Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Chiếc ghế nhân quyền LHQ & Động binh, tịnh dân & Quyền tiếp cận thông tin

Huy Đức - Động binh, tịnh dân

Tôi không có ý kiến gì về việc các nhà lập pháp định cho trai tráng được đóng tiền thi hành nghĩa vụ quân sự thay cho nhập ngũ. Tôi cũng không phản đối quan điểm coi việc thi hành nghĩa vụ quân sự là nhằm để xây dựng "quốc phòng toàn dân". Nhưng tôi cho rằng, khi đất nước không còn "ngoại xâm" mà vẫn tổ chức bộ máy quốc phòng theo mô hình "chiến tranh nhân dân" thì không thể nào xây dựng Luật nghĩa vụ quân sự đúng đắn và phù hợp.
Cho dù "chiến tranh xâm lược" trong tương lai chắc chắn sẽ không còn diễn ra như thời người Pháp, người Mỹ tham chiến ở Việt Nam, "chiến tranh nhân dân" vẫn có vai trò trong điều kiện một quốc gia bị quân đội nước ngoài chiếm đóng. "Muốn có hòa bình thì phải chuẩn bị cho chiến tranh". Nhưng, chuẩn bị cho chiến tranh không có nghĩa là tổ chức bộ máy quốc phòng giống như đất nước đang ở giữa thời hòn tên mũi đạn.

Chiến tranh đã lùi xa một phần tư thế kỷ, bộ máy quốc phòng vẫn được tổ chức không khác gì thời chống Mỹ, trên có quân khu, tỉnh đội; dưới có huyện đội, xã đội. Không ai dám đặt vấn đề về tính thích hợp của mô hình này bởi chủ trương xây dựng "quốc phòng toàn dân" là theo đường lối" chiến tranh nhân dân" của Đảng (tôi không nói đến những đặc quyền khác).
Việc duy trì một lực lượng quân sự địa phương với một lực lượng lớn dân binh như vậy không những làm phân tán nguồn lực, hạn chế khả năng hiện đại hóa lực lượng chính quy, mà còn làm suy yếu khả năng chiến tranh nhân dân trong điều kiện xảy ra chiến tranh xâm lược.
Chiến tranh xâm lược (toàn cục) hiện chưa phải là một nguy cơ gần. Trong điều kiện đó, một quốc gia khôn ngoan cần chuyên nghiệp hóa lực lượng chính quy đồng thời tổ chức huấn luyện để trai tráng biết cầm súng khi xảy ra chiến tranh thực sự.
Lực lượng chính quy, với một quốc gia như Việt nam, bên cạnh hải quân, không quân - được tổ chức sao cho đảm bảo giữ gìn toàn vẹn biển đảo - nên tổ chức thành các sư đoàn độc lập và các quân đoàn chủ lực. Nguồn nhân lực cho lực lượng chính quy này được tuyển dụng dựa trên cơ sở tự nguyện. Binh nghiệp trở thành một nghề, một sự nghiệp của công dân.
Tất cả trai tráng còn lại, trong độ tuổi từ 18-25, bị buộc phải thi hành "nghĩa vụ huấn luyện quân sự". Họ được quyền sắp xếp thời gian thích hợp để đăng ký các lớp huấn luyện, có thể kéo dài tới 6 tuần, sao cho không ảnh hưởng đến việc học hành, làm việc của mình. Hết tuổi 25, ai chưa đăng ký sẽ bị phạt và bị cưỡng bức đưa đi huấn luyện.
Từ các khóa huấn luyện trở về, thanh niên phải đăng ký vào các sư đoàn quân dự bị được "biên chế" ở các tỉnh, thành. Chuyển sang tỉnh khác thì phải thông báo cho sư đoàn dự bị ở nơi mới biết. Sau khi đăng ký, họ có quyền trở về nhà làm ăn, sinh sống. "Động binh, tịnh dân".
Cách tổ chức bộ máy quốc phòng như vậy vừa giúp quốc gia khai thác nguồn nhân lực khoa học. Những người có khả năng cống hiến tốt hơn trên những lĩnh vực kinh tế, văn hóa... không bị giữ quá lâu trong các doanh trại. Những người yêu đời lính có thể coi đó là sự nghiệp của cuộc đời mình. Những người lính thiện chiến không phải rời cây súng sau khi làm xong nghĩa vụ. Cách tổ chức như vậy vừa giúp xây dựng hình ảnh "anh bộ đội" mạnh mẽ, đáng tin cậy, vừa giúp quốc gia có được một khả năng vận hành chiến tranh nhân dân hiệu quả hơn mà, trong thời bình, không phải duy trìmột lực lượng dân binh nhếch nhác và tốn kém.  
Làm chính sách quốc phòng thì trước hết phải nghĩ đến từng tấc đất của tiền nhân và sinh mạng của nhân dân. Làm chính sách quốc phòng mà chỉ tìm kiếm sự trung thành rồi cho cát cứ, rồi "ban sao", "đẻ ghế", thì chẳng những lãnh thổ quốc gia khó giữ được vẹn toàn mà bổng lộc cá nhân cũng không thể lâu dài thụ hưởng. 
  (FB  của Huy Đức)

“Đã là xương máu thì không thể thay thế bằng tiền”

“Nghĩa vụ quân sự là nhiệm vụ rất quan trọng, thiêng liêng trong việc bảo vệ tổ quốc cả thời bình cũng như thời chiến. Đã là xương máu thì không thể thay thế bằng tiền được”.
ĐBQH – Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, Phó Tư lệnh Quân Khu 9 trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp quốc hội sáng 25/11 về quy định cho phép đóng tiền để không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự dự kiến sẽ được quy định khi sửa Luật nghĩa vụ quân sự.
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ trao đổi với phóng viên sáng 25/11. Ảnh Nguyễn Dũng
Dự kiến Luật nghĩa vụ quân sự sửa đổi sẽ quy định cho phép đóng tiền để không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Ông nghĩ sao về quy định này?

Nghĩa vụ quân sự là nhiệm vụ rất quan trọng, thiêng liêng trong việc bảo vệ tổ quốc cả thời bình cũng như thời chiến. Đã là xương máu thì không thể thay thế bằng tiền được.

Mặt khác chất lượng quân đội ngày càng phải có sự lựa chọn, kể cả chiến sĩ vừa nhập ngũ cũng phải có trình độ mỗi ngày một cao hơn. Riêng ngành KHKT ngày càng phải lựa chọn người giỏi.

Tôi đi qua Nhật Bản, thấy bên đó dù thanh niên đã đậu đại học, hoặc kể cả đang nghiên cứu Tiến sĩ nhưng đến tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự là phải đi. Đi xong rồi bắt đầu về học tiếp. Điều này rất đúng và cũng mang lại sự công bằng chung cho tất cả mọi thanh niên ở tuổi trường thành.

Vậy theo ông nếu quy định như vậy thì nó có thể xảy ra những hệ lụy gì?

Nếu không khéo thì sau này chỉ còn lại những thanh niên ở vùng sâu, vùng xa, người nghèo trình độ không đạt tham gia. Lúc đó sẽ không đáp ứng được nhu cầu xây dựng quân đội.

Quân đội càng ngày càng phát triển, càng tinh gọn thì trình độ từ người lính đến người phục vụ chuyên môn đều phải có trình độ nhất định, đáp ứng yêu cầu ngày càng chính quy của Quân đội.

Trang thiết bị ở quân đội mỗi ngày một cao, hiện đại mà trình độ quân nhân không đáp ứng được nhu cầu thì các loại vụ khí sẽ bị hạn chế. Vì vũ khí hiện đại cỡ nào đi chăng nữa cũng phải do con người quyết định.

Theo thống kê của Bộ Quốc phòng, mỗi năm có hàng triệu thanh niên đủ điều kiện nhập ngũ, nhưng thực tế lại chỉ có lượng rất nhỏ nhập ngũ. Thực tế đó cho thấy có chuyện tiêu cực phát sinh. Vậy làm sao để đảm bảo sự công bằng giữa người đi nhập ngũ và người đủ tiêu chuẩn mà không đi, thưa thiếu tướng?

Bây giờ khẳng định có tiêu cực trong chuyện đó cũng khó. Người ta có tiền tỷ thì không cớ gì họ lại để con cái đi nhập ngũ để chịu cực khổ, chứ chưa nói đến chuyện khác.

Luật quy định, ví dụ thanh niên nhập ngũ ở nông thôn, vùng khó khăn thì trình độ ở mức nào, ở thành phố trình độ cỡ nào. Cứ theo tiêu chí đó mà người ta tuyển.

Nếu tuyển đủ rồi, đội ngũ ưu tiên như đang học Đại học, Cao Đẳng không trong danh sách nhập ngũ cũng dễ hiểu. Nếu bảo đó là tiêu cực thì cũng không hẳn. Nhưng ở đây có một cái hơi ngược. Lẽ ra chúng ta phải ưu tiên lựa chọn người có trình độ hơn, tuổi trẻ hơn thì chúng ta lại làm ngược lại.

Với biện pháp thay thế đó dự kiến sẽ đưa vào trong luật sửa đổi, liệu quy định như vậy có trở thành thương mại hóa luật nghĩa vụ quân sự và mất tính thiêng liêng vốn có?

Vấn đề thương mại hóa không thể loại trừ khi quy định như vậy. Tôi đã từng là chỉ huy chiến đấu rất nhiều. Khi tôi làm quân đoàn trưởng rất cần những người có trình độ, năng lực. Nhưng thực tế đối tượng nhập ngũ lại thay thế rất nhiều. Điển hình như anh đi nghĩa vụ quân sự thay em. Thậm chí có người hi sinh mang tên anh, nhưng anh vẫn còn sống, em đã chết.

Ngay từ đầu góp ý Hiến pháp sửa đổi tôi đã phát biểu rồi. Nghĩa vụ quân sự là thiêng liêng nên không thể thay thế được, mà phải đảm bảo sự công bằng.

Tôi không ngại nói thẳng vấn đề này, vì nó là lợi ích quốc gia, là xương máu, danh dự, là cái thiêng liêng và mọi người phải có nghĩa vụ tham gia. KHKT ngày càng cao, quân đội cũng vậy nên phải có trình độ ngang tầm, mới sử dụng vũ khí có hiệu quả.

Nghĩa vụ quân sự là nhiệm vụ thiêng liêng trong việc bảo vệ tổ quốc, không phân biệt giàu nghèo. Nếu cho phép đóng tiền để thay thế nghĩa vụ quân sự thì có phải vi hiến không, thưa ông?

Đúng như vậy. Tôi thấy không công bằng. Dù trong thời bình thì trong quân đội cũng có sự rủi ro nhất định. Từ tham gia phòng chống lụt bão, thiên tai, đến huấn luyện kể cả không quân, hải quân, việc huấn luyện rất nghiêm túc, gian khổ, thậm chí còn bắn đạn thật… nên sẽ có những rủi ro nhất định. Có khi anh em chiến sĩ còn bị hi sinh, và thực tế đã có nhiều trường hợp hi sinh, kể cả ngay trong quá trình huấn luyện. Đã nói về xương máu thì không thể thay thế được.

Trường hợp quy định này đưa vào luật thì cá nhân ông có “ấn nút” thông qua không?

Tôi rất băn khoăn. Bởi nó là thiêng liêng nên phải đảm bảo sự công bằng, như nhau trong bảo vệ tổ quốc. Không thể chấp nhận việc đóng tiền để thay thế nghĩa vụ quân sự được.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Dũng 
 
(Infonet)

Người Buôn Gió - Chiếc ghế nhân quyền LHQ

Việt Nam được một ghế trong Hội Đồng Nhân Quyền. Vì trưng ra cho quốc tế thấy thành tích xóa đói giảm nghèo. Một số tờ báo VN hí hửng ca ngợi chiến công này và gọi là đập vào mặt dư luận phản động một cú đích đáng. Nhưng mấy ai biết đằng sau chiến công này là cái giá phải trả không ít ỏi. Đó là tiền hỗ trợ của quốc tế cho chương trình xóa đói giảm nghèo sẽ ít hơn so với trước. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nước đồng ý cho Việt Nam được một ghế nhân quyền trong LHQ. Có nhiều lý do để họ làm vậy, để đỡ phải hỗ trợ tiền xóa đói giảm nghèo cho Việt Nam, để VN có chiếc ghế như thế rồi phải cư xử cho phải đạo hơn... Để có một chiếc ghế như vậy, VN bỗng mất đi một khoản tiền lớn hỗ trợ hàng năm của quốc tế. Chẳng sung sướng gì cho Việt Nam, bởi thế không như mọi khi báo chí thường ca ngợi rầm trời những chuyện tương tự thế này,vụ này lác đác một hai bài nhắc đến rồi im bặt. Chỉ có đám dư luận viên cò con thì cứ tưởng thế là hay, lấy thành tích ấy ra để chế nhạo những người đấu tranh dân chủ.

Như thế áp lực của quốc tế về vấn đề nhân quyền với VN sẽ tăng chứ không hề giảm. Xưa nay VN vẫn lợi dụng chuyện đói nghèo để nhập nhằng chuyện nhân quyền. Khái niệm VN đưa ra là nhân quyền mỗi nước một khác nhau. Khác nhau ở đây là VN còn đói nghèo, phải bỏ được đói nghèo thì mới nói tiếp đến tự do ngôn luận... đến những quyền con người cao hơn. Ở Phương Tây thì nhân quyền liên quan đến tự do ngôn luận, tự do báo chí, xuất bản, bộc lộ quan điểm chính trị... vì đời sống phương Tây cao, an sinh xã hội tốt, phúc lợi xã hội cao. Còn ở Việt Nam người đói nghèo nhiều, muốn nói đến nhân quyền là phải cải thiện đời sống đã. Nôm na khi quốc tế nói nhân quyền, VN bảo tao đang đói, không có gì ăn, tao khác mày đã ăn no rồi. Tuy nói bên ngoài chảy bửa như thế, nhưng bên trong VN vẫn mập mờ với dư luận trong nước là khi VN đưa lý lẽ mỗi nước có đặc thù khác nhau thế giới cũng phải chịu!
Với thực tế sự đói nghèo ở VN là có thật, quốc tế khó lòng mà đòi hỏi được hơn trước lý lẽ của Việt Nam. Vì thế họ dồn sự giúp đỡ, hỗ trợ để VN thoát khỏi cảnh có nhiều hộ đói nghèo. Chiếc ghế nhân quyền hôm nay với VN tương tự như chiếc bằng chứng nhận đã tốt nghiệp xong lớp học khiêu vũ cổ điển. Chúng ta đều biết tham gia khiêu vũ cổ điển thường là những người khá giả, có trí thức, văn hóa cao. Chứng nhận tốt nghiệp khiêu vũ cổ điển cũng như một sự đánh giá về đẳng cấp xã hội. Nếu ở một sàn khiêu vũ, anh vừa khoe anh tốt nghiệp khóa học khiêu vũ và anh vừa kể lể anh đói nghèo, chạy ăn từng bữa để xin xỏ, vay tiền thì quả là một điều lố bịch. Phải ăn no rồi mới rửng mỡ chứ.
Giờ thì VN sẽ không còn nỏ mồm chuyện nhân quyền mỗi nước một khác với quốc tế. Cũng không nỏ mồm kể lể hoàn cảnh để vay mượn xin xỏ. Chiếc ghế nhân quyền như tấm bằng khiêu vũ hay chiếc nhẫn vàng trang sức đeo trên tay không bán đi, không mài ra mà gặm được. Nhưng quan chức cao cấp VN thấu hiểu cái giá phải trả cho chiếc ghế này là gì, nên họ không hào hứng đứng ra nói. Chỉ có cỡ quan chức vô danh, chức tước cũng hữu danh vô thực như ông Hằng chủ nhiện ủy ban đối ngoại quốc hội đăng đàn trả lời báo chí để ca ngợi về vấn đề này. Tuy nhiên ông cũng ý thức được cái khoản tiền mất đi trước mắt của quốc tế về xóa đói giảm nghèo cho Việt Nam, ông tự an ủi rằng khi được vị trí này rồi, quốc tế sẽ không áp lực nhân quyền mỗi khi bàn chuyện làm ăn với Việt Nam nữa, qua đó việc hợp tác làm ăn với quốc tế sẽ tốt hơn.
Đã thoát đói nghèo, đã có những vị thế khiến quốc tế kính nể. Vậy từ nay làm ăn sòng phẳng với nhau không nhân nhượng, ưu đãi gì hết. Cái mà ông Hằng hình dung ra chỉ là tưởng bở, vì làm ăn sòng phẳng phải có đi có lại công bằng. Một cơ sở hạ tầng như VN, đội ngũ nhân lực có tri thức, kỹ thuật, tinh thần công việc, thói làm việc... như ở VN... sẽ hợp tác được gì với quốc tế? Có đi làm thuê và bán sức lao động giá rẻ để nó mua cho là còn may. Nhìn các khu công nghiệp hàng loạt nhà đầu tư rút đi thì thấy rõ.
Đi xin xỏ cũng không còn được nữa vì đã thoát nghèo, muốn làm ăn với đối tác thì con người, chính sách, hạ tầng đều lem nhem.
Có cái gì bán được thì tranh nhau bán, mỗi một đời lãnh đạo lên lại cố gắng vay hay bán thứ gì đó, vì chỉ có cách ấy mới đem tiền được về ngay. Đời trước ông bán đất cho người ta làm quặng nhôm, ông đời sau không nhao được sang phương Tây thì cũng cố nhao sang Trung Á chào bán dầu khí, bởi vì giờ chỉ còn mỗi dầu khí là thứ đào lên bán được ngay. 4 ông nguyên thủ thì 3 ông tranh nhau đi chào bán dầu khí để kiểm soát nguồn lợi nuôi phe cánh mình.
Chiếc ghế nhân quyền LHQ đưa VN thoát ra khỏi cảnh "dại" để huênh hoang khoe mẽ với trong nước rằng là "cú đấm vào mặt thế lực phản động" nhưng lại không đến được vị thế "khôn" để thực sự mang lại lợi ích cho đất nước, dân tộc. Rút cục nó đưa Việt Nam vào thế "dở dở ương ương".
Bởi thế ở vụ này, Việt Nam cũng không thấy ca ngợi ầm ĩ, ăn mừng hoành tránh lắm cũng phải. Thích chơi sang là phải có tiền, làm không ra thì vác đồ nhà đi bán. Lối sống của thanh niên Việt Nam ngày nay và lối làm việc của nhà nước, chính phủ Việt Nam liệu có gì khác nhau đâu?
Người Buôn Gió
(Blog Người Buôn Gió)

Phạm Chí Dũng - Bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục bế tắc

Giá vẫn quá cao
Đang và sẽ không có một phép màu nào xảy đến với thị trường bất động sản Việt Nam, bất chấp rất nhiều phép khuyến dụ đã được phóng ra từ chính sách nhà nước cùng các tập đoàn kinh doanh nhà đất và ngân hàng đang “ôm bom”.
Hoàng Anh Gia Lai là một phép thử đặc trưng nhất cho thất bại. Kết quả kinh doanh quý 3 năm 2013 của tập đoàn được xem là nằm trong top đầu đại gia bất động sản này, dù báo lãi nhưng doanh thu chủ yếu phải nhờ vào việc chuyển nhượng các dự án cao su và thủy điện. Ngược lại, hệ số tiêu thụ căn hộ từ đầu năm đến nay là quá thấp và cũng không cho thấy bất cứ manh mối nào có thể triển vọng hơn trong thời gian tới.
Đoàn Nguyên Đức là ông chủ năng động và cũng thường có những phát ngôn “xách động” của Hoàng Anh Gia Lai. Vào giữa năm 2013, nhân vật được xem là có dự cảm chính trị khá tốt này đã xác quyết về một cái đáy không thể lầm lẫn của thị trường bất động sản, cùng lời kêu gọi người tiêu dùng và giới đầu cơ nhỏ lẻ hãy “mua vào”.
Cũng như ông Đức, nhiều đại gia kinh doanh bất động sản trung cấp và cao cấp khác luôn cố che giấu nỗi lo mất ngủ từ nguy cơ phá sản luôn cận kề. Vào năm 2012 khi thị trường vẫn còn “ngủ đông”, giới chủ đầu tư cùng một số “phát ngôn viên” - những người được mô tả là chuyên gia hàng đầu về thị trường - cũng đã tự xác lập những giá đáy của căn hộ sau mỗi quý. Tuy nhiên như thời gian đã chứng thực, hết năm 2012 và đến giờ đã gần hết năm 2013, đáy của thị trường bất động sản vẫn là một khái niệm hoàn toàn mờ ảo.
Ở Hà Nội, giá bất động sản vẫn tiếp tục trôi dốc, dù với độ trượt nhỏ hơn năm 2012. Nhưng so với mức tăng gần ba lần chỉ riêng trong chiến dịch đánh lên bất động sản giai đoạn 2009 - 2010 và nhìn lại mức tăng đến chẵn 100 lần kể từ con sóng bất động sản đầu tiên vào năm 1995, cuộc giảm giá dù đến một nửa của khối căn hộ cao cấp ở Thủ đô có vẻ vẫn chưa làm xúc động túi tiền người dân.
Cũng khó có thể khuấy động tâm não người tiêu dùng, một khi hệ số giá nhà đất/thu nhập bình quân người lao động ở Việt Nam vẫn đứng vững ở mức 25, cao gấp 5-6 lần tiêu chuẩn cho phép của Liên Hiệp Quốc. Rõ là một thứ bong bóng nhà đất đã hình thành đủ lớn và luôn có thể bùng vỡ bất kỳ lúc nào trong một nền kinh tế mà tốc độ tăng trưởng phụ thuộc quá nhiều vào chủ nghĩa đầu cơ.

500.000 tỷ đồng nợ xấu
Không chỉ rất nhiều nhóm đầu cơ nhỏ lẻ và thứ cấp phải gánh chịu hậu quả nặng nề, ngay cả những tên tuổi lừng lẫy như Vinaconex, Sông Đà, Phát Đạt, Quốc Cường Gia Lai… cũng cùng chung số phận.
Từ vị thế đầu tư đến vài ba ngàn tỷ đồng cho các dự án căn hộ, đến nay trong két sắt của Quốc Cường Gia Lai chỉ còn chưa đầy 2 tỷ đồng.
Đáng thất vọng hơn cả là một giải pháp xung kích của nhóm lợi ích ngân hàng - bất động sản tung ra vào giữa năm 2013 - gói kích thích 30.000 tỷ đồng dành cho những người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp - đã thất bại cay đắng khi tỷ lệ giải ngân chỉ vỏn vẹn 1% sau gần nửa năm triển khai.
Tất nhiên, có nhiều lý do khiến tốc độ giải ngân quá nặng nề và kém hiệu quả, song không thể phủ nhận nguồn cơn lớn nhất vẫn là niềm tin của người tiêu dùng vào thị trường bất động sản đã trở nên tê liệt.
Một trong những minh chứng hiển nhiên nhất về khả năng sụp đổ của thị trường bất động sản trong tương lai không xa lại đến từ giới ngân hàng - nơi găm giữ đến ít nhất 70% nợ và nợ xấu tích tụ bởi các con nợ đại gia nhà đất.
Cho đến gần đây, chính thống đốc Ngân hàng nhà nước đã phải báo cáo Quốc hội về con số 300.000 tỷ đồng đã được Ngân hàng nhà nước chuyển từ nhóm nợ xấu lên nhóm nợ “tốt” vào tháng 6/2013. Tuy nhiên, con số này lại chính là sự xác nhận cho một con số thật hơn nhiều: so với số nợ xấu chỉ từ 135.000 đến gần 200.000 tỷ đồng do Ngân hàng nhà nước công bố trong năm 2012, số nợ xấu hiện thời, nếu cộng cả 300.000 tỷ đồng vừa “đảo nợ”, phải lên đến gần 500.000 tỷ đồng.
Khá tương đồng, con số trên lại phù hợp với đánh giá về nợ xấu của một nhóm chuyên gia phản biện độc lập tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân vào tháng 4/2013 - lên đến 540.000 tỷ đồng.
300.000 tỷ đồng là cú đảo nợ lần thứ hai của Ngân hàng nhà nước dành cho các nhóm con nợ đang lâm vào thế cùng quẫn, sau cú thứ nhất vào tháng 4/2012. Tuy thế, không phải chuyện đảo nợ sẽ diễn ra mãi mãi, bởi thời điểm Minsky về đáo hạn các món nợ xương máu đã biến thành vết hằn trong não trạng của thế giới tư bản ngày càng dã man ở Việt Nam.
Đến tháng 6/2014, nếu không thể thanh toán được các món nợ này, không chỉ các con nợ chủ đầu tư “chết” mà cả những ngân hàng đang ôm nợ và tài sản thế chấp cũng “băng hà” - như một câu châm ngôn trong lịch sử và văn hóa Việt Nam.
Những dấu hiệu hỗn loạn
Đã có một số biểu hiện hỗn loạn không thể chối cãi, chẳng hạn như với Công ty gỗ Trường Thành. Công ty này đã được ngân hàng cho giãn nợ đến năm 2014, vào lúc giám đốc Trường Thành nói tuột ra: “Cứu doanh nghiệp cũng là cứu ngân hàng”.
Một cái chết song trùng là rất có thể xảy ra giữa khối con nợ và các chủ nợ, để đến lượt mình, giữa các chủ nợ ngân hàng lại có thể kiến tạo một cuộc sụp đổ dây chuyền trong không bao lâu nữa.
Agribank - Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn - là dấu hiệu đầu tiên biểu tượng cho sự tái hiện sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers của Mỹ vào tháng 10/2007. Trở thành quán quân về thu hút tín dụng tiền gửi nhưng cũng không thua kém về số lãnh đạo ngân hàng đối mặt với vòng lao lý, Agribank là địa chỉ mà nợ xấu bất động sản có thể tạo ra một cơn địa chấn đủ lớn khiến dắt dây sang các ngân hàng “bạn”.
Trong số tài sản thế chấp mà các ngân hàng đang phải nắm giữ, phần lớn là các dự án căn hộ cao cấp và đất nền hoang hóa chưa thể xây dựng. Tình thế này cũng liên đới chặt chẽ với con số hàng trăm ngàn căn hộ cao cấp đang tồn kho, cùng 66.000 căn hộ cao cấp sẽ được tung ra thị trường đến năm 2015, tạo nên một cơn bội thực không có thuốc giải.
Phân khúc được xem là khả quan nhất cho đến nay chỉ là nhà đất giá rẻ và thuộc loại bình dân. Tình hình giao dịch chớm nở của phân khúc này đã trở thành điểm sáng duy nhất trong một thị trường đen bạc. Trong khi đó, vẫn không có và không thể có bất kỳ con số liệu nào về tăng trưởng tiêu thụ của phân khúc căn hộ cao cấp.
Ngay cả một số hãng tư vấn bất động sản quốc tế có tiếng ở Việt Nam như CBRE, Savillss, Knight Frank… cũng có vẻ bị “dính chùm” trong cơn hoạn nạn không có lối ra. Như một hiệu ứng đồng thanh, từ giữa năm nay, các hãng tư vấn này đã liên tiếp tung ra những báo cáo dự báo khả quan về thị trường bất động sản, về hệ số tiêu thụ tăng lên và sự hạn chế nguồn cung…
Chỉ có điều, cho đến nay vẫn không có bất cứ một số liệu có tính khả tín nào về lượng giao dịch đối với từng phân khúc - dấu hiệu chứng minh rõ nét về tính giả dối của những tổ chức bất động sản dán mác quốc tế.
Bế tắc và khủng hoảng
Khác hẳn với giai đoạn tạm phục hồi năm 2009 với gói kích cầu lên đến 8,5 tỷ USD, giai đoạn 2011-2013 và cả những năm tới sẽ không có bất cứ gói kích thích nào. Tiền đã gần như cạn kiệt trong ngân khố, trong lúc lợi nhuận thị trường những năm qua đã chui cả vào túi những đại gia có tư duy lũng đoạn cay nghiệt nhất. Vì thế, bất động sản sẽ không còn cơ may dựa dẫm vào một nguồn vốn kích phát nào nữa.
Sau chuỗi thời gian chìm sâu vào thế bất động và quay quắt, chỉ đến gần đây dường như nhóm lợi ích ngân hàng - bất động sản mới quyết định làm nốt một phép thử để tái hiện kịch bản năm 2009 - 2010: kích thích thị trường chứng khoán để từ đó khơi dậy ảo vọng về phục hồi thị trường bất động sản.
Tuy vậy, không có nguồn tiền mới, chỉ số chứng khoán không thể “lên” được theo đúng nghĩa mặt bằng giá cổ phiếu tăng đồng loạt. Chỉ có một nhóm rất nhỏ trong tổng số 700 cổ phiếu được “đánh lên”, chủ yếu là những cổ phiếu có tác động mạnh đến rổ chỉ số VN-Index, gây ra tâm lý ảo về một hình ảnh tăng trưởng nào đó của thị trường này.
Nhưng bất chấp cố gắng cuối cùng của phép thử chứng khoán, sẽ vẫn quá khó cho cho sự tái hiện quy luật “bình thông nhau” như những năm hoàng kim giữa thị trường này và bất động sản. Nói cách khác, nguồn vốn cạn kiệt sẽ khiến cho tính kích động của giá cổ phiếu đối với tâm lý mua vào núi tồn kho bất động sản trở nên vô nghĩa.
Bất động sản lại liên đới với hoạt động tài chính, như quy luật đã hình thành trong vài chục năm qua ở Việt Nam. Không khác gì Trung Quốc, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã “cho vay nhiều nhất trong một thời gian ngắn nhất” vào giai đoạn 2006 - 2009. Kết quả là việc thu hồi vốn trở nên vô vọng vào thời buổi suy thoái kinh tế.
Còn nếu nền kinh tế lao thân vào khủng hoảng, tất cả sẽ tuyệt vọng.
Một khi bất động sản đổ vỡ, hệ thống ngân hàng cũng không thể tránh được cái chết mặc định đối với nó. Dự báo sẽ có ít nhất một phần ba số ngân hàng hiện nay phải phá sản.
Hiện tượng nhiều ngân hàng sa thải ít nhất 15% số nhân viên trong thời gian gần đây là một tín hiệu rất đáng chú tâm. Người ta đang chờ đợi đến khi nào - giữa hay cuối năm 2014 - sẽ có một ngân hàng hạng trung hoặc loại đại gia đầu tiên buộc phải tuyên bố phá sản. Và nếu sau đó có tiếp 3-4 ngân hàng không thể cầm cự, sẽ không một ngân sách nào có thể chịu đựng và bù lỗ theo “mô hình Vinashin” được.
Khả năng domino này là hoàn toàn có thể xảy ra, ít nhất căn cứ vào danh sách gần một chục ngân hàng thương mại đang bị Ngân hàng nhà nước xếp vào loại “yếu” như hiện thời.
Khi đó, khủng hoảng kinh tế sẽ bắt đầu. Chu kỳ khủng hoảng ở Việt Nam có thể sẽ kéo dài từ 18-21 tháng, nếu chiếu theo “tiêu chuẩn” các cuộc khủng hoảng kinh tế ở Hoa Kỳ và Tây Âu. Hoặc sẽ dài hơn đối với một “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đã trải qua suy thoái chưa gượng dậy nổi từ 6 năm qua và đang vật vã trong căn bệnh ung thư toàn thân.
Một phép tính đơn giản cho thấy nếu khởi động vào đầu năm 2015, cuộc khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam sẽ đạt đến cao trào cùng những biến động khôn lường của nó vào giai đoạn 2016-2017.
Nhưng còn hơn thế nhiều, gánh nặng đầu cơ mà giới lợi ích ngân hàng và bất động sản đã kiến tạo trong nhiều năm qua sẽ đổ lên đôi vai gầy guộc của nền kinh tế và đời sống dân sinh.
Khủng hoảng kinh tế lại rất nhiều khả năng sẽ lập tức dắt dây sang khủng hoảng xã hội - một hiệu ứng mà rất thường sẽ khiến nền chính trị “băng hà”!
Phạm Chí Dũng
24.11.2013
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Luật hóa việc Ban Nội chính tiếp dân

Người dân biểu tình phản đối dự án đô thị sinh thái ở Văn Giang, Hưng Yên
Ban Nội chính sẽ là cơ quan thường xuyên tiếp dân

Ban Nội chính của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp công dân 'thường xuyên', trong lúc bộ trưởng cũng phải tiếp dân mỗi tháng một lần.

Đó là nội dung Luật Tiếp công dân được Quốc hội Việt Nam biểu quyết thông qua chiều 25/11.

Báo Việt Nam đưa tin Ban Nội chính của ông Nguyễn Bá Thanh sẽ có vai trò lớn trong việc tiếp dân tới khiếu nại tố cáo theo luật mới.

Tờ Tiền Phong nói Luật Tiếp công dân, vốn vừa được Quốc hội thông qua hôm 25/11 với gần 85% số phiếu, quy định Ban Nội chính là "cơ quan tiếp công dân thường xuyên ở trung ương và cấp tỉnh" theo Luật Tiếp công dân.

Từ trước tới nay vấn đề khiếu nại, tố cáo vẫn khiến các quan chức trong chính quyền đau đầu.

Nhiều người dân từ các tỉnh đã đổ ra Hà Nội để khiếu nại, tố cáo nhưng không được giải quyết.

Hiện chưa rõ sự tham gia của Ban Nội chính có giúp giải quyết tình trạng này và cơ quan của ông Thanh sẽ có quyền hạn tới đâu so với các cơ quan Chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng.

Luật Tiếp công dân, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2014, cũng buộc những người đứng đầu cơ quan công quyền, từ cấp bộ trưởng trở xuống, phải tiếp dân theo định kỳ.

Tổng Thanh tra Chính phủ và Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân ở trung ương ít nhất một ngày mỗi tháng

Các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch tỉnh phải tiếp dân ít nhất một ngày mỗi tháng.

Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện có trách nhiệm tiếp dân ít nhất hai ngày trong tháng trong khi chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã phải tiếp dân mỗi tuần một ngày.

'Tập trung đông người'

Tiền Phong dẫn luật mới nói thủ trưởng các cơ quan cũng cần tiếp dân đột xuất khi có những "vụ việc gay gắt, phức tạp có nhiều người tham gia, kéo dài, ý kiến của các cơ quan, tổ chức khác nhau".

Trang web của Chính phủ Việt Nam cũng đưa tin: "Đạo luật nghiêm cấm những hành vi gây phiền hà, sách nhiễu, cản trở người khiếu nại, tố cáo, phản ánh hoặc thiếu trách nhiệm, phân biệt đối xử trong việc tiếp công dân.

"Đồng thời, cũng nghiêm cấm việc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây rối trật tự, xuyên tạc, vu khống, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân, kích động, lôi kéo người khác tập trung đông người tại nơi tiếp công dân."
(BBC)

Từ cầu cúng giết mổ tới ngoại cảm

Thờ cúng là một nét đẹp trong văn hóa Việt Nam, không chỉ gồm phần cúng lễ mà còn thể hiện sự tưởng nhớ cội nguồn và là dịp gặp gỡ cộng đồng người thân, gia đình, bè bạn.

Nhưng hiện nay, với người Việt Nam, dường như tục lệ này đã mất đi nhiều ý nghĩa tốt đẹp ban đầu.

Biểu hiện rất rõ trong việc trong chuyện thờ cúng tràn lan, bất chấp nguyên tắc. Họ như đi trong đám sương mù của tâm linh, cái gì cũng sợ hãi và cái gì cũng có thể thờ được.

Trên khắp các nẻo đường Việt Nam, chúng ta không khó để bắt gặp những ngôi miếu nhỏ, hoặc những bát nhang đặt trước một gốc cây, một hòn đá, một cột điện, một ổ mối, tổ kiến… mà người ta kháo nhau rằng nó có dáng dấp một con rồng, hay từa tựa hình người.

Bát nhang nào cũng luôn luôn trong tình trạng khói hương nghi ngút.

Hiện tượng trên phản ánh một sự thật, người Việt Nam đang nhận thức lệch lạc trong việc thờ cúng, thiếu một chỗ dựa tâm linh lành mạnh.

Giết mổ và ngoại cảm

Ở Việt Nam hiện nay phổ biến quan niệm: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành.”

Hàng năm, từng đoàn người đi lễ Chùa Hương, Bà Chúa Kho, Bái Đính… xì xụp khấn vái xin nhà cao cửa rộng, thăng quan tiến chức, tiền tài danh vọng.

Người cầ̉u cúng 'thọ lộc' ngay trên vỉa hè
Rồi lễ vật dâng lên nào lợn quay, gà luộc, xôi oản, thậm chí cả rượu.

Hương khói mù mịt, vàng mã chất đống ngồn ngộn như núi. Xong lễ thì ngồi la liệt thụ lộc ngay cạnh vệ đường. Tất cả hầu như quên điều tối thiểu là phải chay tịnh khi lên chùa lễ Phật.

Mọi người, ngày rằm mùng một lên chùa khấn vái, tưởng rằng chỉ như vậy đã là Phật tử.

Trong khi một đoạn kinh ngắn có thể cũng không thuộc, Giáo lí nhà Phật cũng không hiểu, hàng ngày cũng chẳng tâm niệm những điều răn của Phật.

Ngay cả những lễ hội được coi là văn hóa cũng thể hiện tính man rợ vì sự méo mó trong nhận thức tâm linh.

Có thể kể đến như lễ hội chọi trâu, chém lợn. Không biết thần thánh nào sẽ ban phúc trong việc chặt con lợn đang kêu thảm thiết ra làm hai với nhát dao bén ngọt.

Trong khi dòng máu tuôn trào chưa kịp nguội, hàng trăm con người đổ xô vào thấm máu lên những đồng tiền và hỉ hả vì sẽ gặp may mắn cả năm.

Hay những con trâu bị ngả ra ngay khi vừa kết thúc cuộc đấu.

Giá thịt trâu bị đội lên tới hàng triệu đồng. Để rồi sau đó lại chén chú chén anh bằng chính thịt những con trâu, lợn vừa bị giết.

Kết thúc cuộc nhậu có thể là một màn ẩu đả vì quá chén.

Rồi hiện tượng các nhà ngoại cảm, tìm mộ liệt sĩ mọc lên như nấm.

Lúc thì được ngợi ca quá mức, khi thì lại bị hạ bệ, thật giả lẫn lộn. Các vụ lùm xùm liên quan đến sư gần đây cũng cho thấy hậu quả của việc khủng hoảng tâm linh.

Phải chăng những lệch lạc trong nhận thức tâm linh ấy, đã dần dần tha hóa tính hướng thiện của con người, bất chấp những bài giảng đạo đức cao siêu, mơ hồ trong trường học?

Dẫn đến những việc quái đản xảy ra thường xuyên hiện nay, như một người bị rơi bọc tiền tung tóe trên đường phố đông đúc, thay vì nhặt giúp, thì tất cả cùng tranh nhau vơ lấy như của trời cho.

Thịt chó quay treo ở quán phục vụ khách lên Chùa Hương
Một xe hàng gặp nạn bị đổ, hàng lăn ra đường, thì những nông dân hàng ngày (được cho là) chất phác vụt biến thành những kẻ tham lam, thi nhau hôi của và lấy làm may mắn hả hê.

Một lễ hội hoa kết thúc bằng cảnh tan hoang vì tranh cướp.

Một buổi phát đồ miễn phí trở thành một màn giành giật... Họ thấy như thế là đúng, là bình thường?

Đời sống tâm linh lành mạnh sẽ hướng con người tới điều Thiện. Nhưng hiện nay, không thể kể hết những trái khoáy trong nhận thức tâm linh của người Việt Nam.

Có thể cảm nhận, người Việt Nam giờ đây quá tham lam, ích kỷ và chỉ cần có cơ hội thì tính xấu đó bộc lộ ngay bản chất.

Những quan niệm thờ cúng lệch lạc đã dẫn đến lòng tham và đó chính là mầm mống của cái Ác.
Hải Lam
Theo BBC

Lấy chồng ngoại nhưng ít Việt Kiều?

Số liệu ở một hội nghị trong tháng 11/2013 cho rằng trung bình có 100 nghìn phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài mỗi năm, tính từ 2008 đến 2010.

Một gia đình chồng Hàn vợ Việt ở Seoul - hình
của Chung Sung-Jun
Đa số các cuộc hôn nhân này xảy ra giữa các cô gái trẻ Việt Nam và đàn ông các nước châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan và cả Trung Quốc.

Hôn nhân với đàn ông là Việt Kiều có vẻ không nhiều, ít ra là theo khảo sát từ một xã ở Hải Phòng vài năm về trước.

Trang Thanh Niên hôm 22/11 vừa qua trích quan chức Việt Nam thuộc Ủy ban Quốc gia người Việt ở nước ngoài đưa ra các số liệu tại hội nghị hôm 19/11 vừa qua với sự tham gia lần đầu của 200 phụ nữ Việt Nam có hôn nhân với người nước ngoài tham gia.

Ông Đặng Thế Hùng, phó Chủ nhiệm Ủy ban cho rằng số phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài “tăng đều hàng năm”, và cho biết đa số các cuộc hôn nhân này diễn ra qua môi giới, và “có mục tiêu thương mại”.

Ông Hùng cũng nói có hiện tượng các băng đảng tổ chức đám cưới giả với cô dâu Việt Nam bị bán sang Đài Loan hoặc Hàn Quốc để lao động trái phép.

Gần đây, theo báo chí Việt Nam, số phụ nữ nước này lấy chồng Trung Quốc cũng bắt đầu tăng.

Rất ít Việt Kiều

Tại Hội nghị Phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài ở Hà Nội (19/11) với sự tham gia của một số quan chức cao cấp gồm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, ông Nguyễn Thiện Nhân, hai vấn đề được cho là nổi cộm, cần quan tâm.




Trong số 721 trường hợp lấy chồng nước ngoài, chỉ có 5 trường hợp (0,6%) lấy chồng Việt kiều"

» Tiến sỹ Hoàng Bá Thịnh
Đó là chuyện lao động Việt Nam là phụ nữ ở nước ngoài, và phụ nữ Việt Nam lấy chồng và ra nước ngoài sinh sống.

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2013, hiện có khoảng 500.000 người Việt Nam đang lao động ở nước ngoài, trong đó phụ nữ chiếm khoảng 30-35% ở Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia.

Còn theo Bộ Tư pháp Việt Nam, trong các năm 2008- 2010 đã có khoảng 300.000 cô dâu Việt Nam lấy chồng người nước ngoài và con số này tiếp tục tăng lên.

Bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa, tập quán và tuổi kết hôn quá trẻ, không có trình độ, công việc và thu nhập là các vấn đề lớn đang xảy ra trong các cuộc hôn nhân của phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài.

Cô Ngô Ngọc Quý Hồng là một trong số đông đảo phụ nữ Việt lấy chồng ở Hàn Quốc
Vì thế, họ phải phụ thuộc vào chồng, gia đình chồng, và trong nhiều trường hợp bị ngược đãi, bị bất lợi khi ly hôn và nuôi con, theo thông tin báo chí từ hội nghị này.

Ngược lại, hiện tượng hôn nhân với người nước ngoài cũng đang có tác động với xã hội Việt Nam.

Theo một báo cáo của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình gần đây, căn cứ vào nghiên cứu chỉ ở một địa phương nhỏ là xã Đại Hợp, Kiến Thuỵ, Hải Phòng sáu năm trước thì hiện tượng phụ nữ trẻ lấy chồng Hàn Quốc đã gây mất cân bằng hôn nhân.

Hậu quả là hiện nay tình trạng khan hiếm phụ nữ ở độ tuổi kết hôn, nam giới tại xã đến tuổi kết hôn phải đi lấy vợ xa khác địa phương và khó lấy vợ, theo quan chức Đại Hợp.

Đặc biệt, điều tra này, do một nhà nghiên cứu là Tiến sỹ Hoàng Bá Thịnh biên soạn còn cho thấy đàn ông Việt Kiều không phải là mục tiêu của các cô gái ở xã này.

"Trong số 721 trường hợp lấy chồng nước ngoài, chỉ có 5 trường hợp (0,6%) lấy chồng Việt kiều", báo cáo viết.

Cũng có chuyện nhiều cô dâu Việt phải bỏ trốn về quê vì "quê chồng khổ cực hơn quê mình", dẫn tới các vụ ly hôn nhiều khó khăn, nhưng khi về lại Việt Nam, con của họ "khó hòa nhập với cuộc sống nơi quê mẹ", theo báo Việt Nam.
Theo BBC

Đàn ông Việt Nam tốt hay xấu?

"...Hạnh phúc đích thực của mỗi người là làm cho những người khác hạnh phúc, nhất là những người thân bên cạnh mình. Kể ra, để  “cạnh tranh” với cánh đàn ông Tây thì cũng hơi vất vả nhưng không phải là đàn ông Việt Nam không thể làm được, bằng chứng là nhiều cô gái Tây cũng chết mê, chết mệt nhiều anh trai Việt Nam..."
 
dantri01

Trên nhiều trang mạng điện tử Việt Nam đang dấy lên một cuộc tranh cãi “bất phân thắng bại” về những “phẩm chất và bản lĩnh” của người đàn ông Việt Nam. Ý kiến khen đại để: Chịu khó, lo lắng cho gia đình, hy sinh vì con cái… Trong khi đó thì ý kiến chê thì… hơi bị nhiều. Độc giả Lê Thùy Linh () tạm “thống kê” mười tính xấu của đàn ông Việt nam như sau:

1.     Coi thường phụ nữ: Đàn bà thì biết gì!

2.     Coi việc nhà là việc của đàn bà.

3.     Không có nghĩa vụ gì với bố mẹ vợ.

4.     Phó mặc con cái cho vợ.

5.     Ghen tị với vợ.

6.     Ngoại tình như cơm bữa.

7.     Vũ phu.

8.     Nhậu nhẹt bê tha, lắm tệ nạn.

9.     Ít lãng mạn, kiệm lời khen.

10.  Nói dối.

Ngoài ra nhiều người còn bổ xung thêm những tính xấu khác của cánh đàn ông Việt Nam như: Bảo thủ, ngang bướng, yếu đuối, thiếu tinh thần cầu tiến và vươn lên trên cuộc sống… Và còn rất nhiều nữa, nhưng với bấy nhiêu thôi thì cũng làm cho đàn ông chúng ta, hoặc là xấu hổ đỏ mặt, hoặc là nổi cáu lên rồi. Thật lòng mà nói thì cũng hơi khó để tìm ra một người đàn ông nào mà không hề mắc một lỗi nào như nêu ở trên. Ngược lại những người mắc gần hết những lỗi trên lại… hơi nhiều.

Quả thật là làm người đã khó, thế nhưng làm một người đàn ông tốt, nhất lại là làm một người đàn ông Việt Nam tốt, lại càng khó hơn. Một người đàn ông lý tưởng là người đàn ông ban ngày phải “cày cuốc” cật lực như một con trâu, nhưng đêm về thì phải biết nói những lời “có cánh”, nhẹ nhàng và dịu dàng như con chim hoàng anh đang hót. Đàn ông, vừa phải là một người thành đạt ngoài xã hội nhưng đồng thời phải biết quan tâm, chăm sóc vợ con. Phải biết lịch sự, vui vẻ, hài hước và nhất là phải biết nấu ăn ngon. Không bao giờ được quên nghĩa vụ đối với họ hàng bên nhà vợ, và luôn luôn xem vợ mình là nhất, là đúng, nếu có cãi nhau thì đàn ông luôn phải làm lành trước…

Thế nhưng, nếu đàn ông mà làm được chừng ấy việc thì nghe chừng… hơi khó. Đàn ông Việt Nam lại càng khó hơn vì từ khi sinh ra, họ đã là trung tâm của vũ trụ. Vì vậy họ luôn luôn đúng dù họ không làm gì… đúng. Đây là một gánh nặng, một di sản lịch sử đè nặng lên đôi vai người phụ nữ Việt Nam. Quan niệm Khổng Giáo và truyền thống Á Đông là “trọng nam khinh nữ”, và “một nam xem như có, mười nữ xem như không”. Vai trò của người phụ nữ Việt Nam rất bị xem nhẹ dưới chế độ phong kiến và cho đến tận bây giờ tình hình đó vẫn chưa được cải thiện là bao nhiêu. Người phụ nữ Việt Nam từ lúc sinh ra đã phải chịu muôn vàn sự thiệt thòi và hy sinh bản thân cho đến lúc tuổi xế chiều… Có lẽ vì thế mà nhà thơ Hồ Dzếnh đã viết về người phụ nữ Việt Nam rằng:

Cô gái Việt Nam ơi !
Từ thuở sơ sinh lận đận rồi,
Tôi biết tình cô u uất lắm,
Xa nhau đành chỉ nhớ nhau thôi .

Cô chẳng bao giờ biết bướm hoa,
Má hồng mỗi tiết, mỗi phôi pha,
Khi cô vui thú, là khi đã
Bồng bế con thơ, đón tuổi già !...

Cô gái Việt Nam ơi !
Nếu chữ Hy Sinh có ở đời,
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi .

(Cảm xúc)

Bây giờ đã là thập niên thứ hai của thế kỷ 21 nhưng thân phận của người phụ nữ Việt Nam vẫn còn nhiều cay đắng vì quan niệm của người đàn ông Việt Nam về mình và về thế giới quan, nhân sinh quan vẫn như xưa. Do nhãn quan chính trị bị đầu độc bởi ý thức hệ cộng sản (một kiểu phong kiến trá hình) và bị “cầm tù” trong sự giáo dục nhồi sọ nên nhiều người đàn ông Việt Nam vẫn chưa nhận biết được rằng thế giới đã thay đổi rất nhiều, nam nữ đã thật sự bình đẳng. Tình yêu chỉ bền vững khi được xây dựng trên sự hy sinh của cả hai người chứ không riêng gì người phụ nữ. Cũng vì thiếu tự do và luôn bị đe nẹt khi mạo hiểm khám phá thế giới mới bên ngoài nên đàn ông Việt Nam trở nên yếu đuối và thiếu tự tin một cách đáng lo ngại. Thanh niên Việt Nam đi ra bên ngoài luôn như “con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô”. Thay vì đi du lịch, khám phá những chân trời mới, lý tưởng mới hay đơn giản là một vùng đất mới ngay trong lãnh thổ Việt Nam thì nhiều thanh niên chỉ biết tìm niềm vui trong rượi chè, cờ bạc, trai gái, thậm chí hút chích…

Lỗi này phần lớn là do nền giáo dục “xã hội chủ nghĩa”. Một nền giáo dục lệch lạc từ gia đình (với tư tưởng phong kiến của các ông bố bà mẹ), đến nhà trường (với lối giáo dục một chiều, nhồi sọ và xa rời thực tế) đến sự băng hoại đạo đức của xã hội. Một xã hội bát nháo và đảo lộn mọi giá trị. Cái xấu và vớ vẩn thì được khuyến khích (như ăn nhậu, chơi bời) trong khi cái tốt đẹp, đáng làm (như việc làm từ thiện hay tự do theo đuổi những ước mơ) thì luôn bị ngăn cản, cấm đoán.  

Để trở thành một người đàn ông tốt thì cần rất nhiều điều kiện: Sự ủng hộ của gia đình, sự nâng đỡ và khuyến khích của xã hội và một môi trường sống tự do, bình đẳng trong cơ hội tiến thân và cuối cùng là sự cố gắng, nỗ lực hết mình của bản thân mỗi người. Nhìn vào thực tế của xã hội Việt Nam bây giờ thì ai cũng thấy rõ một điều là: Bế tắc toàn tập. Bế tắc trong mọi địa hạt, từ kinh tế, chính trị, văn hóa. Sinh viên Việt Nam tốt nghiệp ra trường vẫn thất nghiệp dài dài trong khi đó bạn bè của họ có điều kiện ra nước ngoài học tập đều có công ăn việc làm và thu nhập gấp hàng chục, hàng trăm lần họ. Chính vì sự bế tắc trong cuộc sống đã khiến nhiều đàn ông Việt Nam chán nản, mất niềm tin vào bản thân và tương lai nên chỉ biết tìm vui trong những thú tiêu khiển tầm thường và có hại như cờ bạc, rượi chè, trai gái...

Ngay cả với những người đàn ông Việt Nam may mắn thành công thì họ cũng chỉ biết thể hiện sự đẳng cấp của mình bằng những trò giải trí như ăn chơi sành điệu, hàng hiệu, rượu Tây và chinh phục phụ nữ… Họ sống thờ ơ và lạc lõng với mọi người xung quanh. Họ thu mình trong ốc đảo của mình với những người bạn ít ỏi thay vì tham gia vào những việc làm có ích như làm từ thiện, góp phần vào việc nâng cao dân trí, nâng đỡ những người xung quanh, xây dựng các hội đoàn cho giới đồng nghiệp. Họ sống ích kỷ và xa lánh thế sự. Đến khi bản thân gặp hoạn nạn cũng không biết chia sẻ cùng ai.

Đã đến lúc đàn ông Việt Nam cần thay đổi suy nghĩa và cách hành xử của mình để sống xứng đáng với một kiếp người. Cuộc đời thật là ngắn ngủi, thời gian trôi rất nhanh, hãy làm cái gì đó có ích cho bản thân, cho gia đình mình và nếu được thì cho cả mọi người xung quanh, cho xã hội. Việc đầu tiên mà ai cũng thể làm được là khoanhãy vội “bực mình” với những lời chỉ trích. Nếu mình không như vậy thì có gì mà phải “lăn tăn” còn nếu còn có một vài khuyết điểm xấu thì hãy mạnh dạn sửa đổi.  Hãy bình tâm xem xét và “ăn năn” cái đã. Những ai không xấu như thế thì thật là may cho gia đình và vợ con họ. Còn ai lỡ dính nhiều tính xấu như vậy thì cũng bớt bớt đi một vài thứ cho vợ con nhờ.

Hạnh phúc đích thực của mỗi người là làm cho những người khác hạnh phúc, nhất là những người thân bên cạnh mình. Kể ra, để  “cạnh tranh” với cánh đàn ông Tây thì cũng hơi vất vả nhưng không phải là đàn ông Việt Nam không thể làm được, bằng chứng là nhiều cô gái Tây cũng chết mê, chết mệt nhiều anh trai Việt Nam.

Hãy dành thời gian nhiều hơn cho việc đọc sánh nhằm nâng cao hiểu biết của mình về thế giới xung quanh. Kiến thức rộng rãi sẽ khiến chúng ta tự tin hơn và chính sự hiểu biết đó sẽ mách bảo chúng ta biết phải làm gì để làm cho cuộc đời mỗi người trong chúng ta phong phú hơn, có ý nghĩa hơn.

Hãy quan niệm tích cực rằng “chúng ta là những con người tự do” để có thể mạnh dạn làm những gì mà chúng ta thấy thích, thấy đúng, thấy cần làm.

Hãy sống đúng với con người thật của mình một cách lương thiện.

Phụ nữ Việt Nam là tuyệt vời nhất trên trái đất, vì vậy, hỡi cánh đàn ông Việt Nam! Hãy sống xứng đáng với tình yêu tuyệt vời mà họ đã dành cho chúng ta.

Việt Hoàng
  (Thông luận)

Nguyễn Quang A - Quyền tiếp cận thông tin

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông trước Quốc hội hôm 21.11 vừa rồi, Chủ tịch Quốc hội đã phải than phiền: “Chúng ta có rất nhiều đài, nhiều khi bắt người dân nghe quá nhiều, làm tác động đến môi trường sống”.
Hoan nghênh Chủ tịch Quốc hội đã nêu ý kiến hợp lòng dân.
Nhìn chung, trừ các đài ở trung ương, còn lại rất nhiều đài phát thanh, truyền hình từ cấp tỉnh trở xuống ngốn rất nhiều tiền ngân sách...

Tuy vậy các đài này là công cụ tuyên truyền, cứ phát và ép người nghe, người xem phải nghe, phải xem hoặc phải tắt máy đi, hoặc chẳng có cách gì khác (như với đài phường). Đúng như Chủ tịch Quốc hội nói “bắt người dân nghe quá nhiều” thông tin một chiều mà người dân đành chịu. Không những lãng phí, mà còn “tác động đến môi trường sống”, nói chính xác là gây ô nhiễm môi trường, đúng như Chủ tịch Quốc hội nói, làm tổn hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân.
Đấy là nói đến thông tin một chiều từ cơ quan tuyên truyền tới người dân. Nhưng cũng có người nói đấy là việc rất quan trọng để góp phần vào việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân. Nghe có vẻ có lý nhưng là điều ngụy biện. Quyền tiếp cận thông tin của người dân là một quyền hiến định, là việc người dân muốn biết thông tin liên quan đến hoạt động của các cơ quan nhà nước (hay của các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ); công dân nêu yêu cầu về thông tin của mình và cơ quan nhà nước (hay tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ) phải cung cấp thông tin cho công dân. Nó là loại thông tin hai chiều, công dân hỏi, cơ quan trả lời, chứ không phải thông tin áp từ trên xuống buộc người dân phải tiếp nhận.
Cũng trong phiên chất vấn trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, từ năm 2009, do khó khăn về kinh phí, nguồn lực nên dự án luật về đảm bảo quyền thông tin của người dân chưa được khởi động. Ông hứa trong tương lai “nếu điều kiện cho phép, Bộ Tư pháp sẽ báo cáo Chính phủ đảm bảo nhiệm kỳ này trình ra Chính phủ dự án Luật Tiếp cận thông tin”.
Ở nhiều nước tiên tiến, họ có luật rất nghiêm để đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân. Trừ các thông tin liên quan đến an ninh quốc gia, công dân có thể đòi cơ quan nhà nước, hay bất cứ tổ chức nào được Nhà nước hỗ trợ ngân sách, phải cung cấp thông tin mà không cần nêu lý do.
Quốc hội nên tự soạn thảo hoặc buộc Chính phủ trình luật này càng sớm càng thể hiện sự tôn trọng quyền dân chủ của nhân dân.

Nguyễn Quang A

(Dân Việt)

Trung Quốc từ chối bắt nhà hoạt động

Ông Wu'er Kaixi và Wang Dan ở Đài Loan hồi năm 2011
Ông Wu'er Kaixi đã bốn lần toan nộp mình cho Bắc Kinh

Chính quyền Bắc Kinh từ chối nhập cảnh đối với một nhà hoạt động thời Thiên An Môn, người muốn nộp mình cho nhà chức trách.

Ông Wu'er Kaixi đáp máy bay của xuống Hong Kong từ Đài Loan, nơi ông đang sinh sống, nhưng đã bị trả lại về Đài Loan.

Đây là lần thứ tư ông Kaixi làm như vậy mà bất thành. Ông nói việc ông không được vào Hong Kong là do những hành động "trái khoáy" của chính quyền Trung Quốc.

Ông Wu'er đã tự sống lưu vong trong hơn hai thập niên và mặc dù ông đang bị truy nã nhưng cũng lại bị cấm trở lại Trung Quốc giống như nhiều nhà bất đồng chính kiến khác.

Hãng tin AP nói ông Wu'er xác nhận qua tin nhắn điện thoại rằng ông bị trả lại Đài Loan.

Ông muốn nộp mình cho giới chức ở Hong Kong để họ trả ông về Trung Quốc khi chuyến bay từ Đài Bắc tới Bangkok quá cảnh ở Hong Kong.

'Đoàn tụ sau cửa kính'

Trong một bài viết trên blog của ông, Wu'er Kaixi nói ông muốn về Trung Quốc để thăm cha mẹ đang lâm bệnh và những người thân trong gia đình mà ông chưa gặp từ 24 năm qua.

Cha mẹ ông cũng bị cấm đi thăm ông.
"Điều tôi làm hôm nay là kết quả của hành động trái khoáy của chính quyền vốn một mặt ra lệnh bắt tôi nhưng mặt khác lại không cho tôi trở về."
Ông Wu'er Kaixi
Ông Kaixi viết: "Điều tôi làm hôm nay là kết quả của hành động trái khoáy của chính quyền vốn một mặt ra lệnh bắt tôi nhưng mặt khác lại không cho tôi trở về."

Ông nói ông muốn đoàn tụ với người thân "ngay cả khi việc đoàn tụ phải diễn ra sau bức tường kính."

Hồi năm 2009 ông Kaixi bị từ chối nhập cảnh khi tới Macau, một khu tự trị hành chính khác của Trung Quốc giống với Hong Kong.

Năm ngoái ông toan nộp mình cho Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington trong khi hồi năm 2010 ông bị bắt khi toan vào Đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo.

AP nói ông Kaixi trở nên nổi tiếng khi đấu khẩu với Thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ Lý Bằng trong cuộc gặp được truyền trực tiếp vào dịp nổ ra biểu tình Thiên An Môn hồi năm 1989.

Ông đứng thứ hai trong danh sách 21 lãnh đạo sinh viên bị truy nã sau khi quân đội trấn áp biểu tình khiến ít nhất hàng trăm người chết.

Ông Kaixi bỏ trốn khỏi Trung Quốc và sống lưu vong ở Hoa Kỳ và Đài Loan từ đó tới nay.
(BBC)

Trung Quốc: Các tập đoàn địa ốc nợ thuế hơn 600 tỷ đô la

Cờ Trung Quốc trên một công trường xây dựng nhà, Bắc Kinh, 04/11/2013
Cờ Trung Quốc trên một công trường xây dựng nhà, Bắc Kinh, 04/11/2013 (REUTERS/Kim Kyung-Hoon)

Trọng Nghĩa (RFI)

Hiện nay, các tập đoàn bất động sản chủ chốt của Trung Quốc còn nợ sở thuế tổng cộng hơn 3.800 tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 623 tỷ đô la. Số liệu trên đây không phải là một thông tin lưu hành nội bộ, mà đã được chính đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV tiết lộ trong một chương trình vừa được phát vào hôm qua, 24/11/2013. Phóng sự của đài CCTV đã làm dấy lên cuộc tranh cãi trong bối cảnh giá nhà cực cao tại Trung Quốc.

Theo hãng tin Pháp AFP, trong một chương trình hàng tuần dành cho người tiêu dùng, đài truyền hình Trung Quốc cho biết là lẽ ra các tập đoàn địa ốc lớn phải trả hơn 4.600 tỷ nhân dân tệ tiền thuế từ năm 2005 đến 2012. Thế nhưng, các cơ quan hữu trách chỉ thu được vỏn vẹn 800 tỷ mà thôi.

Đài CCTV cho biết đây là những số liệu do luật sư Lí Kính Tùng thuộc một công ty luật tại Bắc Kinh cung cấp. Ông đã từng nêu lên vấn đề này trong thời gian trước đây, nhưng chưa được một phương tiện truyền thông chính thức quan trọng nào nhắc đến.

Bản tin của CCTV đã không cho biết tổng số các tập đoàn, công ty bị cáo buộc nợ thuế, nhưng xác định là danh sách đó bao gồm 45 công ty bất động sản được yết giá trên thị trường chứng khoán ở trong nước lẫn ngoài nước, trong đó có các doannh nghiệp khổng lồ như Agile, SOHO China hay Vanke.

Hãng tin Pháp đã tìm cách phỏng vấn trực tiếp luật sư Lí Kính Tùng, nhưng chưa được.

Nguồn tin được đài CCTV loan tải đã lập tức tạo ra sóng gió trên mạng internet Trung Quốc, với hàng loạt những lời tố cáo sự « tham lam » của các nhóm bất động sản, trong bối cảnh giá căn hộ tại Trung Quốc gia tăng không ngừng trong những năm gần đây.

Một người sử dụng mạng Vi Bác nhận xét : « Giới phát triển bất động sản đã đội giá lên đến mức không ai chịu đựng nổi. Đã đến lúc họ phải từ bỏ một phần chiến lợi phẩm của họ ».

Ngược lại, một số doanh nghiệp bị vạch mặt chỉ tên đã tố cáo phương pháp tính toán của luật sư Lí Kính Tùng, bị họ cho là không chính xác, đồng thời lên án đài truyền hình trung ương là « ngu ngốc » và thiếu hiểu biết. Thậm chí có người còn dọa kiện CCTV ra tòa về vụ này.

Trong thời gian qua, đài CCTV đã được biết đến qua một loạt những vụ tấn công, chủ yếu nhắm vào các tập đoàn ngoại quốc hoạt động tại Trung Quốc, Từ chàng khổng lồ Mỹ Apple, tập đoàn Hàn Quốc Samsung, cho đến dây chuyền quán cà phê Mỹ Starbucks, hay hãng ô tô Đức Volkswagen…

Trung Quốc mở xổ số trúng giải 'sang Việt Nam tìm vợ'

Mặc dù bị cấm đoán, hàng trăm trung tâm mai mối hôn nhân giữa trai Trung Quốc và gái Việt Nam vẫn hoạt động gần như công khai tại Trung Quốc. Mới đây, một trang mạng còn mở một chương trình xổ số đặc biệt giúp người “may mắn” sang Việt Nam tìm vợ. Chương trình này kết thúc hôm 13 tháng 11, 2013 với sự tham dự của gần 30,000 người đàn ông Trung Quốc.
 
Công an Trung Quốc trao trả phụ nữ Việt bị bán sang nhà thổ Trung Quốc. (Hình: báo Lào Cai)

Báo mạng Lào Cai dẫn nguồn tin từ Global Times cho biết, người trúng giải may mắn được tham dự một chuyến sang Việt Nam để tìm vợ hoàn toàn miễn phí.

Nguồn tin này nói rằng trang web môi giới hôn nhân ở Trung Quốc tìm cách chiêu dụ hàng chục ngàn đàn ông Trung Quốc nhắm đến “thị trường Việt Nam.” Trang web này, nhân ngày lễ Độc thân 11 tháng 11 của Trung Quốc, hô hào rằng “Đừng buồn trong ngày lệ Độc thân. Hãy đến Việt Nam và tìm cô dâu cho mình.”

Cũng theo Global Times, chương trình quảng cáo thông qua giải xổ số nói trên đã đánh vào tâm lý của hàng chục ngàn ông độc thân ở Trung Quốc. Những người này bị “ế” vợ tại đất nước mình ngày càng nhiều vì lâm cảnh nghèo, không tìm đủ chi phí để cưới vợ “nội.” Vì vậy họ bắt đầu chuyển hướng, nhắm vào việc sang Việt Nam cưới vợ.

Trang mạng nói trên còn đề cao nhiều “đức tính” của phụ nữ Việt khi cho rằng cô dâu Việt Nam ngoan hiền, có đạo đức, “không ham vật chất như cô gái Trung Quốc.”

Global Time dẫn câu chuyện của một người đàn ông tự giới thiệu là Ren Xuan, 30 tuổi, công nhân một công ty tư nhân ở tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc cố gắng để dành một số tiền và chủ biên sang Việt Nam. Ông này nói rằng chỉ muốn “làm thử một chuyến xem sao.”

Mặt khác, cũng theo Global Times, những người trong cuộc – từ các ông chồng Trung Quốc cho đến các cô dâu Việt đều có thể trở thành nạn nhân của các tổ chức môi giới hôn nhân lừa đảo. Báo này cho rằng việc kiểm soát hoạt động môi giới bất hợp pháp từ lâu đã nằm ngoài tầm tay của các cơ quan luật pháp Trung Quốc. Bất chấp sự cảnh cáo của nhà cầm quyền của cả hai bên, cả đàn ông Trung Quốc lẫn các cô gái Việt đều lao vào cuộc. Một bên muốn tìm vợ với “giá rẻ.” Bên kia thì muốn tìm một cơ hội để “đổi đời,” bất chấp người ấy như thế nào.

Một số thanh niên Trung Quốc còn cho biết đã nhận được nhiều tài liệu quảng bá cho hoạt động môi giới, nói rằng chi phí về Việt Nam tìm vợ lên đến khoảng từ 5,000 đến 10,000 đô mỗi người, bao gồm chi phí mở tiệc cưới, trao quà cưới cho gia đình cô dâu cộng với visa. Đó là chưa kể chi phí ăn ở, đi lại thêm khoảng 2,500 đô Mỹ nữa. Các ông còn được khuyến cáo nên “đút túi” cho gia đình cô dâu Việt khoảng 2,000 – 5,000 đô nữa để được “mọi sự như ý.”

Hoạt động môi giới nở rộ hầu như công khai ở Trung Quốc suốt 9 năm qua, tính đến nay. Rất nhiều tổ chức buôn người đã dựa vào những lời quảng bá đầy hấp dẫn nói trên để đưa hàng trăm người vào bẫy, đặc biệt là các cô dâu Việt.

Theo thống kê chính thức của đại sứ quán Anh tại Hà Nội công bố, ít nhất 6,000 phụ nữ đã bị bán khỏi Việt Nam trong vòng bốn năm, từ 2005 đến 2009. Đây là con số này vừa được cập nhật hồi năm 2011. Trong số này, gần 3,200 người bị bán sang Trung Quốc để làm vợ đàn ông Trung Quốc hoặc bị đẩy vào “nhà thổ.” Cũng theo thông báo này, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của các tổ chức buôn người từ Việt Nam.
(Người Việt)

TQ âm mưu đánh chìm toàn bộ nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ

(Soha.vn) - Các trang web quân sự của TQ cho biết chỉ cần 2 chiếc máy bay bán ngầm mới của nước này là đủ để đánh chìm toàn bộ một nhóm tác chiến tàu sân bay của Hải quân Mỹ.

Do cần có đủ thời gian để xây dựng các tàu sân bay chống lại những nhóm tàu sân bay chiến đấu hùng mạnh của Hải quân Mỹ, Trung Quốc đang tìm kiếm ý tưởng để phát triển một loại vũ khí hoàn toàn mới, có khả năng tiêu diệt nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ, đồng thời hỗ trợ cho các tổ hợp tên lửa đạn đạo chống tàu sân bay DF-21D và tàu tên lửa cao tốc Type 022. Hiện tại, cả DF-21DType 022 đều chỉ có thể tấn công nhóm tàu sân bay chiến đấu của Mỹ khi chúng đã ở gần bờ biển Trung Quốc.
Một số website quân sự Trung Quốc như k618.cnqianzhan.com nói rằng, máy bay bán ngầm là một trong năm dự án vũ khí bí mật mà Trung Quốc đang phát triển và chỉ cần 2 chiếc máy bay như vậy là đủ để đánh chìm toàn bộ một nhóm tác chiến tàu sân bay của Hải quân Mỹ.
Theo đó, máy bay bán ngầm của Trung Quốc có phạm vi hoạt động cực lớn, tới 35.000 hải lý và có thể tiêu diệt một nhóm tàu sân bay Mỹ ở bất cứ vùng nào trên trái đất để bảo vệ tuyến giao thông đường biển quan trọng của Trung Quốc.

Trung Quốc đang bí mật phát triển một dự án máy bay bán ngầm, có khả năng lặn xuống biển hoặc bay sát mặt nước và âm thầm tiếp cận, tấn công tiêu diệt tàu sân bay Mỹ.
Chỉ cần 2 máy bay bán ngầm, Trung Quốc đủ sức đánh chìm toàn bộ nhóm tác chiến tàu sân bay của Hải quân Mỹ? (Ảnh minh họa)

Tờ Qianzhan cho biết, máy bay bán ngầm có thể lặn tới độ sâu 150 - 200 mét dưới nước, sau đó đột nhiên vụt bay lên không và duy trì tốc độ hành trình ở độ cao rất thấp 800km/giờ. Nó có khả năng siêu tàng hình cả ở dưới nước cũng như trên không. Ngoài ra, có rất nhiều hệ thống chống phát hiện được tích hợp bên trong máy bay, các hệ thống này sẽ rất hiệu quả khi đối phó với những mối đe dọa khác nhau.

Truyền thông Trung Quốc mô tả, khi máy bay này bay ở sát mặt biển, cách nhóm tàu sân bay 20 hải lý, hệ thống phát hiện của nó có thể tự động khóa 12 mục tiêu và phóng đồng thời 12 tên lửa để tấn công các mục tiêu này một cách bất ngờ. Tờ Qianzhan thì khẳng định máy bay chống ngầm này có khả năng tấn công xa hơn, nhưng một cuộc tấn công bất ngờ từ cự li gần sẽ tạo ra lợi thế không cho kẻ thù thời gian kịp phản ứng.
Với khả năng tàng hình và đặc biệt là bay sát mặt biển, máy bay bán ngầm này có thể bí mật tiếp cận tàu sân bay Mỹ trong bán kính 4-5 km mà không bị phát hiện. Đó sẽ là một mối đe dọa thật sự lớn. Khi máy bay bị khóa bởi một tên lửa, nó có thể tăng tốc độ để chạy trốn trong khi vẫn phóng ra các tên lửa chống hạm để tiêu diệt các tàu hộ tống thuộc nhóm tàu sân bay.

Do đây là một dự án bí mật hàng đầu, nên giới truyền thông Trung Quốc cũng mới chỉ phỏng đoán rằng nó có thể mang được 12 tên lửa chống hạm và kíp lái 5 người. Tuy nhiên, họ nói rằng, 4 chiếc máy bay bán ngầm mới nhất sẽ triển khai tới một căn cứ trên đảo Hải Nam của Trung Quốc.

Học trò bị áp lực, cô đơn... dễ mắc bệnh tâm thần

Mỗi năm tại khoa khám nhi - Bệnh viện tâm thần TP.HCM tiếp nhận hơn 1.000 ca học sinh bị rối loạn lo âu, trầm cảm (một thể của bệnh tâm thần). Lứa tuổi từ 6 đến 15 chiếm hơn 50% .

Thầy cô cũng gây áp lực

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Giang, trưởng khoa khám nhi (Bệnh viện Tâm thần TP.HCM), học sinh rối loạn lo âu tăng nhiều trước và sau mùa thi vì chịu sức ép, áp lực học tập, thi cử từ gia đình, thầy cô.

Một bác sĩ khác tại khoa khám nhi (Bệnh viênTâm thần TP.HCM) kể: Một trường học HS lớp 8 Trường chuyên Trần Đại Nghĩa bị rối loạn lo âu thể nặng, trong đầu cậu bé cứ văng vẳng lời của cô giáo: Các anh chị là học sinh trường chuyên mà học tập thế này à, có xứng đáng không. Học sao cho xứng tầm là học sinh trường chuyên chứ.

Như vậy, vô tình thầy cô gây áp lực cho học sinh. Các em bị điểm kém dễ sợ hãi, lo âu... mỗi ngày cứ tích tụ dần, đến ngưỡng nào đó, các em chịu hết nổi sẽ dẫn tới rối loạn lo âu, người cứ hồi hộp, sợ sệt, mất tập trung, thậm chí nói nhảm một mình.

“Ca này, chúng tôi đành phối hợp với gia đình chuyển trường cho cháu và làm việc với thầy cô giáo ở trường mới giúp đỡ em để cải thiện bệnh tình. Và khi chuyển trường có sự phối hợp của phụ huynh và nhà trường, trong thời gian ngắn em đã khỏi bệnh”, vị bác sĩ này cho hay.
 
Một nam sinh THPT đến khám sức khỏe tâm thần tại Bệnh viện tâm thần TP.HCM. Ảnh minh họa, nguồn Internet

Học sinh cô đơn dễ mắc tâm thần

Một trường hợp khác, một cậu học trò lớp 10 tìm đến bác sĩ Nguyễn Thị Giang, trưởng khoa khám nhi (Bệnh viện Tâm thần TP.HCM) nói về mình: Cô ơi con thấy mình có những triệu chứng trầm cảm nhẹ, con còn nhận thức được, con lên mạng đọc và con thấy có những triệu chứng như vậy nên con tìm đến đây để khám và điều trị. Cô giúp con nhé!

Tiếp nhận ca này, bác sĩ Giang hỏi, sao con không nói với bố mẹ đưa đến khám vì con còn nhỏ. Nhưng em trả lời không một chút đắn đo: “Con có nói với ba mẹ đó chứ, con nói trong người con cứ thấy hồi hộp, lo sợ điều gì đó không rõ ràng. Nhưng mẹ còn mắng con, học không lo học đàng hoàng, nói chuyện nhảm nhí. Mẹ phớt lờ, và không tin lời con nói”.

Theo bác sĩ Giang, giới trẻ bây giờ biết lo lắng cho sức khỏe của mình, thấy trong người có những biểu hiện khác lạ là lên mạng tra cứu về những biểu hiện bệnh lý của mình và…tự đi bác sĩ một mình.

“Với các trường hợp như thế này, chúng tôi cho thuốc để các em về các em lên mạng xem có cho đúng thuốc không, thuốc có tác dụng phụ gì không rồi gọi điện thoại trao đổi với chúng tôi”, bác sĩ Giang nói vào cho biết thêm, những trường hợp các em tự đi khám, bác sĩ phải liên lạc với phụ huynh để cùng nhau hợp tác trong điều trị cho các em.
Theo tìm hiểu, các em khá cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Ba, mẹ bận rộn với công việc, ít quan tâm và các em thường hay lo sợ trước nhưng kỳ thi quan trọng như tuyển sinh lớp 10, thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH-CĐ. Ba mẹ hay đặt chỉ tiêu và ít quan tâm chia sẻ, nên các em dễ mắc bệnh. 
 
Cha mẹ đặt chỉ tiêu thi cử cho con vô tình gây áp lực, căng thẳng khiến lứa tuổi học sinh rất  dễ mắc các bệnh về tâm thần (ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
Học sinh tự đi khám tâm thần

Trong một năm, chỉ riêng bác sĩ Giang đã tiếp nhận khoảng 10 trường hợp học sinh đi khám tâm thần một mình, các em chủ yếu là học sinh THPT. Điều này cho thấy giữa cha, mẹ và các em không có sự gần gũi, con cái ít dám tâm sự, hay nói chuyện riêng tư của mình cho ba mẹ để được chia sẻ.

“Chưa có con số thống kê chính thức, nhưng nếu các em không được can thiệp sớm thì việc rối loạn thâm thần như trầm cảm, lo âu trong một thời gian dài... bệnh tình sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn, lúc đó công tác chữa trị sẽ rất tốn kém và gặp nhiều khó khăn hơn”, bác sĩ Giang nhấn mạnh.

Ngoài ra, bác sĩ Giang cũng khuyến cáo: Học sinh khi bị rối loạn tâm thần nếu được can thiệp sớm, việc chữa trị thành công gần như 100%. Do đó, bác sĩ cần sự hợp tác từ phía gia đình mới “cắt” được stress cho trẻ. Còn nếu cha mẹ cứ khư khư "ôm" quan điểm của mình và cho rằng con lười, con mê game, mê lên mạng và chiều con là rất khó điều trị.
Bài, ảnh: Quốc Việt
(Một Thế giới)

Israel đứng sau vụ ám sát Tổng thống Kennedy?

Tổng thống Kennedy ít phút trước khi bị bắn (Ảnh: truyền thông Mỹ)
Một nhà bình luận Mỹ cho rằng việc phản đối Israel sở hữu vũ khí hạt nhân có thể là nguyên nhân khiến Kennedy bị giết. Tiến sĩ Kevin Barrett, nhà bình luận chính trị Mỹ, cho rằng Israel đứng đằng sau vụ ám sát cựu Tổng thống Mỹ John F. Kennedy vì ông phản đối kế hoạch trở thành một quốc gia về năng lượng hạt nhân ở Trung Đông của Israel. 
Trả lời phỏng vấn Press TV ngày 24/11, một ngày sau khi Mỹ tưởng niệm 50 năm vụ ám sát Tổng thống Kennedy, Tiến sĩ Kevin Barrett nhấn mạnh: “Với hiểu biết thông thường thì bất cứ ai cũng thấy rằng việc Israel có vũ khí hạt nhân hoàn toàn là một thảm họa đối với thế giới. 
Người Israel là những người cực đoan cuồng tín nghĩ rằng họ đang bị bức hại ở khắp mọi nơi mà họ tới và vì thế họ cần phải hung tợn, không khoan nhượng… Họ nhiều khả năng sẽ sử dụng đến vũ khí hạt nhân”. "Tổng thống Kennedy cũng như Tổng thống Eisenhower và tất cả những người Mỹ có lương tri sẽ không muốn Israel sở hữu vũ khí hạt nhân. Tổng thống Kennedy đã cố gắng đóng cửa chương trình hạt nhân của Israel. Cựu Thủ tướng Israel David David Ben-Gurion đã từ chức để phản đối và chưa đầy 6 tháng sau đó Kennedy bị ám sát và Israel tiếp tục trên con đường trở thành một cường quốc hạt nhân", Barrett nói. 
Ngày 22/11/1963, Tổng thống Kennedy đã bị ám sát bởi tay súng bắn tỉa Lee Harvey Oswald ở Dallas. Ông đã bị bắn vào đầu khi ngồi trên một chiếc limousine mui trần đi vào thành phố. Mặc dù theo các điều tra chính thức, Oswald, một cựu Thủy quân lục chiến, được xác định chịu trách nhiệm về vụ ám sát, nhưng cái chết của Tổng thống Kennedy vẫn còn nhiều bí ẩn. 
Vị Tổng thống 46 tuổi - người chỉ có 3 năm tại nhiệm, nhưng được xếp vào danh sách các vị Tổng thống được yêu quý nhất. Kennedy là tổng thống thứ tư của Mỹ bị giết khi đang tại nhiệm. Rất nhiều người Mỹ tin rằng vụ ám sát Tổng thống Kennedy không chỉ có duy nhất một người./.

Thanh Hà
(VOV) 

Đinh Phương Thảo - Xin hãy nhân đạo mà thả tự do cho bố tôi và tất cả các Tù Nhân Lương Tâm trên đất nước đau khổ này

Lại thêm một người Tù Nhân Lương Tâm nữa đã ra đi trong ngục tối! Nhận được hung tin mà trong lòng thấy nghẹn, không thể cất lên thành lời. Cầu mong linh hồn người quá cố được siêu thoát, cầu cho vong linh của người quá cố bảo vệ che chở cho sinh mạng của bố con và những người Tù Nhân Lương Tâm khác đang chịu cảnh đọa đày.

Cái chết của những Bùi Đăng Thủy, những Trương Văn Sương, những Nguyễn Văn Trại, thực sự đã làm cho tất cả những ai yêu chuộng công lý hòa bình phải bật khóc. Vâng, không khóc sao được, khi đã 38 năm kể từ ngày “nước nhà thống nhất” mà vẫn còn cảnh ai oán bi thương trên khắp đất nước này. Họ gầy gò, họ nhỏ bé, họ đau đớn, bệnh tật và họ chêt trong cô đơn, không người thân thích. Những con người này, liệu họ còn có khả năng gây nguy hại gì cho đất nước, mà tại sao các vị lãnh đạo nhà nước còn cầm tù họ? Nhưng các vị có biết không? Bạo quyền của các vị chỉ có thể giam cầm thân xác con người ta thôi, không thể nào giam cầm được ý chí và tâm hồn của họ. Mãi mãi không bao giờ!

Khối u được cắt bỏ từ dạ dày của thầy giáo Đinh Đăng Định.
Bố cũng thế. Chỉ đơn giản là một con NGƯỜI đúng nghĩa, không thể không lên tiếng trước những bất công xã hội, không thể im lặng trước vi phạm, chà đạp nhân quyền, cho nên bố đã cất lên tiếng nói. Bố góp ý phê bình công tác giáo dục của tỉnh Đắk Nông nơi mà bố đang công tác thì bị người ta đe dọa cho nghỉ việc. Bố kêu gọi nhà nước chính quyền ngừng khai thác boxit Nhân Cơ - Đăk Nông, thì bị công an mời đi làm việc. Bố không tham gia bất kỳ một tổ chức, đảng phái chính trị nào cả. Ấy vậy nhưng người ta vẫn bất công, vẫn ngồi lên luật pháp và giáng cho bố bản án 6 năm đầy nghiệt ngã. Có nơi nào trên thế giới này như đất nước tôi không?

Còn nhớ, vào tháng 10/2010, trong ngày lễ tốt nghiệp đại học của con, đã không có bố mẹ đến dự. Ngày đó, con đã vô tình khi không biết thời gian con ở Sài Gòn học hành, là cũng bằng ấy thời gian bố bị chính quyền địa phương gây khó dễ, cản trở. Con không biết ngày con tốt nghiệp cũng là ngày mà chế độ này huy động một lực lượng hùng hậu đến bao vây nhà ta, đến đánh cướp cái máy tính là tài sản bố mua cho con để phục vụ con học tập. Để rồi một năm sau, cũng vào một ngày tháng 10, sau cái ngày nghe tin nhà độc tài Gaddafi bị tiêu diệt, thì họ lại dùng đội quân hùng hậu ấy đến để bắt bố. Ngày ấy, con cũng đã không có mặt ở nhà để chứng kiến. Mẹ và em đã tan nát cõi lòng khi nhìn thấy cảnh người ta bắt bố đi khi bữa cơm chiều mẹ còn chưa kịp chuẩn bị cho bố…

Bố bị tạm giam, bố bị người ta đánh đập trong nhà tù, bố tuyệt thực trong tù, bố đã phải mấy lần đi cấp cứu ở trạm y tế trại giam; mẹ và các con ở bên ngoài thì bị khủng bố tinh thần, không hay biết tình cảnh bố trong trại tạm giam như thế nào; thậm chí người ta còn đưa bố đi bệnh viện tâm thần Biên Hòa nhằm thực hiện một âm mưu bẩn thỉu. Cái lần người ta đưa bố đi bệnh viện tâm thần Biên Hòa, con may mắn được một bác tốt bụng liên lạc báo tin, con và mẹ tức tốc đến. Phải khó khăn lắm mới xin được gặp bố. Người trong song sắt bệnh viện, người ngoài song, được gặp bố mà sao lòng đau quá đỗi. Bố con đây - người thầy giáo mẫu mực mà chúng con hằng kính yêu - một người tâm trí sáng suốt tỉnh táo mà sao lại ở chung với các bệnh nhân tâm thần thế này. Một buổi sáng thứ 7, con và em lóc cóc đến bệnh viện tâm thần mong sao gặp bố, thì được thông báo người ta đã đưa bố về trại rồi. Con và em chỉ còn biết ôm nhau mà khóc, vô phương quá, quẫn bách quá. Họ đưa bố đi đâu, làm gì đều trong âm thầm lặng lẽ.

Những tưởng hết 4 tháng tạm giam, họ sẽ đưa bố về. Con, mẹ và các em đã hí hửng lên kế hoạch đón bố để về nhà ăn tết. Nhưng không, họ lại đưa thêm quyết định tạm giam bố thêm 4 tháng nữa và không những thế, họ còn ra quyết định khởi tố bố. Phiên tòa sơ thẩm của bố, không luật sư bào chữa, không bạn bè, không anh em họ hàng, chỉ có mẹ và em - 2 con người nhỏ bé đến tội nghiệp trước đám đông bạo quyền. Một phiên tòa bỏ túi với bản án định sẵn: 6 năm tù cho một nhà giáo yêu nước! Trước tòa bố khẳng khái tuyên bố mình vô tội và yêu cầu được trả tự do, bồi thường tài sản đã bị mất. Nhưng tiếng nói của một mình bố không thể ngăn nổi sức mạnh của đội quân hùng hậu ngoài kia.

Phiên phúc thẩm, bố đã có luật sư Thanh Lương, ngoài mẹ và em còn có con và cô Bé đến dự phiên tòa. Phiên tòa vẻn vẹn chưa đầy 2 tiếng. Vẫn công an sắc phục cũng như thường phục, an ninh, dân phòng đông đúc, bố vẫn tuyên bố mình vô tội, yêu nước không có độc quyền. Nhưng, vẫn ko thể thay đổi được gì. Bản án đã được các thế lực mà bố-con-chúng ta không bao giờ thấy mặt-định sẵn rồi. Con đã gào thét lên khi thấy họ đánh dùi cui vào đầu bố để đưa bố vào xe bít bùng; trong khi mẹ thì bị 4 người lính cơ động to khỏe bẻ quặp tay, khóa chặt mẹ lại.

Sau phiên phúc thẩm của bố, con lại vội vã thu xếp cho một chuyến công tác 6 tháng xa nhà. Trong thời gian ấy thì mẹ báo cho con biết rằng bố đã bị chuyển đến trại giam An Phước, thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương. Bố thường xuyên bị đau phải cấp cứu. Sau 6 tháng con trở về, đi thăm gặp bố được 2 lần, chuẩn bị đi thăm bố lần thứ 3 thì nhận được hung tin bố lâm trọng bệnh: Bác sỹ bảo bố có khối u rất to trong dạ dày, 80% là ung thư ác tính!

Trước ngày bố lên bàn phẫu thuật, mẹ như người mất hồn. Mẹ gầy mòn héo hon. Nhưng mọi người đều tin rằng bản năng của bố sẽ giúp bố vượt qua cuộc đại phẫu. 5h chiều hôm ấy, nhìn thấy bố yếu ớt thều thào trong phòng hồi sức cấp cứu, con vừa mừng vì bố đã hồi tỉnh sau cuộc phẫu thuật kéo dài hơn 5 giờ đồng hồ để cắt bỏ đi 3/4 dạ dày, vừa lo lắng liệu với sức khỏe sau cuộc đại phẫu thì bố làm sao có thể chống chọi khi không có người thân ở bên chăm nom. Nỗi lo lắng ấy càng tăng lên khi mẹ hỏi bác sỹ kết quả xét nghiệm khối u của bố. Phải năm lần bảy lượt mẹ đi hỏi, vị bác sỹ mới dám hé lộ một chút thông tin: Bố bị ung thư, khối u đã di căn đến các hạch trong cơ thể! Một lần nữa mẹ như người mất hồn, mẹ lắp bắp bối rối khi báo hung tin cho bố. Những tưởng bố sẽ ngã, nhưng không. Bố lại bình tĩnh đón nhận đến không ngờ. Chính bố còn khuyên mẹ, động viên con và các em cố gắng vì “còn nước còn tát”. Bố bảo ”còn rừng thì không sợ thiếu củi”. Chính bố lại là người tiếp thêm động lực cho mẹ và các con. Mặc dù xung quanh bố, lúc nào cũng có 5 vị cán bộ đại diện cho công quyền canh giữ chặt chẽ; mặc dù mỗi lần con đến thăm gặp bố, họ đều mang máy quay phim ra thu âm, ghi hình con- đến mức con phải cảm thấy khó chịu.

Một lần khi mẹ vào thăm gặp bố, bố đùa bảo, nếu ông trời không thương, mà bố phải chết, thì hãy hỏa táng bố và mang tro rải xuống sông Sài Gòn, để hồn bố được chu du khắp đất nước. Nghe mẹ nói lại như thế mà con nấc nghẹn. Nhất định bố không thể chết được, bố ơi. Trời không phụ người hiền, nhất định bố sẽ khỏi bệnh, bố ạ.

Bố vừa truyền hóa chất được một lần, bị tác dụng phụ của thuốc, bố ói mửa liên miên, nửa đêm lên cơn đau bụng, đổ mồ hôi như tắm, phải gọi bác sỹ trực đến cấp cứu. Ấy vậy nhưng trại giam lại đột ngột cho xe đến đưa bố về trại. Đột ngột đến mức cả mẹ, cả con, và ngay cả bố còn không thể tin được. Chẳng kịp chuẩn bị gì cho chuyến trở về trại giam của bố cả. Con được mẹ báo tin, từ nơi làm việc vội thuê xe ôm đến bệnh viện. Khi đến nơi, chỉ kịp thấy xe cứu thương lao ra từ cổng bệnh viện. Con chạy theo, gào thét và bất lực.

Cái cách mà trại giam phối hợp với bệnh viện đón bố về, còn hơn quân ăn cướp, vội vã, bí mật. Thậm chí vị bác sĩ trực tiếp điều trị cho bố cũng không đến căn dặn, động viên bố lấy một lời. Có một nỗi sợ hãi vô hình nào đó đã khiến bác sỹ ấy không dám đến gặp và căn dặn bố nên con cũng không trách vị ấy được. Họ đều làm theo chỉ đạo cả. Nhưng con trách chế độ này sao vô nhân đạo quá đỗi. Bố bệnh tình đến mức này rồi mà họ còn không buông tha. Mẹ đã viết đủ các lá đơn, gửi đến tất cả các cơ quan hữu quan, từ đơn đề nghị miễn chấp hành án họ trả lời bố chưa đủ điều kiện để miễn; mẹ viết đơn xin hồ sơ bệnh án của bố, trại giam bảo họ không có thẩm quyền giải quyết. Mẹ viết tiếp đơn đề nghị tạm hoãn chấp hành án phạt tù để xin cho bố về nhà chữa bệnh; trong khi chứng bệnh ung thư di căn của bố vẫn đang phát triển trong người thì câu trả lời của các cấp thẩm quyền đến nay vẫn bặt vô âm tín. Không biết nơi đâu, cấp có thẩm quyền nào, thế lực vô hình nào chịu trách nhiệm cho sinh mạng của bố đây?

Có một lần, một bác sỹ bạn của bố đến bệnh viện thăm, tuy không được gặp bố, chỉ được đứng từ rất xa quan sát bố; nhưng bằng kinh nghiệm bác sỹ lâu năm, người bạn ấy nói với mẹ là bố bị ung thư giai đoạn 4 rồi. Về nhà, con mở lọ thuốc mà bệnh viện dùng để hóa trị cho bố ra đọc, thì thấy thuốc ấy để dùng cho người ung thư di căn giai đoạn 3… Dù bệnh tình của bố bị bưng bít, bị giấu nhẹm nhưng qua những lần thăm gặp bố, bằng trực giác, mẹ và con cảm nhận được bệnh tình bố đang nặng lắm rồi, nếu không muốn nói là ung thư giai đoạn cuối!

Họ đưa bố về trại giam, khi đến gặp ông phó giám thị trại giam, con được ông ấy bảo rằng đến ngày bố hóa trị, họ sẽ lại đưa bố đi bệnh viện để hóa trị. Nhưng con biết người bị ung thư di căn cần pháp đồ điều trị khoa học kèm theo chế độ chăm sóc chu đáo thì mới mong kéo dài được mạng sống; chưa kể đến việc hồi phục sau ca đại phẫu cần thời gian cả năm trời. Nhưng với điều kiện nhà tù đọa đày thân xác; rồi những lần di chuyển từ trại giam đến bệnh viện và ngược lại; những đợt hóa trị với tác dụng phụ của thuốc thì làm sao bố có thể… Con lo lắng, con bất an lắm. Dù rất muốn nhưng con không thể đặt niềm tin trọn vẹn vào trại giam và bệnh viện được. Sinh mạng của bố là do bác sỹ nắm giữ và quyết định. Nhưng điều trị cho bố như thế nào lại là do sự chỉ đạo từ trên cao. Họ chạy chữa thuốc men cho bố thì cầm chừng, gia đình không thể quyết định được bệnh viện điều trị hay thậm chí muốn xin cho bố được nằm điều trị ở một cái phòng thoáng đãng trong bệnh viện cũng không thể! Tại sao chế độ này lại mất nhân tính tới mức đày đọa bố con đến như thế. Còn chần chừ gì mà họ chưa chịu phóng thích bố con nữa?

Nhìn bố bơ vơ trên giường bệnh, mà lòng con xót xa. Nếu bảo con làm gì đó để đánh đổi lấy tự do cho bố, con cũng sẵn lòng làm. Chỉ mong sao bố được chữa bệnh đến nơi đến chốn, được mẹ và các con chăm sóc hàng ngày. Cuộc sống của con là do bố mẹ tạo ra, vậy mà ngày con trưởng thành, bố không kịp nhìn thấy - mới chỉ nghĩ đến đó thôi là ruột con như có ai đó xát muối vào rồi. Xin hãy đừng để có thêm một người Tù Nhân Lương Tâm nào phải chịu cảnh như người tù Bùi Đăng Thủy, Trương Văn Sương, Nguyễn Văn Trại nữa. Xin hãy nhân đạo mà thả tự do cho bố tôi và tất cả các Tù Nhân Lương Tâm trên đất nước đau khổ này.

Ngày hôm nay 25/11 trại giam lại chuyển thầy giáo Đinh Đăng Định đi cả trăm km lên bệnh viện ở Sài Gòn để thực hiện hóa trị đợt hai. Thầy Định sẽ phải trải qua tám đợt hóa trị, mỗi đợt gồm một ngày hóa trị, 14 ngày uống thuốc và 7 ngày nghỉ ngơi trước khi bước vào đợt hóa trị sau. Trong lúc này cơ thể rất mệt mỏi và đề kháng yếu, dễ bị nhiễm trùng - nhưng chính quyền vẫn tiếp tục chọn con đường đầy đọa tù nhân lương tâm này bằng những chuyến đi dài như thế, mà không cho thầy được nghỉ ngơi và điều dưỡng tại bệnh viện.

Trại giam và bệnh viện cũng từ chối cung cấp bệnh án của thầy Định cho thân nhân, đồng thời trại giam "lý luận" rằng bệnh viện đã xác nhận thầy Định đủ khỏe để tiếp tục thi hành án! Tất cả những gì mà gia đình thầy Định mong đợi lúc này là thầy được nghỉ ngơi và được khám chữa bệnh bởi những bác sĩ có chuyên môn và tại bệnh viện tiên tiến bởi bệnh viện 30/4 của Bộ Công An không phải là một nơi có uy tín trong lĩnh vực điều trị bệnh ung thư.

Hình chụp thầy Đinh Đăng Định năm 2003

Bà Đặng Thị Dinh, vợ tù nhân lương tâm Đinh Đăng Định, đang ngồi đợi được vào thăm chồng ngày 20/11/2013 tại cổng trại giam An Phước, tỉnh Bình Phước

Hình bà Dinh cho đàn mèo ăn cơm (Giờ đàn mèo ấy đã mất hết rồi, vì bà Dinh đi Sài Gòn chăm sóc thầy Định, ở nhà không ai chăm sóc đàn mèo, chúng đã bị người ta bắt hết).

Khối u được cắt bỏ từ dạ dày của thầy giáo Đinh Đăng Định.
Đinh Phương Thảo
Theo Dân Luận

Nỗi đói lạnh của người dân vùng lũ Quảng Ngãi

Một khu chợ ở Nghĩa Hành sau cơn lũ. RFA
Đã hơn một tuần kể từ ngày trận lũ lịch sử quét qua huyện Nghĩa Hành và một số huyện lân cận thuộc tỉnh Quảng Ngãi, nhưng đời sống người dân vùng rốn lũ thuộc xã Hành Tín Tây và Hành Tín Đông vẫn còn thoi thóp, rã rời, nhìn chẳng khác nào hoang địa. Không nước uống, không thức ăn, không có lối đi vì khắp nơi ngập tràn bùn non nhão nhoét… Những gương mặt buồn và những mái nhà buồn ẩm ướt hiện ra trước mắt, khiến chúng tôi cứ ngỡ ngàng như mình đang lạc vào một chốn hồng hoang, mịt mùng nào đó!

Đói, rét và sợ hãi


∇ Nghe tường trình
Một người dân ở xã Hành Tín Tây, than thở: Coi như không ăn uống gì hết, không có đâu mà ăn. Sóng thì nó dộng mà, nhào hết, cái thùng gạo xuống đất luôn, cất ở trên trính nó cũng nhào hết. Cái vạt cửa này nó cũng trôi hết rồi mới đi đơm lại (tìm), kiếm lại. Họ lượm họ mới cho, mới ráp lại đây. Cái thau cũng trôi, cái nồi cơm điện mới mua về, chưa nấu nó cũng trôi mất… Tôi mới nói là lụt năm 1999 cũng chưa bằng đâu! Năm 1999 nó tới đây (chỉ cái bàn gỗ) thôi! Mà năm nay nó lên tuốt trên đó (chỉ nóc nhà).

Một người nông dân khác, tên Nghĩa, ở xã Hành Tín Tây, cho chúng tôi biết là nhà của ông bị ngập đến chạm nóc, trong những ngày nước lũ, ông và vợ con cùng đứa cháu nhỏ phải chui lên một căn gác ọp ẹp vốn dùng để chất hạt giống, căn gác rộng chưa đầy bốn mét vuông, lót bằng gỗ thầu dầu tạm bợ. Nhiều lúc mưa gió, nước lụt nổi sóng, ngồi trên gác mà cảm giác được cả ngôi nhà đang rung, đong đưa theo nhịp sóng, ông và gia đình chỉ biết cầu nguyện Trời Phật phù hộ tai qua nạn khỏi.

Bùn non ngập ngang gối, nhà cửa trở thành nơi chứa bùn. RFA
...Tôi mới nói là lụt năm 1999 cũng chưa bằng đâu! Năm 1999 nó tới đây (chỉ cái bàn gỗ) thôi! Mà năm nay nó lên tuốt trên đó (chỉ nóc nhà).dân ở xã Hành Tín Tây

Thế rồi suốt hai ngày hai đêm chật vật chạy thoát con nước, gia đình ông cũng thoát được nạn hồng thủy. Khi nước rút, bước ra vườn, ông không dám tin vào mắt mình nữa, nó giống như một bãi rác, tất cả các loại rác rều ngập vườn, ngập sân, rắn rết, côn trùng bò lỏm ngõm… Gạo lúa ướt nhão, bùn non ngập đến quá gối, xác heo, xá gà nằm vất vưởng khắp nơi. Chẳng còn gì để ăn, gạo ướt, lúa ướt, vì nước ngập vào buổi tối và ngập quá nhanh, chỉ lo đưa người chạy trốn con nước được là quí hóa lắm rồi, mọi thứ vật dụng như ti vi, tủ lạnh, máy giặt, bàn ủi, xe máy… bị ngập ngổn ngang.




Tôi mới nói là lụt năm 1999 cũng chưa bằng đâu! Năm 1999 nó tới đây (chỉ cái bàn gỗ) thôi! Mà năm nay nó lên tuốt trên đó (chỉ nóc nhà)

» Dân ở xã Hành Tín Tây
Heo gà, trâu bò cũng không tài nào cứu kịp vì nền nhà ông Nghĩa cao hơn đường, khi nước ngập nhà thì không có cách nào đi ra đường được, heo nái ngụp lặn một hồi rồi uống nước lăn ra chết, hai con bò cố chống chọi với dòng nước, ngụp lặn và sống sót, còn bầy gà thì miễn bàn, bay tán loạn rồi rụng xuống nước hết như sung rụng mỗi khi có mưa lớn. Ông Nghĩa ngồi nhìn qua lỗ ngói mới đục trên mái nhà, chứng kiến cảnh súc vật, gia cầm nhà mình chết mà chỉ biết rơi nước mắt.

Một người nông dân khác tên Hiền, kể với chúng tôi rằng suốt cuộc đời, từ lúc cha sanh mẹ đẻ đến bây giờ, sống bên bờ sông Vệ đã hơn sáu mươi năm, ông chưa bao giờ chứng kiến một trận lũ dữ như trận lũ này, ông nói rằng phải gọi nó là lũ chứ không thể gọi là lụt, vì nước chảy quá xiết, tốc độ dâng của nó trong giờ cao điểm mỗi giờ lên một mét nước. Với tốc độ dâng và chảy xiết như vậy, gia đình ông hoàn toàn rơi vào hoang mang, không còn đủ bình tĩnh để dọn dẹp bất cứ thứ gì ngoài việc thả chiếc ghe nan ra sân và đưa gia đình lên đó.

Nhà neo đơn, chỉ còn hai ông bà và một người cha già, ông năm nay đã ngoài sáu mươi, người cha già đã ngoài tám mươi, ba người già ngồi trên ghe nhìn con nước trôi cuồn cuộn cuốn xô mọi thứ đồ đạt, vật dụng, không có gì để ăn, người cha già xỉu lên xỉu xuống, nước cũng không có để uống, hai ông bà phải dùng chiếc ca nhà binh hứng nước mưa mà uống. Đến nửa đêm, người cha già chuyển cơn đau bụng, đi tiêu chảy, hai ông bà không biết làm gì, chỉ còn nước kêu trời. Người cha già bảo ông Nghĩa ra bứt một ít đọt ổi cho ông nhai. Đến sáng hôm sau, nhờ một nắm đọt ổi đắng chát mà người cha thoát khỏi cơn đau bụng. Nhưng lúc này, cái đói hành hạ mọi người.

Không có cứu hộ, cứu trợ qua loa…

Theo như lời kể của một người nông dân yêu cầu giấu tên thì việc cứu hộ hoàn toàn không diễn ra trong đêm 16 tháng 11 ở xã Hành Tín Tây, mặc dù nhiều lần con gái của bà gọi điện kêu cứu đội cứu hộ nhưng đều nhận được câu trả lời là nước dâng quá mạnh, thôi thì hãy tự lo lấy bản thân. Một người nông dân khác ở xã Hành Tín Đông cũng kể với chúng tôi giống y như vậy. Bà còn nói rằng nhiều nhà, trước đó mấy giây còn gọi cứu hộ, sau đó nhà sụp, người trôi. Vì nước dâng cao nên âm thanh lan truyền trên mặt nước rất rõ, bà nghe cả tiếng kêu cứu, tiếng nói chuyện điện thoại và tiếng nhà sập rồi mọi âm thanh mất hút…




Sống bên bờ sông Vệ đã hơn sáu mươi năm, ông chưa bao giờ chứng kiến một trận lũ dữ như trận lũ này, ông nói rằng phải gọi nó là lũ chứ không thể gọi là lụt, vì nước chảy quá xiết, tốc độ dâng của nó trong giờ cao điểm mỗi giờ lên một mét nước

» Ông Hiền
Một người đàn ông tên Sở, sống ở xã Hành Tín Đông, vừa dọn bùn non, lượm mấy viên gạch còn sót lại của căn nhà sau lũ, vừa buồn bã nói: Cứu trợ là mình đi tìm những nơi cực khổ mà cứu trợ chứ còn ngồi trên ủy ban mà cứu trợ thì có biết cái đường nào đâu! Mới đây hắn cho có ba ký gạo với ba gói mì chớ mấy. Hai chai nước nữa (bà vợ thêm vào). Chưa có cứu trợ, ba ký gạo với ba gói mì chớ mấy! Cứ lo dọn dẹp miết ri chớ, có khi nào chính quyền phải giúp đỡ bớt đi chớ nhà ửa nó sụp tùa lua hết!

Ông Sở nói thêm rằng trong suốt một tuần nay, hầu như người dân chung quanh khu vực ông ở chẳng có chút lương thực, thực phẩm nào ngoài mấy gói mì tôm, một ít dầu và nước mắm nhận từ cứu trợ. Bởi vì mọi thứ đều ngập, ngay cả cái bếp cũng không còn để nấu ăn, nên chỉ có mì tôm và mì tôm, mấy ngày đầu không có nước vì giếng bị ngập, cả nhà ông phải chia mì tôm ra để ăn sống cho đỡ đói, mỗi ngày, tiêu chuẩn một người được một gói mì tôm, buổi sáng nửa gói, bốn giờ chiều nửa gói, ăn lấp bụng để sống sót qua cơn bĩ cực, đợi hồi sức một chút rồi tính tiếp.




Cứu trợ là mình đi tìm những nơi cực khổ mà cứu trợ chứ còn ngồi trên ủy ban mà cứu trợ thì có biết cái đường nào đâu! Mới đây hắn cho có ba ký gạo với ba gói mì chớ mấy. Hai chai nước nữa (bà vợ thêm vào)

» Ông Sở
Hiện tại, ở các chợ trong huyện Nghĩa Hành, bùn non vẫn còn ngập ngang đầu gối, chưa thể họp chợ. Nhưng nếu có họp chợ cũng chẳng có gì để bán, bởi rau màu, nông sản hoàn toàn bị hư hỏng. Đi từ xã Hành Tín Đông sang xã Hành Tín Tây, nhìn ra hai bên đồng ruộng, những vạt rau màu, những luống đậu tây, cà, dưa của nông dân bị nước ngập nhũn ra giống như ai đó vừa dội nước sôi đồng loạt lên, trông vừa thảm thương vừa đau xót.

Một người nông dân khác, tên Hải, với gương mặt buồn rầu, mệt mỏi, lắc đầu chua chát nói với chúng tôi rằng mấy ngày nay, ông không đủ thời gian để ăn uống bởi phải lo dọn dẹp ti vi, tủ lạnh, những thứ tài sản quí giá nhất của nhà ông bị ngập nước và bùn non. Có thể chúng đã hoàn toàn hư hỏng, nhưng dẫu sao, ông cũng hy vọng sẽ phục hồi lại được.

Ông bày tỏ thêm nỗi lo về bùn non, vì không có đơn vị bộ đội hay công an nào đến giúp nhân dân dọn bùn non, họ quá bận để lo dọn ở những cơ quan nhà nước. Bùn non ngập quá gối khắp nhà cửa, ruộng vườn là một nỗi lo không những hiện tại mà còn kéo dài cho đến ngày vào mùa, cho đến Tết với đường đầy bụi vào ngày nắng và nhầy nhụa vào ngày mưa. Có cả trăm nỗi lo, không riêng gì nỗi lo đói kém sau trận lũ mà trên thực tế, do con người gây nên, do những cái cửa đập vô tri vô giác của con người xây nên đã xả nước xuống đầu dân một cách không thương tiếc!

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
Theo RFA

=======
Nghe bài này

Khác biệt giữa Philippines và Việt Nam về chiến lược Biển Đông

Cả hai nước đều nhìn thấy các khu vực tranh chấp là lợi ích sống còn nhưng vẫn chưa đưa ra được phương thức rõ ràng trong việc khẳng định chủ quyền của mỗi nước.

Trong số các bên tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải ở khu vực Biển Đông, Philippines và Việt Nam là hai nước mạnh mẽ lên tiếng và phản đối nhiều nhất việc Trung Quốc bành trướng sức mạnh trong khu vực. Cả hai nước biết rõ tiềm lực sức mạnh và vị thế của mình khó có thể so sánh với Trung Quốc nên họ đã cùng hợp tác với Hoa Kỳ. Manila và Hà Nội nhanh chóng trở thành những đối tác chiến lược trong chính sách “trục châu Á” của Washington, đồng thời thiết lập các mối quan hệ ngoại giao với các nước khác để tìm kiếm thêm nhiều sự ủng hộ. Phillipines đã củng cố được sức mạnh quốc phòng và hải quân với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ và Nhật Bản. Trong khi đó, Việt Nam tìm đến các đối tác truyền thống của họ như Ấn Độ và Nga – các quốc gia này hợp tác với nhau nhằm tạo ra một đà tiên phong để chống lại sức mạnh cũng như sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực. Ngoài ra, cả hai nước cũng đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đối tác trong khối ASEAN.

Vấn đề tranh chấp biển Đông đã có một vài điểm đáng chú ý trong thời điểm vừa qua khi Phillipines đã mang “đường chín đoạn” ra toà án Liên Hiệp Quốc. Trong thời điểm trước đó, các bên tranh chấp đã tìm kiếm cách giải quyết khá nhạy cảm này thông qua các cơ chế khu vực và các cuộc đàm phán song phương. Có lẽ không ngạc nhiên khi Trung Quốc thấy khó chịu với động thái của Phillipines khi vấn đề tranh chấp đã từng được giao ước sẽ không quốc tế hóa. Có thể còn quá sớm để kết luận bất kì điều gì qua động thái đó của Manila, nhưng nó cũng là điểm đáng quan tâm để so sánh những nét tương đồng cũng như chênh lệch trong các chiến lược của Manila và Hà Nội trong vấn đề tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc.

‘Tiến thoái lưỡng nan’ của Việt Nam

Chiến lược của Việt Nam được hình thành dựa trên nền tảng lịch sử, địa lý cũng như mối quan hệ kinh tế gần gũi với Trung Quốc. Nền kinh tế của Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào đầu tư và thương mại của Trung Quốc và sự phụ thuộc này đã hạn chế khá nhiều hành động của Việt Nam. Và quan trọng hơn, những điều này đã mang lai những mất mát khá đắt giá cho Việt Nam.

Bài học lớn nhất cho Việt Nam khi phải phụ thuộc vào Trung Quốc là mất chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 và một phần quần đẩo Trường Sa (Johnson South Reef và Đá Chữ Thập). Do đó, Hà Nội có khá nhiều động lực và lí do để ngăn chặn hành động bành trướng sức mạnh của Trung Quốc. Các cuộc xung đột xảy ra trong thời gian qua giữa Hà Nội và Bắc Kinh xoay quanh những lần thăm dò khoáng sản biển của các nhà đầu tư nước ngoài, các buộc bắt giữ và sách nhiễu ngư dân, và những cuộc xung đột đó đã gây ra những làn sóng phản đối khá mạnh mẽ từ phía Hà Nội.

Tuy nhiên, bên cạnh các cuộc đụng độ là các sự kiện quan trọng mang tính tích cực giữa hai nước như phân định ranh giới đất liền, thiết lập vùng đánh cá chung tại Vịnh Bắc Bộ và gần đây nhất là lập đường dây nóng dành cho các hoạt động ngư nghiệp. Những hành động tích cực đó có thể hỗ trợ khá nhiều trong việc giảm thiểu “sự cố” trên biển phát sinh từ sự chồng chéo tại các khu vực đánh bắt cá mà hai bên đều lên tiếng tuyên bố có chủ quyền.

Cùng là hai nước xã hội chủ nghĩa với quá trình lịch sử có cả tranh chấp lẫn hợp tác đồng minh (Chiến tranh Lạnh và Chiến tranh Việt Nam), Hà Nội và Bắc Kinh đang thực hiện hợp tác dựa trên nhiều kênh chính thức lẫn không chính thức, bao gồm cả việc đàm phán Biển Đông. Những việc đó có thể kiểm soát những căng thẳng và không làm ảnh hướng đến các khía cạnh khác của mối quan hệ song phương, đặc biệt là thương mại và đầu tư.

Để có được những điều trên, không thể phủ nhận khả năng ngoại giao của Trung Quốc trong thời gian vừa qua. Trung Quốc đã giảm thiểu các cuộc xung đột với Việt Nam trong khi Bắc Kinh lại đang dính vào một vụ tranh chấp với Philippines tại Biển Đông. Việc Trung Quốc triển khai những chiến lược đúng đắn và đúng thời điểm với Việt Nam đã giúp mối quan hệ song phương được thúc đẩy mạnh hơn trong khi vẫn đang tranh chấp lãnh thổ và hàng hải. Những động thái này của Trung Quốc làm cho Việt Nam có khá ít “lí do” để ra quyết định thực hiện những động thái “nắn gân” như Philippines – thách thức các yêu sách của Bắc Kinh trước cơ quan quốc tế.

Tất nhiên, Việt Nam vẫn cố gắng tăng cường và mang chủ để Biển Đông ra trước diễn đàn ASEAN. Họ cũng đang cố gắng cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ để chia sẻ mối quan tâm lẫn nhau với Philippines, mặc dù những hành động ủng hộ cho các quyết định của Manila về vấn đề tranh chấp Biển Đông tương đối khá ít. Những hành động trợ giúp ở thời điểm hiện tại chưa thể tạo cho Hà Nội – Manila một mặt trận chung để đối phó với Bắc Kinh. Một lần nữa, Hà Nội lại bị hạn chế trong sự lựa chọn của mình để đối phó với Bắc Kinh vì họ không thể tạo ra quan điểm rõ ràng hay đưa ra những quyết định “mạnh tay”.

Hà Nội sẽ tiếp tục bày tỏ rõ thái độ không đồng tình của mình đối với Trung Quốc trước Diễn đàn Khu vực ASEAN, và họ vẫn muốn bày tỏ quan điểm này trên các diễn đàn quốc tế qui mô nhỏ hơn. Trong khi đó, như các nước ASEAN khác – đặc biệt những nước có liên quan đến chủ quyền ở Biển Đông – Việt nam sẽ theo dõi chặt chẽ các động thái của Manila để có thể định hình lại chiến lược của mình cho phù hợp. Với thách thức pháp lý của Manila, Trung Quốc có thể sẵn sàng thỏa hiệp với Hà Nội nhằm cô lập Manila và hơn nữa là ngăn chặn việc hình thành một mặt trận thống nhất chống lại các yêu sách của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Philippines cứng rắn

Trong khi đó, chiến lược Biển Đông của Philippines đối với Trung Quốc cũng đang tạo ra khá nhiều khó khăn cho Manila. Mặc dù có phần quản lý các đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa nhưng khả năng quân sự của Manila vẫn còn khá hạn chế. Kể từ khi “mối đe dọa Trung Quốc” trở thành hiện thực, Philippines mới có các quyết đóng quân ở Mischief Reef – 2 năm sau sự kiện dời các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ tại Philippines. Tranh thủ cơ hội này, Bắc Kinh đã tăng cường sự hiện diện của hải quân và cộng sự với số lược lớn trên khu vực.

Từ khi Hiệp ước Phòng thủ chung với Hoa Kỳ năm 1951 kết thúc, Philippines đã gặp vấn đề về quân sự khá lớn. Hiện có nhiều lo ngại rằng quan hệ Trung–Mỹ sẽ phát triển, trong đó Washington ngầm liên kết với Bắc Kinh để củng cố vị trí của mình trên Biển Đông. Những điều này đang có nguy cơ trở thành hiện thực và đem lại cho Philippines thách thức trong việc buộc phải đa dạng hóa các đối tác an ninh để có những hành động độc lập về quân sự trong tương lai. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn là đối tác quan trọng của Philippines, đặc biệt về thương mại và an ninh bất chấp những thăng trầm trong mối quan hệ giữa hai nước.

Manila đã đóng cửa các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở Subic và Clark vào năm 1991 nhưng vẫn cho phép quân đội Mỹ trở lại vào năm 1999 thông qua các hiệp định về thăm viếng quân sự, từ đó trở thành một đồng minh quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố. Bên cạnh trở thành một đối tác quan trọng trong chính sách “tái cân bằng” của Hoa Kỳ, Philippines cũng đã tăng cường quan hệ đối tác với Nhật Bản, chia sẻ mối quan tâm chung trong việc tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc. Các mạng lưới đối tác này mang lại khá nhiều biện pháp và động lực cho Philippines trong việc chống lại các chính sách của Bắc Kinh.

Do đó, chúng ta có thể thấy sự khác nhau trong việc sắp xếp quyền lực và chiến lược giữa Việt Nam và Philippines. Hơn nữa, trái ngược với Việt nam, Philippines không bị phụ thuộc vào đầu tư và thương mại với Trung Quốc. Trong thời điểm hiện tại thì Hoa Kỳ và Nhật Bản mới là đối tác thương mại chính của Philippines. Quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines đúng là đã phát triển trong thời gian vừa qua nhưng Philippines chắc chắn đã thấy được ảnh hưởng của Trung Quốc trong các quyết định hạn chế nhập khẩu chuối và du lịch. Tuy nhiên, với mức cam kết kinh tế tương đối thấp đồng nghĩa với việc trừng phạt kinh tế của Trung Quốc vẫn chưa đủ để buộc Philippines phải thay đổi ý kiến, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại. Ví dụ, Philippines đã có thể bù đắp sự thâm hụt thị trường Trung Quốc đối với xuất khẩu chuối bằng cách xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

‘Lợi ích sống còn’ của hai nước

Tuy nhiên, sự nổi lên của Trung Quốc và việc dần mất vị thế Hoa Kỳ đã tiếp tục tạo ra bóng đen lớn ở khu vực Biển Đông. Mặc dù một số nước ASEAN đã hoan nghênh chính sách “tái cân bằng” của Hoa Kỳ nhưng các nước đó đã có những mối quan hệ kinh tế khá sâu đậm với Trung Quốc trong thời gian vừa qua. Do đó, Biển Đông có thể trở thành lí do cho sự chia rẽ giữa các nước trong khu vực. Điều này đã làm các lãnh đạo Philippines tin rằng ASEAN không thể trở thành một diễn đàn tin cậy và hiệu quả trong việc đối phó với Trung Quốc tại Biển Đông. Các quốc gia có tranh chấp lãnh hãi từ lâu đời và chưa được giải quyết với Trung Quốc như Nhật Bản hay Ấn Độ có thể trở thành những hỗ trợ nhỏ trên vấn đề tranh chấp, nhưng các cam kết và động thái của các nước đó vẫn chưa tạo được dấu ấn thực sự quan trọng.

Biển Đông là vùng biển mang tầm chiến lược an ninh, chính trị và kinh tế quan trọng cho cả Philippines lẫn Việt Nam. Cả hai nước đều thấy việc tuyên bố chủ quyền tại khu vực Biển Đông là yếu tố quan trọng đối với an ninh quốc gia, các kênh thương mại quan trọng, ngư trường truyền thống và nguồn tài nguyên năng lượng ngoài khơi đã trở thành những lợi ích cốt lõi không thể tách rời lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, khi cân nhắc đến lịch sử, kinh tế và chính trị đã khiến cho hai nước có những chiến lược Biển Đông khác nhau, đặc biệt là vấn đề đối phó với Trung Quốc.

Lucio Blanco Pitlo III & Amruta Karambelkar
Thùy Dương chuyển ngữ,
CTV Phía Trước


Nguồn: Philippines and Vietnam in the South China Sea - Lucio Blanco Pitlo III & Amruta Karambelkar, The Diplomat  

Phải chăng VTV là công cụ của nhóm lợi ích?


Buổi thời sự 19 h ngày 22/11/2013 tôi vô tình lướt qua VTV1 thấy phóng sự “Xây sấn bay Long Thành rẻ hơn mở rộng Tân Sơn Nhất” ngụ ý tất yếu phải xây sân bay Long Thành.

   Đây là một phóng sự được đầu tư lớn, dàn dựng rất bài bản, tốn kém. Những nhân vật trong phóng sự đủ các thành phần, rất “khách quan” như lãnh đạo bộ Giao thông vận tải, ngành HKVN (hội khoa học HK), lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất, doanh nhân nước ngoài Hiorlnnd. Để hẹn gặp, phỏng vấn đủ các nhân vật này ở hai miền cách nhau cả hơn ngàn km là rất công phu, tốn kém. Có vẻ như tất cả chỉ nhằm khuất phục dư luận đang sôi sục: Không nên xây sân bay Long Thành lúc này mà hủy dự án sân golf cải tạo sân bay TSN để đỡ tốn kém tiền dân, khỏi mất “thương hiệu vàng” của nó…

   Để thuyết phục dư luận phải xây sân bay Long Thành, VTV trích ý kiến các nhân vật đưa ra các thông tin số liệu mập mờ và lảng tránh những vấn đề cốt lõi nhất mà nhân dân, cử tri TP Hồ Chí Minh, những lão thành tâm huyết đang sôi sục.

   -  Đó là vấn đề tiết kiệm: VTV đưa ra con số nếu mở rộng TSN thì nhà nước phải chi 9,4 tỷ USD trong khi xây Long Thành chỉ mất 7,7 tỷ USD chủ yếu là đền bù giải tỏa mặt bằng. Đây là con số vô căn cứ. Theo số liệu điều tra, quy hoạch của cục HKVN năm 2010 thì diện tích sân bay TSN là 1.150 ha. VTV nói TSN chỉ có hơn 800 ha là sai hoàn toàn. Phải chăng “nhóm lợi ích” báo cáo sai hoặc không tính 157 ha đang làm sân golf vào TSN? Ai có quyền cắt 157 ha kia ra khỏi khu vực đất quốc phòng? Nếu thế, với 1.150 ha TSN không phải giải tỏa một mét đất nào mà vẫn có sân bay công suất 40-70,80 triệu khách/năm.  Hãy xem, sân bay Check Lap Kok (mới xây thay cho sân bay Kai Tak) của Hongkong cũng có diện tích sấp xỉ TSN (1.200 ha) nhưng họ làm được sân bay công suất hiện tại 45 triệu khách/năm và có thể tăng lên 80 triệu khách/năm. Như vậy nếu cải tạo TSN lên 40-50 triệu khách/năm thì có cần phải chi cho GPMB số tiền lớn đến mức ấy hay không?

    - TSN quá tải: Đúng, TSN quá tải từ năm 2005 kể cả sân đỗ và nhà ga hành khách. Năm 2008 TSN đưa nhà ga HK mới công suất hơn 10 triệu khách vào khai thác thì chỉ tồn tại quá tải sân đỗ. Từ năm 2007 chính phủ đã đồng ý cho TSN quy hoạch thêm 30 ha sang phía đất quân sự nhàn rỗi để làm 30 chỗ đỗ nhưng không thành. Từ đó nhiều chuyến bay đến TSN phải bay vòng chờ, nhiều hãng nước ngoài đã bỏ đi transit ở nước khác. Những khi nhiều chuyến bay hạ cánh, TSN vẫn phải thuê chỗ đỗ bên quân sự. Tuy nhiên, trong phóng sự VTV chỉ nói TSN quá tải chung chung là một cách để khán giả hiểu lầm. Việc VTV nói “quy hoạch TSN trước kia cho công suất chỉ gần chục triệu khách nay đã 20 triệu khách” (gần gấp 2 lần) nên quá tải là không đúng. Để đầu tư có hiệu quả, xây dựng sân bay bao giờ người ta cũng chia ra từng giai đoạn theo tăng trưởng khách như: Nhà ga T (terminal)1,2,3…Không có chuyện trước kia sân bay chỉ thiết kế mấy triệu nay mấy triệu…Nay TSN quá tải sân đỗ thì xây thêm,bao giờ nhà ga hiện thời chật thì lại làm thêm một “T” nữa…TSN với 1.150 ha  đủ diện tích để xây thêm hạ tầng công suất đến 40-70, 80 triệu khách/năm…

   - “Không thể để sân bay trong nội thành, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân”: Đây là ý kiến ông Trần Quang Châu (hội khoa học HK)cũng rất mơ hồ, không khách quan. Tất nhiên sân bay hoặc bất cứ hoạt động nào gây ra tiếng ồn, thải ra khí độc cũng “ảnh hưởng đến đời sống nhân dân” nhưng sân bay cũng không thể để quá xa thành phố vì càng xa càng tốn thời gian đi lại, nhiên liệu và thải ra môi trường chung càng nhiều khí độc nên người ta thường xây dựng sân bay cách thành phố 20- 30 km là tối ưu. Tuy nhiên, nhiều sân bay do hoàn cảnh cụ thể (hạn chế về địa hình, bị dân cư bao vây, hoàn cảnh kinh tế chưa cho phép, nhu cầu tăng trưởng khách chưa cấp bách…) việc sân bay nằm sát với thành phố như TSN vẫn tồn tại như sân bay Check Lap Kok (Hongkong), Haneda (Tokyo-Nhật)…

 TSN rõ ràng cũng “ảnh hưởng không tốt với đời sống người dân” nhưng còn máy bay quân sự và sân golf thì sao không thấy các nhân vật đáng kính và VTV nhắc đến trong khi tiếng ồn và khí thải máy bay quân sự cao hơn nhiều lần một máy bay dân dụng cùng công suất, sân golf dùng rất nhiều hóa chất ô nhiễm môi trường đất, nước còn nguy hiểm khí thải trên không (?).

   - IATA (tổ chức vận tải HK quốc tế)  và doanh nhân châu Âu đều có ý kiến ủng hộ Long Thành…Nhà đầu tư nào không muốn nước khác có dự án lớn để đầu tư? Nhà Nước Nhật đang tháo dỡ, giảm dần tiến đến xóa sổ điện hạt nhân nhưng doanh nhân họ lại động viên VN xây điện hạt nhân. Những năm trước đây báo chí, (nhất là VTV) doanh nhân nước ngoài…đã từng ca ngợi hướng đi, thành tựu của Vinashin lên tận mây xanh đấy thôi…

   Đặc biệt, có một vấn đề mà nhân dân cả nước, cử tri TP Hồ Chí Minh, công luận bức xúc nhất là tại sao TSN không có đất mở rộng sân đỗ máy bay, không có đất cho sân bay để mở mang thì lại có 157 ha làm sân golf trái luật thì không thấy nhân vật nào nói tới? Phải chăng đây mới là cốt lõi vấn đề chuyển TSN về Long Thành? 

  Theo tôi, về lâu dài có thể vẫn phải xây dựng sân bay Long Thành thay cho TSN  nhưng không phải là lúc này khi TSN vẫn có khả năng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng khách, nền kinh tế đất nước, đời sống dân ta đang rất khó khăn…Đặc biệt nếu TSN chuyển đi thì đất của TSN không nên làm căn cứ quân sự, đặc biệt không thể để làm sân golf trong khi thành phố khổng lồ này rất thiếu các công trình công cộng như quảng trường, công viên, sân bay thể thao, sân bay cấp cứu…mà bất cứ thành phố hiện đại nào cũng phải có.

  Tôi chỉ là nhà báo hạng “tép” nhưng cũng hiểu rằng, khi viết bài, làm phóng sự phải có phân tích độc lập không chỉ copy  mù quáng ý kiến của cơ sở. VTV càng không thể vô tình đưa ra những thông tin sai sự thật, thiếu khách quan và vô lý trong khi quốc hội đang họp như thế.

  Phải chăng VTV là công cụ của nhóm lợi ích?

Nguyễn Đình Ấm
(Blog Huỳnh Ngọc Chênh 

Hiệu Minh - Từ ép cung cá nhân đến ép cung quốc gia

Mấy tuần nay, vụ ông Nguyễn Thanh Chấn bị án phạt tù oan đã gây chấn động dư luận. Có kẻ nhận tội nên ông được tha sau 10 năm ngồi tù. Dư luận cả nước băn khoăn, tù nhân này có bị nhục hình, bức cung hay không. Ngay trong Quốc hội, nhiều người phẫn nộ với cách hành xử của tòa án và các điều tra viên.

Khi biết các điều tra viên đều chối bay biến, người ta tự hỏi, một người lương thiện, bỗng nhận tội để tự vào tù. Đứa trẻ con biết đọc, biết viết cũng có thể trả lời được, chẳng cần đến lời giải thích vòng vo của Chánh án Tối cao Trương Hòa Bình.
Thế giới đầy những chuyện tù oan, từ xa xưa đến giờ và sẽ còn tồn tại mãi. Xứ tam quyền phân lập như Mỹ vẫn có người bị án oan. Nhưng không thể dựa vào đó mà nói, người ta sai, mình có quyền làm sai theo. Thấy kẻ khác giết người mà mình vác súng bắn, bởi “có người làm thế nên tôi bắt chước”. Chỉ có trộm cắp, côn đồ đường phố mới lý luận thế.
Tại các quốc gia tiến bộ, pháp luật nghiêm minh, khi phát hiện ra sai như thế, người ngồi ghế quan tòa, cảnh sát điều tra, hoặc là mất việc, nặng hơn là đi tù nếu phạm tội ép cung, nhục hình, hoặc phải đền cả triệu đô la. Hệ thống tòa án độc lập và luật sư có quyền tranh tụng đến cùng để bảo vệ thân chủ, nên án oan sai bớt đi rất nhiều.
Xã hội văn minh sinh ra “tam quyền phân lập” và báo chí là quyền lực thứ tư “chõ mũi” vào ba nhánh quyền lực trên, để đảm bảo “tam quyền” không thành nhóm mafia do thông đồng với nhau vì lợi ích nhóm. Chuyện rõ như ban ngày và chẳng cần chứng minh tính ưu việt của xã hội dân chủ. Nếu có cái nhìn dài hạn trong phát triển không tuyệt đối hóa sự lãnh đạo của bất kỳ ai.
Tại Việt Nam, như TBT Nguyễn Phú Trọng nói “Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng”, thì chẳng có tam quyền, mà đảng đứng trên tất cả. Báo chí  đóng vai trò tuyên truyền cho đường lối của đảng mà không thể phản biện.
Độc đảng tạo nên quyền lực tuyệt đối, dẫn đến quyền lực bị tha hóa, chính là nguyên nhân làm cho khối Đông Âu đã sụp đổ, kéo theo Liên Xô tan vỡ.  Thời internet đã dần bạch hóa những khiếm khuyết và lỗi lầm do hệ thống này gây ra. Các cuộc cách mạng mầu nổ ra, những kẻ tàn bạo bị xử bắn, bị dân đập chết trên đường phố, xưa kia xử án dân bằng những phiên tòa kangaroo nay họ ngồi sau song sắt.
Nếu Hiến pháp được thông qua với điều 4 “Đảng lãnh đạo toàn diện” được giữ nguyên tại kỳ họp Quốc hội này thì các vị “Yes – Đồng ý” sẽ giúp cho “quyền lực tuyệt đối” được tiếp tục. Từ khi đảng giành chính quyền tới này, bất kỳ ai nói trái lời đảng dù nhiều lúc đảng sai nghiêm trọng, đều bị dọa dẫm, bị bắt, bị tù đầy, dân phải im mà đồng ý, bởi cơ chế phản biện xã hội không tồn tại. Đó kiểu “ép cung” 90 triệu người.
Ông Nguyễn Thanh Chấn
Quốc hội từng bỏ phiếu “lấy được” cho Hà Nội mở rộng, bắt dân Mường Mán thành người Thủ đô, bauxite Tây Nguyên là chủ trương lớn, và nhiều dự án trời ơi khác. Kết quả thế nào, chắc những người “Yes” còn nhớ.
Ông Nguyễn Thanh Chấn bị ép cung, bị dọa nạt và hạ nhục nên phải nhận tội, suốt 10 năm sống trong ngục tù. Đó là thảm họa cá nhân và nền pháp lý.
Nhưng chuyện gì xảy ra nếu một đất nước bị “ép cung” bởi vài điều trong Hiến pháp. Ở tầm quốc gia, khi nhận ra sai lầm, thời gian không phải là một thập kỷ như ông Chấn ngồi sau song sắt.
Các đại biểu Quốc hội hãy nghĩ một chút trước khi chọn nút Yes or No – Đồng ý hay Không việc sửa đổi Hiến pháp mà thực chất là chẳng thay đổi chút nào.
Hiệu Minh
(Blog Hiệu Minh) 

LS Triển: Còn những thông tin “động trời” hơn về Thu Uyên - VTV


(Soha.vn) - “Những gì tôi chia sẻ trên trang cá nhân chỉ là “giải trí nhẹ”, những tài liệu liên quan tới hai sự việc tôi còn rất nhiều với những thông tin còn “động trời” hơn”.

Sau chia sẻ “Thu Uyên đã tạo dựng lên một quan hệ mẹ - con, còn gì đau lòng hơn? Nhưng đến nay VTV không dám nói lên sự thật đó” của luật sư Trần Đình Triển (Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân, Hà Nội) trên trang cá nhân, đã có rất nhiều ý kiến khác nhau. Người đã biết câu chuyện thì buồn, người chưa biết về "sự thật đó" thì sửng sốt. Điều đáng nói, nhà báo Thu Uyên và đại diện VTV đều im lặng.

Trao đổi với chúng tôi về sự im lặng này của VTV và nhà báo Thu Uyên, luật sư Triển nói: “Nếu thông tin sai thì chắc chắn VTV và Thu Uyên đã kiện tôi. Nhưng đây là thông tin đúng thì tốt nhất họ im lặng. Việc tôi nêu là sự thật và không có gì phải bàn cả”.

Luật sư Trần Đình Triển  đưa ra so sánh việc tìm mộ liệt sĩ với câu chuyện một người mẹ đi tìm con, lại không phải con mình. Nhưng giờ họ vẫn nuôi nhau, chăm sóc, nương tựa vào nhau. Và lâu nay, người mẹ ấy vẫn coi đó là con ruột của mình.
Luật sư Trần Đình Triển (đoàn luật sư TP. Hà Nội, trưởng văn phòng luật sư Vì Dân, Hà Nội).
Luật sư Trần Đình Triển (đoàn luật sư TP. Hà Nội, Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân).

Hay như chuyện của đại tá Đinh Hữu Tấn là cựu chiến binh thuộc Sư đoàn 320B là 1 ví dụ. Trong một cuộc giao tranh đẫm máu, ông Tấn đã nhận một em bé tên là Võ Văn Phước, con một người lính bên đối phương làm con nuôi, khi em bị lạc gia đình giữa dòng người di tản hoảng loạn. Mặc dù theo lệnh của trên, anh phải giao lại cho bộ đội địa phương nhưng không vì thế mà anh quên được tình cảm của cậu bé đối với mình trong những ngày ngắn ngủi ấy. Những năm tháng sau chiến tranh, anh mòn mỏi hỏi thăm về Võ Văn Phước, viết cả lên báo Cựu chiến binh và nhờ rất nhiều người tìm kiếm thêm, nhưng bặt vô âm tín.
Qua chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” số 11, đại tá Tấn đã tìm được đứa con đầy yêu thương giờ đã đổi tên là Phạm Văn Long. Nhưng sự thật trớ trêu mà theo thông tin chia sẻ trên trang cá nhân của luật sư Trần Đình Triển thì: “Có những người khẳng định Phạm Văn Long không thể là Võ Văn Phước. Sau đó Công ty Truyền thông Sài Gòn Buổi sáng, nơi đang hợp tác với đài Truyền hình Việt Nam thực hiện các chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, đã họp và xác định điều đó. Công ty đã đuổi việc người đã tìm ra Phạm Văn Long. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” vẫn tổ chức để Phạm Văn Long không phải con nuôi Đinh Hữu Tấn “sum họp” với ông”.
“Việc tìm mộ liệt sĩ thì chỉ có thể một làng, một xóm hay một nhóm người biết. Nhưng chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” phát trên truyền hình, làm cảm kích cả đồng đội, cả hàng triệu con người. Chúng ta đang nói về tính nhân văn và đạo đức, như vậy thì ảnh hưởng đó cái nào lớn hơn?”, luật sư Triển đặt ra câu hỏi.

 Nhà báo Thu Uyên.
Nhà báo Thu Uyên.

Luật sư Triển bình luận: “Như thế VTV, Thu Uyên không thể lên tiếng được vì họ biết được việc đó là họ sai. Có những điều khoa học đã chứng minh và những cái mà cá nhân ai đó làm được thật thì phải cân nhắc trong việc phát sóng chương trình. Việc Thu Uyên đưa lên chương trình như vậy có thể hiện sự vô tư khách quan không? Với tài liệu tôi có được, tôi chứng minh là không thể hiện sự vô tư khách quan”.
Tuy nhiên, đứng trên góc độ luật sư, Trần Đình Triển cũng đưa ra quan điểm của mình. Trước hết, nhìn nhận khách quan thì trong phóng sự của chương trình “Trở về từ ký ức” số 22 có những nội dung rất đáng ca ngợi. Ví dụ như nội dung phê phán những người không có khả năng ngoại cảm nhưng lại cho mình có khả năng ấy, lợi dụng phong trào “đền ơn đáp nghĩa” để tìm mộ liệt sĩ, để trục lợi, để mê tín dị đoan, để lừa đảo… Hay như trường hợp “cậu Thủy” mà trong phóng sự đó nêu lên. Đưa mặt tốt, đưa những gì tiêu cực của xã hội để mọi người cảnh giác và cần xử lý nghiêm những người đội lốt việc đó. Thậm chí có những người mang danh của một tổ chức ngân hàng mà lấy tiền ngân sách Nhà nước là điều đáng buồn. Theo Luật sư Triển, việc VTV, mà ở đây có vai trò của Thu Uyên, đưa lên như vậy là đáng khen.

Để có thông tin khách quan, đa chiều tới độc giả, chúng tôi đã liên hệ với Công ty TNHH Truyền thông Sài Gòn Buổi sáng, đơn vị hợp tác với đài Truyền hình Việt Nam thực hiện các chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” để có câu trả lời cho sự việc này. Nhân viên công ty hẹn sẽ chuyển yêu cầu của phóng viên tới lãnh đạo và có câu trả lời sau.
Về phía Thu Uyên, trước đề nghị phỏng vấn của chúng tôi, chị cho biết khi nào có câu trả lời liên quan tới sự việc đã nêu thì sẽ trả lời trên website của chương trình.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét