phản kháng đó sẽ gây tổn thất cho Hồng Kông. Nay chúng ta đang chứng kiến chính xác điều đó.
Nhưng chính Benny Tai, người sáng lập phong trào Chiếm Trung (Occupy Central), cũng bất ngờ vì số người tham gia rất đông.

Phân tích của chúng tôi chín tháng trước cho thấy, nếu phong trào dân chủ Hồng Kông tiếp tục bị chia rẽ thì bộ phận cực đoan sẽ được khoảng 20 % dân chúng ủng hộ. Nếu đoàn kết thì tỉ lệ đó sẽ lên đến 35 %. Nếu Bắc Kinh can thiệp mạnh – chẳng hạn như  vụ tấn công tàn nhẫn bằng lựu đạn cay chủ nhật vừa rồi – thì tỉ lệ ủng hộ trong dân chúng sẽ lên đến trên 40 %. Vì thế bây giờ chúng ta đang có một cuộc phản kháng quy mô lớn nhất trong khả năng có thể đã được đoán trước.
Xung đột phát sinh từ thủ tục đề cử ứng viên cho chức Đặc khu trưởng Hồng Kông trong tương lai. Ngoài ra có những nguyên nhân xã hội nào không?
Có, những nguyên nhân đó đóng vai trò đổ dầu vào lửa. Theo điều tra dân số thì thu nhập của những người được học hành đào tạo tốt, trong tầm từ cuối 20 đến cuối 30 tuổi, tức là không phải những sinh viên bây giờ, hiện thấp hơn 15 % so với năm 2000, mặc dù trình độ học vấn của họ cao hơn. Điều này liên quan nhiều đến áp lực cạnh tranh từ phía sinh viên và giới hàn lâm Trung Quốc Đại lục. Hồng Kông là một xã hội với tỉ lệ người già khá cao, nhưng hệ thống bảo hiểm hưu trí lại không đầy đủ, nên người trẻ ở Hồng Kông còn phải lo trợ cấp thêm cho cha mẹ, ông bà hay các cụ. Tuổi về hưu chính thức là 60, nhưng mãi đến 65 tuổi mới bắt đầu được trả lương hưu. Trong khoảng thời gian ở giữa đó, người lao động khó tránh khỏi sa thải hay bị bớt lương. Vì thế mà sự trợ giúp của gia đình hết sức quan trọng. Theo điều tra của chúng tôi, có đến một nửa dân số thuộc diện này.
Vì sao có nhiều người rất trẻ tham gia biểu tình, như học sinh trung học chẳng hạn?
Đó là sự kết hợp của hai nhóm, một nhóm là các em học sinh với mong muốn bày tỏ, và một nhóm là anh chị của các em này, đang là sinh viên hoặc đã ra trường.
Có người cho rằng các học sinh, sinh viên biểu tình này quá ngây thơ, vì Bắc Kinh sẽ không bao giờ nhượng bộ. Theo ông thì họ có cơ hội thực sự để thay đổi điều gì không?
Họ ngây thơ, vì họ hoàn toàn không nắm được cách tư duy của những nhà cầm quyền Trung Quốc. Đó là những người thuộc thế hệ 50, 60 và ngoài 70 tuổi, lớn lên trong Cách mạng Văn hóa, dựa vào Mao và Hồng Vệ binh. Chủ nghĩa dân túy của những thế hệ này thời đó đã phá hủy Trung Quốc, còn sau này Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế sắp đứng đầu thế giới là nhờ khước từ cái chủ nghĩa dân túy đó của Mao. Cách mạng Văn hóa nhắm vào cán bộ và công chức. Họ coi mình là nạn nhân của thanh trừng. Vì thế mà giới cầm quyền hiện tại rất sợ chủ nghĩa dân túy lại có cơ thắng thế. Nếu bây giờ các yêu sách về bầu cử phổ thông ở thành phố giàu nhất Trung Hoa nổi lên và cho phép các chính khách dân túy lên nắm quyền thì giới lãnh đạo Đảng Cộng sản hết sức lo ngại, kinh nghiệm từ chính lịch sử của bản thân họ đã dạy rồi.
Tình hình hiện nay có vẻ như là chính quyền Hồng Kông muốn câu giờ, để cuộc biểu tình tự lắng xuống, số lượng người tham gia giảm đi và dân chúng sẽ quay sang phản đối những người biểu tình còn cố thủ.
Ngay bây giờ Bắc Kinh đã chặn các đoàn du lịch đến Hồng Kông. Trong tổng sản lượng quốc gia thì phần đóng góp của ngành du lịch ở Hồng Kông tương đối nhỏ, nhưng số người phục vụ trong ngành này lại rất lớn. Như vậy là ngay bây giờ, tổng thiệt hại về kinh tế thì nhỏ, nhưng tác động thì lớn. Những biện pháp như thế sẽ từng bước được áp dụng. Tuần tới sẽ có những người đầu tiên bị mất việc. Nhiều người Hoa và các công ti của họ ở Đại lục có tài khoản ngân hàng ở Hồng Kông. Tôi dự đoán là dòng vốn bằng dollar Hồng Kông sẽ tuồn ra. Giới kinh doanh sẽ thấy là hành trình này dẫn đến đâu. Chúng ta sẽ chứng kiến việc công luận quay sang chống và cô lập các sinh viên. Rồi có thể một số người sẽ bị bắt và qua đó phí tổn phải trả cho biểu tình sẽ tăng lên. Cứ từ từ, chiếc thòng lọng tròng vào cổ phong trào phản kháng sẽ bị xiết dần từng nấc, nên tôi gọi đó là „Kịch bản mãng xà“.
Vậy bây giờ những người biểu tình có lựa chọn gì?
Họ chỉ còn cách rút lui, mà đó là điều vô cùng khó, hoặc nếu tình hình leo thang thì họ tiếp tục dạt về một góc. Còn nếu họ chiếm các văn phòng chính phủ như đã dọa thì có thể chính quyền sẽ để mặc cho họ chiếm, rồi chán vì chiếm cũng không giải quyết được gì. Càng cực đoan thì những người biểu tình càng mất sự ủng hộ trong dân chúng.
Đồng hồ đang chạy theo chiều bất lợi cho những người biểu tình?
Đúng vậy. Đã có người kêu gọi tìm những con đường khác, vì chính quyền không chấp nhận yêu sách. Nếu bây giờ còn xảy ra bạo lực thì những người biểu tình sẽ nhanh chóng đánh mất sự hậu thuẫn của dân chúng. Cho đến hết cuối tuần này, những nhóm dân chúng khác sẽ còn tiếp tục ủng hộ sinh viên, nhưng sau đó thì gay. Nếu số người thất nghiệp tăng lên thì họ cũng như những người đang lo bị mất việc sẽ ép để biểu tình phải chấm dứt.
Nếu các cuộc biểu tình ở Hồng Kông kéo dài vài tuần thì Tập Cận Bình, người đứng đầu Đảng và Nhà nước Trung Quốc, có bị coi là yếu không?
Còn tùy vào việc các cuộc biểu tình mạnh lên hay giảm đi. Bài học từ các nước khác cũng như từ Trung Quốc và Hồng Kông cho thấy là bạo lực thoạt tiên sẽ khiến phản kháng bùng nổ thêm. Vậy tốt nhất là để phản kháng tự chìm xuồng. Phong trào Occupy ở Hồng Kông trước đây là một ví dụ. Nó kéo dài hơn phong trào ở New York, nhưng kết cục là sau gần một năm dựng lều phản kháng ở khu vực lối đi của Ngân hàng HSBC, chẳng ai buồn quan tâm đến việc nó bị dẹp nữa. Tôi đoán là người ta sẽ tìm cách lùa những người biểu tình hiện nay ra khỏi các khu phố và cho họ vào công viên mà biểu tình. Muốn biểu tình đến lúc nào cũng được.
Ông có thấy một khả năng thỏa hiệp nào không, chẳng hạn Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh sẽ từ chức?
Trung Quốc không thỏa hiệp dưới áp lực. Có thể có một thỏa hiệp, sau khi các cuộc biểu tình chấm dứt, nhưng bây giờ thì không. Ông Lương chỉ từ chức sau khi tất cả những chuyện này đã xong. Những cuộc biểu tình năm 2003 ở đây còn lớn hơn, nhưng mãi hơn một năm sau ông đặc khu trưởng thời đó mới từ chức.
Bạo lực có nguy cơ xảy ra không?
Rất có thể. Nếu có thì nó sẽ xảy ra rất bất ngờ, vì được những kẻ giật dây che giấu. Việc dùng đến bạo lực là kịch bản không thể biết trước.
Phe nào sẽ dễ nghiêng về bạo lực hơn, các sinh viên hay những kẻ gây hấn thân chính phủ?
Cả hai phe, phe sinh viên và phe gây hấn, đều có thể khiến những người thiếu bình tĩnh phản ứng. Nếu các cuộc biểu tình không bớt đi mà còn lan sang Trung Quốc Đại lục thì nguy cơ xảy ra bạo lực càng cao.
Có khả năng là Trung Quốc chủ ý dùng vũ lực ở Hồng Kông không?
Tôi cho là không, vì không cần. Hồng Kông hết sức phụ thuộc vào Trung Quốc. 80 % nước dùng do Trung Quốc cung cấp. Trung Quốc chỉ cần cắt điện, nước và thực phẩm là thấy ngay vị thế rất yếu của Hồng Kông. Không cần phải chờ lâu, rồi Hồng Kông sẽ van xin để được Trung Quốc nhận trở lại.
_________
Michael DeGolyer (61 tuổi), học giả Hoa Kỳ, là giáo sư Quản lí Nhà nước và Quan hệ Quốc tế tại Baptist University, Hồng Kông. Từ năm 1993, ông phụ trách Chương trình Nghiên cứu Thời kì Quá độ ở Hồng Kông (Hong Kong Transition Project). Có thể đọc thêm về nhận định „Kịch bản mãng xà“ của ông trên South China Morning Post ngày 4/10/2014.
Nguồn: taz 02/10/2014
Bản tiếng Việt © 2014 pro&contra

-Điểm sáng Hồng Kông và cục diện Dân chủ

Danquyen                  

Nhà báo Trần Quang Thành phỏng vấn TS Hà Sĩ Phu 

LGT : Cả thế giới đang chăm chú theo rõi và ủng hộ cuộc biểu tình của sinh viên Hồng Kông
Vài chục nghìn người của một thành phố vài triệu dân biểu tình chống chủ trương của một nền độc tài đang thống lĩnh gần  1 tỷ rưỡi dân thì đúng là trứng chọi với đá. Nhưng ở đây “trứng” là điểm sáng để người ta đối chứng với núi đá là bóng đêm. Quả trứng nhỏ nhưng có sức mạnh của ánh sáng.

Trung Quốc vừa muốn Cộng sản hóa Hồng Kông lại rất cần duy trì trung tâm tài chính thương mại Tư bản số 1 thế giới này để thu lợi khổng lồ. Cho nên, vừa muốn bưng bít sự thật lại vừa cần mở cửa giao lưu để sống còn, đó là mâu thuẫn chí tử của thể chế Cộng sản.
Nhân  cuộc biểu tình ở Hồng Kông, nghĩ về cục diên dân chủ ở Việt Nam, đó là chủ đề cuộc trao đổi giữa Tiến sĩ Hà Sĩ Phu và nhà báo Trần Quang Thành


Nội dung như sau.  (Bấm) Mời quí  vị theo dõi
*******************

TQT: Thưa TS Hà Sĩ Phu, tại Hồng Kông sinh viên đang có cuộc biểu tình rất rộng lớn và mạnh mẽ, không chỉ một hai ngày mà đã kéo đến tuần thứ hai biểu thị  tinh thần kiên trì đấu tranh cho tự do dân chủ của Hồng Kông được phát triển, không bị chính quyền Bắc Kinh tước đoạt. Ông có ý kiến bình luận gì vê cuộc biểu tinh của sinh viên Hồng Kông không thưa ông?
HSP: Cuộc biểu tình rầm rộ của sinh viên Hồng Kông được cả thế giới chăm chú theo rõi và ủng hộ nên đã có nhiều bài bình luận, trong đó nhiều bài có giá trị, xin không lặp lại. Tôi chỉ bổ sung một ý kiến bình luận, hỏi rằng trong cuộc đọ sức giữa một Hồng Kông dân chủ nhỏ bé so với toàn Hoa lục Cộng sản vô cùng rộng lớn thì cuối cùng “Ai sợ ai, ai thắng ai, ai sẽ đào mồ chôn ai? “.
TQT : Vâng, xin ông cho lời bình luận về cuộc đối đầu tưởng như rất không cân sức này

 HSP: Vâng quả là không cân sức, khi chỉ một số người  của một thành phố mấy triệu dân biểu tình chống chủ trương của một nền độc tài đang thống lĩnh gần 1 tỷ rưỡi người thì đúng là trứng chọi với đá. Nhưng ở đây “trứng” là điểm sáng để người ta đối chứng với “núi đá” là bóng đêm. Quả trứng nhỏ nhưng có sức mạnh của ánh sáng. Bóng đêm ắt phải sợ ánh sáng. Cộng sản đi theo một chủ thuyết ảo tưởng dẫn đến kết quả bi đát nhưng lại tuyên truyền là duy nhất khoa học, là dân chủ gấp triệu lần, là thiên đường hạnh phúc. E sợ nhân dân nhìn thấy một xã hội đối chứng để so sánh mà lật tẩy sự dối trá, nên mọi chế độ cộng sản đều phải bưng bít xã hội sau bức màn sắt. Nhưng bức màn sắt bưng bít cứ bị phá vỡ, chẳng những vì sức mạnh không gì cản nổi của kỷ nguyên thông tin mà còn vì chính chế độ CS rất cần phải mở cửa để cứu vãn sự ngưng trệ và đói kém của chế độ, không mở cửa thì không tồn tại được. Cho nên, vừa muốn bưng bít sự thật lại vừa cần mở cửa giao lưu để sống còn, đó là mâu thuẫn chí tử của thể chế CS. Trung Quốc vừa muốn áp đặt Cộng sản lên Hồng Kông nhưng lại rất cần duy trì trung tâm tài chính thương mại Tư bản số 1 thế giới này để thu lợi khổng lồ.
Hồng Kông, tô giới của Anh được trao về Trung Quốc với quy chế “một quốc gia 2 chế độ” chính là nơi mà mâu thuẫn ấy được hội tụ, tập trung ở đỉnh cao, nên sự đụng độ trực tiếp và ngoạn mục là điều dễ hiểu.
Trước mắt thì Hồng Kông là một điểm sáng nhỏ bé nhưng tương lai sẽ thuộc về điểm sáng đó, rồi đây toàn bộ Hoa lục khổng lồ phải tiến theo điểm sáng ấy thôi.
Ở Việt Nam năm 1975 sau khi thống nhất cũng đã có viễn kiến muốn giữ VN thành một quốc gia 2 chế độ: Cả nước thống nhất về quân sự và ngoại giao nhưng miền Nam hoặc riêng Sai gon vẫn độc lập về kinh tế, văn hóa, dân sự. Nếu viễn kiến đó được thực hiện thì đất nước đâu có đến nỗi khốn đốn và tanh bành như bây giờ? Nếu chế độ CS không quá sợ đối chứng Tư bản, biết hòa thuận ôm trong lòng mình một vùng tư bản thì trước mắt việc tự cứu đã tốt hơn nhiều. Song dù “tự cứu” gì thì về lâu dài một chế độ phản tiến hóa trước sau cũng bị đào thải, những đặc khu tư bản sẽ thúc đẩy sự cáo chung CS diễn ra nhanh hơn và êm đềm hơn.  Chủ nghĩa CS tự hào mình (tức giai cấp Vô sản) là tương lai của nhân loại, mình là kẻ “đào mồ chôn” chủ nghĩa Tư Bản nhưng thực tế vị trí ấy bị đảo ngược, mà ngược đời là chế độ CS phải tự tìm đến chủ nghĩa Tư bản để cứu vãn nhưng cũng tức là tự tìm đến kẻ sẽ “đào mồ chôn” mình.
Trước mắt, chưa biết cuộc biểu tình ở Hồng Kông thắng lợi được đến đâu, chắc cũng không có thắng lợi gì to lớn lắm đâu, nhưng tương lai rồi “ai phải sợ ai, ai sẽ thắng ai” ấy mới là kết luận cuối cùng. Chủ nghĩa Tư bản sẽ là kẻ chiến thắng. Nhưng gọi tên thế thôi, cái gọi là chủ nghĩa Tư bản chẳng qua là thế giới văn minh tự nhiên của loài người!

TQTThưa TS Hà Sĩ Phu, trước đây ở cả 3 miền Nam Trung Bắc đều có những cuộc biểu tình  lớn của sinh viên đòi tự do, dân chủ. Nhưng nay hầu như các cuộc biểu tình lớn ấy vắng bóng, số cuộc biểu tình cũng như lực lượng biểu tình chỉ còn rất thưa thớt, ít ỏi.  Ông hiểu sao về hiện tượng này?
HSP: Vâng, nước ta ngay thời Pháp thuộc, ta là dân nô lệ mà đám tang cụ Phan châu Trinh đông đến hai chục nghìn người. Trong lòng chế độ miền Nam trước đây cũng không thiếu những cuộc biểu tình lớn chống chế độ. Nhìn rộng ra thế giới thì càng rõ nữa, nhiều cuộc biểu tình hàng vạn người dẫn đến sự thay đổi chế độ.
Nước ta bây giờ mâu thuẫn xã hội rất nhiều, ý đảng với lòng dân khác biệt, bao nhiêu điều cần yêu cầu thay đổi mà khó khăn lắm mới có một cuộc biểu tình vài chục người, vài trăm người, đi suốt buổi quanh hồ Hoàn Kiếm chẳng thêm được người nào. Tại sao vậy?
Những chế độ dù độc tài tồi tệ nhất cũng thường còn chừa lại một mặt bằng dân chủ tối thiểu, một số quyền tối thiểu cho người dân để khi cần người dân có thể nói lên tiếng nói của mình, nguyện vọng của mình.  Nhưng cộng sản  là độc tài toàn trị, dù họ cứ nhân danh nhân dân, nói tất cả mọi quyền thuộc về nhân dân, nhưng thực tế thì nhân dân bị tước hết mọi vũ khí tinh thần và vật chất.  Người biểu tình và gia đình bị đe dọa cả về vật chất lẫn tinh thần. Toàn bộ nhận thức, tâm tư tình cảm đều phải theo khuôn mẫu chuyên chính vô sản của đảng, người dân không dám bộc lộ chính kiến của mình. Nói riêng trong lĩnh vực học sinh-sinh viên thì sự giám sát trói buộc càng chặt chẽ hơn  vì ĐCS thừa biết tuổi trẻ học đường chính là lực lượng trẻ ưu tú, nhạy cảm, là ngòi nổ của mọi cuộc đấu tranh.
Giới trẻ Hong Kong được thừa hưởng một tài sản dân chủ rất căn bản trong khi ở Việt Nam cái nền dân chủ mà những “thế hệ vàng” ngày trước bắt đầu được thừa hưởng, được giải phóng cá nhân, đã xuất hiện được những trí thức lớn, nhà yêu nước lớn, thì sau mấy chục năm cộng sản cai trị đã bị bào mòn và cày sới đến “mất gốc hoàn toàn” như ông Dương Trung Quốc đã công nhận. Mong có một cuộc biểu tình 1-2 nghìn người đã là khó khăn lắm. Vậy tình trạng đối với thế hệ trẻ tiến bộ VN bây giờ là khó khăn gắp nhiều lần, khi so sánh phong trào dân chủ Việt Nam so với tuổi trẻ Hồng Kông xin đừng quên điều đó.

TQTThưa TS Hà Sĩ Phu, qua cuộc biểu tình rầm rộ kéo dài gần 2 tuần qua của sinh viên Hồng Kông thì Phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ  nói chung và sinh viên nói riêng có thể rút ra điều gì để học tập, để thúc đẩy cuộc đấu tranh cho dân chủ tự do của đất nước mình?
HSP:  Cuộc biểu tình rầm rộ ở Hồng Kông đã gây niềm xúc động lớn đối với giới trẻ và những người dân chủ Việt Nam, từ đó xem xét lại hoạt động của mình để rút ra những điều bổ ích.
Trước hết biểu tình ở Hồng Kông làm sáng tỏ sức mạnh tổng hợp của vai trò cá nhân, cùng với sức mạnh của tổ chức và giá trị của nền dân trí.
- Về cá nhân, ta khẳng định vai trò của người hùng Hoàng Chi Phong黃之鋒 (chi như trong câu Nhân chi sơ, không phải chí). Chàng sinh viên Hồng Kông 17 tuổi quả là tấm gương dân chủ trẻ hiếm có, có những năng lực đặc biệt thật sự, có những suy nghĩ và phát ngôn sắc sảo, làm được việc lớn thật đáng khâm phục, và ta ước ao có một Hoàng Chi Phong Việt Nam. Tuy vậy không nên nhìn sự việc bề ngoài đơn giản để có những so sánh và kết luận không thấu đáo, mà coi nhẹ sức mạnh của tổ chức và nền móng dân trí có sẵn. Trong điều kiện Việt Nam một Hoàng Chi Phong chưa chắc đã làm được như thế.
- Không vì khâm phục cá nhân mà coi nhẹ những bài học cổ điển về tổ chức đấu tranh và vận động quần chúng, đặc biệt là quan hệ giữa phần nổi và phần chìm của phong trào mà người Cộng sản đã từng là bậc thày. Đằng sau người hùng là cả một quá trình khổ công xây dựng mang đầy tính tổ chức và tính kế hoạch của rất nhiều người, đòi hỏi sự nghiêm túc và uy tín, không cho phép tính hoang toàng tự do. Thành công của Chi Phong và các đợt biểu tình ở Hồng Kông là được tọa hưởng trên một nền dân chủ và dân trí khá cao do nước Anh, một nước Tư bản tiên tiến, và thế giới Tư bản để lại. Nhờ đó khi tiếp xúc với thể chế cộng sản họ nhận ra ngay đâu là ánh sáng đâu là bóng tối, đâu là tự do đâu là nô lệ. Nhà trường Hồng Kông kêu gọi học sinh của mình phải ủng hộ không để những người biểu tình bị cô đơn, trong khi nhà trường và bộ giáo dục Việt Nam cấm học sinh của mình ủng hộ, nếu tham gia biểu tình sẽ bị đuổi học!
- Trong kịch bản dân chủ tổng thể cần nhiều năng lực khác nhau, Chi Phong có tố chất để thành một ngọn cờ, chứ không phải con người toàn năng, còn những việc khác lại cần người khác. Đã hết thời cho những nhân vật lãnh tụ toàn diện để phong thánh. Điểm nổ và thủ lĩnh sẽ ở lứa trẻ trung.
- Xét về nhiều mặt, tuổi trẻ VN hôm nay đã có nhiều người vượt trên Chi Phong về mặt này mặt khác, nhưng chưa ai chín muồi cho việc thành ngọn cờ để mọi người xúm vào ủng hộ, đứng đằng sau ủng hộ. Môi trường giả trá ở VN đã tạo ra tâm lý nghi ngờ, bởi lịch sử đã cho bài học nhãn tiền: tập hợp sau một ngọn cờ lạc hướng thì công lao đổ xuống sông xuống biển.
- Thủ lĩnh và tổ chức sẽ hoàn thiện dần trong tiến trình hoạt động của phong trào, theo kiểu nói vừa chạy vừa xếp hàng là có lý, không chờ có hàng ngũ chỉnh tề rồi mới chạy. Nhưng mặt khác, cái “bộ khung” trung kiên cho cuộc chạy thì buộc phải có trước và tin cậy được. Ví dụ có nhiều hàng thì xếp vào hàng nào, đang chạy mà trong nội bộ hàng ngũ, hoặc người dẫn đầu để định hướng nếu có vấn đề thì sao, điều đó cũng phải lường trước, không thể cứ thấy có nhiều người “chạy” là yên tâm chạy theo.
Cẩn trọng quá hoặc giản đơn quá đều không tốt.
- Xin thêm một lời bàn nữa, là khi sự thật đã được phơi bày mấy chục năm nay, như xã hội đã đứng trước một lão “vua cởi truồng” rồi thì các bậc thức giả nên làm gì, có cần tra từ điển, viện dẫn sách vở để tìm định nghĩa thế nào là cởi truồng để tranh luận với lão vua ấy, hoặc kiến nghị để lão vua cởi truồng ấy biết mặc quần áo tử tế vào cho đỡ chướng không? Tôi vốn ghét quan điểm cao đạo coi chính trị, kể cả chính trị chính nghĩa, đều là trò bẩn thỉu nên trí thức phải tránh xa! Nhưng quả thực cũng phải công nhận với nhau rằng chính trị, kể cả chính trị tốt đẹp cũng là cuộc vật lộn rất trần tục. “Binh bất yếm trá” là việc binh không ngại trá hình thì chính trị còn tệ hại hơn, chính trị không phải là tháp ngà sang trọng cho Hàn lâm và Đạo đức. Ta không thể giống kẻ lưu manh vô học nhưng cũng đừng trí thức quá và sang trọng quá với chính trị!
- Cuối cùng xin đừng hy vọng nhiều quá vào thảnh công của dân chủ ở Hồng Kông. Chúng ta được khích lệ bởi Hoàng Chi Phong và biểu tình ở Hồng Kông là rất đúng, vì chuyện đảng cử dân bầu là trò hề ai cũng biết mà bấy lâu ta cứ phải cúi đầu chấp nhận, nay Hong Kong huy động được quần chúng để phản đối quyết liệt thì khâm phục như một tấm gương là rất đúng. Nhưng cũng đừng đặt hy vọng quá nhiều. Làm được như vậy là do những ưu điểm và thuận lợi, bên cạnh nhân vật xuất chúng và phương pháp chính xác là cả một nền dân trí do Tư bản Anh để lại, trong đó dân trí rất quan trọng, đồng thời được cả thế giới ủng hộ, mà Bắc kinh cũng khó đàn áp mạnh vì phải giữ uy tín và an toàn cho một vùng kinh tế đặc biệt. Với chừng ấy ưu điểm và thuận lợi, nhưng kết quả đạt được chắc cũng ở mức trung bình. Bắc Kinh không thể đàn áp như Thiên An môn, nhưng Hong Kong cũng chưa thể đạt những kết quả mà cuộc biểu tình đã đề ra. Trung quốc chắc chắn không chấp nhận lãnh đạo Hồng Kông lại là một người của Dân chủ – Tự do, để rồi ảnh hưởng sẽ lan ra nhiều vùng khác và khắp Hoa lục.
Trong khi ở Việt Nam chúng ta, mặc dù có những cá nhân không thua kém gì Hoàng Chi Phong, nhưng không có được những thuận lợi đặc biệt như Hông Kong, thì kết quả còn nhiều thua kém là điều dễ hiểu. Được gây cảm hứng bởi Hông Kông, học tập Hồng Kông, nói gương Hông Kông…nhưng cũng không nên thần thánh hóa, biết chỗ còn yếu của mình nhưng không tự ty.
Tương lai thuộc về Dân chủ nhưng cứ phải tiếp tục kiên trì, và… kiên trì!
TQT: Xin cảm ơn TS Hà Sĩ Phu


4/10/2014


-Người biểu tình Hồng Kông di chuyển

BBC

Phản biểu tình ở Hong Kong
Các nhóm được cho là ‘ủng hộ Bắc Kinh’ tiếp tục thách thức biểu tình của sinh viên.
Những người biểu tình tại Hồng Kông có vẻ đang rút khỏi một số địa điểm biểu tình để hiện diện tập trung hơn tại các địa điểm chính bên ngoài tòa nhà chính phủ.

Tuy nhiên, các sinh viên biểu tình nói rằng họ không chặn lối vào trụ sở chính phủ và nhấn mạnh rằng các công chức công sở có thể trở lại làm việc.
Lãnh đạo của Hồng Kông, ông Lương Chấn Anh, đã cảnh báo rằng cảnh sát sẽ đảm bảo các cơ quan chính phủ và trường học mở cửa trở lại vào thứ Hai.
Những người biểu tình giận dữ với kế hoạch của Trung Quốc kiểm soát việc chọn lựa tự do các ứng cử viên cho cuộc bầu cử vào năm 2017.
Người biểu tình đang đòi hỏi chính quyền trung ương ở Bắc Kinh cho phép Hồng Kông tổ chức bầu cử hoàn toàn tự do trong cuộc bầu cử tiếp theo với chiếc ghế lãnh đạo của vùng lãnh thổ này.
Trong lúc đó, các cuộc ‘phản biểu tình’ của các nhóm được cho là ủng hộ chính phủ Trung Quốc và chính quyền ở Bắc Kinh tiếp tục thách thức cuộc biểu tình đòi dân chủ của sinh viên, học sinh.

Suy giảm

Nhưng phóng viên BBC John Sudworth tại Hồng Kông cho hay cảm giác trên đường phố của thành phố cho thấy sắp bắt đầu ‘một kết cục’ của biểu tình.
Số lượng người biểu tình đã suy giảm và nhiều người có vẻ sẽ không tiếp tục đương đầu trước một hàng rào dày đặc của cảnh sát sắp được tăng cường theo dự kiến, phóng viên của chúng tôi nói thêm.
Ông Lương đã kêu gọi những người biểu tình chấm dứt các cuộc biểu tình, cảnh báo rằng cảnh sát được phép tiến hành tất cả các hành động cần thiết để vãn hồi trật tự xã hội.
Biểu tình ở Hong Kong
Một cảnh sát ngăn cản va chạm giữa các nhóm phản biểu tình và nhóm biểu tình.
Còn Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông (HKFS) thì nói họ luôn mở ngỏ lối vào dẫn tới các trụ sở chính phủ, và nói thêm rằng không có lý do gì khiến cho các nhân viên không thể trở lại làm việc vào ngày thứ Hai.
Cả hai chính phủ Hồng Kông và người biểu tình hôm Chủ nhật cho biết rằng họ đã sẵn sàng bắt đầu đàm phán để tìm một giải pháp khai thông bế tắc vốn kéo dài một tuần.
Nhưng liên đoàn sinh viên nói rằng sẽ rất “khó thuyết phục công chúng và yêu cầu những người biểu tình giải tán mà không có bất kỳ kết quả (đàm phán) nào đạt được trên thực tế”.
Các cuộc đàm phán đã được lên kế hoạch cho ngày thứ Bảy, nhưng những người biểu tình đã rút lui, sau khi nhóm ủng hộ Trung Quốc tấn công họ ở quận Mong Kok vào tối thứ Sáu.

-Biểu tình HK ‘không có dấu hiệu lùi’

BBC


Người biểu tình Hong Kong ngủ lại qua đêm trên đường phố
Mặc dù lãnh đạo Hong Kong đã tỏ dấu hiệu cứng rắn nhưng những người biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong ‘không có dấu hiệu lùi bước’, một nhà báo người Việt hiện đang có mặt ở Hong Kong cho biết.
Tuy nhiên, ông cũng nói người biểu tình ‘đã có sự chuẩn bị’ cho trường hợp bị cảnh sát đàn áp.

Hôm thứ Bảy ngày 4/3, ông Lương Chấn Anh, đặc khu trưởng Hong Kong, đã cảnh báo cảnh sát phải làm sao dọn dẹp đường phố để công sở và trường học có thể mở cửa trở lại vào sáng thứ Hai ngày 6/10.

‘Không khí căng thẳng’

Trao đổi với BBC, phóng viên Đinh Quang Anh Thái của tờ Người Việt có trụ sở ở Mỹ, nói rằng ngay sau khi có thông tin này thì ngay tại trung tâm hành chính Hong Kong ‘bầu không khá căng thẳng’.
“Người biểu tình đã chuẩn bị sẵn mặt nạ hơi cay,” ông Thái cho biết.
Tuy nhiên, ông cũng nói rằng ông đã tiếp xúc với nhiều người trẻ biểu tình và họ đều bày tỏ rằng ‘nếu cảnh sát đàn áp thì họ vẫn giữ thái độ bất bạo động’.
“Họ (người biểu tình) sẽ chạy, nhưng sau đó sẽ vòng trở lại,” ông nói, “Họ muốn chứng tỏ cho ông Lương cũng như giới cầm quyền Bắc Kinh thấy rằng đây (dân chủ) là nguyện vọng tha thiết của người dân Hong Kong.”

Trong đêm 4/10,đã có ‘hàng chục ngàn người dân Hong Kong’ xuống đường
Theo ông thì ở trung tâm Hong Kong ‘không thấy động tĩnh gì cho thấy từ giờ đến sáng mai sẽ xảy ra trấn áp của cảnh sát’.
Về cuộc xô xát giữa hai phe biểu tình và phe chống biểu tình, ông Thái cho biết ông đã chứng kiến ba cuộc xô xát như vậy.
“Một bên là những người biểu tình và một bên là những người dân không muốn tình trạng nhiễu nhương như thế này nữa,” ông nói.
Theo lời ông Thái thì ‘phe chống biểu tình khiêu khích trước’ và ‘dùng ngôn ngữ nặng nề’ còn ‘người biểu tình rất hòa nhã’.
“Một người phụ nữ đã bị cảnh sát ngăn rồi nhưng nhất định xông vào người biểu tình và nói là ‘Tao đánh cho mày chết’,” ông kể.
Trong khi đó, cũng theo lời phóng viên này, thì sinh viên đã lùi về phía sau để cảnh sát ngăn chặn cuộc xô xát giữa hai bên.
Tuy nhiên, ông nói ông không có bằng chứng cho thấy những người này là ‘xã hội đen’ do chính quyền thuê như những người biểu tình cáo buộc.

‘Càng lúc càng đông’

“Rút kinh nghiệm từ những xã hội độc tài thì lúc nào họ cũng dùng một số người có thể mua chuộc và lợi dụng lòng bực bội của những người đó để khiêu khích những người biểu tình bất bạo động,” ông nhận định.
Ông nói việc biểu tình đã làm ngưng trệ toàn bộ hoạt động ở trung tâm hành chánh và tài chánh của Hong Kong trong khi đường phố chính và rất nhiều hàng quán đóng cửa.
Khi được hỏi sau nhiều ngày biểu tình liên tiếp như thế thì người biểu tình có mất nhiệt hay không, ông Thái nói: “Nhìn nét mặt họ rất mệt mỏi nhưng họ không có dấu hiệu sẽ lùi bước.”

Phe chống biểu tình hung hăng?
“Tôi đã tiếp xúc với bảy người biểu tình đã tốt nghiệp đại học và đi làm trong nhiều ngành khác nhau,” ông nói thêm, “Khi tan sở thì họ tập trung tại chỗ biểu tình và ngủ tại đó để sáng sớm dậy đi làm.”
“Thậm chí họ còn đợi người khác đến thay phiên họ thì họ mới đi.”
Theo ông Thái quan sát thì con số người biểu tình trong ba hôm qua ‘càng lúc càng đông’.
“Trong đêm hôm qua, tôi ước lượng vài chục ngàn người kéo dài suốt con đường chính ở trung tâm hành chính và tài chính,” ông nói.
“Họ phẫn uất vì đã xảy ra đàn áp bằng hơi cay và việc cảnh sát không can thiệp gì khi phe chống biểu tình có thái độ hung hăng,” ông nói thêm.
Về cách giải quyết khủng hoảng theo mong muốn của người biểu tình, ông Thái nói rằng họ ‘muốn ông Lương Chấn Anh phải đối thoại với họ’ và họ muốn chính quyển ‘minh bạch hóa tất cả tiến trình thảo luận và phải tham vấn quần chúng về cuộc bầu cử năm 2017 rồi bộ mới đi tới kết luận chứ không áp đặt đối với người dân Hong Kong’.
Ông Thái cũng kể rằng trên cầu chính dẫn vào trung tâm hành chính ông thấy một biểu ngữ là ‘Người Việt Nam ủng hộ dân chủ cho Hong Kong’.

-Trung Quốc bắt giữ một số nghệ sĩ và nhà tranh đấu ủng hộ biểu tình Hồng Kông

media
Nhà thơ Vương Tạng trong một tấm ảnh nhằm đấu tranh chống lạm dụng tình dục nữ sinh.DR
Một nghệ sĩ Bắc Kinh đã bị công an bắt sau khi phổ biến một tấm ảnh bày tỏ sự ủng hộ những người biểu tình ở Hồng Kông. Gia đình của nghệ sĩ hôm nay 04/10/2014 loan báo như trên, và các tổ chức bảo vệ nhân quyền cho biết có khoảng hai chục vụ bắt giam các nhà tranh đấu tại Trung Quốc trong những ngày gần đây.

Ông Vương Tạng (Wang Zang), nổi tiếng với những bài thơ nói đến vụ đàn áp đẫm máu ở Thiên An Môn năm 1989 và những tác phẩm dàn dựng mang tính khiêu khích, hồi đầu tuần đã đưa lên mạng Twitter (bị chặn ở Trung Quốc) và mạng Vi Bác một tấm ảnh để ủng hộ phong trào đòi dân chủ ở Hồng Kông.
Trong ảnh người ta thấy ông đứng trước lá cờ « Trung Hoa Dân Quốc » (tên chính thức của Đài Loan) – mà theo Bắc Kinh là hòn đảo « nổi dậy » mà luôn đòi hỏi chủ quyền – giương lên một chiếc dù màu xanh da trời và giơ ngón tay làm cử chỉ chế nhạo trước ống kính như Ngải Vị Vị thường làm.
Tấm hình nhanh chóng biến mất khỏi mạng Vi Bác – mà trong tuần này bị kiểm duyệt hết sức gắt gao, và ngay hôm sau Vương Tạng bị công an bắt.
Bà Wang Li vợ ông nói với AFP là công an ở Tống Trang (Songzhuang), khu vực ngoại ô Bắc Kinh nơi có một làng nghệ sĩ lớn, đã gọi điện thoại cho bà để báo là Vương Tạng đã bị bắt vào nửa đêm 1/10 ở ngay trước nhà. Từ hôm ấy đến nay gia đình hoàn toàn mất liên lạc với ông. Sáng nay bà đã gọi cho công an Tống Trang, nhưng họ nói là chồng bà không còn ở đó nữa, và không ai biết được ông bị giam nơi nào.
Tổ chức bảo vệ nhân quyền Rights Defense Network (weiquanwang, tức mạng Duy Quyền) vốn thu thập được nhiều lời chứng, hôm nay cũng thông báo về vụ bắt giữ ông Vương Tạng. Theo tổ chức này, có ít nhất 33 người trong đó có nhiều nghệ sĩ phản kháng đã bị bắt giam tại Hoa lục vì đã ủng hộ phong trào biểu tình Hồng Kông.
Về phía China Human Rights Defenders (CHRD) trước đó loan báo có hơn một chục người bị bắt. Còn Amnesty International hôm thứ Tư cho biết có 20 vụ bắt giữ và 60 người bị triệu tập để thẩm vấn. Theo CHRD, một nhà đấu tranh ở Thượng Hải đã bị bắt sau khi đăng lên mạng tấm ảnh cạo trọc đầu để ủng hộ người biểu tình, rồi bị giam ở một địa điểm bí mật. Một nhóm « khoảng 20 công dân » hôm thứ Ba cũng bị công an Quảng Châu bắt giữ khi tập hợp ở một công viên ủng hộ biểu tình Hồng Kông. Những vụ bắt bớ tương tự cũng diễn ra ở Trùng Khánh và Giang Tây.

-Trịnh Hữu Long – Sự trùng hợp kỳ lạ của Cách mạng Dù Hong Kong và Cách mạng Edsa – Philippines

Danluan

Trịnh Hữu Long
Theo FB Trinh Huu Long
Thế giới đang chứng kiến một cuộc cách mạng được cho là đẹp mắt chưa từng có trong lịch sử đang diễn ra ở Hong Kong, nhưng một cuộc cách mạng tương tự cũng đã từng diễn ra ở Philippines cách đây hơn 28 năm.

Ngày 22-2-1986, hai triệu người Philippines đã đổ ra trục đường chính của thủ đô Manila, Edsa, để phản đối kết quả bầu cử gian lận đã giữ cho Tổng thống độc tài Ferdinan Marcos đương nhiệm tiếp tục tại vị, phủ nhận thực tế là bà Aquino – mẹ của Tổng thống Aquino ngày nay – mới là người thắng cử. Như vậy, cả hai cuộc cách mạng đều liên quan đến quyền bầu cử, và đều đòi hỏi người đứng đầu chính quyền phải từ chức.
Cũng giống như Cách mạng Hong Kong, Cách mạng Edsa cũng mang màu vàng, và thậm chí còn được gọi là Cách mạng màu Vàng.

Biểu tượng của cuộc cách mạng Edsa cũng là chiếc ruy-băng vàng.
Tinh thần của Cách mạng Edsa cũng là bất bạo động, bất chấp cảnh sát đã sử dụng đạn hơi cay để tấn công người biểu tình. Người biểu tình thậm chí đã có những cử chỉ cao thượng dành cho lực lượng cảnh sát và quân đội, thuyết phục được nhiều người trong số họ đứng về phía người biểu tình.
Suốt trong 5 ngày 4 đêm của cuộc Cách mạng Edsa, không khí lễ hội tràn ngập khắp mọi nơi. Mọi người nhảy múa, ca hát. Các nghệ sĩ biểu diễn, các cha xứ giảng đạo, mọi người đều cử hành các nghi lễ cầu nguyện trên đường phố.
Vào đêm cuối cùng của cuộc cách mạng, 25-2, đài Radio Veritas truyền đi thông tin Tổng thống Marcos đã bỏ chạy sang Hawaii. Thông tin này làm nức lòng tất cả những ai đang có mặt trong cuộc biểu tình, không khí lễ hội bùng nổ.
Bob Simon, xướng ngôn viên của đài CBS vào thời điểm đó, nói rằng: “Người Mỹ chúng ta cứ tưởng là chúng ta đã dạy cho người Philippines biết thế nào là dân chủ. Ồ không, đêm nay, họ đang dạy điều đó cho cả thế giới”. Đó cũng là cách cả thế giới đang nghĩ về Hong Kong.
Cuối cùng, nền dân chủ được tái lập trên quốc đảo Philippines. Một bản Hiến pháp mới được ban hành. Một vị tổng thống mới được bầu lên.
Người Philippines đã làm cách mạng để tái lập nền dân chủ đã bị Ferdinan Marcos tước đoạt trong 20 năm. Người Hong Kong cũng đang làm điều đó để giành lại nền dân chủ đã mất vào tay Trung Hoa đại lục trong 17 năm qua.
Tôi rất muốn hai cuộc cách mạng này sẽ giống nhau một cách hoàn hảo, từ đầu tới cuối.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét