Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

2014: Ai sẽ diện kiến Barak Obama?

2014: Ai sẽ diện kiến Barak Obama?

Phạm chí Dũng – Nguoiviet
Có lẽ Giáo Sư Carl Thayer của Học Viện Quốc Phòng Úc là một trong số ít ỏi học giả quốc tế có được nguồn thông tin tương đối xác thực về tình hình và những biến động trong triều chính Việt Nam. Cuộc trả lời phỏng vấn của ông với đài RFI Việt ngữ mới đây lại một lần nữa biểu tả những gì mà dư luận đang rất nghi ngại và nghi ngờ về “diễn biến nội bộ.”

“Nguyễn Tấn Dũng bị gạt qua một bên”?


Ngay sau cuộc rút lui không kèn trống của giàn khoan HD 981 của Trung Quốc khỏi khu vực Biển Ðông với lý sự “tránh bão Rammasun,” Giáo Sư Carl Thayer đã nêu ra một nhận định mà có thể làm nhiều người sửng sốt: “Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng có nguy cơ bị gạt qua một bên.” Cơ sở của nhận định này được ông Thayer dẫn luận: Phe gọi là ủng hộ Trung Quốc, hoặc là thỏa hiệp (accommodationist), sẽ chống lại bất kỳ hành động nào có thể sẽ làm xấu thêm quan hệ với Trung Quốc. Ðiều này có nghĩa là phương án pháp lý và việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ không có khả năng xảy ra trong tương lai gần.
Còn trong quá khứ gần, trước tháng 5, 2014 – thời điểm Trung Quốc bắt đầu khai triển giàn khoan HD 981 ở Biển Ðông, vị thế và thế lực của ông Nguyễn Tấn Dũng có vẻ khá ổn, đặc biệt là tỷ lệ khá cao trong số 175 ủy viên trung ương đảng mà ông nắm được, theo đánh giá chung của giới quan sát quốc tế và trong nước. Tuy nhiên cũng theo nhận định của một số quan sát viên, gần đây bắt đầu xuất hiện dấu hiệu quyền lực của ông thiếu tính thăng bằng. Ngay cả một tuyên bố có vẻ ngẫu hứng của Nguyễn Tấn Dũng về “hữu nghị viễn vông” ám chỉ Bắc Kinh, cho tới nay vẫn luôn bị dư luận phê phán là “thiếu tính thực tiễn.”
Không thể nói khác hơn là sự vụ giàn khoan HD 981 của Trung Quốc đã làm lộ ra những bí ẩn nơi chốn cung đình Việt Nam. Một sự thật mười mươi hiện rõ trong tâm não toàn dân là sau gần ba tháng “kiên định đấu tranh mềm dẻo,” vẫn chẳng lộ ra một mảnh hồ sơ kiện cáo nào của nhà nước Việt Nam đối với kẻ vi phạm trắng trợn Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển. Ngược lại như một trò ú tim, chỉ mỗi lúc bị dồn vào thế cùng quẫn, Hà Nội mới khe khẽ vén áo cho Washington.
Bài phân tích của Giáo Sư Carl Thayer là đáng chú ý về cả hai mặt ẩn dụ cũng như lộ thiên, sau khi những người bảo thủ ý thức hệ lẫn lợi ích hệ được Bắc Kinh động viên tối đa qua chuyến “thăm và làm việc” của ủy viên quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Hà Nội vào cuối tháng 6, 2014, tức thời điểm sau cuộc bạo động Bình Dương, Ðồng Nai và Hà Tĩnh mà đã khiến Bộ Chính Trị Trung Hoa tỏ ra khá bối rối.
Nhưng sau chuyện Trung Quốc bất ngờ rút giàn khoan HD 981 trước thời hạn “thăm dò dầu khí” một tháng, nếu “nguy cơ” đối với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng là có thực như giả thiết của ông Thayer, chính trường Hà Nội có thể xoay chuyển sang một khúc ngoặc phức hợp hơn nhiều.
Một minh chứng sống động cho mối quan hệ “môi răng” vẫn tiếp tục tỏ ra gắn bó là lời tuyên bố ngập ngừng “không loại trừ Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Ðông” của Ðại Sứ Lê Hoài Trung – Việt Nam – tại Liên Hiệp Quốc. Vào lần này, không phải Thông Tấn Xã Việt Nam, cũng không phải do người phát ngôn hay trang web của Bộ Ngoại Giao Việt Nam, mà lại là đài Tiếng Nói Nước Nga (Voice of Russia) phát đi thông tin nóng sốt đến mức quay quắt này. Cung cách khá điển hình cho tính không chính danh như thế khiến người ta lập tức liên tưởng đến tư thế né tránh và còn có vẻ lén lút của giới ngoại giao đoàn Việt Nam trước con mắt quốc tế, và dĩ nhiên trước cả 90 triệu người dân quốc gia này. Ngay sau hành sự được xem là “cát tát” của HD 981 vào mặt Hà Nội, tuyên bố của ông Lê Hoài Trung lại như bồi thêm một cái tát vào mặt những trí thức và quan chức còn quá trông chờ vào thái độ hồi tâm dân tộc của những người “đu dây.”

“Tam quốc”

Những tin đồn về một cuộc họp trung ương bất thường sẽ diễn ra trong thời gian sớm nhất có vẻ đang dần hợp lý. Nghe nói Bộ Chính Trị họp liên tục. Và cũng nghe nói vẫn chưa thống nhất được một quan điểm về việc “hướng Bắc” hay “sang Tây.” Ðiều này cũng phù hợp với tin tức mà Giáo Sư Carl Thayer nhận được: “Một cuộc họp của Ban Chấp hành Trung Ương Ðảng dự kiến sẽ cân nhắc lợi hại của hành động pháp lý chống Trung Quốc. Cuộc họp đó sẽ chuyển khuyến nghị lên Bộ Chính Trị,” cũng như một nhận định khác của ông: “Sự kiện Trung Quốc rút giàn khoan sẽ dẫn đến việc giảm căng thẳng và làm tăng khả năng các cuộc đàm phán song phương cấp cao Việt-Trung. Ðiều đó sẽ có lợi cho những người muốn thỏa hiệp với Trung Quốc. Ðấu đá trong nội bộ Ðảng có khả năng tăng cường độ trên những bất đồng về lợi ích ngắn hạn so với lợi ích lâu dài.”
Không chỉ nhân dân, mà cả các chính khách thâm sâu đều khó bỏ qua một sự kiện buồn thảm: khi nhìn lại là từ thời điểm nêu ra Thông điệp đầu năm 2014 với hàng loạt khái niệm mới mẻ như “đổi mới thể chế,” “nắm chắc ngọn cờ dân chủ,” “xóa độc quyền” và cả “nhà nước kiến tạo phát triển,” cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ nội dung nào được thủ tướng Việt Nam hóa giải thành hành động.
Bởi thế, cung đường mà ông Nguyễn Tấn Dũng muốn vượt qua để tiến tới đại hội đảng 12 vào năm 2016 chắc chắn sẽ biến thành một con đường và mang tính thử thách hơn cả một lý thuyết. Khái niệm “lợi ích ngắn hạn” nhiều khả năng sẽ bao trùm cho một cuộc chạy đua vai trò lãnh đạo thay cho lợi ích lâu dài của quê hương.
Vậy tình hình đó sẽ dẫn đến hệ quả xung khắc nào?
Có lẽ không phải vô căn cứ mà Giáo Sư Carl Thayer cho rằng, “Nếu lãnh đạo Việt Nam tiếp tục chia rẽ giữa phe thân Trung Quốc và phe thân Mỹ, điều đó có nghĩa là Việt Nam sẽ không thể đẩy mạnh quan hệ với Hoa Kỳ trong các lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Việt Nam sẽ thận trọng tiến hành việc này và một cách thất thường.”
Không chỉ tiến đến đại hội 12, mà trong tình thế “thù trong giặc ngoài” như hiện nay, ông Nguyễn Tấn Dũng còn phải tìm cách chinh phục cảm tình của Washington. Nhưng không chỉ người đại diện cho chính phủ, thậm chí những lãnh đạo tượng trưng cho nhà nước và điểm xuyết cho khối đảng cũng có thể muốn hiện diện tại xứ Cờ Hoa, với mong muốn ít nhất để diện kiến vị tổng thống chưa hề đặt chân đến Việt Nam nhưng đã công du gần hết Châu Á.
Năm 2013, đã chỉ có Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang bước qua ngưỡng cửa tòa Bạch Ốc.
Thế “tam quốc” như thế lại càng khiến cho tình thế triều chính thêm phức hợp và hấp dẫn, dù cho triển vọng “đối tác chiến lược toàn diện” và nhu cầu dinh dưỡng của Việt Nam về “hiệp ước tương trợ quốc phòng” với người Mỹ vẫn không bớt trừu tượng.

HD-981 : Việt Nam không nên sập bẫy ‘song phương’ và ‘không kiện’ Trung Quốc

Sau hơn hai tháng cho giàn khoan HD-981 vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ngoài Biển Đông, khuấy động quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội, ngày 15/07/2014 vừa qua, Trung Quốc đã di chuyển giàn khoan về hướng đảo Hải Nam. Quyết định - được Bắc Kinh loan báo một hôm sau đó - đã làm cho tình hình bớt căng thẳng – nhưng cũng làm dấy lên nhiều câu hỏi về dụng tâm thực sự của Trung Quốc.

Giới chuyên gia đều ghi nhận là việc Bắc Kinh « cho rút » giàn khoan diễn ra ít lâu sau khi Thượng viện Mỹ, trong một cử chỉ hiếm thấy, đã bỏ phiếu nhất trí thông qua một Nghị quyết lên án hành vi khiêu khích của Trung Quốc, và yêu cầu Bắc Kinh trả lại hiện trạng cho khu vực, và sau một cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Dàn khoan Hải Dương HD-981 (DR)

Quyết định rút sớm hơn thời hạn dự trù ban đầu cũng được đưa ra một tháng trước Hội nghị Ngoại trưởng thường niên của Khối ASEAN và các đối tác tại Miến Điện, đặc biệt là hội nghị thường niên của Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ARF), trong bối cảnh có tin là Mỹ sẽ nêu bật các hành động của Trung Quốc.

Còn đối với Việt Nam, việc Trung Quốc hạ nhiệt căng thẳng cũng diễn ra và lúc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam chuẩn bị hội nghi bàn về Biển Đông và cân nhắc khả năng kiện Trung Quốc ra trước quốc tế.

Trong những ngày qua, đã có rất nhiều chuyên gia phân tích về động thái hạ nhiệt của Trung Quốc ngoài Biển Đông. Hôm nay, RFI xin giới thiệu nhận định của Giáo sư Ngô Vĩnh Long, một nhà nghiên cứu kỳ cựu về Biển Đông tại trường Đại Học Maine, Hoa Kỳ.

Đối với Giáo sư Long, tham vọng khống chế toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc không thay đổi, và Việt Nam vẫn là đối tượng cần tấn công để thực hiện ý đồ đó. Theo Giáo sư Long, quyết định rút giàn khoan còn nằm trong một âm mưu lôi kéo Việt Nam vào con dường đàm phán song phương để giải quyết căng thẳng do chính Bắc Kinh tạo ra, đồng thời thúc giục Việt Nam từ bỏ ý định kiện Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế về vấn đề Biển Đông.

Đó là những cái bẫy mà Việt Nam không nên rơi vào nếu muốn bảo vệ lợi ích dân tộc.

Sau đây là toàn văn bài phỏng vấn Giáo sư Ngô Vĩnh Long.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long - Đại học Maine (Hoa Kỳ)
 
21/07/2014
by Trọng Nghĩa
 

Giàn khoan đến và đi đều nhằm mục tiêu chính trị : Uy hiếp Việt Nam

"Ngay từ đầu khi Trung Quốc cắm giàn khoan cách đảo Tri Tôn khoảng 18 dặm, và nói rằng nó hoạt động trong vùng biển không có tranh chấp của quần đảo Hoàng Sa của Trung Quốc, lý do chính là lý do chính trị : Uy hiếp Việt Nam, đặc biệt là chính quyền Việt Nam, cũng như để dò xét phản ứng của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Nay, động thái dịch chuyển giàn khoan của Trung Quốc cũng là để thử xem phản ứng của Việt Nam và của các nước khác trên thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ, để Trung Quốc quyết định các bước tiếp theo.

Nếu Trung Quốc thực sự rút giàn khoan về đảo Hải Nam, thì đó cũng là để chứng minh rằng Trung Quốc đã hay là đang hạ nhiệt, do đó Việt Nam không nên kiện Trung Quốc nữa mà nên đàm phán tay đôi với Trung Quốc.

Hạ nhiệt để "dụ dỗ" Việt Nam đàm phán tay đôi và không kiện Trung Quốc

Tôi nghĩ rằng đây là việc dẫn dụ, dụ dỗ Việt Nam, và tôi cũng hơi lo là vì ngày 16/07, ông Lê Hải Bình, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Việt Nam cho biết là Việt Nam mong muốn thông qua đàm phán hữu nghị để giải quyết các vấn đề tranh chấp, bất đồng ở Biển Đông với Trung Quốc. Lẽ dĩ nhiên là trên cơ sở luật pháp quốc tế, và cũng yêu cầu Trung Quốc không đưa giàn khoan HD-981 quay trở lại.

Nhưng mà nếu Trung Quốc không đưa HD-981 mà đưa 4, 5 cái giàn khoan nhỏ trở lại thì lúc đó Việt Nam làm gì ? Cho nên tôi nghĩ đây là vấn đề Trung Quốc muốn thử xem Việt Nam phản ứng như thế nào.

Nếu Việt Nam đàm phán song phương với Trung Quốc, việc này sẽ giúp cho Trung Quốc biện hộ rằng tranh chấp ở Biển Đông chỉ liên quan đến hai nước Việt Nam và Trung Quốc mà thôi, và không một nước nào khác được can dự vào.

Trung Quốc đã nhiều lần nói công khai với Mỹ là không được xía vào công việc nội bộ của các nước trong khu vực. Cho nên, nếu Việt Nam cho thế giới biết, hay là thế giới nghĩ lầm Việt Nam muốn thông qua đàm phán song phương để giải quyết vấn đề, thì việc đó sẽ làm hỏng cẳng Mỹ và đồng minh, đặc biệt trong vấn đề họ muốn đưa căng thẳng ở Biển Đông ra Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN, tức là ARF, vào tháng tới ở Miến Điện.

Mưu đồ của Trung Quốc : Làm Mỹ hụt chân

Ngoài việc muốn làm hụt cẳng Mỹ tại Diễn đàn ARF vào tháng tới, thì Trung Quốc cũng muốn làm cho Việt Nam mất đi sự ủng hộ của các nước khác ở trong khu vực nếu đi đàm phán song phương với Trung Quốc, đặc biệt là chia rẽ quan hệ giữa Việt Nam và Philippines.

Ngoài ra, vừa qua, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu hoàn toàn nhất trí nói rằng Trung Quốc không nên tiếp tục gây hấn và hy vọng rằng Trung Quốc đưa mọi việc trở về vị trí cũ, tức là trước ngày 02/05. Thì Trung Quốc di chuyển giàn khoan như để nói với Thượng viện Mỹ rằng « tôi đã hạ nhiệt rồi, thì các anh không nên tiếp tục làm áp lực trên tôi »....

Nếu Thượng viện Mỹ thấy rằng không cần phải làm áp lực trên Trung Quốc nữa, thì có thể là chính quyền Obama cũng không làm áp lực trên Trung Quốc nữa. Mà áp lực của Mỹ là quan trọng nhất, Mỹ mà nới tay thì Trung Quốc thấy rằng họ có cớ lấn tới thêm, không những đối với Việt Nam, mà cả đối với Mỹ.

Bài học cho Việt Nam : Trung Quốc mềm nắm rắn buông

Bài học đầu tiên là Trung Quốc có thái độ mềm nắn rắn buông. Trung Quốc hiện tỏ thái độ « buông » trước hết là vì phản ứng của người dân Việt Nam. Tôi nghĩ là Trung Quốc biết phản ứng của các lãnh đạo Việt Nam như thế nào, nhưng họ không ngờ rằng phản ứng của người dân Việt Nam mạnh như thế.

Thành ra lúc này Trung Quốc hạ nhiệt chút xíu để cho giới lãnh đạo Việt Nam, đặc biệt là thành phần thiên về Trung Quốc – đang trong thế yếu - có tiếng nói mạnh hơn.

Ngoài ra, Việt Nam sắp có Hội nghị Trung ương để bàn riêng về tình hình Biển Đông và về việc có nên kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế hay không. Trung Quốc hạ nhiệt để chính quyền Việt Nam và Hội nghị Trung ương thôi không bàn đến chuyện kiện Trung Quốc nữa, và như vậy, Trung Quốc có thể tiếp tục ép Việt Nam.

Bài học là Việt Nam mà yên lặng hơn, thì Trung Quốc sẽ đẩy tới hơn. Và nếu chính phủ Mỹ, Quốc hội Mỹ và các nước khác Nhật, Úc cũng thấy là vấn đề đã tạm yên rồi thì họ có thể cứ để cho yên và Trung Quốc trước sau gì cũng sẽ quay trở lại, và lần sau sẽ làm mạnh hơn một chút.

Xu hướng thân Bắc Kinh trong giới lãnh đạo Việt Nam

Việc cắm giàn khoan trong thềm lục địa Việt Nam là một chính sách uy hiếp giới lãnh đạo Việt Nam, đặc biệt là Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam.

Bộ Chính trị chia thành ba nhóm, số đông thân Trung Quốc, số « trung lập » tức là không biết nghiêng về ai, và số ít hơn thì muốn kiện Trung Quốc. Cho nên khi cắm giàn khoan, Trung Quốc muốn thử xem phản ứng của Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam như thế nào…

Phản ứng của Việt Nam cho thấy là Bộ Chính trị chưa có một chính sách đàng hoàng để kiện Trung Quốc.

Đó là trong lúc tình hình đang căng thẳng. Còn bây giờ Trung Quốc hạ nhiệt và làm giảm sự căng thẳng đi, thì có thể là Việt Nam sẽ không quyết định kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài theo phụ lục 7 của UNCLOS, chung với Philippines hay là riêng rẽ.

Nguy cơ mất đi hậu thuẫn của người dân Việt Nam và của quốc tế

Nếu như vậy, Chính quyền Việt Nam không những mất đi sự ủng hộ của dân chúng trong nước, mà cũng sẽ mất sự ủng hộ của các nước trong khu vực và của nhân dân trên thế giới. Việc đó sẽ làm suy yếu các lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng, và Nhà nước Việt Nam nói chung.

Và nếu như vậy thì Trung Quốc thấy là họ đã kéo thêm được vào quỹ đạo của Trung Quốc, và nếu mà mọi người đều nghĩ rằng Việt Nam đã bị Trung Quốc kéo sâu thêm vào trong quỹ đạo của họ thì có thể là họ sẽ từ bỏ Việt Nam và đi đêm với Trung Quốc...

Vấn đề kiện Trung Quốc không phải là vấn đề thắng hay là thua, mà là vấn đề vận động chính trị. Nếu Việt Nam không kiện Trung Quốc, tức là Việt Nam đã chứng minh cho thế giới là Việt Nam chịu thua Trung Quốc, và nếu như vậy thì những nước khác họ sẽ suy nghĩ lại và có chính sách riêng của họ...

Trọng Nghĩa
 (RFI)

Phân hóa giàu nghèo đang tăng nhanh

Từ ngày nền kinh tế chuyển đổi sang hướng thị trường đến nay, bên cạnh sự phát triển tất yếu của xã hội là sự xuất hiện của một tầng lớp doanh nhân năng động biết cách làm giàu. Số người giàu tăng nhanh dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội nhiều năm qua là vấn đề không chỉ người trong nước quan tâm mà còn là nội dung nghiên cứu của nhiều định chế quốc tế.
Một phúc trình của Ngân hàng Thế giới vừa công bố cho thấy thành phần giàu có ở Việt Nam đã tăng gấp ba trong thập niên qua. Trong khi đó, theo Tập đoàn Knight Frank, Việt Nam có khoảng 110 đại gia có tài sản cá nhân vượt quá 30 triệu USD trong năm 2013, tăng 34 người so với 10 năm trước đây. Có thể nói đây là những người siêu giàu mà tổng tài sản của họ đạt gần 3,4 tỉ USD.

Trên thực tế, số người siêu giàu ở Việt Nam có thể cao hơn dự báo này rất nhiều. Bởi số liệu thống kê của chúng ta thường không chính xác, thêm vào đó là tâm lý e ngại công bố tình hình tài sản công khai.
Knight Frank là tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực tư vấn bất động sản, có trụ sở chính tại London (Anh), hiện điều hành 207 văn phòng tại 43 quốc gia với hơn 6.340 chuyên gia. Báo cáo hằng năm của Knight Frank thường được các tờ báo uy tín thế giới tham khảo sử dụng.
Để đưa ra các dự báo, Knight Frank dựa trên tình hình kinh tế thế giới, đầu tư thương mại và kể cả xu hướng phát triển toàn cầu. Tại mỗi quốc gia, chính sách vĩ mô đã được ban hành và những chính sách dự kiến sẽ được ban hành cùng với tình hình phát triển của thị trường, nhu cầu người tiêu dùng, xu hướng kinh doanh đầu tư, số liệu kết quả kinh doanh… là một số trong nhiều cơ sở để đưa ra dự báo.
Nghiên cứu của Knight Frank dưới tiêu đề “Báo cáo Thịnh vượng 2014” công bố cách đây vài tháng còn đi xa hơn một bước khi đưa ra nhận định tại châu Á sẽ xuất hiện nhiều người siêu giàu trong 10 năm tới, trong đó Việt Nam có tốc độ tăng người siêu giàu dự đoán 166%, cao nhất thế giới, đạt 293 người.
Tiếp theo là Indonesia tăng 144% với 1.527 người, Bờ Biển Ngà 54 người, tăng 116%. Siêu giàu được nói đến ở đây gồm những người có tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên.
Không chỉ siêu giàu, lần đầu tiên Việt Nam cũng đã có tỉ phú đôla, thể hiện qua giá trị vốn hóa của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán tăng mạnh.
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VinGroup, dẫn đầu danh sách 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, có tài sản trị giá hơn 22.000 tỉ đồng tương đương trên 1 tỉ USD, được đánh giá là giàu gấp sáu lần những đại gia trung bình ở Việt Nam.
Hiện nay, chỉ tính riêng tổng tài sản của 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt hơn 56.000 tỉ đồng, tăng khoảng 30% so với giữa năm 2013.
Sau ông Phạm Nhật Vượng là ông Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai), ông Trần Đình Long (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát)… là những người trong Top 10 giàu nhất trên sàn chứng khoán.
Những đại gia chứng khoán này sau khi tập trung đầu tư vào bất động sản là chính, nay phát triển theo hướng đa ngành, có sản xuất công nghiệp nặng, bán lẻ…, những ngành hàng mang tính bền vững hơn.
Ở cấp độ đô thị lớn, TP. Hồ Chí Minh được dự đoán sẽ là nơi có số người giàu tăng mạnh nhất, lên đến 173% trong thập niên tới. Năm 2013, TP.HCM có 90 người siêu giàu trên tổng số 9 triệu dân.
Chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng tỷ lệ người siêu giàu Việt Nam tăng là dấu hiệu tốt cho nền kinh tế và nhấn mạnh “đại diện cho một nền kinh tế chính là cộng đồng doanh nghiệp, đối tượng chứng tỏ sức khỏe của nền kinh tế đó”.
Trong khi nền kinh tế 2014 được dự báo vẫn tăng trưởng dưới tiềm năng, số lượng người siêu giàu tại Việt Nam đã và đang tăng nhanh, làm gia tăng nguy cơ bất bình đẳng. Ông Sandeep Mahajan, chuyên gia Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, nhận xét cứ khoảng 1 triệu người Việt Nam thì có một người siêu giàu, hiện Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước Đông Nam Á có số người siêu giàu tăng mạnh trong vòng một năm qua.
Khoảng cách giữa những người rất giàu với số đông người nghèo sẽ tạo ra những phản ứng chính sách và xu hướng ngày càng có nhiều người dân chuyển đến các thành phố và những khu vực có điều kiện phúc lợi tốt hơn. Do vậy giảm khoảng cách giàu nghèo là mục tiêu quan trọng của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội mà từ lâu Chính phủ đã có nhiều cố gắng.
Cách đây 20 năm, khi vừa mới thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế, Việt Nam có quá nửa tổng số hộ dân sống dưới mức nghèo khổ, nay thì cả nước chỉ còn khoảng 10% tổng số hộ nghèo và hầu như không còn hộ đói. Cũng cách đây 20 năm, có đến 2/3 tổng số hộở khu vực nông thôn sống ở mức nghèo khổ và cũng có một tỷ lệ không nhỏ số hộ còn bị đói, giờ thì tỷ lệ này đã giảm khá nhanh.
Tuy đạt được những kết quả tích cực, nhưng tỷ lệ nghèo và quy mô số người nghèo ở Việt Nam còn lớn. Việc phân bố số người nghèo không chỉ chênh lệch ở tỷ lệ cao thấp qua các vùng, mà còn ở quy mô số người tuyệt đối.
Theo số liệu thống kê của nhà nước, vùng Đồng bằng sông Hồng có khoảng 1,23 triệu người, vùng trung du và miền núi phía Bắc có 2,76 triệu người, vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung có 3,21 triệu người, vùng Tây Nguyên có khoảng trên 1 triệu người, Đông Nam bộ có gần 213.000 người và vùng Đồng bằng sông Cửu Long có trên 1,84 triệu người.
Đáng chú ý là với một đất nước liên tục phải gánh chịu thiên tai như Việt Nam thì ranh giới giữa mức cận nghèo và nghèo là rất mong manh nên nguy cơ số hộ nghèo tăng lên rất dễ xảy ra.
Thực tế trên cho thấy, bất bình đẳng trong thu nhập ở nước ta ngày càng rõ nét và gay gắt hơn, tỷ lệ hộ nghèo tập trung chủ yếu ở những vùng khó khăn, có nhiều yếu tố bất lợi như điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, kết cấu hạ tầng kém, trình độ dân trí thấp, trình độ sản xuất manh mún, sơ khai.
Ngoài ra, còn xuất hiện một số đối tượng nghèo mới ở những vùng đang trong quá trình đô thị hóa và nhóm lao động nhập cư vào đô thị, họ thường gặp khó khăn nhiều hơn và phải chấp nhận mức thu nhập thấp hơn lao động sở tại. Đây là những yếu tố làm gia tăng tình trạng tái nghèo và tạo ra sự không đồng đều trong tốc độ giảm nghèo giữa các vùng trong cả nước.
Hiện nay, hệ số chênh lệch giàu/nghèo của Việt Nam cao hơn nhiều nước đã trải qua thời kỳ dài phát triển kinh tế thị trường. Nhìn chung, cơ chế thị trường của chúng ta còn mới mẻ, thậm chí có người cho là nền kinh tế thị trường hoang dã, đã tạo ra những kẽ hở để cho một bộ phận lách cơ chế hoặc lợi dụng cơ chế để trục lợi, tham nhũng. Số người làm giàu dạng này thường không đóng góp bao nhiêu để chia sớt gánh nặng của nhà nước mà còn làm cho tiềm lực kinh tế ngày càng suy giảm.
Vì thế, nếu không nhanh chóng hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế dân chủ, nhà nước pháp quyền, đồng thời xử lý vấn đề lợi ích nhóm, sở hữu chéo, lạm dụng độc quyền… thì chênh lệch giàu – nghèo hiện đang quá lớn lại sẽ càng tăng nhanh.
Thách thức này đòi hỏi Nhà nước và cả xã hội, trong khi khuyến khích, tôn vinh người làm giàu chính đáng, thì phải có biện pháp để tăng thu nhập của người nghèo, đảm bảo hệ số chênh lệch sẽ được kiềm chế, tiến tới giảm dần khoảng cách giàu – nghèo.
Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích người giàu tham gia vào đời sống xã hội bằng cách giảm thuế cho các đóng góp tự nguyện hoặc có các quy định ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia vào hoạt động từ thiện mà về lâu dài là nhằm rút ngắn phần nào chênh lệch giàu nghèo.
Hệ thống chính trị tốt thường biểu hiện qua việc phân bổ tài nguyên (đồng vốn, tài nguyên thiên nhiên, con người) đúng người đúng việc để với ưu thế vận tốc ban đầu được giao, những con người có năng lực sẽ tạo nên những giá trị gia tăng cho xã hội và đương nhiên họ được hưởng công lao xứng đáng với thành quả mang lại. Đó chính là sự công bằng.
Để có sự công bằng phải sử dụng công cụ điều tiết được mọi người chấp nhận, khi đó người giàu không phải là đối tượng của sự ganh tỵ, soi mói trong xã hội và khi họ làm tròn nghĩa vụ thì đáng được vinh danh.
Công cụ điều tiết công bằng xã hội có hiệu quả là khi tất cả mọi người đều đủ ăn đủ mặc, trẻ con được học hành, mọi người đều có cơ hội làm việc, được sống tự do hạnh phúc, là những điều kiện cơ bản phải đạt được. Và khi đó phân hóa giàu nghèo được trả lại vị trí của nó chỉ là sự phát sinh tự nhiên trong thời buổi thị trường.
HOÀNG LONG
(DNSGCT) 

Chuyện cảnh sát giao thông và người dân

Với một quốc gia bất kì và bình thường nào nhất, cảnh sát là lực lượng bảo an của nhân dân và là biểu tượng về an ninh của xã hội, đặc biệt, lực lượng cảnh sát giao thông luôn là tiêu điểm để hướng đến một trật tự chung nhằm duy trì an toàn trong lưu thông.

Nhưng, ở Việt Nam, trong thời Cộng sản xã hội chủ nghĩa, lực lượng cảnh sát nói chung và cảnh sát giao thông nói riêng chưa bao giờ nắm giữ đúng vai trò và chức năng này. Với người dân, lực lượng cảnh sát giao thông luôn là nỗi ám ảnh và khi bóng áo vàng xuất hiện trên đường, sự rối loạn cũng xuất hiện đồng thời.

Người dân luôn lo sợ bởi cảnh sát

Một cư dân quận 7, Sài Gòn, tên Phúc, chia sẻ: Không riêng gì cảnh sát giao thông mà mọi thứ công cụ cảnh sát khác đều khiến dân sợ hãi hết. Dân họ cúi đầu lặng lẽ sống để được yên ổn. Trong cách sống người Việt Nam mình vậy thôi, người ta khinh bỉ và sợ hãi nhưng yên lặng để sống yên ổn. Một khi nó thổi thì không lỗi thì cũng thành có lỗi!

Theo ông Phúc, nếu như những năm trước 1975 ở Sài Gòn, hình ảnh người quân cảnh luôn làm cho người dân yên tâm mỗi khi ra đường. Đặc biệt, nếu gặp cướp, chỉ cần la to hai chữ “quân cảnh” thì nhất định tên cướp có ăn gan trời cũng phải chùng tay trong phút chốc để quan sát. Hoặc nếu lúc đó có quân cảnh ở gần đó thì bằng mọi giá, lực lượng quân cảnh cũng truy lùng cho được tên cướp để đưa về bốt. Còn Sài Gòn những năm sau 1975 thì hoàn toàn khác, mọi sự rối loạn nhen nhóm hình thành và cuối cùng là bùng phát dữ dội.

Hiện tại, nếu ra đường gặp cướp, dù có đang bị cướp ở vị trí rất gần đồn công an thì người dân cũng chỉ bằng mọi giá giữ lấy sinh mạng và tài sản nếu được, chuyện hô to kêu cứu chỉ có giá trị nếu gặp một vài cảnh sát chìm nào đó còn lương tri, họ sẽ truy đuổi, nếu không gặp những cảnh sát chìm như thế, chuyện mất mát là đương nhiên. Mà Sài Gòn hiện tại, lực lượng cảnh sát chìm có mặt trên mọi nẻo đường nhưng họ có mặt không phải để duy trì an ninh cho nhân dân mà là để đề phòng và phát hiện những cuộc biểu tình chống Trung Quốc bành trướng. Chính vì thế, khi có một cuộc biểu tình nhỏ vừa diễn ra thì ngay lập tức có công an bao vây và dập tắt. Số lượng công an chìm nổi nhiều vô kể.

Cảnh sát giao thông trên đường di sản Hà-Nội. RFA
Cảnh sát giao thông trên đường di sản Hà-Nội. RFA
Nếu so sánh giữa mức độ kêu cứu khi gặp cướp và mức độ hô hào biểu tình của một nhóm nhỏ, bao giờ mức độ kêu cứu cũng có cường độ âm thanh to và khẩn cấp hơn nhiều. Thế nhưng tiếng kêu cứu bị bỏ ngoài tai công an, cảnh sát nhưng tiếng hô của người biểu tình sẽ được phát hiện ngay tức khắc, thậm chí không hô, chỉ trương khẩu hiệu, biểu ngữ vẫn bị phát hiện như thường. Đó là trường hợp ngành công an nói chung, nếu xét riêng ngành công an giao thông thì mức độ gây sợ của họ đối với người dân còn cao hơn nhiều.

Bất kì con đường nào đang có xe cộ lưu thông một cách bình thường, nhịp nhàng, chỉ cần những áo vàng xuất hiện cộng thêm vài áo xanh của cảnh sát cơ động thì mọi chuyện trở nên phức tạp, người đi đường trở nên bất an, nháo nhào và dáo dác…

Trong một số trường hợp, cảnh sát giao thông chơi trò núp lùm, ngồi trong các bụi cây để bắn tốc độ hoặc ngồi phục kích ở những vị trí khuất tầm mắt, đợi cho các cô nữ chạy xe ngang qua thì nhảy xổ ra thổi còi một phát nghe đinh tai nhức óc và chỉ thẳng gậy vào mặt đối phương, làm cho đối phương bị bất ngờ, khủng hoảng tâm lý trong giây lát và dừng xe, không hiểu chuyện gì. Sau đó là hàng loạt cáo buộc của cảnh sát đối với người đi đường mà nếu người đi đường biết điều nhét cho cảnh sát vài trăm ngàn thì mọi chuyện sẽ êm xuôi, chuyến đi được tiếp diễn.

Và cứ như thế, nạn mãi lộ đối với cảnh sát giao thông trở thành một hoạt động thường nhật ở Việt Nam, nơi nào có cảnh sát giao thông, tất nhiên nơi đó có mãi lộ, việc mãi lộ đã ăn sâu vào tiềm thức và lâu ngày, trở thành một loại văn hóa của dân tộc. Hay nói cách khác, sợ cảnh sát giao thông khi ra đường đã trở thành một loại tâm lý tập thể của người Việt.

Đầu tư để được đứng đường

Một cựu nhân viên ngành công an giao thông, yêu cầu giấu tên, chia sẻ: Mãi lộ cũng là thứ tham nhũng nhỏ nhỏ thôi chứ gì đâu. Đại khái là thứ tham nhũng nhỏ nhỏ đó nó đã tràn ngập xã hội rồi. Không phải nghĩa là có cảnh sát giao thông lả an toàn mà không có thì không an toàn. Người đi đường mà ý thức thì không có cảnh sát giao thông cũng tốt thôi! Cảnh sát nó núp trong lùm cây nó bắn tốc độ, đâu cần ở xa, ngay ở Sài Gòn, cảnh sát đầy đường đầy sá mà trộm cắp, cướp giật như rươi vậy thôi!

Theo ông này, tuy cảnh sát giao thông phải núp lùm, phải đứng đường và đại đa số là tạo ra hình ảnh xấu trong mắt nhân dân và có thể bị nhân dân phản ứng, đánh đập hoặc đánh đập nhân dân bất kỳ giờ nào nhưng đã là cảnh sát giao thông, ai cũng mong được đứng đường. Việc đứng đường của cảnh sát giao thông là một cơ hội ăn nên làm ra, nó cũng giống như một cô gái điếm thì phải ra đường đứng vẫy khách, một công an giao thông phải ra đường, phải chỉ gậy mới có thể kiếm ăn, mới ăn nên làm ra, có của dư của để.

Chính vì vậy mà phần đông các cảnh sát giao thông có đạo đức trong ngành hoặc cô thế, bị trù dập đều phải ngồi văn phòng đến mòn ghế và ăn lương chay ba đồng ba cọc, khó có cơ hội mà phất lên được. Còn những cảnh sát giao thông biết ăn chia, biết liều lĩnh và biết ép phạt đều tìm cách để được đứng đường. Thậm chí có những trạm đứng đường như trạm Hàng Xanh, trạm số 2 Thủ Đức là những trạm mà muốn được đứng đó, các cảnh sát phải tự đấu giá ngầm với nhau, phải chung chi tiền tỉ mỗi năm để được đứng đường.

Chỉ cần được đứng ở các trạm này, mỗi đêm, thu nhập của mỗi cảnh sát thấp nhất cũng được năm triệu đồng, nếu trúng thì con số lên mười triệu, thậm chí vài chục triệu nếu bắt trúng những xe chở hàng lậu hoặc động vật quí hiếm. Cứ chia ca với nhau, mỗi người đứng từ một đến ba đêm và ba ngày mỗi tuần. Có thể nói con số thu nhập của các cảnh sát này là con số khủng. Bởi chỉ cần một chiếc xe tải bình thường đi qua trạm, nếu có chở hàng thì cách gì cũng dừng lại để chung từ hai trăm đến năm trăm ngàn đồng. Mà lưu lượng xe trung bình trên đường phải là con số hàng ngàn chiếc, cứ như vậy nhân lên sẽ thấy ngay thu nhập của các cảnh sát đứng đường.

Đó là chưa nói đến những vụ tai nạn giao thông được dàn xếp “công bằng” bởi cảnh sát giao thông, họ cũng được hưởng đậm trong các vụ tai nạn. Và sở dĩ ngành cảnh sát giao thông có thể ăn tàn bạo mà không nói được gì là vì trên một tuyến xe, tất cả mọi trạm đều có chung chi cho cảnh sát giao thông, vì phải chung chi, người chủ xe buộc phải độn thêm hàng cho quá trọng tải cho phép mới bù được khoản chung chi này, mà một khi đã độn thì cái lỗi đã đeo trước ngực nên không chung không được. Ngược lại, nếu không độn quá tải thì sẽ bị hạch họe đủ thứ, từ cái còi cho đến cái đèn, gương chiếu hậu và giấy phép lái xe, cảnh sát sẽ hạch họe bao giờ lòi ra lỗi mới thôi.

Chính vì thế, với người dân, cảnh sát giao thông nói riêng và công an nói chung là một thứ gì đó đáng kinh sợ và luôn gây rối loạn, bất an trên đường đi cũng như trên đường đời.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
  (RFA) 

Nước cờ sau giàn khoan của TQ: VN cần làm gì?

Con đường tơ lụa trên biển là một thực tế, không bác bỏ trong đó đóng góp của tất cả các nước ven biển là quan trọng. Nhưng việc vinh danh nó phải trên cơ sở tôn trọng luật quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền các nước, vì mục đích hòa bình, củng cố tình hữu nghị giữa các dân tộc, không thể xen lẫn bất kỳ mục đích tư lợi nào.

Tiếp theo bài đầu tiên nói về việc TQ đăng ký di sản con đường tơ lụa trên biển, chúng tôi xin giới thiệu tiếp phần 2 bài viết.

Năm 2007, Campuchia đề nghị công nhận Di sản văn hoá cho đền Preah Vihear nhưng đã bị UNESCO bác bỏ do còn tồn tại những bất đồng với Thái Lan và vì một phần Thái Lan bác bỏ và phản đối đề nghị này của Campuchia. Tuy nhiên, một năm sau, được Bộ Ngoại giao Thái Lan ủng hộ, vào ngày 7 tháng 6 năm 2008, Ủy ban di sản thế giới họp tại Canada đã công nhận đền Preah Vihear là di sản thế giới. Quyết định này cũng dựa trên phán quyết của Tòa án quốc tế năm 1962 công nhận chủ quyền của Campuchia đối với đền Preh Vihear.

Lịch sử thế giới ghi nhận con đường tơ lụa bắt đầu từ Phúc Châu, Hàng Châu, Bắc Kinh (Trung Quốc) qua Mông Cổ, Ấn Độ, Afghanistan, Kazakhstan, Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, xung quanh vùng Địa Trung Hải và đến tận châu Âu. Con đường cũng đi đến cả Hàn Quốc và Nhật Bản. Nó có chiều dài khoảng 4.000 dặm, hay 6.437 km. Nhưng đến thời nhà Minh, Con đường tơ lụa đã bị vương triều này khống chế và bắt mọi người phải nộp thuế rất cao khiến cho những thương gia phải tìm đến những con đường vận chuyển bằng đường biển.

Với việc giao thương qua đường biển phát triển (hình thành Con đường tơ lụa trên biển) và Quảng Châu đã được xem là nơi khởi đầu của Con đường tơ lụa trên biển. Con đường này xuất phát từ cảng Từ Văn, Hợp Phố ( bán đảo Lôi Châu) qua vịnh Bắc Bộ, men theo bờ biển Việt Nam qua vịnh Thái Lan xuống vùng tây – nam Malaysia, đi qua eo Malaca vòng lên phía bờ biển nam Thái Lan, qua Miến Điện vào vịnh Ben-gal rồi xuôi xuống vùng nam Ấn Độ và dừng lại trên đảo Xrilanca. Nhà Hán học người Pháp Edourd Chavanse ( 1865-1918) trong tác phẩm “ Sử liệu Tây Turki”, cho rằng “ Con đường tơ lụa có hai tuyến: đường bộ và đường biển”.
Trung Quốc, biển Đông, tơ lụa, tư lợi, Việt Nam
Ảnh: telegraphindia
Khó có con đường di sản chung
Con đường tơ lụa không chỉ là huyết mạch thông thương buôn bán mà còn là một hành trình văn hóa, tôn giáo đa dạng được hòa trộn, có thể mang lại nhiều lợi ích đa phương trong trao đổi văn hóa và du lịch. "Con đường tơ lụa là con đường: Thương mại, Du hành, Chiến tranh và Niềm tin". Hiện tại các tổ chức quốc tế UNESCO, ICMOS, UCL đang triển khai dự án nghiên cứu các địa điểm và tuyến đường dọc theo con đường tơ lụa trên bộ  (Silk Roads World Heritage Serial Nomination project). Dự án đã có 15 nước tham gia.
Ngày 22/6/2014, tại khóa họp lần thứ 38, UNESCO đã thông qua danh sách ghi nhận Kênh Lớn (Grand Canal ) của Trung Quốc và Con đường tơ lụa (Silk Road - trên bộ), mà Trung Quốc, Kazakhstan và Kyrgyzstan đồng trình là di sản văn hóa thế giới, đưa danh sách di sản của Trung Quốc lên con số 47.
UNESCO cũng quan tâm đến việc bảo vệ các di sản văn hóa dưới nước. Các di chỉ khảo cổ dưới nước được đề cập lần đầu trong Công ước Luật biển UNCLOS 1982. Hai điều khoản liên quan trự tiếp đến các di sản văn hóa dưới nước là 149 và 303.
Điều 149 quy định: “Tất cả các di vật khảo cổ hay lịch sử tìm thấy trong Vùng đều được bảo tồn hay nhượng lại vì lợi ích của toàn thể loài người, đặc biệt quan tâm đến các quyền ưu tiên của quốc gia hay của nơi xuất xứ, hoặc của quốc gia xuất xứ về văn hóa, hay còn của quốc gia xuất xứ về lịch sử hay khảo cổ”. Điều này liên quan đến các di vật khảo cổ hay lịch sử nằm trong Vùng di sản chung của loài người, tức vùng biển nằm ngoài thềm lục địa của quốc gia ven biển.
Điều 303 quy định: “Các quốc gia có nghĩa vụ bảo vệ các hiện vật có tính chất khảo cổ hay lịch sử được phát hiện ở biển, các quốc gia hợp tác với nhau vì mục đích ấy.
Để kiểm soát việc mua bán hiện vật này, bằng cách áp dụng điều 33, quốc gia ven biển có thể coi việc lấy các hiện vật đó từ đáy biển trong vùng nói ở điều đó mà không có sự đồng ý của mình là sự vi phạm các luật và quy định của quốc gia ven biển ở trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình, đã được nêu ở điều 33.
Điều này không đụng chạm đến các quyền của những người sở hữu có thể được xác nhận, cũng không đụng chạm đến quyền thu hồi các xác tàu và các quy tắc khác của luật hàng hải cũng không động chạm đến các luật và tập quán về mặt trao đổi văn hóa. Điều này không làm phương hại đến các điều ước quốc tế khác và các quy tắc của pháp luật quốc tế liên quan đến việc bảo vệ các hiện vật có tính lịch sử hay khảo cổ.”
Điều 33 là điều quy định chế độ pháp lý của vùng tiếp giáp lãnh hải. Như vậy, trong Biển Đông, nơi có nhiều yêu sách biển chồng lấn, sẽ khó có Vùng di sản chung nên chỉ còn điều 303 được áp dụng cho vùng tiếp giáp lãnh hải 24 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.
Quốc gia ven biển có đầy đủ quyền chủ quyền đối với các di vật mang tính lịch sử và khảo cổ trong vùng nội thủy, lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải của mình. Việc trục vớt, lấy các hiện vật đó từ đáy biển trong vùng nói ở điều đó mà không có sự đồng ý của quốc gia ven biển được coi là sự vi phạm các luật và quy định của quốc gia đó ở trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình
Để làm rõ thêm các quy định của UNCLOS 1982, năm 2001 UNESCO đã thông qua Công ước về bảo vệ các di sản văn hóa dưới nước. Điều 1 của Công ước định nghĩa các di sản văn hóa dưới nước là : “tất cả dấu vết của sự tồn tại của con người có tính chất văn hóa, lịch sử hay khảo cổ có một phần hoặc hoàn toàn dưới nước, định kỳ hoặc liên tục, ít nhất là 100 năm như: các địa điểm, các cấu trúc, các công trình, đồ tạo tác và vết tích con người...; tàu, máy bay ... [và] hàng hóa của họ, cùng với nội dung khảo cổ  và tự nhiên của chúng; và các đối tượng mang tính tiền sử”. Tiêu chí thời gian 100 năm đã loại bỏ tất cả các dấu tích của hai cuộc Thế chiến thế giới đến nay.
Mục đích chính của Công ước là bảo vệ và bảo tồn các di sản văn hóa dưới nước “vì lợi ích của toàn thể nhân loại” ngay tại các điểm (situ) phát hiện ra chúng. Quốc gia ven biển và các quốc gia khác hợp tác với nhau bảo vệ các di sản văn hóa dưới nước tránh sự tác động của kỹ thuật, của các hoạt động do con người gây ra đối với tự nhiên (như đặt cáp, khoan đào, khai thác tài nguyên..) và nâng cao giáo dục, truyền bá kiến thức về các di sản này cho các thế hệ.
Luật cứu hộ và luật tìm thấy sẽ không được áp dụng đối với các di sản văn hóa dưới nước. Công ước đã có hiệu lực vào ngày 2/1/2009 và hiện đã có 48 quốc gia phê chuẩn (Tại Đông Nam Á chỉ mới có Campuchia tham gia).
Việt Nam cần làm gì?
Con đường tơ lụa trên biển thực chất là con đường thương mại. Hàng hóa trao đổi không chỉ có tơ lụa. Các quốc gia nằm ven bờ Biển Đông đều có lịch sử thương mại hàng hải phong phú.
Các vụ trục vớt tàu thuyền như ở Cù Lao Chàm năm 2003 đã cho thế giới thấy một nền văn minh gốm Chu Đậu khác biệt hẳn với Trung Hoa và đã được trao đổi buôn bán với nhiều nước trên thế giới. Các hải cảng Phố Hiến, Hội An đã từng là các trung tâm thương mại hàng hải lớn của khu vực. Tàu thuyền qua lại Biển Đông đều có hành trình an toàn nhất là chạy dọc theo bờ biển Việt Nam, vì vậy tuyến đường hàng hải qua biển Việt Nam cũng đã là một phần của con đường tơ lụa trên biển trong quá khứ.
Lịch sử Việt Nam cũng ghi nhận nhiều hoạt động mang tính Nhà nước về khai thác các hóa vật từ tàu đắm trên quần đảo Hoàng sa, Trường Sa, trợ giúp cứu hộ các tàu thuyền nước ngoài bị nạn trong vùng biển của mình. Bằng các hành động của đội Hoàng Sa, Bắc Hải, Việt Nam  là Nhà nước đầu tiên đã khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo và các vùng biển xung quanh, ít nhất từ thế kỷ XVII mà không gặp phải sự phản ứng từ bất kỳ quốc gia nào.
Căn cứ vào Công ước Luật biển 1982 và các Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và tự nhiên của UNESCO 1972 và 2001, Việt Nam là quốc gia ven biển có chủ quyền đối với tất cả các  “tất cả dấu vết của sự tồn tại của con người có tính chất văn hóa, lịch sử hay khảo cổ  có một phần hoặc hoàn toàn dưới nước, định kỳ hoặc liên tục, ít nhất là 100 năm như: các địa điểm, các cấu trúc, các công trình, đồ tạo tác và vết tích con người...; tàu, máy bay ... [và] hàng hóa của họ, cùng với nội dung khảo cổ  và tự nhiên của chúng; và các đối tượng mang tính tiền sử” trong vùng nội thủy, lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải của mình.
Đồng thời Việt Nam cũng có nghĩa vụ hợp tác với các quốc gia khác trong việc bảo vệ và bảo tồn các di sản văn hóa dưới nước tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, Vùng di sản chung của loài người bên ngoài các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền quốc gia ven biển.
Trên cơ sở đó Việt Nam cần nhanh chóng kiểm tra, bổ sung các quy định về di sản văn hóa, lịch sử và khảo cổ trong vùng tiếp giáp lãnh hải vào Luật các vùng biển Việt Nam 2012 và Nghị định 96/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009 về việc xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy thuộc đất liền, các hải đảo và vùng biển Việt Nam.
Khảo sát, nghiên cứu, xây dựng danh mục các địa điểm đăng ký di sản văn hóa dưới nước với UNESO đồng thời là cơ sở đấu tranh với các ý định bành trướng trên biển dưới chiêu bài bảo vệ các di sản nhân loại.
Tuyên truyền quảng bá các kiến thức về di sản văn hóa dưới nước, tạo nhận thức chung trong công chúng.
Con đường tơ lụa trên biển là một thực tế, không bác bỏ trong đó đóng góp của tất cả các nước ven biển là quan trọng. Nhưng việc vinh danh nó phải trên cơ sở tôn trọng luật quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền các nước, vì mục đích hòa bình, củng cố tình hữu nghị giữa các dân tộc, không thể xen lẫn bất kỳ mục đích tư lợi nào.
    Nguyễn Hồng Thao
   ( Tuần Việt Nam ) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét