Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

Bài viết đáng chú ý: Bế mạc hội nghị trung ương 7

Bế mạc HNTW 7 không kèn không trống!


Hôm nay 11.5.2013 Hội nghị lần thứ 7 - Ban chấp hành Trung ương đảng CSVN Khóa 11 (HNTW7) đã chính thức bế mạc không kèn không trống, đó là nhận xét chung của giới bình luận và phân tích chính trị Việt nam trong nước và quốc tế. Hội nghị này là thất bại ê chề của những người đứng đầu đảng CSVN dưới sự dẫn dắt của TBT Nguyễn Phú Trọng trước đối thủ "cứng đầu" là người đứng đầu cơ quan hành pháp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

TBT Nguyễn Phú Trọng vừa phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 7 với sắc thái không được phấn khởi. Hai đồng chí (vẫn còn giấu tên nhưng ai cũng biết) đã trúng BCT. Một đồng chí trúng Ban Bí thư. Tuy bí mật với toàn dân như vậy nhưng đồng chí tốt phương Bắc đã được ưu tiên biết trước kết quả Hội nghị này. Được biết là quy hoạch nhân sự các chức danh chủ chốt của Đảng và Nhà nước đã không đạt được sự nhất trí nên sẽ còn là chuyện phải bàn trong các Hội nghị sau. Đây sẽ là công việc vô cùng gay cấn trong thời gian tới cho cả Ban Chấp hành TƯ trong bối cảnh các giải pháp thực hiện Nghị quyết TƯ4 (xây dựng Đảng và chống tham nhũng) đã nhìn thấy rõ sự bế tắc với cơ cấu nhân sự sau Hội nghị TƯ 7.

Hội nghị TW 7 là một chỉ dấu cho thấy sự trỗi dậy của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người được các đồng chí lãnh đạo cao cấp đồng cấp của ông ám chỉ bằng cái tên đồng chí X đầy tính miệt thị. Điều được đánh giá cho rằng phe đối thủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cách đây gần một năm đã đạt được thắng lợi trong việc hạ bệ tên tuổi một kẻ tham lam, độc tài trong bộ máy đảng và chính quyền. Và ông Dũng bị coi là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ của nền kinh tế Việt nam, một thời không xa đã được coi là một trong những con Hổ mới của Kinh tế châu Á.

Ông TBT Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được bị coi là hai nhân vật lãnh đạo phe chống lại Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Liên minh lỏng lẻo này được hình thành một cách rốt ráo trong HN TW 6 vào năm 2012 với mục đích nhằm đánh bật Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi cái ghế người đứng đầu cơ quan hành pháp và Bộ Chính trị đảng CSVN. Với hy vọng tạo tiền đề cho một cuộc thanh trừng mang màu sắc của một cuộc Cách mạng Văn hóa trong việc triển khai nghị quyết HN TW 4 - Khóa 11 nhằm làm trong sạch hàng ngũ những người cộng sản. Trong thời gian gần một năm, trên cơ sở của sự đồng thuận trong nội bộ Ban Bí thư, phe ông Trọng và ông Sang đã gây sức ép lên Bộ Chính trị để khôi phục lại các Ban trong đảng như trước kia, đó là Ban Nội chính TW và Ban Kinh tế TW để tạo điều kiện làm đối trọng và dần từng bước vô hiệu hóa thế lực quá lớn vốn có của phe ông Dũng. Song đáng tiếc với tư duy và thủ đoạn chính trị quá non nớt của hai ông TBT Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã làm cho con át chủ bài Nguyễn Bá Thanh đã bị vô hiệu hóa hoàn toàn ngay sau khi ông Nguyễn Bá Thanh rời Đà nẵng ra Hà nội nhận chức trưởng Ban Nội chính TW. Điều đó cho thấy vào thời điểm này ông Nguyễn Tấn Dũng đã hoàn toàn không có đối thủ. Đây cũng là lý do vì sao, vào sáng hôm nay trang website của Chính phủ là trang tin duy nhất - nhanh nhất hồ hởi đưa tin HNTW 7 bế mạc.

TBT Nguyễn Phú Trọng đã đọc bài Diễn văn bế mạc HNTW 7 (sẽ được thông tin trong chương trình thời sự tối nay) trong một niềm tiếc thương vô hạn nhưng không hề có nước mắt. Mà dư luận trong HNTW 7 cho biết đó là nỗi đau ê chề của ông Tổng Bí thư và phe nhóm đã bị thất bại trong việc đưa một số nhân vật của mình, trong đó có ông Nguyễn Bá Thanh vào Bộ Chính trị nhưng bất thành. Điều đó cho thấy uy tín của ông TBT Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã rơi xuống mức thấp nhất chưa từng có. Cái mà hai ông đang phải đối mặt là việc triệu tập một đại hội bất thường trong đảng trong lúc này nhằm vô hiệu hóa toàn bộ quyền lực chính trị của hai ông.

HNTW 7 cũng là một dấu chấm hết cho tân trưởng Ban Nội chính TW ông Nguyễn Bá Thanh, sẽ kết thúc sự nghiệp chính trị trong vai một Ủy viên trưng ương quèn trước khi về vườn. Điều mà trước đây chỉ 2 tuần lễn là điều khó thể tin nổi. Ngược lại, khả năng xuất hiện cho một Tổng thống Nguyễn Tấn Dũng vào một thời gian không xa bỗng trở nên có tính khả thi cao hơn bao giờ hết vào lúc này.

Vấn đề là các bên họ sẽ sử lý các quân bài trong tay mình vào lúc ván bài đã bắt đầu tàn ra sao? Đây là lúc để đánh giá khả năng, tầm và uy lực chính trị của mỗi đối thủ.

Hiện trạng của Đảng CSVN hiện nay được ví như một quả chanh đã bị vắt kiệt nước thì khó có thể làm đượ gì khác. Một hy vọng có được một sự thay đổi bất ngờ hay ngoạn mục cũng chỉ là ảo vọng. Trong bối cảnh đất nước như hiện nay, thay vì bằng việc đoàn kết tạo thành một khối vững chắc để lèo lái con thuyền vượt qua một cuộc khủng hoảng toàn diện thì nội bộ lãnh đạo quay ra đấu đá tranh giành quyền lực.

Như thế thì sự bế tắc sẽ không bao giờ có thể giải quyết được.
Anh Vũ
Tường trình từ HNTW 7

Đang nước sôi lửa bỏng, người cầm lái con thuyền quốc gia đi đâu?


Vẻ bề ngoài, đối với những người vô cảm hoặc phớt lờ không quan tâm đến tình hình hiện nay của quốc gia dân tộc, họ vẫn cứ “bình chân như vại”. Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh vẫn đông nghịt người và xe. Các chợ đầu mối vần chật cứng hàng hóa xuất sứ từ đất nước “mười sáu chữ vàng”, trong đó có rất nhiều “của lạ” ẩn chứa trong những loại hàng hóa ấy, chắc là để đầu độc người Việt Nam tham rẻ và ít hiểu biết. Tại Hà Nội, trung ương Đảng vẫn đang họp kỳ thứ bảy với 6 vấn đề chưa hoàn toàn là trọng tâm chiến lược của đất nước. Sau 83 năm có Đảng và Đảng nhận vai trò lãnh đạo, mà tại hội nghị trung ương 7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn phải đặt vấn đề giải thích “hệ thống chính trị là gì ?”…
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là “thông tin lề phải”, dường như bị rối loạn thông tin, trong khi lại lờ tịt những vấn đề nóng bỏng từ bên trong và bên ngoài. Những cuộc “gặp gỡ” với tình hữu nghị lâu đời Việt Trung lại diễn ra rất “hữu nghị, tin cậy” thậm chí còn mời nhau sang chơi nhà nhau. Biển đông dường như đang dậy sóng. 32 tàu cá, mấy tàu hải giám nói rằng sẽ “trụ lại” 40 ngày trên vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam để đánh cá, và bảo vệ người đánh cá. Ô hay, rầm rầm rộ rộ đưa phương tiện đến nhà người ta lục lọi lấy của, lại bảo rằng “đó là nhà mình muốn làm gì thì làm !” Vậy mà chủ nhà Việt Nam cứ im re, chắc là sợ đụng đến “16 chữ” hay còn là vì lý do nào khác nữa.
Các vị cầm lái con thuyền quốc gia đang bận họp. “Bộ não” của Đảng để quyết đinh 6 vấn đề chiến lược, trong đó có vần đề “thế nào là hệ thống chính trị” và “biến đổi khí hậu toàn cầu”…Thế còn vấn đề có kẻ đang ngang nhiên xông vào biển ta, đảo ta khai thác cá, và có thể còn có “dàn khoan” khủng thăm dò dầu khí nữa…Chao ôi, họ đang lăm le nuốt chứng đất nước mình mà các tay chèo lái vẫn cứ “duy trì tình hữu nghị và 16 chữ !” Liệu duy trì như vậy có mảy may động đến màng nhĩ của bọn họ không?
Trong nước thì gần hết các doanh nghiệp cả to đầu lẫn bé xác đều bị phá sản hoặc đe dọa phá sản, hàng chục nghìn công nhân lao động mất việc làm. Mất việc làm đồng nghĩa với đói và khổ, đời sống của người lao động làm công ăn lương. Người buôn bán nhỏ, người nông dân, người thợ thủ công đang tụt dốc, Nhà nước ta đâu tại sao không giang tay cứu họ ?
Thông tin từ hệ thống tuyên truyền của Đảng và Nhà nước thì hiện có đến hơn 150.000 doanh nghiệp phá sản. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước rầm rộ đưa tin hạ lãi xuất 1%. Doanh nghiệp phá sản rồi, công nhân lao động thất nghiệp rồi, sản xuất đình đốn rồi thì “cái ông giữ tiền to đùng của Nhà nước lại tuyên bố hạ lãi xuất cho vay, còn có ai đi vay không? Vay vốn là để đầu tư vào phát triển sản xuất, chứ phá sản rồi, vay làm gì và vay có được không. Thôi để, ông “Ngân hàng Nhà nước” lo chuyện “nhập vàng giá rẻ” bán vàng trong nước giá cao để thu lợi cho Ngân sách Nhà nước và cho người dân. Kỳ này thì bà con nông dân làm ra thóc gạo lại không bán được nữa. ế rồi, bà con một số vùng miền núi, các cháu học sinh nghèo có còn phải “bơi qua sông” đi kiếm cái chữ…chắc là mỗi người sẽ có được giá trị mấy cây vàng và đang chờ Ông Nguyễn Văn Bình thống độc chia cho lợi nhuân.
Và cũng trong khi đó, lễ hội du lịch được khai mạc tốn kém hàng chục tỷ đồng, các đại gia vẫn xây nhà tốn hàng trăm tỷ, con gái Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang nghỉ đẻ, xã hội đen ở nơi này nơi kia đang hoành hành và móc với “xã hội đỏ” moi tiền của dân và của Nhà nước, hàng vạn sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường chưa có việc làm. 30% công chức viên chức ăn lương Nhà nước mà chỉ “ngồi chơi xơi nước”. Quỹ Bảo hiểm xã hội, trong đó dành cho người hưu trí thì bị cho vay 70%, không biết có rơi vào “nợ xấu không ?” Và sắp kết thúc một năm học rất nhiều vấn đề bức xúc này, có bao nhiêu lao động đến tuổi phải đứng đường ? Bao nhiêu tệ nạn xã hội nữa sẽ phát sinh…Cái ông “Chỉ đạo chống tham nhũng” và cái ông trưởng ban nội chính đã làm được vụ nào chưa hay đang bị “nhóm lợi ích” chống lại một cách quyết liệt ?…
Thế đấy, đất nước đang đứng trước những cơn giông tố cực kỳ mạnh, cực kỳ rối rắm. Vậy mà các nhà lãnh đạo “con bận trăm công nghìn việc” không có thì giờ lo cho dân, lo cho đất nước, chèo chống thế nào cho thoát cơn hiểm nghèo này ? Dân chúng bình thường thì bị bịt hết các loại thông tin cần thiết, chỉ nghe một chiều, cái gì cũng tốt cả…Sức mạnh của dân đang bị tiêu vong, nhiều người mất lòng tin và mất lòng tin rồi thì họ không còn biết nghe ai, nghe cái gì để “chung lòng”, “chúng sức” đây?
Ôi nước mất thì nhà cũng tan. Khu biệt thự của nguyên chủ tịch tỉnh Hà Giang cũng tiêu, cơ ngơi 900 tỷ của nguyên Tổng Bí thư cũng không còn, khu đô thị Ecopark chắc đang mọc cỏ, bất động sản chắc còn đóng bằng dài dài…
Những người cầm lái con thuyền cách mạng Việt nam hiện đang đi đâu. Là dân đen mà tôi vẫn cứ lo lo. Ấy gái góa còn lo việc triều đình là thế…
Đoàn Vương Thanh
(Quê Choa)

Bế mạc Hội nghị Trung ương 7


Hôm nay 11/5, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) bế mạc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có bài phát biểu quan trọng.
Diễn ra từ ngày 2-11/5, Hội nghị Trung ương 7 đã xem xét, quyết định, cho ý kiến chỉ đạo đối với các vấn đề lớn, bao gồm: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; Đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận; Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng; Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược; Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường và một số vấn đề quan trọng khác.
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị vào sáng 2/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu một số ý kiến có tính chất gợi mở, nêu vấn đề để Trung ương thảo luận, xem xét, quyết định về các vấn đề lớn nêu trên.
Nhấn mạnh những nội dung trình Hội nghị Trung ương 7 đều là những vấn đề rất khó, phức tạp nhưng rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước, không chỉ trong nhiệm kỳ này mà cho cả các nhiệm kỳ tiếp theo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Hội nghị Trung ương và các đồng chí tham dự Hội nghị phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến để hoàn thiện các báo cáo, đề án và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.
Đây là một phiên họp toàn thể BCH TW được coi là bí mật nhất. Hầu như các thông tin về HN không được truyền thông nhà nước phổ biến, kể cả kết quả việc bầu bổ xung thành viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Bá Thanh, tướng Hưởng, con gái Thủ tướng và chân dài Ngọc Trinh

diem-tuan

Đấy là 4 nhân vật hot nhất tuần qua.
Trong khi cánh lề trái nóng hực với hội nghị 7 và kết quả bầu bổ sung BCT, thì báo chí chính thống suốt tuần qua say sưa với cô nàng chân dài não ngắn Ngọc Trinh, nhao nhao đưa tin con gái Thủ tướng nghỉ đẻ và hồ hởi trước tin một ông tướng công an chế tạo thành công mô hình cái máy bay trẻ con bay được trên trời, tự sướng trước cái nguyên lý bay mà loài người đã phát minh từ hơn 100 năm trước.
Bá Thanh nốc ao: Nóng nhất tuần qua là cú nốc ao của cụ Bá. Nguyễn Bá Thanh rớt trong cuộc bầu bổ sung Bộ Chính trị. Giấc mộng Thủ tướng tưởng chừng sát đít đã gục ngã ê chề. Chấm dứt một “hiện tượng”. Sự nghiệp chính trị của cụ Bá coi như dừng tại đây.
Con gái Thủ tướng nghỉ đẻ: Mỗi chuyện Nguyễn Thanh Phượng, cô con gái của Thủ tướng đến kỳ nghỉ đẻ, vậy mà báo chí cũng nhao nhao đưa tin.
Chân dài não ngắn Ngọc Trinh: Hết khuyên Bộ Văn Thể Du chọn Ngọc Trinh làm đại sứ, báo chí tiếp tục vận động người đẹp chân dài não ngắn cởi để… cứu ngành du lịch Việt! Đến mức bốc thơm cô nàng cởi tụt này “có sức ảnh hưởng lớn đến xã hội. Mọi hành động, phát ngôn… đều được giới truyền thông và công chúng  theo dõi, bình luận, thậm chí trở thành phương châm sống của rất nhiều người”.
Tướng Hưởng: Tưởng sẽ chẳng còn ai nhắc đến cái tên Nguyễn Văn Hưởng từ khi ông hưu. Nhưng tuần qua, cái tên tướng Hưởng lại được… vinh danh trên báo chí. Một vị tướng không rành máy tính, đến mức lúng túng trước cả “nguyên lý nhắn tin” của cái điện thoại, nhưng lại chỉ huy chế tạo máy bay không người lái.
Quá mỉa mai khi hò reo hồ hởi trước một nguyên lý bay mà thiên hạ đã phát minh từ hơn 100 năm trước. Lắp ráp ra vài cái mô hình máy bay như đồ chơi trẻ con lại ưỡn ngực vênh vênh tự đắc là “sự kiện đánh dấu bước trưởng thành của ngành khoa học công nghệ Việt”.
Trương Duy Nhất

(Blog Trương Duy Nhất)

Sẽ kỷ niệm 40 năm Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm trái phép

Trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng, ông Bùi Văn Tiếng tuyên bố: "Sang năm, đúng vào ngày 19/1/2014, chúng tôi sẽ tổ chức kỷ niệm 40 năm Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và sẽ có một số hoạt động quan trọng!".
Rất nhiều người đăng ký trở thành "công dân danh dự của Hoàng Sa"
Trong khuôn khổ Liên hoan "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác" khối doanh nghiệp miền Trung - Tây Nguyên lần thứ nhất, chiều 10/5, hơn 350 đoàn viên thanh niên của 17 tỉnh, thành trong khu vực đã đến tham quan cuộc triển lãm "Hoàng Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử" đang diễn ra tại Bảo tàng Đà Nẵng.
Hơn 350 thanh niên tiên tiến của Đoàn khối Doanh nghiệp 17 tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên (Ảnh: HC)

Tại đây, các bạn trẻ đã được nghe ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ kiêm Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng giới thiệu các tư liệu, bằng chức mang giá trị lịch sử và pháp lý của Việt Nam, của nhiều nước trên thế giới và của chính nhà nước Trung Quốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đồng thời chỉ rõ lãnh thổ cực nam của Trung Quốc chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam, chính xác là dừng lại ở vĩ tuyến 18036'24", hoàn toàn không có cái gọi là TP Tam Sa mà họ tự đặt ra sau này, và đặc biệt càng không có cái gọi là "đường lưỡi bò" chứa đựng âm mưu độc chiếm 80% diện tích biển Đông, gây ảnh hưởng đến chủ quyền của nhiều nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Tham dự cuộc triển lãm về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa tổ chức chiều 10/5 tại Bảo tàng Đà Nẵng

Ông Bùi Văn Tiếng cũng cho biết, sau khi báo Tuổi trẻ đăng ý kiến của ông về việc phát động đăng ký trở thành công dân danh dự của Hoàng Sa, UBND huyện Hoàng Sa và bản thân ông đã nhận được rất nhiều thư của các cụ già lớn tuổi lẫn những người trẻ trung từ khắp nơi gửi về đăng ký trở thành công dân danh dự của Hoàng Sa.
"Ở Hà Nội có một cụ năm nay chừng 80 tuổi, là lương y thuốc nam, đã gửi thư cho chúng tôi, xin đóng góp bằng cách hướng dẫn trên truyền hình và nếu có điều kiện sẽ hướng dẫn trực tiếp cho bộ đội đang đóng quân ở Trường Sa cách chữa bệnh mà không cần dùng thuốc. Để qua đó đóng góp cho việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa hiện cũng đang rất căng thẳng... Và còn có thêm nhiều người như vậy" - ông Bùi Văn Tiếng kể.
Và đặt các câu hỏi giao lưu với ông Bùi Văn Tiếng

Sau đó, nhiều bạn trẻ đã đặt cho ông Bùi Văn Tiếng nhiều câu hỏi, nhiều ý tưởng rất hay, chứa đựng nhiều suy tư, tâm huyết của thế hệ trẻ đối với Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng và sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc nói chung. Nhưng qua đó đồng thời cũng đặt ra cho các cấp có trách nhiệm nhiều vấn đề đáng suy nghĩ trong việc giáo dục cho thế hệ trẻ nước ta ý thức, nhận thức lẫn kiến thức về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Infonet xin tường thuật cuộc hỏi đáp giữa đôi bên để bạn đọc tiện theo dõi:
Đà Nẵng sẽ kỷ niệm 40 năm Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép
Tình hình các đảo trong quần đảo Hoàng Sa hiện nay như thế nào? (Một bạn trẻ ở Đoàn khối Doanh nghiệp TP Đà Nẵng đặt câu hỏi trên giấy gửi lên ông Bùi Văn Tiếng):

Ông Bùi Văn Tiếng: Ngày 19/1/1974, Trung Quốc bằng vũ lực đã xâm chiếm trái phép toàn bộ các đảo trên quần đảo Hoàng Sa của chúng ta. Điều này trái với công pháp quốc tế. Công pháp quốc tế ở thế kỷ 20 không thừa nhận sự chiếm đóng bằng vũ lực. Tuyên bố chủ quyền phải bằng các biện pháp hoà bình, không thể bằng vũ lực.
Ông Bùi Văng Tiếng: "Sang năm chúng tôi sẽ tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép!"

Sang năm, đúng vào ngày 19/1/2014, chúng tôi sẽ tổ chức kỷ niệm 40 năm Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và sẽ có một số hoạt động quan trọng. Trong 40 năm qua, họ đã làm rất nhiều thứ: làm sân bay, bến cảng, gần đây là tổ chức tour du lịch ra Hoàng Sa mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã chính thức phản đối.
Trung Quốc cũng cấm, bắt ngư dân của chúng ta khi đang hành nghề trên ngư trường truyền thống thuộc chủ quyền của chúng ta và đòi tiền chuộc. Tiền chuộc không nhiều nhưng điều đó có ý nghĩa về mặt chính trị. Nộp tiền chuộc, tức là chúng ta gián tiếp thừa nhận chủ quyền của họ. Vì vậy ngư dân của chúng ta một đồng cũng không bỏ ra. Những ngư dân kiên trì bám trụ ngư trường này là ngư dân Quảng Ngãi, đặc biệt là ngư dân Lý Sơn mà một tên tuổi nổi tiếng là "sói biển" Mai Phụng Lưu từng 9 lần bị Trung Quốc bắt nhưng sau mỗi lần lại tiếp tục thẳng tiến ra Hoàng Sa.
Các bạn trẻ tham quan và ghi lại những hình ảnh của cuộc triển lãm "Hoàng Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử"

Vừa qua, Trung Quốc đã có một hành động hết sức dã man là bắn cháy cabin tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi. Các bạn xem báo sẽ thấy, trong lúc hết sức nguy hiểm, các bình ga dưới hầm tàu có thể nổ tung nhưng ngư dân Bùi Văn Phải (chủ tàu QNg 96382 TS) và thuyền trưởng Phạm Quang Thạnh vẫn kiên cường bảo vệ lá cờ Tổ quốc chúng ta. Đó là một nghĩa cử hết sức đẹp đẽ, một hình ảnh hết sức đẹp đẽ của ngư dân Việt Nam mà cụ thể là ngư dân Quảng Ngãi...

Giá như Hồ Đức Việt có được sự chín chắn của đ/c X!

http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/174/521174.jpg
Hồ Đức Việt
Anh em nhà họ Hồ
Mấy ngày vừa qua, đồng chí Hồ Đức Việt nguyên Ủy viên Bộ Chính trị mệt nặng, có khả năng được Bác triệu đi gặp cụ Mác – Lê. Thân thế và sự nghiệp của đồng chí thì nhiều người đã biết… Tuy nhiên, đồng chí còn một người anh trai cũng khá nổi tiếng nữa thì vẫn chưa nhiều người tường tận. Hai anh em nhà họ Hồ có nhiều điểm chung và khác biệt rất thú vị với vùng quê và dòng họ Hồ giàu truyền thống.
Hai đồng chí Hồ Đức Việt và Hồ Anh Dũng là anh em ruột và là cháu đích tôn nhà cách mạng tiền bối Hồ Tùng Mậu. Sinh trưởng tại vùng quê bất khuất, giàu truyền thống (làng Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An). Tuy sinh trưởng trong cùng gia đình nhưng tính cách hai đồng chí từ nhỏ đã khác biệt. Đồng chí Dũng thì giỏi thơ văn, xã hội. Đồng chí Việt thì thích các môn tự nhiên. Về sau, đồng chí Dũng được Đảng và Nhà nước cho đi học văn ở ĐH Tổng hợp Lomonosov. Đ/c Việt thì học chuyên Toán. Sau này, khi đã giữ trọng trách trong công tác Đoàn, đồng chí Việt lại được Đảng cho đi học 3 năm tại Paris năm 1980 (hồi này được đi học ở tư bản là khủng khiếp lắm).
Tuy khác biệt như vậy, hai anh em đồng chí có điểm chung là đều trưởng thành và đi lên từ công tác Đoàn. Cả hai đều từng giữ cương vị Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Trong sinh hoạt chính trị, đồng chí anh thì thâm trầm, ít nói, chắc chắn. Đồng chí em thì sôi nổi quyết đoán nhưng có phần bộp chộp.
Tại đại hội Đảng 8 tháng 6/1996, cả hai anh em nhà họ Hồ đều được giới thiệu vào Ban Chấp hành Trung ương. Lúc đó, đồng chí Hồ Đức Việt mới ở giai đoạn đầu của hoạt độngchính trị. Còn đồng chí Hồ Anh Dũng đã kinh qua Phó ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam. Trong cơ cấu lúc đó, Tổng GĐ TH VN chưa phải Ủy viên Trung ương. Đ/c Dũng trước ĐH 8 nổi như cồn bởi vừa hoàn thành sự nghiệp phủ sóng VTV toàn quốc mà dấu ấn lớn nhất là xây cho mỗi tỉnh trên cả nước một đài truyền hình cùng một số đài khu vực … mà không ai bị ra tòa. Ngay công trình 500 KV do đích thân cụ Kiệt quán xuyến mà khi xong cũng phải gửi vài anh vào tù thì mới hiểu đ/c Dũng đã thành công tới mức nào.
Ngay trước khi khai mạc ĐH Đảng 8, đồng chí Dũng xin rút, không tham gia Trung ương trong sự ngỡ ngàng của rất nhiều người và của ngay cả Tiểu ban Nhân sự do chính Tổng Bí thư Đỗ Mười làm trưởng. Không ít người còn nghi kỵ là đ/c Dũng có vấn đề gì chăng? Suất Trung ương ngon thế cơ mà. Khối anh chạy tiền tỉ mà không vào nổi? Cùng thời gian này lại có chuyện toàn bộ Đảng bộ một tỉnh nọ phía Nam (gồm cả Bí thư tỉnh ủy) đi xả stress tại Quảng Bá bị Công an Tây Hồ bắt tại trận cùng nhiều gái mại dâm. Không ít kẻ độc miệng đồn đại, đơm đặt. Ngay lập tức Hữu Thọ được nhặt vào Trung ương để trám chỗ trống. Giống như đ/c Vũ Mão, đồng chí Thọ này có nhược điểm là hễ nói chuyện thì bọt mép sùi ra đầy mồm. Hôm gặp đ/c Mười lần cuối để quyết cho vào Trung ương, đ/c Mười nhận xét là “tay sùi bọt mép” này ấn tượng nhất là cái mồm (cũng có ý rằng quá xôi thịt). Về sau đ/c Thọ ở dịt trên ghế không thôi, ra khỏi Trung ương rồi vẫn cố đấm ăn xôi xin làm “trợ lý” Tổng bí thư cho anh Mạnh cùng đ/c Hồ Tiến Nghị. Đến khi anh Mạnh đi công cán Quảng Nam, xe tùy tùng chở đ/c Thọ đâm vào con trâu chạy qua đường, đ/c Thọ bị gãy chân. Thế là anh Mạnh có dịp tốt cho đ/c Thọ nghỉ hẳn. Từ bấy, hễ có dịp là đ/c Thọ quay ra chỉ trích đường lối.
Sau ĐH Đảng 8, đ/c Việt vùn vụt đi lên như ngôi sao sáng trên bầu trời chính trị nước Việt: trẻ, năng động, có trình độ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, gia đình giàu truyền thống cách mạng. Đ/c Dũng thì lui về hậu trường, làm công tác hữu nghị, đối ngoại nhân dân do Đảng giao phó. Con trai đ/c Dũng là đ/c Hồ Kiên, tuổi còn trẻ mà sớm nối được chí cha, làm lãnh đạo trong đài Truyền hình Trung ương. Nghe nói, nếu ĐH 11 vừa qua mà đ/c Việt hanh thông lên Tổng Bí thư thì cháu ruột Hồ Kiên chắc suất lên Phó ban của Đảng hoặc Phó văn phòng Trung ương để dọn đường khóa tới vào Ban chấp hành.
Ngày còn chức vụ, đ/c Việt khá sính cái món tâm linh. Sắp đại hội 11, có tay thày nổi tiếng Hà Thành, sau khi xem xong cho đ/c Việt bèn thất sắc đứng dậy cắp túi ra đi, bỏ lại đằng sau sấp tiền thù lao. Người nhà giữ lại gặng hỏi. Tay thày chỉ buông thõng một câu “lên Yên Ngựa, xuống Tàn non, tín chủ phải hết sức giữ gìn”. Nguyên làng Quỳnh Đôi quê đ/c Việt được coi là đất ”địa linh nhân kìệt”. Làng có một ngôi đình lớn trông về hướng Nam.Trước mặt là lèn Mục tức lèn Yên Ngựa (Mã Yên Sơn) sau lưng là lèn Tàn (Trụ Hải) trông như cái tàn che cho ngôi đình. Không ngờ, tại ĐH 11, đ/c Việt gặp nạn.
Đến hôm nay, đ/c Việt mệt nặng, có khả năng được Bác cho triệu về cùng cụ Mác – Lê. Viết những dòng này mà thấy tiếc cho đ/c Hồ Đức Việt. Giá như đ/c Việt có được sự chín chắn của đ/c Dũng thì …
10/05/2013
Cầu Nhật Tân   
———–
Cụ nội của đ/c Hồ Đức Việt, Hồ Anh Dũng là án sát Nam Định cụ Hồ Bá Ôn cùng đề đốc Lê Văn Điếm quyết tử, giữ thành chống Pháp. Cụ bị đạn giặc bắn sổ ruột còn dùng dây lưng buộc bụng lại đánh đến cùng.. Trong phong trào chống Pháp sau đó ít lâu nổi bật lên những gương mặt khí tiết của người Quỳnh Đôi như bà Lụa (Trần Thị Trâm), vợ ông Hồ Bá Trị, em ruột án sát Hồ Bá Ôn. Chồng bà hy sinh trong phong trào Cần Vương, bà ở vậy thờ chồng, nuôi con. Con bà chính là ông Hồ Học Lãm, một người yêu nước ở hải ngoại đã có công lao trong phong trào cách mạng. Bà Lụa đã bôn ba từ Việt Nam sang Xiêm mua vũ khí cho nghĩa quân Phan Đình Phùng, Nguyễn Xuân Ôn… và làm liên lạc cho các chí sĩ cách mạng. Bà bị giặc bắt, dụ dỗ, tra tấn song không hé răng một lời. Chồng bà là bà con ruột thịt với cụ Hồ Bá Kiện, thân sinh ra cụ Hồ Tùng Mậu. Cụ Hồ Bá Kiện hoạt động trong phong trào Duy Tân, bị bắt ở Sơn Tây đày đi Lao Bảo, tổ chức cướp nhà tù bại lộ, bị giặc Pháp bao vây khi rút vào rừng, cuối cùng giặc đã giết hại cụ.
Họ Hồ tại Quỳnh Đôi còn có Hồ Sĩ Tư (ông nội của Hồ Viết Thắng - Ủy viên Trung ương bị kỷ luật sau Cải cách ruộng đất). Cụ Hồ Sĩ Tư có công cưu mang cha con phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Nguyễn Tất Thành lúc bần hàn ở quê). Cụ cử Hồ Sĩ Tạo (chính là cha đẻ của Nguyễn Sinh Sắc), nữ sĩ Hồ Xuân Hương, GS Văn Như Cương, GS Phan Cự Đệ …
Quỳnh Đôi còn là quê của Hoàng Văn Hoan, Hồ Quang Lợi.
(Blog Cầu Nhật Tân)

Chuẩn bị vai trò lãnh đạo cho thế hệ "thái tử đảng"

Những người đang tranh đấu cho dân chủ, đang xuống đường đòi quyền con người và chống bất công xã hội hãy sáng mắt ! Nếu không ai dám làm gì để thay đổi thì không hy vọng gì có chỗ đứng, tất cả chỉ là con sãi ở chùa quét lá đa.
Hiện tượng lãnh đạo ba nước cộng sản Châu Á (Trung Quốc, Việt Nam và Bắc Triều Tiên) chuẩn bị và củng cố vai trò lãnh đạo cho con cháu, gọi là "thái tử đảng" (princelings), bất chấp sự bất mãn hay nghèo khó chung của xã hội đã trở thành phổ biến và công khai.
Tại Việt Nam, người Việt trong và ngoài nước không còn xa lạ gì với hiện tượng con cháu những vị công thần đánh Pháp chống Mỹ được cất nhấc lên nắm những chức vụ lãnh đạo cao cấp nhất nước. Nhưng lần này sự xuất hiện một cách công khai và thách đố con cháu của những cấp lãnh đạo mang tiếng tham nhũng và bất tài vào những chức vị béo bở và đầy quyền lực nhất nước chất vấn lương tâm mọi người Việt Nam. Ngoài lợi thế xuất thân gia đình, những cấp lãnh đạo trẻ này nói chung đều được học hành, đào tạo có bài bản, hoặc từ trong nước hoặc được đưa đi du học nước ngoài. Những "con cháu các cụ" (CCCC) này có gì xứng đáng hơn họ để nắm những địa vị lãnh đạo đất nước ?
Cuộc chơi này không sòng phẳng, chính quyền cộng sản đang gian lận với tương lai. Hiện nay hàng triệu thanh niên khác, cũng tốt nghiệp từ những trong đại học danh tiếng trong nước, có trình độ học thứccao, được đào tạo có bài bản, nhiều người còn đi du học tại các trường nổi tiếng thế giới, nhiều người khác tỏ ra năng động, nắm bắt được cơ hội nhưng vì không phải là CCCC nên không có may mắn đó. Họ tiếp tục sống trong lầm than, xoay sở vặt để được tồn tại, nếu không thì vay tiền để được đi lao động nước ngoài. Tình trạng này không thể tiếp tục, giới trẻ trong nước không phải là đàn cừu, ngoan thì cho ăn, không ngoan thì bị đánh đập, bắt bỏ tù.

http://hcmussh.edu.vn/3cms/upload/dhxhnv/Image/articles/000000-btc_1332724292578.jpg

Gia đình thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Theo công bố mới nhất từ Ngân hàng cổ phần Bản Việt (Vietcapital Bank) với số vốn 142 triệu USD, bà Nguyễn Thanh Phượng tạm dừng chức vụ chủ tịch để chuyển sang chế độ nghỉ thai sản từ ngày 03/05/2013. Bà Nguyễn Thanh Phượng là con gái của đương kim thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Sinh năm 1980, bà Nguyễn Thanh Phượng tốt nghiệp cử nhân ngành tài chính-ngân hàng Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) ; bà đã hoàn tất chương trình thạc sĩ (master) chuyên ngành quản trị tài chính Đại học Quốc tế tại Geneva (International University in Geneva), Thụy Sĩ. Bà Nguyễn Thanh Phượng được bổ nhiệm chức chủ tịch Ngân hàng Bản Việt (trước kia là Ngân hàng thương mại cổ phần Gia Định, hay còn được gọi là Gia Định Bank) từ ngày 1/2/2012, trước đó bà được bầu làm thành viên Hội đồng quản trị tháng 11/2011 sau khi nắm giữ gần như toàn bộ cổ phần của tổ hợp Bản Việt. Mặc dù rời ghế chủ tịch, bà Phượng vẫn tiếp tục đảm nhiệm chức danh thành viên Hội đồng quản trị Bản Việt nhiệm kỳ 2010-2014. Trước đó, bà Phượng từng là chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Vietnam Holding Asset Management, một quỹ đầu tư niêm yết trên thị trường chứng khoán London với số vốn khoảng 40 triệu USD, có khả năng vận động vốn nóng lên đến 100 triệu USD từ các nhà đầu tư ngoại quốc nhờ uy tín và quan hệ với thủ tướng chính phủ. Hiện nay bà Phượng còn là chủ tịch của ba công ty thuộc tổ hợp Bản Việt (Vietcapital) khác : Chứng khoán Bản Việt và Quản lý quỹ đầu tư Bản Việt và Công ty bất động sản Bản Việt. Nói tóm lại, tuy còn rất trẻ (33 tuổi) và không tham gia bộ máy nhà nước, bà Nguyễn Thanh Phượng là một trong những nhân vật quyền lực nhất nước hiện nay.
Chồng bà Nguyễn Thanh Phượng là ông Henry Nguyen (Nguyễn Bảo Hoàng), một người Mỹ gốc Việt, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt. Hiện nay ông Nguyễn Bảo Hoàng là tổng giám đốc của Quỹ đầu tư IDG Ventures (International Data Group) tại Việt Nam (5.000 nhân viên trong 50 tỉnh thành), chuyên đầu tư vào các công ty thuộc lĩnh vực tiêu dùng, truyền thông và công nghệ kể từ năm 2004.
Bà Phượng có hai anh em đang nắm giữ những vị trí quan trọng trong chính quyền. Anh trai, ông Nguyễn Thanh Nghị, 36 tuổi, có bằng tiến sĩ ở Mỹ, được bầu làm ủy viên Trung ương đảng dự khuyết và được bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ xây dựng vào cuối năm 2012. Em út của bà, ông Nguyễn Minh Triết, 24 tuổi, thạc sỹ với đề tài Kỹ thuật động cơ siêu thanh, hiện làm cán bộ Đoàn thanh niên cộng sản và là giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Sinh viên Việt Nam.
Những hạt giống đỏ thuộc những dòng họ khác
Người tạm thay thế bà Phượng trong vai trò chủ tịch Ngân hàng Bản Việt là ông Lê Anh Tài, thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Bản Việt. Sinh năm 1972, ông Lê Anh Tài đã hoàn tất chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế TP/HCM năm 2000 và một số chứng chỉ đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ tài chính, kế toán, ngân hàng. Từ sau ngày đó, ông Tài đã không ngừng được đưa lên các chức vị cao cấp nhất thuộc lãnh vực ngân hàng trong một thời gian ngắn không thua gì bà Phượng, như giám đốc kinh doanh, phó tổng giám đốc và thành viên Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc các Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa (Ngân hàng Tân Việt), Ngân hàng Á Châu, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nam Á, Ngân hàng Kiên Long và Ngân hàng Bản Việt. Ông Lê Anh Tài là con cháu tập đoàn Lê Duẩn, Lê Kiên Thành, Lê Kiên Trung và Lê Hãn, Lê Thị Diệu Muội.
Ngày 14/04/2012, cô Tô Linh Hương, 25 tuổi, được bầu làm chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Vinaconex - PVC (PVV) trong nhiệm kỳ bốn năm 2012-2016. PVV là công ty liên kết giữa hai Tổng Công ty nhà nước là Vinaconex và PVC, chuyên xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi, san lấp mặt bằng, xử lý nền móng công trình, đầu tư, kinh doanh bất động sản... Doanh thu năm 2012 của PVV ước tính 950 tỷ đồng. Công ty có gần 2.000 cán bộ công nhân viên, lương trung bình được nói vào khoảng tám triệu đồng/tháng. Cô Tô Linh Hương, sinh năm 1988, là con gái ông Tô Huy Rứa, trưởng ban tổ chức trung ương đảng cộng sản, ủy viên bộ chính trị. Tốt nghiệp cử nhân ngành Quan hệ Quốc tế tại Học viện Báo Chí và Tuyên Truyền, cô Linh Hương tiếp tục tham gia tích cực công tác Đoàn Thanh niên cộng sản, bàn đạp để tiến xa hơn vào những chức vụ lớn trong các cơ quan chính quyền. Tháng 7/2012, cô Tô Linh Hương rút lui, ông Trương Quốc Dũng, cũng là một người rất trẻ (sinh năm 1988) lên thay.
Ông Trương Quốc Dũng thuộc Tập đoàn họ Trương ở Quảng Bình, cùng với Trương Gia Bình, 57 tuổi (sinh năm 1956), một trong những người giàu nhất nước Việt Nam, là chủ tịch hội đồng quản trị Đại học FPT, chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam, chủ tịch Hội đồng các nhà doanh nghiệp Trẻ Việt Nam (1998-2005).
Một số người khác có thề̉ kể đến là ông Nguyễn Xuân Anh, 35 tuổi (sinh năm 1976), là con trai lớn của ông Nguyễn Văn Chi, cựu ủy viên bộ chính trị khóa X, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Nguyễn Xuân Anh từng có thời gian du học ở Canada, sau khi về nước, ông công tác tại ban quốc tế của báo Thanh Niên. Năm 2006, ông chuyển công tác, nhanh chóng được trao các chức vụ quan trọng như phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư thuộc Sở Kế hoạch - Đầu tư Đà Nẵng, sau đó là phó chủ tịch, phó bí thư rồi bí thư Quận ủy Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Vào tháng 10/2010 ông Nguyễn Xuân Anh được bầu vào Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng. Tháng 01/2011, ông Nguyễn Xuân Anh được bầu chọn làm ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội Đảng XI và cùng với một người đồng niên khác, ông Nguyễn Thanh Nghị, con ông Nguyễn Tấn Dũng, là hai ủy viên trẻ nhất từ trước tới nay. Ngày 20/06/2011, ông Nguyễn Xuân Anh được Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng bầu giữ chức phó chủ tịch thành phố, đây là bước dọn đường cho ông lên chức chủ tịch trong tương lai. Với tư cách là ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, bí thư Quận ủy Liên Chiểu, ông Nguyễn Xuân Anh được nêu tên đứng đầu trong danh sách bốn phó chủ tịch Đà Nẵng. Nói tóm lại, Nguyễn Xuân Anh là một nhân vật đang lên trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Một nhân vật đang lên khác, ông Lê Trương Hải Hiếu, 32 tuổi (sinh năm 1981), là con trai đầu của ông Lê Thanh Hải, bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn) và bà Trương Thị Hiền, hiệu trưởng Trường Cán bộ TP HCM, em gái cựu phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa.Ông Lê Trương Hải Hiếu là người được đào tạo theo chương trình đào tạo 300 tiến sĩ, thạc sĩ của Thành ủy. Từ 2005 đến 2007, ông được thành phố cử đi học cao học ngành Quản trị kinh doanh ở Hoa Kỳ, ông còn có bằng cử nhân luật và cao cấp lý luận chính trị. Gia nhập đảng cộng sản năm 2004, ông Lê Trương Hải Hiếu được bầu là quận ủy viên, bí thư Đảng ủy phường Bến Thành, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 2/2010 tới nay, trước đó ông là Bí thư Đoàn Quận 1. Phường Bến Thành có 5.000 hộ với 18.000 dân, được cho là một trong các phường trọng điểm, nằm ở trung tâm Sài Gòn.
Con trai đầu của ông Nguyễn Bá Thanh, trưởng ban Nội chính, là Nguyễn Bá Cảnh, 30 tuổi (sinh năm 1983), vừa được bầu làm bí thư Thành đoàn Đà Nẵng hồi tháng 02/2013.
Con trai cựu tổng bí thư Nông Đức Mạnh, ông Nông Quốc Tuấn, 50 tuổi (sinh năm 1963) là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và là đại biểu Quốc hội khóa XII. Những chức vụ này không do tài năng mà do thân phụ ông thương lượng với những đồng nhiệm để được sự ủng hộ của cộng đồng người Tày.
Đặc điểm chung của những thái tử đảng này là tất cả đều phải trải qua giai đoạn đoàn viên Đoàn Thanh Niên Cộng Sản để tiến thân theo đúng quy luật, mặc dù không ai trong những thái tử đảng này tin vào chủ nghĩa cộng sản. Đoàn Thanh niên Cộng sản là tổ chức thanh niên của Đảng Cộng Sản Việt Nam có khoảng sáu triệu đoàn viên. Đoàn là tổ chức hậu bị của Đảng, nơi con cháu các cấp lãnh đạo đương thời được huấn luyện để thay thế cha anh trong tương lai. Năm 2012, Đoàn Thanh Niên Cộng Sản được thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký nghị định đặc biệt trợ cấp 200 triệu USD "để thực hiện kế hoạch phát triển". 
Trong quân đội có ông Nguyễn Chí Vịnh, 56 tuổi (sinh năm 1957), con út của đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng là con đỡ đầu của đại tướng Lê Đức Anh, chính thức nhảy ra cầm đầu Tổng Cục 2 với cấp hàm đại tá rồi thiếu tướng, hiện là trung tướng, thứ trưởng bộ quốc phòng, một nhân vật đang lên trong quân đội và đảng cộng sản Việt Nam.
Ngoài ra phải kể thêm những người ở lứa tuổi cao hơn (khoảng trên dưới 60) như ông Lê Nam Thắng, con trai ông Lê Đức Thọ, nắm Bộ Bưu chính viễn thông ; ông Lê Mạnh Hà, con trai đại tướng Lê Đức Anh, nắm Sở Bưu chính viễn thông thành phố Sài Gòn ; ông Trương Gia Bình, con rể (cũ - đã ly dị vợ) tướng Võ Nguyên Giáp, làm tổng giám đốc công ty FPT ; Ngô Hoàng Hải, con rể Nông Đức Mạnh, là trưởng phòng tư vấn PMU18 (trung gian đấu thầu bằng "phong bì" các dự án xây dựng hay hiện đại hóa với viện trợ ODP),  v.v.
Những liệt kê trên chỉ là một phần nổi nhỏ của tảng băng gia đình trị trong Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Tập doàn Nguyễn Tấn Dũng
Trong thư ngỏ ngày 17/08/2012, ông Nguyễn Thứ Lữ, bí danh Hồng-Hà, cựu chính trị viên Trung Đoàn Tây-Bắc, 50 tuổi Đảng, viết "kể từ ngày Đảng Cộng Sản Việt Nam nắm chính quyền đến nay cộng lại là 65 năm, chưa có vị thủ tướng nào có đầy quyền uy như Nguyễn Tấn Dũng, người đã tóm thâu tất cả các công ty quốc doanh về một mối, đặt dưới quyền kiểm soát của thủ tướng". Ông Hồng Hà cho biết mồ hôi nước mắt và tiền bạc của nhân dân Việt Nam đã và đang chảy vào túi tham của "Tập đoàn Nguyễn Tấn Dũng".
Theo ông Hồng Hà, hiện nay Tập đoàn Nguyễn Tấn Dũng đang nắm giữ và điều khiển 20 doanh nghiệp quốc doanh quan trọng cốt lõi, do quân đội, công an và đảng ủy cai quản, gồm : 1-Tập đoàn Dệt May, 2- Tập đoàn Điện Lực Việt Nam, 3-Tập đoàn Dầu Khí Quốc gia Việt Nam, 4-Tập đoàn Công nghiệp Than (Khoáng sản Việt Nam), 5-Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, 6-Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, 7-Tổng công ty Xăng Dầu Việt Nam (đổi thành Tập đoàn Xăng Dầu Quốc gia Việt Nam), 8- Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam, 9-Tổng công ty Giấy Việt Nam, 10-Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (đổi thành Tập đoàn Thuốc lá Việt Nam), 11-Tổng công ty Sông Đà, 12-Tổng công ty Thép Việt Nam (đổi thành Tập đoàn Thép Việt Nam), 13-Tổng công ty Hàng Không Việt Nam, 14-Tổng công ty Công nghiệp Xi-măng Việt Nam, 15-Tổng công ty Lương thực miền Bắc (đang kế hoạch sát nhập Tổng công ty Lương thực miền Nam làm một), 16-Tổng công ty Lương thực miền Nam, 17-Tổng công ty Cà phê Việt Nam, 18-Tổng công ty Đường Sắt Việt Nam, 19-Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (đổi thành Tập đoàn Hàng Hải Việt Nam-Vinashin), 20-Tập đoàn Viễn Thông Quân Đội Viettel. Nói tóm lại, tập đoàn này đang tóm thâu toàn bộ tài lực và sức mạnh kinh tế của đất nước vào trong tay.
Không ai biết rõ tổng số tài sản của Tập đoàn Nguyễn Tấn Dũng là bao nhiêu, nhưng chắc chắn không dưới 100 tỷ USD. Đó là chưa kể tài sản của những cá nhân và tập đoàn nhỏ hơn, từ quân đội đến công an và tư sản đỏ, hợp tác với Tập đoàn Nguyễn Tấn Dũng. Chỉ nhìn những cơ ngơi của gia đình ông Nguyễn Tấn Dũng và nhân sự lãnh đạo của tập đoàn này trên khắp nước thì rõ. Những cơ ngơi và tài sản này do những cộng sự thân tín của họ cung cấp, đó là chưa kể những trương mục kín trong những ngân hàng nằm trong những thiên đường thuế khóa.
Cũng nên biết, dưới quyền của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã xảy ra nhiều vụ thất thoát tiền lớn nhất nước từ trước đến nay, như vụ Vinashin làm thất thoát số tiền kếch sù lên đến hơn 4 tỷ USD và vụ Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp thất thoát một số tiền lớn lên đến 3 tỷ USD. Thật ra những số tiền thất thoát từ những đại công ty này được phân tán thành những món tiền nhỏ đổ vào các công ty manh mún và chia đều cho đàn em. Tất cả những người trong cuộc, ai cũng được chia phần đồng đều ; điều này cho thấy uy tín và ảnh hưởng của đương kim thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rất lớn trong nội bộ đảng, quân đội và công an. Theo dự trù, nếu không gặp bất ngờ ngoài kế hoạch, năm 2016 ông Nguyễn Tấn Dũng có thể trở thành chủ tịch nước kiêm tổng bí thư đảng và chủ tịch quân ủy trung ương, nghĩa là người có quyền lực cao nhất nước.
Còn lại gì cho những người khác ?
Chẳng còn gì, và nếu có chỉ là những mảnh vụn để mua chuộc sự trung thành hay sự im lặng, cam chịu để hy vọng tiến thân. Những tập đoàn quốc doanh lớn hiện nay đều do con cháu những chức sắc cao cấp nhất trong chính quyền và quân đội nắm giữ. Muốn có một chỗ làm trong những công ty do những thành phần CCCC nắm giữ, người đi xin phải biết đưa "phong bì" đúng chỗ, nếu sai thì mất cả chì lẫn chài. Những ai dám ngẩng cao đầu đòi quyền sống hay phản kháng đều bị đánh gục.
Quan sát kỹ, người ta có cảm tưởng chính quyền cộng sản đang áp dụng đúng theo câu phong dao : "con vua thì được làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa", bất chấp tài năng, trình độ học vấn hay đạo đức. Nếu cha hoặc mẹ giữ những chức vụ cao trong chính quyền thì con cháu được đưa lên nắm giữ những chức vụ cao trong chính quyền như cha hoặc mẹ. Nếu cha hoặc mẹ nắm những chức vụ cao trong quân đội thì con cháu khi vào quân đội cũng được đưa lên giữ những chức vụ cao trong quân đội y như vậy.
Một nhận xét khác là những thành viên "thái tử đảng" này không tha thiết gì đến chủ nghĩa cộng sản hay mác-xít. Phần lớn đều tốt nghiệp các ngành quản trị, tài chánh và truyền thông, một số được tu nghiệp và trở về từ các quốc gia tư bản lớn, do đó có trình độ khá về kỹ thuật kinh doanh cơ bản. Do không có truyền thống sinh hoạt dân chủ, những chủ nhân trẻ này hành xử với đồng loại như giới tư bản rừng rú thời sơ khai, nghĩa là bất chấp quyền con người và khoe khoan sự giàu sang một cách thách đố trước sự nghèo khó chung của xã hội.
Hiện nay, gần như tất cả những quyền lợi quốc gia đều nằm trong tay Tập đoàn Nguyễn Tấn Dũng. Sức mạnh về quyền lực và tài chánh của ông Nguyễn Tấn Dũng không dễ gì bị suy yếu một cách dễ dàng, cho dù có bị công kích từ đủ mọi phía. Con đường thăng tiến của ông vào chức vị chủ tịch nước kiêm tổng bí thư đảng và quân ủy trung ương vào năm 2016 gần như chắc chắn. Để duy trì quyền lực của mình, ông Nguyễn Tấn Dũng đã thành công trong việc chuẩn bị thế hệ "thái tử đảng" để kế tục.
Những người đang tranh đấu cho dân chủ, đang xuống đường đòi quyền con người và chống bất công xã hội hãy sáng mắt ! Nếu không ai dám làm gì để thay đổi thì không hy vọng gì có chỗ đứng, tất cả chỉ là con sãi ở chùa quét lá đa.
Nguyễn Văn Huy
(Thông luận)

Chúng ta – Một thế hệ lạc lõng

Nếu tôi nói với các bạn rằng chúng ta – những thanh niên sinh ra vào cuối thế kỷ 20 và lớn lên vào đầu thế kỷ 21 – là một thế hệ lạc lõng, có thể các bạn cho rằng tôi đang nói điều tiêu cực. Khi tôi nói điều đó, tôi không có  ý muốn nói chúng ta là những kẻ lạc loài, và hi vọng rằng các bạn đừng nhìn nhận điều tôi nói ở khía cạnh xấu của ngôn từ. Ngôn từ thật sự rất dễ gây hiểu lầm. Từ “lạc lõng” ở đây mà tôi muốn nói đến là một cảm giác mà tôi tin rằng rất nhiều bạn trẻ ở thế hệ của chúng ta đều cảm thấy rõ rệt: một sự đơn độc, khó có thể kết nối với xung quanh, khó tìm kiếm sự đồng cảm từ những thế hệ trước. Và không biết các bạn có nhận ra không, chúng ta gần như tách biệt hoàn toàn với những người sinh ra đầu thập niên 80 đổ về trước. Và đã bao giờ bạn tự hỏi, điều gì gây ra biến động lớn đến vậy?
Những thế hệ đi trước hình dung như thế nào về chúng ta? Có phải chúng ta là những kẻ vô tâm và thờ ơ với xung quanh? Có phải chúng ta chỉ biết chìm đắm trong chủ nghĩa tiêu dùng? Có phải thế hệ chúng ta là một thế hệ suy đồi đạo đức? Khi báo chí truyền thông mổ xẻ thế hệ chúng ta ở những câu chuyện tiêu cực, họ đã vẽ nên một chân dung không đúng với sự thật. Miếng mồi của báo chí là những câu chuyện giật gân “cướp, giết, hiếp”, và rõ ràng họ sẽ chẳng thể kiếm đủ miếng cơm manh áo bằng những câu chuyện “người tốt việc tốt” thực sự. Để viết một câu chuyện “người tốt việc tốt” hấp dẫn, cần quá nhiều kiến thức và công sức khảo cứu, điều này đòi hỏi một tinh thần trách nhiệm cao trong lương tâm của một số hiếm hoi các nhà báo, không chỉ ở Việt Nam, mà cả trên thế giới. Và các bạn có biết ai là những nhà báo chê bai chúng ta không? Họ không ở trong thế hệ của chúng ta, họ không phải đối mặt với những gì chúng ta phải đối mặt, họ không tận hưởng những thú vui theo kiểu của chúng ta, họ không làm bạn với chúng ta. Và tôi nói không ngoa, chính họ góp phần làm bố mẹ chúng ta (vốn đã không hiểu về chúng ta) giờ đây lại càng thêm phần không hiểu.

http://tuoitrebinhchanh.org.vn/data/news/2013/1/14035/2(1).jpg
Một thế hệ lạc lõng?
Cảm giác lạc lõng đầu tiên mà chúng ta thấy rõ rệt là ngay trong gia đình của chúng ta. Dù gia đình bạn êm đềm, yên ấm hay đầy sóng gió, thì bạn cũng vẫn luôn thấy một sự khác biệt quá lớn giữa hai thế hệ. Và điều đó tạo ra xung đột giữa hai bên, hoặc có một cách để tránh xung đột là chúng ta không thể cho các bậc phụ huynh biết được những gì chúng ta thật sự muốn làm, những gì chúng ta cảm nhận, những gì chúng ta đang suy nghĩ trăn trở. Sự khép kín đã đẩy chúng ta vào một cảm giác đơn độc triền miên. Mọi sự chăm sóc, chiều chuộng không bao giờ là đủ một khi chúng ta cứ phải khép mình để giữ một trạng thái ổn định trong gia đình. Liệu các bậc phụ huynh có hiểu được biết bao vấn đề đằng sau khuôn mặt thờ ơ hay thái độ cắm mặt vào Iphone hoặc máy tính của con cái? Nói lên điều chúng ta suy nghĩ, dám làm những mong muốn ở sâu thẳm bên trong… chúng ta phải đối mặt với sự phản đối kịch liệt. Nhẹ nhàng hơn, chúng ta sẽ bị phủ nhận rằng những điều chúng ta dự định chỉ là ảo tưởng, là không thật, là vô nghĩa. Cái gì là thật đối với đa số các bậc phụ huynh: Học hành chăm chỉ, có bằng cấp, công ăn việc làm đầy đủ, lấy vợ, đẻ con và… chết. Họ đã quá quen với việc: “dùng tiền chúng ta không có, mua những thứ chúng ta không cần, để cố vừa lòng những người chúng ta không thích” (Trích phim “Fight Club”) Đó là cuộc sống bình thường theo quan điểm của thế hệ phụ huynh chúng ta.
Không thể trách họ, họ chỉ muốn điều họ cho là tốt nhất với con cái. Nhận thức và tư duy của đa số các bậc phụ huynh được xây dựng trong một nền tảng xã hội và giáo dục đề cao chủ nghĩa vật chất. Trong thời thanh niên, họ phải chật vật kiếm sống và khẳng định vị trí xã hội của mình. Điều này khiến cho họ tin rằng mọi giấc mơ thuở thiếu thời đều là viển vông. Họ sẽ thấy vô nghĩa khi con cái mình say mê đọc sách nghiên cứu về vũ trụ, hay bỗng một ngày con mình chuyển sang ăn chay và ngồi thiền, và cũng chẳng dễ dàng gì thấy con mình nhảy Hip hop ngoài đường… Đó là còn chưa kể đến những người cha, người mẹ có lối suy nghĩ đơn giản: chỉ cần cho nó ăn ngon mặc đẹp, vật chất đầy đủ là ổn thỏa. Nếu thế giới này chỉ được xây dựng bằng vàng bạc, tiền tài, hàng hóa… có lẽ tôi nghi ngờ sự lâu dài của nó. Liệu rằng cái gì còn lại sau một cơn hồng thủy? Sẽ là nhà lầu xe hơi ư? Không! Cái còn lại là những mảnh rơi rớt của trí tuệ con người, những giá trị sống đích thực như tình yêu thương, sức mạnh ý chí, và lòng khát khao cái đẹp.
Đọc đến đây chắc sẽ có nhiều người thuộc thế hệ đi trước cười ruồi và bảo: “Đúng là tuổi trẻ nông nổi! Tuổi trẻ thời nào mà chẳng nông nổi thế!”. Đây không phải vấn đề tuổi tác, mà là vấn đề về chuyển dịch nhận thức và tư duy. Trong suốt thế kỷ 19 – 20, gần như cả thế giới đều tin rằng: con người chúng ta là sự sắp xếp của các nguyên tử, chúng ta chỉ là một dạng vật chất và tinh thần cũng từ đó mà hình thành. Với niềm tin như vậy, con người chỉ quan tâm chăm lo cho cái ăn, cái ở. Khoa học Công nghệ được đẩy cao hơn giá trị tinh thần, chủ nghĩa hiện thực được ưu ái hơn những ước vọng cao đẹp, thái độ hoài nghi được thay thế cho tình yêu thương đại đồng. Và hãy nhìn xem hai thế kỷ vừa qua: Bạo loạn, bất công, môi trường bị hủy hoại, đại chiến thế giới, đại suy thoái kinh tế, con người tuyệt vọng chìm đắm trong sắc dục, ma túy, giết chóc. Ở trong một thời đại như vậy và cũng góp phần nhúng tay vào tình cảnh hỗn loạn ấy, các thế hệ đi trước của chúng ta trên thực tế không đủ tư cách để nói rằng thế hệ chúng ta là một thế hệ suy đồi về đạo đức. Họ đã quá quen với cách tư duy tuyến tính một chiều, chỉ nhìn nhận được một dòng chảy của vấn đề. Với họ, tốt là thuần túy tốt, xấu là thuần túy xấu. Trong khi ấy, sự việc và con người nào cũng có vô vàn góc độ đánh giá. Thế hệ của chúng ta thì ngược lại, bằng một bước chuyển vô hình nào đó (mà nhiều người gọi là bắt đầu của kỷ nguyên Bảo Bình), chúng ta đã bắt đầu nhìn sự vật, sự việc và con người như một tổng thể. Điều này khiến chúng ta không quá quan trọng chuyện tốt xấu theo các quy chuẩn xã hội, và đương nhiên các bậc phụ huynh nói riêng và thế hệ đi trước nói chung không tránh khỏi sự khó hiểu, thậm chí đến mức không bằng lòng. Chúng ta được sinh ra ở thời kỳ khá đầy đủ về vật chất, và đương nhiên chúng ta đột nhiên nhận ra rằng đó không phải tất cả những thứ chúng ta cần. Chúng ta cần các giá trị tinh thần như nghệ thuật, triết học, tâm linh, những công việc thiện nguyện, khả năng gắn kết giữa người với người…
Sự khác biệt ấy khiến cho chúng ta chơi vơi trôi nổi giữa một thời đại mà cái cũ đang dần dần đi vào ngày tàn trong khi cái mới chưa thành hình. Chúng ta lạc lõng vì chúng ta đang ở giai đoạn giao thời, một sự chuyển dịch lớn của lịch sử nhân loại và chưa ai dự đoán trước được nhân loại sẽ chuyển dịch theo hướng nào. Chúng ta lạc lõng vì chúng ta muốn vươn đến đỉnh cao của các giá trị tinh thần nhưng lại bị quá nhiều lực cản của thế giới cũ. Và chúng ta đứng giữa hai con đường rõ rệt: hoặc mạnh dạn phiêu lưu theo nguồn cảm hứng mới mẻ bất chấp mọi hiểm nguy, hoặc chấp nhận vùi dập ước mơ của mình trong một thế giới an toàn nhưng cũ kỹ. Đứng giữa các lựa chọn khiến chúng ta cũng bị phân hóa, sự phân hóa này lại làm chúng ta ngày một hoang mang. Người mạnh dạn đi theo giấc mơ thì đôi khi cảm thấy mơ hồ và đơn độc, người chấp nhận đời sống xã hội an toàn thì luôn luôn ở trong tình trạng chán nản triền miên đến mức chỉ cảm giác mình như những cỗ máy biết tư duy đi lại dật dờ.
Tôi viết bài này không phải đêu kêu gọi các bạn đi theo cái mới. Tôi chỉ có hai mong muốn: Một là chia sẻ với các bạn sự đồng cảm về cảm giác lạc lõng giữa một thế giới 7 tỉ người mà chẳng có sự kết nối nào với nhau. Hai là muốn nói với những thế hệ những người đi trước rằng họ không nên mất thời gian vào việc chê bai thế hệ của chúng ta. Thật đáng tiếc vì họ không nhìn thấy  những người bạn của tôi: những người sẵn sàng xuống đường tìm kiếm những em bé lang thang và dạy cho chúng học đọc, học viết; những người bỏ hết công sức và tiền bạc để thu gom kiến thức nhân loại và tìm mọi cách để chia sẻ với mọi người; những người dám xông xáo tìm kiếm một cách tân nghệ thuật có giá trị mang tầm thời đại; những người lao đầu vào các dự án bảo vệ môi trường và cộng đồng người; những người đang cố giữ gìn nền tảng đạo đức tôn giáo bất kể sự xuống cấp của niềm tin; những người sẵn sàng rũ bỏ đời sống vật chất giả dối để lên đường đi phiêu lưu khắp thế giới cố gắng tìm kiếm một sự kết nối với chính bản thân mình và kết nối với vũ trụ… Còn rất nhiều, rất nhiều những người như thế có thể rằng tôi cũng chưa được biết tới. Và nếu ai đó nói rằng những người tôi biết chỉ là thiểu số, vậy thì có lẽ tôi đã quá may mắn được kết bạn với họ, được cùng họ chia sẻ ý tưởng về thời đại mới và ở bên họ, tôi biết rằng mình chẳng bao giờ đơn độc nữa!
Hà Thủy Nguyên

'Việt Nam, ngôi sao sắp vụt tắt'


Dự đoán tăng trưởng của VN cho năm 2014 đã bị giảm bớt xuống 5,2%

William Pesek, người phụ trách cột báo thường xuyên Bloomberg View của hãng tin tài chính Bloomberg, vừa có bài nhận định riêng về kinh tế Việt Nam với tựa đề "Việt Nam, Ngôi sao sắp tắt" (Vietnam’s Star Is Dimming). BBC Tiếng Việt xin giới thiệu cùng quý vị:

Giống như các nên kinh tế có thể thành cọp, Việt Nam đang phải đối diện với những mối đe dọa mới: một cuộc khủng hoảng đang làm tê liệt châu Âu, một nước Mỹ đang sa sút, và một nước Nhật đang bị vung tay quá trán.

Thế nhưng, mối rủi ro lớn nhất cho tương lai Việt Nam có lẽ chính là sự hoài cổ.
Đã 27 năm trôi qua kể từ khi Hà Nội bắt đầu công cuộc Đổi Mới, theo đó các công ty tư nhân được tham gia vào nền kinh tế, các lĩnh vực then chốt được mở cửa, chẳng hạn như nông nghiệp.

Sự phát triển nhanh chóng sau đó đã đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình, biến đổi vùng đất từng là vùng chiến sự trở thành một điển hình cho sự phát triển và giảm đói nghèo.

Tuy nhiên, nay hướng đi hồi 1986 của Việt Nam nhằm có một "nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" đang trở nên cũ kỹ.

Các số liệu gần đây cho thấy chiến lược từng đưa Việt Nam tiến xa - sự phụ thuộc nặng nề giống như mô hình Trung Quốc vào các doanh nghiệp quốc doanh và kế hoạch hóa tập trung - nay đang khiến đất nước bị trì trệ.

Việt Nam đang hụt hơi trong bảng cạnh tranh toàn cầu, trong lúc mức tăng trưởng đã chững lại ở mức chừng 5%, thấp nhất kể từ 1999 trở lại nay.

Để phục hồi, đất nước cần phải làm chính xác là những gì họ đã từ chối làm cho tới nay: xây dựng một lĩnh vực tư nhân thực sự mạnh mẽ và sáng tạo, có thể tạo đa dạng hóa cho sự tăng trưởng và đem lại sự thịnh vượng.

Không được đảm bảo

"Việc điều chỉnh toàn bộ nền kinh tế sẽ là việc cần thiết nhằm đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ trở lại," Vaninder Singh, một kinh tế gia thuộc tập đoàn ngân hàng Royal Bank of Scotland Group Plc, làm việc tại Singapore nói. "Điều này không được đảm bảo bởi nó sẽ đòi hỏi sự thay đổi to lớn trong cấu trúc công ty và những cải thiện về hiệu quả sản xuất."


Tác giả William Pesek nói tham nhũng đang xói mòn tính chính danh của Đảng Cộng sản



Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng liệu có mong muốn chính trị nhằm hiện đại hóa nền kinh tế Việt Nam trị giá 124 tỷ đô la hay không? Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tỏ ra nghi ngờ điều này.

IMF gần đây đã giảm dự đoán phát triển của Việt Nam năm 2014 nhiều hơn mức giảm đưa ra đối với bất kỳ quốc gia châu Á nào khác, xuống mức 5,2%.

Tỷ lệ đó có thể là ghê gớm trên thế giới, khi mà nhóm các nước hùng mạnh nhất về kinh tế, G7 đã hầu như không phát triển được thêm.

Nhưng với nền kinh tế 90 triệu dân đang ở giai đoạn phát triển của Việt Nam, điều đó trở thành đưa đất nước vào một cuộc khủng hoảng.

Khi tiến hành cải tổ, các lãnh đạo Hà Nội tin rằng họ đang đi theo mô hình Trung Quốc, vốn đã rất thành công. Cách tiếp cận của Việt Nam còn từ từ, thận trọng hơn cả Đặng Tiểu Bình.

Nhưng những khó khăn nói chung là giống nhau, và cả hai nay bắt đầu vấp phải những vấn đề giống nhau.

Mô hình Trung Quốc

Giống Trung Quốc, Việt Nam đang phải gánh chịu một hệ thống phân phối tín dụng bị méo mó, với sự thống trị của các doanh nghiệp nhà nước. Các quyết định cho vay cẩu thả đã gây ra những bong bóng bất động sản và chôn vùi các ngân hàng dưới hàng núi nợ không có khả năng xử lý.

Khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng nhanh chóng. Căng thăng giữa người lao động muốn được trả lương cao hơn và giữa các ngành công nghiệp muốn có lao động rẻ cũng gia tăng nhanh chóng.

Các vụ thu hồi và tư hữu hóa đất khuất tất vốn làm giàu cho những ai có quan hệ chính trị đến nay đã khiến cho công chúng giận dữ. Nạn tham nhũng tràn lan đang làm xói mòn tính chính danh của Đảng Cộng sản cầm quyền.

Đất nước không thể tiến lên nếu không tái cơ cấu các doanh nghiệp quốc doanh, vốn chiếm tới gần 40% tổng sản phẩm quốc nội GDP.

Các kinh tế gia tại McKinsey & Co ước tính rằng Việt Nam cần phải nâng hiệu suất làm việc lên hơn 50% mới có thể duy trì được mức tăng trưởng lành mạnh.
Người ta không cần phải xuất chúng gì cũng có thể thấy rằng chỉ có mảng tư nhân mới có thể làm được điều này.

Nguyên nhân gây lo lắng

Hồi tháng Hai, Thứ trưởng Tài chính Trương Chí Trung hứa hẹn chính phủ sẽ đưa ra một kế hoạch rà soát kỹ càng toàn bộ 52 tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước, chậm nhất là đến tháng Sáu.


Việc cho vay bừa bãi đã tạo những bong bóng bất động sản

Nhưng dựa vào những kinh nghiệm trước đây, có lý do khiến người ta tin rằng việc cải tổ là thiếu cụ thể.

Chính phủ đã lỡ mất mục tiêu thành lập một công ty quản lý tài sản nhằm xử lý nợ ngân hàng. Các cam kết kiềm chế các khoản đầu tư công, các hoạt động cho vay và các doanh nghiệp nhà nước thì không chỉ tương tự vậy mà chúng còn trở thành tệ hơn thế.

Câu hỏi là liệu chính phủ của ông Dũng có thể triển khai một cách đáng tin cậy bất kỳ sự cải thiện nào hay không, chứ đừng nói là cả ba cùng lúc.

Chớ ai coi nhẹ vai trò của tham nhũng ở đây.

Giống như Tập Cận Bình ở Bắc Kinh, ông Dũng đang phải đối diện với một vấn đề chỉ có ở đất nước cộng sản: quá nhiều quan to trở nên giàu có trong mô hình hiện nay của Việt Nam. Điều đó khiến người ta không có động lực phải thay đổi.
Nạn ăn hối lộ đã tăng tỷ lệ nghịch với tình hình kinh tế.

Trong Chỉ số về tình trạng tham nhũng năm 2012 do tổ chức Minh bạch Quốc tế đưa ra, Việt Nam tụt xuống vị trí 123 trên tổng số 176 nước, so với vị trí 112 hồi năm 2011, tệ hơn cả Sierra Leone và Belarus.

Thế còn trong Chỉ số mức cạnh tranh toàn cầu mới nhất do Diễn đàn Kinh tế Thế giới đưa ra, Việt Nam tụt 10 bậc, xuống vị trị thứ 75, sau cả Uruguay và Ukraine.

Hướng tới tương lai

Thách thức đối với Việt Nam dẫu sao cũng nằm trong tầm kiểm soát hơn so với Trung Quốc: các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam nhỏ hơn, đầu tư bớt dàn trải hơn.

Nhưng nay không còn là lúc có thể làm từng bước được nữa.

Nay là lúc đất nước phải phát triển mô hình riêng của mình, một mô hình phải xóa bỏ nạn tham nhũng, đầu tư nhiều hơn nữa vào giáo dục và các lĩnh vực phát triển then chốt như sản xuất công nghệ, và trao quyền lực cho các doanh nghiệp để bước tới bậc thang tạo giá trị gia tăng.

Trong nhiều năm, các quốc gia nhỏ khác ở Đông Nam Á, như Miến Điện và Campuchia, đã nhìn vào Việt Nam để tìm ý tưởng cải tổ kinh tế. Việt Nam có thể sẽ lại trở thành điển hình mẫu. Chỉ cần Việt Nam hướng tới tương lai, thay vì hoài niệm quá khứ.
(BBC)

Cải cách quá chậm

Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới mới nhất vừa phổ biến hôm 29/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay từ 5,8% còn 5,2% và cả năm 2014 cũng chỉ còn 5,2% thay vì 6,4% như dự báo trước đó.
Khó lấy lại đà tăng trưởng
Báo chí Việt Nam trong đó có tờ Tuổi Trẻ Online đưa tin này hôm 8/5, thêm rằng chỉ số giá tiêu dùng năm nay của Việt Nam được dự báo tăng 8,8% và sẽ giảm còn 8% vào năm sau.
Trong cuộc phỏng vấn của Nam Nguyên thực hiện tối 9/5, Chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh từ Hà Nội nhận định:
“Điều đáng chú ý của nhận định mới đây của IMF là đã giảm mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 5,8% xuống 5,2% và cũng giảm dự báo của năm 2014 xuống 5,2% thay vì mức tăng cao như trước đây và điều này cũng phù hợp với các dự báo khác của các ngân hàng tư nhân như HSBC hay các tổ chức tín dụng khác. Điều đó cho thấy một mặt tình hình kinh tế thế giới có khó khăn phức tạp và nó cũng phù hợp với xu thế chung, song điều đáng chú ý là mức giảm của Việt Nam rất cao, cao nhất sau Singapore và Singapore có đặc thù là phù hợp rất nhiều vào thị trường quốc tế còn các nước Đông Nam Á khác thì vẫn có tốc độ tăng trưởng cao. Quĩ Tiền tệ Quốc tế có lưu ý là các cải cách của Việt Nam như vậy là chậm. Nếu như không giải quyết sớm các cải cách ngân hàng và giải quyết nợ xấu thì nền kinh tế Việt Nam khó có thể lấy lại được đà tăng trưởng trước đây.”
Trong báo cáo triển vọng kinh tế vừa nêu, dự báo của Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thể hiện khoảng cách rất lớn giữa mức tăng chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng của Việt Nam. Điều này cho thấy đời sống đại đa số người dân Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt những người làm việc hưởng lương, công nhân lao động và cư dân nông thôn. TS lê Đăng Doanh nhận định:
“Nếu như mức lạm phát lên tới 8,8% so với mức tăng trưởng 5,2% tức là lạm phát cao hơn tốc độ tăng trưởng thì thực chất người dân sẽ bị giảm thu nhập thực tế của mình. Dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng là một dự báo có tính hiện thực bởi vì cho đến nay tháng tư so với tháng tư/2012 chỉ số giá cả đã tăng đến mức 6,61% là mức cao so với khu vực. Tuy rằng mức tăng 4 tháng đầu năm so với tháng 12 thì vẫn còn thấp, đấy là điểm đáng chú ý. Tôi cần nói thêm là gần đây giá xăng dầu trên thế giới có giảm cho nên đã giảm áp lực tăng lạm phát, nhưng mà việc tăng giá điện tăng giá than rồi dịch vụ y tế tăng, rồi sắp tới đây tháng 9 khai giảng thì phí giáo dục cũng tăng. Tức là những chi phí phụ thuộc dịch vụ công sẽ phải nâng giá lên và điều đấy sẽ đóng góp một phần đáng kể vào chỉ số tăng giá vào cuối năm.”

024_450245-305.jpg
Đất trồng hoa màu bên cạnh những tòa nhà căn hộ cao cấp tại quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội hôm 24 tháng 06 năm 2010. AFP
Trong một bối cảnh kinh tế đầy khó khăn kế thừa từ vài năm trước, bao gồm nợ xấu ngân hàng, nợ xấu Tập đoàn, Tổng công ty Doanh nghiệp Nhà nước, tình trạng bất động sản đóng băng, sản phẩm tồn kho cao, sức mua giảm sút. Ngày 29/4 VnExpress trích ý kiến chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn nhận định rằng, kinh tế 2013 có lóe sáng đôi chút nhưng chưa thể phục hồi, rất nhiều doanh nghiệp bị loại khỏi thị trường. Nếu không có giải pháp, khu vực kinh tế tư nhân sẽ thu hẹp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tốc độ và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế trong tương lai.
Cùng về vấn đề liên quan, TS Lê Đăng Doanh cho là, tất cả các giải pháp đều đã được Hội nghị Trung ương và chính phủ đã có nghị quyết rồi, chỉ có điều việc thực thi thì rất chậm. Ông nhấn mạnh:
“Công ty mua bán nợ vẫn chưa ra đời và các biện pháp tái cấu trúc lại ngân hàng cũng tiến hành chậm; việc tái cấu trúc các doanh nghiệp Nhà nước đã có quyết định 929 của Thủ tướng, nhưng cho đến nay chưa thấy thông báo về việc thực thi quyết định 929 dẫn đến kết quả gì và đã đạt được những tiến bộ ở đâu. Và đáng chú ý là các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước nợ đến 1.330.000 tỷ đồng là một số tiền không nhỏ, thế thì quyết định 929 không đề cập tới việc giải quyết số nợ đó. Tái cấu trúc các tập đoàn mà không chỉ rõ xử lý số nợ ấy thì không rõ tái cấu trúc như thế nào. Rồi thì đến tái cấu trúc đầu tư công, cho đến nay chưa có một quyết định về tái cấu trúc đầu tư công toàn diện và đầy đủ. Chỉ có chỉ thị yêu cầu giảm số dự án cũng như đình hoãn một số dự án mà chưa có vốn được đáp ứng, cũng như khả năng hoàn thành còn kéo dài. Điều rất quan trọng là việc cải cách thể chế và sửa đổi lại các chính sách mà hiện nay hướng đến tìm kiếm lợi nhuận bằng cách thu hồi đất của nông dân, bằng khai khoáng bằng đốn rừng …v..v…tất cả những chính sách đó hiện nay chưa có sự thay đổi cần thiết.”
Tái cấu trúc gặp trục trặc
Cũng liên quan tới những vấn nạn của nền kinh tế, VnExpress ngày 9/5 phản ánh tình trạng lãi suất tiết kiệm ngắn hạn giảm mạnh về mức 5%-6% nhưng lãi suất cho vay không giảm tương ứng. VnExpress trích lời ông Nguyễn Đức Huấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam nhận định rằng, lãi suất cho vay chênh 4%-5% so với huy động là quá cao chỉ nên ở mức 3%. Tờ báo mạng cũng phản ánh ý kiến các lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, họ đang vay ngân hàng với mức lãi suất từ 10% tới 15% được cho là quá sức chịu đựng của doanh nghiệp.
VnExpress ghi nhận ý kiến ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Cao su, Nhựa TP.HCM cho là, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang trở về thời điểm 1996, khi cố gắng thu hẹp sản xuất, lắp máy móc giá rẻ, tận dụng người nhà làm lao động và chỉ sản xuất những sản phẩm rẻ tiền, dễ bán. Doanh nhân này ví von ‘Doanh nghiệp đi lùi và tồn tại như rắn đang cắn vào đuôi của chính mình’. Bên cạnh đó, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Huỳnh Văn Minh nhận định rằng, tình trạng thiếu vốn lãi suất cao khiến chi phí đội lên, giá thành đắt đỏ cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp khó bán hàng.
Cùng về vấn đề liên quan, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM cho là lãi suất trong xu thế giảm nhưng các doanh nghiệp lại quá khó khăn với việc tìm kiếm đủ nguồn vốn. Ông nói:
“Hiện nay lãi suất không còn là vấn đề đau đầu của các doanh nghiệp nữa, nhưng hai vấn đề mà các doanh nghiệp phải đối đầu là, thứ nhất chứng minh khả năng trả nợ ngân hàng. Trước đây hầu hết các doanh nghiệp thế chấp ngân hàng bằng tài sản là đất là nhà, tóm lại là bất động sản. Nhưng trong 4-5 năm vừa qua lãnh vực bất động sản rơi xuống dốc. Do đó việc đánh giá giá trị đất thì ngân hàng ngày càng dè dặt. Thí dụ cũng với miến đất đó trước đây định giá 10 tỷ thì bây giờ ngân hàng chỉ định giá 6 tỷ hay 4 tỷ. Đánh giá thấp thì khoản vay của doanh nghiệp sẽ thấp hơn, sẽ không đáp ứng yêu cầu kinh doanh, doanh nghiệp đứng trước khó khăn, đáng lẽ vay đủ để hoạt động với tài sản họ có thì nay chỉ đáp ứng được 50%-60% vốn vay so với trước. Còn đối với phương án kinh doanh khả thi thì đây là đối với doanh nghiệp vay tín chấp, còn đối với doanh nghiệp chưa có uy tín với ngân hàng thì chắc chắn là phải vay thế chấp. Đây là bài toán thường xuyên của doanh nghiệp và không thể giải quyết trong đoản kỳ mà phải trong trường kỳ.”
Nếu như Nhà nước Việt Nam nhìn nhận nhu cầu phải tái cấu trúc nền kinh tế chuyển đổi mô hình tăng trưởng để tồn tại, trong đó có tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, tái cấu trúc các Tập đoàn Tổng Công ty Doanh nghiệp Nhà nước, tái cấu trúc đầu tư công, thì dường như mọi việc đang gặp trục trặc. Như lời ông Cao Sĩ Kiêm phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân hồi tháng 4 đánh giá 1 năm thực hiện tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, đó là “Đề án tái cơ cấu nên được làm lại”.
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2013-05-10

Biện minh của VN về việc bỏ tù 17 nhà hoạt động Công giáo bị bác bỏ


Giám đốc Chương trình Luật Quốc tế và Đối chiếu của Trường Luật Đại học Stanford (Hoa Kỳ), Giáo sư Allen Weiner

10.05.2013
"Việt Nam một khi đã nhất trí với luật quốc tế thì không thể dựa trên luật nội bộ của mình nữa nếu luật của họ không phù hợp với các quy định về nhân quyền của quốc tế. Hơn nữa, Hiến pháp Việt Nam bảo đảm quyền tự do bày tỏ quan điểm chính trị và tự do lập hội.”

Giám đốc Chương trình Luật Quốc tế và Đối chiếu của Đại Học Luật Stanford (Hoa Kỳ), Giáo sư Allen Weiner, bác bỏ những biện minh của chính quyền Việt Nam phúc đáp đơn do ông đệ nạp lên Liên Hiệp Quốc trình bày về việc Hà Nội bắt giữ bất hợp pháp và cầm tù dài hạn 17 nhà hoạt động Công giáo trẻ.

Trong thư gửi Ủy ban Liên hiệp quốc Điều tra về Bắt giữ Tùy tiện (UNWGAD) mới đây, Giáo sư Weiner nói lập luận của Việt Nam thừa nhận việc họ sử dụng các điều khoản mơ hồ của luật pháp làm công cụ để tước đoạt các nhân quyền căn bản của công dân mà chính Hà Nội đã cam kết bảo đảm theo công pháp quốc tế.

Giáo sư Weiner một lần nữa yêu cầu Việt Nam phóng thích ngay lập tức những người bị giam giữ để sửa chữa hành vi vi phạm nhân quyền xuất phát từ việc bắt giữ và giam cầm tùy tiện.

Tháng 7 năm ngoái, chính Giáo sư Weiner đã thay mặt nhà hoạt động Đặng Xuân Diệu cùng các đồng sự đang bị cầm tù tại Việt Nam nộp thỉnh nguyện thư lên cơ quan UNWGAD của Liên hiệp quốc nhờ can thiệp trong các bản án về tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền", “phá hoại đoàn kết quốc gia”, hay “tuyên truyền chống nhà nước” Hà Nội dành cho các hoạt động thực thi quyền tự do ngôn luận và cổ xúy dân chủ-nhân quyền mà họ đã tham gia.

Giáo sư Weiner nói những người bị giam cầm đã gánh chịu nhiều vi phạm nhân quyền, bao gồm các quyền căn bản như tự do bày tỏ quan điểm, tự do hội họp và lập hội, và quyền được có một phiên tòa xét xử công bằng khi họ bị Việt Nam kết án tùy tiện tại các phiên xử kín trong thời gian từ tháng 5 năm ngoái và đầu năm nay.

Tháng 4 vừa qua, nhà cầm quyền Việt Nam đã có thư phúc đáp những tố cáo vừa kể, nói rằng 17 nhà hoạt động bị kết án vì vi phạm luật pháp Việt Nam.

Phát biểu với VOA Việt ngữ, Giáo sư Weiner nói:

“Thực chất Việt Nam nói là chúng tôi sẽ dùng luật của chúng tôi theo kiểu mà bất kỳ cá nhân nào cầm quyền muốn nó thế nào thì nó sẽ thế ấy. Đây là một hệ thống hoàn toàn trái ngược với một nhà nước pháp quyền. Xin nhắc lại Việt Nam đã tham gia ký kết Công ước quốc tế về quyền chính trị và dân sự bảo đảm quyền tự do bày tỏ quan điểm và tự do lập hội. Đã là thành viên của công ước, anh không thể nói ừ thì chúng tôi có các nghĩa vụ cam kết với công ước đấy, nhưng chúng tôi ứng dụng khác với những nơi khác, theo luật riêng của chúng tôi. Dựa trên luật nội bộ để vi phạm các nghĩa vụ cam kết theo luật quốc tế là điều không thể chấp nhận. Điều này sẽ làm cho việc tham gia hiệp ước quốc tế trở nên vô nghĩa. Việt Nam một khi đã nhất trí với luật quốc tế thì không thể dựa trên luật nội bộ của mình nữa nếu luật của họ không phù hợp với các quy định về nhân quyền của quốc tế. Hơn nữa, Hiến pháp Việt Nam bảo đảm quyền tự do bày tỏ quan điểm chính trị và tự do lập hội.”

Trong cuộc trao đổi trước đây với VOA Việt ngữ, Giáo sư Weiner cho rằng điều 79 hay 88 trong Bộ Luật Hình sự Việt Nam về tội ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’ hay ‘tuyên truyền chống nhà nước’ là các điều luật vô hạn cho phép nhà nước, chỉ vì không thích nghe chỉ trích, có quyền bắt bất kỳ ai bất cứ lúc nào mà không cần truy tố, không cần đưa ra xét xử, không cho phép họ được tiếp xúc với luật sư. Theo chuyên gia luật quốc tế Weiner, “đó là một nhà nước độc tài không phù hợp với pháp trị.”

Giáo sư Đại Học Luật Stanford nhấn mạnh 17 nhà hoạt động bị Hà Nội kết tội và bị tuyên án tù nhiều năm chỉ vì họ thể hiện quan điểm trên blog, ký tên vào các thỉnh nguyện thư, tham gia các cuộc phản kháng ôn hòa về nhiều vấn đề bao gồm kêu gọi dân chủ-đa nguyên và phản đối bất công xã hội. Một số người trong nhóm bị kết tội chỉ vì tham gia một đảng chính trị đối lập đấu tranh đòi thay đổi chính trị Việt Nam một cách ôn hòa.

Thỉnh nguyện thư do Giáo sư Weiner nộp lên UNWGAD đại diện cho các bị can gồm Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hòa, Nguyễn Văn Oai, Chu Mạnh Sơn, Đậu Văn Dương, Trần Hữu Đức,  Lê Văn Sơn, Nông Hùng Anh, Nguyễn Văn Duyệt, Nguyễn Xuân Anh, Hồ Văn Oanh, Thái Văn Dung, Trần Minh Nhật, Nguyễn Đình Chương, Hoàng Phong, blogger Tạ Phong Tần, và nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình.

Ủy ban Liên hiệp quốc Điều tra về Bắt giữ Tùy tiện đang nhóm họp tại Geneva và có thể sẽ sớm đưa ra ý kiến về việc này.

Giáo sư Weiner cho biết sau khi xem xét phản hồi của cả bên đệ đơn và phía chính phủ Việt Nam, Ủy ban sẽ xem có nên đưa ra quyết định rằng những vụ bắt giam này là vi phạm luật quốc tế về nhân quyền hay không. Nếu quyết định đây đúng là những trường hợp bắt bớ tùy tiện, Ủy ban sẽ kêu gọi Việt Nam tuân thủ luật quốc tế, phóng thích những người bị cầm giữ.

Giáo sư Allen Weiner, đồng giám đốc của Trung Tâm về Xung Đột và Đàm Phán Quốc Tế của Đại Học Stanford, là học giả về luật quốc tế với kiến thức chuyên môn trong nhiều lãnh vực bao gồm luật an ninh quốc gia và quốc tế.

Ông từng hành nghề luật quốc tế trong Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hơn một thập niên, cố vấn cho các quan chức lập chính sách, đàm phán các hiệp ước quốc tế. Ông cũng từng cố vấn pháp lý cho đại sứ quán Hoa Kỳ tại The Hague và là cố vấn luật trong Văn Phòng Cố Vấn Luật Pháp của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.
Trà Mi-VOA
 

'Nửa số thất nghiệp ở VN là thanh niên'

Thanh niên đăng ký việc làm ở Hà Tĩnh. Ảnh: ILO
Gần một nửa số người thất nghiệp ở Việt Nam là thanh niên 15-24 tuổi, theo ILO

Tỉ lệ thất nghiệp trong thanh niên Việt Nam cao hơn ba lần so với tỉ lệ ở người trưởng thành và gần một nửa con số thất nghiệp năm 2012 thuộc nhóm thanh thiếu niên từ 15-24 tuổi, theo một phúc trình quốc tế vừa ra.

"Thật không dễ dàng khi là thanh niên trong thị trường lao động vào thời điểm này," Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế ( ILO) bộ phận tại Việt Nam, ông Gyorgy Sziraczki nói.

"Khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng mạnh tới lực lượng lao động năng động nhất".

Tuy nhiên thất nghiệp trong thanh niên mới chỉ là một phần nhỏ của vấn đề thiếu việc làm hoặc việc làm bấp bênh tại Việt Nam, theo ILO.

Bốn triệu người, tức hơn 53% thanh niên đang ở trong tình trạng lao động bấp bênh, trong khi số còn lại bị coi là thất nghiệp.

Những người trong tình trạng có việc làm không ổn định là người tự kinh doanh, làm việc cho gia đình, trong những nghề có thu nhập rất ít ỏi, với điều kiện lao động kém và thiếu bảo hiểm xã hội.

Cải cách giáo dục và đào tạo đang diễn ra hiện nay là yếu tố chủ chốt để có thể tận dụng tài năng, năng lượng và sức sáng tạo của thanh niên và phục vụ cho quá trình phát triển năng động, bản phúc trình viết.

"Một hệ thống đào tạo và dạy nghề có thể nâng cao khả năng kiếm việc của thanh niên và đáp ứng được các nhu cầu hiện tại và tương lai của các doanh nghiệp là tối quan trọng cho tăng năng suất lao động, tăng tính cạnh tranh và tạo công ăn việc làm," ông Sziraczki nói.

"Đã tới lúc cần tăng cường mối liên hệ giữa giáo dục đào tạo với tăng trưởng xuất khẩu, đa dạng hóa nền kinh tế và tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn và có công việc làm tốt hơn."

Cần cải cách

ILO cho rằng khai phá tiềm năng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ qua việc cắt giảm các thủ tục hành chính và cung cấp tài chính và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh là một cách khác để khuyến khích cơ hội việc làm cho thanh niên.

Theo ông Matthieu Cognac, chuyên gia ILO khu vực châu Á Thái Bình Dương về công ăn việc làm cho thanh niên thì cũng cần chú trọng tới khu vực nông thôn nơi đa số thanh niên sống và làm việc.

"Tư vấn việc làm, các khóa về kinh doanh và dẫn dắt chỉ bảo về làm ăn có thể giúp nhiều thanh niên bắt đầu và phát triển công việc kinh doanh riêng của mình," ông Cognac nói.

"Một hệ thống đào tạo và dạy nghề có thể nâng cao khả năng kiếm việc của thanh niên và đáp ứng được các nhu cầu hiện tại"
Giám đốc ILO Việt Nam, Gyorgy Sziraczki
Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã quyết định kết hợp giáo trình giáo dục kinh doanh của ILO (Know About Business) - một chương trình đào tạo nhằm đưa kiến thức phát triển doanh nghiệp tới thanh niên đang được áp dụng tại 50 quốc gia - vào chương trình học phổ thông trên toàn quốc khi sửa đổi chương trình học vào năm 2015.

Theo Giám đốc ILO Việt Nam, những thách thức về công ăn việc làm mà thanh niên Việt Nam đang phải đương đầu không thể giải quyết được nếu không có những thay đổi về cơ cấu nhằm thúc đẩy phát triển, các chính sách kinh tế vĩ mô và những khuyến khích tài chính hỗ trợ việc làm, cải thiện tiếp cận tài chính cà tăng đầu tư hiệu quả.

"Thanh niên xứng đáng được hưởng một khởi đầu tốt hơn và đối xử công bằng nếu không Việt Nam sẽ mất đi một nguồn đóng góp lớn cho phát triển kinh tế xã hội," ông Sziraczki nói.

Trên toàn cầu, trong khi nhiều thanh niên ở các nước phát triển đã từ bỏ tìm kiếm việc làm hoặc hạ thấp yêu cầu để làm bất cứ công việc nào có thể tìm được, ở khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, tỷ lệ thất nghiệp được dự báo sẽ tăng hơn 14% năm 2017.

“Những con số này cho thấy cả một thế hệ đang gặp vấn đề; hàng triệu thanh niên không có việc làm hoặc thiếu việc và giai đoạn sống phụ thuộc vào bố mẹ và nhà nước bị kéo dài,” ông José Manuel Salazar-Xirinachs, trợ lý Tổng Giám đốc ILO phụ trách về Chính sách cho biết.
(BBC)
 

Cần xử lý kẻ làm lộ băng ghi âm buổi nói chuyện tại CLB Thăng Long của CT Sang

Câu lạc bộ Thăng Long (CLB TL) được thành lập từ năm 1978, là nơi sinh hoạt của hơn 1.500 cán bộ trung, cao cấp thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quân đội đã nghỉ hưu, cư trú tại Hà Nội, hiện do ông Vũ Oanh làm chủ nhiệm. Được xem là tổ chức có tác động, ảnh hưởng lớn đến các đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước nên thường xuyên có nhiều cán bộ lãnh đạo đến nói chuyện thời sự trong và ngoài nước là điều bình thường.
Ông Vũ Oanh, Chủ nhiệm CLB Thăng Long
Tình hình thực hiện Nghị quyết TW4 đã kích động niềm khao khát thông tin của các thành viên CLB về tình hình nội bộ, kết quả HNTW6, cụ thể là muốn được thông báo về những đánh giá của BCH TW, BCT về những sai lầm khuyết điểm, tiêu cực, tham nhũng trong Đảng và tình hình xử lý kỷ luật. Vũ Oanh vốn có quan hệ mật thiết với và thường xuyên được Trương Tấn Sang “thọ giáo” về đường lối “đấu tranh chống tham nhũng”. Gần đây, theo dõi và nhận thấy những bài phát biểu của Trương Tấn Sang ở TPHCM đang đúng với chiều hướng Vũ Oanh muốn nên đã mời Trương Tấn Sang đến CLB TL nói chuyện để “thông báo tình hình”.
.
Về con người của Vũ Oanh thì những thế hệ cán bộ sau này rất ít người biết. Tuy sớm tham gia vào BCT từ thời Đỗ Mười làm Tổng bí thư nhưng sự nghiệp và danh tiếng ông này sớm lụi tàn. Lúc làm Phó Ban Tổ chức Trung Ương do kèn cựa với các đồng chí khác, Vũ Oanh đã bị Trưởng ban Lê Phước Thọ điều sang cắm ở Campuchia ngay đầu khoá để vô hiệu hoá. Nhưng không lâu sau đó, ông này lại dính đến một vụ sai lầm lớn về “đánh đấm nhân sự” trong nội bộ Campuchia nên lại bị triệu tập về nước. Tranh thủ quan hệ với các lãnh đạo khi làm ở Ban Dân vận, ông Oanh đã chui được vào được BCT Khoá VII. Trên cương vị UVBCT, bản chất cơ hội chính trị của Vũ Oanh lại bộc lộ. Đặc biệt khi Liên Xô sụp đổ thì Vũ Oanh là một trong số các UVBCT bị dao động về tư tưởng. Vũ Oanh bí mật liên hệ Trần Xuân Bách và một số nhân vật chống đối ở TPHCM để liên kết lực lượng nhằm lập đảng đối lập. Mưu đồ này bị các đồng chí trong BCT phát hiện, nhưng vì thời điểm nhạy cảm nên chỉ giải quyết nội bộ không bị kỷ luật và cho nghỉ hưu. Tuy đã nghỉ hưu nhưng Vũ Oanh vẫn có nhiều hoạt động ngầm nấp dưới danh nghĩa nhiều tổ chức xã hội và làm Chủ nhiệm CLB TL. Ở đâu Vũ Oanh cũng tuyên truyền quan điểm “xã hội dân chủ” kiểu Liên Xô, phê phán đường lối của Đảng CS và Chính phủ hiện tại. Vũ Oanh ca ngợi Trương Tấn Sang hết lời trong khi luôn chỉ trích, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo khác. Gần đây, Vũ Oanh và các Phó chủ nhiệm CLB TL đang vận động các cán bô lão thành hưu trí kiến nghị bác bỏ toàn bộ nội dung sửa đổi Hiến pháp 1992 và soạn một Hiến pháp mới theo quan điểm “xã hội dân sự”, bác bỏ vai trò của Đảng.

Sở dĩ ít người biết đến vì Vũ Oanh có biệt tài nèm đá dấu tay, biết cách kích động người khác nói thay cho mình nên rất khó nhận ra mưu đồ chính trị thâm hiểm của ông này. Vũ Oanh biết và hiểu động cơ tham vọng quyền lực cá nhân của Trương Tấn Sang qua Nghị quyết TW4 nên muốn lợi dụng Trương Tấn Sang để công kích Đảng, phê phán Chính phủ bằng cách mời Trương Tấn Sang “báo cáo kết quả” HNTW6. Về phía Trương Tấn Sang thì việc được CLB TL mời nói chuyện cũng là một thời cơ để đăng đàn ở Hà Nội. Do được Vũ Oanh khích và nói CLB TL là sân sau nên Trương Tấn Sang đã không bỏ lỡ cơ hội tuyên truyền thoải mái, đánh bóng cho mình và thể hiện là người có quyền lực trong Đảng và Nhà nước. Kết quả là trong buổi nói chuyện này, Trương Tấn Sang đã không ngần ngại công bố những bí mật trong BCT, chỉ trích Thủ tướng, có những đánh giá tiêu cực tình hình đất nước, nguy hiểm hơn là đánh giá Campuchia ngược với quan điểm của Đảng về đối ngoại. Chưa hết, Trương Tấn Sang cũng không quên bày tỏ ý định muốn làm Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước, muốn tách và thu hồi quyền thống lĩnh quân đội từ Đảng.
.
Trong buổi nói chuyện, ông Đoàn Sự đã ghi âm toàn bộ, sau đó bóc băng, viết tay và nhờ một bạn đưa Trương Tấn Sang xem lại. Xem xong Trương Tấn Sang không sửa gì còn khen là ghi tốt và đầy đủ, nên sau đó ông này đã đánh máy lại và gửi cho Nguyễn Trọng Vĩnh cùng một số cán bộ hưu trí để tham khảo.
.
 Sau đó không rõ ai trong số này đã gửi đăng trên Dân Luận và lan truyền trên Internet, các blogger phân tích đây là một vụ “công khai tuyên bố phản Đảng của Trương Tấn Sang”. Nhận ra tính chất nguy hiểm của sự việc, Trương Tấn Sang đã chỉ đạo Vũ Oanh xử lý gấp. Vũ Oanh chỉ đạo cấp phó gửi công văn cho VP.CTN về việc “Xử lý Đoàn Sự thành viên CLB TL bịa đặt và xuyên tạc buổi nói chuyện của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang” nhằm cung cấp “vũ khí” để Trương Tấn Sang chống chế khi bị Uỷ ban Kiểm tra Trung Ương chất vấn. Trong công văn này, CLB TL khẳng định Đoàn Sự đã bịa đặt, xuyên tạc buổi nói chuyện của CTN, tuyên bố Đoàn Sự phải chịu trách nhiệm cá nhân và thông báo đã khai trừ Đoàn Sự ra khỏi CLB TL.
.
Trên thực tế rất nhiều thành viên CLB TL đã phản ứng lại và xác nhận nội dung cuộc nói chuyện là đúng như trên mạng. Ngay sau đó có một ông đã nộp cho Vũ Oanh băng ghi âm cuộc nói chuyện và ngay sau đó Ban chủ nhiệm CLB TL đã chuyển ngay băng này cho VP.CTN. Như vậy có thể hiểu rằng nhóm Vũ Oanh đã có sự phối hợp chặt chẽ với Trương Tấn Sang để vô hiệu hoá và thủ tiêu chứng cớ vi phạm. Nói về ông Đoàn Sự, từ khi nội dung được phát lên Internet và bị khai trừ ông rất bức xúc, khẳng định ông đã ghi đúng, ông không phát tán nội dung đó lên Internet và sẵn sàng đối chất Ban chủ nhiệm CLB TL.
.
Vụ nói chuyện của Trương Tấn Sang ở CLB TL đang được dư luận hết sức quan tâm. Nếu đúng như ông Đoàn Sự nói thì Trương Tấn Sang đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của Đảng. Nếu đúng như lãnh đạo CLB.TL báo cáo VP.CTN thì phải xử lý kỷ luật ông Đoàn Sự về tội bịa đặt xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo.
.
Được biết hiện nay, ông Sự vẫn đang sinh hoạt bình thường ở Hà Nội và Vũ Oanh, Trương Tấn Sang đang muốn xử lý vụ việc theo hướng “để cho tự chìm”, tức che dấu bằng chứng và không đưa Đoàn Sự ra xử lý vì sẽ rơi vào thế “ném chuột vỡ lọ”. Được biết ông Đoàn Sự đang giữ riêng một băng ghi âm và một bản gửi cho người bạn thân tín giữ để bảo vệ mình và tuyên bố với các bạn hưu trí nếu có việc gì xảy ra với ông, thì băng ghi âm này sẽ được lập tức tung lên Internet.
.
Đây là một sự việc rất nghiêm trọng cần làm rõ! BCT cần chỉ đạo UBKTTW kiểm tra việc này để có cơ sở xử lý nghiêm minh đối với những người vi phạm pháp luật, bất kể họ là ai. Nếu không thì dư luận sẽ không yên và bất lợi cho Đảng, cũng như uy tín chính trị của Trương Tấn Sang. Nếu để sự việc bị chìm xuồng thì chẳng còn gì để nói về vai trò của TBT Nguyễn Phú Trọng và nên vứt ngay Nghị quyết TW4 vào sọt rác.
.
Chỉ có một trong 2 cách mà Ban Nội chính TW và Ủy ban Kiểm tra TW bắt buộc phải chọn lựa:
.
1- Phải công khai xử lý Đoàn Sự để giữ uy tín cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

2- Phải xử lý kỷ luật, khai trừ Trương Tấn Sang để rửa oan cho Ông Đoàn Sự.

.
Hiện nay dư luận và Nhân Dân đang rất trông chờ kết quả xử lý của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị về vụ này.

P.V.K

(Lão thàh cách mạng)
(TSNH)

Quốc hội đứng trước “bão biển”!

Hầu hết các quốc gia trên thế giới có Quốc hội, các ông bà nghị sỹ đều biết lắng nghe, suy ngẫm, hành động theo nguyện vọng chính đáng của cử tri. Nếu không được cử tri tin cậy qua việc làm thực tế thì không thể hy vọng được tái cử . Ở nước ta sinh hoạt nghị trường ít nhiều có đổi mới, gần với Dân hơn. Quốc hội sắp họp, có rất nhiều vấn đề nóng bỏng của đất nước, người dân muốn chuyển tải đến các vị công bộc của dân.

Sửa Hiến pháp phải làm thật

Thời gian qua, báo đài, ti vi đưa tin rầm rộ về việc góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp 1992 nhưng trong thực tế do nhiều nơi triển khai lấy ý kiến một cách vội vàng, hình thức, nên đại bộ phận dân số thờ ơ vì phải lo cuộc sống của mình, hoặc không đủ trình độ, thời gian để nghiên cứu phân định đúng-sai, nhất là không có không khí tranh luận thẳng thắn, cởi mở. Người dân mong muốn Hiến pháp được xây dựng trên nền tảng dám nhìn thẳng vào sự thật, thảo luận một cách công khai và dân chủ cùng với cả nước để tìm lối đi cho đất nước. Phát huy dân chủ là tạo cơ chế để người dân, đặc biệt giới trí thức tham gia vào mọi mặt của cuộc sống, nhất là phản biện xã hội.

Muốn làm thật việc sửa Hiến pháp thì phải có thảo luận thực chất, tôn trọng các ý kiến khác nhau, từ bỏ cách làm nặng tính hình thức, áp đặt, khiến cho dư luận đánh giá cuộc lấy ý kiến chỉ là màn kịch. Nhà nước công bố lấy ý kiến kéo dài đến hết tháng 9 năm 2013, vậy mà hội nghị TW 7 của Đảng đã bàn và kết luận ngay từ tháng 5 thì thử hỏi có thật tâm muốn phát huy quyền làm chủ của dân đối với viêc sửa đổi Hiến pháp hay không? Muốn có thảo luận thực chất thì trước hết phải cho công bố những ý kiến khác với dự thảo. Nếu không đồng tình thì Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp có thể có bài phân tích, phản bác và cho đăng các ý kiến phản hồi. Tránh cách làm “độc quyền chân lý, áp đặt tư duy, quy kết tùy tiện” (được coi là đặc trưng của công tác chính trị, tư tưởng hiện nay).

Nên bàn định sớm việc tổ chức trưng cầu ý dân để bảo đảm Hiến pháp thực sự là của dân, do dân. Lần đầu tiên làm ở nước ta, trong lúc đang còn ý kiến khác nhau về một số vấn đề cơ bản của thể chế chính trị, cho nên việc trưng cầu ý dân một cách thực chất đòi hỏi phải có tổ chức tập hợp những chuyên gia am hiểu, đặc biệt là có những chuyên gia độc lập, có tiếng nói thẳng thắn, không một chiều để bàn định nội dung đưa ra trưng cầu ý dân và cách làm. (Khi Quốc hội quyết định sẽ tổ chức trưng cầu ý dân thì nhiều vấn đề phaỉ bàn định tiếp).

Quốc hội đứng trước “bão biển” !

Người bạn đồng tâm đã trải nghiệm qua lãnh đạo, tâm huyết trước vận nước, day dứt về công tác tư tưởng và truyền thông đặt vấn đề với đại biểu Quốc hội, nếu thực sự vì dân, vì nước chắc chắn sẽ phải suy ngẫm về các câu hỏi nóng bỏng dưới đây:

1.Tại sao bây giờ vẫn còn rất nhiều người, kể cả cán bộ đảng viên xin định cư nước ngoài?. Họ là dân thường hoặc cán bộ thường, không phải là người đi để tìm nơi an toàn trú ẩn với khối tài sản cướp được một cách bất chính. Họ thố lộ: Đi để tỵ nạn nhân quyền, tị nạn giáo dục, môi trường. Đi để tỵ nạn tương lai bất định. Đi để tìm an toàn cá nhân trước nạn bạo lực và tệ nạn xã hội gia tăng. Tuy không hoàn toàn giống như lý do vượt biên những năm sau 1975, nhưng nhìn chung, họ tuyệt vọng vì sự nghiệp Đổi mới chỉ làm được nửa vời và tình hình đất nước ngày càng tồi tệ, xuống cấp gần như về mọi mặt của đời sống xã hội!.

2. Tại sao trong kháng chiến chỉ có một kẻ thù là đế quốc thực dân Pháp, Mỹ?. Sau 1975 nối lại bang giao Việt – Mỹ, bình thường hóa quan hệ Trung Quốc Rồi hội nhập quốc tế, tất cả là bạn. Không có Chính phủ nào ngày nay còn nói Việt Nam là kẻ thù, trừ bọn Bành trướng Bắc Kinh là kẻ thù truyền kiếp, độc ác, mạo danh “16 chữ vàng” và “4 tốt” để ngang nhiên xâm phạm chủ quyền nước ta với “đường lưỡi bò” phi pháp đồng thời xâm nhập, phá hoại, chi phối nước ta trên nhiều mặt. Vậy ai là các thế lực thù địch ? Các đài phương Tây và các đài người Việt tị nạn cho dù có ý đồ xấu trong thông tin, thậm chí chửi bới chế độ ta nhưng có đáng gọi là “các thế lực thù địch”?. Vì chữ thế lực ở đây, hiểu theo chữ Hán hàm nghĩa là lực lớn. Trong hòa bình, hội nhập quốc tế mà có nhiều kẻ thù lớn thì là thế nào. Những người phê phán các khuyết tật của chế độ, mong muốn đổi mới thể chế chính trị để mở đường cho đất nước phát triển mạnh mẽ , bền vững và được bảo vệ tốt hơn, sao lại coi đó là “thế lực thù địch”?. Vậy thì sự nghiệp đại đoàn kết giữ nước và xây dựng đất nước sẽ đi về đâu trước mưu ma chước quỷ của “đồng chí lạ”. Nó không lô-gích với con đường cách mạng Việt Nam đã trải qua và vô tình gây hoang mang trong những người ít hiểu biết.

3. Cán bộ bây giờ hầu hết có bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Có người 2,3,4…bằng nhưng rất nhiều cán bộ, kể cả ở cấp cao, cả tâm và tầm đều thấp. Lớp cán bộ kháng chiến tuy họ có phạm sai lầm do”nhiệt tình cộng dốt nát thành phá hoại” nhưng họ thật lòng vì dân, vì nước, cho nên dân bực tức trước những cái sai về đường lối nhưng họ còn tin Đảng và Cách mạng sẽ sửa sai. Và 1986 là bằng chứng họ tin. Nhưng nay thì khác. Kinh tế khủng hoảng, nợ ngập cổ, các trụ cột kinh tề quốc doanh đang dẫn nền kinh theo định hướng xuống đáy khủng hoảng chớ không phải “theo định hướng XHCN”. Thất nghiệp đầy trời…Tham nhũng đầy đất, niềm tin chỉnh đốn Đảng ngày càng vô vọng, nhất là sau Nghị quyết 4, NQ 5, NQ 6 và rồi sẽ là NQ 7. Một sự tuột dốc không phanh về niềm tin! . Hy vọng rằng chất đắng từ sai lầm tiết ra sẽ trở thành thuốc trị sai lầm như “đạp gai lấy gai nhể”!

Chính sách bồi dưỡng nhân tài, đào tạo trí thức, sử dụng nhân lực qua đào tạo cùng với “quy hoạch cán bộ cấp chiến lược” nhìn chung vẫn nằm trong tầm nhìn và sự lựa chọn của các cơ quan và cán bộ có quyền năng của Đảng . Trong sự chi phối của “nhóm lợi ích” và tư duy nhiệm kỳ, việc lựa chọn sắp xếp cán bộ loay hoay vấn là “Trâu ta ăn cỏ đồng ta” và nguy hiểm hơn là “Con vua thì lại làm vua / Con sãi ở chùa lại quét lá đa”.

Muốn có giống nòi tốt, có những hạt nhân để quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước thì phải đổi mới cơ chế bầu cử, cơ chế nhân sự, có tranh cử thực sự, hay nói theo cách khác là phải từ bỏ tập tục “lấy nhau” trong Đảng, giống như tập tục lấy nhau giữa những người cùng cận huyết. Cách làm cán bộ lãnh đạo cũ chọn hay chỉ định cán bộ mới ra để bầu cử, không phải tranh cử, tức là chọn những người giống mình, cùng suy nghĩ như mình, tệ hơn là yếu kém hơn mình và sẵn sàng “hẩu” với mình, che đỡ cho mình. Hiện tình đang là như vậy. Vấn đề là chính sách phải kích thích con người tự lượng sức mình mà phấn đấu vươn lên, học và làm những thứ có thể cạnh tranh được trong hội nhập quốc tế, chớ không phải học rồi sản xuất ngày càng thụt lùi, làm lúa thua lúa, làm cá thua cá…nghĩa là “trồng cây gì nuôi con gì” bán cũng lỗ. Về điểm nầy, nước Mỹ khá thành công. Nước Nhật họ rạng danh vì SONY, HONDA, TOYOTA…và rạng danh cả con người văn minh, nhân bản trong đau thương điêu tàn trong thảm họa động đất, sóng thần làm thế giơi phải ngả mũ. Cũng vậy, Hàn Quốc đi sau mà trạnh tranh ngang ngửa với Nhật Bản thì cũng đáng ngả mũ vì họ có con người văn minh yêu nước, người ta cũng “quên” dần bàn tay sắt độc tài của Pak Chung.hee để bầu con gái ông ta Pak Geun.hye làm Tổng thống với số phiếu áp đảo. Vì sao?.

Thay cho lời kết

Quốc hội nên từ những nan đề nêu trên, phóng tầm mắt xem nhân loại họ đang làm gì để chiếu vào con người, góc phố, con đường ổ gà của Việt Nam mà hoạch định chính sách, xây dựng luật pháp và suy ngẫm về mô hình phát triển đất nước. Muốn vậy, phải dân chủ trong Quốc hội, từng đại biểu phải đối thoại với dân về từng vấn đề cụ thể dân nêu chứ không chỉ qua các cuộc tiếp xúc đại diện cử tri vv…

Quốc hội liệu có tin vào báo cáo “mấy chục triệu dân tán thành Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992” (có ký tá hẳn hoi nhưng toàn hình thức) và tưởng rằng mặt biển bình yên? Không đâu, không thấy “chim báo bão” không có nghĩa là sẽ không có bão biển.
Tô Văn Trường
(bản gốc của tác giả)
(Blog NLG)

Mù mờ hiệu quả 2 dự án bauxite

Các chuyên gia cho rằng các dự án bauxite ở Tây Nguyên không có hiệu quả kinh tế, không có khả năng thu hồi vốn và liên tục lỗ
Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (VIMLUKI) - Bộ Công Thương lần đầu tiên công bố dự thảo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bauxite giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 (Dự thảo quy hoạch) để sắp tới trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, những số liệu, kế hoạch cũng như mục tiêu của bản dự thảo này đã vấp phải phản ứng từ không ít nhà khoa và giới chuyên môn.
Các chuyên gia cho rằng dự án Tân Rai không có hiệu quả
Nhiều hạn chế
Theo VIMLUKI, mục tiêu của Dự thảo quy hoạch đặt ra đến năm 2015 đối với vùng Đắk Nông, Nhà máy Nhân Cơ đạt công suất 650.000 tấn/năm; giai đoạn 2016-2020, mở rộng lên 1,3 triệu tấn/năm; 2021-2030, mở rộng mỏ, nâng công suất chế biến alumin lên 3-4 triệu tấn/năm. Đối với vùng Bảo Lộc - Di Linh (Lâm Đồng), Nhà máy Alumin Tân Rai công suất 650.000 tấn/năm và hydroxit nhôm công suất 600.000 tấn/năm.
Tuy nhiên, Dự thảo quy hoạch của VIMLUKI thừa nhận những hạn chế trong khai thác chế biến bauxite như chất lượng bauxite thuộc loại trung bình, phải qua khâu tuyển rửa để nâng cao chất lượng quặng tinh; các vùng mỏ quy mô lớn đều nằm xa cảng biển, cung độ vận tải lớn. Đặc biệt, đây là ngành công nghiệp ảnh hưởng nhiều đến môi trường.
Nhìn nhận về Dự thảo quy hoạch, TS Nguyễn Văn Ban, nguyên trưởng Ban Nhôm Titan - Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam (sau này sáp nhập Vinacomin), cho rằng: “VIMLUKI đã bảo vệ Vinacomin khi tiến hành lập quy hoạch nên đã bỏ qua tính khách quan bắt buộc trong nghiên cứu khoa học, dẫn đến sự hoang tưởng về giá trị của bauxite Việt Nam”. Ông Ban cho biết khai thác bauxite ở Việt Nam chi phí đền bù rất lớn do lẫn với cây trồng, đất canh tác; quặng nguyên khai rất xấu, phải tuyển rửa với mức tiêu hao 50%.
Tốn kém, dễ gây thất thoát
Cũng theo TS Nguyễn Văn Ban, chỉ nhìn vào thiết kế kỹ thuật, tổng mức thu sản phẩm của Tân Rai là 85% do Chalieco (nhà thầu Trung Quốc) đưa ra thấp hơn 2% so với Pechiney (Pháp), nếu mức chênh lệch này là thật thì sẽ thất thoát 5 triệu USD/năm. Đáng ngại hơn, Chalieco không hoàn toàn là chuyển giao công nghệ vì chỉ sau 2 năm là nhà thầu coi như không còn trách nhiệm với nhà máy, trong khi Pechiney còn bảo hành 10 năm. “Chưa hết, mức tiêu hao nhiên liệu do nhà thầu Trung Quốc cũng cao hơn 31%. Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ bùn đỏ ướt là rất khó hiểu, không phải do Vinacomin hay phía nhà thầu Trung Quốc tư vấn” - ông Ban nói.
TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban Quản lý Các dự án than đồng bằng sông Hồng (Vinacomin), đưa ra cam kết  đáng giật mình của nhà thầu Trung Quốc đối với Nhà máy Tân Rai là hệ số tiêu hao nước. Chỉ tính ở 2 khâu tuyển bauxite và sản xuất alumin, để sản xuất 1 tấn alumin đòi hỏi 18 m3 nước.
Với công nghệ của Tân Rai theo cam kết của nhà thầu vào mùa khô thì cần ít nhất  1.399,5 m3/giờ (chưa kể nước tiêu hao cho các nhu cầu khác). Vì thế, vượt xa tính toán, nhất là trong điều kiện khan hiếm nước ở Tây Nguyên, dẫn đến việc sản xuất alumin không thể bảo đảm, đặc biệt là mùa khô.
Phương pháp dự báo sai
VIMLUKI trích dẫn phân tích của MetalBulletin Research với dự báo nhu cầu sử dụng alumin thế giới mỗi năm tăng 3%-4%. Do vậy, năm 2020 sẽ xảy ra thiếu hụt alumin trên toàn thế giới. Dự kiến, thị trường xuất khẩu của alumin Việt Nam đến năm 2020 có 5 kịch bản nhưng VIMLUKI chọn kịch bản tối thiểu là tăng trưởng 20% khối lượng cần nhập khẩu của 2 thị trường chính là Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) và Trung Đông với 0,85-1,7 triệu tấn/năm…
VIMLUKI tin tưởng đến năm 2020, thị trường nhôm kim loại thế giới sẽ tăng rất mạnh với mức 70 triệu tấn/năm (hiện là 40 triệu tấn/năm); giá alumin của MetalBulletin Research dao động từ 300-640 USD/tấn, giá trung bình khoảng 450/tấn; giá nhôm kim loại là 2.800-3.000 USD/tấn.
TS Nguyễn Thành Sơn cho rằng để đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án bauxite ở Tây Nguyên, cần dựa trên số liệu đáng tin cậy của thị trường kim loại London (LME). Căn cứ trên số liệu dự báo của LME, giá nhôm bình quân năm 2013 (tính đến ngày 3-5) là 1.861 USD/tấn và trong tương lai cả dự án (50 năm) sẽ tăng liên liên tục (nhưng thấp hơn dự báo của Vinacomin): Năm 2023 đạt 2.577,7 USD/tấn; năm 2033 đạt 2.952 USD/tấn; năm 2043 đạt 3.326 USD/tấn; năm 2050 đạt 3.700 USD/tấn; năm 2063 đạt 4.075 USD/tấn.
Theo ông Sơn, dựa vào những cơ sở trên thì dự án Tân Rai hoàn toàn không có hiệu quả kinh tế, không có khả năng thu hồi vốn và liên tục lỗ.
Mở rộng ra nhiều địa phương
Dự thảo quy hoạch cũng đặt mục tiêu đến năm 2015 hoàn thành thăm dò các mỏ bauxite ở Tây Nguyên và Bình Phước (mỏ Thống Nhất và Thọ Sơn). Đối với quy hoạch vùng khai thác, chế biến bauxite quy mô nhỏ sẽ tiến hành ở Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Vân Hòa - Phú Yên.
Theo đó, giai đoạn sau năm 2020 sẽ đầu tư tổ hợp mỏ - tuyển Bù Đăng và nhà máy alumin công suất khoảng 1,2-2 triệu tấn/năm; xem xét đặt tại Bình Phước hoặc ven biển. Cũng giai đoạn này, quy hoạch đặt mục tiêu đầu tư tổ hợp mỏ - tuyển Kon Hà Nừng và nhà máy alumin công suất 600.000 tấn/năm, xem xét đặt tại Gia Lai hoặc ven biển...
(Người Lao động)
 

Việt Nam lúng túng trước các khoản nợ xấu

Một công nhân đẩy xe gạch men tại nhà máy sản xuất gốm sứ ở làng Bát Tràng phía ngoại ô thủ đô Hà Nội. Nền kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng 5,03% hồi năm ngoái, mức thấp nhất kể từ năm 1999. Ảnh: Justin Mott / Bloomberg
(Reuters) - Khi công ty nội thất Phúc Lực của anh Nguyễn Mạnh Hùng còn đang hoạt động mạnh mẽ, các đơn đặt hàng liên tục bay đến từ các gia đình người Việt giàu có, những người thích những chiếc giường, tủ và bàn ghế được làm bằng tay của công ty anh, thì mỗi tháng anh thu nhập khoảcng 25 nghìn USD khi đã chi trả mọi chi phí và lương cho 35 nhân viên.
Hai năm sau, sau khủng hoảng kinh tế tại Việt Nam giáng mạnh xuống công ty anh, công việc kinh doanh ở Hà Nội bắt đầu sa sút trầm trọng. Anh Hùng giờ đây mất trắng bốn nghìn USD mỗi tháng sau khi đã giảm chi phí tối đa và cắt giảm đi 30 nhân viên vì anh không thể chi trả nổi lương cho họ nữa.
“Tôi chỉ cần một vài khách hàng để cầm cự, nhưng những khách hàng tôi đều hủy hết các đơn đặt hàng”, anh Hùng cho biết. “Không một ngân hàng nào cho tôi vay mượn vốn. Tôi thế là hết”.
Nỗi đau của Hùng phản ảnh sự tuyệt vọng của một trong những nền kinh tế yếu kém kinh niên nhất Châu Á, với hệ thống ngân hàng ngập cổ với các khoản nợ xấu không có khả năng cấp vốn để cứu các công ty, giúp họ vượt qua thời buổi khó khăn. Thêm nữa, giải pháp của chính phủ – được kỳ vọng là sẽ đưa ra trong vài ngày tới – xem chừng có khả năng chẳng thể làm được gì nhiều.
Trả lời Reuters, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình cho biết Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) sẽ được thành lập với vốn ban đầu khoảng 24 triệu USD. Tuy nhiên, nhiều nguồn liên quan tới ngân hàng thương mại lại cho rằng con số này không đáng kể gì so với số nợ xấu tồn tại trong mọi ngóc ngách ở Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước ước tính tỷ lệ nợ xấu đang ở mức khoảng 6%, tương đương 7,8 tỷ USD, trong tổng số dư nợ 130 tỷ USD.
Tuy nhiên, hai nguồn khác cho Reuters biết rằng tổng nợ xấu thực tế có thể vượt lên gấp 3 lần con số ước tính trên, tức là trên 23 tỉ USD. Lạc quan nhất, nguồn vốn của VAMC cũng chỉ bằng một phần ba của một phần trăm tổng nợ xấu và chỉ đại diện cho số vốn lưu động, trong khi việc giảm nợ xấu thực sự sẽ cần thực hiện qua hình thức trái phiếu được hỗ trợ bởi Ngân hàng Nhà nước.
Matt Hildebrandt, chuyên gia tại JP Morgan Chase Singapore cho biết: “Với tình hình này, 24 triệu USD dường như là con số quá nhỏ để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Tôi cho rằng việc thành lập VAMC sẽ rất chậm và quy mô cấp vốn cũng không đủ để giải quyết các vấn đề một cách hiệu quả. Nếu thực hiện một cách từ từ thì nền kinh tế sẽ còn trì trệ thêm vài năm nữa”.
“Bước khởi đầu quan trọng”
Mô hình VAMC cũng tương tự như nỗ lực gây dựng lại ngành ngân hàng ở Thái Lan sau cuộc khủng hoảng châu Á 1997–1998. Lúc đầu, VAMC chỉ mua nợ xấu do thế chấp bất động sản. Nợ được mua với giá trị sổ sách và “Các trái phiếu đặc biệt” sẽ được phát hành với giá trị tương đương để dùng làm tài sản đảm bảo cho khoản tái cấp vốn từ ngân hàng trung ương, ông Bình cho hay.
Mặc dù VAMC không cần tiền mặt để giải quyết nợ xấu, giới phân tích vẫn băn khoăn với số vốn nhỏ như vậy thì liệu ngân hàng nhà nước sẽ đặt trần hỗ trợ ở mức bao nhiêu với trái phiếu đặc biệt để mua nợ.
Trong một email trả lời Reuters, ông Bình cho biết: “VAMC có thể giải quyết vấn đề cho 50% nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Sau đó, tùy vào tình hình, VAMC sẽ mở rộng quy mô nợ và tài sản thế chấp để đạt mục tiêu đưa nợ xấu của các tổ chức tín dụng về mức an toàn”. Ông cũng gọi đây là “bước khởi động quan trọng” có thể mang lại kết quả khả quan trong năm nay.
Tuy nhiên, giới phân tích và các quan chức ngân hàng thương mại đều cho biết việc này có thể quá lạc quan. Phó Thống đốc không tiết lộ ai sẽ chi trả cho VAMC, và công ty này sẽ làm gì với số nợ xấu mua lại hay chỉ đơn giản là chuyển nợ từ nơi này sang nơi khác.
Bẫy thanh khoản
Tăng trưởng tín dụng chậm chạp cũng giáng một đòn nặng vào nền kinh tế Việt Nam. Các ngân hàng ngập trong nợ xấu phải thắt chặt cho vay, tạo ra bẫy thanh khoản trong một thị trường gần 90 triệu người. Lĩnh vực bất động sản đóng băng. Một quốc gia từng phát triển như vũ bão và được coi là ngôi sao đang lên của châu Á đang tăng trưởng với tốc độ thấp nhất trong 13 năm hồi năm ngoái.
Hậu quả là hơn 100.000 doanh nghiệp phải đóng cửa trong gian đoạn năm 2011–2012 và thêm 13.000 công ty nữa ngừng hoạt động trong quý I năm nay, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết. Họ đã phải vật lộn vay vốn khi người mua chi trả giảm mạnh. Doanh số bán lẻ quý I chỉ tăng 11,8%, thấp nhất trong 8 năm qua.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình hồi tháng Ba cho biết lãi suất cho vay sẽ được giảm xuống dưới 13% để các doanh nghiệp dễ tiếp cận. Tuy nhiên, quá trình chậm chạp và lãi suất vẫn ở mức khoảng 17%–18% đã làm cho nhiều doanh nghiệp không khỏi thất vọng.
Sau một giai đoạn với tỉ lệ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7% mỗi năm, Việt Nam đang ở trong một giai đoạn cam go: sự không hài lòng của công chúng vì nạn hối lộ và chi phí tiêu dùng quá cao. Những tập đoàn nhà nước quản lý làm ăn thiếu hiệu quả đã ngốn hàng tỷ USD vào chính lượng tín dụng cực kỳ cần thiết cho Việt Nam vào lúc này cùng với những nghi ngờ về khả năng của Việt Nam đối với việc cạnh tranh lại với các nước khác trong cùng khu vực.
Đảng Cộng sản Việt Nam đang phải đối mặt với các quyết định về chính sách để có thể làm sống lại nền kinh tế đầy hứa hẹn hoặc chấm dứt số phận của họ như xu hướng đang bùng nổ phát triển ở Đông Nam Á hiện nay.
“Ngồi trên ghế điện”
Cho đến nay thì vẫn có những hi vọng đâu đó cho Việt Nam. Năm 2012, nền kinh tế này lần đầu tiên có thặng dư thương mại sau hai thập kỷ và các nhà kinh tế kỳ vọng năm nay cũng tương tự. Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2013 sẽ ở mức khoảng 5,2% và lạm phát giảm xuống còn 6,6% so với hơn 20% hồi tháng 12/2011.
Tiền đồng sau nhiều lần giảm giá cũng bắt đầu ổn định lại so với USD. VN-Index tại sàn chứng khoán ở thành phố Hồ Chí Minh (VN-Index) cũng là một trong những chỉ số tăng mạnh nhất châu Á với 15% trong năm nay, với 95% người mua là người Việt Nam.
“Mua bán ở thị trường này giống như đang ngồi trên chiếc ghế điện vậy”, anh Trần Tiến Dũng – một nhà đầu tư bán lẻ 43 tuổi và đã từng bán tống bán tháo phần lớn cổ phiếu của anh hồi tháng Hai chỉ với 20% lợi nhuận, cho hay. “Các vấn đề kinh tế đã được thấy rõ, nhưng tương lai thì vẫn còn mịt mù”.
Dù Chính phủ đã thông báo về “lộ trình” này nọ, “ban chỉ đạo” này kia hay nhiều biện pháp cải tổ khác nhưng các nhà kinh tế vẫn cho biết Việt Nam đang quá chậm chạp trong việc dọn dẹp nợ xấu trong ngành ngân hàng. Đây lại là bước đi quan trọng nếu muốn vực dậy giới đầu tư nước ngoài.
Ông Alfred Chan, giám đốc mảng định chế tài chính tại Fitch Ratings ở văn phòng Singapore cho biết quy mô nợ xấu của Việt Nam đang bị đánh giá thấp, tính minh bạch yếu và kế hoạch cải tổ chậm chạp, sơ sài. Các vấn đề cốt yếu khác như quản lý doanh nghiệp nhà nước cũng cần phải được giải quyết.
Ông cho biết: “Đây là những bước đi đúng hướng, nhưng chỉ là giai đoạn đầu của quá trình cải tổ mà thôi”. 100 công ty nhà nước lớn nhất Việt Nam có khoản vay lên tới 64 tỷ USD, khoảng gần một phần hai tổng số nợ mà nhiều công ty lại mang tiền đó đi đầu tư vào những mảng không phải là chuyên môn của họ như thị trường bất động sản đang chết chìm chẳng hạn.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho Reuters biết: “Nếu Việt Nam không thể tái cấu trúc và bình ổn chính sách, sự hào hứng của các nhà đầu tư sẽ biến mất trong 3–5 năm tới”.
Louis Taylor, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam nhận định các ngân hàng nước ngoài cũng có vai trò trong việc giúp dọn dẹp nợ xấu tại đây, nhưng ông cũng cho hay những gì họ được đề nghị thì còn quá ít ỏi. Ông cho biết: “Chúng tôi nghi ngờ độ thu hút của ngân hàng ngoại quốc đối với các nhà ngân hàng yếu nhất của Việt Nam”.
Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng Việt Nam hiện còn bị giới hạn ở 30% và 20% với một đối tác chiến lược nước ngoài. Hồi tháng Hai, Ngân hàng Nhà nước từng đề nghị nâng giới hạn lên trên 30%, nhưng chỉ trong “trường hợp đặc biệt” có sự chỉ định của Thủ tướng về tỉ lệ sở hữu tối đa ở các ngân hàng được cho là yếu.
Các nguồn ngân hàng thương mại cũng cho biết lĩnh vực này nên được tự do hóa để củng cố quản lý rủi ro và bơm vốn, nhưng những nhóm lợi ích giàu có cùng với các mối quan hệ chính trị có thể cố gắng để ngăn cản điều đó xảy ra. “Họ coi các ngân hàng nước ngoài như những gã khổng lồ không được chào đón. Có lẽ những người trong lĩnh vực ngân hàng không muốn người nước ngoài vào, xem xét sổ sách và lật tung mọi thứ lên”, một quan chức ngân hàng cấp cao cho hay.
Lê Duy chuyển ngữ, CTV Phía Trước
© 2013 Bản tiếng VIỆT TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC

Giáo dục – nền tảng phát triển xã hội

giaoduc
Điểm qua những phát minh khoa học, nghiên cứu kinh tế, và sáng tác văn chương nổi tiếng từ hơn thế kỷ qua, hầu hết các giải thưởng Nobel đều thuộc về Âu-Mỹ.  Cộng thêm vào đó là cả hàng trăm nếu không nói là hàng ngàn tác phẩm về những nghiên cứu xã hội, chính trị, giáo dục …  được in ấn hàng năm. Tại sao? Có nhiều yếu tố như môi trường nghiên cứu, cơ sở vật chất, đầu tư của chính phủ … là những yếu tố quan trọng, nhưng chắc chắn môi trường và phương cách giáo dục đã góp phần rất lớn.
Triết gia người Mỹ John Dewey đã nhận định về giáo dục: “Giáo dục là một quá trình sống chứ không phải là sự chuẩn bị cho cuộc sống tương lai;” hay nói khác hơn: “Giáo dục không phải là để chuẩn bị vào đời, nhưng giáo dục chính là cuộc đời.” Ở hầu hết các nước văn minh của thời đại, cuộc sống con người hàm chứa những giá trị nhân phẩm và quyền con người như đã được xác định trong bản Tuyên ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.
Chính vì thế, ngay từ bé trẻ em ở Âu-Mỹ được dậy sống bản Tuyên ngôn Quốc Tế về con người.  Mỗi con người là một cá thể độc lập phải được tôn trọng; mỗi con người cần sống và thể hiện quyền dân chủ của mình. Trẻ em được khuyến khích suy nghĩ độc lập và nói lên suy nghĩ của mình; tham gia vào các cuộc bàn thảo, tranh luận với các thầy cô và bạn bè.  Ngay từ phổ thông cấp I, các cháu đã được tập làm những bài luận phê bình một sự kiện hay một tin sốt dẻo trình chiếu trên đài truyền hình.  Các trường trung học đều có ban báo chí do học sinh đứng ra điều khiển dưới sự hướng dẫn của một giáo viên.  Không ngạc nhiên khi chúng ta thấy các bài viết phê bình rất thẳng thắn về các môn học, về nhà trường, và ngay cả phê bình các ứng cử viên Quốc hội và cả Tổng Thống nữa.  Hẳn nhiên là các bài viết có sự kiểm duyệt của giáo viên hướng dẫn để tránh lời lẽ khiếm nhã nhưng nội dung các bài viết đều là của học sinh.
Học sinh được dậy sống dân chủ ngay trong nhà trường, điển hình cụ thể nhất là các cuộc bầu cử chọn lựa ban chấp hành đại diện cho học sinh toàn trường.  Em nào ra ứng cử đều phải tổ chức các buổi nói chuyện để vận động cho chính mình. Những ứng viên đạt đủ số phiếu sau vòng đầu sẽ phải tranh luận với nhau trước ngày bầu cử – rất sôi nổi, thể hiện rõ tinh thần dân chủ.
Trong tinh thần giáo dục của triết gia Dewey, không có trường Đại học nào ở Mỹ phân biệt tuổi tác hoặc Tôn giáo, màu da, chính kiến.  Đặc biệt là các trường Đaị học Cộng đồng luôn có rất nhiều chương trình dành cho những người lớn tuổi, giúp họ tiếp tục tìm hiểu, đào sâu thêm về nghệ thuật, ngôn ngữ, âm nhạc, triết học, điện toán … những môn học mà họ không có điều kiện tìm hiểu khi còn nhỏ. Bởi vì giáo dục là cuộc sống, mọi người được khuyến khích học hỏi như Mahatma Gandhi nói: “Hãy sống như ngày mai ta sẽ chết, và học như ta sẽ sống muôn đời.”
Trẻ em được dậy sáng tạo.  Không hề có chuyện phải học thuộc lòng từng câu từng chữ.  Quan điểm giáo dục ở nhà trường Âu-Mỹ là giúp trẻ em hiểu đề tài và có thể diễn tả đề tài đó theo sự hiểu biết của mình chứ không phải lập lại những gì đã được viết ra.  Mục đích giáo dục không phải là học thuộc lòng vì như Jiddu Krishnamurti nhận định những gì ta nhớ do học thuộc lòng, đọc hoặc nghe chỉ là thông tin (information) thôi, những gì chúng ta suy luận và khám phá ra từ những thông tin đó mới là kiến thức. Và nói như Steve Jobs, cố giám đốc công ty Apple, một trong những nhà tiên phong, cha đẻ của thế giới điện toán hôm nay “Sáng tạo là nối kết các sự kiện với nhau.  Nếu bạn hỏi người sáng tạo làm thế nào để sáng tạo, họ sẽ hơi xấu hổ vì họ thực sự không làm gì cả, họ chỉ thấy nó như thế. Sáng tạo là điều hiển nhiên với họ bởi vì họ có thể nối kết và tổng hợp những trải nghiệm họ có.”  Nói tóm lại sáng tạo là điểm đích nối kết của những kiến thức đã được trải nghiệm.  Như thế, sáng tạo cũng như giáo dục – cần phải được trải nghiệm, phải được sống.
Khác hẳn với Âu-Mỹ, nền giáo dục VN vẫn đặt nặng vấn đề học thuộc lòng, và vâng lời là điều quan trọng.  Vô lớp không được ý kiến ý cò, thầy cô nói sao thì phải nghe vậy.  Quan điểm “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” là tốt nhưng có phần thái qúa.  Trẻ em ở VN chắc chắn sẽ được bố mẹ cho ăn đòn nếu cãi thầy cô, không cần biết lý do.
Trong những năm qua đẻ ra tệ nạn học thêm lan tràn khắp nước vì không học thêm chắc khó có thể lên lớp được.  Giáo dục trở thành thương mại.  Là cha mẹ chúng ta phải sửng sốt khi con em mình học ngày học đêm, đúng là một cực hình so với thời chúng ta còn cắp sách đến trường.  Thực sự con em chúng ta học những gì và điều chúng học có đem lại lợi ích gì cho chúng và cho xã hội không?
Thay vì dậy trẻ em cách suy tư và sáng tạo, nền giáo dục Việt Nam chỉ toàn nhai đi nhai lại mớ kiến thức đã cũ.  Không có một tí sáng tạo nào bởi vì đó là mục đích của đảng CS. Viết một bài văn phải viết theo tinh thần cách mạng, theo đường hướng của ban giáo dục đề ra, chỉ có tư tưởng của đảng CS mới là đỉnh cao trí tuệ … Thế thì lấy đâu ra sáng tạo khi trẻ em phải viết thuộc lòng, bị đóng khung suy nghĩ của mình như thế?  Viết khác với đường hướng tư tưởng của đảng là phản động, là thế lực thù địch, là ngồi tù; sống như thế làm sao có sáng tạo?  Nếu để ý đến các bài phát biểu của các cán bộ lãnh đạo, chúng ta sẽ ghi nhận ngay lối giáo dục thuộc lòng đã ăn xâu trong não trạng của đảng – từ TBT, CTN, TT đến chủ tịch UBNN quận, phường, họ phát biểu xôi nổi cả tiếng, thao thao bất tuyệt … nhưng hầu hết là những luận điệu y như nhau, những từ ngữ giao to búa lớn, những giáo điều như nhau.
Nếu sự tưởng tượng là khởi điểm của suy tư sáng tạo như Albert Einstein nói thì con em chúng ta đã và đang bị nền giáo dục đảng trị bóc lột một cách tàn nhẫn. Làm sao con trẻ có thể tưởng tượng khi chúng không được phép nói lên suy nghĩ của chúng; khi chúng bị gò ép phải nhớ những gì đảng ghi chép trong sách giáo khoa cho dù đó là những điều xuyên tạc.  Đối với người lớn cũng thế.  Làm sao chúng ta có thể tưởng tượng khi chúng ta không được nói; không được viết suy nghĩ của mình cách công khai; không được đọc, nghe, xem những gì ngoài sự quản lý của đảng.
Một xã hội không thể có dân chủ thực sự nếu dân trí còn thấp kém.  Muốn phát triển dân trí chúng ta cần một nền giáo dục nhân bản và dân chủ tốt.  Giáo dục và dân chủ luôn đi đôi với nhau, cùng chung một mục đích là đào tạo những con người toàn diện, điều không thể thiếu cho sự phát triển xã hội.  Trong khi đó chủ trương của đảng CSVN là tạo dựng một nền giáo dục phi dân chủ với mục đích duy trì vị thế đảng trị của họ.  Giáo dục phi dân chủ biến sự giả trá thành sự thật, cái rất bất thường trở thành cái rất bình thường – tham nhũng sẽ không còn là tham nhũng nhưng là một loại bổng lộc được xã hội chấp nhận; làm hàng giả, ăn cắp nhãn hiệu của người khác là chuyện bình thường; đè đạp nhau bất chấp mọi thủ đoạn để leo lên bậc thang xã hội không còn là việc làm gian sảo nhưng là việc làm của người khôn ngoan trong xã hội; cướp đất của dân không còn là tội phạm nhưng là sự nghiệp lãnh đạo làm giầu.
Giáo dục phi dân chủ không chỉ bóp chết sự sáng tạo cần thiết cho công cuộc phát triển xã hội đất nước, nhưng nguy hiểm hơn nữa, nó bóp chết luôn nền tảng đạo đức nhân bản, và tạo nên những thế hệ ù-lỳ chỉ biết chấp nhận, vâng phục.
Charlie Nguyễn
9/5/2013
  Charlie Nguyễn

Đào Tuấn - Tướng Hưởng nghiên cứu UAV để làm gì

UAV

Dù “không rành sử dụng máy tính”, nhưng tướng Hưởng lại là người “có công lớn nhất” trong việc chế tạo UAV Việt.
(Petrotime) Ngày 3/5, một sự kiện đánh dấu bước trưởng thành của khoa học công nghệ Việt Nam, đó là 4 chiếc máy bay không người lái ( UAV) mang thương hiệu Việt đã tiến hành các chuyến bay thử nghiệm, và đạt kết quả mỹ mãn.
Hiện nay, nhóm chế tạo đang tiếp tục hoàn thiện và sẽ đưa vào sản xuất hàng loạt phục vụ cho các nhu cầu kinh tế, nghiên cứu khoa học và bảo vệ an ninh quốc gia, phòng chống tội phạm…
Nhưng ít ai biết rằng, việc chế tạo UAV là do một nhóm các cán bộ, kỹ sư của một số đơn vị kỹ thuật thuộc Bộ Công an thực hiện, và người trực tiếp chỉ đạo là Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, khi đó là Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an.
Với những ai đã từng làm việc với Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng thì chẳng lạ gì chuyện là cho đến nay, đối với điện thoại di động, ông vẫn chưa… thạo cách lập danh bạ, không rành chuyện nhắn tin, điện thoại đối với ông chỉ có mỗi hai nhiệm vụ là nghe và gọi; ông cũng không rành sử dụng máy tính… Nhưng ông lại nắm bắt công nghệ hiện đại rất nhanh và khi còn là Cục trưởng một Cục nghiệp vụ từ hơn 20 năm trước, ông đã có nhiều chủ trương biện pháp mang tính chiến lược để hiện đại hóa công tác nghiệp vụ của lực lượng an ninh.
Còn trong việc chế tạo UAV, theo Tiến sĩ Phạm Ngọc Lãng, chủ nhiệm đề tài thì Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng là “người có công lớn nhất”. Đây sẽ là một “ bí ẩn “ của trang lịch sử mới về chế tạo UAV của Bộ Công an.
Từ năm 2008, trước nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao về chỉ huy an ninh, và công tác thăm dò, bảo vệ tài nguyên và các mục đích kinh tế, nghiên cứu khoa học khác, Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng đã chỉ đạo một nhóm cán bộ kỹ thuật xem xét nghiên cứu việc chế tạo UAV.
Đây là một việc làm mà theo giới khoa học công nghệ hàng không khi đó thì là “ không tưởng”, bởi đã có nhiều cơ quan nghiên cứu danh tiếng đã bắt tay vào chế tạo từ nhiều năm nhưng chưa thành công. Nhiều quốc gia có nền khoa học công nghệ hiện đại cũng phải mất rất nhiều thời gian và tiền bạc để nghiên cứu chế tạo UAV. Tuy nhiên, cho đến nay, số quốc gia chế tạo được UAV cũng chưa đếm hết mười đầu ngón tay. Cũng có những ý kiến cực đoan, cho rằng “công an chế UAV làm gì”.
Do quy tụ được những nhà khoa học của lực lượng Công an không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn thừa nhiệt huyết nên chỉ sau hai năm đã hoàn thành đề tài để trình lên các cấp có thẩm quyền. Sau đó, đề tài “nghiên cứu tổ hợp chế tạo máy bay không người lái phục vụ khoa học, kinh tế và an ninh quốc gia” được Bộ Khoa học và Công nghệ phê chuẩn là đề tài cấp Nhà nước. Tiếng là “đề tài cấp Nhà nước” , nhưng kinh phí cấp cho lại cực ít (mà cũng mới chỉ có… trên giấy).
Nhưng được sự chỉ đạo quyết liệt của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, nhóm thực hiện đề tài đã vượt qua được những khó khăn cả về giải pháp công nghệ và tài chính để hoàn thành đề tài.
Và chỉ sau ba năm , Viện Công nghệ Không gian của Bộ Công an đã chế tạo được 12 máy bay gồm 4 chủng loại. Trong đó, loại nhỏ nhất chỉ nặng có… 3kg và loại lớn nhất là 50kg.
Các loại máy bay này đều đạt được trần bay tối đa 4.000m, hoạt động tin cậy trong bán kinh 100km, có tốc độ khá; được chế tạo bằng vật liệu có khả năng làm “mù mắt” các loại radar, có công nghệ thông tin, quan sát tiên tiến nhất. Máy bay cũng được thiết kế thêm nhiều tính năng đặc biệt như vẫn tự “tìm đường” bay về hạ cánh, trong hoàn cảnh mất liên lạc với “ông chủ”.
Các UAV do Viện Công nghệ Không gian chế tạo có thể cất cánh từ đường băng, nhưng cũng có thể cất cánh từ trên… ôtô, trên… bệ phóng, thậm chí từ… tay người. Và điều đặc biệt nữa là các nhà khoa học đã thiết kế được phần mềm, giúp UAV có thể “tự sát” để bảo vệ “danh tiếng”, khi chẳng may “sa” vào tay… “người tò mò”!
Và một điều đáng nói nữa là, giá thành những chiếc máy bay này rẻ hơn nhiều so với các loại UAV có tính năng tương tự đang sử dụng trên thế giới hiện nay.
Theo Giáo sư Đỗ Trung Tá, nguyên Chủ tịch Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, người cũng tham gia đề tài ngay từ khi còn phôi thai thì thành công này vượt xa sự dự tính ban đầu. Tất nhiên, còn phải tiếp tục hoàn thiện để khắc phục một vài nhược điểm nhỏ. Nhưng chắc chắn rằng, trong tương lai không xa, những UAV mang thương hiệu Việt sẽ có mặt trong những vụ cháy rừng, vùng bị thiên tai, hoặc trong phòng chống tội phạm… Thông tin, hình ảnh từ UAV đưa về sẽ giúp các nhà lãnh đạo, chỉ huy có cái nhìn toàn cảnh và sẽ có những quyết định chính xác
Tính năng kỹ thuật cơ bản:
- AV.UAV.MS1: Chiều dài 1,0m; sải cánh 1,2m; khối lượng tối đa 4kg; tải có ích 1kg; bán kính hoạt động 2km; trần bay 200m; tốc độ lớn nhất 70 km/h; thời gian hoạt động trên không 1,0h; được trang bị camera chuyên dụng, cự ly truyền 2km.
- AV.UAV.S1: Chiều dài 1,80m; sải cánh 2,70m; khối lượng tối đa 12,0kg; khối lượng tải có ích 1,5kg; bán kính hoạt động 15km; trần bay 3000m; động cơ 45cm3; tốc độ lớn nhất 120km/h; thời gian hoạt động trên không 2h; đường cất hạ cánh 50m; có thể cất cánh bằng bệ phóng, hạ cánh bằng dù; truyền ảnh online từ camera khoảng cách 15km.
- AV.UAV.S2: Chiều dài 2,60m; sải cánh 3,20m; khối lượng tối đa 45kg; tải có ích 15kg; động cơ 80cm3; tốc độ lớn nhất 150km/h; trần bay 3.000m; đường cất, hạ cánh 200m; có thể cất cánh bằng bệ phóng, hạ cánh bằng dù; thời gian hoạt động trên không 3h.
- AV.UAV.S3: Chiều dài 3m; sải cánh 3,4m; khối lượng tối đa 115kg; khối lượng tải có ích 35kg; bán kính hoạt động 70km; trần bay 3.000m; động cơ 350cm3; tốc độ nhanh nhất 180km/h; thời gian hoạt động trên không tối đa 5h.
- AV.UAV.S4: Chiều dài 4,20m; sải cánh 5,0m; khối lượng tối đa 170kg; khối lượng tải có ích 50kg; bán kính hoạt động 100km; trần bay 3.000m; động cơ 400cm3; tốc độ lớn nhất 180km/h; thời gian hoạt động trên không 6h; bay cả ban ngày và ban đêm.
Đào Tuấn
(Blog Đào Tuấn)

CD Thằng Mõ 1 đi ngược lại với chính sách pháp luật, nói xấu chế độ?

"Thằng Mõ" của Ngọc Đại bị kết luận “dung tục và phản động”

anh-bia-cd-thang-mo-1
Bìa CD Thằng Mõ 1 của nhạc sĩ Ngọc Đại - Ảnh: T.L
Chiều nay 10.5, theo kết luận của Cục Nghệ thuật biểu diễn, CD Thằng Mõ 1 của nhạc sĩ Ngọc Đại có nội dung “dung tục và phản động”.
Cụ thể, nội dung CD Thằng Mõ 1 đi ngược lại với chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, nói xấu chế độ. Ngoài ra, ngôn từ trong các bài hát dung tục, không phù hợp với truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn cho biết Cục đã có công văn gửi tới các Sở Văn hóa Thể thao Du lịch trên cả nước yêu cầu thu hồi và tiêu hủy bản ghi âm này.
Được biết, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Hà Nội đã triệu tập nhạc sĩ Ngọc Đại lên làm việc, nhưng ông đã không tới.
Trước đó, khi được hỏi về việc có thể CD bị thu hồi, nhạc sĩ Ngọc Đại rất bình thản: “Tôi chẳng quan tâm. Tôi không sợ. Quan trọng là tôi được làm nghệ thuật”.
Minh Ngọc
(Thanh niên)
 

Minh Diện - Những mảnh ghép vênh vẹo

Tiếng loa phóng thanh của thôn Việt Thành bắt đầu cất lên từ 5 giờ sáng đến 11 giờ trưa, rồi lại  từ 4 giờ chiều đến  tối. Ngày nào cũng ra rả như vậy. Những chiếc loa sắt hình phễu, giống loa bên bờ Bắc sông Bến Hải ngày xưa, âm thanh chát chúa, chói tai, gây cho người ta cảm giác hừng hực như thời chiến.
Tôi ép mình giữa bụi cây trên bờ ao, nhìn đàn cá nổi trên mặt nước hớp không khí, cố tìm sự yên tĩnh vốn có nơi thôn dã, nhưng bất lực. Tiếng loa phóng thanh vẫn nhói vào tai, cái  giọng nói vừa ngọng, vừa chua của cô phát thanh viên không chuyên.
 Một món ăn ngon, ăn hoài cũng chán! Một câu chuyện  hay, kể đi kể lại củng nhàm! Nội dung những buổi phát thanh của thôn Việt Thành quê tôi không phải là món ăn ngon, cũng chẳng phải câu chuyện  hay, mà cứ ra rả từ sáng đến tối, hết ngày này qua ngày khác. Ngày xưa ít đài đóm đã đành, bây giờ nhà nào cũng có TiVi , hàng chục kênh,  phát sóng suốt ngày đêm,  còn sử dụng phương tiện thông tin cổ lỗ như vậy kể cũng lạ!  Mà thông tin có gì mới và thiết thực đâu?  Ngoài mấy bản thông báo của ban lãnh đạo thôn, xã, nội dung toàn lấy từ báo hình, báo nói, báo viết lề phải ra, đọc đi đọc lại, nghe nhàm tai. Phải chăng dân không tự giác nghe nhìn những thứ ấy, nên phải dùng biện pháp nhồi nhét ?  Giữa bầu không khí làng quê, nhẽ ra để tiếng chuông chùa, chuông nhà thờ ngân nga, lại oang oang tiếng loa phóng thanh! Những ngày nghỉ cuối tuần, nhiều người muốn trốn sự ồn ào đô thị, tìm về làng quê, không ngờ “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa!”.
 Anh Lưu, cựu Hiệu trưởng trường phồ thông trung học, nói với tôi:
          
- Tiếng loa phóng thanh chả khác gì tiếng kèn tây lạc lõng trong một dàn nhạc hổ lốn, hoặc như  những mảnh ghép không hài hòa trong bức tranh!
          
Anh chép miệng, trầm  ngâm suy nghĩ một lát, rồi nói tiếp:
         
- Nhưng thời buổi này nó thế! Quê mình chả khác một bức tranh  với nhiều mảnh ghép vênh vẹo, kệch cỡm!
           
Anh Lưu dẫn tôi ra cánh đồng đang thực hiện  quy hoạch  dồn điền  đổi thửa,  theo chương trình  xây dựng nông thôn mới.  Chỉ  cánh đồng nhằng nhịt bờ ngang bờ dọc, Lưu hỏi tôi:
             
- Ông trông có khác gì tấm áo và chằng vá đụp không?
            
Tôi ngạc nhiên hỏi:
           
- Cứ tưởng dồn điền đổi thửa thì đồng ruộng thảng cánh cò bay chứ?
            
Anh Lưu bĩu môi:
          
- Hôm nọ một cán bộ cao cấp về thăm, bảo cánh đồng này  như  bức tranh tuyệt đẹp sau khi hoàn thành chương trình nông thôn mới. Ảo tưởng ! Thực tế hoàn toàn khác...
             
Nguyên hiệu trưởng phổ thông trung học chọn một mô đất cao, kéo tôi ngồi xuống, châm điếu thuốc lá Vinataba rẻ tiền , móp má hít một hơi dài, từ từ thả ra làn khói đen khét lẹt.  Hình như cái vẻ đạo mạo của người thầy giáo, Lưu đã gửi lại bục giảng, để  trở về với gốc gác của mình. Khuôn mặt rắn rỏi, mái tóc muối tiêu, cách  tính toán  và  nói năng bộc trực của  một  nông dân  hiện rõ trên con người  ông.
   Lưu bảo tôi:
            
- Những cánh đồng dồn điền đồi thửa,  phải cắt ra từng mảnh để chia cho từng hộ xã viên. Sau khi tổ chức bốc thăm, mà anh vừa nghe thông báo trên đài truyền thanh, mọi người mang giấy chúng minh, hộ khẩu tới đăng ký nhận đất, Hộ  một mẫu, hộ vài sao, có hộ chỉ bảy tám chục thước. Dù đã bốc thăm chấp nhận hên xui, nhưng vẫn có quyền  đổi đi đổi lại chán. Muốn đồi miếng đất ngon  thi phải đi đêm  với ban quy hoạch.  Người ta dùng danh từ “đi vồ”!  Thế là tranh chấp, khiếu nại!  Làng xóm lại một phen xào xáo rối bời...Dồn, đổi băm nát ruộng đồng, chẳng qua cái cớ để chính quyền dễ dàng thâu tóm đất đai mà thôi!
              
Cánh đồng cũng xào sáo tung lên như lòng dân chứ đâu có phẳng phiu? Trước chia thành trăm mảnh, giờ ít nhất cũng  bày, tám chục mảnh. Vẫn là một tấm áo vá!  Chỉ khác bờ ruộng được nắn thẳng hơn  thôi. Giá  phải trả  cho cái bờ ruộng thằng thớn  ấy là 200 ngàn đồng bình quân mỗi đầu người. Xã mình   có 55 ngàn  người, tồng số tiền đóng góp để đắp bờ lên tới 11 tỷ đồng.
                
Tôi hỏi ông Lưu:
              
- Vậy sao họ hăng hái làm?
              
- Vì có lợi cho chính quyền!
              
Lưu lấy quyền sổ nhàu nát trong túi, với thói quen của một giáo viên dạy toán, ông viết những con số ngay ngắn trước mặt tôi:
             
- Bây giờ người ta chia ruộng theo sản lượng. Làng ta lấy sản lượng năm 2011 làm chuẩn.  Một sào loại A 250  kg thóc, loại B 220 kg, loại C190 kg. Khi dồn điền đồi thửa, phá bờ, phá bãi, lấp hồ ao, diện tích đất  dư ra.  Khi lấy sản lượng  lúa quy ra diện tích  đất, là lấy cái ảo, quy ra  cái thực,  mập mà mập  mờ, đất lại dư thêm . Dư bao nhiêu chính quyền quản lý bấy nhiêu, Theo Hiến pháp,  đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân , do nhà nước quản lý mà lị!  Anh biết không, trước kia xã ta, tổng  diện tích đất công  có 81 tấn, nghĩa là khỏang 41 mẫu, đã sử dụng làm trường, trạm , cho thuê, và  bán  gần 30 mẫu , thế  mà bây giờ,  diện tích đất công là 134 tấn, nghĩa là khoảng 70 mẫu.  Đất đẻ ra nhờ dồn điền đổi thửa theo chương trình nông thôn mới đấy! Đất ấy chính quyền quản lý, muốn bán chác thế nào quyền họ, dân chả còn lý do gì hạch hỏi khiếu kiện!
                 
Vậy là điều các nhà hoạch định chương trình nông thôn mới chưa nhìn thấy đã và đang  hiện hữu  trên quê tôi. Những cánh đồng không thẳng cánh cò bay, thuận tiện cho việc cơ giới hóa, hiện đại hóa  sản xuất lớn đi lên xã hội chủ nghĩa như họ kỳ vọng,  mà lại ngăn bờ  chia thửa , manh mún , vụn vặt như thuở  ban đầu. Vẫn là mảnh áo và mà gây tốn kém tiền bạc, công sức nhân dân, lại  tạo kẽ hở cho tham nhũng.
                 
- Nhưng đó chưa phải là điều đáng buồn nhất! Còn những  mảnh ghép nhớp nhúa hơn! 
                
Ông Lưu thở dài, nói với tôi như vậy, và  ông rủ  tôi ra bờ sông Cô Giang để xem một “mảnh ghép đáng buồn hơn”.
                 
Dòng sông này chảy qua mấy thôn trong xã, ngày xưa nước trong xanh,  giờ đổi màu đen kịt. Ông Lưu nói, nước đổi mầu  mấy năm nay rồi, từ khi xuất hiện cái nhà máy cán thép Chen-Lee của người Trung Quốc.
Cái nhà máy ấy, ban  ngày cách xa khoảng nửa cây số có thể nhìn thấy ba ống khói màu nâu đậm nhô lên trên các mái tôn hoen rỉ , nhả khói đen xì, còn ban đêm, cách vài cây số cũng nhìn thấy từng quầng lửa đỏ rực  bốc cao lên trời.
                
Ngày ngày những chiếc xe Contener, xe tải bịt kín ra vảo nhà máy. Những con đường bị vằm nát, khói bụi mù mịt. Người dân quanh vùng  chỉ  biết  cái nhà máy của Trung Quốc , trên đất đai tổ tiên ông bà mình như vậy! 
               
Nguyễn Thanh cùng học với tôi hồi cấp hai, đi bộ đội, sau giải phóng chuyển ngành sang công an, mới về hưu ,  hiện đang sinh sống   cách  nhà máy Chen- Lee không xa, mà  cũng không được biết gì hơn người dân bình thường.
            
Theo bà con quanh khu vực, năm năm trở lại đây số người mắc bệnh ung thư ruột, ung thư gan trong thôn tăng đột biến. Chỉ trong năm 2012 đã có mười người ở hai thôn Cổ Lạc và  Mỹ Lạc  tử vong vì ung thư.  Phải chăng do bà con uống nước sông Cô Giang  bị nhiễm chất độc từ nhà máy cán thép Chen - Lee thải ra?
             
Tôi gặp Quân, một công nhân trẻ từng làm việc ở nhà máy Chen-Lee. 
             
Nước da xanh xám, hai mắt lõm sâu, Quân dè dặt  nói với tôi:
             
-Tuy làm việc cho nhà máy ấy gần 5 năm,  nhưng cháu  chỉ là công nhân khuân vác  vòng  ngoài, phải qua ba vòng, ba  trạm gác mới vào vòng trong. Chưa bao giờ cháu dám bén mảng tới đó. Bọn bảo vệ người Trung Quốc  sẵn sàng dùng dùi cui cao su  đánh  vào đầu công nhân Việt nếu vô tình  xâm phạm vùng cấm . Theo cháu biết thì không có  bất kỳ  công nhân Việt Nam nào được lọt vào vòng trong .  Ở đó  toàn công nhân Trung Quốc đầu trọc.  Chúng được  tuyển chọn , đưa từ Trung Quốc sang.  Hầu hết  có  vợ con  ,  thành lập một khu tập thể , treo cờ Trung Quốc, cấm người Việt lai vãng...
             
Theo lời Quân,  số công nhân của nhà máy Chen-Lee  khoảng  hơn một ngàn . Trước kia có khoảng hai trăm người Việt Nam ,  bây giờ không còn ai. Quân là người cuối cùng bị sa thải cách đây một tháng.
             
Bọn chủ nhà máy kỷ thị chủng tộc, hay chúng làm chuyện phi pháp, nên  giữ bí mật tuyệt đối như thế? Câu hỏi đó giành cho  những người có trách nhiệm.  Điều có thể khẳng định là , nhà máy Chen-Lee đã gây ô nhiễm môi trường một cách khủng khiếp.
            
Quân nói với chúng tôi:
           
-Nó chở phế liệu từ Trung Quốc sang, nấu nhôm, sắt thành phẩm chở về Trung Quốc, còn các chất phế thải đổ hết xuống sông!
            
Ở Trung Quốc bọn chủ nhà máy nhôm  này chắc chắn đã bị tẩy chay, nên phải chạy qua Việt Nam. Chúng biến đất nước ta thành những bại chất thải độc hại. Dòng sông Cô Giang trước kia xanh trong thế,  giờ  đen đặc, bốc mùi thum thủm. Bầu không khí trong lành của miền quê ,  giờ hầm hập   nóng , khét lẹt mùi khói.  Mức độ ô nhiễm môi trường đã lên tận đỉnh !
             
Tại sao ta phải trả cái giá ấy ? Bình quân thu nhập của tỉnh  nhà thêm được bao nhiêu đô la? Bao nhiêu người dân có công ăn việc làm,  khi toàn bộ công nhân nhà máy thép Chen-Lee giờ toàn người Trung Quốc?
             
Những câu hỏi đó , như đại tá cựu chiền binh Nguyễn Văn Phổ cho tôi biết , đã được nêu trong hàng trăm  lá đơn của nhân dân gửi lên các cấp , và đã có vài đoàn cán bộ về làm việc. Nhưng sau khi  được chủ nhà máy người Trung Quốc đón tiếp rất long trọng, họ ra đi. Không ai lên tiếng công khai trên báo chí về ô nhiễm môi trường do nhà máy Chen- Lee gây ra,  không một đề tài nghiên cứu  xác minh tại sao mỗi năm hàng chục người dân trong khu vực sông Cô Giang  chết vỉ bệnh ung thư kể từ khi nhà mày này hoạt động.
Cái gì đã bịt miệng những đoàn cán bộ ấy ? Vì sao họ trở nên vô cảm như vậy?  Tôi được biết cách nhà máy Chen- Lee không xa, có một nhà máy khác, cũng liên doanh với Tàu, cũng gây ô nhiễm môi trường, hồi trước tết âm lịch vừa qua  đã đánh gần chết một công nhân Việt Nam,  chỉ vì anh tiết lộ thông tin gây ô nhiễm môi trường.  Một đoàn cán bộ cũng đến rồi đi , như không có chuyện gì sảy ra.
              
Ôi chả nhẽ vì tiền mà người ta coi rè  dân mình, quê hương mình như vậy?
               
Buổi tối hôm ấy,  Hào, Nghĩa, Thắng, Hải, Ngọc  cùng  nhập ngũ  và ở cùng đơn vị với tôi thời chống Mỹ , mời đại tá Phan Lân uống rượi.  Đại tá Phan Lân mặc quân phục, đeo quân hàm quân hiệu đàng hoàng .  Bốn mươi tám năm trước, chúng tôi đeo lon binh nhì, tập tễnh bước vào đời lính, dưới sự dẫn dắt cùa đại đội trưởng đồng hương Phan Lân.  Ông  nhập ngũ năm 1951, tham gia chiến dịch  Điện Biên Phủ,  năm  1965 đeo lon trung úy , và 1984, về hưu với cấp bậc đại tá.
               
Trong thời gian chiến tranh chống Mỹ, chúng tôi thường gặp nhau , và luôn luôn đồng tâm nhất trí với nhau, như những mảnh ghép hài hòa trong một bức tranh.
             
Nhân buổi họp mặt, tôi muốn mang những chuyện bức xúc ra nói cho hả. Nhưng  tôi vừa mở miệng thì đại tá Phan Lân gạt đi:
             
- Đừng nói chuyện chính trị!
            
- Chuyện ô nhiễm môi trường, chuyện tham nhũng hối lộ ngay trên quê hương mình thủ trưởng ạ!
             
- Đảng biết rồi, có đảng lo!
              
- Đảng bây giờ...
           
- Cậu định nói như bầy sâu chứ gì? Các cậu ăn phải bả bọn phản động ,  đòi sửa  đổi điều 4  Hiến pháp, đòi phi chính trị hóa quân đội , đòi  tư hữu hóa đất đai chứ gì? Láo toét!
              
Hảo ngắt lời đại tá Lân:
             
- Ô hay , thủ trưởng  phải nghe anh en nói chứ!
             
-Tớ không muốn nghe!
              
Hào nói nhỏ vào tai tôi:
              
- Cái  sồ hưu 10 triệu mụ mị ông già rồi!
             
Bữa tiệc rượu trở nên nhạt thếch. Những người từng gắn bó vào sinh ra tử với nhau , tưởng hiểu thấu lòng  nhau , mà bây giờ lại không hiểu nhau. Một đại tá về hưu không thèm nghe những người lính cũ, bỏ ngoài tai mọi sự trớ trêu, chỉ vì cái sổ hưu 10 triệu đồng một tháng, thì thử hỏi những kẻ đương chức đương quyền mỗi năm kiếm vài chục tỷ chịu nghe ai?  Chẳng lẽ cái bức tranh quê hương tôi, đất nước tôi là những mảnh ghép rời rạc, vênh vẹo như vậy chăng?
Minh Diện

Công an giúp Việt kiều nhập cảng xe hơi kiếm lời

Xe hơi buôn lậu bị tịch thu. (Hình: Sài Gòn News)
Móc nối, giúp Việt kiều nhập hộ khẩu để đưa xe hơi về nước bán lại kiếm lời, hai cán bộ công an xã Long Hiệp, huyện Bến Lức vừa bị cách chức, cho “thôi nhiệm vụ”.
Sáng ngày 9 tháng 5, chủ tịch chính quyền xã Long Hiệp - Ðặng Hoàng Phúc cho biết, trưởng và phó công an xã là ông Phan Công Bằng và Nguyễn Văn Dưỡng đã bị cách chức, thuyên chuyển về huyện vì dính đến vụ giúp Việt kiều nhập hộ khẩu phi pháp.
Báo Tuổi Trẻ cho hay, đây là vụ tham nhũng lớn tại xã Long Hiệp. Trước đó, một cán bộ công an xã này đã bị đình chỉ công việc vì là người trực tiếp dính đến vụ này.
Cũng theo báo Tuổi Trẻ, công an xã Long Hiệp đã ký tên và làm thủ tục cho một loạt 14 Việt kiều hồi hương được nhập hộ khẩu. Nhờ hội đủ thủ tục này, số Việt kiều nói trên bán lại xe hơi mà họ được mang về, mỗi người một chiếc, theo quy định của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam để kiếm lời.
Còn theo công an tỉnh Long An, có nhiều xã khác cũng làm hồ sơ giả cho Việt kiều nhập hộ khẩu để bán lại xe hơi nhập tương tự.
Trước đó, báo Tuổi Trẻ dẫn phúc trình của Bộ Công An Cộng Sản Việt Nam nói rằng có khoảng 1,320 chiếc xe hơi, trị giá chục triệu đô đã vào Việt Nam bằng con đường “Việt kiều hồi hương”.
Một số cán bộ công an cho rằng người thực hiện các thương vụ phi pháp nói trên dính đến các đường dây buôn lậu và tham nhũng: Cán bộ tham nhũng còn tư nhân thì buôn lậu.
(Người Việt)
 

Bao giờ lãnh đạo Mặt trận mới cho thanh tra tài chính báo Đại Đoàn Kết như đã hứa?

Đăng bởi Hai Hoang Van vào Thứ bảy, ngày 11 tháng năm năm 2013


Những sai phạm có hệ thống của ông Đinh Đức Lập tại báo Đại Đoàn Kết
Bài 17: Bao giờ lãnh đạo Mặt trận mới cho thanh tra tài chính báo Đại Đoàn Kết như đã hứa?
Nhiều khuất tất trong điều hành tài chính của báo Đại Đoàn Kết, trách nhiệm thuộc về người đứng đầu là tổng biên tập Đinh Đức Lập dẫn tới tình hình tài chính bất minh, vi phạm nguyên tắc công khai, minh bạch và quy chế dân chủ cơ sở. Sức khỏe tài chính, thực trạng nợ nần của báo Đại Đoàn Kết hiện nay như thế nào, không ai hay biết vì không có bất kỳ cơ sở nào để nhận xét, đánh giá trừ những tuyên bố thi thoảng và vu vơ của ông Đinh Đức Lập chỉ nhằm đối phó khi gặp phải những tình huống căng thẳng. Tuy nhiên, có một thực tế mà hầu như ai cũng nhận thấy là thu nhập nói chung của cán bộ, phóng viên báo Đại Đoàn Kết đang tụt đốc, trong đó có những bộ phận còn bị cắt xén bất công lên đến gần một nửa thu nhập suốt hơn một năm qua.
                    
Từ khi tổng biên tập Đinh Đức Lập về lãnh đạo báo Đại Đoàn Kết chưa bao giờ có một báo cáo minh bạch, công khai, đầy đủ về tình hình tài chính hàng năm của báo Đại Đoàn Kết trước toàn thể cơ quan, hay chí ít cũng là trước toàn thể lãnh đạo ban của báo theo quy định của pháp luật.
Vì vậy, các thông tin về tài chính, tình hình hoạt động lời lãi của báo ra sao mọi cán bộ, phóng viên, nhân viên đều không có cơ sở để biết rõ một cách công khai và đầy đủ. Ông Lập hoặc các lãnh đạo phụ trách về tài chính của cơ quan nói sao thì biết vậy, không ai có điều kiện để kiểm chứng. Trong khi đó, thông tin về tình hình tài chính của báo Đại Đoàn Kết do các lãnh đạo báo (TBT, các PTBT...) đưa ra mỗi người một con số, mỗi người một kiểu tùy theo lợi ích hoặc mục đích của họ ở từng thời điểm. Đặc biệt các chương trình làm ăn có thu tiền lẽ ra phải mang lại lợi ích, lợi nhuận cho cơ quan thì liên tục bị ông Lập kêu  lỗ.
Thông tin về tình hình tài chính của nhiều sự kiện do báo Đại Đoàn Kết tổ chức trong mấy năm qua cũng chưa bao giờ được công khai đầy đủ, minh bạch. Ví dụ như các chương trình Tự hào Thương hiệu Việt, TBT Đinh Đức Lập thì nói lỗ (lúc thì lỗ chưa tới 100 triệu đồng, lúc thì lỗ hơn 150 triệu đồng/ mỗi lần tổ chức); còn Phó TBT Nguyễn Minh Ngọc (khi còn làm việc ở báo Đại Đoàn Kết) thì bảo là cân đối được, không lỗ do có thu từ nhiều doanh nghiệp tài trợ cho chương trình. Cái ta được là uy tín và thương hiệu báo Đại Đoàn kết...
Chúng tôi không hiểu sao nếu thấy lỗ hàng trăm triệu mỗi lần tổ chức (hàng năm) BBT không tìm cách để không phải lỗ, hoặc không nên tổ chức các chương trình tốn kém lỗ lả như vậy trong điều kiện kinh tế tài chính của báo rất khó khăn? Ngược lại, TBT Đinh Đức Lập tỏ ra rất hào hứng với các chương trình mà ông cho rằng đang gây lỗ nặng cho báo Đại Đoàn kết, vì sao?
Nghiêm trọng hơn, trong một thời gian khá dài ông Lập bổ nhiệm cháu ruột là Đinh Quang Sơn phụ trách Ban Tài chính Kế hoạh kiêm Kế toán trưởng. Cơ chế “cháu trình – chú duyệt” trong hoạt động tài chính của báo Đại Đoàn Kết diễn ra trong thời gian khá dài không ai có thể kiểm soát được, dễ có nhiều nguy cơ lạm quyền.
Cuối năm 2012, ông Đinh Quang Sơn dính vào vụ chiếm dụng hàng chục tỷ đồng tiền góp vốn của cán bộ phóng viên báo Đại Đoàn Kết cho dự án chung cư Đại Kim, nay đã bỏ trốn. Tư cách và đạo đức nghề nghiệp của ông Sơn qua vụ chiếm dụng hàng tỷ đồng tiền góp vốn của cán bộ, phóng viên, nhân viên báo trong dự án Đại Kim rồi nay bỏ trốn càng khiến cho nghi vấn về những khuất tất trong thời gian ông Sơn là Kế toán trưởng, phụ trách cả Ban Tài chính – kế hoạch rồi sau đó luôn cả Ban Tuyên truyền, Quảng cáo và Phát hành (toàn là các ban quan trọng liên quan tới các nguồn tài chính chủ lực của báo) thêm có cơ sở.
Ông Đinh Đức Lập đã vi phạm hàng loạt các điều khoản quy định tại Mục 1 (Công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị), Chương 2 (Phòng ngừa tham nhũng) của Luật Phòng chống tham nhũng. Theo đó, ông Lập với tư cách là người đứng đầu cơ quan báo Đại Đoàn Kết đã không hề tuân thủ nguyên tắc, các hình thức công khai, minh bạch trong công tác liên quan tới nhiều lĩnh vực theo quy định của luật như: tài chính; xây dựng cơ bản; quản lý nhà đất thuộc quyền sử dụng của báo; các khoản tiền đóng góp của cán bộ viên chức cho dự án chung cư Đại Kim;...
Ông Nguyễn Tuấn Hưng nguyên là Kế toán trưởng của cơ quan báo Đại Đoàn Kết sau khi chuyển công tác vào Ban Đại diện TP.HCM cho biết tình hình tài chính của báo rất xấu, nợ nần, mất cân đối lên đến nhiều tỷ đồng. Công tác quản trị, kiểm soát hoạt động tài chính ở báo Đại Đoàn Kết rất tùy tiện, tùy theo các sếp, kế toán trưởng như ông Hưng chỉ biết phải làm theo rồi “biến báo” cho hợp pháp... Do sợ trách nhiệm vì phải chấp hành và hợp thức hóa các sai trái về tài chính của các “sếp” cùng với sự xuất hiện ông Đinh Quang Sơn (cháu ruột ông Lập) tại Ban Tài chính Kế hoạch của báo, nên ông Hưng đã phải vội vàng rời bỏ vị trí kế toán trưởng vào Ban Đại diện TP.HCM công tác. Việc vào miền Nam công tác không đúng nghề nghiệp chuyên môn của ông Hưng, phụ trách quảng cáo phát hành ở phía Nam trong 6 tháng ông Hưng thấy không hiệu quả nên đã xin nghỉ không hưởng lương chờ tìm việc khác để chuyển công tác hơn một năm qua.
Ông Đinh Quang Sơn về báo Đại Đoàn Kết đầu tiên để làm công tác kỹ thuật vi tính. Sau đó được ông Lập chuyển qua Ban Kế hoạch – Tài chính làm kế toán dưới quyền ông Nguyễn Tuấn Hưng (kế toán trưởng). Chưa đầy một năm làm kế toán viên, ông Sơn đã được chú ruột là ông Lập bổ nhiệm Phụ trách Ban Kế hoạch – Tài chính kiêm vị trí Kế toán trưởng báo Đại Đoàn Kết ngay sau khi ông Hưng xin chuyển công tác vào miền Nam.
Việc ông Lập quá vội vàng bổ nhiệm ông Sơn là cháu ruột của mình vào vị trí quản lý tài chính của cơ quan báo ĐĐK gây ra nhiều dư luận không tốt và có nhiều khuất tất. Nhận thấy sự bức xúc của dư luận tại báo Đại Đoàn Kết về vấn nạn cơ chế “cháu trình – chú duyệt”, Đảng Đoàn MTTQVN đã có kết luận ngày 29/6/2012  chỉ đạo ông Lập phải điều chuyển công tác ông Đinh Quang Sơn sang vị trí khác cho phù hợp. Thế nhưng sau nhiều tháng trì hoãn, khi có đơn tố cáo của nhiều người, và lãnh đạo cấp trên phải nhiều lần nhắc nhỡ, ông Lập mới ký quyết định đề ngày 10/8/2012 chuyển ông Sơn sang Phụ trách Ban TT-QC-PH (thay ông Xuân Huy bị kỷ luật cách chức), tuy nhiên quyết định này chỉ được công bố vào ngày 23/8/2012 và cho phép ông Sơn thực hiện các trách nhiệm có liên quan tới tài chính đến 30/9/2012. Cuối năm 2012, ông Đinh Quang Sơn còn bị phát giác dính vào vụ chiếm dụng hàng chục tỷ đồng tiền góp vốn của cán bộ phóng viên báo Đại Đoàn Kết cho dự án chung cư Đại Kim, nay ông Sơn đã bỏ trốn.
Tình hình nợ nần các nhà in của báo Đại Đoàn Kết hiện nay cũng là một ẩn số to tướng. Báo Đại Đoàn kết hiện nay in ở các nhà in trên địa bàn: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Hầu hết ở các nhà in này, báo Đại Đoàn Kết đều đang nợ nần đầm đìa.
Kết quả của tình hình thiếu minh bạch về tài chính của báo Đại Đoàn kết mà bất kỳ CBPVNV nào của báo cũng biết là: lượng báo phát hành không tăng như kế hoạch hàng năm đề ra; lương và nhuận bút của người lao động, của phóng viên bị sụt giảm đáng kể; nhiều chi phí công tác chính đáng khác bị cắt giảm trong khi vẫn phát sinh các chi phí kém hiệu quả (như các chuyến đi vận động bán báo mang tính hình thức, tốn kém nhưng không làm tăng thêm số lượng báo trong nhiều năm qua; các chuyến đi công tác nước ngoài của cả đoàn cán bộ lãnh đạo báo chủ yếu là đi chơi tốn kém trong lúc kinh tế của báo khó khăn...).
Trước sự thiếu minh bạch trong cách điều hành của chú cháu ông Đinh Đức Lập, để làm rõ tình hình tài chính của báo Đại Đoàn Kết nhằm xử lý và khắc phục các tồn tại tiêu cực, cần có cuộc thanh tra chuyên môn về công tác quản lý tài chính của báo trong thời gian qua.
Đề nghị này của chúng tôi đã được Tổ Công tác của UBTWMTTQVN do Phó chủ tịch Lê Bá Trình phụ trách ghi nhận là có cơ sở. Tại buổi làm việc chiều ngày 10/1/2013, Tổ Công tác bao gồm: Phó chủ tịch Lê Bá Trình (Phụ trách Khối báo và tạp chí của MTTQVN), Phó chủ tịch Bùi Thị Thanh (phụ trách Khối Tổ chức cán bộ; kiêm Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy UBTWMTTQVN), Phó chủ nhiệm UBKT Đảng ủy Nguyễn Anh Xuân và Phó Trưởng Ban Dân chủ Pháp luật Phạm Thị Hương đã khẳng định các căn cứ trong đơn tố cáo để dẫn tới đề nghị tiến hành thành lập đoàn thanh tra có đầy đủ chuyên môn nghiệp vụ để tiến hành thanh tra tài chính toàn diện báo Đại Đoàn kết là có cơ sở. Tổ Công tác sẽ trình đề nghị này lên lãnh đạo UBTWMTTQVN để xem xét tổ chức thành lập đoàn thanh tra có đầy đủ chuyên môn nghiệp vụ thực hiện việc thanh tra tài chính báo Đại Đoàn Kết  trong thời gian sớm nhất.
Thế nhưng, đã 4 tháng trôi qua, cho tới nay lãnh đạo UBTWMTTQVN vẫn chưa thực hiện việc thanh tra tài chính báo Đại Đoàn Kết để làm rõ thực trạng “sức khỏe” tài chính của cơ quan này một cách công khai minh bạch và đúng pháp luật.
Trong khi đó, tình hình tài chính tại báo Đại Đoàn Kết đang ngày càng phức tạp và mù mờ, không ai rõ thực hư ra sao ngoài những lời tự tuyên bố của ông Đinh Đức Lập. Ngay cả tiền góp vốn cho dự án Đại Kim của tập thể cán bộ, phóng viên, nhân viên báo Đại Đoàn Kết còn bị ngang nhiên “thụt két”, chiếm dụng nhiều tỷ đồng trong suốt nhiều năm qua hiện cũng còn chưa được làm rõ. Những người có hành vi vi phạm hiện cũng chưa bị kiểm điểm, xử lý minh bạch. Có người, mà cụ thể là cháu ruột ông Lập, đang bỏ trốn khỏi cơ quan, lẫn tránh trách nhiệm vẫn cứ được ông Lập bao che, làm ngơ...
Riêng ông Đinh Đức Lập không biết trình độ hiểu biết pháp luật ra sao mà thường xuyên viện dẫn Nghị định 43 (Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 “Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập”), để tự cho mình cái quyền thích làm gì thì làm, bất chấp các quy định của pháp luật. Ông Lập quên rằng ngay trong NĐ 43 này cũng ghi rất rõ ràng rằng: “Thực hiện quyền tự chủ phải gắn với tự chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp và trước pháp luật về những quyết định của mình; đồng thời chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; Thực hiện công khai, dân chủ theo quy định của pháp luật”.
NĐ 43 của Chính phủ nhằm mục đích khuyến khích tính chủ động, sáng tạo của các đơn vị sự nghiệp công lập trên tinh thần phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật trong từng lĩnh vực có liên quan. NĐ 43 khuyến khích tinh thần tự chủ không đồng nghĩa với việc cho phép những người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện nghị định này có quyền tùy tiện vi phạm pháp luật, thích làm gì thì làm bất chấp các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức khác, cũng như của toàn xã hội.
Ví dụ cụ thể, về trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị sự nghiệp thực hiện NĐ 43, trong lĩnh vực sử dụng, quản lý và đãi ngộ lao động, tại Khoản 5, Điều 31 NĐ 43 ghi rõ: “Tổ chức thực hiện quản lý, sử dụng cán bộ, viên chức theo quy định của pháp luật; đảm bảo các chế độ, quyền lợi về tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chế độ bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn đối với người lao động của đơn vị theo quy định của pháp luật”. Như vậy, tất cả các chế độ đều phải theo quy định của pháp luật chứ không phải tùy tiện, tùy thích và tùy vào mối quan hệ phe nhóm như ông Đinh Đức Lập đã hành xử trong nhiều năm qua tại báo Đại Đoàn Kết.
Một điều hết sức đơn giản mà bất kỳ ai có kiến thức sơ đẳng về pháp luật cũng hiểu. Nghị định là văn bản dưới luật, khi thực hiện thì nghị định phải phù hợp quy định của các đạo luật hiện hành. Thế nhưng, có một thực tế đáng buồn là ông Đinh Đức Lập lại thường xuyên đưa NĐ 43 của Chính phủ ra để bào chữa cho các hành vi vi phạm pháp luật của chính ông với chiêu bài  báo Đại Đoàn Kết phải “tự hạch toán, tự chủ toàn diện” nên thủ trưởng có mọi quyền hành theo kiểu "thích ban cho ai cái gì thì ban" (?).
Ông Đinh Đức Lập cũng quên rằng việc báo Đại Đoàn Kết tự hạch toán, tự chủ về tài chính đã được thực hiện từ hơn 20 năm qua, khi chưa có mặt ông Đinh Đức Lập tại báo này. Các tổng biên tập tiền nhiệm của ông Lập vẫn thực hành “tự chủ” một cách chính danh trên tinh thần thượng tôn pháp luật và xây dựng vung đắp cơ ngơi của báo hàng chục năm qua cho tới thời ông Lập. Chẳng hiểu sao, cho tới thời ông Lập làm tổng biên tập thì việc “tự chủ” tại báo Đại Đoàn Kết lại phải kèm theo điều kiện là “bất chấp pháp luật”, tùy tiện và vi phạm các quy tắc dân chủ, công khai, minh bạch tại cơ sở?
(Còn tiếp)
Hữu Nguyên
Loạt bài “Những sai phạm có hệ thống của ông Đinh Đức Lập tại báo Đại Đoàn Kết”:

(Blog Hữu Nguyên)

Coi thường cả thủ tướng

Nhiều công trình xây dựng trái phép tại Sóc Sơn (Hà Nội ) xảy ra cách đây ngót chục năm, gần đây được xới lên trở thành điểm nóng.
    Tại sao có chuyện tày trời như vậy phát sinh trên địa bàn thủ đô. Dĩ nhiên tại cả hai phía, cơ quan nhà nước và công dân. Tôi nghiêng về lỗi của cơ quan nhà nước nhiều hơn. Luật trị nhân. Nhà nước và quan chức càng phải nghiêm để làm gương cho dân.
     Vụ việc ở Sóc Sơn cho thấy tính chất xuề xòa và bất cần của hai bên, nhất là cơ quan nhà nước, kể từ cấp xã cho đến tận nơi trung ương cao chót vót.
     Từ 2006, cách đây 8 năm, thủ tướng chính phủ có ý kiến chỉ đạo xử lý những công trình xây dựng trái phép tại Sóc Sơn. Ý kiến chỉ đạo của thủ tướng không phải nói qua điện thoại hoặc nhắc nhở trong hội nghị, mà là được “đóng đinh” bằng văn bản đến nay vẫn còn nguyên giá trị, trong đó có nội dung “thu hồi toàn bộ các diện tích mua bán, chuyển nhượng trái pháp luật”.
     Đến nay, sau 8 năm thủ tướng có ý kiến chỉ đạo, những sai phạm tại Sóc Sơn vẫn cứ y nguyên. Bằng sự thật hùng biện ấy, chính quyền các cấp của Hà Nội và một số ngành của trung ương đã thể hiện sự coi thường thủ tướng. Bất chấp chỉ đạo của người đứng đầu chính phủ, đó không phải coi thường thì là cái gì. Nếu tôn trọng thủ tướng, những sai phạm tại Sóc Sơn không thể “di căn” cho đến bây giờ.
     Vụ việc ở Sóc Sơn vừa xâm hại rừng đặc dụng, vừa coi thường  thủ tướng. Đó là trọng tội. Hãy chờ xem thủ tướng “xử” vụ này như thế nào.
      Sóc Sơn thuộc địa bàn thủ đô mà hành xử như thế. Những nơi khác, cách xa trung ương, nếu xảy ra chuyện gì đó cùng kênh với Sóc Sơn thì đừng trách họ.
      Thủ tướng xử vụ này không xong, chắc chắn kiểu coi thường chính phủ trung ương sẽ lây lan đến nhiều nơi.
Bá Tân
(Blog Nguyễn Thông)

‘Chảy đi tiền ơi…’ và chuyện y phục – kỳ đức

Có một sự kiện sắp tới, vô tình cũng lại liên quan đến thành ngữ Y phục xứng kỳ đức mà cha ông ta tổng kết từ xưa.
Vào lúc ngành du lịch Việt Nam còn đang ồn ào dư luận tìm ứng viên có cả nhan sắc và năng lực trúng cử Đại sứ Du lịch thay cho người đẹp Lý Nhã Kỳ xin rút lui, thì một vụ việc còn gây ồn ào hơn, ngang ngửa với vụ việc người đẹp này vừa “lái” một vài phi công của VietNam Airline đến… kỷ luật.

Nạn chặt chém gây xấu hổ cho ngành du lịch VN. Ảnh minh họa
Nạn chặt chém gây xấu hổ cho ngành du lịch VN. Ảnh minh họa
Không chặt, chém thì cạp đất mà ăn à?

Đó là những hiện tượng tài xế taxi, xích lô, nhân viên khách sạn…, “chặt, chém” một cách dã man khách ngoại quốc người Úc, người Pháp, liên tiếp xảy ra gần đây, làm hổ thẹn ngành du lịch, và tiếp tục gây “điều tiếng” cho du lịch VN trong mắt bạn bè thế giới.
Nói vậy cũng không ngoa. Bởi trước đó, tháng 10/2011, chuyện “chặt, chém” khách quốc tế đã diễn ra oái oăm, như chuyện của Những người thích đùa: Hai đại biểu Interpol (người Singapore) tới Việt Nam dự họp Đại hội đồng Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế tổ chức tại Hà Nội, đã bị tài xế taxi tiền trảm không thương tiếc. Và họ còn bị tay lái taxi này giữ luôn cả máy điện thoại di động iPhone 4 để quên trên xe- hệt họ như những…nghi can.
Còn Matthew Kepnes, một người Pháp điều hành trang web du lịch Nomadic Matt’, từng viết nhiều bài cho The New York Times, The Guardian, BBC, CNN, Huffington Post…., đã đi du lịch VN suốt một tháng. Kết quả của tour du lịch Việt là một bài viết về VN, với hình ảnh “te tua” tồi tệ vì liên tục bị quấy rầy, bị chặt chém, trả giá đắt và đối xử tệ. Bài viết dạo đó đã gây tranh cãi rất dữ trong cộng đồng Việt. Người đồng tình, kẻ phản đối. Giờ, số người Việt đồng tình với anh ta chắc là số đông.
Khách quốc tế đến VN, thì những vị “đại sứ” du lịch đầu tiên họ tiếp xúc, cho họ hiểu về hồn Việt- con người Việt, văn hóa Việt, phong tục tập quán Việt, món ăn Việt – chính là những tài xế taxi, là nhân viên khách sạn, là người chở xích lô, người bán hàng…
Tiếc thay, Đại sứ Du lịch VN chưa tìm thấy, đã thấy nhan nhản các “đại sứ”…chặt chém.
Câu chuyện mới đây của ba mẹ con bà Ilona Schultz, của ba du khách Pháp, của vợ chồng anh David Patrick, khiến cho người ta cảm tưởng, người Việt đang hòa ca bài Chảy đi tiền ơi… một cách nhẫn tâm (xin lỗi nhạc sĩ Phó Đức Phương) với du khách. Bởi một năm trước đây, Matt Kepnes từng cay đắng thốt lên: Tôi không muốn quay trở lại vì tôi bị đối xử quá khác biệt. Tôi không muốn đi đâu tôi cũng bị coi như một cái máy rút tiền ATM di động.
Matt Kepnes không phải người duy nhất, nếu biết thông tin, có tới trên 80% khách du lịch đến VN đã không quay trở lại. Con số này trong 5 năm qua luôn nằm ở mức 80-90%! Không chỉ chặt, chém, tồi tệ nhất còn là chuyện trộm cắp. Đến mức, theo VietNamNet (ngày 9/5), tờ TTR Weekly của Thái Lan có hẳn bài viết nhan đề Những bàn tay tàng hình ở phố cổ Hà Nội. Những bàn tay “tàng hình” đó vươn khắp nơi: Huế, Bà Rịa- Vũng Tàu, TP. HCM…
Và cũng hài hước đến mức, tại Festival Huế 2012, ngài Đại sứ nước Cộng hoà Venezuela giơ máy chụp ảnh, vô tình chụp được kẻ cắp thò tay móc điện thoại di động của ngài Đại sứ Argentina.
Được biết, trước các vụ việc xảy ra gần đây, đích thân ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch VN, và ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VH- TT- và DL Hà Nội đã đích thân đến gặp và xin lỗi bà Ilona Schultz, cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc xử lý hai vụ khác. Đó là hành động văn hóa cần thiết, kịp thời.
Thế nhưng, nếu quan chức đầu ngành du lịch, quan chức sở VH- TT- DL Hà Nội phải đi xin lỗi trực tiếp du khách, thì các vị này sẽ phải nói lời xin lỗi du khách bao nhiều lần nữa? Đó là những vụ việc, du khách gặp may, được ngành chức năng biết đến và ứng xử kịp thời. Còn bao nhiêu vụ việc, du khách ấm ức và lủi thủi chịu đựng? Để rồi, “họ bước chân đi cấm kỳ trở lại”. Để rồi, những khẩu hiệu của ngành du lịch: Việt Nam, điểm hẹn của thiên niên kỷ mới; VN vẻ đẹp tiềm ẩn…, sẽ chỉ là khẩu hiệu, bởi vẻ đẹp Việt dường như vẫn còn …tiềm ẩn ở đẩu ở đâu (?)
Sự xin lỗi của ngành du lịch VN, không gì tốt hơn, là xin lỗi bằng một chiến lược bài bản thực sự cần được quảng bá, thiết lập lâu dài, và cần được cả quốc gia, cộng đồng, từ người tài xế taxi, người chở xích lô, người bán hàng rong, bán hàng lưu niệm…, những “đại sứ du lịch” dân gian đầu tiên, thực sự đồng cảm và chia sẻ, vì ý thức quốc thể, vì nhân tâm và hành xử văn hóa của con người.
Chả cần nhìn xa, xin hãy nhìn gần như xứ sở Thái Lan, trong vấn đề giá cả. Chả biết quốc gia này quản lý, vận động, tuyên truyền, học tập khéo thế nào, mà người dân nhất nhất chia sẻ với nhà nước, khi họ chấp nhận chuyện bán giá “thống nhất” cho người trong nước cũng như khách du lịch ngoại quốc, không khác biệt. Khi người dân mua vàng cửa hàng này, bán vàng cửa hàng kia, cũng với giá đó, kể cả du khách.
Sự nhìn xa trông rộng của Thái Lan khiến họ giữ được niềm tin “Xứ sở của nụ cười” trong ấn tượng của thế giới, hệt nụ cười của các thiếu nữ Thái niềm nở khi đón du khách từ máy bay bước xuống.
Ngọc Trinh làm đại sứ du lịch là chuẩn nhất?
 Ngọc Trinh làm đại sứ
du lịch là chuẩn nhất?
Giữa lúc chuyện chặt, chém du khách còn chưa nguội, có tờ báo, trang mạng bỗng tự chọn Ngọc Trinh làm Đại sứ Du lịch là “chuẩn” nhất, khiến tâm lý cộng đồng xã hội lại một lần nữa nóng lên.
Không biết người đẹp này đi du lịch trong nước đã nhiều chưa, nhưng y phục nàng lúc nào cũng như bị… chặt, chém. Nhan sắc có thừa, trí tuệ có “đạt chuẩn” không, có điều, chỉ sợ phát ngôn của người đẹp này mà được các bác tài xế taxi, xích lô, nhân viên khách sạn chia sẻ thành “sách lược”: Không chặt chém, cạp đất mà ăn à, thì du lịch VN cứ còn tiếp tục là Vẻ đẹp… tiềm ẩn với thế giới!
Phát ngôn xứng “kỳ đức”?
Liên quan đến chuyện văn hóa đối ngoại, một vị giáo sư tiến sĩ trong ngành âm nhạc dân tộc, ông T. N. T vừa có một phát ngôn ấn tượng, khiến người nghe… cúi mặt: Không quốc phục, họp quốc tế thấy nhục!
Công nhận là Quốc phục, hay như Quốc hoa, ở VN ta được bàn tới khá chậm. Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới, chuyện đó đã rõ ràng, ngã ngũ, nó tạo nên niềm kiêu hãnh, bản sắc văn hóa riêng biệt của quốc gia trên trường quốc tế.
Nhưng từ sự chậm về Quốc phục đến cái sự nhục quốc thể, qua phát ngôn của vị GSTS khá có tên tuổi nói trên, lại là một khoảng cách quá… xa lạ, thuộc về tư duy, về ý thức phát ngôn của một nhà nghiên cứu một lĩnh vực của văn hóa. Bởi nó quá dở, nó khí thiếu văn hóa, và làm tổn thương…quốc thể thì đúng hơn.
Có câu Chiếc áo không làm nên thầy tu, để nói bản chất vấn đề mới là quan trọng (dù hình thức, trong nhiều hoàn cảnh cụ thể, không được phép coi thường). Nhưng khi mà xã hội còn đang chật vật và còn đang phải đối mặt với nhiều bất ổn, với nợ công, nợ xấu, với vấn nạn tham nhũng, với kẹt xetắc đường, với bệnh viện quá tải 2-3 người bệnh/ giường, với trẻ em đói ăn, đói chữ…, thì chuyện chưa có Quốc phục đâu phải là nỗi nhục.
Chỉ nên nhục khi chúng ta để vấn nạn tham nhũng, thói gian dối, ngang nhiên chung sống nhởn nhơ trong xã hội…
Chỉ nên nhục, khi các “nhóm đặc quyền, đặc lợi” hoành hành ngang dọc, mặc quốc gia có nguy cơ tụt hậu với thế giới hiện đại.
Chỉ nên nhục khi văn hóa Việt tuyệt vời là thế, đang bị trở thành “văn hóa chặt, chém, trộm cắp” trong con mắt du khách.
Chỉ nên nhục khi làm những việc thất đức- như mua bán dâm trẻ em nhưng lại cao giọng… đạo đức, vv…và vv..

Quốc phục, hay như Quốc hoa, ở VN ta được bàn tới khá chậm. Ảnh minh họa
Quốc phục, hay như Quốc hoa,
ở VN ta được bàn tới khá chậm.
Lại có câu Y phục xứng kỳ đức. Thế nhưng, khi chưa có được y phục (Quốc phục), thì phát ngôn cũng cần xứng với “mác” kỳ đức, ở đây là của một GSTS có tên tuổi. Kẻo đến lượt người dân cũng kinh ngạc, không hiểu nổi “mác” kỳ đức của ông!
Vừa vặn hay… quá rộng?
Có một sự kiện sắp tới, vô tình cũng lại liên quan đến thành ngữ Y phục xứng kỳ đức mà cha ông tổng kết từ xưa. Đó là chủ trương lấy phiếu tín nhiệm với 49 nhân sự cấp cao, tại Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, khai mạc ngày 20/5 tới đây.
Y phục- chính là lá phiếu tín nhiệm của các đại biểu QH, dành cho kỳ đức của các vị quan chức thuộc đối tượng của chủ trương này.
Sự kiện “may đo” này- lần đầu tiên diễn ra ở cơ quan Lập pháp có quyền lực được gọi là cao nhất nước, lại chưa hề có tiền lệ trong xã hội, chắc chắn gặp không ít khó khăn và thử thách. Tâm lý gần 500 con người, cả người bỏ phiếu, người lấy phiếu đều căng thẳng, cho dù đó là cuộc sinh hoạt dân chủ. Nhất là nó diễn ra trước sự theo dõi sát sao của triệu triệu người dân, những người mà mọi vui buồn, sướng khổ, mọi hạnh phúc hay bất hạnh còn được quyết định bởi …kỳ đức của những người nắm vận mệnh quốc gia.
Thử thách, bởi cho dù đại biểu QH do dân cử, nhưng chất lượng đại biểu QH (chuyên nghiệp, không chuyên nghiệp), và chất lượng sinh hoạt QH vẫn còn là một điều đáng quan tâm. Có những đại biểu còn “nợ dân” bởi lá phiếu bầu. Lần này, họ sẽ bỏ lá phiếu tín nhiệm chính xác, xứng đáng hay ngược lại, tiếp tục… nợ dân?
Thử thách, bởi những báo cáo của các nhân sự cao cấp gửi lên QH cho thấy, sự lúng túng, sự bỡ ngỡ, và do đó- không tránh khỏi hạn chế đến chất lượng của cuộc lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên này. Khi mà có những báo cáo rất sơ sài, chủ yếu mang tính liệt kê thành tích. Lại có những báo cáo, “cái cần không báo, cái báo không cần”.
Thử thách, bởi QH- theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, là một thiết chế chính trị. Đặc tính này cho thấy, QH cũng là nơi hội tụ cao nhất các mối quan hệ chính trị, công vụ và lợi ích chằng chéo, vừa phức tạp, vừa nhạy cảm. Sự bỏ phiếu- lấy phiếu tín nhiệm, vì thế cũng vô cùng khó khăn và tế nhị. Không phải không có lý khi TS Nguyễn Sĩ Dũng nhận xét, để đánh giá chính xác thì cần có tranh luận, điều trần, chất vấn.
Thử thách, bởi đặc tính người Việt là duy cảm, duy tình hơn duy lý, là “dĩ hòa vi quý”, thậm chí cả nể, “an phận thủ thường”. Những đặc tính đó, có thể không gây hại trong một đời sống cộng đồng bình thường. Nhưng sẽ tác hại không nhỏ trong một sinh hoạt dân chủ của QH, trước đòi hỏi kỳ đức phải thật… kỳ đức.
Thử thách, bởi liệu những tiêu cực “ám” vào tính cách của con người chính trị (nếu có) thì giá trị của lá phiếu tín nhiệm sẽ ra sao? Khi mà Chủ tịch nước trong cuộc tiếp công dân ở Đoàn đại biểu QH t/p HCM trước đây từng cảnh báo phải coi chừng hiện tượng “chạy” trong lấy phiếu tín nhiệm! Môn thể thao lợi cho sức khỏe, giờ đây lợi… đủ đường?
Thử thách, bởi tất cả những đặc thù chung và riêng của đời sống xã hội, của cơ quan Lập pháp; và những đặc tính hạn chế của người Việt, trên một nền tảng thiết chế quản lý chưa hoàn thiện, thậm chí còn nhiều khiếm khuyết, liệu có khiến cho sự kiện lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên này, vạn sự như ý ? Hay nguy cơ hòa cả làng theo như lo ngại của đại biểu QH Dương Trung Quốc?
Y phục sẽ vừa vặn hay… quá rộng với kỳ đức?
Hãy đợi đấy!

Kỳ Duyên

Bản gốc của tác giả
(Quê Choa)

“Chi” 20 tỷ đồng để “chạy” án tử hình

 “Chi” gần 20 tỷ đồng để “chạy” án tử hìnhCác đối tượng được đồng bọn “đầu tư” số tiền “khủng” này là hai anh em Phương “ninh hột” và Chung “ninh hột”, trùm lưu manh đất Quảng Ninh, tuy nhiên, tất cả chỉ là trò lừa bịp.
Vụ án ngã ba Lục Chắn
Ngày 10-5, Viện KSND Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố 4 bị can gồm: Mạc Văn Nam (SN 1965), có 1 tiền án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HKTT ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội; Đỗ Thị Phương, tức Phường (SN 1971), vợ của Nguyễn Tiến Chung, tức Chung “ninh hột”; Phạm Trung Du (SN 1952), trú ở phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai; và Phạm Anh Tuấn (SN 1974), HKTT TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Các bị can trên bị truy tố về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Đưa hối lộ”, và “Làm môi giới hối lộ”.
Trước khi tìm hiểu về hành vi phạm tội của 4 đối tượng nêu trên, cần nhớ lại vụ án xảy ra tại ngã ba Lục Chắn, liên quan trực tiếp đến 2 anh em Phương - Chung “ninh hột”. Nguyễn Tiến Phương là Giám đốc Công ty Quang Phát, chuyên xuất khẩu hàng đông lạnh sang Trung Quốc. Chiều 30-5-2009, Phương xuất 3 xe ôtô hàng đông lạnh qua bến Lục Chắn thuộc xã Hải Sơn, TP Móng Cái thì nảy sinh mâu thuẫn với nhân viên của Công ty H.K, doanh nghiệp cũng kinh doanh lĩnh vực này. Biết nhân viên của Công ty H.K có "hàng nóng", Phương bảo đàn em gọi điện thoại cho Chung “ninh hột” lên giải quyết. Lập tức, Chung cùng Vũ Ngọc Tuất, tức Chấn "điên" và một số đàn em khác đã đến khu vực Lục Chắn để gặp nhóm nhân viên của Công ty H.K. Tại đây, Chung đã chỉ đạo các đối tượng đánh, bắn 2 nhân viên của Công ty H.K. Sau đó, các đối tượng tìm cách đưa 2 nạn nhân sang Trung Quốc và thủ tiêu.

Phương “ninh hột” đã bị tuyên án tử hình
Trò lừa “chạy án”

Quá trình điều tra vụ án, cơ quan tố tụng tỉnh Quảng Ninh đã bắt Phương – Chung “ninh hột” và các đối tượng liên quan. Ý thức được sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật, Nguyễn Thị Hằng (em gái Phương, Chung) và Đỗ Thị Phương, tức Phường (vợ Chung) đã tìm cách “chạy án”. Người đầu tiên được các đối tượng tìm đến để “nhờ cậy” là Phạm Trọng Du, khi đó đang là Phó Tổng giám đốc một tập đoàn xây dựng lớn tại Hà Nội. Du đã nhận của Hằng số tiền khoảng hơn 10 tỷ đồng để “lo liệu”. Tuy nhiên về sau, khi biết được hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng của anh em Phương “ninh hột”, Du thoái thác và trả dần tiền cho Hằng.
Mất “mối” Phạm Trọng Du, Đỗ Thị Phương tiếp tục xoay bằng cách thông qua Phạm Anh Tuấn để gặp gỡ Mạc Văn Nam. Không nghề nghiệp nhưng khi gặp Hằng, Tuấn “nổ” đang công tác ở một đơn vị tình báo của quân đội; còn Nam “khoe” đang làm tại Bộ Tư pháp, văn phòng thường trú phía Nam, có nhiều quen biết với các quan chức. Do tin tưởng Tuấn, Nam, Đỗ Thị Phương đã đưa cho Tuấn 3 lần với tổng số tiền là 350.000 USD. Ngoài ra, Phương và Hằng còn chuyển cho Tuấn khoảng 500 triệu đồng để làm lộ phí đi lại.
Ngày 26-8-2010, TAND tỉnh Quảng Ninh đưa vụ án ngã ba Lục Chắn ra xét xử sơ thẩm, tuyên phạt 2 anh em Nguyễn Tiến Phương, Nguyễn Tiến Chung mức án tử hình. Biết gặp phải những kẻ lừa đảo, Hằng và Phương đã nhờ một nhóm côn đồ tiến hành bắt giữ Phạm Anh Tuấn để đòi tiền. Sau khi giải cứu được Phạm Anh Tuấn, CQĐT biết được hành vi “chạy án” của Hằng và Phương. Lúc này, đối tượng Hằng đã nhanh chân bỏ trốn, còn Đỗ Thị Phương bị bắt và bị TAND quận Long Biên tuyên phạt tù về tội bắt giữ người trái pháp luật.
Ngày 4-7-2011, Mạc Văn Nam bị bắt theo lệnh truy nã tại TP Hồ Chí Minh. Cơ quan tố tụng xác định hành vi của Mạc Văn Nam có đủ yếu tố cấu thành tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Đối với Phạm Anh Tuấn, tuy là bị hại trong vụ án "bắt giữ người trái pháp luật" nhưng trong vụ án “chạy án” cho Phương – Chung “ninh hột”, hành vi của anh ta đã cấu thành tội "Làm môi giới hối lộ". Bên cạnh đó, cơ quan tố tụng cũng đã xác định hành vi của Đỗ Thị Phương, tức Phường và Nguyễn Thị Hằng đủ yếu tố cấu thành tội "Đưa hối lộ". Đối tượng Hằng đang bỏ trốn, và đang bị CQĐT tổ chức xác minh, truy bắt.
Về “số phận” của anh em Phương “ninh hột”, ngày 27-7-2012, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao đã xét xử và tuyên: Nguyễn Tiến Phương tử hình, Nguyễn Tiến Chung chung thân. Mức án này được đánh giá tương xứng với hành vi coi thường sinh mạng người khác, coi thường pháp luật của Nguyễn Tiến Phương, Nguyễn Tiến Chung và đồng bọn.

Minh Hà
(ANTĐ) 

Cuộc chiến cho quyền tự do báo chí đang diễn ra cam go ở Việt Nam

Năm 1988, tiến sĩ Hà Sĩ Phu viết khảo luận “Dắt taynhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ” được bạn bè phổ biến ra dưới dạng bản photocpy rồi chuyền tay nhau đọc. Bài biên khảo của ông vạch ra những điểm sai trái trong lý luận của chủ nghĩa Mác Lenin đã đón nhận sự đồng tình của giới học thuật và gây ra tiếng vang lớn trong dư luận thời ấy. Ngay sau đó, Ông bị nhà cầm quyền chẳng những đã huy động báo chí và một đội ngũ lý luận đông đảo để công kích các bài viết của ông hơn một năm trời, mà còn bỏ tù Ông. Rồi sau khi ra tù, ông còn bị quản chế và bị bao vây canh giữ bao nhiêu năm nay. Lệnh quản chế của ông đã hết hiệu lực từ năm 2003 nhưng ông vẫn không được giải chế và cho đến tận bây giờ ai ra vào thăm ông đều bị an ninh theo dõi và tìm cách gây phiền hà.
Ba blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải hợp với nhau thành Câu lạc bộ Nhà Báo Tự Do viết bài trên blog chống hành vi xâm lấn biển và ức hiếp ngư dân VN của nhà cầm quyền Bắc Kinh, giúp đỡ dân oan và người cô thế, phê phán các hành vi vi phạm pháp luật của nhân viên công quyền…liền bị bắt giam và kết án nhiều năm tù.
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh
Nhà báo Phạm Chí Dũng đồng thời là cán bộ của văn phòng thành ủy TP HCM, từ năm 2011 đã viết nhiều bài báo xuất sắc phân tích tình hình kinh tế chính trị xã hội đăng trên các trang web trong và ngoài nước được dư luận đánh giá cao. Cuối năm 2012 ông bị bắt giam với cáo buộc tuyên truyền chống phá nhà nước và cung cấp tài liệu phản động cho báo chí nước ngoài. Mới đây ông đã được tại ngoại và sau đó được đình chỉ điều tra vì không tìm ra các bằng chứng chống lại ông.
Sinh viên Nguyễn Phương Uyên không viết blog, em chỉ viết những câu ngắn biểu lộ tình cảm của em trước hành vi xâm lấn biển đảo VN của nhà cầm quyền Trung cộng trên các tờ giấy rồi mang đi phổ biến liền bị an ninh bắt cóc, tống giam trái phép nhiều ngày. Trước đòi hỏi của gia đình và của dư luận, công an tỉnh Long An mới tổ chức họp báo thông báo rằng em bị bắt vì liên quan đến việc rãi truyền đơn chống chế độ. Đến nay sv Nguyễn Phương Uyên vẫn còn bị giam giữ để chịu sự điều tra xét hỏi.
Đó là ba trong nhiều trường hợp công dân, nhà báo, blgger VN bị đàn áp vì tìm cách nói lên chính kiến và tình cảm của mình một cách ôn hòa trong vòng 10 năm trở lại đây khi mà những ý kiến đó không được đăng tải trên bất kỳ tờ báo nào vì toàn bộ các cơ quan truyền thông đều thuộc nhà nước và bị kiểm soát chặt chẽ bởi đảng cầm quyền.
Theo thống kê, đến nay có khoảng 700 cơ quan báo đài được phép hoạt động ở VN, hầu hết đều là của các cơ quan đảng CSVN, cơ quan nhà nước và các hội đoàn quần chúng của đảng cầm quyền. Đứng đầu các cơ quan nầy là những đảng viên tin cẩn và hàng tuần phải dự họp để nhận những chỉ đạo trực tiếp từ cơ quan tư tưởng đầu não của đảng.
Tiếng nói của người dân không đúng với đường lối của đảng CSVN thì không bao giờ được đăng tải trên những ấn phẩm của các cơ quan báo đài nầy.
Tự do ngôn luận của người dân hầu như bị triệt tiêu vào thời điểm internet chưa xuất hiện ở VN.
Sau khi Internet được phổ biến và trong vòng 10 năm trở lại đây, khi các trang web và blog ra đời, tự do ngôn luận của người dân dần được cải thiện. Những tiếng nói phản biện xuất hiện ngày càng nhiều cùng với giới blogger. Có nhiều trang blog uy tín có trên 100.000 lượt người vào đọc mỗi ngày, có thể kể ra đây như: Osin, Ba Sàm, Quê choa, Bauxite Việt Nam, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Tường Thụy, Người Buôn Gió, Phạm Viết Đào, Trương Duy Nhất…Những trang blog nầy cùng hàng chục trang khác như Tô Hải, Thùy Linh, Đoan Trang, Mai Xuân Dũng, Giang Nam Lãng Tử, Bùi Thị Minh Hằng, Lê Hiền Đức, JB Nguyễn Hữu Vinh, Bùi Văn Bồng, Xuân Việt Nam, Hoàng Xuân Phú, Nguyễn Đức Kiên, Bà Đầm Xòe, Đào Tuấn, Nguyễn Thông, Mạnh Quân, Nhật Tuấn, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Hồng Sơn…đã tạo nên một hệ thống báo chí đa dạng, tồn tại song song bên cạnh hệ thống báo chí của đảng cầm quyền, được người dân yêu quý gọi là “báo lề dân”.
Tuy nhiên hệ thống “báo lề dân” nầy xuất hiện không bao lâu đã phải đối đầu với những thách thức. Một số chủ blog bị gây khó dễ, bị mời làm việc, bị côn đồ hành hung quậy phá. Một số blog phải đóng cửa, một số blog khác bị ngăn chặn tường lửa, bị hacker đánh phá liên tục.
Quyền tự do ngôn luận mà người dân vượt qua sợ hãi, vượt qua các thách thức để vươn tới đang bị ngăn chặn quyết liệt.
Tuy nhiên không vì thế mà tiếng nói của người dân bị dập tắt. Bị chặn tường lửa thì giúp nhau tìm cách vượt tường lửa, trang nầy bị hack thì chủ blog lập ngay trang khác, blogger nầy bị đàn áp thì có ngay những blogger khác lên tiếng bênh vực, blogger nầy bị bắt liền xuất hiện hàng loạt blogger khác mạnh mẽ hơn. Ngay cả những người bị bắt bớ, bị bỏ tù thì sau khi ra tù họ lại tiếp tục chiến đấu bền bỉ và quyết liệt hơn. Bùi Hằng, Hà Sĩ Phu, Phạm Chí Dũng…đã viết nhiều bài báo mạnh mẽ và sâu sắc hơn sau khi đã ra khỏi nhà giam.
Cuộc chiến cho quyền tự do báo chí và những quyền con người khác đang tiếp tục diễn ra trong cam go.

Huỳnh Ngọc Chênh
(Blog Huỳnh Ngọc Chênh) 

Tổng giám đốc RFA phát biểu tại Lễ kỷ niệm ngày nhân quyền VN

Bà Libby Liu, tổng giám đốc đài Á Châu Tự Do có bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm ngày nhân quyền Việt Nam 11/5 được tổ chức ở Washington DC hôm 9 tháng 5 năm 2013:

20130509_130707-250.jpg
Bà Libby Liu, tổng GĐ đài Á Châu Tự Do
Trước hết, xin cảm ơn Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân đã tổ chức sự kiện ngày hôm nay và cũng xin cảm ơn cộng đồng Việt Nam ở đây cũng như trên toàn nước Mỹ.
Tôi rất vinh dự được có mặt tại đây, tham dự ngày nhân quyền Việt Nam. Nhưng tôi cũng rất buồn trước tình hình nhân quyền tại Việt Nam vào lúc này.
Một nhóm các phóng viên và nhân viên của đài Á Châu Tự do vừa mới trở về từ Việt Nam. Họ đã gặp và trao đổi với nhiều người về những vi phạm quyền tự do trên nhiều mặt mà người Việt Nam đang phải đối mặt hàng ngày, từ quyền sở hữu đất đai, tự do tôn giáo đến nạn buôn người và nô lệ.
Nhưng nếu không có tự do báo chí, sẽ chỉ có một vài kênh nơi các thông tin về những vi phạm này có thể được truyền tới công chúng (chủ yếu là qua internet và truyền thông xã hội).
[¼ người dân đã sử dụng web vào tuần trước. Trang Google.vn là mạng xã hội hàng đầu với hơn 60% người sử dụng.]
Chính phủ Việt Nam biết rất rõ điều này.
Nhưng điều này vẫn làm họ lo sợ, khiến họ phải tìm cách đàn áp các bloggers và những người bất đồng chính kiến trên mạng.
Điều này cũng khiến chính phủ phải sử dụng các phần mềm kiểm duyệt, do thám và giám sát trên internet, tạo ra các hạn chế chính thức đối với việc sử dụng web, và bắt các chủ quán café internet phải báo cáo về những trường hợp mà họ gọi là ‘lạm dụng internet’.
Họ cũng tiến hành các phiên tòa giả dối để đưa ra những bản án, bỏ tù các blogger nhiều năm.
( Không có gì đáng ngạc nhiên khi Việt Nam là một trong những môi trường tệ hại nhất về báo chí, với 32 cư dân mạng và blogger hiện đang bị cầm tù, RSF đã xếp Việt Nam vào vị trí 172 trong tổng số 179 nước trong một điều tra mới đây về tự do báo chí. Điều này khiến Việt Nam trở thành một trong những kẻ thù internet tệ hại nhất trên thế giới.)
Nhưng hãy để tôi nói với quý vị điều này, Đài Á Châu Tự do luôn có mặt bất cứ khi nào xảy những vụ bắt giữ, án tù nặng nề, trừng phạt khắc nghiệt và những đe dọa.
Không phải chỉ để kể câu chuyện của họ, câu chuyện của những người bị truy bức, những người hiểu được những nguy hiểm của việc đưa thông tin (điều mà chúng tôi đang làm), mà còn để sử dụng các thông tin trong câu chuyện của họ, các hình ảnh, video, thường là cho những tin lớn nhất của chúng tôi.
Nó bao gồm:
Việc bắt giữ các luật sư nhân quyền, và các nhà hoạt động về quyền con người
Sự vi phạm quyền đất đai đối với nhà thờ
Sách nhiễu các lãnh đạo tôn giáo và những người theo đạo
Tịch thu đất đai của nông dân
Nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em và tất nhiên
Cả những vụ đàn áp tự do ngôn luận, và bất đồng chính kiến, đặc biệt là trên mạng.
Là một cơ quan thông tin hoạt động tại một trong những môi trường báo chí khắc nghiệt nhất thế giới, các phóng viên của chúng tôi trong ban Việt ngữ được truyền cảm hứng từ sự dũng cảm của mình.
Chúng tôi cũng làm việc với những chuyên gia lập trình để cải thiện và tạo ra các công cụ để tránh bị kiểm duyệt và bị giám sát trên mạng để người dân Việt Nam có thể trao đổi thông tin với nhau an toàn hơn và tham gia vào tự do ngôn luận.
(Thêm một điều nữa)
Đội ngũ này cũng sẽ có một bản báo cáo về kết quả chuyến đi tìm hiểu tại Việt Nam và nó sẽ bao gồm tình hình internet và viễn thông.
Những kết quả này cho thấy có những cơ hội lớn. Hãy để tôi chia sẻ với quý vị một số điểm đáng chú ý sau:
"Người Việt Nam đã sáng tạo trong việc tiếp cận những gì họ muốn trên mạng. Các nỗ lực kiểm duyệt trên mạng của chính phủ đã không thành công.
Chi phí cho điện thoại di động thấp và tạo ra sự tiếp nhận nhanh chóng nhưng những thiết bị đó đồng thời cũng được sử dụng để giám sát
Đảng cộng sản đang tìm cách để cân bằng giữa mong muốn phát triển công nghệ thông tin trong khi cố gắng duy trì sự kiểm soát chặt chẽ những gì mà người dân có thể tiếp cận trên mạng."
Chúng tôi đã gặp một đất nước có sự tiếp cận internet và các chương trình truy cập rất ấn tượng, và một cơ sở hạ tầng phát triển. Hơn 1/3 dân số Việt Nam được xác định là những người sử dụng internet, mặc dù internet chỉ đến Việt Nam khá gần đây, vào năm 1997
Truyền thông xã hội là một công cụ tổ chức quan trọng cho những nhà hoạt động và những người bất đồng chính kiến, để kết nối họ với nhau và với thế giới sử dụng các trang như Facebook. Họ sử dụng các công nghệ này như một chất xúc tác then chốt để phát triển phong trào dân chủ cho người Việt Nam.
Các nhà hoạt động mà chúng tôi gặp nói rằng họ hiểu rằng sự giám sát của chính phủ là những đe dọa thực sự đối với phong trào của họ và với bản thân họ. Nhưng nỗi sợ này không làm họ chùn bước. HỌ tiếp tục sử dụng sức mạnh công nghệ để tập trung sự ủng hộ, đưa tin tại chỗ và tổ chức ở địa phương, tầm quốc gia và thế giới.
Trong khi chúng tôi có mặt ở đó, một cuộc tập họp ôn hòa đã diễn ra ở nhiều thành phố, do các nhà hoạt động tổ chức để thu hút sự chú ý vào những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Những cuộc tập chung ôn hòa này đã dẫn đến việc bắt bớ các nhà hoạt động ở Sài Gòn. Khi gia đình và bạn bè gặp nhau ở đồn công an, đòi trả tự do cho các nhà hoạt động, họ đã bị đối xử bằng vũ lực. Công an côn đồ đánh họ và một em gái của một trong những nhà hoạt động bị bắt giữ đã bị mất 3 chiếc răng. Nhưng thay vì lui bước, phản ứng đầu tiên của các nạn nhân và cộng đồng ủng hộ lại là đưa thông tin của sự kiện lên mạng, lên Facebook và các nơi khác … để lan truyền câu chuyện có thực về bạo lực và đe dọa. Tinh thần chiến đấu và kháng cự dũng cảm đã truyền cảm hứng cho chúng tôi ở Đài Á Châu tự do mỗi ngày để cầm lên biểu ngữ và lan truyền sự thật trong đoàn kết với những người có mặt tại đó.
Xin cảm ơn quý vị.
RFA 09.05.2013
2013-05-09 

Lại chuyện ứng xử với di sản

Chuyện hàng loạt di sản quốc gia kêu cứu đang trở lại một lần nữa, từ chùa Diên Hựu (Một cột) dột nát cần phải được sửa chữa, trùng tu cho đến người dân làng cổ Đường Lâm trong cảnh nhà cửa xuống cấp mà không được sửa.
Trước đó, tất cả mọi người như “nín thở” theo dõi việc Mỹ Sơn bị phá nát bởi những nhà đầu tư để rồi thở phào khi chính quyền vội vã can thiệp. Nhưng số phận của Mỹ Sơn và cả những di sản văn hoá Việt sẽ ra sao nếu cứ để cho những chiếc máy khoan, máy ủi kia đụng vào rồi mới vội vã lấp liếm vì sợ dư luận? Liệu cuộc rượt đuổi mang tính “ăn xổi ở thì” này sẽ đi đến đâu? Người viết từng đến Bagan, một xứ sở còn giữ nguyên hàng ngàn tháp cổ của Myanmar. Chưa thấy thì thôi, nhưng khi đã nhìn thấy tận mắt người dân của một đất nước khác gìn giữ văn hoá cổ bằng sự trân trọng, thậm chí là tôn kính, thì giờ đây, mỗi ngày nghe một tiếng kêu than từ những di sản văn hoá của người Việt, lại quặn lên nỗi đau về một tương lai không còn văn hoá truyền thống bởi bằng cách này hay cách khác, chúng ta đang dần tự huỷ diệt nó bằng lòng tham và sự thiếu hiểu biết.
Tượng Phật chùa Một cột đội nón, mặc áo mưa những hôm mưa lớn. Ảnh: VTC News
Trở lại với những di sản mới nhắc đến, khoan nói đến quyền con người hay luật lệ, mà đi thẳng vào vấn đề chúng ta đã từng tranh cãi về việc “ứng xử với di sản”. Chúng ta đã làm gì với di sản? Các nhà khoa học nghiên cứu văn hoá, lịch sử được tôn trọng đến đâu? Những người phụ trách chăm nom di sản ấy trình độ ra sao? Các cơ quan hữu trách quản lý di sản đã thể hiện vai trò, trách nhiệm và cả sự hiểu biết di sản như thế nào? Thậm chí người ta còn lợi dụng di sản quốc gia để tham nhũng…
Qua hai sự việc chùa Trăm gian trước đây và chùa Một cột hiện nay, chúng ta thấy có vài vấn đề: các cơ quan văn hoá và bảo vệ di sản luôn phản ứng chậm với sự xuống cấp hàng ngày của các di tích vốn phân tán trong các địa phương, lại càng chậm hơn nữa nếu muốn có kinh phi sửa chữa. Với cơ chế hành chính hiện nay, việc này muốn thành hiện thực phải mất hàng năm trời. Những nhà tu hành có thể huy động vốn xã hội để tự bảo quản trùng tu, nhưng với quan niệm thẩm mỹ thiếu chuyên môn và những phường thợ hiện nay, khó mà làm tốt cho một di tích cổ xưa. Vậy thì tại sao không chuyển vốn xã hội ấy cho các cơ quan trùng tu bảo quản của Nhà nước để huy động các nhà chuyên môn trùng tu theo tinh thần văn hoá cổ? Vốn xã hội hoàn toàn của tư nhân, mà bằng uy tín tôn giáo những nhà tu hành quyên góp được, dù không hề có cơ quan giám sát kiểm tra nào, nó vẫn được chi tiêu chính xác, không thất thoát và thường đúng người đúng việc. Những người có vốn xã hội không hề muốn giao vốn này cho cơ quan văn hoá trùng tu khi không có lòng tin nào vào một cơ chế hành chính không hiệu quả và rất thích phong bì.
Kinh nghiệm mà chúng tôi thấy có thể làm tốt, và đã từng làm, là các nhà tu hành nên nhờ một nhà chuyên môn có uy tín chủ trì việc trùng tu và họ cùng với nhà chuyên môn hoàn toàn có thể xin giấy phép từ các cơ quan văn hoá địa phương và cục Di sản. Nhà chuyên môn sẽ chịu trách nhiệm về nội dung công trình cho đến khi hoàn thành, còn các nhà tu hành và nhà hảo tâm vẫn kiểm soát vốn.
Phan Cẩm Thượng
(SGTT)
 

Đỗ Trường - Tổ Quốc nhìn từ hai bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm và Trần Mạnh Hảo

Trải qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, máu và nước mắt của Tổ Quốc (Nhân dân) chưa bao giờ ngừng rơi. Năm 1989, khi nhìn bức tường Berlin sụp đổ, nghĩ về Tổ Quốc, nước mắt những người con xa xứ chúng tôi lại thấm đẫm nơi mình đang đứng. Chiến tranh và nỗi đau Nam - Bắc còn đó. Đất nước liền một dải, nhưng con sông Gianh vẫn còn chia cắt lòng người. Và nơi phía Nam đất mẹ, giặc Tầu - Polpot tàn phá, nơi phía Bắc, giặc Trung Quốc vẫn còn tràn sang. Và bài Trường Ca Tổ Quốc quặn thắt trong tôi chợt bật ra “... Chúng con lớn lên cùng bom đạn/ Đôi vai gầy của mẹ quẩy hai đầu chiến tranh...”.
Ải Nam Quan đã mất, giặc Tầu chiếm Hoàng Sa và đang nuốt Trường Sa. Nếu ví đất nước là một con tầu, đường đi ra biển đã bị cắt. Những Bauxite, PMU18, Vinashin… thu hồi, cưỡng chế đất đai và dân oan tràn về Hà Nội, Sài Gòn như khối ung nhọt đang chọc thủng thân tầu. Bão và giông tố che kín cả bầu trời. Tìm một tin lành trên báo mà khó hơn tìm nước trên sa mạc. Buồn đến nỗi một ông nguyên ủy viên bộ chính trị, nghiêng ngả một thời quyền lực, cũng phải bật dậy, hút thuốc vặt mà run mà hãi: Ai nắm vận mệnh của chúng ta/ Trong không gian đầy sợ hãi? Vâng! Đất nước có những năm tháng thật buồn, thật đáng sợ, để Trần Mạnh Hảo từng là người lính chiến, bảo vệ chế độ, giờ này phải ngồi bệt dưới đất, réo lên: Đất nước bị cầm tù trong ngực trái/ Chưa kịp nghĩ một điều gì/ Sao đã toát mồ hôi? Có nơi nào buồn hơn đất nước tôi?

Ai nắm vận mệnh của chúng ta
Trong không gian đầy sợ hãi?
Dù chênh nhau về tuổi tác, nhưng có thể nói, Nguyễn Khoa Điềm và Trần Mạnh Hảo (hai nhà thơ tài năng) cùng một thế hệ nằm rừng, góp phần không nhỏ làm nên chiến thắng trong cuộc chiến tương tàn vừa qua. Sau chiến tranh, Nguyễn Khoa Điềm không ngại chặt chém, khơi thông quan lộ, thẳng bước tiến lên đỉnh cao chót vót quyền lực. Trần Mạnh Hảo chợt nhận ra sai lầm và đất nước đang đi dần vào ngõ cụt. Cùng với cuốn Ly Thân, ông đã ly dị đảng, xổ toẹt Mác. Trên đầu ông chỉ còn Tổ Quốc và nhân dân. Ông trần trụi ngồi bệt xuống, hét lên bằng thơ, bằng văn, bằng cả tâm lực của mình trong đêm trường u ám.
Trong tháng tư này, khi chính quyền đang hừng hực chào mừng ngày đại thắng, ta bắt gặp hai bài thơ nối (đuôi) nhau của hai người hoàn cảnh, địa vị đối nghịch nhau, nhưng dòng chảy lời thơ hợp nhau đến lạ lùng. Nói là vậy, nhưng với tôi giờ này, khi ngồi viết, nó hoàn toàn không còn là thơ. Mà nó là lời tự sự, tiếng than xé lòng, cất lên từ trái tim của hai người nghệ sỹ. Nên khi đọc, trước mắt và trong đầu tôi chỉ có cái thật, cái đắng và cay ở trong đó. Nếu như “Đất Nước Những Tháng Năm Thật Buồn” của Nguyễn Khoa Điềm là phần mở bài, thì bài “Đất Nước Có Bao Giờ Buồn Thế Này Chăng?” của Trần Mạnh Hảo là thân bài, điểm mặt chỉ tên và thay cho lời kết:
Đất nước những năm thật buồn
Nửa đêm ngồi dậy hút thuốc vặt
Lần mò trên trang mạng tìm một tin lành
Như kẻ khát nước qua sa mạc
Chung quanh yên ắng cả
Ngoài đường nhựa vắng tiếng xe lại qua
Người giàu, người nghèo đều ngủ
Cả bầy ve vừa lột xác
Sao mình thức?
Sao mình mải mê đeo đuổi một ngày mai tốt lành?
Bây giờ lá cờ trên Cột cờ Đại Nội
Có còn bay trong đêm
Sớm mai còn giữ được màu đỏ?
Bây giờ con cá hanh còn bơi trên sông vắng
Mong gặp một con cá hanh khác?
Bao giờ buổi sáng, buổi chiều nhìn ra đường
Thấy mọi người nhẹ nhàng, vui tươi
Ấm áp ly cà phê sớm
Các bà các cô khỏe mạnh yêu đời
Hớn hở tập thể dục
Bao giờ giọt nước mắt chảy xuống má
Không phải gạt vội vì xấu hổ
Ngước mắt, tin yêu mọi người
Ai sẽ nắm vận mệnh chúng ta
Trong không gian đầy sợ hãi?
Những cây thông trên núi Ngự Bình thấp thoáng ngọn nến xanh
Đời đời an ủi
Cho người đã khuất và người sống hôm nay … ”
(NKĐ)
Đêm trường ma giáo mặt trời đỏ
Những dòng sông là đất nước thở dài
Chó sủa trăng nhà ai?
Không phải vầng trăng đất nước
Tôi ngồi ngót bảy mươi năm
Chờ một lời nói thật
Bầy sói tru ý thức hệ lang băm
Người nông dân bị cướp đất phải hát bài dân chủ
Đêm đêm thạch sùng tắc lưỡi bỏ đi
Đất nước đang treo trên sợi chỉ mành
Sợi chỉ mành 16 chữ vàng và dối lừa 4 tốt
Có kẻ rước giặc lên bàn thờ
Xì sụp lạy khấn tàn nhang chủ nghĩa
Những giáo điều làm cơm nguội bơ vơ
Xin cứ tự do bán lương tâm cho chó
Vãi linh hồn vào thùng rác nhân dân
Mối mọt ăn rào rào lòng rường cột
Ôi thương thay giẻ rách cũng tâm thần
Anh sẩm bạc đầu dẫn đường dân tộc
Đám gà què bàn hiến pháp cối xay
Đất nước có bao giờ buồn như hôm nay
Những thiên đường vỡ chợ
Những học thuyết đứng đường
Hoàn lương tượng đài
Hoàn lương chân lý
Nghị quyết còn trinh bạch cũng hoàn lương
Không ai đuổi cũng giật mình bỏ chạy
Nhốt hết mây trời vào hiến pháp tự do
Mơ được đứng bên lề đường
Nói một câu gan ruột
Đất nước buồn
Đất nước bị ruồi bu
Đất nước bị cầm tù trong ngực trái
Chưa kịp nghĩ một điều gì
Sao đã toát mồ hôi?
Có nơi nào buồn hơn đất nước tôi?
Lý tưởng của loài dơi là muỗi
Dơi bay đêm cho đất nước đỡ buồn
Không ai tin vào hoa hồng nữa
Không ai tin vào dơi nữa
Dơi trở về làm chuột khoét quê hương
” (TMH)
Sống ở nước ngoài đã gần ba mươi năm và tôi cũng ít có điều kiện về thăm quê. Nên tin tức về quê nhà với tôi dường như rất mơ hồ, có chăng qua sách báo mà thôi. Nên khi đọc những thông điệp của nguyên đại quan Nguyễn Khoa Điềm, tôi giật mình kinh hãi, không dám tin đó là sự thật. Có khi bọn phản động đội lốt bác Điềm nói xấu chế độ tươi đẹp của ta không biết chừng, cần cảnh giác. Kiểm chứng lại các báo của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà văn Nguyễn Quang Lập… đều thấy đúng là bác đại quan Điềm. Hay ông Tạo, ông Lập cũng bị diễn biến, dao động tư tưởng?
Không chịu được, nửa đêm, tôi vực Trần Mạnh Hảo dậy. Đầu dây bên kia nghe giọng bác nhừa nhựa, ngái ngủ. Tôi hỏi luôn, cùng quê với nhau, xin quan bác nói thật, bài thơ “Đất Nước Những Năm Tháng Thật Buồn” có chính xác của cựu đại quan Nguyễn Khoa Điềm không? Nghe đích thị là giọng tôi, bác quát lại trong máy, chú có bị chập, bị điên không đấy! Có cho uống mật gấu, cũng không thằng nào dám giả danh ông Điềm. Họ gô cổ lại ngay lập tức….
Lại hôm rồi, có vợ chồng ông bạn từ Thụy Điển sang chơi. Bữa tối, tôi và hắn còn ngồi khật khừ bia rượu. Hai bà vợ ăn xong, bật tivi của quê hương, đúng lúc người đẹp Kiều Trinh tươi rói đang diễn thuyết. Tắt… tắt ngay, hắn quát, làm tôi giật mình, đổ cả cốc rượu. Kẻ trộm cắp chuyên nghiệp, lại rao giảng văn hóa đạo đức, thế này đất nước đến lúc mạt là phải. Tôi ngớ người hỏi lại, nghĩa là thế nào?
Ngày 11 tháng 2 năm 2001, Kiều Trinh bị cảnh sát thành phố Kalmar, Thụy Điển bắt giam một tuần vì tội ăn trộm. Nhờ có bố là quan to, bằng con đường ngoại giao, nên Kiều Trinh đã được thả, về nước vẫn được dẫn chương trình cho nhà đài. Nhưng ảnh của Kiều Trinh được dán cảnh cáo khắp các siêu thị trong thành phố và để mọi người cảnh giác. Năm 2006 khi sang Anh, Kiều Trinh lại bị bắt quả tang ăn cắp trong siêu thị, rồi lại được thả, về Việt Nam nghe đâu lại còn được thăng quan tiến chức.
Nói một hơi, rồi hắn bảo, nhà cũng có kênh truyền hình của Việt Nam, nhưng ít dám mở, sợ mấy ông hàng xóm người bản xứ hay sang chơi, bắt gặp Kiều Trinh, nhục lắm.
Ôi! Đất nước tôi. Chỉ mong đây là câu chuyện tào lao chè chén vỉa hè. Tivi, truyền hình là bộ mặt của một thể chế quốc gia, lại nhem nhuốc thế này, thì đằng sau nó còn bẩn thỉu biết nhường nào. Tôi tin cái đau của bác Điềm, bác Hảo.
Vậy là tôi đã hiểu, sao hai con cá hanh của bác Điềm, chúng chẳng bao giờ gặp nhau được nữa. Con được bảo kê phá rừng, cướp đất, trốn thuế, nó đang hưởng lạc xa hoa kệch cỡm của những kẻ trọc phú. Con thì đã thắt cổ tự tử, để con của nó may ra có cơ hội đến trường vì túng thiếu, bệnh tật.
Sự dối trá, lưu manh đểu cáng ấy, như những ngọn roi quất vào tấm thân gầy của mẹ, để bầy con nháo nhác lạc đàn. Bảy mươi năm trường, không chỉ Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Khoa Điềm chờ, mà cả dân tộc chờ một lời nói thât. Nhưng những Văn Giang, Tiên Lãng, Cồn Dầu… vẫn hộc lên những tiếng rên xiết ngút trời:
Tôi ngồi ngót bảy mươi năm
Chờ một lời nói thật
Bầy sói tru ý thức hệ lang băm
Người nông dân bị cướp đất phải hát bài dân chủ
Đêm đêm thạch sùng tắc lưỡi bỏ đi
” (TMH)
Bao giờ giọt nước mắt chảy xuống má
Không phải gạt vội vì xấu hổ
Ngước mắt, tin yêu mọi người
” (NKĐ)
Viết đến đây, tôi chỉ còn thấy trước mặt mình, một Cù Huy Hà Vũ và những kẻ bán đất phá rừng đang ngồi ghế quan tòa, phải cúi mặt luận tội, người giữ đất, giữ rừng, giữ cả hồn dân tộc. Những học thuyết đứng đường, những con sâu béo trục béo tròn ấy, đã phá tan đất nước, mọi quan hệ xã hội, xóm làng, gia đình dòng họ đang được cân đo đong đếm bằng tiền bạc. Và chúng đang xẻo, bán dần từng miếng thịt trên lưng gầy của mẹ. Để sớm mai này còn có được gọi tên? Rồi đêm đêm về, Nguyễn Khoa Điềm, Trần Mạnh Hảo, lại viết cho anh nơi ngục tối tù đày đó:
Bây giờ lá cờ trên Cột cờ Đại Nội
Có còn bay trong đêm
Sớm mai còn giữ được màu đỏ?
Đất nước đang treo trên sợi chỉ mành
Sợi chỉ mành 16 chữ vàng và dối lừa 4 tốt
Có kẻ rước giặc lên bàn thờ
Xì sụp lạy khấn tàn nhang chủ nghĩa
Những giáo điều làm cơm nguội bơ vơ
Một bầy sâu đang tàn phá đất nước, như lời một ông đại quan đã nói. Không biết đó là những sâu to, sâu bé, sâu càng hay sâu róm, nhưng đất nước tôi đang nở ra những phong trào, đại dịch, quan lớn nuốt to, quan bé nuốt nhỏ. Cứ ông nào dính cán bộ, không còn riêng nữa, mà kéo theo cả gia đình, dòng họ đều giầu có, hống hách ngang tàng. Ăn cắp, ăn cướp đục khoét, hối lộ đã được tôn lên một cách trơ trẽn văn hóa phong bì, văn hóa quốc gia. Những mua danh bán tước, những bè cánh lợi ích, gia đình trị được che đậy bởi những mỹ từ, hạt giống đỏ, truyền thống cách mạng. Vậy là, lòng tự trọng, dây thần kinh xấu hổ đã hoàn toàn bị đứt.
Và nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đau xót tự hỏi: Ai sẽ nắm vận mệnh của chúng ta? Vâng! Chính bầy sâu ấy đang nắm vận mệnh của chúng ta, và chúng đang khiêng nước Việt đi chôn.
Leipzig ngày 10-5-2013
Đỗ Trường
(Dân luận)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét