Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

Ngược đường thời đại & Nhân chuyện hiến pháp, nhớ lại việc sửa đổi Hiến pháp Liên Xô cách đây 22 năm

Bùi Tín - Ngược đường thời đại

Sáng ngày 27/9/2013, tại phòng họp lớn của Thư viện Quốc gia, 31 phố Tràng Thi, Hà Nội, đã diễn ra lễ ra mắt tác phẩm văn học mới, tiểu thuyết lịch sử Đường Thời Đại của nhà văn Đặng Đình Loan. Ngày 28/9 báo Văn nghệ Quân đội đăng tin đại thể như sau:

Chủ tọa lễ ra mắt sách là ông Vũ Ngọc Hoàng, ủy viên Trung ương đảng, phó ban Tuyên giáo trung ương, cùng ông Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam.

Tác giả Đặng Đình Loan giới thiệu tác phẩm đồ sộ của mình, gồm 17 tập, dày hơn 8 ngàn trang, mô tả cuộc chiến tranh được gọi là “chống Mỹ cứu nước”. Ông cho biết tác phẩm bao quát hơn 10 năm chiến đấu của quân và dân Việt Nam trên khắp các vùng của đất nước, những trận chiến đấu gay go quyết liệt, trong Nam ngoài Bắc, từ hậu phương đến tiền tuyến, của chiến tranh nhân dân cũng như của mọi quân chủng, binh chủng. Tác phẩm còn bao quát các cơ quan lãnh đạo và chỉ huy chiến tranh của các bên tham chiến, cũng như phản ánh sự ủng hộ rộng lớn của dư luận quốc tế.

Tác giả còn phác họa tính cách, con người của những nhân vật lịch sử tham gia điều khiển cuộc chiến tranh , ở Hà Nội cũng như ở Sài Gòn, ở Bắc Kinh, Moscow, Washington, Paris…

Những người dự lễ ra mắt sách được thấy 3 lẵng hoa lớn của ông Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước; ông Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng bí thư; và ông Phạm văn Trà, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng gửi đến mừng.

duongthoidai

Tai buổi lễ, Tiến sỹ Hoàng Phong Hà, phó giám đốc, phó tổng biên tập nhà xuất bản Chinh trị quốc gia Sự Thật đánh giá cao “lao động sáng tạo bền bỉ” của nhà văn và yêu cầu nên điện tử hóa tác phẩm quy mô này để phổ biến xuống tận cơ sở trong cả nước.

Thế nhưng có khá nhiều câu hỏi liên quan đến sự ra mắt của Đường Thời Đại đúng vào thời điểm này.

Vì sao có lễ ra mắt tác phẩm này? Từ những năm 2004, 2005, nhiều người đã biết đến nhân vật Đặng Đình Loan, bị nhà báo Nguyễn Trần Thiết (trên mạng Ý Kiến đầu năm 2004) đánh giá là một “kẻ đáng ngờ “, khi anh ta cầm giấy giới thiệu riêng của tướng Lê Đức Anh vào Thừa Thiên- Huế tổ chức buổi nói chuyện riêng với thường vụ tỉnh ủy đảng CS về “7 tội đáng chém“ của “ông G.” – chỉ Đại tướng Võ Nguyên Giáp – toàn những chuyện xuyên tạc vu cáo. Anh ta bị vạch mặt, lên án, sau khi cho ra mắt cuốn Đường Thời Đại gồm 3 tập, hơn 1 nghìn trang. Tác phẩm bị rơi vào im lặng. Tác giả không được vào Hội nhà văn. Không hiểu nay anh ta có ý định gì nữa khi kéo dài thành 17 tập với 8 ngàn trang, lại còn dự tính hoàn thiện với 19 tập, dài hơn 9 ngàn trang? Và vẫn được tâng bốc.

Vi sao lại ra mắt sách ngày 27/9/2013, trước khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất đúng 1 tuần lễ? Có thể đặt ra nghi vấn là lúc ấy ngày mất của tướng Giáp đã được lãnh đạo chương trình hóa xong xuôi, cần đi một bước trước. Để làm gì?

Vì sao cho đến nay lễ ra mắt “tác phẩm đồ sộ, sử thi, lịch sử “ này chỉ được Văn nghệ Quân đội on line đưa tin? Nếu tôi không nhầm thì báo Nhân Dân, báo Quân Đội Nhân Dân đã “quên đưa”, vì sao vậy? Hàng trăm báo đài lề phải cũng im re.

Vì sao chi có 3 lẵng hoa của các ông Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu và Phạm Văn Trà? Các ông lãnh đạo đương chức như Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng thi sao? Và thái độ ông trưởng Ban Tuyên giáo Đinh Thế Huynh ra sao?

Một loạt câu hỏi “vì sao”, mong được các bạn trong nước tìm hiểu và soi sáng cho công luận. Xin đa tạ.

Riêng về tít của cuốn sách, theo thiển ý của một số nhà dân chủ Việt Nam và thế giới, con đường của chủ nghĩa Mác – Lênin, của chủ nghĩa Cộng sản và chủ nghĩa xã hội mơ hồ ảo ảnh, con đường của đấu tranh giai cấp, chiến tranh và bạo lực, của đồng bào ruột thịt mù quáng hăng say tiêu diệt nhau, không mảy may liên quan đến những giá trị chân thực của thời đại văn minh hiện đại. Nó đi ngược đường thời đại, ngược với những giá trị cao quý là Hòa bình, Hợp tác và Phát triển. Chân lý này ngày càng sáng tỏ.
Bùi Tín 
(VOA)

Nhân ngày Nhà giáo VN 20.11

Không có mấy quốc gia trên thế giới này có hẳn một ngày để vinh danh nghề giáo như nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa VN với ngày 20.11 hàng năm (cho dù, xuất phát là từ ngày “Quốc tế Hiến chương các nhà giáo” của các tổ chức, công đoàn cách mạng, các nước trong khối XHCN cũ trước đây, dần dần chính thức trở thành Ngày Nhà giáo VN). Nhưng VN, từ trong truyền thống văn hóa lâu đời, đã là một dân tộc trọng người thầy: “Tôn sư trọng đạo”, “Không thầy đố mày làm nên”, “Muốn sang thì bắc cầu kiều, Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”…
Tất nhiên, nếu xã hội chỉ vinh danh bằng những lời nói, cho dù bằng cả những bó hoa hồng đỏ thắm trong ngày lễ của thầy cô giáo thì vẫn là chưa đủ, bởi cuộc sống buộc con người phải thực tế hơn nhiều và nhà giáo thì cũng phải ăn, phải sống.
Khi đồng lương dành cho giáo viên ở nước ta vẫn thuộc loại thấp so với nhiều ngành nghề khác trong xã hội, càng “teo tóp” hơn khi lạm phát phi mã, xăng dầu điện nước, giá cả sinh hoạt cái gì cũng tăng, khiến đời sống các thầy cô chật vật hơn. Phần lớn giáo viên, giáo sư phải dạy thêm, làm thêm những công việc khác để tăng thêm thu nhập.
Cuộc sống nhiều vất vả lo toan, cộng thêm áp lực trong công việc do bệnh thành tích khá nặng nề của ngành giáo dục nói chung, khiến nhiều thầy cô thường xuyên phải đến lớp và giảng dạy trong tâm trạng mệt mỏi, nhiều ức chế.
Trong khi đó, có những quốc gia chẳng cần phải có một ngày để tôn vinh thầy cô giáo nhưng bằng chế độ lương bổng công bằng, xứng đáng, đã chứng tỏ sự ghi nhận công lao của giáo viên và ý nghĩa của nghề giáo. Bên cạnh đó, xã hội và ngành giáo dục còn có rất nhiều cách biểu lộ sự tôn trọng giáo viên như không đánh giá, xếp hạng giáo viên, không có những cuộc thi sát hạch giáo viên, ngược lại, cho phép thầy cô được tự do chọn lựa giáo trình, phương pháp giảng dạy sao cho tốt nhất…
Và những chính sách đó đã tạo ra những trái ngọt mà ai cũng có thể thấy.
Phần Lan chẳng hạn, là một ví dụ. Nghề giáo ở nước này được lãnh lương khá cao, tuy không phải cao nhất nhưng là nghề được tôn trọng nhất trong xã hội. Giáo viên, cho dù là giáo viên mẫu giáo, tiểu học, trung học hay đại học, đều được đào tạo theo một chương trình chất lượng cao. Giáo viên tiểu học, trung học cho tới giáo sư đại học được tự do chọn lựa giáo trình, phương pháp giảng dạy…
Đáng nói hơn, học sinh trong suốt những năm học phổ thông không hề phải trải qua những cuộc thi cử, xếp hạng, đánh giá, so sánh giữa các học sinh với nhau hay giữa lớp này, trường này với lớp khác, trường khác. Chẳng phải chạy theo những con số thành tích nào cả nhưng trách nhiệm cao nhất thuộc về người thầy. Thầy cô và cả học sinh do đó, không phải những chịu sức ép “vớ vẩn” từ bên ngoài, ngoại trừ niềm đam mê dạy và học.
Không có trường chuyên, lớp chuyên, trường điểm, trường chất lượng cao với học phí cao hơn, không có trường này tốt hơn trường kia. Học là để có kiến thức chứ không phải để có điểm cao hơn người khác, không phải để đi thi hay có bằng cấp.
Kết quả là giáo dục Phần Lan nhiều năm nay thường đứng đầu các bảng xếp hạng giáo dục toàn cầu, trong các bài đánh giá học sinh quốc tế tại các kỳ thi PISA (Programme for International Student Assessment), học sinh Phần Lan luôn luôn đạt thành tích rất cao, khiến cả thế giới ngạc nhiên.
Nhìn lại các thầy cô và học sinh của chúng ta mà ngậm ngùi, dễ hiểu tại sao với một nền giáo dục tệ hại, bị chệch hướng ngay từ mục tiêu đào tạo như vậy thì làm sao có được thầy tốt, trò giỏi thật sự?
Mặt khác, nếu chúng ta thông cảm với những nỗi khổ tâm của thầy cô giáo thì chúng ta phải thông cảm, thương cảm hơn gấp ba đối với học sinh VN. Bởi như người ta thường nói, con hư tại cha mẹ, học trò hư tại thầy, dù sao, thầy cô phải chịu trách nhiệm về chính những “sản phẩm giáo dục” mà mình góp phần đào tạo nên.
Trong một xã hội bát nháo, mọi giá trị đạo đức đều sa sút, niềm tin vào con người, vào luật pháp, vào sự công bằng, cái thiện, lòng tốt, sự tử tế…bị phá nát, con người biết dựa vào đâu, tin vào đâu. Chỉ còn lại gia đình và nhà trường là nơi trú ẩn. Đặc biệt đối với những tâm hồn trẻ thơ. Chính nhà trường, thầy cô phải ý thức điều này. Xã hội càng tồi tệ thì vai trò của gia đình và nhà trường càng thêm nặng nề.
Thế nhưng thời gian qua chúng ta lại phải chứng kiến hoặc đọc, nghe thấy những cách hành xử vô cảm, thiếu tính nhân văn, phản sư phạm, phản giáo dục… diễn ra khá nhiều trong môi trường giáo dục. Xã hội VN dưới sự lãnh đạo của đảng và nhà nước cộng sản là một xã hội thiếu lòng tôn trọng con người. Nạn vi phạm nhân quyền diễn ra nhan nhản khắp nơi, nên nhiều khi thầy cô cũng vi phạm nhân quyền, xúc phạm học trò mà không ý thức hết hậu quả.
Đã có những trường hợp cô giáo chửi học sinh không ra gì, bị học sinh ghi âm đưa lên mạng, người nghe được cũng phải sốc vì ngôn ngữ của cô.
Đã có những thầy cô dùng những lời lẽ nặng nề xúc phạm các em, hay có những lời phê rất phản giáo dục trong bài làm, bài kiểm tra của các em. Một số thầy cô có những biện pháp trừng phạt học sinh rất lạ lùng, phản sư phạm như đánh, bắt học trò nuốt phấn, liếm ghế, bắt em này tát em kia…
Đã có những trường hợp học sinh nhảy lầu, treo cổ, hoặc uống thuốc rầy tự tử vì bị thầy cô chửi mắng, xúc phạm.
Có những vụ nhà trường ứng xử vô cảm, thiếu lòng nhân bản với học sinh. Như một trường mầm non ở Hà Nội, thu 40.000 đồng/học sinh để tổ chức cho các em xem xiếc, em nào không đóng bị buộc phải ngồi trong lớp với lý lẽ “để công bằng cho các em đã đóng tiền” (“Bốn chục ngàn xem xiếc và tiếng khóc trẻ thơ”, VietnamNet). Vì cha mẹ chậm đóng tiền, một học sinh lớp 2 tại một trường tiểu học TP.HCM bị cắt suất ăn trưa, phải ra đứng bơ vơ một mình trước cổng trường đóng kín trong khi các bạn khác đang giờ ăn… (“Đồng tiền có mùi gì”, Lao Động), hay tại một trường mầm non ở Thanh Hóa “Phụ huynh không đóng tiền “tạm thu”, học sinh không được đến lớp?” (Dân trí)…
Và còn nữa, thầy giáo cắt dép học sinh vì không mang giày theo quy định của nhà trường (“Tịch thu, cắt dép của học trò nghèo”, Người Lao Động), cô giáo bị mất tiền nghi học trò lấy nên nhà trường đã giao em học sinh này, mới học lớp 2, cho công an, cả cậu anh trai đang học lớp 5 cũng bị đưa đi theo để động viên em trả lại tiền. Mãi đến chiều em học sinh này mới được thả sau khi cô giáo phát hiện tiền vẫn còn trong giỏ của mình! (“Nghi mất tiền, trường giao học sinh lớp 2…cho công an”, Dân Trí) v.v…
Đó là chưa kể những vụ học sinh bị chính thầy giáo cưỡng dâm hay hiệu trưởng mua dâm học trò, những chuyện này quá đau lòng, quá xấu hổ, và cũng chỉ là thiểu số. Điều đang đề cập đến trong bài này, phổ biến hơn, là những thái độ thiếu tôn trọng trẻ em, thiếu lòng nhân ái, thiếu cả sự hiểu biết nữa…của nhà trường, thầy cô đối với học sinh.
Nếp nghĩ, nếp sống, lối tư duy thiếu tình người đang tràn lan trong xã hội rõ ràng đã ảnh hưởng đến cả môi trường giáo dục. Những cách hành xử vô cảm, có phần lạnh lùng, tàn nhẫn ấy sẽ làm cho các em bị tổn thương sâu sắc, thành những vết sẹo trong tâm hồn, ký ức, nhiều năm sau trong cuộc đời các em cũng vẫn sẽ nhớ đến.
Nhân ngày nhà giáo, chỉ mong xã hội, thay vì cứ tôn vinh thầy cô đúng một ngày với những lời chúc hoa mỹ, những bó hoa, hãy cùng nhau lên tiếng, gây sức ép mạnh mẽ hơn để nhà cầm quyền phải có những chính sách thay đổi toàn diện về giáo dục, thay đổi bắt đầu từ triết lý giáo dục, mục tiêu đào tạo trở đi… Trước mắt tăng lương cho giáo viên, giảm bớt sức ép thành tích lên thầy cô và học trò, tăng thêm lòng tôn trọng với thầy cô thì chất lượng giáo dục sẽ đỡ hơn phần nào.
Và điều thứ hai muốn nhắn gửi các thầy cô giáo, hãy yêu thương, tôn trọng học sinh. Xã hội đã có quá nhiều những sức ép vô lý, những cách hành xử vô cảm, tước đoạt đi phần lớn sự tự do, độc lập của con người, các thầy cô, trong phạm vi nhỏ bé và bẳng tất cả lương tâm của mình, hãy đừng chất thêm lên các em sự bất công, không tử tế nữa. Đừng trút những nỗi bức xúc ngoài xã hội, cuộc sống lên đầu các em.
Nhà trường, cùng với gia đình, hãy là hai nơi trú ẩn cuối cùng cho tâm hồn các em trong xã hội VN hiện tại.
Song Chi
(Blog Song Chi)

Bộ trưởng Nội vụ "né" chất vấn về chạy chức, chạy quyền

(NLĐO)- "Vấn đề tôi đã hỏi là "chạy chức, chạy quyền" và có tham nhũng trong đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ hay không vẫn chưa được Bộ trưởng làm rõ" - Đại biểu Chu Sơn Hà bức xúc khi phải chất vấn lần 2 mà vẫn chưa nhận được trả lời thỏa đáng của Bộ trưởng Nội Vụ Nguyễn Thái Bình chiều 20-11.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình không trả lời thẳng vào chất vấn có hay không việc "chạy chức, chạy quyền" - Ảnh: Hoàng Bắc
Chiều 20-11, Quốc hội tiếp tục với phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình về vấn đề được coi là “nhạy cảm” là chạy chức, chạy quyền, chất lượng cán bộ công chức, viên chức. Tuy nhiên, hầu hết phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ đều chưa đi vào trọng tâm các vấn đề mà ĐB yêu cầu mổ xẻ, phân tích.
ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) phản ánh người dân kêu nhiều về chất lượng phục vụ của cơ quan công quyền, thủ tục hành chính chậm cải tiến, thái độ của viên chức nhà nước. Khi biên chế tăng như điển hình vừa nêu, chất lượng lại giảm xuống. Giải pháp sớm khắc phục tình trạng nêu trên?
ĐB Nguyễn Trung Thu (Long An) nói thẳng: “Với cách tuyển dụng như hiện nay, nhiều cử tri phản ánh hiện tượng chạy chỗ, mua chức quyền vẫn đang ngầm xảy ra hết sức tinh vi. Bộ trưởng có biết hay không? Giải pháp nào để công tác tuyển dụng thật sự trong sạch?”
Vấn đề tham nhũng trong chính đội ngũ làm công tác tổ chức cán bộ và nạn "chạy chức chạy quyền" mà dư luận quan tâm đã được đại biểu Chu Sơn Hà (Đoàn Hà Nội) thẳng thắn chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình.
Tuy nhiên, câu hỏi này chưa được Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời ngay khiến đại biểu Chu Sơn Hà đã phải xin phép chấn vấn đến lần thứ hai. Ông Hà phản ứng: “Vấn đề tôi đã hỏi là "chạy chức, chạy quyền" và có tham nhũng trong đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ hay không vẫn chưa được Bộ trưởng làm rõ. Như Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư có nói "chạy dự án là có, nhưng đến giờ chúng tôi chưa phát hiện, chưa xử lý được". Tôi nghĩ phải dũng cảm như thế! Nếu có thì trong thời gian tới giải pháp khắc phục cho việc này như thế nào?”
Đại biểu Chu Sơn Hà (Đoàn Hà Nội) chất vấn đến lần thứ 2: “Vấn đề tôi đã hỏi là "chạy chức, chạy quyền" và có tham nhũng trong đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ hay không vẫn chưa được Bộ trưởng làm rõ" - Ảnh: Hoàng Bắc
ĐB Chu Sơn Hà tiếp tục: “Tôi cho rằng đó là nguyên nhân, gốc của việc phòng chống tham nhũng: chọn được cán bộ tốt thì sẽ không có tham nhũng. Tôi đề nghị Bộ trưởng cần quan tâm đến việc này và cho thêm giải pháp về khắc phục tình trạng này”.
Tuy nhiên, khi trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình lại không khẳng định có hay không có nạn "chạy chức, chạy quyền" mà nói đây là lĩnh vực nhạy cảm, tế nhị mà Bộ Nội vụ đã nghiên cứu rất kỹ. Rồi Bộ trưởng dẫn lại văn kiện của Đảng tại Đại hội XI có nêu "đánh giá cán bộ là khâu yếu, tình trạng chạy chức chạy quyền, một số cái chạy... chưa khắc phục".
Còn về kiến của ĐB Nguyễn Sỹ Cương liên quan đến lực lượng cán bộ chỗ “dày” chỗ “mỏng”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời về nguyên tắc giải quyết thừa - thiếu: Tất cả các cơ quan đơn vị, tổ chức phải tiến hành ngay mô tả công việc, xác định việc làm, rồi xác định công chức, viên chức làm việc ở các đơn vị đó. Nơi thừa sẽ bù sang nơi thiếu, bổ sung thêm. “Số lượng công chức viên chức sẽ có báo cáo bằng văn bản gửi đến đại biểu từ nay cho đến hết kỳ họp”.
Về giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan công quyền, thủ tục hành chính chậm cải tiến, thái độ của viên chức nhà nước chưa tốt, vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ lại đưa ra tư vấn không đi vào trọng tâm: “Cần học tập theo tấm gương của Bác, để tu dưỡng đạo đức Cách mạng, nâng cao trình độ nâng lực, xây dựng tư tưởng phụng sự Tổ quốc và nhân dân”.
Kết luận phiên chất vấn với Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “Chúng ta cũng nhận thấy nhiều đại biểu, kể cả các bộ trưởng chưa hài lòng với các đánh giá hiện nay về công tác cán bộ, đồng bào cử tri cả nước hiện chắc cũng chưa bằng lòng”.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: “Nhiều đại biểu, kể cả các bộ trưởng chưa hài lòng với các đánh giá hiện nay về công tác cán bộ, đồng bào cử tri cả nước hiện chắc cũng chưa bằng lòng”. Ảnh: Hoàng Bắc
Chủ tịch QH đề nghị Bộ Nội vụ rà soát lại bộ máy hành chính Nhà nước để xem chỗ nào “dày”, chỗ nào “mỏng”, chỗ nào chưa hợp lý… đồng thời triển khai quyết định của Trung ương tiếp tục hoàn thiện bộ máy. Tiếp đó, phải rà soát lại công tác biên chế công chức, viên chức, từ đó đưa ra được đánh giá và giải pháp hợp lý.
Mặt khác, phải có được đánh giá về chất lượng đội ngũ cán bộ nói chung, công chức nói riêng. Đi kèm theo đó, là hoàn thiện kế hoạch tuyển dụng, đổi mới kế hoạch chính sách tuyển dụng, làm sao từ nay đến giữa năm 2014 là có đánh giá xong về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, xác định vị trí việc làm.
“Công tác chống các tiêu cực trong công tác cán bộ, trong đội ngũ cán bộ. Có tiêu cực hay không, có tham nhũng hay không và đồng chí Bộ trưởng có trích nghị quyết Trung ương đọc cho các đồng chí nghe, như vậy có nghĩa là có. Vậy thì tham nhũng ở đâu, cũng là ở bộ máy, bộ máy công cụ, bộ máy đơn vị sự nghiệp. Nhưng nó là bao nhiêu, Bộ trưởng nên đánh giá cụ thể”.
Nguyễn Quyết - Văn Duẩn
 

Vì sao Bộ trưởng 'né' câu hỏi 'chạy chức, chạy quyền'?

(VTC News) - Bộ trưởng Bộ Nội vụ không trả lời thẳng có hay không nạn "chạy chức, chạy quyền", mà nói đây là lĩnh vực nhạy cảm, Bộ đã nghiên cứu rất kỹ...
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Nguyễn Thái Bình chiều 20/11, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi liên quan đến nội dung chống tiêu cực trong đội ngũ làm công tác cán bộ, có hay không việc chạy chức chạy quyền, song đã không được Bộ trưởng trả lời.

Vì sao Bộ trưởng 'né' câu hỏi 'chạy chức, chạy quyền'?
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình
Đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) đã thẳng thắn chất vấn Bộ trưởng về vấn đề tham nhũng. Bộ trưởng Bình không trả lời ngay, nên đại biểu Hà xin phép ngắt lời.

“Tôi hỏi Bộ trưởng là có hay không việc “chạy chức, chạy quyền" và tham nhũng trong đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ, nhưng vẫn chưa được Bộ trưởng làm rõ”, ông Hà nói.

Thâm chí, đại biểu Hà còn dẫn lại việc Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư thừa nhận "chạy dự án là có, nhưng đến giờ chúng tôi chưa phát hiện, chưa xử lý được".

“Tôi nghĩ phải dũng cảm như thế! Gốc rễ của việc phòng chống tham nhũng chính là cán bộ: chọn được cán bộ tốt thì sẽ không có tham nhũng. Tôi đề nghị bộ trưởng cần quan tâm đến việc này và cho thêm giải pháp về khắc phục tình trạng này", ông Hà nói.

Tuy nhiên, thay vì trả lời thẳng vào vấn đề, thì Bộ trưởng Bình lại không khẳng định là có hay không có nạn "chạy chức, chạy quyền",  mà nói đây là lĩnh vực nhạy cảm, Bộ Nội vụ đã nghiên cứu rất kỹ.

Chưa hết, Bộ trưởng Bình còn khiến cả hội trường rì rầm, người cười, người lắc đầu khi dẫn lại văn kiện của Ban chấp hành Trung ương khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc khóa XI, trong đó có đoạn nêu "đánh giá cán bộ là khâu yếu, tình trạng chạy chức chạy quyền, một số cái chạy... chưa khắc phục". Thậm chí Bộ trưởng còn cho biết, đó là tài liệu “gối đầu nằm” để đề ra các biện pháp khắc phục.

Đánh giá phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn nói: “Bộ trưởng trích Nghị quyết trung ương ra đọc, nghĩa là có tiêu cực. Vậy tiêu cực nhũng nhiễu là ở đâu? Chính là ở cơ quan công quyền. Tham nhũng ở đâu? Cũng là ở bộ máy, đơn vị sự nghiệp, công quyền… Còn nó là bao nhiêu thì Bộ trưởng phải tiếp tục đánh giá. Đảng ta nói là lực lượng không nhỏ, mỗi nơi khác nhau nhưng cái này rất nhức nhối. Phải phối hợp với cơ quan thanh tra, kiểm tra, tư pháp rà trong chính bộ máy”.

Chủ tịch yêu cầu những vấn đề này phải rà lại và tạo ra chuyển biến rõ rệt trong năm 2014-2015. “Những vấn đề đặt ra hôm nay phải đến giữa, cuối năm 2014 phải có đánh giá những vấn đề đặt ra và hứa trước Quốc hội: rà lại tổ chức bộ máy biên chế, chất lượng đội ngũ công chức”.
(VTC)

Người Buôn Gió - Đại Vệ Chí Dị: Tinh hoa khế ước


Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 68.

Mùa đông năm ấy, họp dân biểu ở kinh thành. Đại thần tổng quản nghị trường là Sanh Hường chủ trì đại hội dân biểu.

Trước ngày đại hội dân biểu, Vệ Kính Vương tâm tính bất an, lo lắng việc ban bố khế ước lấy ý kiến trong dân không được ủng hộ trong bá tính như mong đợi. Vương mới gọi Sanh Hùng vào phủ nói:

- Đại hội lần này, làm sao phải cho dân biểu nhất trí trăm phần trăm bản khế ước đất nước mà vừa rồi bản vương soạn.

Sanh Hường thưa:

- Bẩm vương, trước hết phải để dư luận lạc hướng, xin vời đại thần tuyên huấn cùng hợp tác. Về phần thần, thần sẽ bỏ phần bàn thảo khế ước tại hội nghị để giảm bớt sự chú ý, cũng là không cho kẻ nào phản đối có điều kiện mở mồm. Thần sẽ cho chúng viết ý kiến bỏ vào hòm, chả ai biết chúng ý kiến gì mà bàn. Rồi ta cứ bảo đa số đồng tình, một số ít có ý kiến khác.

Vương gọi Đường Hoang đến. Đường Hoang mặt lưỡi cày, mắt diều dâu, miệng mỏng dính. Xưa làm báo chí chuyên thêu dệt chuyên hoang đường, khiến dân chúng mụ mị, một lòng chỉ biết tin vào nhà Sản vì thế thiên hạ gọi y là Đường Hoang. Xét công ấy cả triều nhất trí cho Đường Hoang vào hàng đại thần. Hoang vốn là thủ túc tin cậy của Vương, cùng dòng múa mép ăn tiền, hay còn gọi là tuyên giáo. Hoang vào phủ Vương, nghe qua câu chuyện đang bàn, nhếch mép cười nói:

- Chuyện này nhỏ, dân xứ Vệ phàm hiếu kỳ. Thần bây lâu coi nghề này đã phân loại. Loại một phần đông là thích cướp giết hiếp. Loại thứ hai là quan tâm tới phát ngôn, hành động khác lạ của quan lại triều đình. Giờ có hai miếng mồi ấy tung ra, bá tính mải mê hút vào đó. Bẵng chuyện khế ước đi, đến ngày đó đại thần Sanh Hùng chỉ cần đọc giới thiệu khế ước xong. Hô một tiếng toàn dân nhất trí, tức khắc mọi việc đâu vào đó.

Vương nghe lời nói cứng, bụng vững tâm, nói như trút gánh nặng ngàn cân:

- Chuyện này mong cả vào hai vị. Nhà Sản còn tồn tại với non sông quế nguyệt hay không là nhờ vào tài năng của hai vị lúc lúc này mà thôi.

Đường Hoang về phủ, gọi bầy tôi tâm phúc là Ba Sòn lại bảo như vầy... như vầy.

Ba Sòn vâng dạ liên tục. Trở về bộ tuyên truyền. Ba Sòn nhân chuyện bác sĩ vất xác bệnh nhân xuống sông chưa tìm thấy. Hàng này cho đưa tin chuyện ấy, cứ cách ba ngày lại giật một tin tìm thấy xác trên sông, thiên hạ xúm vào lại thông báo là không phải... May nhờ ơn tiên đế phù hộ mà độ ấy xác người Vệ bỗng nhiên chết trôi sông cũng nhiều, chưa đầy một tháng mà có đến 8 cái xác người Vệ trôi sông không rõ lý do. Dân chúng chúi đầu nín thở nghe ngóng xem xác ai. Xểnh lúc xác người trôi sông chưa thấy cái mới, trời đổ mưa, đập nước xả lũ bất ngờ làm trôi bao nhiêu nhà cửa hoa màu, chết thêm mấy chục mạng... Sòn nhờ thế mà làm ăn thuận lợi, tin tức liên miên người chết trôi sông, trôi lũ lềnh phềnh nhan nhản trên mặt báo. Đã thế lại còn mấy vụ giết nhau vì tình, tiền cực kỳ man rợ. Như có kẻ thấy con vịt nhà hàng xóm định bắt về làm mồi nhậu, bị hai đứa bé nhà nọ phát hiệt, bèn lấy cuốc bổ cho mỗi đứa bé mấy nhát vào đầu. Chưa hết trai gái yêu nhau,thấy gia đình ngăn cản là cùng nhau quyên sinh, nặng hơn là rút dao đâm cho người yêu mấy nhát rồi cắt cổ mình tự vẫn... dân tình loại một đọc tin xong rùng mình ngẫm- đến cái mạng mình còn không biết nay sống mai chết thế nào, hồn vía lên mây, chuyện sinh tử sờ sờ trước mắt hàng ngày. Ra đường xe cán chết, tránh được xe cán thì gặp công sai lúc quan quân bực mình cũng bị đánh chết... cái chết cận kề thế. Đứa dân nào hồn phách đâu mà còn nghĩ chuyện khế ước đất nước ra sao.

Sòn thấy dư luận quần chúng nhân dân cũng đã xa rời việc khế ước, vào phủ yết kiến Đường Hoang tấu trình công việc. Đường Hoang đọc tấu và những tin tức Sòn đưa hài lòng ra mặt. Hoang nói:

- Giờ bọn này tạm ổn, mai kia đến ngày đó, lúc phiên ngươi ra đối chất với dân biểu, phải nói những lời kỳ lạ. Cứ nói thoải mái, đại thần chủ trì hội nghị sẽ làm ngơ cho ngươi.

Ba Sòn về nghiền ngẫm binh thư, đến đoạn người nước Sở bán mâu, gặp khách hỏi mua mâu, người Sở nói:

- Cái mâu này đâm cái gì cũng thủng.

Bữa sau có người đến hỏi mua thuẫn. Người Sở nói:

- Cái thuẫn này không cái gì đâm thủng.

Sòn lấy làm khoái trá, định dùng kế này để ra dân biểu nói. Nhưng vẫn còn hơi e ngại, mới gọi thuộc hạ vào để bàn xem có nói được vậy mà thiên hạ nghe không. Nhất là Đường Hoang có không làm khó dễ không. Thuộc hạ nói:

- Ngài chẳng phải ngại ngần, chuyện này trước kia có quan thượng thư Võ Linh đã nói khi người ta hỏi về chuyện giá cả chất đốt. Lúc đó Võ Linh nói đại khái rằng - khi giá bên ngoài giảm thì cần trích quỹ bình ổn, khi giá bên ngoài tăng thì trích quỹ ổn bình. Bởi vậy chất đốt bên ngoài giảm mà bên trong chúng ta chưa giảm là thế - Nhờ nói thế mà sau này Võ Linh làm phó tể tướng. Nước Vệ này đâu phải mình ngài làm chuyện ấy đâu mà sợ. Như Vệ Kính Vương đang ngồi ngôi báu đó, lúc trước còn nói chuyện biển đảo là không phải chỉ biển đảo, nói biển đảo là nói cái ngoài biển đảo, trong cái ngoài biển đảo còn có cái bên trong của biển đảo. Ai cũng khen Vương lý luận tài. Còn chuyện Bạo tể tướng nói với bá tánh rằng ngài yêu sự thật, ghét sự giả dối, thích sự ngay thẳng, mến người thẳng ngay... chuyện nói thế này đến Vương, Tể Tướng, Phó Tể Tướng còn nói... ngài đã ăn thua gì mà lo.

Sòn nghe thấy thủ hạ nói bụng cũng xuôi, chợt Sòn nhận ra điều gì, vỗ đùi hét:

- Chẳng phải Đường Hoang khi xưa làm phó tể tướng cũng nói rằng- nếu tôi có tiền tôi dốc hết mua chứng khoán lúc này sao? Sau đó chứng khoán xuống thê thảm, có ai nói gì đâu nhỉ? Có thế mà ta không nghĩ ra.

Đến phiên dân biểu chất vấn Sòn. Hỏi đến chuyện tăng giá thư báo, viễn thông. Sòn liếc mắt lên phía trên nhìn Sanh Hùng rồi nói:

- Tăng giá là để cạnh tranh lành mạnh, tăng giá thì là tăng ngân sách cho nước nhà. Có chi đâu mà lạ.

Thiên hạ ngã bổ chửng, sau nhỏm dậy ngơ ngác không hiểu Sòn nói gì. Tranh cãi rầm rộ. Bấy giờ sau màn trong Vệ Kính Vương theo dõi cuộc chất vấn đang mỉm cười đắc chí, Vương quay sang nói với Đường Hoang:

- Giờ chỉ còn phần việc kết thúc của đại thần Sanh Hùng mà thôi. Nhà Sản ta lại bền vững muôn đời.

Đại hội dân biểu năm ấy nhà Sản thành công tốt đẹp, tuyệt đại đa số đều coi bản khế ước do Vương soạn ra là tinh hoa của nhân loại và nhất trí đồng tình.
Lời bàn

Một số kẻ hủ nho chế giễu rằng bản khế ước đấy không xứng đáng gọi là tinh hoa. Thật là biết một mà không biết hai. Ngay cái cách đưa khế ước ra dẫn dụ toàn dân chúng nhất trí nghe theo, đó chẳng phải là tinh hoa rồi sao?
 
Người Buôn Gió 
  Theo blog Người Buôn Gió

Lê Phú Khải - Nhân chuyện hiến pháp, nhớ lại việc sửa đổi Hiến pháp Liên Xô cách đây 22 năm


Matxcơva, 3/1991.

Sau gần hai tuần lễ ở Matxcơva, ngày cuối cùng trước khi đoàn nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam chúng tôi về nước – nói là đoàn nhưng thực ra chỉ có hai người – Irina, Trưởng Ban Việt ngữ Đài Phát thanh đối ngoại Liên xô hỏi tôi: “Vậy là anh Phú Khải thực sự không muốn tìm hiểu cái gì ở Mát à?”.

Số là, trong ngày đầu tiên, Irina lên chương trình làm việc, yêu cầu chúng tôi nói những gì cần tìm hiểu trong thời gian ở Liên Xô. Anh Trần Kiên trưởng đoàn (lúc đó phụ trách chương trình phát thanh nông nghiệp của Đài Tiếng nói Việt Nam) đã đưa ra một lô yêu cầu, nào là tìm hiểu cái này, đi tham quan cái kia. Irina ghi chép rất kỹ. Đến lượt tôi, tôi nói: “Tôi chẳng có yêu cầu gì cả”. Irina ngạc nhiên vô cùng. Thấy vậy, tôi nói luôn: “Từ Hà Nội sang Matxcơva, tôi như anh nhà quê ra tỉnh, tiếng Nga một chữ không biết, vậy thì “tìm hiểu” cái gì? Vả lại, được đi máy bay IL 86 có đến 350 chỗ ngồi của hãng hàng không Airoflot là sướng rồi. Đến Matxcơva thấy đường phố lớn rộng, nhà cửa to tát, lại được nghe Irina nói tiếng Việt sành điệu như con gái Hà Nội... thì thế là tìm hiểu rồi còn gì nữa”. Irina không nói gì, chỉ nhìn tôi bằng ánh mắt hóm hỉnh. Vậy mà ngày cuối cùng cô lại hỏi tôi như thế. Tôi nói: “Rất muốn tìm hiểu chứ, nhưng yêu cầu lại hơi cao đấy. Vậy Irina có đáp ứng được không?”. Cô nói quả quyết: “Anh Khải cứ yêu cầu, em sẽ cố gắng hết mình!”. (Irina nói tiếng Việt rành rẽ, đâu ra đấy). Tôi liền nói: Muốn đi gặp một tri thức hàng đầu ở Matxcơva để đối thoại, nhưng người phiên dịch phải là Irina”. Suy nghĩ ít giây rồi nàng cầm tay tôi lôi đi, vừa đi vừa nói: “Đi ngay bây giờ. Em đưa anh đi gặp viện sỹ X”. (Tôi không nhớ cái tên tiếng Nga dài như cầu Long Biên này!). Ông là Trưởng Ban Sửa đổi Hiến pháp Liên Xô.

Tôi mừng quá, cứ thế đi theo Irina.

Đến nơi, gặp người cần gặp. Tôi cúi đầu rất thấp để chào ngài viện sỹ đáng kính này bằng một thứ tiếng Nga mới học lỏm được. Sau đó, yêu cầu Irina dịch. Tôi hỏi: “Thưa viện sỹ, tôi được biết nền dân chủ Xô Viết gấp triệu lần nền dân chủ tư sản như Lênin đã nói, vậy thì còn việc gì cần phải sửa đổi Hiến pháp. Mà nếu có sửa đổi thì dựa theo nguyên tắc nào? Nguyên lý nào?”. Irina dịch xong thì viện sỹ X ôn tồn nói (tôi được nghe dịch lại): “Chúng tôi đang nghiên cứu Montesquieu”. Tôi nghe xong câu đó thì lễ phép đứng lên rồi lại cúi đầu rất thấp chào ngài viện sỹ và quay sang nói với Irina: “Thế là đã rõ. Chúng ta về thôi”.

Ra đến cửa, tôi bảo với Irina: “Vậy là quay lại thế kỷ 18 để thực hiện tam quyền phân lập. Chúng ta đi lộn đường hơn hai thế kỷ rồi!”. Nhưng Irina không đưa tôi về ngay. Nàng bảo còn nhiều thời gian và lại vẫy taxi đưa tôi đi tiếp. Chúng tôi đến một ngôi nhà ở một con phố không lấy gì làm sang trọng. Irina bảo: “Em đưa anh đi gặp Tổng Bí thư của một đảng đối lập. Tầng lầu mà ta sắp lên là chính do Đảng Cộng sản thuê cho đảng đối lập này làm trụ sở”. Vậy là tôi lại hiểu thêm một “kênh” chính trị nữa ở Liên Xô lúc bấy giờ (3/1991).

Tổng Bí thư đảng đối lập là một người đàn ông trung niên, tầm thước, gương mặt hiền hòa nhưng có đôi mắt rất sáng. Trong cuộc trao đổi với ông, tôi nhớ để không bao giờ quên hai câu nói rất ấn tượng của ông. Câu thứ nhất nói về Liên Xô. Ông bảo: “Liên Xô chúng tôi là một cái chiến hạm đang mắc cạn, còn Việt Nam của các đồng chí là một con thuyền thúng không biết nó trôi về đâu”. Câu thứ hai nói về xã hội Xô Viết: “Thằng Ivan khi nó không có gì cả thì nó không thể nên người được. Nó phải có gia sản thì nó mới nên người”. (Ivan là một cách nói về người đàn ông Nga, như người Việt nói anh Ất, anh Giáp).

Ra về, khi chỉ có tôi và Irina trong thang máy, cô lấy tay gỡ ngay cái huy hiệu (biểu tượng của đảng đối lập) mà ông Tổng Bí thư vừa gắn lên ngực áo tôi ra để gắn lên áo của mình và nói: “Em tịch thu cái huy hiệu này của anh”.

Từ bấy đến nay 22 năm đã trôi qua. Liên Xô từ một thể chế đảng trị, toàn trị đã chuyển thành một xã hội đa đảng nhưng do một nhà độc tài xuất thân KGB cầm lái. Cái chiến hạm mắc cạn đã được hạ thủy... Một xã hội mà người dân Nga gọi là “đạo tặc trị” nhưng quay lại chế độ Xô Viết thì không ai muốn, còn “con thuyền thúng Việt Nam” thì còn đang loay hoay bàn chuyện Hiến pháp. Thật trớ trêu, Hiến pháp của một nước có 90 triệu dân nhưng lại quan trọng thứ hai sau cương lĩnh của Đảng Cộng sản như ông Tổng Trọng nói. Ai nói khác đi thì bị xem như “diễn biến hòa bình”, hay “thế lực thù địch”...

Trước khi chúng tôi về, Irina không đi tiễn ra sân bay được. Nàng gửi tôi một lá thư, chữ rất đẹp: “Anh Khải ạ! Em nhờ anh chuyển mấy thư này như anh đã hứa, nhưng em không biết sau này có cách nào cảm tạ anh về chuyện đó? Chắc là em phải truyền cho con cháu xây đền thờ để thờ anh bao đời sau. Đúng không anh? Còn em chúc anh đi đường may mắn, vô sự, cái gì dở thì cố quên đi ngay, anh hứa vi em đi. Em xin gửi anh mấy cái hôn ly biệt và nhớ. Ký tên Irina”.

Sài Gòn, 11/2013 Lê Phú Khải
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
 

Lãnh đạo Trung Quốc thúc giục lấy kinh tế thị trường làm chủ đạo

Nổi lên trong hội nghị bốn ngày, kể từ hôm thứ Ba, là việc các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã long trọng tuyên bố đẩy mạnh cải cách để trao cho kinh tế thị trường “vai trò quyết định” trong nền kinh tế và đưa ra kế hoạch thành lập một ủy ban giám sát các vấn đề an ninh quốc gia.
Những quyết định này nằm trong những vấn đề được công bố đầu tiên trên phương tiện truyền thông nhà nước, vào cuối phiên họp kín của giới lãnh đạo, mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã loan báo đó là cả một sự kiện mang tính đường lối trong nỗ lực của ông nhằm đưa Trung Quốc bước vào một giai đoạn tăng trưởng kinh tế mới.
Ông Tập và Thủ tướng Lý Khắc Cường cam kết sẽ “cai sữa” cho nền kinh tế Trung Quốc ra khỏi sự lệ thuộc vào các ngành công nghiệp đang gây ô nhiễm nặng, ngành xây dựng thường do nhà nước điều tiết và việc chiếm đoạt đất đai mà đền bù quá ít ỏi cho nông dân, đồng thời sẽ chia sẻ đầy đủ hơn những lợi ích của sự phát triển đô thị với những người ra đi từ nông thôn.

Các báo cáo ban đầu từ cuộc họp được gọi là Hội nghị lần thứ 3 của Ủy ban Trung ương Đảng chỉ đưa ra một bản tóm tắt sơ sài về những gì đã được thảo luận, rằng là khoảng 200 cán bộ cấp trung ương và cấp tỉnh tham dự hội nghị đã thông qua những đề xuất lớn nhằm tìm kiếm sự tăng trưởng cân bằng và công bằng hơn, thông qua cơ chế cạnh tranh thị trường mạnh hơn và một chính phủ hoàn thiện hơn. Bản tóm tắt cho biết những thay đổi theo dự kiến sẽ bao gồm cải cách thuế, hội nhập xã hội đô thị và nông thôn, cải thiện các dịch vụ công và xây dựng một hệ thống pháp luật hiệu quả hơn.
Bản thông cáo được cơ quan thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã tóm tắt cho hay: “Vấn đề cốt lõi là việc xử lý đúng cách mối quan hệ giữa chính phủ và thị trường. Hãy cho thị trường một vai trò quyết định trong việc phân bổ các nguồn lực, và tạo điều kiện tốt hơn cho vai trò của chính phủ.”
Các nhà lãnh đạo đã kêu gọi người dân chuẩn bị cho sự thay đổi có chừng mực, nhưng cũng nói rằng chính phủ muốn xây dựng một xã hội công bằng hơn.
Thông cáo của Tân Hoa Xã có đoạn viết: “Hãy coi việc thúc đẩy công bằng xã hội và công lý như điểm xuất phát và cũng là đích đến. Hãy đảm bảo rằng chính phủ sẽ xử lý xác đáng mối tương quan giữa phát triển và ổn định. Chúng ta phải táo bạo với bước những bước đi chắc chắn.”
Cùng với tuyên bố trẻ hóa nền kinh tế, ông Tập nỗ lực bóp nghẹt sự đối lập chính trị trong nước đồng thời có động thái cứng rắn hơn đối với nhiều vấn đề đối ngoại. Trong những gì dường như là một nỗ lực để áp đặt kiểm soát mạnh hơn đối với các lĩnh vực kể trên, các quan chức đã phê duyệt việc thành lập một ủy ban an ninh quốc gia mới. Tên chính thức của cơ quan mới là chưa rõ ràng, nhưng truyền thông nhà nước đã sử dụng cùng một cái tên (国家安全委员会) với Hội đồng An ninh Quốc gia của Hoa Kỳ. Trong nhiều năm các quan chức Trung Quốc đã nghiên cứu các cơ cấu hoạt động của cơ quan này và các hội đồng an ninh nước ngoài khác.
Các báo cáo ban đầu không giải thích vai trò của hội đồng mới hoặc là nó sẽ làm việc với ban lãnh đạo đảng hiện đang điều phối chính sách đối ngoại như thế nào.
Các báo cáo cũng đưa ra chi tiết ít ỏi về những thay đổi trong chính sách kinh tế. Tân Hoa Xã chỉ nói rằng các quan chức cấp cao đã phê chuẩn một quyết định cải cách “sâu sắc toàn diện”.
Ông Tập và ông Lý cho biết họ muốn giảm bớt sự kiểm soát của chính phủ trong lĩnh vực đầu tư và kinh doanh tư nhân, khuyến khích chi tiêu tiêu dùng mạnh hơn, và phá vỡ hàng rào ngăn cản hàng triệu người di cư từ nông thôn tiếp cận với trường học, phúc lợi xã hội và nhà ở tại các đô thị.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo đảng báo hiệu rằng, chính phủ và các công ty nhà nước sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế. Thông cáo cho biết, các khu vực ngoài nhà nước và nhà nước là “những nền tảng quan trọng của sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước”.
Hội nghị sẽ thiết lập cơ cấu đường lối làm việc rộng rãi cho ông Tập và ông Lý cho một thập niên họ có thể cầm quyền. Thông cáo nói rằng sẽ có “những thành quả dứt điểm” vào năm 2020 trong các lĩnh vực quan trọng nhất của cuộc cải cách. Tuy nhiên, những mục tiêu đó vẫn cần phải được bồi đắp thêm. Các vị lãnh đạo đảng cho biết họ sẽ thành lập một nhóm lãnh đạo mới để phối hợp với những nỗ lực cải cách.

Chris Buckley
The New York Times 12-11-13
(China’s Leaders Urge More Market Control of Economy)

TRẦN NGỌC ANH dịch
PHONG VỆ nhuận sắc
(Viet-studies) 

Việt Nam - Ấn Độ tăng hợp tác dầu khí Biển Đông

Việt Nam và Ấn Độ vừa ký kết nhiều hiệp ước trong đó có thỏa thuận tăng cường hợp tác dò tìm và khai thác dầu khí trên Biển Đông.
 
Bản đồ các lô dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam. (Hình: Internet)
Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố 80% Biển Đông như “ao nhà” của mình bất chấp sự phẫn nộ của các nước khác trong khu vực. Việc Việt Nam và Ấn Độ ký kết hợp tác như vậy sẽ khó tránh khỏi sự khó chịu thêm và phản ứng từ phương bắc.

Các thỏa hiệp tăng cường hợp tác dò tìm và khai thác dầu khí Biển Đông Ấn Độ – Việt Nam được ký kết hôm Thứ Hai 20/11/2013 sau cuộc hội đàm quan hệ nhiều mặt giữa thủ tướng Manmohan Singh và ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN về các vấn đề khu vực và những phương cách nâng cao mối quan hệ đối tác chiến lược đã được thiết lập từ năm 2007.

“Cả Ấn Độ và Việt Nam nằm ở khu vực có tiềm năng lớn lao nhưng cũng có rất nhiều thử thách. Chúng tôi cùng có chủ đích hợp tác với các nước khác trong khu vực để có một Á châu ổn định hòa bình và thịnh vượng. Vì vậy, chúng tôi xây dựng mối quan hệ toàn diện với một lịch trình rộng rãi về hợp tác song phương và khu vực”. Bản thông cáo báo chí phổ biến sau cuộc hội đàm nói như vậy.

Theo hãng tin Ấn PTI, Việt nam cho công ty dầu khí ONGC Videsh Limited dò tìm và khai thác thêm một lô nữa trong vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam. Không thấy tin tức cho biết lô đó nằm ở đâu, có dính vào cái “Lưỡi Bò” hay không. Bắc Kinh sẽ nhảy dựng lên nếu chuyện này xảy ra.

Chỉ thấy tin cho biết Bản Ghi Nhớ giữa Tập Đoàn Dầu Khí quốc doanh Việt Nam và công ty ONGC Videsh Limited (OVL) nói hai bên hợp tác dò tìm, phát triển và sản xuất tài nguyên dầu khí ở hai nước với các đầu tư mới của OVL tại một số lô tại Việt Nam. Tập đoàn Petro Vietnam cũng được mới tham dự các lô đấu thầu công khai ở Ấn và ở các nước thứ ba.

Nhưng theo tin báo Hindustan Times, Việt Nam nhượng cho Ấn dò tìm dầu khí tại 7 lô trên Biển Đông. OVL đã ký hợp đồng sản xuất dầu với Petro Việt Nam tại lô 6.1 mà sản xuất thương mại bắt đầu từ năm nay. Công ty OVL đã từng được cấp phép dò tìm tại các lô 127 và 128 từ năm 2006 nhưng họ đã từ bỏ lô 127 vì không tìm thấy gì. Còn lô 128 thì cũng dự tính bỏ cuộc khi hết thời hạn dò tìm vào năm tới với lý do “kỹ thuật và thương mại” không có lợi.

Các lô 127 và 128 có cái “Lưỡi Bò” vắt chéo qua nên Bắc Kinh từng lên tiếng đe dọa trả đủa. Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh từng bắn tiếng hồi thúc Ấn Độ “tôn trọng chủ quyền lãnh thổ Trung quốc và và ngừng dò tìm dầu khí” trên Biển Đông.

Bắc Kinh nhiều lần tuyên bố chống đơn phương dò tìm và phát triển dầu khí trên các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông nhưng lại không chịu đàm phán tranh chấp đa phương mà chỉ muốn điều đình tay đôi để dễ dùng thế nước lớn chèn ép.

Dù bị Bắc Kinh đe dọa, Hà Nội có lần đã tuyên bố Ấn Độ có quyền theo đuổi dò tìm và phát triển dầu khí ở những lô hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông.

Tuần trước, nhân chuyến thăm viếng Việt Nam của tổng thống Nga Vladimir Putin, Petro Vietnam đã ký một số hợp đồng hợp tác với một số đối tác Nga, trong đó có bản ghi nhớ về việc công ty Nga Rosneft tham gia lô 15-1/05 thềm lục địa Việt Nam.
(Người Việt)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét