Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2011

QUAN HỆ TRUNG QUỐC-NGA: ĐỔI MỚI HAY SUY TÀN CỦA MỐI QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC?

THÔNG TẤN Xà VIỆT NAM

QUAN HỆ TRUNG QUỐC-NGA:

ĐỔI MỚI HAY SUY TÀN CỦA MỐI

QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC?

Tài liệu Tham khảo đặc biệt
Thứ bảy, ngày 15/10/2011
TTXVN (Niu Yóoc 10/10)
Đánh giá thực trạng và triển vọng của các mối quan hệ Trung Quốc-Nga, Viện “Jamestown Foundation” của Mỹ ngày 4/10 nhận định, mối quan hệ Trung Quốc-Nga dường như đang được thúc đẩy qua các chuyến thăm cấp cao diễn ra trong những tháng gần đây.
Cuối tháng 9, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quân sự Trung ương, Tướng Quách Bá Hùng, đã hội đàm với Thủ tướng Nga Vladimir Putin và nhiều quan chức quân sự cấp cao khác của Nga tại Matxcơva. Các nhà lãnh đạo hai nước khẳng định mối quan hệ quân sự song phương là thành phần cơ bản của mối quan hệ Trung Quốc-Nga. Các hoạt động chính thức và trao đổi này đánh dấu lễ kỷ niệm lần thứ 10 ngày ký Hiệp ước Hợp tác, Hữu nghị và Quan hệ Láng giềng Tốt giữa hai nước. Giữa tháng 6/2011, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đến thăm Matxcơva 3 ngày để đánh dấu mối quan hệ đặc biệt này. Tuyên bố chung của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Medvedev nhắc lại những tiến bộ quan trọng đạt được trong thập kỷ qua và vạch ra tiến trình mới cho 10 năm tới, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển các mối quan hệ kinh tế và quân sự. Bắc Kinh và Matxcơva cũng quyết định nâng cấp mối quan hệ song phương từ “quan hệ đối tác chiến lược” thành “quan hệ đối tác hợp tác và chiến lược toàn diện”. Ít nhất ở cấp chính thức, mối quan hệ hai nước tiếp tục cho thấy mối quan hệ thân thiện bằng các hội nghị thượng đỉnh thường xuyên, các chuyến thăm cấp cao, trao đổi quân sự và tham khảo ý kiến trong các sự kiện song phương và đa phương như: các hội nghị của BRICS, G-20 và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Chừng nào Trung Quốc và Nga còn coi Mỹ là trở ngại cho các tham vọng vị thế cường quốc và các lợi ích quốc gia cơ bản của họ, hai nước sẽ tiếp tục hợp tác với nhau bất chấp những rắc rối gần đây trong các mối quan hệ.
Từ khi Trung Quốc và Nga thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược năm 1996, các mối quan hệ song phương trải qua nhiều giai đoạn phát triển nhanh chóng, hy vọng, thất vọng và đổi mới. Theo quan điểm của Bắc Kinh, mối quan hệ Trung Quốc-Nga ổn định sẽ có lợi cho hai nước và vẫn là một trong các ưu tiên chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Giới phân tích Trung Quốc cũng nhận thấy tầm quan trọng của các mối quan hệ Trung Quốc-Nga, nhưng họ cũng chỉ ra những ưu tiên và lợi ích khác biệt giữa hai bên, đồng thời thừa nhận chương trình đầu tư và thương mại song phương không rõ ràng và bày tỏ thất vọng trước những cam kết không được thực hiện và thiếu tiến bộ trên lĩnh vực hợp tác năng lượng. Bắc Kinh và Matxcơva đã phối hợp quan điểm chính sách và áp dụng các biện pháp hỗ trợ nhau trên các vấn đề quốc tế từ cấm vũ khí hoá vũ trụ đến tôn trọng chủ quyền nhà nước. Nhưng mối quan hệ chiến lược vẫn có nhiều hạn chế và thậm chí thụt lùi. Rõ ràng Bắc Kinh không hài lòng khi Chính quyền Putin năm 2000-2004 tìm cách thúc đẩy quan hệ với Oasinhtơn và không phản đối việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM), mặc dù Trung Quốc và Nga đã cam kết cùng nhau phản đối hành động như vậy của Mỹ. Bên cạnh đó, các hoạt động quân sự của Nga chống Grudia năm 2008 đẩy Trung Quốc vào thế khó xử. Bắc Kinh tiếp tục im lặng trước sự kiện đó nhưng không hài lòng khi Nga công nhận 2 nước cộng hoà ly khai Ápkhadia và Nam Ôxêtia, vì lâu nay Trung Quốc vẫn lo ngại trước các hoạt động ly khai Tân Cương và vấn đề Đài Loan. Mặc dù SCO đã tạo cơ sở cho Trung Quốc và Nga hợp tác chống khủng bố, an ninh năng lượng và ổn định khu vực ở Trung Á, nhưng hai nước vẫn bất đồng với nhau về một số vấn đề như: mở rộng thành viên, các ưu tiên của tổ chức và cạnh tranh về vai trò lãnh đạo.
Quan hệ quân sự và hợp tác quốc phòng luôn là trụ cột quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Thực tế, Trung Quốc được hưởng lợi nhiều nhờ mua sắm các hệ thống vũ khí hiện đại và chuyển giao công nghệ quân sự của Nga. Giới lãnh đạo quân sự cấp cao hai nước thường xuyên tổ chức hội đàm, diễn tập quân sự chung như Sứ mệnh Hoà bình và ghé thăm các bến cảng nhằm giúp thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai quân đội. Nhưng những năm gần đây Trung Quốc chuyển từ mua sắm các loại vũ khí sang tìm mua các loại công nghệ quân sự, phát triển chung và sản xuất theo giấy phép, do đó thương mại vũ khí song phương giảm mạnh. Nga hạn chế mở rộng hợp tác quân sự song phương ngoài việc mua bán vũ khí vì lo sợ sự cạnh tranh của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc trên thị trường quốc tế trong tương lai. Nhưng lý do quan trọng hơn khiến Nga lo ngại có thể là sự phát triển của Trung Quốc. Thực tế, các nhà phân tích Trung Quốc cho biết Nga đang tăng cường triển khai quân sự ở Viễn Đông trong những năm gần đây, kể cả các vũ khí hạt nhân chiến thuật để chuẩn bị cho các tình huống bất ngờ trong tương lai. Trong khi đó, Nga sẵn sàng bán các hệ thống vũ khí hiện đại cho Ấn Độ và Việt Nam và một số nước Đông Nam Á khác. Ngược lại, việc chia sẻ quan hệ đối tác chiến lược và quan hệ kinh tế song phương của hai nước vẫn chưa phát triển. Thương mại Trung Quốc-Nga khoảng 55,4 tỷ USD năm 2010, vẫn đứng sau hầu hết các đối tác thương mại quan trọng khách của Trung Quốc. Các khoản đầu tư song phương vẫn ở mức thấp, trong đó đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Nga năm 2009 đạt 2 tỷ USD. Giới kinh doanh Trung Quốc phàn nàn môi trường đầu tư và nạn tham nhũng tràn lan trong các quan chức Nga là những trở ngại lớn, trong khi Matxcơva tố cáo Trung Quốc bán phá giá các hàng hoá tiêu dùng chất lượng thấp cũng như nhiều hoạt động thương mại trái phép khác. Rõ ràng Nga không muốn trở thành nước cung cấp nhiên liệu thô và năng lượng cho Trung Quốc, mặc dù các sản phẩm của Trung Quốc tràn ngập thị trường Nga. Điều này có thể giải thích tốc độ chậm và sự thất vọng của Trung Quốc về việc hợp tác năng lượng trong thập kỷ qua. Mong muốn khác nhau, nhiều bất đồng về chi phí và giá cả và lợi dụng cơ hội để nâng giá năng lượng của Nga dẫn đến một số cam kết không được thực hiện. Mặt khác, Nga không thích lệ thuộc năng lượng vào Trung Quốc. Hơn nữa tăng giá dầu đang giúp Nga kiếm lời rất lớn và tăng vị thế đàm phán của Nga với các nước nhập khẩu năng lượng, trong đó có Trung Quốc.
Đánh dấu hai lễ kỷ niệm quan trọng năm 2011, các nhà lãnh đạo hai nước thừa nhận giá trị của mối quan hệ đối tác chiến lược mặc dù các lợi ích và ưu tiên của mỗi bên đôi khi ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hữu nghị của họ. Nhưng nhìn chung mối quan hệ vẫn là cơ sở vững chắc cho hai nước tăng cường hợp tác trên một số mặt trận. Trung Quốc sẽ tiếp tục đánh giá cao mối quan hệ ổn định và thúc đẩy mối quan hệ đối tác thân thiện hơn để hai nước cùng có lợi. Về chiến lược, Trung Quốc tiếp tục duy trì đường biên giới hơn 4.000 km hoà bình và coi Nga là nước láng giềng tốt. Bắc Kinh đã phát triển kể từ khi chấm dứt Chiến tranh Lạnh. Bên cạnh đó, việc hợp tác chặt chẽ với Nga thông qua SCO cho phép Trung Quốc thâm nhập các nguồn năng lượng ở Trung Á và giành được sự ủng hộ cũng như hợp tác của các nước thành viên SCO trong việc chống chủ nghĩa ly khai sắc tộc ở khu vực Tây Bắc xa xôi của Trung Quốc. Bắc Kinh rất quan tâm tới những phát triển trong mối quan hệ Nga-Mỹ, đặc biệt chính sách tái khởi động của hai nước và việc ký hiệp ước START mới về cắt giảm vũ khí hạt nhân cũng như việc những hành động đó ảnh hưởng đến lợi ích và mối quan hệ chiến lược Trung Quốc-Nga thế nào. Matxcơva đang tìm cách phát triển mối quan hệ thân thiện hơn với Mỹ và xu hướng chính sách này đã ảnh hưởng đến sự phối hợp biện pháp trên nhiều lĩnh vực của Bắc Kinh và Matxcơva từ Iran đến Libi. Bắc Kinh nhận thấy Matxcơva có tham vọng đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề quốc tế và khu vực và đạt được sự tôn trọng của nước láng giềng phía Bắc. Trung Quốc và Nga cũng nhận thấy cần thúc đẩy đầu tư và thương mại song phương hơn nữa. Hai Chính phủ đã đề ra mục tiêu đạt 100 tỷ USD và 200 tỷ USD thương mại hàng năm trước năm 2015 và 2020. Trong chuyến thăm Nga gần đây, Chủ tích Quốc hội Trung Quốc Ngô Bang Quốc đưa ra 4 đề nghị để làm sâu sắc hơn các mối quan hệ kinh tế song phương, kể cả hợp tác về năng lượng, khoa học, trao đổi công nghệ và thương mại qua biên giới. Khi đường ống dẫn dầu Skovorodino-Đại Khánh khai trương hoạt động đầu năm 2011, hợp tác năng lượng hai nước đã bước vào kỷ nguyên mới, trong đó Nga sẽ xuất khẩu 15 triệu tấn dầu thô hàng năm cho Trung Quốc trong thời hạn 20 năm.
Lễ kỷ niệm 10 năm Hiệp ước Hữu nghị Trung Quốc-Nga và việc nâng quan hệ đối tác chiến lược thành quan hệ đối tác và hợp tác chiến lược toàn diện đã đưa quan hệ hai nước bước sang trang mới. Các nhu cầu chiến lược đòi hỏi hai nước phải hợp tác để bảo vệ các lợi ích quốc gia của hai bên, kể cả ổn định, chủ quyền và an ninh bên ngoài. Bắc Kinh tìm kiếm và tin tưởng đưa mối quan hệ lên mức tiếp theo. Tuy nhiên, bất chấp các tuyên bố và các cuộc trao đổi cấp cao song phương trong những tháng gần đây, nhiều thách thức vẫn đang đặt ra cho hai nước, trong đó đặc biệt nổi lên một số thách thức sau:
Một là, sự chuyển giao lãnh đạo ở Trung Quốc năm 2012-2013 sẽ chứng kiến thế hệ lãnh đạo gồm các nhà lãnh đạo dân sự và quân sự mới có quan điểm mới. Trong đó giới lãnh đạo Nga sẽ tiếp tục gần như không thay đổi, do đó các nhà lãnh đạo hai nước phải mất thời gian để làm quen.
Thứ hai, những thất vọng trong việc thực hiện các mục tiêu trong mối quan hệ thương mại song phương và hợp tác năng lượng cho thấy các tuyên bố thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương có thể khó thực hiện hơn. Các nhà quan sát có thể đưa ra nhiều trở ngại ở phía trước, chủ yếu do các tham vọng, khả năng và ưu tiên khác biệt của hai nước trong một môi trường kinh tế toàn cầu đang thay đổi.
Cuối cùng, hợp tác và liên kết chính sách của hai nước ở tầm chiến lược sẽ ngày càng khó khăn khi một ông Putin có đầu óc dân tộc chủ nghĩa hơn trở lại văn phòng tổng thống và khi lợi ích của người Trung Quốc và người Nga có chiều hướng khác nhau. Chiều hướng đó có khả năng sẽ tiếp tục trừ phi và cho đến khi nào hai bên vẫn cảm thấy mối đe doạ lớn hơn từ Mỹ – lý do quan trọng nhất của mối quan hệ đối tác này./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét