Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

Ðời sống Việt, nhìn từ những người bán quần áo bành

Phương Ngạn/Người Việt
QUẢNG NAM -Những người đàn bà bán quần áo bành có mặt ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam. Họ khá đặc biệt, không những đặc biệt về hoàn cảnh, ý chí mà còn đặc biệt cả trong hoạt động mua bán, độ linh hoạt và cả sự thông minh, sức chịu đựng và cách nhìn cuộc đời, thời cuộc.
Một shop áo bành nhỏ có hàng phân loại theo năm hạng ở thị trấn Nam Phước, tỉnh Quảng Nam. (Hình: Phương Ngạn/Người Việt)
Câu chuyện của chị Phòng, người đã hơn 20 năm nay bán đồ bành khắp các miền từ Bắc vào Nam, kể: “Áo quần bành, trước đây còn gọi là đồ SIDA, trong cuộc chiến tranh năm 1978-1979 tại Cambodia, người dân đói khổ, nên các tổ chức quốc tế xin áo quần cũ của các nước phương Tây sang viện trợ.”
“Nếu chịu khó đi theo đường ‘tiểu ngạch’ (chẻ đường rừng, thoát các trạm gác biên phòng) từ Tây Ninh sang NamYang, Cambodia, thì mua được khối đồ rất rẻ, mang về Việt Nam bán lấy lời, trường hợp không dám đi thì nhờ cửu vạn người ta chẻ hàng giùm mình. Cả một kho rộng lớn áo quần bên đó…”
“Mình luôn nghe đài, báo nói lung tung lên rằng Việt Nam đứng đầu khu vực Ðông Dương, giàu mạnh, tiến bộ… Nhưng thực ra, trong chuyện áo quần bành, cũng cho thấy dân mình còn quá nghèo, quá lạc hậu so với họ. Họ chê không thèm mặc, mình mua về bán lại, có người còn mua trả góp nữa kia!”
Theo nhiều người mua bán áo quần bành thì kể từ năm 1979 đến 1996, tất cả áo quần bành Việt Nam đều được họ mua từ kho thải của các tỉnh bên Cambodia. Từ năm 1997 trở đi, có thêm nguồn hàng lỗi xả ra ở các công ty may Việt Nam và đặc biệt gần đây, áo quần bành từ Trung Quốc sang tràn lan Việt Nam.
Một gian hàng áo quần bành của người nghèo ở Quảng Ngãi. (Hình: Phương Ngạn/Người Việt)
Nghèo đi cứu trợ nghèo
Một chị khác, bán áo quần bành đã hơn 10 năm nay, cho biết: “Năm ngoái, tôi gom gần 9 bành áo quần, chừng 4,000 chiếc, nói chung không còn tốt cho lắm, vì những cái ‘xịn’ tôi đã bán lấy vốn, mang ra cứu trợ cho bà con vùng lũ lụt ở Lệ Thủy, Quảng Bình. Trời ạ, khi ra đó mới biết, bà con có người nghe tôi nói là áo quần này gốc từ áo quần SIDA, họ cởi phăng ra ngay, họ sợ lây bệnh… Nói chung là dân mình còn nghèo và không có kiến thức, buồn thật!”
“Buồn cười nhất là mình đi cứu trợ theo diện cá nhân, từ Quảng Ngãi ra tới Quảng Bình, cả phí xe cộ, ăn ở và chuyên chở vẫn không tới ba triệu đồng, trong khi đó những đoàn cứu trợ nhà nước thì rình rang bầu đoàn thê tử, kèn trống lung tung, người này đón, người kia đãi…”
“Cuối cùng cho mấy gói mì tôm, vài ba cái áo bỏ đi, rồi vài ba cái quần may lỗi… Buồn cười thật, con số tính lên cả trăm triệu, thậm chí hơn vậy cho mỗi chuyến cứu trợ của đám này!
Mua bán dép lỗi xả ra từ các công ty may và dép Trung Quốc cũng là một cách kiếm cơm của người buôn đồ bành. (Hình: Phương Ngạn/Người Việt)
Nghe chuyện chị tự mang áo quần đi cứu trợ, chúng tôi tưởng chắc chị cũng thuộc vào diện ăn nên làm ra, có của dư của để, nhưng khi hỏi thăm về chuyện con cái ăn học, chuyện đời, chị nói: “Ồ, sao lại phải giàu mới đi cứu trợ, cách nói này chẳng khác nào bảo là phải là đảng viên (cộng sản) mới được yêu nước, được bảo vệ tổ quốc?! Vô lý!”
“Tôi cũng nghèo thôi, chồng chết đã ba năm nay, nuôi hai đứa con học đại học, một đứa học cao học ngành Nông Lâm, nó mới có chồng nhưng mình cũng chưa hết lo cho tụi nó. Buôn bán thời bây giờ thì qua ngày là may lắm rồi, trước đây khá hơn, sắm được một ít vàng để dành, bây giờ bán cho con ăn học, nhà cửa thì chẳng có chi, nhà cấp bốn…!”
Chiều, chúng tôi đến thăm nhà chị, một căn nhà cấp 4 lụp xụp ở Châu Ổ, Quảng Ngãi, không tủ lạnh, không máy giặt, tài sản thấy được không gì ngoài chiếc xe máy cà tang chị chở hàng đi bán, một cái tivi đời cũ và một chiếc quạt máy.
Nhìn chúng tôi có vẻ không vui, chị cười: “Tuy thấy nghèo vậy đấy chứ giàu lắm đó! Có mấy cái bằng đại học trong nhà, có sức khỏe kiếm cơm mỗi ngày, rồi lại có thể chia sẻ cho người khó hơn mình, với tôi, chừng đó là thiên đường rồi!”
Kính thưa các loại bành!
Chị Tuyết, chủ một shop áo quần bành ở Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam, cho biết: “Thật ra, áo quần bành cũng có nhiều hạng, theo tôi chia thì có 5 hạng, hạng VIP, hạng sang, hạng bình dân, hạng nghèo và hạng đói.”
“Hạng vip thường mua những hàng tuyển, ví dụ như quần Jean Levis, áo Pierre Cardin… Những thứ này mà mua được thì trong một bành chừng 200 cái, mua với giá từ 700 ngàn đến 1 triệu đồng/cái, lấy riêng nó ra bán cũng dư có lãi, giá của nó thường là 1 triệu đến 1.5 triệu đồng/cái. Những thứ còn lại bán lai rai kiếm lãi. Người mua mấy thứ sang này thường là mấy cô chiêu cậu ấm nhà quan xài tiền như nước, mua về cắt lua tua cho ra lối playboy…”
“Hạng sang thì ít tuyển chọn hơn, không yêu cầu về mẫu mã và hãng sản xuất, chỉ cần thấy đẹp, tốt là mua, có giá từ 200 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng. Loại này tuy không cao lắm nhưng một trăm người mới có một hai người xài nó.”
“Hạng bình dân thì đủ loại, miễn rẻ thì mua, riêng hạng nghèo và hạng đói là buồn nhất. Anh chị thử hình dung trong thời bây giờ, thiên hạ đã đi đến đâu mà vẫn có người mua vài ba cái áo với giá từ 5 ngàn đồng đến 10 ngàn đồng (tương đương $0.25 đến $0.5), thậm chí có người còn mua trả góp, mỗi ngày vài ngàn đồng, áo quần loại này, thi thoảng nhà giàu, nhà khá mua về lót cho chó nằm…”
Hết đồ thải phương Tây, sang đồ dỏm Trung Quốc
Chị Liên và anh Kha, đôi vợ chồng sắp cưới, thường bày bán áo quần bành ở hành lang ngã tư cầu Trà Khúc, Quảng Ngãi, cho biết: “Chúng tôi cũng ê chề lắm, cái người ta bỏ đi thì mình mua về lựa lại mà bán, kiếm dăm ba đồng lãi.”
“Trước đây thì mình xài lại đồ bỏ của Cambodia, bây giờ thì lại mua lại đồ của Trung Quốc để bán, áo quần Trung Quốc tuy không bằng đồ bành nhưng nó lại rẻ hơn, model hơn và đánh trúng tâm lý của người nghèo, sĩ diện và khốn khó…”
“Khổ nhất là chạy công an, nghề này chạy trốn công an là số một, ai mà không lanh tay lanh mắt, để tụi nó tới hốt là coi như xong. Chính vì vậy mà phụ nữ hợp với nghề này hơn, vì họ dùng cả nước mắt để bảo vệ áo quần của mình. Nhục nhất là nói gì thì nói chứ người Việt mình cũng chỉ nằm trong vòng lẩn quẩn từ đồ SIDA sang đồ Trung Quốc. Những thứ này tràn ngập Việt Nam. Bây giờ Trung Quốc đã đi vào tận buồng ngủ của người Việt!”
Chuyện về áo quần bành thì còn dài lắm. Nhưng chung qui, qua những câu chuyện rời của những người đàn bà trên đây, vô hình trung, nó phản ánh đời sống rất thật của trên dưới 100 triệu dân luôn được các phương tiện truyền thông của nhà nước đương trị tuyên truyền là họ đang sống trong hạnh phúc, giàu mạnh và tự do…!
@NguoiViet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét