Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

Lời khuyên cho nghi can số 1 đã báo tin cho Dương Chí Dũng! & Hoa Kỳ gia tăng trợ giúp Việt Nam bảo vệ lãnh hải

Hoa Kỳ gia tăng trợ giúp Việt Nam bảo vệ lãnh hải

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hội đàm với Phó thủ tướng, bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Pham Bình Minh ngày 16/12/2013 tại Hà Nội.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hội đàm với Phó thủ tướng, bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Pham Bình Minh ngày 16/12/2013 tại Hà Nội. (REUTERS/Brian Snyder)

Thanh Phương (RFI)

Hôm nay, 16/12/2013, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thông báo, Hoa Kỳ sẽ gia tăng trợ giúp Việt Nam bảo vệ lãnh hải trong bối cảnh căng thẳng do các tranh chấp chủ quyền ở vùng Biển Đông. Trong chuyến viếng thăm Việt Nam đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Kerry cũng đã kêu gọi chính phủ Hà Nội tôn trọng nhân quyền và đẩy mạnh cải tổ chính tri và kinh tế.

Theo lời ông Kerry, Hoa Kỳ sẽ cấp thêm một khoản tài trợ 32,5 triệu đôla để giúp các nước Đông Nam Á bảo vệ lãnh hải và bảo đảm tự do lưu thông hàng hải. Riêng Việt Nam sẽ nhận được 18 triệu đôla, trong đó bao gồm 5 chiếc tàu tuần tra sẽ được giao cho lực lượng tuần duyên Việt Nam. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, trợ giúp về an ninh hàng hải cho khu vực Đông Nam Á trong hai năm tới sẽ tăng lên hơn 156 triệu đôla.

Phát biểu với các phóng viên sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, ông John Kerry nhắc lại lập trường của Mỹ « cực lực chống lại mọi hành động mang tính cưỡng ép và gây hấn nhằm xác quyền chủ quyền lãnh hải" và cho biết Hoa Kỳ đặc biệt lo ngại tình hình trên Biển Đông.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh rằng việc gia tăng trợ giúp Việt Nam bảo vệ lãnh hải không có liên quan gì đến việc Trung Quốc gần đây thiết lập vùng phòng không trên biển Hoa Đông, mà đây là một kế hoạch đã được dự trù từ trước.

Ngoài vấn đề an ninh hàng hải, Ngoại trưởng Mỹ hôm nay đã thúc giục chính phủ Hà Nội trả tự do cho các tù chính trị, cải thiện tình trạng nhân quyền, đặc biệt là tôn trọng các quyền tự do tôn giáo và tự do thông tin trên Internet, đồng thời tiếp tục các cải cách theo hướng kinh tế thị trường tự do.

Theo các quan chức Hoa Kỳ, những cải tổ về chính trị và kinh tế nói trên rất quan trọng đối với việc cải thiện quan hệ Mỹ-Việt, cũng như sẽ giúp Việt Nam hưởng lợi đầy đủ từ hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Hoa Kỳ đang đàm phán để ký kết với 11 quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Báo chí Bắc Kinh : Tàu chiến Mỹ đe dọa an ninh Trung Quốc

Tàu sân bay Liêu Ninh  họat động trên vùng biển đảo Hải Nam hôm 29/11/2013.
Tàu sân bay Liêu Ninh họat động trên vùng biển đảo Hải Nam hôm 29/11/2013. (REUTERS/Tân Hoa Xã/Hu Kaibing)

Thanh Hà (RFI)

Sau sự cố trên Biển Đông hôm 5/12 , buộc tàu chiến của Mỹ phải chuyển hướng, tránh để xảy ra tai nạn với tàu của Trung Quốc, báo chí Bắc Kinh tố cáo Hoa Kỳ đe dọa an ninh của Trung Quốc và tàu Mỹ « theo dõi và sách nhiễu » tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.

Hoa Kỳ trong thông cáo đề ngày 13/12/2013 xác định tàu Mỹ hiện diện tại Biển Đông đang ở trong khu vực biển quốc tế khi xảy ra sự cố hôm 05/12/2013. Chiếc tàu tuần dương USS Cowpens của Hoa Kỳ có trang bị tên lửa dẫn đường, đã buộc phải chuyển hướng khẩn cấp, khi bị tàu của Trung Quốc chặn đường.

Nhưng trong ấn bản đề ngày hôm nay (16/12/2013), tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc cho rằng USS Cowpens ngày 05/12/2013 đã tiến vào đến sát lãnh hải của Trung Quốc và đã thực sự là « một mối đe dọa đối với an ninh quân sự » của nước này.

Tờ báo của Trung Quốc còn đi xa hơn với những lời lẽ hăm dọa : « Nếu tàu hoặc phi cơ Mỹ xâm nhập vào hải hay không phận của Trung Quốc thì sẽ khó tránh khỏi một sự ‘đối đầu’ (…) Sức mạnh của Trung Quốc ngày càng lớn, Mỹ phải biết cách giao tiếp và phải tôn trọng Trung Quốc nếu không muốn để xảy ra đụng độ trên biển hay trên không ».

Cũng tờ báo này trích lời một chuyên gia quân sự của Trung Quốc xin được giấu tên, theo đó trong sự cố tại Biển Đông hôm đầu tháng, chiếc USS Cowpens đã « theo dõi và sách nhiễu » tàu sân bay mới của Trung Quốc là chiếc Liêu Ninh đang hiện diện trong khu vực. Vẫn theo chuyên gia này, tàu của Hoa Kỳ, chỉ còn cách vùng « phòng thủ của Trung Quốc » chưa đầy 45 km.

Cũng Hoàn cầu Thời báo cho rằng phía Mỹ đã « giả vờ ngây thơ » khi tiến vào vùng biển của Trung Quốc. Bắc Kinh khẳng định chủ quyền trên một diện tích 80 % tại Biển Đông.

Còn nhật báo China Daily trích lời một chuyên gia về Châu Á Thái Bình Dương của Trung Quốc, bênh vực cho hành động vừa qua của hải quân Trung Quốc. Chuyên gia này giải thích là « Trung Quốc đã chỉ có thái độ sau khi phía Hoa Kỳ đã phớt lờ trước cảnh báo » của tàu Trung Quốc.

Trung Quốc : Xung đột tại Tân Cương, 14 người Hồi giáo và 2 công an tử vong

Kiểm tra an ninh ngay trên đường phố ở Urumqi thủ phủ của tỉnh Tân Cương. Ảnh chụp ngày 17/11/2013.
Kiểm tra an ninh ngay trên đường phố ở Urumqi thủ phủ của tỉnh Tân Cương. Ảnh chụp ngày 17/11/2013. (REUTERS/Rooney Chen)

Tú Anh (RFI)

Tại Tân Cương, Trung Quốc một cuộc đụng độ mới nổ ra ngày 15/12/2013 đã khiến 16 người chết trong đó có 2 công an. Theo báo chí chính thức Trung Quốc, một đơn vị an ninh đang truy bắt « nghi phạm xã hội đen » thì bị tấn công.

Bảy tuần sau vụ « tấn công bằng xe gài bom xăng » do người Duy Ngô Nhĩ thực hiện tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, bạo lực lại xảy ra vào ngày hôm qua 15/12/2013 gần thành phố Kashgar, một thị trấn trên « con đường tơ lụa » ở Tân Cương.

Theo truyền thông Trung Quốc thì một đơn vị cảnh sát đang truy bắt một số kẻ tình nghi tại huyện Sơ Phụ ( tên gọi hành chánh do Trung Quốc đặt ra) thì bị một nhóm « bất lương » tấn công bằng đao và chất nổ. Cảnh sát Trung Quốc đã nổ súng bắn chết 14 người nhưng trong cuộc xung đột này có 2 cảnh sát viên tử thương.

Từ Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Ánh tức khắc lên án « hành động phi nhân của bọn khủng bố thách thức xã hội Trung Quốc ».

AFP tìm cách kiểm chứng tin này nhưng không được vì chính quyền Trung Quốc kiểm duyệt và hạn chế báo chí nước ngoài đến Tân Cương. Đường dây điện thoại đến các khu vực bất ổn thường xuyên bị khống chế.

Luận điểm của truyền thông Nhà nước đã bị tổ chức Duy Ngô Nhĩ Thế Giới bác bỏ. Dilshat Rexit, phát ngôn viên của tổ chức Duy Ngô Nhĩ lưu vong cho rằng côgn an Trung Quốc đã tấn công vào ngôi nhà nơi mà nhiều người Duy Nhô Nhĩ đang hội họp. Luật an ninh hiện hành tại Tân Cương cho phép công an Trung Quốc quyền nổ súng trước giết chết 14 người và bắt đi hai người.

Mặc dù chính quyền Trung Quốc quy cho « khủng bố » Duy Ngô Nhĩ gây ra các vụ tấn công nhưng không bao giờ cung cấp được bằng cớ. Cụ thể là vào ngày 28/10 năm nay, một vụ tấn công « bằng xe jeep gài bom xăng » tại quảng trường Thiên An Môn biểu tượng quyền lực của chính quyền Trung Quốc làm 5 người chết và 40 người bị thương mà sau đó bộ trưởng Công an Mạnh Kiến Trụ quy cho người Hồi giáo.

Mặc dù an ninh được tăng cường tại Tân Cương nhưng Trung Quốc không làm giảm được vòng xoáy bạo lực chống bạo lực.Theo Tân Hoa Xã, vào tháng 11, một cơ quan cảnh sát ở Serikbuya bị tấn công, hai cảnh sát và 9 tay « khủng bố » võ trang dao búa thiệt mạng.

Thuật ngữ mới ở Trung Quốc thay thế cụm từ « phản cách mạng » bằng « thành phần xã hội đen, khủng bố » để quy chụp cho đối lập Duy Ngô Nhĩ.

Hai giả thuyết về vụ xử tử chú dượng lãnh đạo Bắc Triều Tiên

Kim Jong-un (trước) và chú dượng Jang Song-thaek bên xe chở thi hài Kim Jong-il, ngày 28/12/tại Bình nhưỡng.
Kim Jong-un (trước) và chú dượng Jang Song-thaek bên xe chở thi hài Kim Jong-il, ngày 28/12/tại Bình nhưỡng. (REUTERS/KRT via Reuters TV)

Thanh Hà (RFI)

Nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, thuộc trung tâm Asia Center và Carnegie-Tsingh Center tại Bắc Kinh phân tích trên đài RFI Pháp ngữ về vụ Bình Nhưỡng nhanh chóng hành quyết Jang Song Thaek, chú dượng của lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un.

RFI : Phải chăng đây là một đợt thanh trừng trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp tại Bình Nhưỡng ?

Antoine Bondaz : Đây chính xác là một đợt thanh trừng nhằm củng cố quyền lực của Kim Jong Un. Có thể diễn giải việc Bắc Triều Tiên xử tử ông Jang Song Thaek theo hai hướng : Thứ nhất là để Kim Jong Un thu tóm quyền lực. Lãnh đạo số một Bắc Triều Tiên không còn cần đến vị quân sư này nữa, tương tự như hồi năm ngoái, lãnh tụ Bắc Triều Tiên vào tháng 7/2012 cách chức tổng tham mưu trưởng quân đội Ri Yong Ho.

Hướng thứ hai để hiểu vụ Bình Nhưỡng xử tử chú dượng của Kim Jong Un có lẽ đáng quan ngại hơn : Đó là sự chia rẽ ngày càng rõ nét trong hàng ngũ lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Sự chia rẽ đó có thể đe dọa đến uy thế của bản thân ông Kim Jong Un.

Chú dượng của lãnh tụ Bắc Triều Tiên hiện nay, là ông Jang Song Thaek nguyên là phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng. Đây là cơ quan quyền lực nhất tại quốc gia cộng sản này. Còn ông Ri Yong Ho là tổng tham mưu truởng quân đội. Cả hai nhân vật này cùng có chân trong quân đội và cùng lã những đảng viên cao cấp. Đừng quên rằng, tại Bắc Triều Tiên, đảng kiểm soát luôn cả quân đội. Thanh trừng hai nhân vật then chốt trong đảng, có nghĩa là thanh trừng luôn cả luôn cả phe quân đội.

RFI : Ông nói đến khả năng chế độ Bắc Triều Tiên đang bị chia rẽ, cũng như giả thuyết Kim Jong Un đang củng cố thế lực. Hiện nay đâu có còn mấy ai thuộc thế hệ cũ, tức là đã từng trung thành với cố lãnh tụ Bắc Triều Tiên, Kim Jong Il chung quanh ông Kim Jong Un nữa đâu ?

Antoine Bondaz : Đúng là thành phần đó không còn nhiều và có một sự « trẻ hóa » trong hàng ngũ lãnh đạo ở Bắc Triều Tiên. Điều đáng chú ý là ông Jang Song Thaek chỉ là chú dượng của của nhân vật số 1 ở Bình Nhưỡng. Ông này là chồng của người cô ruột Kim Jong Un. Nói cách khác, Kim Jong Un không tấn công trực tiếp vào gia đình ruột thịt của mình. Lãnh đạo tối cao của chế độ Bắc Triều Tiên không nhắm vào người cô ruột, hay vào những đồng minh thân cận với gia đình họ Kim.

RFI : Jang Song Thaek từng được xem như một nhân vật thân cận của Bắc Kinh tại Bình Nhưỡng vậy phải chăng ông này bị trừng phạt, rồi bị hành quyết vì có khuynh hướng cải cách theo mô hình của Trung Quốc ?

Antoine Bondaz : Chính xác. Đây là một giả thuyết có thể xảy ra. Đừng quên rằng ông Jang Song Thaek từng đóng một vai trò then chốt vào tháng 8/2012. Khi đó ông ta đã đến Bắc Kinh với trọng tâm kinh tế. Nhân vật này đã thảo luận nhiều với phía Trung Quốc về các chương trình cải tổ kinh tế theo mô hình của Trung Quốc. Trong mắt các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên và nhất là của Kim Jong Un, ông Jang là một người thân Trung Quốc. Do đó nhân vật này có thể là mối đe dọa tiềm tàng đối với chế độ Bắc Triều Tiên.

RFI : Vậy cái chết của ông Jang Song Thaek ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ giữa Bình Nhưỡng với Bắc Kinh ?

Antoine Bondaz : Còn quá sớm để trả lời câu hỏi này. Các nhà cầm quyền ở Bắc Kinh sẽ không lên tiếng về vụ xử tử ông Jang ngay bây giờ và Trung Quốc sẽ không bao giờ bày tỏ quan điểm về hồ sơ này. Chỉ biết rằng có nhiều tin tồn theo đó Trung Quốc đang mời lãnh tụ Bắc Triều Tiên đến Bắc Kinh càng sớm càng tốt. Có thể là để giải thích về vụ này.

RFI : Những gì đang diễn ra tại một đất nước khép khín như Bắc Triều Tiên ?

Antoine Bondaz : Rất khó để có được những thông tin đáng tin cậy về Bắc Triều Tiên. Hàn Quốc thu thập được một số thông tin tình báo và từ những người Bắc Triều Tiên đào thoát khỏi chế độ cộng sản của Bình Nhưỡng, hoặc qua ngả Trung Quốc hoặc qua ngả Hàn Quốc. Những thông tin đó đôi khi không chính xác, đôi khi bị bóp méo.

Trung Quốc cũng có một số thông tin về Bắc Triều Tiên. Nhưng thu thập được những thông tin cụ thể và chính xác không phải là chuyện dễ, kể cả đối với ngành tình báo Trung Quốc lẫn của Hoa Kỳ. Đôi điều biết được về xã hội Bắc Triều Tiên, chẳng hạn như là chính quyền nước này không hề tôn trọng nhân quyền, người dân Bắc Triều Tiên bị suy dinh dưỡng và không có gì thay đổi kể từ khi ông Kim Jong Il, tức là cha đương kim lãnh đạo Bắc Triều Tiên hiện nay từ trần vào cuối năm 2011. Và cũng không có gì thay đổi kể từ khi Kim Jong Un lên cầm quyền.

Ngoài ra , có một sự khác biệt rất lớn giữa những gì đang diễn ra tại thủ đô Bình Nhưỡng so với phần còn lại của Bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng là một thành phố tương đối phát triển về phương diện kinh tế, các phương tiện di chuyển, giao thông tương đối dễ dàng, ít ra là đối với tầng lớp trung lưu. Một số mặt hàng tiêu thụ thiết yếu được nhập từ Trung Quốc vào Bình Nhưỡng. Thế nhưng thực tế ở các vùng nông thôn Bắc Triều Tiên thì hoàn toàn khác xa. Gần như không có số liệu nào về phần còn lại của Bắc Triều Tiên ngoại trừ thủ đô Bình Nhưỡng ra cả.

RFI : Liệu đến bao giờ quốc tế mới biết được là tình hình chính trị Bắc Triều Tiên đi về đâu ?

Antoine Bondaz : Khó có thể đoán trước được điều đó. Nếu như lãnh đạo Bắc Triều Tiên sang thăm Trung Quốc đi chăng nữa thì đó cũng mới chỉ là một chuyến đi mang tính biểu tượng và để bắn đi một vài tín hiệu. Người ta cũng có thể đoán được những gì đang xảy ra ở thượng tầng cơ quan quyền lực Bắc Triều Tiên qua việc cất nhắc một số nhân vật. Nhưng có điều chắc chắn là chiến lược cơ bản của Bình Nhưỡng sẽ không có gì thay đổi : Đó là chiến lược đã được hai bố con ông Kim Jong Il và Kim Jong Un vạch ra.
 

Sát thủ Kim Jong Un

Kim Jong Un, chủ tịch trẻ tuổi của Bắc Triều Tiên từ hai năm qua đã nắm lấy mọi quyền hành của chế độ. Anh ta đã xử tử ông chú dượng và là người giám hộ Jang Song Thaek một cách đầy kịch tính.

Hoạt động thu hút cảm tình diễn ra khá là ngắn ngủi. Hai năm sau khi lên ngôi thay người cha qua đời tháng 12/2011, Kim Jong Un, người thừa kế của triều đại họ Kim đang nắm quyền suốt bảy thập kỷ qua ở Bắc Triều Tiên, mang lại một hình ảnh khác hẳn với các lãnh tụ tiền nhiệm.
Khoảng ba mươi tuổi, người tròn trịa, nét mặt vui vẻ, Kim Jong Un có vẻ là hiện thân cho một khởi đầu mở cửa của chế độ khép kín và trấn áp. Chẳng phải anh ta đã xuất hiện cùng với nhà cựu vô địch bóng rổ Mỹ Dennis Rodman đó sao, và được Rodman mô tả là « một con người tuyệt vời ».
Sau khi chuyển đổi thành thủ lãnh chiến tranh vào mùa xuân năm 2013 lúc Bình Nhưỡng đe dọa tấn công nguyên tử Washington và Seoul sẽ biến thành « biển lửa », Kim Jong Un vừa chứng tỏ sự tàn bạo – hẳn là không có gì mới đối với chế độ này, nhưng trước đây thì kín đáo hơn – khi lạnh lùng cho xử tử người chú dượng kiêm giám hộ Jang Song Thaek hôm thứ Năm 12/12, ba ngày sau khi tước mọi chức vụ của ông Jang. Vụ hành quyết này diễn ra sau khi đã xử tử công khai hai cộng sự thân tín của ông chú dượng làm việc tại văn phòng đảng Lao động, nơi tập hợp các lãnh đạo chủ chốt.
Khi xử bắn Jang Song Thaek, anh thanh niên Kim Jong Un không chỉ trừ khử khuôn mặt trung tâm của giới lãnh đạo, mà còn là một người thân trong gia đình: Jang là chú dượng, đã lấy em gái của Kim Jong Il là Kim Kyung Hui. Lãnh tụ trẻ tuổi đã hé lộ một mặt khác của tính cách mình : từ một « đứa trẻ nghịch ngợm » không được các nước đánh giá nghiêm túc do thiếu kinh nghiệm, anh ta bất chợt thể hiện là một lãnh đạo kiên quyết như cha ông mình, khi thanh toán một cách không thương tiếc người được coi là thiếu trung thành.
Tại Hàn Quốc, Tổng thống Park Geun Hye tuyên bố Bắc Triều Tiên đang lao vào « một chế độ khủng khiếp». Đó là trường hợp vào thập niên 50 qua những vụ thanh trừng lớn với ba phe nhóm trong đảng Lao Động : phe được mệnh danh là « cộng sản trong nước » (những người từng đấu tranh bí mật chống quân phiệt Nhật), phe thân Nga và  phe thân Tàu. Ngay cả phe của Kim Il Sung, gồm những người đã chiến đấu tại biên giới Trung-Triều trong thập niên 30-40, mười năm sau đó cũng trở thành nạn nhân bị thanh trừng.
Chang Seong Chang, chuyên gia về Bắc Triều Tiên của Sejong Institute ở Seoul cho rằng: “Có thể chưa đến giai đoạn này, vì nhóm của Jang Song Thaek không có trọng lượng như các phe nhóm trước đây về phương diện nhất trí”.
Ông Jang Song Thaek bị bắt ngay trong hội nghị Bộ Chính trị. Ảnh của đài truyền hình nhà nước BTT ngày 09/12/2013
 Vụ trừ khử vừa tàn khốc vừa kịch tính này cho thấy thế hệ kế vị thứ ba ở Bình Nhưỡng không ôn hòa như người ta tưởng. Cho dù cá nhân hóa quyền lực đến cực độ, Kim Jong Un cũng phải tính đến tương quan lực lượng trong hàng ngũ lãnh đạo : tuy không trực tiếp phản kháng nhân vật trung tâm, các thành viên lại lao vào cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng trong khi vẫn hăng hái bày tỏ lòng trung thành với nhà độc tài.

Nhưng chàng thanh niên Kim Jong Un không có một quá khứ chinh chiến lẫn sức hút của ông nội là Kim Il Sung, nhà sáng lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Bản thân ông Kim Il Sung cũng duy trì vị trí người đứng đầu đất nước bằng cách trừ khử các địch thủ. Jong Un không có được kinh nghiệm mà người cha là Kim Jong Il đã tích lũy được trong suốt 14 năm đứng trong bóng tối sau ông nội Il Sung trước đây. Kim Jong Il cũng không ngần ngại thanh toán những ai khả nghi về sự trung tín.

Bỗng chốc được đẩy lên nắm quyền, ban đầu Kim Jong Un phải nhờ đến một loại « cố vấn nhiếp chính » gồm những nhân vật được người cha chọn lọc trước, trong đó có ông Jang Song Thaek mà anh ta dần dần tìm cách tống khứ đi.

Người ta biết rất ít về anh thanh niên được các chuyên gia về Bắc Triều Tiên cho là người thừa kế vào tháng 9/2010, sau đại hội đảng Lao Động. Bắt đầu là từ chính Triều Tiên. Tấm ảnh đầu tiên của của Kim Jong Un được đăng trên tờ báo Rodong Sinmun, cơ quan của đảng, không có chú thích trong khi anh ta là người kế vị được chỉ định. Sau khi du học tại Berne (Thụy Sĩ), Kim Jong Un vào trường đại học quân sự Kim Il Sung và tốt nghiệp năm 2007. Ngày sinh chính xác của anh (8 tháng Giêng 1983 hay 1984) không được biết rõ.

Theo như đầu bếp riêng người Nhật của Kim Jong Il là Kenji Fujimoto, vốn biết Jong Un từ nhỏ, anh được chọn lựa nhờ tính cách hiếu chiến hơn người anh. Cả hai cùng một người chị gái là con của Kim Jong Il với bà Ko Yong Hee, ca sĩ chủ lực của đoàn văn công Mansudae, đã qua đời tại một bệnh viện ở Paris năm 2004.

Kim Jong Il bị tai biến mạch máu não năm 2008, và vấn đề kế vị lâu nay vẫn cấm kỵ bỗng trở nên khẩn cấp. Sự giống nhau - có tính toán kỹ - về ngoại hình với ông nội Kim Il Sung (cùng một vóc dáng, cùng khuôn mặt tròn trịa, cắt cùng một kiểu tóc, cùng một kiểu đi đứng và vẫy chào đám đông) là những ưu điểm đáng kể của Kim Jong Un. Hơn nữa, anh ta lên nắm quyền hầu như cùng tuổi với ông nội thời trước. Tuổi trẻ của Jong Un có vẻ như là một đảm bảo cho đổi mới, và ngoại hình trông giống ông nội thời trẻ, gợi người ta nhớ đến thời kỳ mà đất nước tràn đầy hy vọng.

Ngay lập tức, Kim Jong Un dứt khoát với hình ảnh khắc khổ của người cha – vốn luôn giấu khuôn mặt sau cặp kính mát quá khổ, để khoác lên một phong cách gần gũi. Vẻ mặt luôn vui tươi, anh tạo ra ấn tượng rất vui thích tham gia những sự kiện với công chúng. Buổi tối 31/12/2012, Kim Jong Un đã « bất ngờ » (theo như những gì có thể tưởng tượng được tại Bắc Triều Tiên, dù sao thì khách mời không được báo trước) tiếp đãi ngoại giao đoàn ở Bình Nhưỡng, cùng với những người thân tín và sĩ quan cao cấp. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Bắc Triều Tiên.

Mấy tháng sau đó, những chuyến đi thăm các công viên giải trí được tôn tạo hay mới khai trương ở Bình Nhưỡng đã mang lại một dấu ấn « hiện đại » cho chế độ độc tài. Kim Jong Un cũng được chụp hình trong lúc cười vang sảng khoái khi chơi trò tàu lượn cao tốc. Anh đến dự khán buổi trình diễn nhạc kịch của đoàn ca nhạc Moranbong, trong đó có những cảnh các nhân vật của Disney xuất hiện trên sân khấu, có trình bày bài hát My Way nổi tiếng nhờ giọng ca Frank Sinatra. Bên cạnh Kim Jong Un là một phụ nữ duyên dáng, mà người ta được biết đó là Ri Sol Ju, vợ anh.
Kim Jong Un tươi cười khi đến thăm nhà máy chế biến thực phẩm số 354, ngày 17/11/2013.
 Sự thay đổi hình ảnh này và không khí tương đối dễ thở tại Bình Nhưỡng báo hiệu một sự mở cửa quan trọng của chế độ ? Ngoài những khác biệt về định hướng chính trị trong đội ngũ lãnh đạo (đi song song với Trung Quốc trong việc phát triển năng lực quốc phòng, trong kinh tế, cải cách, chính trị…), những bất đồng đã nảy sinh trong chế độ gia đình trị. Có một sự kình địch ngấm ngầm giữa Jang Song Thaek và Kim Jong Un, đến mức lãnh tụ trẻ cuối cùng đã cáu tiết và quyết định khử ông chú dượng - mà ảnh hưởng bao trùm được xem là một người thay thế tiềm năng.

Chính nhờ sự giúp đỡ của Jang Song Thaek mà Kim Jong Un đã dần dần nắm được bộ máy. Trước hết là quân đội - mà anh ta triệt tiêu từ từ dàn lãnh đạo với hàng loạt vụ thay thế Bộ trưởng Quốc phòng, các tham mưu trưởng binh chủng, rồi đến các cấp trung gian của đảng Lao Động.

Jang Song Thaek, 65 tuổi, nắm các bí mật của quyền lực từ bốn mươi năm qua. Đám cưới với Kim Kyung Hui đã giúp ông ta thăng tiến. Bất chấp sự phản đối của cha, con gái của Kim Il Sung năm 1972 quyết định lấy anh cán bộ trẻ tốt nghiệp trường đại học mang tên cha mình, chơi đàn phong cầm rất tuyệt. Người đàn ông này đầy tham vọng. Bị thanh trừng lần đầu năm 2003 (với cùng tội danh của ngày nay : tham nhũng và kéo bè kết đảng) ông Jang lại tái xuất giang hồ ba năm sau đó.

Kim Jong Il nghi ngờ người em rể, nhưng vào cuối đời, bệnh tật, ông ta đã xích gần lại với Jang, và cả hai đã lập trình cho việc kế vị. Nhờ nắm rõ cung cách điều hành chế độ, Jang Song Thaek là mối dây liên hệ giữa lớp « lão thành cách mạng » và lớp trẻ. Tách biệt với các chức vụ chính thức (Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng, ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị và chánh văn phòng Trung ương Đảng), ảnh hưởng của ông Jang lớn dần với cùng với việc củng cố vị thế của Kim Jong Un, và thường can thiệp vào các quyết định của Jong Un.

Không chỉ có nhiều kẻ thù, Jang Song Thaek còn bị mất đi sự ủng hộ của vợ. Ảnh hưởng của Kim Kyung Hui – một phụ nữ cứng rắn, ương bướng và người ta còn nói là nghiện rượu – đối với cậu cháu lãnh tụ cũng đang đi xuống.

Kim Jong Un và Jang Song Thaek đều biết rõ những gì xảy ra ở nước ngoài, và ý thức được là cần phải tiến hành cải cách. Có vẻ như anh thanh niên Jong Un trừ khử vị cố vấn không phải do bất đồng chính trị, mà vì ông này đã tạo lập một mạng lưới tay chân, làm ảnh hưởng đến uy quyền của tân lãnh tụ.


Nếu trong quá khứ, các vụ thanh trừng diễn ra không trống giong cờ mở, đơn giản là nạn nhân bỗng biến mất trên chính trường, thì việc xử Jang Song Thaek lại đầy kịch tính : để làm gương, quy cho ông ta trách nhiệm về mọi khiếm khuyết của đất nước. Trừ khử các khuôn mặt lão thành, cách chức, thanh trừng, hành quyết…lãnh tụ trẻ có khuôn mặt bầu bĩnh trẻ con đã ra khỏi lớp vỏ bọc. Và việc « độc quyền lãnh đạo », hơn bao giờ hết đã được tái khẳng định. 
  Thụy My
  (Blog Thụy My  )

Bầu Kiên đối mặt án chung thân


Vụ bắt ông Kiên hồi năm ngoái đã làm dấy lên nhiều đồn đoán về xung đột chính trị bên trong Đảng Cộng sản.

Doanh nhân Nguyễn Đức Kiên (hay còn gọi là Bầu Kiên) chính thức bị truy tố 4 tội danh, trong đó có tội danh mang mức án cao nhất tới chung thân.

Ông Kiên bị truy tố về các hành vi: kinh doanh trái phép; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản, và trốn thuế.

Đây là nội dung trong cáo trạng của VKSND Tối cao của Việt Nam hôm 15/12 dành cho nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập ngân hàng ACB.

Tội lừa đảo có thể nhận mức án chung thân, trong khi tội cố ý làm trái có mức án cao nhất là 20 năm tù.

Tội kinh doanh trái phép có mức án 2 năm tù và trốn thuế là 7 năm tù.

Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá bị truy tố tội "cố ý làm trái…” trong tư cách nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB.

Cùng bị truy tố về tội này còn có các ông Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, đều nguyên Phó Chủ tịch Ngân hàng ACB; Lý Xuân Hải, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB.

Trong vụ án về thiệt hại kinh tế tại Ngân hàng ACB và một số cơ quan khác tại Hà Nội và TP. HCM, tổng cộng có bảy người bị truy tố.

Hai người còn lại, Trần Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội, và Nguyễn Thị Hải Yến, Kế toán trưởng Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội bị truy tố về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Ở đỉnh cao sự nghiệp, ông Nguyễn Đức Kiên, sinh năm 1964, là một trong những doanh nhân nổi bật và quyền lực nhất ở Việt Nam.

Với công chúng, ông được biết đến qua việc đầu tư vào bóng đá, và những kêu gọi làm sạch bóng đá Việt Nam.

Giới tài chính ngân hàng lại xem ông là cổ đông quan trọng tại không ít ngân hàng và công ty của Việt Nam.

Sau khi có tin ông Kiên bị bắt chiều tối ngày 20/8 năm ngoái, mã cổ phiếu ngân hàng đã lao dốc trên sàn chứng khoán Việt Nam.
(BBC)
 

Hiệu Minh - Ai xúi dại Dương Chí Dũng chạy sang Mỹ?

TPO. Tại cuộc họp báo, các PV đề nghị lãnh đạo Bộ Công an cho biết cựu Chủ tịch Vinalines – Dương Chí Dũng đã khai ra người nào đã gọi điện báo tin cho ông này biết tin sẽ bị khởi tố để bỏ trốn ra nước ngoài.
Tuy nhiên, tại bản kết luận điều tra vụ án “tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” liên quan tới ông Dương Tự Trọng (em trai ông Dương Chí Dũng) lại không nhắc tới chi tiết ai đã gọi điện báo tin cho ông Dũng bỏ trốn.
Anh Dũng. Ảnh: TPO

Giải đáp thắc mắc trên, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu khẳng định sẽ xử lý nghiêm người báo tin cho ông Dũng bỏ trốn. “Không có chuyện bỏ lọt tội phạm bởi vụ án tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài vẫn đang được Bộ Công an điều tra nên đến nay chưa thể công bố danh tính, cụ thể vụ việc được” – Thượng tướng Đặng Văn Hiếu nói.
Anh Đặng Văn Hiếu là bạn học cùng lớp với Hiệu Minh từ cấp 2 và cấp 3 ở Ninh Bình, nổi tiếng là lớp trưởng hắc xì dầu. Hy vọng anh ấy nói là làm như hồi giữ chức…trưởng lớp.
Trong lúc Thượng tướng Hiếu chưa tìm ra thủ phạm của cuộc gọi bí mật, trước khi lên đoạn đầu đài, anh Dương Chí Dũng cũng nên nghĩ ra kẻ nào xúi mình chạy sang Mỹ.
Tin cho hay, anh Dũng đã trốn sang Campuchia và sau đó tìm đường sang Mỹ nhưng bị ách lại cửa khẩu bởi lệnh của Interpol do phía Việt Nam phát đi. Anh đành quay về Campuchia và bị bắt ở đây. Campuchia và Lào thì có đầy người Việt, trốn làm sao nổi.
Nếu tham nhũng, ăn cắp mà mang của cải sang Mỹ thì coi như biếu nhân dân Hợp chúng quốc xây dựng CNXH.
Ferdinand Marcos, cựu tổng thống Philippines, ăn cắp mấy chục tỷ đô la, bị dân lật đổ, chạy sang Hawaii, tiền của hàng đống, bà vợ tẩu tán sang các ngân hàng Mỹ và Thụy Sỹ, nhưng cuối cùng của Cesar lại thuộc về Cesar. Chỉ có điều “vốn chục tỷ đô la đọng” ở Mỹ mấy chục năm.
Tổng thống Gaddafi đầu tư mấy chục tỷ đô la vào Mỹ, khi chui ống cống và bị giết, Hoa Kỳ đóng băng luôn mấy dự án này. Hiện đợi tòa giải quyết, chắc chục năm nữa mới xong.
Suharto từng là đồng minh của Mỹ, do Mỹ dựng lên, nhưng lúc thất thế đành ngậm đắng nuốt cay, chết ở nhà vì tù giam lỏng. Lão biết sang Mỹ sẽ bị lột sạch.
Kể ra còn rất nhiều. Các nhà độc tài xứ Arab ra vào Nhà Trắng như đi chợ, tài sản khắp nước Mỹ, nhưng khi thất thế, có ai chạy sang xứ cao bồi đâu.
Lời khuyên chân thành: Nếu trót trộm cắp ở tầm quốc gia thì đừng trốn sang Mỹ. Luật pháp đây rất nghiêm và họ cũng thực tế quay vòng…vốn. Hoặc là mất hết tiền, hoặc là bị bắt, hoặc cả hai. Tiền của hàng chục tỷ đô la bị giữ lại Mỹ, giúp vốn cho Hoa Kỳ xây dựng thành công CNXH nhanh hơn.
Tới lúc StAR (Stolen Asset Recovery – thu hồi tài sản bị đánh cắp – sáng kiến của UN và WB) ” thực hiện “của Cesar trả về Cesar” thì quốc gia đã tụt hậu mấy chục năm.
Tóm lại, lưới trời lồng lộng, đã trộm cắp, giết người, phạm tội chống nhân loại, khó thoát khỏi chui ống cống.
HM. 16-12-2013
(Blog Hiệu Minh)

Trần Dân - Lời khuyên cho nghi can số 1 đã báo tin cho Dương Chí Dũng!


Dương Chí Dũng đã bị xử. Đại tá Dương Tự Trọng, em trai Dương Chí Dũng cũng sắp bị  xử. Có một kẻ mà dư luận đòi xử, đó là người báo tin cho Dương Chí Dũng sắp bị bắt và khuyên Dương Chí Dũng trốn chạy. Kẻ đó là ai ? Dương Chí Dũng đã khai cho cơ quan an ninh điều tra. Viện kiểm sát đã biết. Ban Nội chính Trung ương chắc phải biết. 

Giới thạo tin đã ngắm nghi can số 1 vào một vị từng lãnh đạo cơ quan điều tra trung ương, không chỉ có thể có nguồn tin nội bộ, mà vì những yếu tố sau:
  • a)     Người báo tin cho Dũng ngay sau khi có lệnh khởi tố và bắt giam Dũng phải là người có mối liên hệ trực tiếp với cơ quan điều tra, giữ vị trí nhất định đối với chuyên án.
  • b)     Người có thể khuyên Dũng bỏ trốn đã biết rõ Dũng phạm tội tày đình, hoặc có thể liên lụy đến nhiều vị. Người này không chỉ quen Dũng, mà còn có nhiều mối quan hệ thân thiết, “thâm cung bí sử” với Dũng, có vị thế đối với Dũng.
Vị lãnh đạo đang là nghi can số 1 được nhiều người biết có mối quan hệ thân thiết với Dương Chí Dũng, nổi tiếng do chỉ đạo những vụ án lớn. 
Tuy nhiên, chưa chắc vị này đã là kẻ báo tin mật cho Dũng. Nếu đúng vị này bị nghi oan, điều tốt nhất đối với ông ta lúc này là lên tiếng công khai rằng ông không phải là kẻ báo tin, với đầy đủ bằng chứng trong ngày 17/5/2012, ông đã không liên lạc qua điện thoại với Dương Chí Dũng. 
Còn nếu ông ta không dám công khai bác bỏ nghi ngờ, mọi người đều tin rằng ông ta chính là kẻ báo tin. Đồng hồ đang đếm ngược.
Trần Dân
(Quê Choa)

Ai gọi điện cho Dương Chí Dũng?

Ảnh màn hình TTO 14-12-2013
Ảnh màn hình TTO 14-12-2013
Tin Tuổi Trẻ online cho hay, ngày 13-12, tại phiên tòa xét xử “đại án” Dương Chí Dũng, trong phần làm việc buổi sáng, dù được tòa yêu cầu, Dương Chí Dũng cương quyết không khai tên người báo tin mình bị khởi tố.


Trích nguyên văn trên TTO
Viện kiểm sát hỏi Dương Chí Dũng:
- Ai gọi điện thoại báo cho bị cáo để bị cáo bỏ trốn?
- 18g tối ngày 17-5 nhận được điện thoại của người quen báo bị khởi tố và sẽ bị bắt nên bị cáo đã bỏ trốn.
- Là ai báo?
- Bị cáo đã khai với cơ quan điều tra rồi
- Đề nghị bị cáo khai rõ lại? – VKS yêu cầu
-  Bị cáo xin phép đã khai ở cơ quan điều tra rồi không lại ở đây nữa. Không tiện nói ra tên người báo…
Chủ tọa hỏi: – Tại sao không thể khai ở đây nữa?
Bị cáo Dương Chí Dũng khai rất nhỏ, không nghe được
Hết trích.

Tin này nóng đến nỗi ông Vũ Mão nhảy vào hỏi “Phải xem có ai đứng sau Dương Chí Dũng chỉ đạo không?“. Nhưng cụ hưu rồi, hỏi cho vui là chính.

Rút kinh nghiệm vụ PMU18, báo chí tha hồ đăng tin bởi có tín hiệu “không có vùng cấm” từ cấp cao nhất. Nhưng sau đó lật kèo, hàng loạt nhà báo bị thẩm vấn, bị bắt và có người bị tù, người đưa ra ánh sáng vụ án bị tù treo.

Để tránh những hậu quả xấu không đáng có, Cua Times nhất định không bình luận gì hết, mà đợi kết luận của đảng và nhà nước trên phương tiện truyền thông đại chúng.

Tuy nhiên, chúng ta có thể giúp trả lời câu hỏi “ai gọi điện cho Dương Chi Dũng” bằng câu trả lời loại trừ dần, kiểu dân toán dỗi hơi. Có 4 anh ABCD, không phải A, không phải B, không phải D, nhất định là anh C. Nếu 90 triệu người VN trả lời NO, phải hỏi John Kerry đang thăm nước ta.

Trong hang Cua này, ai trót gọi sẽ không cần khai, trừ phi thấy cần tới tòa thì nhờ ông Nguyễn Bá Thanh, nhưng không gọi điện thoại bạn có thể công khai trong phần comment.

Xin bắt đầu trước. Chủ blog thề có ngọn đèn “không quen anh Dương Chí Dũng, không biết số điện thoại, bản thân lại sống ở Mỹ, vốn ky nên chẳng dại gì mà gọi quốc tế 3$/phút, chắc chắn không gọi điện thoại cho anh Dũng vào ngày 17-5-2012. Tôi quen anh Dũng Xôi Thịt hang Cua đang thăm vợ ở HN, cũng chẳng gọi điện thoại bao giờ”.

Trong lúc chờ đợi kết quả của tòa án, các bạn có thể “tự thú” trong phần còm hoặc tham gia vào survey.
Thank you and have a good weekend.
Cua Times.(Blog Hiệu Minh)

Bùi Hoàng Tám - Nghĩ về lời xin lỗi của Lý Nguyễn Chung và Dương Chí Dũng

(Dân trí) - Chỉ trong một tuần, đã có hai lời xin lỗi của hai bị can ở hai vụ trọng án khác nhau. Đó là lời xin lỗi gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn của bị can Lý Nguyễn Chung và lời xin lỗi Đảng, Nhà nước của bị cáo Dương Chí Dũng.

Chiều ngày 14/12, tại phiên tòa sơ thẩm, khi được nói lời cuối cùng, bị cáo Dương Chí Dũng đã xin lỗi Đảng, Nhà nước: “Đúng là năm 2007, với cương vị chủ tịch HĐQT của Vinalines mà để xảy ra sai phạm này thực sự bị cáo rất hối hận. Và không thể nói gì hơn, bị cáo thực sự, thật lòng xin lỗi Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, toàn thể nhân dân và toàn thể cán bộ công nhân viên ngành hàng hải vì đã để xảy ra sai phạm này, bị cáo rất hối hận”.
Đọc lời xin lỗi mà không khỏi băn khoăn, suy nghĩ. Suy nghĩ về lời xin lỗi có thể là rất chân thành của bị cáo Dũng. Giờ đây, sau những ngày chạy trốn chui lủi, bị giam giữ và bị Viện kiểm sát Nhân dân đề nghị mức án tử hình, phải chăng Dương Chí Dũng đã thấu hiểu và thực lòng xót xa, ân hận về những gì mình đã gây ra.
Song, sự hối hận muộn màng này liệu có ích gì khi vì lòng tham và quyền lực, Dương Chí Dũng không chỉ gây nên những đổ vỡ tan hoang cho một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đẩy đời sống của hàng vạn người lao động vào chỗ đói nghèo mà còn phá tan nát một gia đình thuộc hàng “danh gia vọng tộc”.
Lời xin lỗi giờ đây liệu có muộn màng và vô nghĩa?
Trong khi cách đó một tuần, bị can Lý Nguyễn Chung đã thông qua luật sư bào chữa cho mình chuyển lời xin lỗi tới gia đình và cá nhân ông Nguyễn Thanh Chấn vì những hậu quả mà ông Chấn phải gánh chịu.
Nếu nói sòng phẳng, Lý Nguyễn Chung có tội giết người, cướp tài sản nhưng Chung không vu oan cho ông Chấn. Việc “vu oan” cho ông Chấn là bởi những người khác. Họ mới chính là những người trực tiếp gây nên tội lỗi và chính họ cần phải xin lỗi về những gì đã gây ra cho ông Chấn.
Còn Lý Nguyễn Chung chỉ gián tiếp gây ra lỗi cho ông Chấn.
Thế nhưng Lý Nguyễn Chung đã gửi lời xin lỗi ông Chấn và gia đình ông Chấn. Đó là việc làm đáng ghi nhận của một kẻ sát nhân.
Cũng cần nhắc lại, Lý Nguyễn Chung phạm tội khi mới 15 tuổi, tức là tuổi vị thành niên. Việc lẩn trốn của Chung là do bố Chung và những người lớn khác tổ chức.
Đành rằng có nhiều sức ép nhưng việc Lý Nguyễn Chung ra đầu thú và nhất là câu anh ta nói với cán bộ điều tra sau khi đầu thú rằng “em thấy nhẹ trong người” là sự hối cải thành thật.
Có lỗi thì nhận. Mắc lỗi thì sửa. Thế nhưng có những lỗi không thể tha thứ. Đó là khi “lỗi” đã lớn thành “tội”. Đặc biệt là tội ác thì cần phải nghiêm trị.
Đối với Lý Nguyễn Chung, lỗi với ông Chấn thì có thể tha nhưng tội giết người cướp tài sản thì không.
Còn đối với những cán bộ như Dương Chí Dũng, người dân chỉ mong sao đừng mắc lỗi để không phải xin lỗi và đừng phạm tội để khỏi nhận tội bởi khi phải xin lỗi hay nhận tội thì hậu quả là không thể lường được.
Bùi Hoàng Tám
(Dân trí) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét