Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

Lượm tin ngày 18/7/2012

  • Trung Quốc sẽ cho tàu lặn thám hiểm đáy biển Ðông (AFP) – Một tàu lặn thám hiểm của Trung Quốc, vừa đạt kỷ lục lặn sâu nhất tháng qua, sẽ thám hiểm đáy biển Ðông trong năm tới, theo nguồn tin truyền thông nhà nước, giữa khi Bắc Kinh tìm cách khẳng định chủ quyền của họ ở toàn vùng biển giàu có tài nguyên thiên nhiên này.
  • Bà Suu Kyi sang Mỹ nhận giải thưởng (AP) – Lãnh tụ đối lập Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, cho hay sẽ sang Washington, D.C., vào Tháng Chín năm nay để nhận giải thưởng từ một cơ quan nghiên cứu Mỹ.
  • Tâm tình cùng Đại sứ  (Nguyễn Tiến Nam) – Tối chủ nhật tôi nhận được điện từ Lãnh sự: – Đại sứ muốn gặp trực tiếp anh. – Vâng. – Vậy mai 10h anh có thể đến được Đại sứ quán….
  • Con trai Điếu Cày kể chuyện thăm cha (X-cafe) – Và tôi phải cập nhật những gì mới cho ông. Ông hoàn toàn mù thông tin. Và ở trong trại giam này, tôi được bố tôi nói rằng rất là thiếu ánh sáng. Trong phòng chỉ có một ô cửa nhỏ thôi. Và sử dụng hai bóng đèn rất là yếu.
  • Giết một mạng người 4 năm tù giam (Nguyễn Thị Thanh Tuyền) – Qua vụ án của chú Tùng tôi đã nhìn rõ được bản chất pháp luật Việt Nam, nên tôi đã hiểu tại sao VKSND tối cao điều tra công an Bình Dương đánh chết Anh Nhựt ngay đồn công an mà điều tra hơn một năm không giám đưa ra kết quả điều tra. Bởi vì pháp luật là vỏ bọc để họ có thể làm sai theo qui định pháp luật mà không chịu trách nhiệm trước pháp luật
  • “Cấm đái bậy” (Alan Phan) – “Khi bỏ tù những tên đái bậy trên đất đai đường phố, người dân sẽ hiểu là các bác cũng sẵn sàng bỏ tù những tên đái bậy trên nền kinh tế và tài chính xứ này”.
  • Tại Số 1 Ngô Thì Nhậm, chiếc quạt cuối cùng đã chết (Quang Huy) – “Tại phòng chờ của trụ sở tiếp dân số 1 Ngô Thì Nhậm, tuần trước chúng tôi đến thấy 1 chiếc quạt trần còn hoạt động và đến bây giờ thì không có 1 chiếc quạt nào còn hoạt động cả.  Cán bộ thì ngồi máy lạnh, bà con đi khiếu kiện khổ sở, phải tự quạt như thế này. Cán bộ bây giờ ngồi máy lạnh nhiều, máu lạnh nốt rồi…”
  • ÔNG CHỦ VÀ ĐẦY TỚ (Thái Bá Tân) – “Lạ thật, sao thế nhỉ,/ Cái gì cũng Nhân Dân./ Công An rồi Quân Đội,/ Rồi Tòa Án, vân vân./  Dân được bọn đầy tớ/ Hầu hạ suốt đêm ngày,/ Được tôn làm ông chủ,/ Được tâng bốc lên mây./ Thế mà thằng dân láo,/ Sướng quá mà hóa điên./ Những gần ba triệu đứa/ Bỏ đầy tớ, vượt biên…”
  • Luật pháp, hề hề (Nguyễn Thông) – “Giết người mà chỉ chịu có 4 năm tù, công nhận luật pháp xứ ta nhân đạo nhất thế giới (đương nhiên mạng người cũng rẻ nhất nhì thế giới)”.
  • HẺM…”BUÔN” CHUYỆN (KỲ 2)  (Nhật Tuấn) -  “Thì cả công an cũng đánh chết người giữa phố kìa. Hôm nay Tòa xử có 4 năm tù mà thằng đó còn không chịu, đòi kháng án đó… Công an với côn đồ bây giờ khó phân biệt lắm. Bởi vậy mới có câu : ‘Côn đồ là ai ? Côn đồ là ta… Công an cởi áo hóa ra…côn đồ’.”
  • TNhục hình (Thùy Linh) – “Một xã hội quen với lối ứng xử dùng nhục hình, quen với đánh mất nhân phẩm, quen với sự sỉ nhục người khác và trơ lỳ hứng chịu sự sỉ nhục thì đương nhiên sản sinh ra diện mạo xã hội Việt Nam hôm nay…”
  • Đến cửa Tòa mà cũng còn rất…tùy hứng  (Phương Bích) – “Kết quả phiên tòa cũng có thể dự đoán được là vẫn y án. Chẳng qua nó diễn ra gọi là làm phép, chứ ở thời buổi này đừng hy vọng có phép màu nào xảy ra”.
  • Trong lịch sử, người Pháp đã đánh giá người Trung Hoa như thế nào? (Nông dân ra phố) – Đây là một tư liệu được trích từ cuốn “Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới”. Quyển 1 tập 1. NXB Đà Nẵng – 2001. Cuốn sách này, như tên gọi của nó mục đích không phải giới thiệu những tư liệu của người Pháp nói về người Trung Hoa, mà nói về cụ Phan Châu Trinh.
  • Ông Huxnen “Chơi đểu” ông Nguyễn Tấn Dũng (Phạm Viết Đào) - Ông Hun Sen đã vô tình hay cố ý gộp Đoàn Việt Nam vào đoàn Trung Quốc để đón một mẻ cho đỡ tốn công, tốn tiền trang trí.. Nghe nói ông Nguyễn Tấn Dũng đã cú chuyện này nên họp ký vội xong là bỏ về Việt Nam liền…
  • Này hỡi ông Hun Sen! (Quê Choa) – Đến lúc đó ông Hun Sen nhất định sẽ ân hận và hổ thẹn. Việc bán rẻ khối ASEAN  có ngờ đâu cũng chính là bán rẻ dân tộc CPC vĩ đại của ông. Này hỡi ông Hun  Sen, có phải thế không?
  • Hội nghị Diên Hồng (Huỳnh Ngọc Chênh) - Hỡi các ngươi,ta trưng cầu ý kiên/ Hỡi các ngươi,nên hòa hay nên chiến?”/ Nên chiến,nên chiến,chiến đến cung/ Tiếng reo hò rung chuyển điện Diên Hồng
  • Đọc báo mà buồn (Trần Nhương) – “sáng nay(17/7/2012) cầm tờ báo TN trên tay tôi giật mình khi đọc tít ‘tàu cá Trung Quốc dậy sóng biển Đông’. Tự nhiên cứ buồn buồn. Một tờ báo tài ba, thông thái thế mà lại để lọt hạt sạn đáng sợ thế…”
  • Tổng thống Indonesia quan ngại tình hình Biển Đông (RFA) – Tổng thống Indonesia, ông Susilo Bambang Yudhoyono hôm nay lên tiếng nói rằng sẽ không có một giải pháp chóng vánh nào có thể giải quyết được những tranh chấp chủ quyền tại vùng Biển Đông.
  • Trung Quốc giúp Philippines hoàn thành dự án cấp nước (RFA) – Tổng thống Benigno Aquino hôm nay lên tiếng cám ơn Trung Quốc đã giúp đỡ Philippines hoàn thành một dự án cấp nước lớn ở nước này, trong bối cảnh vẫn còn những tranh chấp lãnh hải giữa 2 quốc gia.
  • Bằng Giả, Bằng Dỏm (VietBao)Câu chuyện bằng giả là bình thường, vì chỉ cần một máy in đặt bên cạnh máy điện toán, nối dây xong, dùng Photoshop phù phép là xong.
  • Ý kiến ngắn: Áp lực kinh tế từ Trung Quốc (Đoàn Hưng Quốc) – Nhật báo New York Times số ngày 8 tháng 7 năm 2012 đăng tin Thủ tướng Ôn Gia Bảo thúc giục các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường xuất khẩu sang Đông Nam Á, Nam Á và Trung Á để bù đắp các lổ trống do khủng hoảng kinh tế tại Âu-Mỹ mang đến.

Việt Nam hạnh phúc?



Trần Quỳnh Hoa
-
DCVOnlineNgay sau khi New Economics Foundation (NEF) phát hành báo cáo Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc (The Happy Planet Index – 2012 Report, nef) vào tháng Sáu 2012, xếp hạng Việt Nam là nước “hạnh phúc” chỉ sau Costa Rica, báo chí Việt Nam trong nước đồng loạt đưa tin Việt Nam hạnh phúc (1). Sau đây là bản lược dịch bài viết của Trần Quỳnh Hoa, một nhà báo viết cho VNS (Vietnam News), nhật báo tiếng Anh do TTXVN phát hành từ năm 1991. Tựa trang nhất của DCVOnline.
Chúng ta bằng lòng hay chẳng để ý?
Nhiều người Việt Nam rất hài lòng nếu nói là rất vui mừng khi biết rằng nước Việt Nam đứng thứ hai trên thế giới theo báo cáo Happy Planet Index (HPI) 2012 đã phát hành tuần trước.HPI do Quỹ Kinh tế Mới (New Economic Foundation) một cơ sở độc lập tại Vương quốc Anh biên soạn xếp Việt Nam chỉ sau Costa Rica, và vượt xa các nước phát triển và thịnh vượng như Na Uy (29), Vương quốc Anh (41), Nhật Bản (45) và Mỹ (105 ) về mặt hạnh phúc. Đó là một ý nghĩ đẹp, nhưng có thực sự đúng là những người sống ở các quốc gia giàu mạnh ít hạnh phúc hơn chúng ta?
Là á quân trong bảng xếp hạng hạnh phúc có thể làm một số người thỏa mãn, nhưng một số người khác vẫn còn hoài nghi, vì nạn ô nhiễm mãn tính, giao thông hỗn loạn, bệnh viện quá đông và giá bất động sản đắt đỏ tại Việt Nam.
Cảnh sát đụng độ với nông dân trong cuộc chiếm ruộng xây khu kỹ nghệ Bảo Minh tại Nam Định (Hanoi May 9, 2012.)
Nguồn: REUTERS/Nguyen Lan Thang
Kết quả một cuộc thăm dò công bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos hồi đầu năm nay cho Việt Nam là một trong 10 nước hàng đầu tồi tệ nhất về nạn ô nhiễm không khí.
Trên đường lộ, mỗi ngày có khoảng 30 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông tại Việt Nam.
Khi nói đến dịch vụ y tế, sức khỏe, thường hơn là hiếm khi thấy hai hoặc ba bệnh nhân nằm cùng một chiếc giường tại những bệnh viện lớn của Việt Nam. Trong khi đó, một cuộc thăm dò của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2010 cho thấy rằng giá của bảy loại thuốc phổ biến ở Việt Nam cao gấp 5 đến 40 lần so với mức trung bình của thế giới.
Theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, giá nhà trung bình hiện tại ở Việt Nam nhiều gấp 25 lần so với thu nhập hàng năm của công nhân, năm lần hơn giá nhà trong thế giới phát triển và gấp 10 lần giá nhà tại các quốc gia đang phát triển khác.
Ngay cả trong Báo cáo Phát triển Con người năm 2011, mà một phần của Happy Planet Index đã lấy làm căn cứ, không cho thấy hình ảnh tích cực đến thế về tình hình của Việt Nam. Bản báo cáo, do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), phát hành cho thấy chỉ số của Việt Nam nằm dưới các nước trong nhóm phát triển con người trung bình và ngay cả còn thấp hơn mức trung bình ở các quốc gia ở Đông Á và Thái Bình Dương.
Bệnh viện ung thư Hà Nội: 2 bệnh nhân trên 1 giường
Nguồn: http://www.lienaid.org/
“Tiến bộ về mặt phát triển xã hội, gồm cả y tế và giáo dục, đã ít nhanh hơn,” Setsuko Yamazaki, Giám đốc của UNDP tại Việt Nam nói. “Cũng như ở nhiều nước có thu nhập trung bình khác, bất bình đẳng đang bắt đầu tăng ở Việt Nam.”
Bà Yamazaki cho biết sự bất bình đẳng trong giáo dục, y tế và thu nhập, môi trường đang hư hại, điều kiện thời tiết khắc nghiệt và những thách thức của sự thay đổi khí hậu, tất cả đều đe dọa các tiến bộ Việt Nam đã có về mặt phát triển.
“Vì vậy, hạnh phúc ở chỗ nào khi chúng ta bị tước mất tất cả các nhu cầu cơ bản trong cuộc sống?” Nguyễn Thanh Hiền, 31 tuổi, người đã đi du lịch nhiều nơi đặt câu hỏi. Bà Hiền không ngừng lặp lại những người sống đang ở châu Âu, Bắc Mỹ, Australia hay Nhật Bản may mắn dường nào.
Nhưng không phải là quá khó khăn để hiểu lý do tại sao Việt Nam đứng thứ hai trong Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc khi người ta nhìn vào các thành phần chính của nó. Chỉ số, HPI, xếp hạng hạnh phúc của dân các nước dựa trên tuổi thọ, phúc lợi và sự bền vững của môi trường (Happy Planet Index = [(Cảm thấy có phúc lợi) x (Tuổi thọ)] / (Dấu chân sinh thái).
“Tuổi thọ”, trong Chỉ số Happy Planet dùng dữ liệu năm 2011 từ Báo cáo Phát triển Con người của UNDP, có lẽ là dữ liệu duy nhất không bị dị nghị và tranh cãi. Tuổi thọ của Việt Nam là 75,2.
Trong khi đó, về “dấu chân sinh thái”, mẫu số của phân số – dùng dữ liệu của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (World Wildlife Fund) để tính mức tiêu thụ tài nguyên. Điều này, theo Quỹ Kinh tế Mới, giải thích lý do tại sao nhiều nước có thu nhập cao lại có điểm thấp về chỉ số hạnh phúc – vì quần chúng dùng rất nhiều các nguồn tài nguyên thiên nhiên [cho tiện ích đời sống hàng ngày].
“Cảm thấy có phúc lợi” là thành phần được đánh giá bằng cách dùng một câu hỏi gọi là “bậc thang của cuộc sống” của Cuộc thăm dò Toàn cầu cua hãng Gallup. Để có dữ kiện về “Cảm thấy có phúc lợi” Quỹ Kinh tế Mới đã hỏi 1.000 người ở mỗi nước tưởng tượng ra một cái thang trong đó “0” là bậc đánh giá cuộc sống tồi tệ nhất và “10” là bậc đánh giá có cuộc sống tốt nhất, và cho biết họ cảm thấy đang đứng ở bậc thang thứ mấy. Việt Nam đứng ở bậc 5,8 (trong số 10) về mặt này.
Đối với Hiền, người đã đi du lịch nhiều nơi, số điểm “Cảm thấy có phúc lợi” của Việt Nam là quá cao nhưng có lẽ là phản chiếu sự ngây thơ của người trả lời thăm dò; nhiều người [trả lời thăm dò] có thể không bao giờ biết đến cuộc sống trong thế giới phát triển, và chỉ đơn giản là cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống hiện có.
Bà Nguyễn Thị Vinh, 80 tuổi, người Hà Nội đã sống qua cả hai cuộc chiến tranh Pháp và Mỹ và không bao giờ đi du lịch ở nước ngoài, tin rằng bà đang sống như mơ.
“Ông bà không thể tưởng tượng cuộc sống mấy mươi năm trước nó khổ đến thế nào. Tôi không thể có một đêm ngủ yên hay ngay cả có một bữa ăn mà không phải chạy vào hầm tránh bom,” bà nói. “Bây giờ chúng tôi có thức ăn ngon để ăn, quần áo tốt để mặc và không phải thấy con cháu trong gia đình của chúng tôi hoặc bạn bè bị giết. Chúng tôi còn muốn gì hơn thế này nữa?”
Dân chúng biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Viêt Nam (Hà Nội, on June 26, 2011)
Nguồn: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images
Những vấn đề về đo lường hạnh phúc được nhà kinh tế Ấn Độ và cũng là người đoạt giải Nobel, Amartya Sen, đưa ra trong cuốn sách của ông, “The Idea of Justice”.
“Ngay cả với cùng một người, việc dùng bậc thang hạnh phúc có thể gây khá nhiều hiểu lầm nếu bỏ qua tầm quan trọng của những thiếu thốn khác mà có thể không được đánh giá đúng mức trong các bậc thang hạnh phúc,” ông viết. “Mối quan hệ giữa hoàn cảnh xã hội và nhận thức [cá nhân] cũng đưa đến các vấn đề khác trong sự cảm nhận về tiện ích vì nhận thức con người có thể có khuynh hướng che mắt chúng ta không cho thấy những thiếu thốn thực sự chúng ta đang có, mà chỉ với một sự hiểu biết rõ ràng hơn và nhiều thông tin hơn có thể mang lại cho chúng ta.
Để giải thích ý tưởng này, giáo sư Amartya Sen đưa vấn đề sức khỏe làm ví dụ. “Một trong những phức tạp trong việc đánh giá tình trạng sức khỏe bất nguồn từ sự hiểu biết thực tế của mỗi người về sức khỏe của họ có thể bị giới hạn vì thiếu kiến thức y tế và không quen thuộc đủ với những thông tin khác để so sánh.”
Vì vậy, người Việt Nam có thực sự hạnh phúc không – và chúng ta thực sự có cần phải đặt câu hỏi?
© DCVOnline

Nguồn:Are we content or oblivious? VNS, June 20, 2012.
The Happy Planet Index – 2012 Report. (2.7 MB)
(1) – ‘Việt Nam là nước hạnh phúc thứ hai trên thế giới’. TTXVN, 16/6/2012
Việt Nam “hạnh phúc” như thế nào? Cảnh Toàn, sgtt.vn, 16.07.2012.
Người Việt Nam có hạnh phúc thứ 2 thế giới? Đào Văn Khanh, Tuần Việt Nam.
Người Việt Nam hạnh phúc thứ 2 trên thế giới. Linh San (Theo Ticotimes). NLĐO 16/06/2012.

Trong lịch sử, người Pháp đã đánh giá người Trung Hoa như thế nào?

Nông dân ra phố
-
Lời giới thiệu: Đây là một tư liệu được trích từ cuốn “Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới”. Quyển 1 tập 1. NXB Đà Nẵng – 2001. Cuốn sách này, như tên gọi của nó mục đích không phải giới thiệu những tư liệu của người Pháp nói về người Trung Hoa, mà nói về cụ Phan Châu Trinh.
Tuy nhiên, lí do mà chúng tôi (tức Nông dân ra phố) giới thiệu là trong một tư liệu cụ thể này, đã thể hiện rất rõ cách nhìn nhận và đánh giá của một Viện sĩ người Pháp đối với người Trung Hoa trong mối quan hệ với người An Nam cũng như Đông Dương. Hơn nữa, cũng phần nào hiểu thêm về con người Hoàng Cao Khải trong những nội dung trình bày của nhân vật còn nhiều ý kiến đánh giá này.
Trong tình hình ở Biển Đông, nước Trung Quốc hiện tại đang có những hành động gây hấn, âm mưu xâm lược biển đảo, xâm phạm vùng biển tài nguyên của Việt Nam; ở trong đất liền thì những công dân Trung Quốc liên tiếp có những hoạt động và hành động có tính gian dối, thủ đoạn, lũng đoạn thị trường như buôn bán nông sản với bà con nông dân với các chiêu ghìm giá, đẩy giá rồi chạy làng; rồi tại các phòng khám đa khoa Trung Quốc tại VN cũng có liên tiếp các vụ chết người, bác sĩ người Trung Quốc bỏ chạy,… khiến chúng ta không thể không nghĩ kĩ hơn về người Trung Hoa hiện tại cũng như trong lịch sử trong mối quan hệ với Việt Nam ta.
Từ thực tế đó, đọc lại những gì mà viện sĩ De Brieux viết trong cuốn Thăm Ấn Độ và Đông Dương mà chúng tôi giới thiệu dưới đây thì thấy cái BẢN CHẤT CỐ HỮU của người Trung Quốc từ 1909 đến nay vẫn có những nét không thay đổi. Hành động, động cơ, âm mưu của họ trong một số lĩnh vực dù trong 1909 hay trong 2012 vẫn có nét tương đồng về bản chất, chỉ có khác về hiện tượng.
Điều đó cho thấy, cảnh giác với người Trung Hoa trong bảo vệ tài nguyên, lãnh thổ,(cả về văn hóa nữa) là không thừa và cần kíp khẩn trương hơn bao giờ hết.
Tôn trọng các tư liệu lịch sử và không quên những khó khăn của đất nước trong hoàn cảnh hiện tại, chúng tôi xin được trích lại nguyên văn đoạn trích Thăm Ấn Độ và Đông Dương của Viện sĩ De Brieux in trong cuốn sách trên.
Nông dân ra phố xin trân trọng giới thiệu:
Tài liệu 26
Lưu CAOM –A947
VIỆN SĨ DE BRIEUX VIẾT VỀ CUỘC GẶP HOÀNG CAO KHẢI
(Trích “ Thăm Ấn Độ và Đông Dương”)
…”Ông Jules Roux quan ba bộ binh đã dịch và tôi đã có được một văn kiện của ông phó vương. Ông là thành viên của Hội đồng cao cấp Đông Dương có Huy chương Bắc đẩu Bội tinh.
Ông Phó vương trước tiên đặt nguyên tắc là hiện nay các dân tộc ở vào địa vị thấp kém hơn bắt buộc phải dựa vào những nước thuân lợi hơn. Ví dụ như nước Pháp ngày xưa đã bị La Mã đô hộ 400 năm nhờ đó mà văn minh lên… Và ông nói tiếp:
“Nước chúng tôi có sai lầm là không sớm mở cửa buôn bán với các vị ngay từ thời của Louis XIV có yêu cầu. Và năm 1858 đã chống nhưng không chống nổi để mất Nam Kỳ, năm 1884 đã chống đi đến phải chịu bảo hộ.
Đất nước đã sai lầm để cho cả dân tộc phải gánh chịu. Nhưng Pháp khong đến chiếm thì chắc chắn sẽ có cường quốc khác chiếm thôi”
Sau khi kể qua quá trình thiết lập chế độ cai trị, ông kể qua những ơn nghĩa của nước Pháp:
“Nhìn chung có nhiều việc lớn và có ích: như xây dựng các thành phố Saigon, Tourance, Hải Phòng… ngày xưa chỉ là những vũng lầy và cát trắng, bây giờ thành những thành phố lớn có tàu thuyền các nước đến buôn bán. Đó là những công trình vĩ đại.
Đường sá ngày xưa rất kém, đi chủ yếu là đi bộ và chir có đường quốc lộ. Đường thủy thì trước chỉ có thuyền bè, bây giờ có đủ tàu xuồng máy đi trên sông và biển, cả tàu vượt đại dương. Lại có đường sắt, có tàu điện. Ở trên bộ, dưới nước đều có phương tiện đi lại.
Ngày xưa con cái chúng tôi khi có dịch đậu mùa thì chết hàng loạt, dân ốm đau không có nhà thương chữa trị, bây giờ có chủng đậu thường kỳ. Các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng v.v… đều có nhà thương, người bệnh không có tiền cũng được đến chữa trị không mất tiền.
Chính phủ Bảo hộ đã lập ra một trường Y cho người An nam. Trong tương lai sẽ có nhiều người An nam làm nghề chữa trị cho người An nam, sẽ giảm bớt ốm đau, tăng thêm dân số.
Ngày sưa sản vật làm ra khó tiêu thụ và phải bán rẻ.
Bây giờ đường sá thông thương, có thể bán ra cả nước ngoài như lúa gạo, Nam Kỳ xuất 732.000 tấn/năm; Bắc Kỳ xuất 114.000 tấn/năm. Và còn nhiều nông sản, sản phẩm công nghiệp khác. Ngày càng tăng tiến trong sản xuất và buôn bán.
Không cần nói, ai cũng thấy nhờ Chính phủ Bảo hộ dân được một số lợi ích…”.
“Nhưng tuy vậy, do cách cai trị chưa tốt mà cho đến nay, Chính phủ Bảo hộ không chiếm được trái tim của mọi người.
Chúng tôi thấy có 3 nguyên nhân:
Thuế má quá nặng
Chọn lựa quan lại Nam không đủ tiêu chuẩn bảo đảm, nhiều người không xứng đáng với chức vụ của họ.
Cố gắng của chính phủ trong mở mang trường học cho dân còn kém.
Tôi thấy dân Nam cần nhìn và dựa vào nước Pháp vì:
Trong 5 năm qua, sau khi thấy Nhật thắng Nga, người ta có tư tưởng một dân tộc nhỏ có thể thắng một cường quốc to. Từ đó mà có những hội, những đảng hoạt động trong nước, đồng thời có những hội, những đảng hoạt động ngoài nước…
Nhưng có thể khẳng định là nếu dùng bạo loạn, nước Pháp sẽ thắng, kết quả sẽ không đến đâu cả.
Vấn đề cuối cùng nóng bỏng nhất là: Chúng tôi tự hỏi, một ngày kia có thể độc lập được không?
Đã có 2 cơ hội mà đã bị bỏ qua đi rồi…
Bây giờ có cơ hội thứ 3 không biết có hi vọng được không? Đó là vấn đề dựa hẳn vào nước Pháp để cải tạo nền giáo dục của mình và tiến bộ lên.
Nếu làm được như vậy, thì nhờ sự tiến bộ của mình, chúng tôi nghĩ là nước Pháp trước tiên sẽ cho chúng tôi quyền tự trị, chỉ giữ lại quyền đại diện chúng tôi ở bên ngoài với các nước mà thôi…
Chúng tôi sẽ được như Canada và Úc vậy…”
Ông De Brieux bình luận và kết luận:
“Tôi cho là tham vọng đó hoàn toàn chính đáng, đáng khen và cao thượng. Chúng ta phải yên trí là từ nay chính phủ Pháp sẽ trả lại quyền tự trị cho họ. Để họ tự cai quản một cách hoàn toàn độc lập.
Chúng ta không thể thờ ơ trước một sự biểu thị đẹp đẽ như vậy về lòng tin cậy. Chúng ta không thể đánh lừa hi vọng đó…
Vai trò mà vị Phó vương yêu cầu ta làm là hoàn toàn hợp với truyền thống, với tinh thần đại lượng và nghĩa vụ chúng ta trước nhân loại.
Hiểu như vậy thì công cuộc chiếm thuộc địa không còn mang tính chất hành động kẻ cướp nữa.
Nếu sức mạnh và sự cao đẳng cho phép một nước có quyền can thiệp bằng vũ lực vào số mệnh của một dân tộc khác thì quyền đó sẽ đưa lại những nghĩa vụ không thể trốn tránh được để đáp lại. Nghĩa vụ đó là làm cho dân tộc bị trị những điều kiện sớm nhất để xứng đáng được độc lập.
Một hành động chính trị cao đẹp nhất là nói với người An nam”
“Chúng ta không phải là chủ mà là kẻ đỡ đầu của các người. Khi các người đủ mạnh về tinh thần để khỏi cần sự đỡ đầu đó, đủ mạnh để không trở thành miếng mồi, đủ giàu để không thể mất mặt với thiên hạ, thì chúng ta trả lại quyền cho các người, chúng ta không cầm tay dắt đi nữa mà, như người cha thấy con đủ sức đương đầu với cuộc sống, sẽ để cho con tự mình cai quản lấy mình, để cho con mình tự đi trên con đường mà chúng ta đã chỉ lối cho. Và chúng ta sẽ nhìn theo như cha nhìn con, anh nhìn em, tự hào về các người…
Chính do các người ự quyết định lấy ngày giải thoát. Nền tự do đã ở đó, các người phải giành lấy. Đây là trường học. Đó là những vũ khí cần thiết hiện nay. Hãy cầm lấy. Chúng ta mang đến cho các người và bày cho cách sử dụng. Đừng ham độc lập quá sớm. Nếu hôm nay thoát ngay khỏi sự giúp đỡ của chúng ta, các người sẽ rơi vào tay những tên chủ không đại lượng bằng. Hãy tin chúng ta và làm việc đi. Sẽ là một ngày vinh quang cho các người mà chúng ta có thể thôi không coi các người là con trẻ mà là những người em…”
…Phải nghĩ và làm quen với ý nghĩ là dù chúng ta có làm gì đi nữa cũng không thể mãi mãi giữ Đông Dương được.
Nếu chúng ta không trả cho người An nam thì có kẻ sẽ giành lấy.
Và kẻ đó chính là nước Trung Hoa.
Và ngày mà ở châu Âu chúng ta phải đương đầu với một cường quốc thì ngày đó người Trung Hoa sẽ nhẹ nhàng chiếm Đông Dương như người Ý năm 1870 đã chiếm lấy đất đai của Gíao hoàng. Nếu người Sài Gòn muốn chống lại thì với 100 nghìn người Trung Hoa ở chợ Lớn họ không cần súng ống cũng trị được. Ở đâu trên đất Đông Dương cũng vậy, cứ 1 người Pháp thì đã có 20 người Trung Hoa.
Và ngay người An nam, nếu ta không cảm hóa họ, cũng sẽ đưa tay ra đón những người Tàu mà họ gọi là “các chú”chưa quên những người đó đã là chủ cũ của nước này.
Nhưng Trung Quốc có cần xâm chiếm không? Đông Dương đã là của họ rồi. Chúng ta là chủ danh nghĩa, họ là chủ thật sự. Chúng ta đưa lính đến, họ đưa con buôn đến. Chúng ta mơ có thuộc địa để đến làm giàu, nhưng chính họ thực hiện giấc mơ đó. Chúng ta cai trị thuộc địa, họ khai thác nó.
Ta coi người nông dân An nam là xa lạ, họ quen biết, họ nói cùng tiếng nói, họ dùng tiền mua thốc lúa non, lúa già, mua trả sòng phẳng. Họ biết tính để cho người nông dân đủ sống để cày cuốc làm ra thóc gạo.
Thương nghiệp nằm trong tay họ. Họ tuồn thóc gạo cả xứ theo các kênh rạch về các hãng xay xát ở chợ Lớn và, bán gạo xong họ nhét tiền đầy túi, trở về xứ sở nằm nghỉ.
Sức mua bán của dân tộc này thật kỳ quặc. Trong một làng nghèo đói không mua bán gì, có một người Tàu đến, nhân làm thuê vất vả… Chỉ 2 năm sau, y có một cửa hàng nhỏ, cả làng đều vay mượn y. Và những người Tàu khác sẽ đến theo.
Sự đoàn kết của họ ngoài sức tưởng tượng: trong cửa hàng, đến giờ ăn họ xúm lại quanh bàn, ở trần như nhau, không phân biệt chủ và người làm. Ăn xong là làm việc, kỷ luật ra trò. Họ biết chia nhau quyền lợi, không tranh chấp, đoàn kết chặt chẽ. Ví dụ ở Rangoom họ quyết định không để cho ngời Tàu kéo xe, thế là không có người Tàu kéo xe. Thợ Tàu đến được dùng vào làm việc khác.
Họ không sợ khổ, không sợ chết. Họ chèo thuyền ra đánh cá trong lúc sóng to gió lớn…
Họ bất chấp toán học và vẫn tính toán đâu vào đấy. Họ thông minh và rất nhạy cảm với cái mới. Cái gì họ không mời nước ngoài đến làm là họ tính để tự làm. Quân lính họ sử dụng vũ khí thành thạo, hành quân cả sư đoàn…
Làm sao ta có thể bảo vệ Bắc Kì khi họ cảm thấy bị chật chội hay buôn bán khó khăn và đưa một quân đoàn vượt qua Lạng Sơn? Suốt dọc biên giới chúng ta không có hành lũy pháo đài nào để chống trả cả.
Với biển người của họ, ta làm sao chống được bằng máy tiểu đoàn? Nếu có thủy quân họ sẽ vào thẳng Nam kỳ, qua Cap Saint Jacques có khó hơn chút ít thôi. Chúng ta không có phòng thủ gì hết trên sông Sài Gòn…
Trong khi tính toán tất cả các vấn đề đó, chúng ta phải cố gắng đặt dấu ấn trên người An nam, càng sâu càng tốt để sẽ còn một cái gì đó của trí tuệ chúng ta tiếp tục được duy trì…”
(Theo: Lê Thị Kinh (tức Phan Thị Kim): Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới. Quyển 1 tập 1. NXB Đà Nẵng – 2001. Từ trang 139 đến 145.)
Theo: Blog NDRP

Sự kiện ‘Ô Khảm’ ở Trung Quốc nói lên điều gì?


Ông Lâm Tổ Loan (Lin Zuluan), một trong những người lãnh đạo cuộc phản kháng ở Ô Khảm, được bầu làm Chủ tịch xã Ô Khảm ở tỉnh Quảng Đông thuộc miền nam Trung Quốc
Bùi Tín
17.07.2012
Ô Khảm là tên một ngôi làng ven biển phía Nam của Trung Quốc. Từ cuối năm 2011 Ô Khảm nổi lên trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung Quốc và toàn thế giới. Sang năm 2012, tên làng Ô Khảm – Wu Kan càng nổi bật trong các bài bình luận quốc tế về Trung Quốc trên các tờ báo lớn của Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Đức, Ý, Nhật, Úc…Các nhà chính trị nói đến sự kiện Ô Khảm, mô hình Ô Khảm, giải pháp Ô Khảm, tư duy Ô Khảm và cả con đường Ô Khảm cho Trung Quốc khi Đại Hội đảng CS Trung Quốc lần thứ 18 sắp đến gần.

Sự kiện Ô Khảm nổ ra ngày 21 tháng 9/2011 khi hàng trăm nông dân mất đất của làng này kéo đến trước trụ sở chính quyền và đảng ủy đòi lại ruộng đất đã bị thu hồi nhằm xây dựng một khu công nghiệp, với số tiền đền bù rẻ mạt. Họ bị lực lượng công an xã ngăn chặn, giải tán. Hôm sau nông dân lại xuống đường đông hơn, gần một ngàn nông dân kéo đến đấu tranh quyết liệt hơn. Lực lượng công an cũng được tăng cường. Đã xảy ra xô xát, phía nông dân và phía công an đều có người bị thương. Một số nông dân bị nghi là cầm đầu cuộc đấu tranh bị bắt, bị đánh đập, tra tấn có thương tích. Ngày 23/9, ngày thứ 3 của cuộc đấu tranh, số nông dân xuống đường đông đảo hơn, hầu như toàn dân làng Ô Khảm, cùng với nông dân làng bên cạnh. Huyện Lục Phong phải cử cán bộ và lực lượng an ninh xuống dàn xếp và tạm ổn định tình hình.
Đến ngày 14/12/2011, tình hình căng thẳng gay gắt khi có tin một đại diện thôn của Ô Khảm là ông Tiết Cẩm Ba đang bị giam trên huyện về tội cầm đầu cuộc nổi dậy tháng 9, chờ ngày ra tòa về tội sách động nông dân chống đảng và nhà nước, đã chết trong tù. Nhân dân cả làng đổ xô ra đường, với khí thế uất hận căm thù, một số mang khăn tang, có người mang cả gậy gộc, làm cho cán bộ và công an bỏ trốn hết. Nông dân đập phá một số phòng làm việc của đảng ủy và trụ sở công an thôn. Tình hình vang động toàn quốc và ra thế giới.
Nếu cứ giải quyết ở Ô Khảm như ở những nơi khác trên toàn lãnh thổ Trung Quốc thì một số người cầm đầu cuộc nổi dậy đã bị tù giam từ 2 đến 5 năm, tiền đền bù cho nông dân có thể được nâng lên đôi chút và nông dân vẫn mất đất và khu công nghiệp vẫn hình thành. Nhưng không, sự việc sau đó đã diễn ra khác hẳn, trái ngược hẳn, vì lẽ…
Vì lẽ có sự can thiệp của ông Wang Yang – Uông Dương, năm nay 55 tuổi, quê ở Tô Châu tỉnh An Huy, hiện là bí thư tỉnh ủy đảng CS Trung Quốc tỉnh Quảng Đông, tỉnh có 100 triệu dân, là tỉnh đông dân nhất, cũng là tỉnh giàu có nhất của Trung Quốc, PNB – giá trị sản lượng hàng năm luôn đứng đầu các tỉnh thành. Ông Uông Dương là ủy viên bộ chính trị gồm 25 người từ Đại hội đảng CS thứ 17 (năm 2007), có nhiều triển vọng vào ban thường vụ bộ chính trị gồm 9 người trong Đại hội thứ 18 cuối năm nay.
Cuối năm 2011 ông cử ngay một đoàn điều tra xuống Ô Khảm rồi sau đó ông đích thân xuống tận nơi đối thoại trực tiếp với người dân bình thường thôn Ô Khảm. Do có tư duy độc lập, có công tâm và tinh thần tôn trọng nhân dân, ông đã giải quyết sự kiện Ô Khảm một cách phân minh, công bằng, theo luật pháp. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của ông và tỉnh ủy, tòa án trả lại tự do cho các nông dân bị giam trong vụ Ô Khảm, việc xây dựng khu công nghiệp bị đình hẳn lại, những nhân viên công an dùng bạo lực với dân và nhất là làm chết dân bị kỷ luật và có người bị truy tố.
Ông chỉ đạo trực tiếp cuộc chấn chỉnh đảng bộ thôn Ô Khảm, làm thí nghiệm và làm gương mẫu cho toàn tỉnh. Tiếp theo là một cuộc bàu cử thật sự dân chủ trong đảng bộ và ngoài nhân dân của thôn Ô Khảm có hơn 1300 dân; trúng cử vào đảng ủy và hội đồng nhân dân là những đảng viên và công dân có hiểu biết, công tâm và tinh thần phục vụ nhân dân, do chính các công dân bàn bạc lựa chọn kỹ và bỏ phiếu trực tiếp.
Một điều làm nhân dân nức lòng là bí thư đảng ủy thôn Ô Khảm mới được bầu là ông Lâm Tổ Loan, từng bị giam và bị đe dọa đưa ra tòa về tội kích động nhân dân phá rối trật tự trị an xã hội. Ông Lâm được số phiếu cao nhất. Thay vì nằm trong tù, ông và một số bạn ông trở thành người lãnh đạo.
Sự kiện Ô Khảm và sự kết thúc rất có hậu có thể có tác dụng sâu đậm, vượt rất xa tầm vóc của một thôn ven biển và có thể tác động đến tình hình toàn Trung Quốc rộng lớn.
Bởi vì gần đây có 2 mô hình sẽ đưa ra trình Đại Hội 18. Một là mô hình của Bạc Hy Lai, bí thư thành ủy Trùng Khánh, được coi là mang tính chất cực tả, với nội dung là duy trì sự sùng bái Mao, khôi phục những bài hát, y phục thời Mao, phát huy tinh thần và lối sống đầy khí thế “cách mạng văn hóa vô sản trong sáng” đã bị bỏ quên. Thật ra đây chỉ là phản ứng không tưởng viển vông trước sự suy đồi đạo đức xã hội, khi tiền bạc làm chúa tể và nạn nhũng, thói hưởng lạc vật chất đang ăn sâu lan rộng.
Bạc Hy Lai là ngôi sao đang lên, cũng như Uông Dương, được dự kiến vào ban thường vụ bộ chính trị 9 người. Nhưng ngôi sao này đã đột ngột tắt ngấm giữa tháng 3 vừa qua khi bị mất hết chức, bị điều tra cùng bà vợ Cốc Khai Lai trong vụ giết một tỷ phú người Anh và trong nhiều vụ án kinh tế, 2 vợ chồng có thể bị kết án rất nặng, từ tù chung thân đến tử hình. Rồi sẽ như nguyên bí thư thành ủy Thượng Hải Trần Hy Đồng cũng từng là ủy viên bộ chính trị, bị tuyên án tử hình. Nay mô hình Trùng Khánh của ông Bạc Hy Lai coi như chết yểu từ trong trứng.
Mô hình thứ hai chính là mô hình Quảng Đông là vùng đất đang phồn thịnh, do Uông Dương đề xuất. Lập luận của Uông là thành tích đổi mới rất lớn, quý giá nhưng chưa vững chắc, luôn có nguy cơ phá sản vì có nhiều nhược điểm nguy hiểm. Cái gốc của vấn đề là trên thực tế đã đặt đảng cao hơn dân, đảng bao biện, quan liêu, xa rời dân. Ông căn dặn cán bộ đảng viên không được quan niệm rằng đảng đem lại hạnh phúc ấm no cho dân. Tất cả sức mạnh, thành tích đều do dân. Dân chủ trực tiếp là con đường thắng lợi.
Ông đã xắn tay áo giải quyết cuộc khủng hoảng gay gắt ở Ô Khảm và tạo nên một mô hình sống động có sức thuyết phục. Vấn đề quan hệ giữa nông dân với đảng cộng sản và vấn đề sở hữu ruộng đất của nông dân đang được đặt ra cấp bách. Đã có 180.000 cuộc đấu tranh tập thể của nông dân trong cả nước một năm qua.
Ông Uông Dương cũng quan tâm xây dựng xã hội dân sự, quan tâm đến sự hình thành của những tổ chức phi chính quyền trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, từ thiện, làm cho xã hội năng động, có sức sống. Một hạn chế nổi bật của mô hình Quảng Đông là chưa vượt qua được quan điểm chuyên chính vô sản của một đảng duy nhất, chưa bước hẳn vào quan điểm dân chủ đa nguyên, đa đảng, nghĩa là dân chủ thứ thật, dân chủ tiên tiến, hiện đại.
Các học giả tiến bộ Trung Quốc nhận định dầu sao mô hình Quảng Đông của Uông Dương cũng là một tiến bộ khá lớn so với mô hình hiện tại trong cả nước. Đây có thể coi như mô hình cấp tiến quá độ tách ra khỏi khuôn mẫu giáo điều bảo thủ hiện nay.
Hiện còn có mô hình dân chủ đa nguyên đa đảng ngày càng có tiếng vang trong giới học giả Trung Quốc do trung tướng Lưu Á Châu, hiện là chính ủy Học viện quân sự cấp cao ở Bắc Kinh đề xướng. Lập luận của tướng Lưu là vì yêu nước, yêu đảng CS mà ông chủ trương cần học hỏi áp dụng cái tốt, cái hay ở mọi nơi. Theo ông, mô hình đa đảng, các quyền phân lập, có kiểm soát, ganh đua, thay thế nhau, cân bằng quyền lực, được thực hiện ở Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây, vẫn đang hoàn thiện thêm, là mô hình tối ưu, cần nghiên cứu vận dụng sáng tạo cho mỗi nước, trước hết là Trung Quốc.
Theo phân tích của các giáo sư chính trị ở Đại học Thanh Hoa – Bắc Kinh, trong thường vụ bộ chính trị (9 người) cũng như trong bô chính trị ( 25 người ), có thể chia làm 3 phái, 1 phái trung gian, 1 phái thiên tả và 1 phái thiên hữu. Phái trung gian thường chiếm ưu thế.
Hiện nay trong khi ông Hồ Cẩm Đào thuộc phái trung gian thì Thủ tướng Ôn Gia Bảo lại thuộc cánh tả. Ông Ôn luôn chủ trương đi sát dân, lắng nghe công luận, thực hiện dân chủ từ cơ sở. Ông công khai thừa nhận là môn đệ của Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương, đòi khôi phục danh dự cho các nạn nhân vụ Thiên An Môn năm 1989, đòi chấm dứt trừng phạt tổ chức Pháp Luân Công, ông luôn tỏ thái độ mặn mà với mô hình Quảng Đông của Uông Dương.
Lãnh đạo của Trung Quốc sẽ đi theo hướng nào, là vấn đề lớn sẽ sáng tỏ dần qua Đại hội đảng CS lần thứ 18 dự kiến sẽ họp vào đầu tháng 10/2012 này, với 2.270 đại biểu. Có điều gần như chắc chắn là ông Tập Cận Bình thay ông Hồ Cẩm Đào trên cương vị tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, Lý Khắc Cường thay ông Ôn Gia Bảo trên cương vị thủ tướng. Chưa biết Uông Dương sẽ ở vào cương vị nào và mô hình Quảng Đông – Ô Khảm của ông sẽ được Đại hội 18 đánh giá ra sao.
Nhân dịp này một việc làm bổ ích là so sánh tình hình sinh hoạt học thuật giữa Trung Quốc và Việt Nam. Dù sao ở Trung Quốc sinh hoạt học thuật cũng cởi mở, thoáng đãng hơn rõ rệt. Các mạng tự do và quốc doanh đều đưa công khai những quan điểm hung hăng hiếu chiến nhất, như dọa diệt dân Việt vô ân bạc nghĩa, làm lễ vật tế thần cho trận chiến Tam Sa. Quan điểm hiếu chiến cực đoan đòi tiêu diệt Hoa Kỳ bằng vũ khí hóa học để chinh phục thế giới không bị kiểm duyệt. Ngược lại, quan niệm học và vận dụng theo mô hình Hoa Kỳ của một chính ủy đầy quyền uy đang tại chức, cầm đầu một học viện quốc phòng đào tạo tướng lĩnh cho quân đội, vẫn được tự do truyền bá.
Có điều gì như tự do thái quá, phóng khoáng quá mức, thả lỏng việc truyền bá chiến tranh và đối lập chủng tộc vốn bị coi là vi phạm luật quốc tế. Nhưng điều có lợi và bổ ích là các quan điểm tiến bộ cũng được phơi bày và còn được thực thi như mô hình Ô Khảm ở Quảng Đông, một làng ven biển sát khu kinh tế Thẩm Quyến sôi động, không xa Hồng Kông, nhìn thẳng sang Đài Loan – một địa bàn dân chủ đa đảng tiền phong của Trung Quốc.
Sau khi mô hình Trùng Khánh bị thui chột do số phận hẩm hiu của cặp vợ chồng Bạc Hy Lai, mô hình Quảng Đông của Uông Dương tăng thêm giá trị. Tuy nhiên số phận của mô hình này ra sao còn tùy thuộc ở tác động của nó vào đông đảo nhân dân, vào trí thức, các nhà báo, các nhà nghiên cứu, học giả, từ đó tác động vào trong đảng, vào các đại biểu Đại hội 18 sắp đến.
Đảng CS Trung Quốc từng có những nhà cải cách cấp tiến như Hồ Diệu Bang, như Triệu Tử Dương, gần đây có ông Ôn Gia Bảo, nay lại có Uông Dương, Lưu Á Châu…với nhiều mô hình mới mẻ để cân nhắc, so sánh, lựa chọn.
Ở Việt Nam tuy ngày càng có nhiều trí thức dấn thân trong nghiên cứu chính trị cũng như trong hành động chính trị cho dân chủ và tiến bộ xã hội, nhưng việc nghiên cứu chính trị còn giản đơn, thô sơ, không khí học thuật bị xu thế giáo điều kiềm chế nghiệt ngã, các viện nghiên cứu bị đóng khung trong một khuôn tư duy khép kín, mà tiêu biểu nhất là Học viện chính trị – hành chánh quốc gia, lại là nơi trì trệ, nhạt nhẽo nhất. Kết quả đáng kinh sợ là lại xưng tụng các khẩu hiệu: kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, kiên định chế độ độc đảng, kiên định chủ nghĩa xã hội, kiên định lấy quốc doanh làm chủ đạo cho nền kinh tế, thế là chấm hết.
Cả 14 ủy viên bộ chính trị, chưa ai đưa ra nổi một mô hình, một phương châm, một chủ kiến do tư duy độc lập của chính mình. Chỉ duy nhất Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được coi là nhà lý luận “lớn” lại sang tận Cuba để trổ tài hùng biện rao bán một một học thuyết đã lỗi thời, quan điểm đảng duy nhất có nền dân chủ cao đã thành trò hề cho toàn thế giới.
Bao giờ cho đến tháng 10? Bao giờ sẽ có một mô hình đại thể như Ô Khảm trên đất Việt Nam ta? Hay vẫn chỉ là những sự kiện đau buồn Tiên Lãng, Văn Giang, Vụ Bản, Con Cuông…đầy uất hận, nhuốm máu và đầy nước mắt của bà con nông dân ta, mà đảng luôn coi là đồng minh chiến lược của giai cấp công nhân do đảng CS là đại diện. Liên minh công nông thủy chung mặn mà là như thế đó.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Phiên tòa phúc thẩm y án Trung tá công an đánh chết người


Cô Trịnh Kim Tiến, con gái ông Trịnh Xuân Tùng trả lời phỏng vấn sau phiên toà ngày 13/01/2012)
Thanh Trúc - RFA
2012-07-17
Tòa phúc thẩm thành phố Hà Nội hôm nay giữ nguyên phán quyết của Tòa sơ thẩm đối với Trung tá công an Nguyễn Văn Ninh, đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng.
Tòa án nhân dân Hà Nội, Quận Ba Đình,  hôm nay mở phiên phúc thẩm xét xử kháng cáo của gia đình ông Trịnh Xuân Tùng, bị  trung tá công an Nguyễn Văn Ninh ở phường Thịnh Liệt đánh chết hồi tháng  Hai năm 2011 vì chạy xe không đội mũ bảo hiểm.
Một bản ản án chưa thuyết phục

Ngay khi phiên tòa hôm nay kết thúc, cô Trịnh Kim Tiến, con gái ông Trịnh Xuân Tùng, báo cho biết:
Phiên tòa kết thúc vào lúc 12 giờ trưa và kết quả là y án như bản án của phiên sơ thẩm ngày 13-01-2012 là ông Ninh chịu tội đánh chết người trong khi thi hành công vụ với bản án bốn năm tù giam, còn tất cả những người liên quan, những đồng phạm tiếp tay gây ra cái chết của bố em thì không phải chịu bất cứ sự truy tố nào trước pháp luật.
Ông Ninh chịu tội đánh chết người trong khi thi hành công vụ, còn tất cả những người liên quan, những đồng phạm tiếp tay gây ra cái chết của bố em thì không phải chịu bất cứ sự truy tố nào trước pháp luật.
Cô Trịnh Kim Tiến
Về diển tiến phiên tòa phúc thẩm hôm nay, có gì khác hơn so với phiên sơ thẩm hồi đầu năm, cô Trịnh Kim Tiến mô tả:
Theo như giấy triệu tập gởi đến gia đình em thì phiên tòa diễn ra vào lúc 8 giờ ngày hôm nay. Vào buổi sáng 7 giờ rưỡi gia đình em và những người thân quen đến trước tòa, công an ở đó nói phải có giấy mời mới vào được. Em có nói với họ đây là phiên tòa công khai, đề nghị cho những người thân của bố em cũng như bạn em có quyền tham dự nhưng mà họ không cho vào.
Trịnh Kim Tiến cho hay khi phiên xử bắt đầu, cô lại  xin tòa cho người thân và bạn cô được vào dự nhưng tòa không chấp thuận:
Ngày hôm nay là em tự tham gia tố tụng, em tự tham gia tranh luận trong phiên tòa và không có luật sư. Sau khi tòa án đọc xong phần thủ tục thì những người nhân chứng khách quan, là những người dân ở nơi xảy ra vụ việc, vẫn tiếp tục vắng mặt trong phiên tòa hôm nay. Em đã đề nghị tòa án triệu tập và áp tải những nhân chứng đó đến để em được đối chất tại tòa . Đây là lần thứ hai gia đình em yêu cầu, nhưng mà hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử bình thường, không cho áp tải những người đó đến tòa.
Đến phần hỏi ông Ninh về sự việc xảy ra thì ông Ninh nói rằng ông làm đúng chức trách và nhiệm vụ , ông không hề làm sai qui trình, trong khi xảy ra sự việc đánh bố em thì ông ta trả lời là ông rất bình tĩnh để xử lý.
Sau đó tòa hỏi thì gia đình em trình bày rất rõ ràng lý do kháng cáo là vì gia đình em phản đối toàn bộ bản án sơ thẩm ngày 13 tháng Một 2012, yêu cầu hủy bản án để điều tra lại vì tòa án nhân dân thành  phố Hà Nội đã có những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, cụ thể là không triệu tập những người làm chứng khách quan là người dân ở quanh nơi xảy ra sự việc. Bản án còn cho rằng bố em, là người bị hại, ông Trịnh Xuân Tùng có hành vi chống người thi hành công vụ, là không có cơ sở. Và ngày hôm nay một lần nữa những sai trái về thủ tục tố tụng vẫn tiếp tục diễn ra tại phiên tòa phúc thẩm.
Theo lời cô Trịnh Kim Tiến thì hiện gia đình đang xem xét để chuẩn bị kháng án tiếp, lần này không chỉ riêng  nỗi oan và cái chết của cha cô mà còn nhắm vào việc đòi lại công lý cho những người dân bị công an đánh chết.
(Thanh Trúc tường trình từ Thái Lan)

Bên trong tàu cá Trung Quốc xâm phạm Trường Sa có gì?

17/07/2012 10:10
(VTC News) – Hành động ngang ngược lần này của 30 tàu cá Trung Quốc với sự tham gia của cả Ngư chính 310 được Trương Khiết – chuyên gia biển Trung Quốc coi là “sự mở đầu, sự tượng trưng” cho việc kết hợp giữa chính phủ và ngư dân.

Hôm 17/7, tờ Kinh Hoa thời báo dẫn lời bà Trương Khiết, Trưởng phòng Ngoại giao, Viện nghiên cứu Châu Á Thái Bình Dương (Trung Quốc) nói, việc đưa tàu cá đánh bắt trái phép ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) mang ý nghĩa “chính trị, kinh tế to lớn” và là “hành động thể hiện chủ quyền có hiệu quả hơn đưa tàu hải quân ra tuần tiễu”.
Bên trong tàu cá Trung Quốc xâm phạm Trường Sa có gì?
Tàu cá Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã 
Cũng theo lời Trương, số liệu thống kê của Trung Quốc cho thấy, lượng tàu đánh cá ở nơi mà Trung Quốc gọi là Nam Hải (tức Biển Đông) đang ngày càng ít đi.
Nguyên nhân được cho là thời tiết xấu, lượng cá không nhiều do ngư dân không nắm được luồng cá, và gặp phải “sự tuần tra, bảo vệ chủ quyền ráo riết của lực lượng chức năng một số nước khác”.
Một vài tờ báo ở Trung Quốc dẫn lại bài phỏng vấn bà Trương, rêu rao luận điệu “hành động bảo vệ chủ quyền một cách thiết thực, kết hợp giữa chính phủ và nhân dân”.
Trong đó, bà Trương cho rằng, lâu nay Trung Quốc chỉ biết phản ứng bằng phát ngôn ngoại giao, gần như không có hành động cụ thể nào thể hiện chủ quyền như việc đưa ngư dân đánh cá, tổ chức đội tàu đánh bắt cá v.v.
“Chính phủ phải hỗ trợ để giảm thiệt hại kinh tế, chi phí trả cho khâu đảm bảo an toàn. Rõ ràng đây là hành động mang lại hiệu ứng chính trị hơn là đánh bắt cá đơn thuần”, Trương nói.
Hành động ngang ngược lần này của 30 tàu cá Trung Quốc với sự tham gia của cả Ngư chính 310 được Trương Khiết coi là “sự mở đầu, sự tượng trưng” cho việc kết hợp giữa chính phủ và ngư dân.
Tàu cá Trung Quốc có gì bên trong?
Dẫn đầu đoàn thuyền đánh bắt trái phép ở Trường Sa lần này là thuyền trưởng Lâm Mưu Anh với chiếc Quỳnh Tam Á F8168, theo tin từ Tân Hoa Xã.
Lâm được báo chí Trung Quốc cho là ‘sói biển’ trong khi chiếc F8168 xuất xưởng tháng 2 năm nay lần đầu tiên đi đánh bắt xa bờ.
Bên trong tàu cá Trung Quốc xâm phạm Trường Sa có gì?
Một chiếc tàu cá Trung Quốc đi kèm tàu Ngư chính 310. Ảnh: sina.com.cn
Trang mạng Sina cho biết, Quỳnh Tam Á F8168 là thuyền đánh cá hiện đại bậc nhất Trung Quốc với chiều dài 83m, rộng 13,8m, lượng giãn nước 3.000 tấn, tải trọng 2.000 tấn.
Trong thuyền có 60 giường cho thuyền viên, bố trí khắp 4 tầng thuyền, tầng thứ 5 là phòng điều khiển.
F8168 còn được trang bị hệ thống tự động nhận dạng tàu AIS, hệ thống định vị vệ tinh để xác định vị trí tàu trên biển và hệ thống đo độ sâu để tránh trường hợp mắc cạn.
Theo thuyền trưởng Lâm Mưu Anh, F8168 còn có 4 hệ thống liên lạc: Bộ đàm, điện đàm vô tuyến, điện đàm Bắc đẩu (một dạng nhắn tin vệ tinh do Trung Quốc phát triển), và điện thoại vệ tinh.
Bên trong tàu cá Trung Quốc xâm phạm Trường Sa có gì?
Đội tàu đánh bắt trái phép của Trung Quốc
Trong đó, bộ đàm chỉ liên lạc được trong phạm vi 100 hải lý, còn đắt giá nhất là điện thoại vệ tinh, có thể liên lạc toàn cầu với giá 2 NDT/ phút. Hệ thống điện đàm Bắc đẩu, chỉ để dùng nhắn tin với tối đa 32 ký tự.
Điểm đặc biệt nhất của F8168, theo trang mạng Sina, đó là nó có 6 phòng làm lạnh cấp tốc, chứa được 30 tấn cá.
Tuy nhiên, các trang mạng Trung Quốc không nhắc gì tới những chiếc tàu còn lại. Trong khi đó, những bức ảnh cho thấy ngoài Quỳnh Tam Á F8168 được tung hô là hiện đại, các tàu khác có vẻ ngoài đơn sơ và nhỏ bé.
Trong diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Philippines cảnh báo: “Tàu cá Trung Quốc tuyệt đối không được xâm phạm chủ quyền lãnh hải Philippines”.
Báo Philippines Star dẫn lời quan chức Bộ Ngoại giao nước này nói, Philippines sẽ triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản đối nếu chủ quyền lãnh hải bị tàu cá Trung Quốc xâm phạm.
Trước đó, khoảng 17 giờ chiều 15/7, một đội gồm 30 tàu cá xuất phát từ tỉnh đảo Hải Nam của Trung Quốc đã tới một địa điểm đánh bắt cá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ngày 13/7, đại diện Ủy ban Biên giới Quốc gia – Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh rằng hoạt động khai thác của ngư dân Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa là phi pháp, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.
 
“Lập trường của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được khẳng định nhiều lần. Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc có trách nhiệm giáo dục, hướng dẫn ngư dân tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam, tuân thủ luật pháp quốc tế,” vị đại diện này nói.
Văn Việt


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét