Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

Tính xấu người Việt: Bệnh không chữa, nước không mạnh - Lời thú nhận muộn màng của ông Bộ trưởng

Tính xấu người Việt: Bệnh không chữa, nước không mạnh

... Giai đoạn 1945 cả nước cùng diệt “ba giặc” là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Bây giờ “giặc dốt” còn không!? Tôi cho rằng vẫn còn, thậm chí là nghiêm trọng và đáng sợ hơn xưa. Bởi lẽ nhiều người nói giặc dốt ngày xưa dễ thương lắm, hồi đó cả nước hầu như ai cũng sẵn sàng thừa nhận là mình dốt và muốn được học hành để được khai minh/khai sáng. Nhưng nay, trong một xã hội mà ai cũng bằng này cấp nọ, tràn lan cử nhân, tiến sĩ, kỹ sư thì khả năng tự nhận ra mình “dốt” sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều...

Tranh biếm họa của tác giả Mai Sơn trưng bày tại Ngày hội biếm họa 6-4 ở TP.HCM

Từ góc nhìn riêng và kinh nghiệm riêng, theo anh chị, tính cách nào hoặc thói hư tật xấu nào đang cản trở sự phát triển của chính mình và của xã hội Việt Nam hôm nay? Một câu hỏi được gửi đến nhiều người và câu trả lời Tuổi Trẻ nhận được lại rất đa dạng.

* Ông LẠI NGUYÊN ÂN (nhà nghiên cứu): Không chịu trưởng thành!

Ảnh: V.Dũng
Gần đây đọc trên mạng, tôi bắt gặp ý kiến một bạn nào đó bảo rằng dân Việt ta có một đặc điểm hầu như cố hữu là cứ không chịu trưởng thành! Tôi rất thú vị với nhận xét ấy. Có thể nói đây là điểm hội tụ rất nhiều thứ mà giờ đây được xem như “thói hư tật xấu” của người Việt, dân Việt. Chính tình trạng thiếu trưởng thành, không chịu trưởng thành là nét gắn bó, quán xuyến hầu hết những thói tật vẫn còn đang tồn tại.

Quả không dễ định tính cho đủ thế nào là trưởng thành. Song có thể nói, trưởng thành tức là tăng cường các năng lực lý tính, biết dùng lý trí để soát xét lại hệ thống các hành vi của mình, biết dùng lý trí - không chỉ lý trí các cá nhân mà còn cả lý trí của cộng đồng - để điều chỉnh, chấn chỉnh những loại suy nghĩ và hành vi sẽ được lý trí ấy nhận ra là lạc hậu, trái với nhân tính, không phù hợp với các chuẩn mực ứng xử của con người trong các xã hội văn minh hiện đại.

Ở xã hội các nước phát triển, người ta chứng kiến hiện tượng có thể gọi là thức nhận, tự ý thức, tự phê bình, phản tỉnh..., tức là nhận biết và điều chỉnh hệ thống các hành vi ấy. Chẳng hạn, ta thấy họ từng sống và ứng xử như mọi tộc người trong các cộng đồng thuần chủng, rồi đem chuẩn của chủng tộc chủ thể áp vào cộng đồng đã trở nên đa chủng, đa tộc, đa nguồn, đa văn hóa. Trải qua những bi kịch tự gây cho nhau theo lối ứng xử ấy, họ đã đi tới chỗ nhận ra những bất công, bất cập của lối sống ấy, do vậy đã cùng nhau đề xuất hệ chuẩn mực mới, thích hợp với các xã hội đa chủng, đa văn hóa. Theo đó, các định kiến chủng tộc bị coi là xấu, là không thể chấp nhận phải bị trừng phạt nếu ai đó vi phạm...

Trong khi đó, trong các cộng đồng người Việt, chúng ta vẫn còn tha thiết giữ lại hầu như tất cả những thói quen, ứng xử như khi còn sống khép trong từng làng xã. Chẳng hạn, chấp nhận những hành động xô bồ, ồn ào nơi đám đông, thích giải quyết các vấn đề bằng những “linh hoạt, linh động”, bằng xin xỏ, chạy chọt, thích dựa vào thân quen, thần thế...

* Ông LÊ BÁ THÔNG (doanh nhân): Tính tự cao làm mất khả năng lắng nghe

Ảnh: NVCC
Thời cuộc 30 năm qua đã hình thành một thế hệ doanh nhân thành công rực rỡ. Những câu chuyện tự lực lập nghiệp, đứng dậy và đi lên của họ đã như những câu chuyện thần kỳ đáng khâm phục. Bắt đầu từ nghèo khó, từ hai bàn tay trắng, từ những kiến thức ít ỏi, bằng sự thông minh, tài trí, kiên tâm, họ đã làm nên những cái tên doanh nghiệp không chỉ trong nước mà nhiều doanh nghiệp bên ngoài phải e dè nể phục. Nhưng cũng từ đó đã hình thành một tính cách đang giết chết sự phát triển của nền kinh tế: tính tự cao, tự phụ.

Từ sự tự cao thái quá của những người dẫn đầu mà doanh nghiệp ảo tưởng rằng khi thành công ở một lĩnh vực chuyên môn “rất phức tạp” của mình thì mình có thể thành công ở tất cả lĩnh vực khác. Kết quả những năm gần đây đã nhìn thấy trước mắt, nhiều doanh nghiệp đã quên đi năng lực cốt lõi của mình mà vượt ra ở những thị trường xa lạ khác, hàng loạt doanh nghiệp phá sản vì dùng vốn sản xuất đi kinh doanh tiền tệ, kinh doanh địa ốc.

Sự tự cao cũng đã và đang cản bước những sự hợp tác và sáp nhập lớn. Khó có hai doanh nhân vốn đã và đang thành công trong quá khứ của chúng ta có thể ngồi lại cùng nhau để bắt tay xây dựng hai doanh nghiệp nhỏ trở thành một tập đoàn lớn hơn. Thay vì ngồi chung và xây dựng một doanh nghiệp lớn thì các bước sáp nhập hiện nay mang màu sắc của “xâm chiếm”, “cá lớn nuốt cá bé”.

Tính tự cao tự đại đã làm mất khả năng lắng nghe, không còn thời gian để nghe cấp dưới, càng khó nghe hơn nếu đó là một sự góp ý chê trách. Không có ở đâu mà ngành tư vấn khó khăn như ở đây. Các công ty tư vấn trình bày được vài câu đã nhận được một thái độ có lúc rất nhã nhặn, nhưng cũng có lúc khó nghe như “những điều này tôi đã biết”. Cũng từ đấy, các cuộc cải cách trong các doanh nghiệp Việt hiện nay được triển khai vội vã (có khi cũng triển khai vì phong trào) hàng loạt cải tiến TQM, ISO... thật sự đang thiếu chiều sâu, sai lệch nền tảng, sai bản chất dẫn đến mất tiền không hiệu quả và sức cạnh tranh ngày càng suy giảm.

“Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng” thì làm sao các doanh nghiệp Việt có thể cạnh tranh với những doanh nghiệp quốc tế đã vững vàng hàng trăm năm.

* Anh ĐẶNG HOÀNG GIANG (giảng viên ĐH Phan Chu Trinh): Sự hời hợt tạo ra một xã hội làng nhàng

Ảnh: NVCC
Trong những tật xấu nổi bật của người Việt hiện nay, tôi thấy rất đáng lo ngại là thói hời hợt. Sự hời hợt thể hiện trước hết trong nhận thức, tư duy. Đã thành thói quen, khi nhận thức một vấn đề nào đó, người Việt không đủ quyết liệt, nghiêm túc để nắm được bản chất toàn diện của đối tượng nhận thức. Khi tư duy, chúng ta thường cũng không tìm cách đẩy vấn đề đi đến tận cùng mà chỉ mon men dừng lại ở dạng ý tưởng. Vì nhận thức và tư duy hời hợt nên hành động cũng hời hợt theo. Biểu hiện thường thấy là lối làm việc khơi khơi, nửa vời, không chu đáo, không tận tâm, không đến đầu đến đũa, không ra tấm ra món nên ít khi hoàn thành trách nhiệm. Do đó, người đi sau bao giờ cũng phải mất công dọn dẹp hay sửa sai những sai sót do người trước để lại.

Dưới góc nhìn phát triển, thói hời hợt đã tạo ra một xã hội làng nhàng với những cá nhân làng nhàng, không dốt hẳn cũng không giỏi hẳn, không có cái mới và thiếu tính đột phá đã đành, mà luôn ngưng trệ, bị động và luẩn quẩn trong giới hạn làng nhàng của nó.

Dưới góc độ đạo đức, thói hời hợt vừa là ngọn nguồn, vừa là anh chị em sinh đôi của thói ích kỷ, vô tình, vô trách nhiệm. Từ chỗ hời hợt với chính mình, người ta đi đến hời hợt với xã hội bên ngoài. Vậy nên, người Việt sống trong, sống với cộng đồng nhưng lại chưa xây dựng được một đời sống cộng đồng đúng nghĩa. Họ tìm cách khai thác, trục lợi, phá hoại cộng đồng hơn là có ý thức xây dựng một cộng đồng chia sẻ, gắn kết, trách nhiệm.

* Ông GIẢN TƯ TRUNG (nhà giáo): Ngộ nhận về sự hiểu biết

Ảnh: T.T.D.
Tôi cho rằng trong rất nhiều bệnh/tật gây cản trở sự phát triển của chính mình và của dân tộc mình thì bệnh ấu trĩ là nổi bật nhất. Ấu trĩ ở đây được hiểu là “điểm mù” của bản thân, là ngộ nhận về sự hiểu biết của chính mình, đó là tình trạng “vô minh” hay “u minh”, nhưng lại tưởng rằng mình “khai minh”, hay nói nôm na hơn đó là dốt nhưng lại không hề biết là mình dốt.

Giai đoạn 1945 cả nước cùng diệt “ba giặc” là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Bây giờ “giặc dốt” còn không!? Tôi cho rằng vẫn còn, thậm chí là nghiêm trọng và đáng sợ hơn xưa. Bởi lẽ nhiều người nói giặc dốt ngày xưa dễ thương lắm, hồi đó cả nước hầu như ai cũng sẵn sàng thừa nhận là mình dốt và muốn được học hành để được khai minh/khai sáng. Nhưng nay, trong một xã hội mà ai cũng bằng này cấp nọ, tràn lan cử nhân, tiến sĩ, kỹ sư thì khả năng tự nhận ra mình “dốt” sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều.

Một người bình thường ấu trĩ thì sẽ chỉ tai hại cho chính mình và những người quanh mình, nhưng nếu một người có nhiều ảnh hưởng thì sự ấu trĩ của họ còn gây hại cho cả xã hội, không chỉ trong ngắn hạn mà còn cả trong lâu dài. Những người có nhiều ảnh hưởng thường là người có quyền, người có tiền, người có tiếng, người có bằng và người có chữ.

Chẳng hạn, một trong những biểu hiện của bệnh ấu trĩ ở những người có quyền là việc thường xuyên đưa ra những quyết sách tồi nhưng có khi lại rất tự hào về điều đó. Trong bất kỳ xã hội nào và thời đại nào, một nhà lãnh đạo giỏi thì có thể không cần phải biết tất cả mọi thứ hay giỏi tất cả mọi việc, nhưng họ sẽ biết mình là ai và mình dốt cái gì, sẽ biết đâu là quân tử và đâu là ngụy quân tử, đâu là thực tài và đâu là ngụy tài; từ đó biết ai là người mà mình nên lắng nghe và ai là người mà mình nên tin tưởng để hình thành các quyết sách tốt. Còn một nhà lãnh đạo ấu trĩ thường không có được những phẩm tính này, bởi sự u minh của bản thân, lại thiếu sự tự vấn nên đã làm họ mất đi khả năng và cơ hội để minh định được ai là ai, cái gì là cái gì và mình là ai.

Bà NGUYỄN THẾ THANH (nhà báo): Tính ỷ lại - tác hại không nhỏ

Ảnh: T.T.D.
Trong thực tế, bệnh ỷ lại, dựa dẫm trong xã hội chúng ta hiện nay vẫn còn nhiều và phần lớn có căn nguyên từ môi trường gia đình. Không ít trường hợp, khi nhỏ, việc ăn việc học đều có cha mẹ lo cho từ A tới Z, kể cả việc chạy điểm, chạy trường. Khi tốt nghiệp đã có cha mẹ chạy chỗ làm với điều kiện tốt về “sếp”, về lương. Khi lập gia đình đã có sẵn nhà cha mẹ cho. Khi có con đã có “ôsin già” là cha mẹ.

Một môi trường văn hóa gia đình như thế trách nào chẳng hình thành nên những đứa con luôn dựa dẫm vào cái thế của cha mẹ (hoặc người giúp việc dưới quyền cha mẹ) để vơ vào cho mình những ưu đãi mà lẽ ra phải thuộc người khác xứng đáng hơn về năng lực và phẩm chất. Không thể trách ai đó khi họ phản ứng với quá trình thăng quan tiến chức quá nhanh của một vài con cái cán bộ lãnh đạo, bởi thực tế trình độ, năng lực của những người này không hơn nhiều người khác ngoài cái hơn duy nhất là “con ông cháu cha”. Cũng đừng cho là quá đáng khi có người chỉ ra khía cạnh ỷ lại, dựa dẫm của những cán bộ con ông cháu cha này là đã không đủ dũng khí để từ chối một chức vụ được sắp đặt cho bản thân mình mà cả về thực tế năng lực lẫn tâm lý xã hội đều không nên nhận.

Tính ỷ lại, dựa dẫm từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn đã thủ tiêu ý thức con người cá nhân; đã tạo ra đặc quyền, đặc lợi; đã góp phần phá vỡ giá trị công bằng, và cao hơn làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của xã hội. Như vậy, tác hại của sự ỷ lại, dựa dẫm đâu còn là nhỏ nữa. Và trách nhiệm sửa chữa căn tính trầm kha này trước hết vẫn là từ gia đình, từ những người làm cha mẹ. Nhưng một khi tư duy “một người làm quan cả họ được nhờ” không còn là hiện tượng đơn lẻ thì trách nhiệm điều chỉnh và thay đổi triệt để nó phải thuộc về hệ thống chính trị.

Ông NGUYỄN THANH SƠN (nhà phê bình): Thói đố kỵ - bệnh ung thư của tâm trí

Ảnh: L.Điền
Một bộ phim mới ra đời, đang định viết về nó thì có người bảo “đừng có viết, viết chỉ tổ nó bán thêm được vé”. Một cô bé hồng hồng tím tím viết một cuốn tiểu thuyết dở tệ, ai cũng nhắn nhủ “đừng có viết nhé, viết là làm sang cho nó”. Viết bài về “cuộc đấu khẩu” giữa Trung Nguyên và Starbucks, nhiều người cũng nói viết về Trung Nguyên là mắc mưu PR “của địch”, chỉ “tốn công làm cho Trung Nguyên nổi tiếng thêm”.

Những lời khuyên đó làm tôi nhớ đến câu chuyện “cầu trời cho tôi mù một mắt”. Hẳn chúng ta nhiều người nhớ câu chuyện này. Có anh chàng hay ghen tị. Trời muốn làm cho anh ta hiểu được vấn đề nên mới nói: “Ta cho con được một điều ước, muốn ước gì cũng được, nhưng nên nhớ con ước được một thì anh chàng hàng xóm nhà con sẽ được gấp đôi”. Anh ta suy nghĩ một lúc rồi nói: “Con ước trời cho con mù một mắt”.

Tại sao có nhiều người Việt Nam sẵn sàng hi sinh quan điểm của mình chỉ vì lo điều đó sẽ tạo thêm cơ hội cho người khác? Hoặc họ sẽ “khen cho mày chết”, hoặc họ sẽ tảng lờ, thà để tác phẩm hay sản phẩm chìm trong quên lãng còn hơn tạo ra một vấn đề có thể được công chúng và dư luận quan tâm, chỉ vì sợ rằng sản phẩm hay tác phẩm ấy được “PR không công”.

Những người ấy sẵn sàng cầu trời cho mình mù một mắt, nếu như anh hàng xóm vì vậy sẽ mù cả hai. Nếu như trước đây chỉ âm thầm, gặm nhấm đầu độc cuộc sống của họ thì mạng xã hội và tính ẩn danh của môi trường Internet hiện nay khiến thói đố kỵ có đất để sinh sôi, nảy nở, đầu độc cả môi trường sống của xã hội.

Thói đố kỵ của người Việt chính là “bệnh ung thư của tâm trí”, nói như B. C Forbes.
Theo báo Tuổi Trẻ

Báo đảng CSVN 'kết tội' việc đưa tin về độc tài và phản kháng

Tờ Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng CSVN vừa cảnh báo về “hội chứng vô trách nhiệm” của báo giới Việt Nam khi “đưa tin và bình luận.”
Trên số báo ra ngày 7 tháng 4, qua bài “Hội chứng vô trách nhiệm trong đưa tin và bình luận,” tờ Nhân Dân liệt kê một loạt các dẫn chứng nhằm hỗ trợ cho cảnh báo về “hội chứng” này.

Việc nhiều tờ báo Việt Nam đăng tấm ảnh chụp các thành viên trong lực lượng cảnh sát đặc nhiệm Bekrut của ông Yanukovych - Tổng thống Ukraine, phải quỳ để xin lỗi dân chúng Ukraine vì đã đánh đập, thậm chí bắn vào họ, được tờ Nhân Dân xem là một bằng chứng của “Hội chứng vô trách nhiệm trong đưa tin và bình luận.” (Hình: Internet)

Theo đó, việc nhiều tờ báo ở Việt Nam “hùa theo báo chí phương Tây” để “vẽ chân dung của ông Gaddafi, cố lãnh đạo Lybia như một nhà độc tài tham lam và lập dị, một tên bạo chúa cuồng dâm...” khiến “dân chúng Lybia rên xiết dưới ách độc tài tàn bạo,” được tờ Nhân Dân xác định là biểu hiện của... “hội chứng vô trách nhiệm.”
Tờ Nhân Dân cũng xem việc đưa tin, bình luận về các diễn biến tại Ukraine là một ví dụ khác của... “hội chứng vô trách nhiệm.”
Người viết bài “Hội chứng vô trách nhiệm trong đưa tin và bình luận,” mới đăng trên tờ Nhân Dân tỏ ra hết sức giận dữ khi báo giới Việt Nam đưa các hình ảnh, thông tin về sự kiện: Nhiều thành viên trong lực lượng đặc nhiệm chống bạo động của chính quyền đã bị dân chúng Ukraine lật đổ, “quỳ xin lỗi dân chúng vì đã đánh đập người biểu tình và bắn vào họ.”
Bài viết cho thấy tác giả “Hội chứng vô trách nhiệm trong đưa tin và bình luận” nổi giận vì “một số diễn đàn của các thế lực thù địch lập tức té nước theo mưa, đưa những thông tin này lên blog và facebook kèm câu hỏi: Khi nào thì công an Việt Nam mới xin lỗi nhân dân?”
Những thông tin mà báo giới Việt Nam loan tải về cuộc sống xa hoa, tham nhũng của ông Yanukovych, tổng thống Ukraine đã bị dân chúng Ukraine lật đổ cũng bị tờ Nhân Dân xem là “vô trách nhiệm.”
Theo tờ Nhân Dân, “hội chứng vô trách nhiệm trong đưa tin và bình luận” đang trở thành “xu hướng đáng ngại” của nhiều tờ báo ở Việt Nam. Ðiều này không chỉ “làm nhiễu sự thật” mà còn “gây tổn hại tới uy tín, hình ảnh của cá nhân, tổ chức liên quan, nhất là tới quan hệ quốc tế.”
Tuy tác giả bài viết vừa kể trên tờ Nhân Dân không cho biết “tổ chức” và những mối “quan hệ quốc tế” nào bị tổn hại vì báo giới Việt Nam mắc “hội chứng vô trách nhiệm trong đưa tin và bình luận,” song việc lựa chọn dẫn chứng cho thấy, những cá nhân mà tác giả cho rằng cần bảo vệ “uy tín, hình ảnh cá nhân,” ngoài các ông Gaddafi (Lybia), ông Yanukovych (Ukraine), còn có cả ông... Kim Yong Un (Bắc Hàn)!
Tờ Nhân Dân còn nêu một lý do khác và có thể đây mới là lý do chính để cơ quan ngôn luận của Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng CSVN phải cảnh báo về “hội chứng vô trách nhiệm” của báo giới Việt Nam, đó là các tin và bình luận “vô trách nhiệm” khiến người sử dụng Internet ở Việt Nam “cứ thế a dua chửi bới.”
“Hội chứng vô trách nhiệm trong đưa tin và bình luận” theo cách nhìn của tờ Nhân Dân, bị xem là “đầu độc người xem” và “tiếp sức cho những kẻ lợi dụng các thông tin này để bình luận tiêu cực về Việt Nam.” Tuy nhiên chưa rõ trong bối cảnh như hiện nay, lối quy chụp này có khiến báo giới Việt Nam chùn bước hay không.
Có một điều chắc chắn là những bài viết kiểu như “Hội chứng vô trách nhiệm trong đưa tin và bình luận” của tờ Nhân Dân, cũng như lối hành xử theo suy nghĩ này sẽ khiến vị trí của Việt Nam trong các bảng xếp hạng về “tự do Internet,” “tự do báo chí,” do các tổ chức quốc tế thực hiện hàng năm, chỉ thêm thảm hại.
Chẳng hạn theo kết quả cuộc khảo sát về “Tự do Internet 2013” tại 60 quốc gia trên thế giới, do Freedom House thực hiện, Việt Nam đứng thứ 7 trong nhóm 10 quốc gia ứng xử tệ hại nhất với quyền tự do Internet.
Ngoài việc đội sổ về “tự do Internet,” trong “Báo cáo thường niên về tự do báo chí toàn cầu” hồi năm ngoái, Freedom House xếp Việt Nam vào vị trí 182/197. Lúc đó, Freedom House giải thích, việc tổ chức này xếp một quốc gia vào nhóm “không có tự do báo chí,” nếu quốc gia đó không đáp ứng những tiêu chuẩn về tự do pháp lý, tự do chính trị, tự do kinh tế, không cho phép các nhà báo và tổ chức truyền thông có thể hoạt động tự do. (G.Ð)
Theo Người Việt

Thả ông Vũ 'không làm dịu nỗi đau' ở VN

"Những quyết định trả tự do lẻ tẻ đối với các tù nhân chính trị nổi tiếng như ông Vũ không hề giúp xoa dịu nỗi đau của các blogger và những nhà báo đang bị ngược đãi trong tù. Điều đó cũng không hề giúp gia đình của họ ngưng bị quấy rầy gần như là hằng ngày bởi công an địa phương." Bob Dietz

TS Cù Huy Hà Vũ và vợ LS Nguyễn Thị Dương Hà tươi cười vui vẽ sung sướng khi đặt chân xuống phi trường Dulles International Airport, ngày 7 tháng 4, 2014
Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) nói việc trả tự do cho một tù nhân chính trị nổi tiếng như ông Cù Huy Hà Vũ không xoa dịu nỗi đau của những tiếng nói bất đồng khác còn bị giam cầm ở Việt Nam.

Bài viết ngày 10/4 của ông Bob Dietz, điều phối viên của CPJ tại châu Á, mở đầu bằng trường hợp của nhà bất đồng chính kiến Đinh Đăng Định, người vừa qua đời hôm 3/4 vì bệnh ung thư dạ dày.

"Chỉ đến khi sắp qua đời, ông mới được phóng thích giữa lúc đang thi hành bản án sáu năm tù, và được cho phép về nhà để chết tại Đắk Nông," bài viết có đoạn.

"Tội ác được gán cho Đinh Đăng Định mà ông đã bác bỏ, là viết blog để phơi trần nạn tham nhũng và những vấn đề về môi trường."

"Cái chết của ông đưa con số những nhà báo và blogger bị giam giữ ở Việt Nam xuống 17 người. Con số này biến Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ năm trên thế giới về số lượng nhà báo bị giam cầm, chỉ sau Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Eritrea."

Bài viết cũng nhắc đến trường hợp của blogger Điếu Cày - tức Nguyễn Văn Hải, người được nhận Giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế của CPJ vào tháng 11 năm ngoái.

"Bất chấp tư cách thành viên của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, đại diện từ các tổ chức nhân quyền cũng như các phái đoàn ngoại giao nước ngoài vẫn bị ngăn không được tiếp xúc với ông Hải," ông Dietz viết.

"Ông Hải đã tuyên bố không muốn được phóng thích khỏi án tù mà ông xem là bất hợp pháp và bất công thông qua bất kỳ sự dàn xếp nào."

"Ông muốn tất cả những cáo buộc chống lại mình bị hủy bỏ và được tuyên là vô tội."

'Không may mắn như ông Vũ'

Đề cập đến trường hợp ông Cù Huy Hà Vũ, người vừa được trả tự do hôm 6/4 và hiện đang có mặt tại Washington DC cùng với vợ, Bob Dietz viết:

"Là một học giả về luật và là một trong những tiếng nói chỉ trích Đảng Cộng sản có tiếng, ông đã được phóng thích khỏi bản án bảy năm tù giam và ba năm quản chế tại gia vì tội tuyên truyền chống nhà nước."

Tuy nhiên, tác giả cho rằng "không phải blogger nào đang bị cầm tù cũng có xuất thân như ông Vũ".

"Họ xuất thân từ những tầng lớp khiêm tốn hơn nhiều, và cũng không có nhiều quan hệ như thế".

"Cho đến nay, họ vẫn bị ngược đãi một cách có chủ đích ở trong tù, trong khi gia đình của họ thường xuyên bị lực lượng an ninh ngầm sách nhiễu."

"Ngay cả khi những người này không yêu cầu được xuất ngoại, họ cũng xứng đáng nhận được sự ủng hộ tương tự từ quốc tế."

Bob Dietz cho rằng "bất chấp hành động đàn áp nhân quyền của mình", Việt Nam vẫn có quan hệ khá gần gũi với Hoa Kỳ, nước đang môi giới Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự tham gia của 12 quốc gia.

"Lập luận được đưa ra ở đây, đó là việc mở rộng những mối quan hệ về kinh tế sẽ khiến Việt Nam phải dần ngưng sách nhiễu công dân của mình."

"Tuy nhiên, TPP vẫn còn phải trải qua một chặng đường dài trước khi được ký kết. Những quốc gia tự do dân chủ đang tham gia vào TPP nên đưa việc trả tự do cho ông Hải và những trường hợp giống như ông làm một trong những điều kiện để thúc đẩy tiến trình đàm phán TPP đi xa hơn."

"Những quyết định trả tự do lẻ tẻ đối với các tù nhân chính trị nổi tiếng như ông Vũ không hề giúp xoa dịu nỗi đau của các blogger và những nhà báo đang bị ngược đãi trong tù. Điều đó cũng không hề giúp gia đình của họ ngưng bị quấy rầy gần như là hằng ngày bởi công an địa phương."
Theo BBC 

'Cần thành lập Ủy ban Kiểm soát Tài sản'

Việt Nam cần lập ngay một 'Ủy ban Kiểm soát Tài sản Quan chức' độc lập và 'cải cách thể chế' mới mong xử lý triệt để tận gốc nạn tham nhũng nhà nước, theo ý kiến của luật gia từ trong nước.

Việt Nam cần cải cách thể chế, tư pháp độc lập mới chống tham nhũng hiệu quả, theo chuyên gia.

Việc giám sát này đặc biệt cần áp dụng đối với các quan chức hành pháp, là những người có quyền lực trong tay và thực thi pháp luật, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao.

Trao đổi từ Hà Nội với BBC hôm 11/4/2014 về biện pháp ưu tiên giám sát tham nhũng nhà nước, nhân dịp báo chí Việt Nam vừa đăng trả lời công khai của cơ quan Thanh tra Chính phủ Việt Nam về tổng thu nhập chính thức của một số quan chức chính phủ như Thủ tướng, Tổng và Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Giao nói:

"Phải có một cơ quan tương đối độc lập mà không phải nằm trong hệ thống hành pháp để giám sát việc đăng ký tài sản của các quan chức, đặc biệt đối với các quan chức hành pháp.

"Bởi vì họ có quyền lực trong tay, họ thực thi pháp luật và họ thực hiện quản lý nhà nước ở trên các lĩnh vực kinh tế xã hội, và vì thế để các cơ quan hành pháp tự mình kiểm soát thì rất khó.

"Phải có một Ủy ban về kiểm soát tài sản của các quan chức độc lập. Có thể nó là một cơ quan do Quốc hội lập ra, nó tương đối độc lập và nó hợp tác chặt chẽ với kể cả cơ quan kiểm toán cũng như các cơ quan tài chính khác,

"Và nó có quyền hạn nhất định trong việc thu thập, xử lý những thông tin, kể cả những thông tin đến từ những nguồn gốc như những khiếu nại, những tố cáo, để nó xử lý thông tin đó, thì khi đó mới có thể thực thi được tốt việc minh bạch hóa tài sản của các quan chức nhà nước."

'Làm gương triệt để'




Phải có một Ủy ban về kiểm soát tài sản của các quan chức độc lập, có thể nó là một cơ quan do Quốc hội lập ra, nó tương đối độc lập và nó hợp tác chặt chẽ với kể cả cơ quan kiểm toán cũng như các cơ quan tài chính khác. Và nó có quyền hạn nhất định trong việc thu thập, xử lý những thông tin, kể cả những thông tin đến từ những nguồn gốc như những khiếu nại, những tố cáo"
Hôm thứ Sáu, đại diện cơ quan Thanh tra Chính phủ cho truyền thông biết một số thông tin về thu nhập chính thức các nguồn của một số quan chức chính phủ, trong đó có lương và các khoản thu từ phụ cấp khác của Chánh Thanh tra và Phó Chánh Thanh tra chính phủ lần lượt ở mức khoảng 18 triệu đồng/tháng và 15 triệu đồng/tháng.

Mức thu nhập chính thức này của Tổng thanh tra chính phủ được cho là cao hơn tổng mức lương, phụ cấp của Thủ tướng Chính phủ mà theo Văn phòng Chính phủ là khoảng 17 triệu đồng/tháng.

Gần đây, dư luận trong nước của Việt Nam đặt câu hỏi với mức thu nhập như trên, làm sao một cựu quan chức như ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam, có thể có nhiều tài sản như báo chí phản ánh.

Bình luận về vấn đề này, PGS. Hoàng Ngọc Giao nói:

"Hiện nay nhân dân rõ ràng thấy là không phải chỉ ông ấy mà rất nhiều người có những tài sản rất lớn.

"Chẳng qua những người đó chưa được lên mặt báo thôi. Người ta nhìn vào, cứ làm quan thì nhà rất to, rồi biệt thự, nhà nghỉ v.v..., thì rõ ràng ở đây, không chỉ nói vấn đề ông nguyên Tổng Thanh tra mà ở đây chúng ta cần nhìn lại vấn đề cả một hệ thống.

"Chúng ta làm thế nào để có thể có một hệ thống pháp luật nghiêm, kiểm tra, giám sát nghiêm, và cũng tạo nên tính chính đáng của quan chức. Nếu như họ có những ngôi nhà rất to, nguồn tài sản của họ là chính đáng, hợp pháp, thì họ cũng ngẩng cao đầu vì chuyện đó."

'Bảo vệ nhân chứng'

Ông Hoàng Ngọc Giao lưu ý Việt Nam chưa có luật bảo vệ nhân chứng khi họ tố giác tham nhũng, phạm pháp.
Khi được hỏi về vai trò và vị trí của các tổ chức quần chúng, chuyên gia luật học nói:

"Luật pháp ở Việt Nam chưa có luật về bảo vệ nhân chứng, chưa có việc bảo vệ những người thực hiện hành vi tố cáo. Trong thực tế, tôi còn nhớ lại ở thời kỳ xảy ra vụ việc PMU18, một số người tố cáo cũng đã bị chịu những sức ép cũng như kể cả những hành hung, mà họ không được bảo vệ.

"Do đó muốn để cho xã hội lên tiếng, muốn để cho người dân phát hiện ra những vụ việc về mặt liên quan tài sản cũng như tham nhũng, một trong những điều rất quan trọng là cần phải có một luật về bảo vệ nhân chứng và giữ bí mật cho những người thực hiện quyền tố cáo những hành vi liên quan đến những tài sản bất minh."

Theo PGS Hoàng Ngọc Giao, Việt Nam cần phải có những lưu ý, thay đổi để đảm bảo cho báo chí phát huy vai trò của mình trong giám sát quyền lực nhà nước và phòng chống tham nhũng và phải sớm mở ra hành lang pháp lý để đảm bảo phối hợp tốt với vai trò này của báo trí, truyền thông.

Ông nói:

"Có những vụ việc đưa lên, lại rơi vào trong dĩ vãng chứ không thấy cơ quan nào dựa vào những thông tin đó để tiến hành xử lý các thông tin đó. Thậm chí ra những quyết định mạnh mẽ hơn, là để xác minh lại nguồn thông tin của báo chí có đưa hay không, để tiến hành theo thủ tục tư pháp, tức là tiến hành khởi tố, điều tra v.v..., thì hiện nay, việc này vẫn còn bỏ ngỏ."

'Cải cách thể chế'




Nếu Đảng Cộng sản vạch ra được một cương lĩnh, một phương hướng phát triển như vậy và sau đó chúng ta cải cách thực sự, chúng ta là nhà nước pháp quyền và ba quyền lực đó kiểm tra, giám sát lẫn nhau thì lúc đó việc thực hiện công khai, minh bạch tài sản, cũng như việc phòng chúng tham nhũng cũng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều"
Trước câu hỏi liệu các quan chức lãnh đạo cao cấp hiện nay có nên 'đi đầu, làm gương' công khai, minh bạch triệt để tất cả các nguồn thu nhập và tài sản trong thời điểm Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ còn trên dưới hai năm trước khi kỳ Đại hội Đảng lần thứ 12 được tổ chức, PGS Giao nói:

"Trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay còn rất nhiều vấn đề mà cần phải giải quyết. Có lẽ mong muốn ưu tiên theo ý kiến cá nhân tôi là Đại hội Đảng sắp tới nên bàn về vấn đề thể chế, giống như Thủ tướng nói đầu năm.

"Bây giờ phải cải cách thể chế, chứ còn bây giờ yêu cầu các nhà lãnh đạo phải minh bạch ngay, thì thứ nhất về thời gian, thứ hai về vấn đề thể chế, luật pháp cũng chưa đầy đủ, thì chưa chắc đã giải quyết công việc.

"Đó là phải cải cách thể chế, phải tư pháp độc lập, phải làm sao Đại hội Đảng đưa được đường lối tư pháp độc lập, cái đó rất quan trọng. Thứ hai, hành pháp phải chịu sự kiểm tra, giám sát thực sự của Quốc hội và Quốc hội cũng phải đủ năng lực để giám sát về hành pháp."

Theo nhà luật học, việc kiểm tra, giám sát, phòng chống sẽ thuận lợi hơn rất nhiều sau khi Việt Nam đã cải cách được thể chế, cải cách được tư pháp.

"Nếu Đảng Cộng sản vạch ra được một cương lĩnh, một phương hướng phát triển như vậy và sau đó chúng ta cải cách thực sự, là nhà nước pháp quyền và ba quyền lực đó kiểm tra, giám sát lẫn nhau thì việc thực hiện công khai, minh bạch tài sản, cũng như việc phòng chống tham nhũng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều," PGS Giao nói với BBC.
Theo BBC

Lời thú nhận muộn màng của ông Bộ trưởng

Bộ trưởng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát. Ảnh báo ANTĐ
Nghe tường trình
Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát nhìn nhận là Việt Nam không thể làm nông nghiệp như cách vẫn làm từ 30 năm qua mà phải thay đổi từ trong nhận thức. Ông Bộ trưởng đã nói như thế khi trả lời chất vấn tại phiên họp ngày 8/4/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ở Hà Nội.
Trách nhiệm của bộ trưởng ở đâu?
Các báo mạng như Đất Việt, SaigonTimes, Dân Việt, Saigon Giải Phóng và Một Thế Giới đưa nhiều tin bài về nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng NN-PTNT. Theo lời người đứng đầu ngành nông nghiệp Việt Nam, khi tham gia nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, cạnh tranh quốc tế, mọi người tham gia quá trình này phải hiểu là làm ra sản phẩm để bán, làm ra những thứ thị trường thiếu. Theo đó, cần tập trung vào những loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế, Việt Nam không thể trồng táo Tây hay lúa mì, nhưng có tôm, cá tra…Để thực hiện được chủ trương này phải điều chỉnh cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích người dân áp dụng khoa học công nghệ nâng cao hiệu quả sản xuất, xây dựng thương hiệu để dù sản lượng ít nhưng giá trị vẫn cao.
Người lướt mạng đọc báo điện tử có cảm giác ông Cao Đức Phát đang đóng vai một nhà phản biện thay vì điều hành chính sách trong cương vị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn. Bởi vì bản thân ông là tổng tư lệnh ngành nông nghiệp và đáng lý ông phải đề ra những chủ trương như thế và thực hiện nó sau khi nhậm chức năm 2004. Những gì ông Cao Đức Phát trình bày ngày 8/4/2014 tại Quốc hội cũng là những gì mà các chuyên gia cả trong và ngoài chính phủ nói rất nhiều từ nhiều năm qua và có thể cho rằng chính ông là người không lắng nghe, hay trách nhiệm còn ở cấp cao hơn ông Bộ trưởng.




Những vấn đề như Bộ trưởng Cao Đức Phát vừa nêu thì chính bản thân ông phải là người có trách nhiệm lớn nhất vì ông là người thực hiện chính sách nông nghiệp phát triển nông thôn của Đảng Nhà nước và Chính phủ
Có thể kiểm chứng, nếu dựa trên những thành quả phát triển nông nghiệp ở Việt Nam nhiều năm qua. Đó là một nền nông nghiệp phát triển không định hướng, chú trọng về lượng thay vì về phẩm, kết quả là Việt Nam đứng thứ nhì thế giới về xuất khẩu gạo nhưng nông dân không đủ ăn. Người trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ có lợi tức trung bình 530.000 đồng một tháng. Đó là mức thấp nhất trong tất cả các ngành nghề ở Việt Nam và tương đương chưa tới 1/2 mức lương tối thiểu của công nhân lao động. Số liệu này do chính các Viện nghiên cứu của Bộ NN-PTNT công bố.
Saigon Times và Dân Việt Online trích lời Bộ trưởng Cao Đức Phát trình bày tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Việt Nam đã phát triển được 102 giống lúa nhưng chất lượng gạo xuất khẩu vẫn kém. Ông Phát nhận định là bản thân các giống đó không có đột phá, hơn nữa trong quá trình tổ chức thu mua, thương lái trộn lẫn các loại lúa với nhau nên dẫn tới chất lượng thấp, giá bán không cao, khó cạnh tranh.

Người nông dân Việt Nam gánh chịu đủ mọi thiệt thòi
Những vấn đề như Bộ trưởng Cao Đức Phát vừa nêu thì chính bản thân ông phải là người có trách nhiệm lớn nhất vì ông là người thực hiện chính sách nông nghiệp phát triển nông thôn của Đảng Nhà nước và Chính phủ. Trong ba thập niên vừa qua, GSTS Võ Tòng Xuân một nhà nông học có uy tín sống và làm việc ở đồng bằng sông Cửu Long từng nói những điều tương tự trên báo chí Việt Nam. Các giới chức có trách nhiệm chẳng hành động gì, hai Tổng công ty lương thực quốc doanh thống lĩnh 70% thị phần xuất khẩu gạo không thực hiện vùng nguyên liệu và xa lạ với nông dân. Các Tổng công ty qua các công ty con của mình chỉ mua gạo nguyên liệu qua thương lái và chẳng bao giờ mua lúa của nông dân.
GSTS Võ Tòng Xuân nhận định:
“ 38 năm trong hòa bình mà người nông dân vẫn còn nghèo, bây giờ nông dân khi thu hoạch xong phải ráng kiếm ai mua giùm sản phẩm thu hoạch của mình ngay…kẻo còn thiếu nợ nó bủa vây, chứng tỏ họ đâu có dành dụm được bao nhiêu đâu…chính sách thì hô hào người ta trồng khối lượng lớn để xuất khẩu cho nó oai. Nhưng mà giá rất thấp tại vì mạnh ai nấy làm, với cái kiểu làm của VFA Hiệp hội lương thực và Vinafood Tổng công ty lương thực thì gạo mình không có chất lượng. Không phải tại giống của mình xấu mà tại cách làm của VFA, Vinafood. Họ chỉ mua của mấy người thương lái, mở bao gạo ra là ba bốn thứ gạo trong đó có hột vàng có hột xanh làm sao mà ăn, ai mà mua giá cao được. Bên ngoài thì tên gạo Viet Nam rice, không ai dám đứng ra chịu trách nhiệm, 90 triệu người cùng chịu trách nhiệm hết, làm sao gạo tốt được. Nói hoài không tới đâu, họ vẫn tiếp tục làm vậy hoài, tại vì cái nhóm lợi ích nó mạnh quá.”




Mở bao gạo ra là ba bốn thứ gạo trong đó có hột vàng có hột xanh làm sao mà ăn, ai mà mua giá cao được. Bên ngoài thì tên gạo Viet Nam rice, không ai dám đứng ra chịu trách nhiệm, 90 triệu người cùng chịu trách nhiệm hết, làm sao gạo tốt được

GSTS Võ Tòng Xuân
Bao giờ gạo Việt Nam mới có thương hiệu?

Trở lại buổi trả lời chất vấn ngày 8/4/2014 tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Cao Đức Phát không cho biết khi nào sẽ chấm dứt tình trạng một bao gạo có 5-10 giống trong đó. Theo Saigon Times Online Bộ trưởng Cao Đức Phát bày tỏ hy vọng trong 5 năm tới, ngành lúa gạo sẽ có chuyển biến rõ hơn trong quá trình tổ chức sản xuất theo hướng liên kết nông dân và doanh nghiệp đầu ra. Nhờ đó nông dân có nơi tiêu thụ ổn định và có nơi đặt hàng cho sản phẩm.
Một trong những nhược điểm của gạo xuất khẩu được Bộ trưởng Cao Đức Phát nhìn nhận, không thể có thương hiệu khi thương lái đấu trộn hàng chục giống lúa trước khi xay ra gạo nguyên liệu để bán cho doanh nghiệp.
Một chuyên gia nông nghiệp ở tỉnh An Giang, ông Đoàn Ngọc Phả trình bày ý kiến cá nhân về vấn đề tại sao đến nay vẫn chưa xây dựng được thương hiệu cho gạo xuât khẩu của Việt Nam.

Nông dân và cánh đồng lúa. AFP
“ Không ai làm thay cho doanh nghiệp được, nhà nước chỉ hỗ trợ về khung chính sách thôi. Yếu kém đầu tiên là từ doanh nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam rất yếu kém trong vấn đề xây dựng thương hiệu.Một khi họ có chiến lược xây dựng thương hiệu thì họ mới mua vùng nguyên liệu để bảo đảm ổn định chất lượng. Thành ra vừa qua họ cũng không xây dựng thương hiệu và mua bán trôi nổi, bán bằng thương hiệu người khác không có thương hiệu của mình. Bởi vì họ cũng mua nguyên liệu gạo lức trôi nổi, mua nhiều nguồn rồi chế biến theo đặt hàng của nhà nhập khẩu nhà phân phối của nước ngoài. Nói về cách làm ăn là như vậy, bây giờ nhiều doanh nghiệp cũng đang xây dựng thương hiệu, cũng làm nhãn hàng hóa rồi xâm nhập thị trường. Nhưng thị trường nước ngoài thì khó nên họ xây dựng ở thị trường trong nước. Họ xây dựng thương hiệu nhãn hiệu hàng hóa lưu hành trong nước. Khi khách hàng nước ngoài tới Việt Nam thấy những nhãn hiệu đó mới đặt hàng cho doanh nghiệp làm. Muốn đẩy mạnh ra nước ngoài thì cần có sự hỗ trợ của nhà nước.”




Không ai làm thay cho doanh nghiệp được, nhà nước chỉ hỗ trợ về khung chính sách thôi. Yếu kém đầu tiên là từ doanh nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam rất yếu kém trong vấn đề xây dựng thương hiệu

ông Đoàn Ngọc Phả
Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Ngọc Phả nhận định là, bên Campuchia thành công trong việc xây dựng thương hiệu lúa gạo do làm thương hiệu khởi đầu với các giống lúa mùa truyền thống dài ngày. Tuy năng suất thấp nhưng chất lượng cao, ít lẫn giống và có thể “chứng nhận hữu cơ”, tức sản phẩm hữu cơ không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón hóa học… Theo ông Phả ở đồng bằng sông Cửu Long đã làm tăng vụ nhiều năm rồi, sử dụng các giống lúa ngắn ngày thích hợp cho thị trường trung bình thì khó mà xây dựng thương hiệu…muốn làm thương hiệu thì phải có các vùng lúa nguyên liệu tập trung được tổ chức bài bản. Ông Phả cho biết một số diện tích lúa mùa ở Cà Mau cũng có thương hiệu Vĩnh Phú được chứng nhận hữu cơ, sản phẩm này đã được xuất khẩu đi Hoa Kỳ, Anh nhưng khối lượng còn hạn chế.
Ngành chăn nuôi đang thực sự sống dở chết dở
Theo SaigonTimes, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 8/4 các đại biểu nêu vấn đề năm 2013, Việt Nam xuất khẩu 2,95 tỷ USD gạo nhưng nhập khẩu hơn 3 tỷ USD nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như bắp và đậu nành. Các đại biểu đặt câu hỏi về chuyển dịch cơ cấu cây trồng để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.Ngoài ra còn vấn đề ngành thức ăn chăn nuôi đang bị đang bị các doanh nghiệp nước ngoài thao túng. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết Việt Nam chỉ có thể gia tăng diện tích trồng bắp, chứ đậu nành thì năng suất thấp không thể cạnh tranh. Về chăn nuôi ông Bộ trưởng nhìn nhận đây là lĩnh vực yếu nhất và cần thời gian để tái cơ cấu, khuyến khích chăn nuôi khép kín trong trang trại lớn.
Trong dịp trả lời chúng tôi bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế ở Hà Nội từng nhận xét về vấn đề liên quan.
“ Trên lĩnh vực chăn nuôi đã để cho các nhà đầu tư nước ngoài, một số công ty nước ngoài khống chế thị trường về thức ăn chăn nuôi và từ đó tạo nên nhiều sức ép đối với người nông dân. Bản thân họ còn tổ chức chăn nuôi ở Việt Nam biến nông dân thành những người làm gia công cho họ và đặt mức giá rất thấp.Tất cả những việc đó gây thiệt hại cho người nông dân, ngành chăn nuôi bây giờ đang thực sự sống dở chết dở và tương lai hết sức đáng lo ngại.”
Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát đã tại chức được gần 10 năm từ cuối 2004 cho tới nay. Ông đã là người điều hành chính sách nông nghiệp của Việt Nam trong một thời gian đủ dài để có thể cải cách nền nông nghiệp lạc hậu của Việt Nam. Nếu nhìn kết quả để đánh giá nhà lãnh đạo thì ông Cao Đức Phát phải là người chịu trách nhiệm cao nhất. Nhưng người nông dân có thể không oán trách ông Bộ trưởng mà oán ông chính phủ, ông Đảng vì cơ chế ở Việt Nam là như vậy.

Nam Nguyên,
phóng viên RFA
Theo RFA
========
Nghe bài này

Hoa Kỳ cảnh cáo Trung Quốc

Hội nghị quốc phòng Hoa Kỳ-Trung Quốc tại Bắc Kinh, 8 tháng 4, 2014

Thông điệp từ Washington

Nghe tường trình
Trong một chuyến đi đáng ra là để tạo mối quan hệ quốc phòng hòa dịu, tích cực và minh bạch, Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel đã không đạt được cả ba mục tiêu, chỉ vì mục đích của chuyến đi này không trùng hợp với mục đích được hai bên đặt ra từ khi thỏa thuận thiết lập mối quan hệ quốc phòng.

Nhìn vào lịch trình chuyến công du 10 ngày của ông Hagel lần này, người ta thấy 3 ngày đầu là hội nghị các bộ trưởng quốc phòng khối ASEAN tại Hawaii, lần đầu tiên tổ chức tại Hoa Kỳ. Sau đó nhà lãnh đạo quốc phòng Mỹ đi Nhật Bản, rồi tới Trung Quốc là nơi đến thứ ba.

Giữa bối cảnh quốc tế nổi bật cuộc chiếm đóng Crimea của người Nga, ông Chuck Hagel đã hội ý với giới lãnh đạo quốc phòng châu Á và Nhật Bản, thông báo với họ ý định của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc cũng như lập trường của người Mỹ trong hội nghị với Trung Quốc. Ông còn cam kết với họ những điều mà ASEAN và Nhật Bản muốn nghe, trước khi đem tất cả những điều đó sang Bắc Kinh như một tập hồ sơ để nói chuyện quốc phòng với tướng Thường Vạn Toàn.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ chỉ tay ra phía các phòng viên báo chí, nhấn mạnh lời chỉ trích về vùng nhận dạng phòng không, và xác định sẽ đứng bên canh đồng minh - Courtesy of telegraphonline.com
Nhưng tại sao lần này Hoa Kỳ không nhắm vào mục đích đã đặt ra cho mối quan hệ quốc phòng qua các hội nghị đối thoại quốc phòng với Trung Quốc? Và mục đích thực sự của ông bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ là gì trong chuyến công tác này?

Nói đến mục tiêu về mối quan hệ quốc phòng minh bạch thì thực ra ông bộ trưởng Chuck Hagel đã thông báo một cách minh bạch với Trung Quốc về lập trường của Hoa Kỳ trong vấn đề quốc phòng tại Đông Á và Đông Nam Á, cụ thể là tại biển Hoa Đông và biển Đông. Mục đích thực sự của chuyến công du châu Á lần này là mang tới Đông Nam Á, Nhật Bản và Trung Quốc thông điệp sáng tỏ của hành pháp Hoa Kỳ. Thông điệp đó là:

"Washington cương quyết thực hiện chính sách chuyển trục chiến lược sang châu Á, mong Bắc Kinh đừng theo gương Moscow mà hãy tự kiềm chế trong chính sách bành trướng quân sự và tham vọng đại dương, tham vọng về nguyên nhiên liệu, về thị trường và địa bàn chiến lược mở rộng khỏi Thái Bình Dương."

Nỗi lo của ASEAN

Nhìn lại diễn tiến chuyến đi, người ta thấy ở hội nghị quốc phòng khối ASEAN, các bộ trưởng quốc phòng Đông Nam Á nói tới hành động sáp nhập Crimea vào nước Nga, ngỏ ý lo ngại rằng việc này sẽ gây phản ứng dây chuyền: Trung Quốc quan sát phản ứng của phương Tây, để sẽ noi theo Nga và hành động tương tự ở biển Đông.

Các vị bộ trưởng nói tới ý định của Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông như một tiền đề để chiếm hẳn 80% hải phận biển Đông. Do đó họ đề cao chính sách đoàn kết tạo sức mạnh để cùng chống lại chính sách lấn lướt của Trung Quốc ở biển Đông.

Bộ trưởng Chuck Hagel tuyên bố với Hội nghị rằng Hoa Kỳ càng ngày càng quan tâm tới tình trạng bất ổn vì tranh chấp lãnh hải ở biển Đông, và ông khẳng định quyền của tất cả các nước phải được tôn trọng.

Tại Nhật, bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ tuyên bố ông sẽ nói với Trung Quốc rằng chính sách áp chế, đe dọa chỉ dẫn đến xung đột võ trang, mọi quốc gia mọi dân tộc phải được tôn trọng dù đó là nước lớn hay mấy hòn đảo ở Thái Bình Dương.

Ông Hagel thực sự đem những lời lẽ đó sang Bắc Kinh, lại thêm vào đó nhiều ý kiến khác nữa, và đã gây sóng gió ngay trong hội nghị đối thoại quốc

Bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel và Bộ trưởng Thường Vạn-Toàn họp hội nghị quốc phòng tại Pentagon, 19 tháng 8, 2013 - Courtesy of globalbalita.com
phòng và cả ở những nơi ông được mời thăm viếng. Nhưng chuyện bất ngờ là đầu tiên ông Hagel lại được mời thăm hàng không mẫu hạm Liêu Ninh!

Hiển nhiên là Trung Quốc tỏ ra hãnh diện và muốn phô trương đà phát triển quân sự, thêm vào đó có vẻ như còn ngầm ý thông báo chính sách bành trướng ra biển Đông và qua khỏi biển Đông, với một khối quân dụng mà họ coi là hiện đại, hùng dũng, để sử dụng trong những cuộc chiến tấn công lãnh thổ, tấn công xa trên biển để dành quyền kiểm soát biển khơi. Trung Quốc đã thẳng thừng thể hiện rõ tham vọng đại dương của họ như để cảnh cáo trước đối với Hoa Kỳ.

Không hiểu khi đem khoe chiếc Liêu Ninh Bắc Kinh có nghĩ đến sự so sánh khối quân dụng rỉ sét của Ukraine đem sửa lại đó với những hàng không mẫu hạm của Ấn Độ thôi, chưa nói tới hạm đội 7 của Hoa Kỳ? Thật là một sự khoe khoang đáng nực cười.

Phản ứng của Trung Quốc

Tất nhiên Trung Quốc phải có phản ứng mạnh và cũng thẳng thừng không kém. Đó là điều tất nhiên trong quan hệ quốc tế.

Lần đầu tiên vai sánh vai trong cuộc họp báo sau 2 giờ đồng hồ hội nghị, ông Hagel tuyên bố Trung Quốc không có quyền đơn phương dựng vùng nhận dạng phòng không mà không tham khảo và hợp tác với các nước liên quan, điều đó sau cùng chỉ dẫn đến xung đột, và Hoa Kỳ sẽ bảo vệ an ninh cho Nhật Bản. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ nhấn mạnh câu này bằng cách chỉ tay vào đoàn phóng viên với máy quay phim và tiếng chụp ảnh lách cách từ cuối phòng.

Tướng Thường Vạn-Toàn đáp lời rằng Bắc Kinh theo đuổi mục tiêu giải quyết tranh chấp theo đường lối ngoại giao, nhưng nhấn mạnh rằng quân đội Trung Quốc lúc nào cũng sẵn sàng để bảo vệ chủ quyền của quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc còn chỉ trích Philippines đã chiếm đóng phi pháp những đảo và đá của Trung Quốc ở biển Đông. Ông nhấn mạnh: Trung Quốc sẽ không hòa giải, không nhượng bộ, không giao thương, không cho phép dù chỉ một vi phạm nhỏ bé.

Ông Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ phát biểu trước khoảng 120 đại tá và sĩ quan tham mưu Trung Quốc tại Đại Học Quân Sự của quân đội Trung Quốc rằng cả thế giới đều không hài lòng với sự kiện Trung Quốc bênh vực Bắc Hàn cũng như các hành động mang tính đe dọa, chèn ép những nước nhỏ hơn ở Đông Nam Á. Một sĩ quan trong cử tọa đứng lên đáp lời rằng Hoa Kỳ sợ sự lớn mạnh của Bắc Kinh, dùng các nước Đông Nam Á để ngăn cản bước tiến Trung Quốc chỉ vì lo âu sẽ có ngày không thể đương đầu với một cường quốc Hoa Lục.

Bộ trưởng Hagel đáp lời, nói rằng quan điểm đó là sai, Hoa Kỳ không lợi lộc gì khi ngăn chặn be bờ Trung Quốc, Hoa Kỳ cũng không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ. Tuy nhiên ông nhắc đi nhắc lại rằng Hoa Kỳ sẽ đứng bên cạnh các đồng minh của nước Mỹ.

Thượng Tướng Phạm Trường-Long, Phó Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương của Trung Quốc, cũng nói với Bộ trưởng quốc phòng Mỹ rằng nhân dân Hoa Lục

Hai bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ và Mông Cổ duyệt hàng quân danh dự dàn chào tại Ulan Bator, 10 tháng 4, 2014 - AFP photo
và ngay chính ông đều không hài lòng với những phát biểu của ông Chuck Hagel trong cuộc họp báo ở Tokyo hôm Chủ Nhật vừa rồi.

Những phản ứng này có thể còn nhắm mục đích cảnh báo trước cho chuyến công du của Tổng thống Obama sang châu Á, mà Trung Quốc dự đoán là sẽ nhấn mạnh những quan điểm không khác với Bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel, và Bắc Kinh muốn nhắn trước với người Mỹ rằng chính sách đó sẽ không có tác dụng đối với Trung Quốc.

Bắt tay quốc phòng với Mông Cổ

Từ Bắc Kinh, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ bay sang thủ đô Ulan Bator của Mông cổ, nước láng giềng phương bắc của Trung Quốc. Ngày thứ năm, Bộ trưởng Hagel ký với Bộ trưởng quốc phòng Mông Cổ Dashdemberel Bat-Erdene bản thông cáo về "quan điểm chung", kêu gọi mở rộng quan hệ quân sự song phương.

Văn kiện này được coi như chỉ mang tính cách tượng trưng, nhưng có thể làm Bắc Kinh khó chịu. Và một lần nữa, Bộ trưởng Chuck Hagel lại nhấn mạnh chính sách xoay trục chiến lược sang châu Á khi ông tuyên bố :"Một mối quan hệ quân sự mạnh mẽ giữa Hoa Kỳ với Mông Cổ có tính cách quan trọng như một phần của chính sách Hoa Kỳ nhằm tái cân bằng nơi vùng châu Á-Thái Bình Dương". Rõ ràng thông điệp từ Washington đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần từ Hawaii, sang Nhật, đến Bắc Kinh và nay là Mông Cổ, xứ bị kẹp chặt giữa hai cường quốc quân sự Nga và Trung Quốc.

Cùng ngày, thứ năm 10 tháng 4, 2014, đại sứ Trung Quốc tại Washington, ông Thôi Thiên-Khải, cố làm dịu không khí căng thẳng do chuyến đi của Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ gây nên. Đại sứ họ Thôi nói Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc đã trao đổi rất thật tình và thẳng thắn, và đó có thể là điều tốt hơn là điều xấu.

Việt-Long
Theo RFA 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét