Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Tài sản đồ sộ của các quan ở đâu ra? - Việc sát nhập Crimea vào Nga- cái nhìn của tôi

Tài sản đồ sộ của các quan ở đâu ra?

Câu hỏi này không mới và cũng chưa bao giờ cũ. Ở đâu người dân cũng trố mắt, mỏi cổ, ngước nhìn trước mắt những dinh thự ngất ngưởng, bế thế nguy nga. Toàn là nhà các quan, không là quan đương chức đương quyền thì cũng là quan vừa nghỉ hưu hoặc cũng là nhà của con cháu các quan cả đấy. Dân làm ăn lương thiện thì quá ít hoặc có nhiều địa phương không hề có “đại gia chân đất” nào có được ngôi nhà đồ sộ như thế cả.

Tôi đã từng ở vùng quê nghèo hơn 4 năm và cũng đã có nhiều thì giờ đi thăm những địa phương sát biên giới Campuchia, có nơi biên giới chỉ là một cái barrière bằng một cái thân tre già cũ, chắn ngang con đường hẹp.

Còn người dân thì 90% đều nghèo, đúng nghĩa là nghèo “mạt rệp”. Thế nhưng giữa những miền tưởng như hoang vu đó, nhiều nơi vẫn nổi lên vài cái biệt thự mới toanh, xây theo kiểu cách Tây Tàu đàng hoàng. Hỏi ra mới biết đó là của ông chủ tịch, bí thư xã, huyện chứ không có anh dân nào có nhà cửa như thế.

Trong số 10 căn biệt thự ấy, tôi biết chỉ chừng vài ông, trước năm 1975 là thợ cày, thợ mộc… Gia tài cũng chỉ có căn nhà rách. Tôi không có thì giờ tìm hiểu xem từ ngày ông thợ mộc đó có chức tước, làm ăn như thế nào mà chỉ ít năm đã có cái cơ ngơi lớn như bây giờ. Nó mọc lên giữa những dãy nhà tranh vách lá từ “ngàn xưa” để lại. Người dân cũng quen dần nhưng tất nhiên là họ hiểu hơn tôi về cái sự “lên đời” nhanh chóng của các quan làng, quan xã, quan huyện. Và trong lòng họ nghĩ gì, chán chường ra sao, chẳng có gì khó biết. Có điều họ không nói ra mà thôi. Bởi có nói cũng như không, lại có thể bị các quan thù ghét cho vào sổ đen, chỉ có nước bỏ xứ mà đi thôi.

Nhà quan to nhỏ theo thứ bậc

Cứ xét như thế thì trong cả nước có biết bao nhiêu dinh thự, nhà cửa đồ sộ, đất đai, ruộng vườn của các quan chức. Cứ theo thứ bậc, từ cấp thấp nhà lớn đất to, đến cấp cao hơn thì to hơn “hoành tráng” hơn là đúng “sách vở”. Hiện tượng biệt thự khủng kiểu này lại nằm trong chuỗi hiện tượng những biệt thự khủng khác ở của một số quan chức ở Hà Giang, Hải Dương, Bình Dương… và nhiều tỉnh thành thì sự ồn ào khó tránh khỏi.

Thí dụ cụ thể như ở Bình Dương là nơi tôi có nhiều dịp đi ngang, nhà quan chức huyện hay thị xã thì chừng vài hecta, năm bảy chục mẫu cao su, nhưng lên đến quan đầu tỉnh thì nhà bắt đầu biến thành dinh cơ chứ không còn gọi là biệt thự nữa, đất đai có khoảng 100 mẫu cao su trở lên.
dinhthulethanhcung
Tòa dinh thự nguy nga của Chủ tịch UBND
tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung

Cụ thể như vào cuối năm 2013, nhân vụ kiện giữa ông “Dũng lò vôi” và ông chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, báo chí đã dẫn chứng rất rõ dân ở đây nói rằng nhà của ông Lê Thanh Cung – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương giàu vào loại nhất nhì ở tỉnh lỵ này. Ông có một biệt thự trong khuôn viên khoảng 1000m2 được xây dựng theo kiểu kiến trúc hiện đại, nội thất vườn hoa, cây cảnh toàn loại quý tường bao quanh cổng ra vào thật uy nghiêm cung kín. Ông còn có 100ha cây cao su tại Long Nguyên, Bến Cát, Bình Dương. Dân tự hỏi ông Lê Thành Cung – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chỉ ăn lương công chức, sao ông cũng có nhà cao cửa rộng, cuộc sống gia đình vương giả, ông lấy tiền của này ở đâu ra? Câu hỏi của người dân rồi cũng rơi tuốt vào im lặng cho đến nay.

Thật ra ở đâu cũng vậy, nhà quan chức đồ sộ, trưởng giả, hoang phí đến độ dát vàng cả ngoài lẫn trong, vậy mà mọi sự vẫn êm re. Dân nói cứ nói, nghĩ gì cứ nghĩ, quan cứ tỉnh bơ, nhà nước cũng “tỉnh” theo. Yên lặng đúng là vàng!

Nếu làm một con số thống kê nhà cửa và gia tài đồ sộ của tất cả các quan chức VN thì không biết phải bao nhiêu trang giấy và phải cử bao nhiêu phái đoàn điều tra bao nhiêu năm để tìm ra sự thật. Bởi gia tài các quan đều đã có kinh nghiệm đầy mình nên “phân tán mỏng” khắp nơi cho anh em chú bác, đàn em đứng tên và sẵn sàng chứng minh nó là “hơp lệ”. Tìm ra sự thật một cái gia tài thôi cũng đã quá khó chứ nói chi đến hàng ngàn cái như bây giờ! Thế nên lâu nay chuyện gia tài của cải của các quan chức VN được coi là một sự tự nhiên, sự tự nhiên của tạo hóa “già thì phải chết, làm quan thì phải giàu”, chẳng ai buồn nhắc đến. Ông nào khai gì cứ khai, quan không kiểm tra, dân lại càng mù tịt.

Thế nên các quan cứ thi nhau khoe khoang sự giàu sang của mình, không còn ké nè, giữ gìn như cái thời ăn con gà cũng phải canh chừng cẩn thận kẻo bị phê bình cảnh cáo. Cái thời ấy qua lâu rồi, bây giờ đền cái thời khoe của và khoe thân. Ai có cái gì cứ việc khoe tuốt tuồn tuột ra cho nó sang, cho đúng “phong cách của dân văn minh quý tộc”!

Ở một quốc gia còn nghèo, đang phát triển như VN, thu nhập bình quân của người dân còn vào loại thấp so với ngay trong khu vực, mà Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam từng nhìn nhận trên báo VnExpress: “Lương Bộ trưởng 40 năm mới mua được nhà thu nhập thấp” thì bao nhiêu năm mới mua hay làm được một căn biệt thự? Câu hỏi của người dân chỉ giản dị có thế nhưng lại giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong niềm tin thầm lặng của nhân dân.

Ngay cả ở các tỉnh xa xôi ở miền rừng núi, các quan cũng thi nhau chơi nhà kiểu quý phái và cũng theo thứ bậc hẳn hoi. Bạn đọc hãy nhìn thử vào một tỉnh nghèo như Hà Giang sẽ thấy rõ hơn.

Nhà sàn toàn gỗ loại cực kỳ quý hiếm của các quan tỉnh Hà Giang
Hà Giang luôn được coi là một tỉnh nghèo vùng núi rừng ở VN với hơn quá nửa là những gia đình thuộc “diện nghèo”. Nhưng đối nghịch lại tình cảnh này lại là sự hiện hữu của những ngôi nhà sàn “khủng”, phần lớn làm bằng gỗ “tứ thiết” của các lãnh đạo tỉnh.
nhadamvambong
Nhà của chủ tịch UBND Hà Giang Đàm Văn Bông
 
- Ngôi nhà “khủng” bắt mắt và có tiếng nhất hiện nay ở Hà Giang, đầu tiên phải nhắc đến nhà của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Đàm Văn Bông. Hiện ngôi nhà sàn này đang “hùng cứ” tại thôn Cao Bành, xã Phương Thiện (TP. Hà Giang). Đây là nơi ông Bông vẫn thường xuyên đi về trong ngày. Vật liệu làm ngôi nhà này hầu hết là gỗ trai, gỗ nghiến, một trong những gỗ nằm trong nhóm 2B nghiêm cấm khai thác, vận chuyển và được bảo tồn nghiêm ngặt theo quy định của Chính phủ.
nhavuongmivang
Nhà của Phó bí thư thường trực HDND
tỉnh Hà Giang Vương Mí Vàng

- Sang gần bằng nhà chủ tịch UBND tỉnh Đàm Văn Bông là ngôi nhà của phó bí thư thường trực, chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Vương Mí Vàng.

Nằm trên đường đi 4 huyện nghèo, thuộc diện 30a là Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, ngôi nhà “tọa” tại địa bàn Tổ 8, phường Quang Trung, Thành phố Hà Giang. Theo người dân, muốn có ngôi nhà này phải có vài chục tỷ, chưa kể các trang thiết bị đi cùng. Ngôi nhà này độc đắc bởi nó chỉ làm bằng… một loại gỗ: Gỗ nghiến!

- Ngoài 2 ngôi nhà sàn nổi tiếng của 2 quan chức này, ngôi nhà sàn của ông giám đốc Sở Nội vụ Hà Giang Hoàng Đức Tiến tại xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) cũng nổi danh và được nhiều người biết đến.

Ngôi nhà này “độc” vì nó được làm hoàn toàn bằng gỗ trai. Một thứ gỗ hiện nay đang cạn kiệt ở tỉnh Hà Giang, nó chỉ còn ở khu vực xã Đức Xuân, huyện Bắc Quang. Theo cánh thợ, để có ngôi nhà như thế này ước chừng cũng phải “vứt xuống” vài tỷ đồng.

- Nằm tại khu “đất vàng” thuộc tổ 18, phường Minh Khai (TP. Hà Giang), ông Lưu Đình Phát, phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng vợ là bà Chúng Thị Chiên, ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, phó chủ tịch HĐND tỉnh cũng “nổi danh” với ngôi nhà sàn bề thế.

Theo người dân trên miền quê “đá nhiều hơn đất” này thì: Nếu không phải “các bác ấy”, dẫu có là đại gia, doanh nghiệp đang làm ăn phát đạt thì cũng khó mua, vận chuyển an toàn các loại gỗ thuộc nhóm”tứ thiết” này để về làm nhà chứ chưa nói gì đến dân thường. Tiền có thể có, nhưng nếu không có quyền làm sao các quan ấy cứ khơi khơi chở các loại gỗ cực kỳ quý hiếm đó về làm nhà mình? Có phải có chức tước là có tất cả không kém gì vua chúa thời xưa?

Chỉ ở một tỉnh xa xôi “hẻo lánh” mà nhà quan đã bề thế như vậy thì các nơi khác, các thành phố khác còn “loạn” đến đâu! Người dân chỉ cón biết xái cổ nhìn và cúi đầu chịu trận. Tiền đâu mà các quan lộng hành đến thế? Nhà nước không biết, nhưng người dân biết hết đấy, dù các quan có “thanh minh thanh nga” gì đi chăng nữa.

Đến lượt quan thanh tra bị “tố”

Ngày 21/2/2014 vừa qua, một bài viết trên Báo “Người cao tuổi” phản ánh về khối tài sản khổng lồ của ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã gần như một quả bom nổ tung.

Sự việc vẫn còn đang “nóng hổi” thì mới đây, Báo “Người cao tuổi” tiếp tục đưa thêm thông tin khác không kém phần “đình đám” về ông Truyền và ông Ngô Văn Khánh – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ.

Nhưng kỳ này xin tường thuật về vụ nhà cửa đất đai và việc làm của ông Trần Văn Truyền nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) trước khi nghỉ hưu. Nhưng trước hết hãy tìm hiểu sơ qua về tờ báo Người Cao Tuổi. Theo “măng xét” đăng trên báo, đó là quan chủ quản: Cơ quan Trung Ương Hội Người cao tuổi Việt Nam.

Tổng biên tập là ông Kim Quốc Hoa. Tòa soạn đặt tại 12 Lê Hồng Phong – Ba Đình – Hà Nội, Điện thoại: 04.3.7334432 – 3.7334423, Fax: 04.3.7341806

Một tờ báo lâu nay ít được chú ý tới và có vẻ như rất “hiền lành”, cứ tưởng như chỉ có những thông tin “nội bộ” giữa các cụ với nhau. Nhưng bất ngờ đã có những tin tức rất nóng và được hầu hết mọi tầng lớp nhân dân chú ý đặc biệt bởi loạt bài này. Và tất cả những tờ báo lớn, báo mạng ở VN đã loan tin và “vào cuộc:, tung ra nhiều cuộc phỏng vấn tới tấp.

Tải sản của ông Truyền lên đến vài chục triệu Mỹ kim

Báo Người Cao Tuổi đưa tin về việc ông Trần Văn Truyền đang có một khối tài sản khổng lồ cùng rất nhiều biệt thự khủng khiến mọi người ngạc nhiên bán tán xôn xao khắp nơi.

Trước thông tin này, ông Trần Văn Truyền – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ đã lên tiếng phủ nhận.
tranvantruyen04
Nguyên Tổng Thanh Tra Chính Phủ Trần Văn Truyền
 
Theo thông tin trên tờ Người Cao Tuổi, ngoài một số biệt thự, lô đất sở hữu trước đây, ông Trần Văn Truyền đang thực hiện một “dự án gia đình” trên lô đất khoảng 30.000m2 (3 ha) tại xã Sơn Đông, TP Bến Tre. Trong khuôn viên đó, ông Truyền đã và đang xây dựng một biệt dinh hoành tráng và 4 căn nhà gỗ lợp ngói đỏ. Những căn nhà gỗ thuộc nhóm gỗ đặc biệt không dùng đến một cái đinh sắt nào.
dinhcotranvantruyen
Dinh cơ sang trọng cuả ông Truyền

Ngoài ra, tin tức từ một số cán bộ ở Thanh tra Chính phủ và cán bộ ở Bến Tre cũng cho hay, ông Truyền còn có 3 cơ ngơi ở TP Sài Gòn, một ở phường Thảo Điền (quận 2), một ngôi nhà ở Quận 5 và một bất động sản ở khu đô thị “5 sao” Phú Mỹ Hưng do người thân đang sử dụng. Và đặc biệt, đến chiếc giường ngủ của vợ chồng ông cũng có giá trị cả tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ông Truyền còn có một căn biệt thự trước đây Tỉnh ủy Bến Tre cấp cho ông lúc còn làm Bí thư Tỉnh ủy ở Trung tâm phường 1, TP Bến Tre. Căn biệt thự rộng 300m2 vốn là trụ sở Hội Văn hóa nghệ thuật tỉnh bị đập đi để xây biệt thự cho ông Truyền, nay cho doanh nghiệp tư nhân thuê.

Cũng theo báo Người Cao Tuổi, một tài sản nữa tuy không phải là khủng nhưng cũng là niềm mơ ước của nhiều người dân, đó là một ngôi nhà cấp 4 đất rộng 200m2 trước cổng chùa Bạch Vân, phường 5, TP Bến Tre mà gia đình ông Truyền vẫn đang cho thuê.

Như vậy, nếu những gì tờ báo Người Cao Tuổi phản ánh là đúng sự thật thì khối “tài sản nổi” của ông Truyền đếm sơ sơ cũng lên tới 6 cái bất động sản (3 nhà đất ở Bến Tre và 3 nhà đất ở TP Sài Gòn), trong đó có 2 tài sản khủng là căn biệt thự rộng 30.000 m2 ở Sơn Đông và 1 bất động sản ở Khu đô thị 5 sao Phú Mỹ Hưng. Riêng một nhà đất tại Phú Mỹ Hưng cũng lên tới 3 – 4 triệu USD, thì tổng số “của nổi” của ông Truyền phải chục triệu USD là ít.

Những thông tin đưa ra khiến dư luận bất ngờ và xôn xao về khối tài sản lớn “không tưởng” của cựu Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. Khối tài sản này quá lớn đến mức nhiều người có vẻ nghi ngờ về tính xác thực của các thông tin này.
kimquochoa
Tổng biên tập báo Người Cao Tuổi Kim Quốc Hoa

Trả lời về vấn đề này trên một tờ báo, ông Kim Quốc Hoa, Tổng biên tập báo Người Cao Tuổi khẳng định, tòa soạn có đủ cơ sở về những vấn đề đã nêu liên quan đến khối tài sản khủng của ông Truyền. Sau khi đăng tải các thông tin trên, ông đã nhận được một số ý kiến từ một số nơi nhưng “Báo Người Cao Tuổi hiện vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi của chính ông Truyền”.

Đến việc bổ nhiệm hàng loạt cán bộ trước khi về hưu

Cũng theo báo Người cao tuổi, trước lúc ông Truyền về hưu, chỉ tính từ tháng 3/2011 đến ngày 3/8/2011, ông Trần Văn Truyền đã ký bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp Cục, Vụ tại cơ quan Thanh tra Chính phủ.

Ngày 3/8/2011, ngày mà Chính phủ khoá XIII ra mắt và ông Huỳnh Phong Tranh được bầu làm Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Truyền đã “cấp tập” (dồn dập) ký tới hơn 20 quyết định bổ nhiệm cán bộ.

Đặc biệt, riêng trong ngày 3/8/2011, ông ký bổ nhiệm:

- 3 hàm Vụ trưởng và hàm Phó Vụ trưởng ở Văn phòng.
- 3 hàm Cục phó và 1 Trưởng phòng, 1 Phó phòng của Cục 3 (Cục Thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo khu vực miền Nam).
- 1 hàm Vụ trưởng và 1 hàm Vụ phó ở Cục 1 (Cục Thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo khu vực miền Bắc).
- 1 hàm Cục phó ở Cục 2 (Cục Thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo khu vực miền Trung).
- 1 hàm Phó Vụ trưởng Vụ 1 (Vụ Kinh tế ngành).
- 1 hàm Phó Vụ trưởng Vụ 2 (Vụ Kinh tế Tổng hợp, Tài chính – ngân hàng).
- 1 hàm Vụ trưởng Vụ Pháp chế.
- 1 hàm Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế.

- 1 hàm Vụ phó Vụ Đơn-Thư…

Ngoài ra, ông còn bổ nhiệm một loạt lãnh đạo tại Báo Thanh tra, Tạp chí Thanh tra, Trường cán bộ Thanh tra, Trung tâm thông tin, Vụ Tổ chức cán bộ…

Đáng chú ý, trong số những cán bộ được ông ký bổ nhiệm, có nhiều cán bộ không nằm trong diện quy hoạch, năng lực, trình độ chuyên môn kém. Và để cho đúng “quy trình bổ nhiệm cán bộ”, ngay trong ngày 3/8/2011, ông Truyền đã ký Quyết định số 2100/QĐ-TTCP về việc bổ xung quy hoạch cán bộ.

Sai phạm của ông Truyền trong công tác cán bộ là rất rõ ràng bởi theo Điều 15, Nghị định 178/2007/NĐ-CP thì cấp Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ cấp phó không được vượt quá 3 người. Trong khi đó, nhiều Cục, Vụ của Thanh tra Chính phủ, cấp phó có tới 4 – 6 người.

Trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam chiều ngày 2/3, Nhà báo Kim Quốc Hoa, Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi khẳng định, Người cao tuổi có đầy đủ bằng chứng về những bổ nhiệm “vội vàng” của ông Truyền. Ngoài ra ông Hoa còn cho biết thêm về thông tin ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng thanh tra Chính phủ đã kê khai tài sản như thế nào? – Vụ này tôi tường thuật trong một kỳ sau.
 

Ông Truyền nói đất con trai ông cho

Ông Truyền cũng cho biết, không hiểu vì lý do gì mà tác giả của bài báo đưa ra những thông tin đó, và không hiểu họ đưa những điều đó ra nhằm mục đích gì, nhưng chắc chắn một điều rằng, phần lớn thông tin trong các bài báo đó là không chính xác.

Giải thích về căn biệt thự hoành tráng ở Bến Tre, ông Trần Văn Truyền cho hay, đúng là ông có xây nhưng đó là căn nhà được dựng trên đất của con trai ông mua từ lâu rồi. Sau khi ông nghỉ hưu, ông đã có ý định ở căn nhà dưới phường 1 (TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) mà hồi đó tỉnh bán lại cho ông theo Nghị định 61 (Nghị định số 61/CP ngày 5/7/1994 của Thủ tướng Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở, trong đó có việc bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê), nhưng vì con trai ông đã mua mấy công đất ở thành phố Bến Tre nên ông đã lên đây để ở. Còn căn biệt thự là do một “người em kết nghĩa” của ông xây tặng, hoàn toàn không phải là tài sản từ đồng lương ít ỏi của một vị quan chức như ông.

Ông cũng khẳng định, căn nhà của ông cũng chỉ là căn nhà rất bình thường, có chăng thì chỉ rộng rãi hơn so với những nhà xung quanh một chút, và nhờ có kiến trúc mà người cháu ở ĐH Kiến trúc TP Sài Gòn thiết kế cho nên ngôi nhà trông cũng có phần sang trọng. Còn chi tiết chiếc giường có giá trị cả tỷ đồng thì hoàn toàn không có.

Theo thông tin mà ông Truyền cung cấp thì diện tích đất nhà ông chỉ khoảng hơn 1 héc-ta. Khu đất này do ngày trước người ta để hoang hóa, con trai ông mua được với giá rẻ chứ không hề có chuyện nhà rộng 3 héc-ta như một tờ báo đã đưa tin. Bên cạnh đó, việc ông Truyền có rất nhiều nhà ở TP Sài Gòn cũng là thông tin không có thật, bởi chính ông cũng đã khẳng định rằng: “Tôi chẳng hiểu những căn nhà đó là ở đâu hay từ trên trời rơi xuống”.

Nhận định về việc tờ báo đã đưa tin không đúng sự thật, ông Truyền chia sẻ trên một tờ báo: “Việc đưa những thông tin đó lên mặt báo có thể sẽ gây kích động và khiến người dân ở nơi đây mất niềm tin vào cán bộ nhất là một cán bộ như tôi đã từng làm Bí thư Tỉnh ủy tại đây”.

Phản biện lại những lời của ông Truyền, Luật sư Phạm Công Út (Đoàn Luật sư TP Sài Gòn), cho rằng, với một người có chức vụ cao trong bộ máy thanh tra Chính phủ mà “kết nghĩa” và được quà tặng có giá trị đặc biệt lớn là điều bất bình thường, có thể xem điều đó có dấu hiệu vi phạm luật Phòng, chống tham nhũng, thậm chí vi phạm pháp luật hình sự.

“Nếu em kết nghĩa tặng quà với giá trị rất lớn, đặc biệt lớn, nhưng hoàn toàn không có mối quan hệ về lợi ích liên quan đến hoạt động công vụ của ông Truyền thì ông Truyền vẫn phải có nghĩa vụ kê khai thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức”, luật sý Phạm Công Út nêu rõ.

Và còn rất nhiều tình tiết đang được dư luận xôn xao, không thể kể hết trong số bào này.
Xin để kỳ sau tường thuật tiếp.

Văn Quang 

Hai vụ tham nhũng ở thượng tầng Việt Nam bị lộ

Hai vụ tham nhũng liên quan đến giới lãnh đạo CSVN vừa bị lộ từ những nơi mà họ không ngờ: tại Nhật và trong một vụ tranh tụng hành chính ở Tòa án Tối cao của Việt Nam. 
 
Các toa tàu văng xa khỏi đường ray trong một tai nạn hồi cuối Tháng Tư năm 2012. Hàng loạt dự án phát triển đường sắt trên toàn quốc bằng vốn vay nước ngoài có thể đình trệ vì tham nhũng (Hình: VNTimes)

Vụ thứ nhất, do có một số dấu hiệu cho thấy Công ty Tư vấn Giao thông Nhật Bản (Japan Transport Consultants – JTC) đã đưa hối lộ để được chọn làm nhà thầu, tư vấn cho các dự án được thực hiện bằng viện trợ của Nhật ở Việt Nam, Indonesia, Uzbekistan, vi phạm luật chống cạnh tranh không lành mạnh của Nhật, các cơ quan bảo vệ pháp luật của Nhật đã mở một cuộc điều tra.

Cuối cùng, ông Tamio Kakinuma, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc JTC, thú nhận đã đưa hối lộ ở cả ba quốc gia. Riêng tại Việt Nam, JTC đã hối lộ 80 triệu Yen (khoảng 800 ngàn USD, tương đương 16 tỷ đồng Việt Nam), để được chọn làm nhà thầu đảm trách vai trò tư vấn thực hiện một dự án phát triển đường sắt ở miền Bắc Việt Nam, trị giá 4.2 tỷ Yen.

Sau khi những thông tin liên quan đến vụ đưa – nhận hối lộ này được tờ Yomiuri Shimbun loan tải, chế độ Hà Nội đã “tạm đình chỉ công tác” của ông Nguyễn Văn Hiếu, người đang là Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt Việt Nam của Tổng Công ty Đường sắt. Kế đó, họ tiếp tục “tạm đình chỉ công tác” của ông Trần Văn Lục, Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt Việt Nam của Cục Đường sắt thuộc Bộ Giao thông Vận tải và hai ông Trần Quốc Đông, Ngô Anh Tảo hiện đang cùng là Phó Tổng giám đốc của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Việt Nam cũng đã cử một viên Thứ trưởng Giao Thông – Vận tải sang Nhật để tìm thêm thông tin về vụ đưa - nhận hối lộ mà theo báo giới Nhật, đã được ông Tamio Kakinuma, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc JTC, khai báo chi tiết, song các cơ quan bảo vệ pháp luật của Nhật chưa công bố...

Vụ tham nhũng thứ hai, đáng chú ý hơn nhưng lại không được báo giới Việt Nam quan tâm đúng mức, cũng vừa bị lộ trong tuần qua, qua vụ một trong các chủ đầu tư Khu đô thị Sing – Việt (Bình Chánh, Sài Gòn) kiện nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn, do cơ quan đại diện Tòa án Tối cao ở phía Nam xét xử,.

Quy hoạch thực hiện Khu đô thị Sing - Việt (diện tích lên tới 331 héc ta) được duyệt từ 1997 nhưng từ đó đến nay, qua nhiều lần đổi chủ đầu tư, dự án này vẫn chưa hoàn tất. Năm 2007, nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn có quyết định giao đất của dự án Khu đô thị Sing - Việt cho Công ty Liên doanh Đô thị Sing - Việt thực hiện. Liên doanh bao gồm một số công ty của Singapore và Công ty Xây dựng Bình Chánh. Vốn do các bên cùng đầu tư khoảng 300 triệu USD.

Ngay sau đó, Công ty Xây dựng Bình Chánh rút ra khỏi Công ty Liên doanh Đô thị Sing - Việt. Công ty Liên doanh Đô thị Sing - Việt chỉ còn bốn công ty ngoại quốc. Đất để thực hiện Khu đô thị Sing - Việt vẫn bị bỏ hoang.

Tháng 11 năm 2011, nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư, lấy lại dự án từ Công ty Liên doanh đô thị Sing-Việt để giao cho Công ty Đô thị Sing-Việt (Sing Viet City LTD).
Một tháng sau, nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn lại điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư thêm một lần nữa, người đại diện cho Sing Viet City LTD vốn mang quốc tịch Singapore, bị gạt ra để thay bằng một người khác mang quốc tịch Malaysia.

Một công ty thành viên của Sing Viet City LTD là ST.Martin’s Properties (SMP của Singapore), kiện Sở Kế hoạch - Đầu tư và nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn ra tòa, vì theo SMP, việc cho phép điều chỉnh người đại diện là bất hợp pháp bởi không được các thành viên trong Sing Viet City LTD đồng ý. Tòa án thành phố Sài Gòn đã xử sơ thẩm vụ kiện này và bác đơn kiện.

Khi xét xử phúc thẩm, cơ quan đại diện của Tòa án Tối cao ở phía Nam phát giác trong hồ sơ vụ án có một tài liệu mà theo đó, Công ty Xây dựng Bình Chánh – doanh nghiệp Việt Nam duy nhất, chỉ tham gia vào dự án Khu đô thị Sing – Viet trong giai đoạn đầu rồi rút ra - đã nhận 300 ngàn USD để “tư vấn” cho việc rút vốn và được phép rút vốn của họ ra khỏi liên doanh. Đồng thời để được tham gia vào Sing Viet City LTD, SMP đã phải trả thêm 2.8 triệu USD để “chi cho các cơ quan Hà Nội”.

Ông Phạm Công Hùng, một thẩm phán của cơ quan đại diện Tòa án Tối cao ở phía Nam, một trong những thẩm phán quyết định hủy bản án sơ thẩm, “đề nghị làm rõ” về “chi phí tư vấn rút vốn” (300 ngàn USD), cũng như khoản “chi cho các cơ quan Hà Nội” (2.8 triệu USD),  tâm sự với tờ Pháp Luật Thành phố , rằng, ông ta đã xử nhiều vụ án lớn nhưng vẫn sốc khi thấy chủ đầu tư phải chi hàng triệu USD.

Chế độ Hà Nội có vẻ khá mạnh mẽ trước thông tin viên chức Việt Nam đã nhận hối lộ khoảng 800 ngàn USD để JTC thắng thầu, nhưng cả hệ thống chưa nói gì, chưa làm gì đối với vụ SMP phải chi 2.8 triệu USD “cho các cơ quan Hà Nội”.

Theo giới quan sát thời sự, việc tích cực trong vụ nhận hối lộ từ JTC có thể vì Nhật vẫn luôn là quốc gia dẫn đầu trong việc cấp ODA cho Việt Nam và hồi 2010, Nhật từng cắt viện trợ do Việt Nam không quyết tâm điều tra vụ nhận hối lộ của một doanh nghiệp Nhật để chọn doanh nghiệp này làm nhà thầu đảm trách vai trò tư vấn cho Dự án đại lộ Đông – Tây ở Sài Gòn.
(Người Việt) 

Nguyễn Việt Trung - Việc sát nhập Crimea vào Nga- cái nhìn của tôi

Thời gian vừa rồi có nhiều ý kiến khác nhau về chuyện tính pháp lý của việc Crimea sát nhập vào Nga , nhiều người so sanh s việc này với việc Kosovo trước đây. Đây là cách nhìn của tôi.
 

1. Vấn đề Crimea và Kosovo về pháp lý.

a. Vấn đề Nga sát nhập Crimea vào lãnh thổ của mình theo tôi đã không tính đến luật pháp Quốc tế, luật của Ucraine và luật Nga . Điều đó thể hiện ở chỗ nào?


- Trong Hiến Chương của Liên Hiệp Quốc chủ thể của quyền tự quyết là các DÂN TỘC, tôi không cho rằng có khái niệm dân tộc Crimea.

- Trưng cầu dân ý có hợp pháp không khi :

+. Vùng đất đó đang bị quân chiếm đóng chiếm giữ, thực sự thì người dân đi bỏ phiếu dưới họng súng của 30000 quân chiếm đóng vũ khí đến tận răng , mà câu hỏi trong lá phiếu lại là việc có sát nhập vào nước mà đội quân đó là đại diện ( điều này chẳng khác gì bọn xã hội đen đến nhà cầm dao , kiếm và đưa 1 bản hợp đồng bán nhà và nói : ký hay không?)

+. Không cho phép quan sát viên nào của Liên Hiệp Quốc và của các nước khác ( trừ Nga và các quan sát viên thân Nga) theo dõi ( các quan sát viên của các tổ chức Quốc Tế không thân Nga đến Crimea đã không được cho vào và bị doạ sẽ bắn nếu cố tình vào Crimea) 

+. Thời hạn quá gấp gáp ( 2 lần chuyển thời hạn , ban đầu là 25-5, sau đó là 30-3 và cuối cùng là 16-3) và từ lúc công bố cho đến lúc thực hiện chỉ 17 ngày ) ( 1 vấn đề quyết định vận mạng quốc gia) 

+. Tại Crimea trong thời gian chuẩn bị trưng cầu dân ý tất cả các phương tiện truyền thông của Ucraine và các nước bị cắt hết, chỉ còn lại các phương tiện của Nga , các nhà báo Ucraine và châu Âu bị thu hết phương tiện làm việc, sau đó giải thích là : đây là diễn tập an ninh???? Theo một số thông tin thì người đi bầu tại Crimea không vượt quá 30%, trong khi đó phía Nga và Crimea tuyên bố có tới 82% người đi bầu , trong đó 96,77% đồng ý với việc Crimea sát nhập vào Nga . Theo tính toán của một số nhà báo thì có những vùng số người tham gia bầu đến 132% của dân số vùng đó!

- Luật Quốc Tế , luật Ucraine chỉ ra rằng : sự sát nhập bất kỳ vùng đất nào vào lãnh thổ quốc gia khác phải được sự đồng ý của nhà nước mà vùng đất kia muốn tách ra .

Ở đây Ucraine không hề đồng ý . Cũng xin bổ sung thêm là Kosovo tồn tại như một nhà nước độc lập chứ không sát nhập vào đâu cả.

- Nếu xét theo luật Nga một vùng đất chỉ có thể xát nhập vào liên bang Nga như những chủ thể độc lập , chứ không phải một phần của quốc gia khác . Nếu xét theo giấy tờ thì người Nga làm như một trò cười : Trưng cầu dân ý với kết quả đồng ý với việc sát nhập vào Nga , nhưng trong lệnh của Putin ký lại công nhận quyền độc lập của Crimea . Nếu muốn làm đúng theo luật Nga ( mặc dù theo luật quốc tế sát nhập Crimea vào Nga khi không có sự đồng ý của Ucraine vẫn là trái luật) thì đầu tiên phải tiến hành cuộc trưng cầu dân ý với mục đích công nhận Crimea như một chủ thể độc lập , sau đó thành lập các cơ quan chính phủ với tư cách một nước độc lập . Bước tiếp theo là cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai với mục đích sát nhập vào Nga . 

- Kosovo cũng có thể sai về pháp lý ( tôi không khẳng định vì phải tìm hiểu xem quá trình ở đó ntn) , nhưng nếu đứng dằng sau vụ đó là Mỹ thì Mỹ cũng không sát nhập vùng đất này vào Mỹ như Nga đã làm với Crimea

Vi phạm luật trắng trợn và trơ tráo như Nga thì ít thấy.

Tất nhiên thế giới này sẽ có vi phạm luật ở nhiều nơi . Luật do con người làm ra và thực hiện cũng do con người . Các nước lớn đôi khi cố tình diễn giải luật theo hướng có lợi cho mình , nhưng diễn giải luật như ngài Putin thì thật sự giống các băng đảng xã hội đen ở Nga thời những năm 90 ( các anh nào đã sống và làm việc tại các nước Liên Xô cũ chắc hiểu rõ điều này!)
   Chỉ có một điều như thế này : Ủy ban Venesia ( Ủy ban châu Âu về quyền dân chủ ) ( 47 thành viên là các nước châu Âu, tổng cộng 60 thành viên) khi đánh giá trưng cầu dân ý ở Crimea thì 59 thành viên đánh giá việc này không hợp hiến, 1 thành viên đánh giá hợp hiến, thành viên duy nhất đó là ai tôi không nói mọi người cũng biết!

2. Vấn đề đạo đức

Rất nhiều người Nga và cả các nước khác cho rằng Khơ Rút Sốp đã tặng Crimea cho Ucraine vì vợ của ông ta gốc Ucraine hoặc vì ông ta lớn lên ở Ucraine ( truyền thông vĩ đại) nhưng sự thật ntn ? Tôi chỉ cung cấp các số liệu khô khan thôi : 

- Crimea được Liên Xô quyết định chuyển cho Ucraine , người chuyển Malenkov ( vì lý do Crimea không nối với Nga, mà nối với Ucraine , khó khăn trong chuyện giải quyết nước, điện, gaz.... )
- Lệnh chuyển được ký vào ngày 19-2-1954, do Volosilov ký .

- Để nhận Crimea Ucraine phải chuyển cho Nga vùng Taganrok và các vùng phụ cận với diện tích tương đương , đây là loại đất đen tốt nhất để trồng trọt , điều này được thể hiện trong biên bản số 49 của Trung Ương Đảng CS Liên Xô 25-1-1954( về vấn đề này có thể xem ở đây http://uainfo.org/.../295891-chto-poluchila-rossiya...) có ý kiến cho rằng vùng này đã thuộc Ucraine từ năm 1925,nhưng giấy tờ thời Xô Viết là cả một vấn đề lớn với vô vàn bí mật . Nhưng thông điệp chính ở đây là : kể từ năm 1919 đến tận năm 1954 giữa Nga và Ucraine liên tục tiến hành việc phân định biên giới, việc chuyển đất từ nước nọ sang nước kia trong liên bang là chuyện bình thường và vùng Taganrok thực sự đã được chuyển cho Nga .Mấu chốt của vấn đề là để cung cấp nước cho Crimea cần phải làm một kênh đào từ sông Dnhep , phải qua lãnh thổ Ucraine , Crimea được giao cho Ucraine vì mục đích kinh tế chứ không phải như một quà tặng , hay thậm chí là quà tặng khi Khơ Rút Sốp uống say như truyền thông Nga thường nói.

- Khi Ucraine nhận Crimea là nhận một vùng khô cằn, không có nước, dân sống rất ít với nhiệm vụ phát triển vùng này thành vùng công nghiệp, nông nghiệp hiện đại và khu nghỉ cho nhân dân toàn Liên Bang , tất cả đều bằng tiền của nước cộng hoà Ucraine . 60 năm thuộc Ucraine ( thuộc Nga cũng chỉ 171 năm thôi ) Ucraine luôn phải nuôi vùng này . Theo thời gian cuối mỗi năm phải bù thêm cho vùng này khoảng 250 triệu $.

- Nước Nga cũng như Ucraine khởi thuỷ từ đây , từ vùng Kievskaia Rus với thủ đô là Kiev,dân tộc gần như cùng một chủng tộc( đặc biệt là phía Đông Ucraine ) , cùng nhau là một nước thời Liên Xô, cùng nhau chiến đấu chống phát xít , coi nhau như anh em ( ít nhất là trong văn bản ) , hôm nay trong nước tôi có loạn, anh lợi dụng tôi không để ý chiếm đất của tôi. Nhiều người đánh giá Putin vĩ đại vì hoạch định hết trước rồi , thu đươc đất Crimea không nổ một tiếng súng .... Tôi xin lỗi phải nói ntn : anh sống tốt với anh hàng xóm, coi nhau như anh em , anh giỏi võ , có súng .... nhưng lúc anh nhậu say anh hàng xóm sang hỏi thăm rồi đâm anh một nhát, anh tài giỏi lắm nhưng có đề phòng được không?! Hơn nữa mặc dù quân đội Nga không phải là thiện chiến như thời Liên Xô nhưng vũ khí hạt nhân đã làm cho vấn đề khác hẳn , các binh sĩ Ucraine không thể chống lại, và nếu điều này có xảy ra với những nước khác , tôi cũng nghĩ rằng có rất ít nước dám chống lại.
    Nếu một nước đối với nước anh em của mình vi phạm cả về luật lẫn đạo đức thì bạn nghĩ sao về nước đó?
    Thời đại của chia lại bản đồ thế giới đã đến rồi chăng?
  Nguyễn Việt Trung
  (FB Nguyễn Việt Trung

Liệu ASEAN có thể ứng phó với những thách thức từ Trung Quốc?

Hiện nay khối ASEAN và Trung Quốc đang xem xét liệu các bên nên giải quyết các vụ tranh chấp ở Biển Đông như thế nào.

Ngày 18 tháng Ba vừa qua, Trung Quốc và 10 nước thành viên thuộc Hiệp hội các nước Đông Nam Á, tức ASEAN, đã tiếp tục gặp nhau ở Singapore để đàm phán về vấn đề tranh chấp Biển Đông.

Trên lý thuyết, việc đúc kết bộ quy tắc ứng xử dành riêng khu vực Biển Đông – nơi có nhiều tuyên bố chủ quyền chồng chéo giữa các nước – có thể sẽ giúp giảm bớt căng thẳng nhưng điều ngược lại cũng có thể xảy ra.

Hôm ngày 9 tháng Ba, Trung Quốc đã đơn phương ngăn chặn tàu Philippines khi tàu này tìm cách tiếp tế đội thủy quân lục chiến tại khu vực Bãi ngầm Second Thomas. Ngoài ra, căng thẳng bắt đầu gia tăng giữa Trung Quốc và Malaysia khi các nước trong khu vực ra sức giúp tìm chiếc máy bay MH307 mất tích của hãng hàng không Malaysia mà không đạt được kết quả cụ thể nào. Chuyến bay mang theo 239 hành khách trong đó có 154 người Trung Quốc, và sự việc này có thể đưa tới nhiều cuộc tranh cải khi hai nước gặp nhau ở Singapore.

Vòng đàm phán đầu tiên diễn tại Trung Quốc hồi tháng Chín năm 2013, được đặt dưới sự bảo trợ của Nhóm làm việc chung để thực hiện Tuyên bố về cách Ứng xử của các bên ở Biển Đông, được biết đến với tên gọi Declaration of Conduct – DOC, và đó lần đầu tiên nhóm này tổ chức cuộc thảo luận sơ bộ để bàn về Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông, tức Code of Conduct – COC.

Mặc dù các cuộc hội thảo về DOC và COC được tiến hành song song nhưng Trung Quốc luôn muốn dành thời gian ưu tiên để bàn và thực hiện quy tắc DOC. Tuy nhiên, khối ASEAN thì muốn tham khảo ý kiến ​​riêng biệt về DOC và COC, và sau này nâng nhóm làm việc lên các cấp độ cao hơn nếu cần. Khối ASEAN cũng ủng hộ quan điểm “thu hoạch sớm” về phương pháp tiếp cận COC – nghĩa là ngay sau khi đôi bên đạt được thỏa thuận về một điều nào đó trong bộ quy tắc COC thì cần được đưa ra thực hiện ngay lập tức chứ không phải chờ đợi thỏa thuận về toàn bộ các điều khoản trong COC. ASEAN cũng muốn bộ quy tắc COC kèm theo các điều kiện ràng buộc mang tính pháp lý.

Trong các buổi trò chuyện riêng biệt, các nhà ngoại giao ASEAN cho biết họ muốn hoàn tất bộ quy tắc COC trước cuối năm 2015 khi Cộng đồng Chính trị – An ninh ASEAN được hình thành.

ASEAN hiện phải đối mặt với ít nhất hai vấn đề trong việc theo đuổi bộ quy tắc COC với phía Trung Quốc. Đầu tiên, mặc dù DOC đã ràng buộc các bên “phải tự kiềm chế để không làm phức tạp hoặc gia tăng tình hình tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định”, nhưng phía Trung Quốc đã liên tục thay đổi hiện trạng và hành động đơn phương để đạt các mục đích mà họ mong muốn.

Ví dụ, hồi tháng Mười một năm 2013, Trung Quốc đơn phương công bố chuẩn bị thành lập Vùng Nhận diện Phòng không ở khu vực Biển Đông. Cũng trong cùng tháng đó, chính quyền tỉnh Hải Nam công bố sửa đổi quy định đánh bắt cá bao gồm gần 60 phần trăm diện tích Biển Đông, trong đó bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế của nhiều quốc gia khác. Theo quy định sửa đổi thí các tàu thuyền nước ngoài phải xin phép Bắc Kinh trước khi đánh bắt cá ở khu vực này. Vào tháng Giêng vừa qua, Trung Quốc bắt đầu thường xuyên gửi tàu tuần tra ra khu vực tranh chấp để thực thi các quy định mà họ tuyên bố. Tiếp theo là các bài báo được đưa ra từ cấp chính quyền nói về nhiều vụ bắt giữ tàu cá nước ngoài.

Hôm ngày 9 tháng Ba, các tàu thuộc Cảnh sát biển Trung Quốc cũng đã đơn phương ngăn chặn hai tàu Philippines giữa lúc các tàu này tìm cách tiếp tế đội thủy quân lục chiến tại khu vực Bãi ngầm Second Thomas. Sau đó Philippines đã buộc phải tiếp tế đội này bằng đường hàng không. Trong khi đó, ASEAN đã thất bại trong việc thuyết phục Trung Quốc thực hiện quyền tự kiềm chế và giảm bớt căng thẳng trong khu vực.

Vấn đề thứ hai là duy trì sự thống nhất trong khối ASEAN trong quá trình đàm phán quy tắc COC với phía Trung Quốc. Hiện nay các thành viên trong khối ASEAN vẫn còn chia rẽ và khác quan điểm về cách theo đuổi quy tắc COC mang tính ràng buộc. Ví dụ, những căng thẳng chính trị nội địa ở Phnom Penh có thể dẫn đến việc Campuchia một lần nữa đóng vai trò phá hoại theo chỉ thị của Trung Quốc. Chính phủ của ông Hun Sen hiện đang gặp sự phản đối dữ dội và bị cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử quốc gia hồi mùa hè năm ngoái. Trung Quốc hiện nay có dấu hiệu đang dần xa lánh Hun Sen. Trong khi đó, lãnh đạo phe đối lập ở Campuchia, ông Sam Rainsy, hy vọng sẽ tận dụng chủ nghĩa dân tộc và từng tuyên bố lập trường ủng hộ chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Nếu ông Sam Rainsy đắc cử và ủng hộ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông thì có lẽ Campuchia sẽ là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN làm như vậy.

Ngoài ra, bốn quốc gia ASEAN tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cũng đều có quan điểm khác nhau. Philippines đã phá vỡ thông lệ của ASEAN bằng cách đơn phương nộp đơn khiếu nại lên Liên Hợp Quốc yêu cầu đưa Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài nhằm giúp quyết định về các quyền lợi hợp pháp của nước này theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển. Philippines đã làm như vậy mà không cần tham vấn với các nước thành viên khác trong khối ASEAN. Ngược lại, Trung Quốc tự ra sức vận động các thành viên ASEAN khác không tham gia đơn kiện của Philippines.

Tòa án Trọng tài đã được thiết lập. Hiện nay Philippines phải nộp báo cáo đầy đủ trước ngày 30 tháng Ba, năm 2014. Việt Nam và Malaysia cân nhắc kỹ lưỡng những ưu và khuyết điểm xem liệu có nên tham gia cùng Philippines hay không nhưng có lẽ đến phút này thì hai nước vẫn còn đợi và xem xét tình hình.

Trong khi đó Việt Nam đòi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và muốn đưa quần đảo này vào trong phạm vi địa lý của bộ quy tắc COC. Các thành viên khác trong khối ASEAN xem quần đảo Hoàng Sa như một vấn đề tranh chấp song phương giữa Bắc Kinh và Hà Nội. Trái ngược với Philippines, Việt Nam không muốn để các vụ tranh chấp ở Biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ song phương với Trung Quốc.

Malaysia và Brunei thì cẩn thận xem xét hồ tranh chấp ở Biển Đông và ít khi đưa quan điểm ra công khai. Tàu đánh cá Trung Quốc thường xuyên xâm nhập vào vùng EEZ của Malaysia. Các tàu bán quân sự của Trung Quốc – hiện được canh tân thành Cảnh sát biển Trung Quốc – cũng thường xuyên thách thức các tàu của Petronas , công ty dầu khí nhà nước đang khai thác tại giàn khoan trong vùng EEZ thuộc chủ quyền của Malaysia.

Vào năm 2013 cũng như vào tháng Giêng năm nay, một tàu Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã đi đến tận Bãi ngầm James chỉ cách bờ biển phía Đông Malaysia khoảng 80 kilomét và điểm cực nam trong đường yêu sách chín đoạn của Trung Quốc. Người phát ngôn chính thức của Malaysia đã lên tiếng rằng họ không hề hay biết về sự kiện này.

Các quan chức Malaysia đều nhận thức được các hoạt động đánh cá trái phép của tàu bè Trung Quốc cũng như cách thức mà Trung Quốc đang áp dụng trong vùng đặc quyền kinh tế thuộc Malaysia. Ví dụ, hồi năm 2013, các nhà ngoại giao Malaysia giới thiệu đến với các học giả các nước ASEAN rằng hình ảnh vệ tinh đã xác nhận tàu của Hải quân Quân Giải phóng Trung Quốc đã đến gần Bãi ngầm James.

Hồi đầu năm nay, sau khi các quan chức Malaysia từ chối không hay biết về việc tàu hải quân Trung Quốc đến gần Bãi ngầm James, giám đốc lực lượng vũ trang Malaysia khẳng định đội tàu Trung Quốc đã bị theo dõi vì chúng “đi lạc vào vùng biển Malaysia … Miễn là các tàu này ở trong vùng nước quốc tế thì tương đối ổn đối với chúng tôi”.

Các quan chức Malaysia nói trong những cuộc trò chuyện riêng rằng đây là lập trường “không thấy không biết” của Thủ tướng Najib Razak, người kiểm soát chính sách Biển Đông và ngăn chặn các tuyên bố chính thức quan trọng có thể ảnh hưởng đến mối bang giao với Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Malaysia trình bày về việc tìm kiếm chuyên cơ MH307 tại một cuộc họp báo, Tân Hoa Xã ngày 15 tháng Ba bình luận rằng [Malaysia] “đã lơ là thực hiện nhiệm vụ hoặc miễn cưỡng trong việc chia sẻ thông tin một cách đầy đủ và kịp thời”.

Philippines đã tổ chức buổi họp đầu tiên của Nhóm Làm việc khối ASEAN hôm 18 tháng Hai nhằm nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận giữa các nước khác nhau. Brunei đã không cử đại diện đến phiên họp và đây có thể xem là một đòn mạnh giáng vào sự đồng thuận của khối ASEAN. Một tháng trước đó, Brunei cũng đã từ chối tham gia cuộc họp với ba quốc gia khác tại buổi gặp cấp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Miến Điện. Theo một số nhà quan sát thì Malaysia đã đóng vai trò tích cực hơn nhiều so với trước đây.

Trước khi diễn ra cuộc tham vấn ASEAN–Trung Quốc tới đây, Hoa Kỳ đã đóng vai trò chủ động hơn và tìm cách hối thúc Trung Quốc tuân theo luật pháp quốc tế khi đưa ra các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Các thành viên cốt lõi trong khối ASEAN xem như đã đoàn kết hơn so với trước đây và mưu tìm cách thức để buộc Trung Quốc chấm dứt các hành động đơn phương làm suy yếu an ninh khu vực.

Trung Quốc đã cảnh báo rằng không ai có thể mong đợi kết quả sẽ đạt được nhanh chóng trong việc này. Trong bài phát biểu trước Quốc hội Nhân dân toàn quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Wang Yi nói “Trung Quốc muốn thực hiện các cuộc trao đổi công bằng và đàm phán cũng như xử lý đúng đắn với phương pháp ôn hòa trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế. Sẽ không có bất kỳ sự thay đổi nào về luận điểm này”. Ông Wang nói thêm rằng, “Chúng tôi sẽ không bao giờ bắt nạt các nước nhỏ nhưng chúng tôi cũng sẽ không bao giờ chấp nhận những lời yêu cầu vô lý từ các quốc gia nhỏ hơn”. 

Carlyle A. Thayer, Yale Global
Bảo Anh chuyển ngữ, CTV Phía Trước
  Carlyle A. Thayer là giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales thuộc Học viện Lực lượng Quốc phòng Úc ở Canberra.
© 2014 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC

Hoàng Đức Doanh - Nhập khẩu không mất tiền




Nhập khẩu không mất tiền

Ngày xưa đi xem phim
Phải mất tiền mua vé
Không tiền đi xem ké
Bảo vệ biết đuổi ra .

Bây giờ, mỗi ngày qua
Xem liên tằng mệt nghỉ
Phim nào cũng thú vị
Toàn những chuyện ngày xưa.

Câu chuyện quanh ông vua
Và những người cung nữ
Hoàng hậu rồi Thái tử
Dùng kế để hại nhau .

Phim không trước thì sau
Máu me cùng dao kiếm
Những chuyện tình dấu diếm
Thật lâm ly cuộc đời .

Nào là cảnh đoạt ngôi
Âm mưu giành kho báu
Cảnh giết người ẩn náu
Núp dưới ánh hào quang.

Phim Tầu xuất khẩu sang
Trò bá quyền Đại Hán
Mang theo nhiều vấn nạn
Cho xem không thu tiền.

Xứng đáng hạng ưu tiên
Có nước nào được thế ?
Giúp nhau mấy thế hệ
Người Việt phải biết ơn.

Mỗi ngày là mỗi hơn
Người Tầu dàn khắp nước
Nhưng không chịu lệ thuộc
Xây riêng cụm Dân cư .

Chương trình phải từ từ
Nhập khẩu toàn miễn phí
Quen dần thành thông lệ
Như anh em sinh đôi .

Tình láng giềng răng, môi
Tình Hữu nghị thân thiết
Hai Dân tộc khác biệt
Hai Nước thành một nhà !!!

Ngày 26 /3/2014
Hoàng Đức Doanh



Hoàng Đức Doanh
(Cựu chiến binh)

Từ nhỏ đến 19 tuổi đi học, lao động tự do. Năm 20 tuổi (1/1966) đi bộ đội, chiến đấu ở Khe sanh (Quảng trị) 1968 – 1969. Năm 1970 – 1972 chiến đấu ở Xiêng khoảng, Sầm nưa (Lào). Năm 1973 chuyển ngành là cán bộ huyện Thanh liêm - Hà nam đến khi nghỉ hưu. Hiện là một dân oan bị cướp đất  và đang sinh sống tại thành phố Phủ lý tỉnh Hà nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét