Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Quyền hiến định không thể bị tùy tiện cắt xén - Hiến pháp vẫn phải chờ?

Quyền hiến định không thể bị tùy tiện cắt xén

Võ Trí Hảo (*)
Chủ Nhật,  22/6/2014, 09:15 (GMT+7)
 

 

 

 

(TBKTSG) - Quyền con người, quyền cơ bản của công dân (gọi chung là quyền hiến định) là một trong những nội dung đổi mới lớn nhất của Hiến pháp 2013.
Đằng sau việc thay đổi tên chương và đưa từ vị trí thứ năm lên vị trí thứ hai trong Hiến pháp là sự thay đổi tư duy: (1) Quyền hiến định không còn bị coi là sản phẩm ban phát của Nhà nước, ngược lại Nhà nước có được ngân sách là do nhân dân đóng thuế, Nhà nước có được quyền lập pháp là do cả cộng đồng thống nhất trao cho; (2) Quyền hiến định không phải là thứ có thể tùy tiện cắt xén bởi bất kỳ cơ quan nhà nước nào, mà việc hạn chế quyền hiến định phải tuân theo những nguyên tắc, mục đích nhất định và chỉ một số loại văn bản mới được phép hạn chế quyền hiến định.
Quyền hiến định có thể bị hạn chế bởi văn bản nào?
Nếu như Hiến pháp 1992 cho phép bất kỳ cơ quan nhà nước nào cũng có quyền can thiệp vào quyền hiến định, bằng mọi loại văn bản pháp luật bằng cách gắn thêm đằng sau mỗi quyền hiến định cái đuôi “theo quy định của pháp luật”, thì điều 14 khoản 2 Hiến pháp 2013 đã chỉ rõ phương tiện được phép hạn chế quyền hiến định:
“Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật (TG: của Quốc hội) trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Tuy nhiên, sáu tháng sau khi Hiến pháp có hiệu lực, vẫn còn rất nhiều trường hợp các quyền hiến định của công dân bị hạn chế không phải bằng luật mà bằng những văn bản dưới luật.
Xin đơn cử: quy định trong thời bình thí sinh trúng tuyển đại học vẫn phải nhập ngũ nếu có giấy báo nhập ngũ tại điều 1 khoản 1 Thông tư liên tịch số 13/2013/TTLT-BQP-BGDĐT, ngày 22-1-2013 của Bộ Quốc phòng và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Mặc dù quy định này không trái với điều 29 khoản 5 Luật Nghĩa vụ quân sự, nhưng đã thay đổi tập quán ưu tiên quyền học tập trong thời bình đã được xác lập gần 30 năm nay. Điều đáng nói, quy định này trực tiếp đụng chạm đến mối quan hệ giữa quyền học tập tại điều 39 Hiến pháp và nghĩa vụ quân sự tại điều 45 khoản 2 Hiến pháp.
Đây là một mối quan hệ rất quan trọng, ảnh hưởng tới quyền hiến định của hàng triệu thí sinh trúng tuyển đại học hàng năm, cần được minh định bằng luật, chứ không nên thay đổi quan hệ này chỉ bởi một thông tư.
Nghị định “không đầu” (1) có hợp hiến?
Theo điều 14 khoản 2 Hiến pháp 2013, quyền hiến định chỉ có thể hạn chế bởi luật; không thể dùng một nghị định để trực tiếp hạn chế một quyền hiến định.
Tuy nhiên, điều 14 khoản 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật lại cho phép dùng nghị định để thay thế luật, pháp lệnh, nếu đó là vấn đề cần thiết nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh. Điều này có nghĩa, Chính phủ có thể sử dụng điều 14 khoản 4 này để trực tiếp hạn chế quyền hiến định bằng nghị định mà không cần luật hay pháp lệnh, miễn rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép (2). Cắt xén quyền hiến định đến điểm nào thì phải dừng?
Quyền hiến định vô cùng rộng rãi, đẹp đẽ và lấp lánh, nhưng cũng vô cùng chung chung. Trong số này, có những quyền tự thân nó có thể đi vào cuộc sống ví dụ như quyền sống, quyền tự do tín ngưỡng. Tuy nhiên đa phần các quyền hiến định cần được thể chế hóa bằng luật để bảo đảm việc sử dụng quyền hiến định của người này không xâm phạm đến quyền hiến định của người khác; đặc biệt trong trường hợp có những cặp quyền hiến định tồn tại trong thế “cạnh tranh” lẫn nhau.
Điều này có nghĩa, sau khi ban hành luật để hạn chế, điều chỉnh các quyền hiến định, đối với một số loại quyền, cần được tiếp tục chi tiết hóa bởi các văn bản dưới luật. Mỗi một cấp, một lần ban hành văn bản hướng dẫn sẽ giống như một “nhát kéo”, mà quyền hiến định là tấm vải.
Nếu không có người “thợ may” thì tấm vải không trở thành quần áo hữu dụng nhưng “thợ may ăn vải, thợ vẽ ăn hồ”, những nhát kéo của “thợ may” sẽ không tránh khỏi sự tùy tiện, nếu không có tiêu chí giới hạn. Điều gì sẽ xảy ra nếu quyền hiến định bị thu hẹp dần qua các nhát kéo (luật, nghị định, thông tư...) đến mức giá trị cơ bản của quyền hiến định không còn? Lúc đó quyền tự do hiến định sẽ mất hết ý nghĩa, giống như một điều khoản vô hiệu trong hợp đồng có thể khiến cho toàn bộ phần hợp đồng còn lại trở nên vô hiệu, nếu đó là “điều khoản cốt lõi”.
Ví dụ: nếu cấm nhà báo tường thuật lời của đại biểu tại Quốc hội hay lời của luật sư tại tòa án, thì quyền tự do ngôn luận đã bị hạn chế đến mức mất hết ý nghĩa.
Chính vì vậy, việc thể chế hóa, chi tiết hóa các quyền hiến định, ngoài việc phải phục vụ các mục đích tại điều 14 khoản 2 Hiến pháp, thì việc thể chế không được phép làm cho quyền hiến định mất ý nghĩa cơ bản, việc hạn chế quyền hiến định không được chạm vào vùng lõi của mỗi quyền hiến định.
Hay nói một cách hình tượng hơn, thì khi thân chủ là nhân dân giao tấm vải quyền hiến định quý giá của mình cho thợ may nhà nước với nhiệm vụ may ra chiếc quần âu tiện dụng, thì thợ may có quyền tùy nghi thiết kế, thêm túi, bóp ống, xẻ tà... nhưng không bao giờ được phép tùy tiện cắt xén đến mức “cái đũng quần âu không còn”.
Nếu pháp luật đặt ra quá nhiều điều cấm, đến mức hạn chế quyền tự do mà người dân thực tế được hưởng thì quyền hiến định đã mất hết ý nghĩa. Và nên nhớ, đằng sau mỗi lệnh cấm, luôn mở ra một cơ hội tham nhũng cho ai có quyền thực thi hay bỏ qua lệnh cấm cho một ai đó.
(*) Khoa Luật, Đại học Kinh tế TPHCM
(1) Nghị định thông thường có một luật hay pháp lệnh ở bên trên để hướng dẫn, nhưng loại nghị định này không có cái gì ở trên đầu, nên được giới khoa học pháp lý gọi là nghị định không đầu.
(2) Nhân dân trao quyền lập pháp cho Quốc hội thì Quốc hội phải thực hiện, Hiến pháp không có điều khoản nào cho phép Quốc hội được tiếp tục trao quyền lập pháp cho cơ quan khác ngoài Quốc hội.

Hiến pháp vẫn phải chờ?

Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Thứ Hai,  23/6/2014, 09:48 (GMT+7)
 

 

 

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký lệnh công bố Hiến pháp 2013. Ảnh TTXVN
(TBKTSG) - Bản Hiến pháp mà Quốc hội đã thông qua vào năm ngoái và đã bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm nay là kết tinh của một quá trình kéo dài trong nhiều năm, trải qua nhiều cuộc thảo luận, góp ý, kể cả tranh luận rất sôi nổi trên các diễn đàn, từ tổ dân phố đến Quốc hội. Cho dù có thể vẫn còn nhiều ý kiến chưa được tích hợp vào bản Hiến pháp chính thức nhưng đây được xem là một cột mốc quan trọng trong đời sống chính trị của nước ta.
Thế nhưng, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường chỉ xét riêng về những điều khoản liên quan đến quyền con người, quyền công dân đã thấy có 29 luật, pháp lệnh cần được sửa đổi bổ sung, ban hành để phù hợp với quy định của Hiến pháp. Trong số 29 luật, pháp lệnh này có 7 luật, pháp lệnh chưa được đưa vào chương trình chỉnh sửa của năm 2015. Có nghĩa là đến năm 2016 vẫn có thể còn những luật và pháp lệnh trái với Hiến pháp mà nhân dân cả nước dày công xây đắp.
Không lẽ từ giờ đến đó, Hiến pháp mới sẽ có những điều khoản tạm thời chưa có hiệu lực?
Xin lấy ba ví dụ liên quan đến môi trường kinh doanh. Điều 33 Hiến pháp quy định “mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề pháp luật không cấm”. Điều 14 Hiến pháp cũng quy định “quyền con người, quyền công dân (trong đó có quyền tự do kinh doanh) chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết, vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Điều đó có nghĩa điều 159 của Bộ luật Hình sự về tội kinh doanh trái phép không còn đúng nữa. Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) đã đặt câu hỏi rất xác đáng: Nếu không phù hợp [với Hiến pháp] thì cần bãi bỏ hoặc nên được giải thích và áp dụng như thế nào trong khi Bộ luật Hình sự chưa được sửa đổi. Có cần trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết giải thích vấn đề này hay không?
Một ví dụ khác. Điều 15 Hiến pháp có nói: “Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”. Trong khi đó điều 258 của Bộ luật Hình sự thì liệt kê thêm “tổ chức” trong các đối tượng bị xâm phạm lợi ích (tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân). Rõ ràng Bộ luật Hình sự cần phải sửa đổi để phù hợp với Hiến pháp nhưng từ nay cho đến khi bộ luật này được sửa đổi thì giả thử có người xâm phạm lợi ích của tổ chức thì sao? Xử như thế nào?
Ngay cả vấn đề đang được Quốc hội thảo luận sôi nổi vào cuối tuần trước là lấy phiếu tín nhiệm, nên làm một hay hai lần trong suốt một nhiệm kỳ; lấy phiếu tín nhiệm nên chỉ có hai mức hay vẫn ba mức (tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp).
Nhưng có lẽ các đại biểu quên rằng Hiến pháp mà họ mới thông qua vào kỳ họp trước chỉ quy định một khái niệm mà thôi: đó là Quốc hội có nhiệm vụ “Bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn”. Hiến pháp hoàn toàn không đề cập đến chuyện lấy phiếu tín nhiệm; vì sao các đại biểu vẫn bàn để ra một nghị quyết có thể sai tinh thần của Hiến pháp?
Đây là một vấn đề rất quan trọng và thiết thân đối với cuộc sống của tất cả mọi người dân. Thiết nghĩ Quốc hội cần có tiếng nói chính thức: Hiến pháp có phải chờ luật thì mới có hiệu lực hay không?

Tại sao cộng sản tồn tại lâu?

Son Tran
" CỦNG BỞI THẰNG DÂN NGU QUÁ LỢN
CHO NÊN QUÂN ẤY MỚI LÀM QUAN"
-Tản Dà-
*
Những gì độc ác, bẩn thỉu của cộng sản, những người khác đã nói đầy cả ra rồi, tôi nghĩ mình cũng không cần nhắc lại.
Tôi chỉ nghĩ đến một điều, cái gì đã làm cộng sản tồn tại lâu như thế?
Ngoài sự cấu kết quyền lực – quyền lợi để cùng bảo vệ lẫn nhau, cộng sản đã làm gì để chúng ta thành ra một dân tộc việt nam hèn hạ tự trên xuống dưới, từ già tới trẻ như ngày hôm nay? Ngoài sự mafia, côn đồ, trấn áp bằng sợ hãi, giáo dục một cách ngu dân ra, chúng còn làm gì nữa?
Ai từng học luật đều biết, khi quy phạm pháp luật không điều chỉnh được, thì hành vi con người sẽ phải điều chỉnh bởi quy phạm đạo đức. Pháp luật không theo con người lên giường, vào toa-lét, xuống bếp. Nhưng đạo đức theo ta khắp nơi, tận trong ngõ ngách tâm hồn. Pháp luật cũng không ép tạo ra đạo đức. Chính sự vô thần vô thánh, không thừa nhận đức tin đã hun đúc ra những con người sẵn sàng bán thịt thối cho người ta ăn, đút sữa độc vào miệng con nít, chém mẹ ruột, giết con đẻ,… Vì những người này họ không sợ, hoặc họ tin rằng họ sẽ tránh được sự trừng trị của pháp luật. Khi pháp luật không trị được mà người ta không sợ luân hồi, không sợ quả báo, không sợ bị đày xuống địa ngục,…thì họ còn sợ gì nữa?
Việc gì mà họ không dám làm?
Còn những kẻ yếu không có niềm tin là có Phật, có Chúa, có Thánh Allah luôn soi sáng mình, giúp đỡ mình, ngự trị trong mình, thì họ còn biết dựa vào đâu để tìm lại niềm lạc quan mà sống? Mà tranh đấu để tự tìm lấy giá trị sống thiêng liêng mà đấng tạo hóa đã ban cho mỗi chúng ta? Tôi có cảm giác như mình đang sống giữa một bầy đàn hỗn loạn nhưng hoang vu, hỗn loạn về vật chất – nhưng hoang vu về tinh thần. Bạn có thấy như thế không? Giữa sự hỗn loạn và hoang vu ấy, cái ác sẽ luôn luôn ngự trị, kẻ có sức mạnh sẽ luôn trấn áp chúng ta. Chúng ta – những kẻ được đến trường nhưng thật ra thất học, những kẻ nghĩ mình lương thiện nhưng thật ra không có lương tri, những kẻ đủ ăn mặc nhưng thật sự chưa hề nếm mùi vị hạnh phúc, những kẻ đọc sách – nghe nhạc mỗi ngày nhưng không biết đó chẳng phải là nghệ thuật đích thực – một nền nghệ thuật có thể soi sáng tâm hồn ta chứ không phải ru ta ngủ trong quên lãng. Những kẻ hoang mang không biết tin ai, không hiểu nên làm gì cho đúng.

Lúc đó, lúc hỗn loạn và hoang vu đó, anh cộng sản xuất hiện và nói:
Đời chúng mày chỉ cần độc lập – tự do – hạnh phúc.
Chúng ta tưởng thế là hay ho lắm! Dù nền độc lập này có mang lại tự do không? Có hạnh phúc không? Hay chúng ta đang cúi đầu nô dịch cho ai đây? Chúng ta thực chất đang sống thế nào đây? Và đang để lại cho con cháu chúng ta di sản gì? Chúng ta đeo bám theo họ, quên cả chính bản thân mình, một con người, cần phải sống sao cho đúng nghĩa, đúng phẩm cách, hành động đúng theo những gì mà một con người có lương tri cần phải hành động.
Bạn có đang tự hào vì mình là người việt nam không? Hỡi những con người ấu trĩ mang trong mình một đinh ninh sắt đá là tôi rất tự hào vì tôi là người việt nam “cần cù, nhân hậu, thông minh, kiên cường, bất khuất, đoàn kết thương yêu nhau,…” đã từng đấu tranh thắng Mỹ, các bạn không thấy điều đó nó hết thời rồi à? Ta thắng Mỹ để có một xã hội phồn vinh, một dân tộc được tôn trọng. Chứ còn thắng Tàu, thắng Pháp, thắng Mỹ, thắng khắp nơi… Mà ngày nay những kẻ ta từng thắng đó, nó coi chúng ta còn không hơn con chó thì cái chiến thắng đó nhắc tới làm chi cho thêm nhục?

Mặt phải, chúng ta ra rả trên báo mỗi ngày là “Mỹ đã đến biển Đông”,
“bà Hillary dọa TQ không nên gây hấn”,.. để mong lòng dân yên ổn. Mặt trái, chúng ta tổ chức ngày hội gặp gỡ những lớp cán bộ đã từng được Tàu đào tạo để cám ơn họ đã “dạy dỗ” cả đám chóp bu việt nam. “Đĩ” chưa từng thấy!
Chưa có cái chính quyền nào mà “đĩ” như chính quyền việt nam hiện tại.

Dựa hơi mà cũng không biết dựa hẳn bên nào cho trót. Lá mặt lá trái như thế bảo sao quốc tế nó không khinh?
Còn dân việt nam thì sao?
Dám cầm súng đánh TQ hay đánh bất cứ thằng nào xâm lược việt nam nữa không? Mà cầm súng để làm gì? Kết quả của gần 40 năm độc lập, ai cũng thấy cả rồi, không cần nói nữa.
Và cả bọn hèn hạ chúng ta đang ôm lấy nhau, hồi hộp chờ đợi hồi chuông báo tử.
(SƯU TẦM)

MỘT “HỒI KÝ SONG ĐÔI”

CHÂN THỰC VÀ SINH ĐỘNG

(Đọc Chúng tôi đã sống như thế của PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết,
NXB Tri Thức, 4-2013)
Trung Sơn
(Bài đăng trên báo Thừa Thiên – Huế (Cuối tuần) số 747 ra ngày 18/5/2014)
—o0o—
Chung toi da song nhu theCó lẽ nhiều bạn đọc chưa biết tác giả Nguyễn Ánh Tuyết, chính là phu nhân của nhạc sĩ Phạm Tuyên, một chuyên gia đầu ngành về giáo dục mầm non, với hàng chục công trình nghiên cứu đã được xuất bản.
Trong “Lời giới thiệu”, nhà thơ Trần Đăng Khoa gọi đây là một “cuốn sách đặc biệt”; cũng có thể gọi đây là “hồi ký song đôi”, do Nguyễn Ánh Tuyết đã dành rất nhiều trang “viết thay” cho Phạm Tuyên. Bản thân cuộc đời tác giả (1936-2009), xuất thân từ một gia đình “cách mạng nòi” ở Quảng Bình (bố mẹ của bà đều là cán bộ tiền khởi nghĩa), lại về làm dâu quan Thượng thư Phạm Quỳnh với án tử tháng 8-1945 tại Huế, hơn 60 năm qua vẫn đang chờ “lịch sử đánh giá” (**) một cách chính thức, công bình. Rồi những cuộc “trường chinh” từ chiến khu “Bình Trị Thiên khói lửa” đến các trung tâm đào tạo nhân tài (Trường Phan Đình Phùng Hà Tĩnh, Khu học xá Nam Ninh Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học Giáo dục Liên Xô) để không ngừng bổ sung kiến thức, trở thành nhà giáo mẫu mực cho hầu hết cán bộ đầu ngành giáo dục mầm non của đất nước trong mấy chục năm qua, đã là một thiên tiểu thuyết có đủ mọi cung bậc tình cảm, gợi nghĩ đến rất nhiều vấn đề có ý nghĩa lâu dài. Đó là truyền thống gia đình, là thái độ của người lãnh đạo đối với trí thức, là quan niệm về giáo dục tuổi mầm non…
Một lần, Trường Nguyễn Ái Quốc mời Nguyễn Ánh Tuyết đến nói chuyện về tâm lý trẻ em… Trước các cán bộ cao cấp, có người là Trung ương ủy viên, nhiều người là Bí thư Tỉnh ủy, Nguyễn Ánh Tuyết, sau chút ái ngại đã “phủ đầu” bằng một câu đầy ấn tượng: “Có ba thảm họa mà thế giới loài người ngày nay đang hết sức sợ hãi, đó là thiên tai, chiến tranh và… trẻ em hư!”. Thính giả đã bị thuyết phục khi chị phân tích việc giáo dục trẻ em không phải là chuyện “đàn bà con trẻ” mà chính là “chiến lược con người”.
Nếu những trang viết trong chương “Đường vào khoa học” thể hiện rõ nét chân dung một trí thức có ý chí mạnh mẽ, luôn thao thức, trăn trở vì sự nghiệp chung, thì phần ghi lại cuộc đời và hoạt động âm nhạc của Phạm Tuyên là một “biên niên” đầy đủ và sinh động nhất quá trình sinh thành, phổ biến cùng những “dư âm” 700 ca khúc của ông, trong đó có những bài đứng vào hàng đầu các bài hát hay nhất cũng là tác phẩm được phổ biến rộng rãi nhất và có tuổi thọ cao nhất về nhiều đề tài quan trọng từ bài hát Tiến lên Đoàn viên (viết từ năm 1954) và Chiếc đèn ông sao (đề tài thiếu nhi) cho đến các bài hát về lịch sử, đất nước như Đảng đã cho ta cả một mùa xuân, Chiếc gậy Trường Sơn, Như có Bác trong ngày đại thắng
Lý giải việc một nghệ sĩ có hoàn cảnh gia đình “đặc biệt” như Phạm Tuyên vẫn sáng tác được nhiều ca khúc hay như thế, Nguyễn Ánh Tuyết viết: “… chính là anh đã xác định cho mình một lẽ sống cao đẹp mà suốt đời anh nguyện đi theo”. Cũng thật là đặc biệt, một nhà khoa học về tâm lý giáo dục lại có không ít trang viết phân tích về nghệ thuật âm nhạc thấu đáo; đó là chưa nói đến lợi thế “người nhà”, được sống gần gũi bên nhạc sĩ, Nguyễn Ánh Tuyết đã chứng kiến những thời khắc người nghệ sĩ rung động viết nên các tác phẩm để đời.
“…Nhớ lại đúng vào thời điểm 21 giờ 30 đêm 28-4-1975, khi nghe bản tin thời sự loan báo Nguyễn Thành Trung, một trung úy phi công “ngụy” đã ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất, một niềm xúc động dâng trào với linh cảm là chẳng bao lâu nữa thôi thì Sài Gòn và cả miền Nam sẽ được giải phóng. Đêm hôm ấy, tôi thấy anh bồi hồi khác thường, trên tay cầm mẩu giấy và chiếc bút chì ra đứng đầu cầu thang, nơi đó có một bóng đèn chiếu sáng, ngoài trời lâm thâm mưa. Anh cứ đứng đó ghi xong cả giai điệu và lời ca của bài hát Như có Bác trong ngày đại thắng để không phá giấc ngủ của vợ con (vì nhà rất chật)… Bài hát được sáng tác trong một khoảnh khắc ngắn ngủi vào cái đêm 28-4-1975, nhưng nói cho chính xác thì nó được sinh ra từ khoảnh khắc đó cộng với cả cuộc đời anh…”. (Tr.260)
Một điều cũng rất đáng kể là hồi ký của Nguyễn Ánh Tuyết không né tránh những sự thật nghiệt ngã, không chỉ của “cụ Phạm” mà cả người anh trai – Nguyễn Thanh Huyên (bút danh Nguyễn Kiến Giang). Từ 19 tuổi, anh đã là bí thư huyện Lệ Thủy, sau 1954, trở thành một nhà nghiên cứu lý luận đầy triển vọng, được cử làm Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Sự Thật, nhưng vì mạnh dạn nêu những vấn đề mới, bị xem là “trái chiều”, anh đã “mất hết”!…
Thật đáng quý, là mặc dù những người thân của tác giả bị vướng vào hoàn cảnh thật oái oăm, những trang sách của Nguyễn Ánh Tuyết không hề có một dòng trách móc hay giận hờn, mà luôn tràn đầy niềm tin yêu trong trẻo và cả vẻ đẹp của sự hồn nhiên, ngây thơ của trẻ nhỏ như hầu hết những bài hát của Phạm Tuyên. Có lẽ chính là sự trùng hợp đó đã gắn kết hai con người xuất thân từ hai đối cực suốt hơn nửa thế kỷ và Nguyễn Ánh Tuyết có thể “viết thay” hồi ký cho Phạm Tuyên bắt đầu từ “lễ cưới vàng” tổ chức vào mùa xuân 2007, những trang viết chân thật, sinh động đến mức chính Phạm Tuyên đã phải thốt lên: “… Nhiều bài mình viết xong rồi quên. Thế mà bà ấy nhớ. Nhớ rồi ghi chép rất tỉ mỉ! Mình đọc cảm động quá!”. Hẳn là vì thế mà nhà thơ Trần Đăng Khoa đã viết: “Tôi tin, rất tin cuốn sách sẽ làm bạn đọc yêu thích”
T.S.
Sau vụ án xử Cụ Phạm, khi gặp hai người chị của Phạm Tuyên tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Cụ Phạm là người của lịch sử, rồi sẽ được lịch sử đánh giá lại”. Những năm gần đây, nhiều tác phẩm của Cụ Phạm đã được tái bản, không ít nhà nghiên cứu đã đánh giá cao những đóng góp của Phạm Quỳnh đối với văn hóa dân tộc, nhưng cũng có ý kiến trái chiều… Những chữ in nghiêng trong bài đều trích từ tác phẩm của Nguyễn Ánh Tuyết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét