KHÔNG CHỈ LÀ NGOẠI GIAO KHẨU CHIẾN.
Ngày
29/05, bà Khương Du - người phát ngôn của Bộ ngoại giao Trung Quốc phát
biểu sau khi nhận được công hàm phản đối của chính phủ Việt Nam về việc
ba tàu hải giám của Trung Quốc xâm phạm lãnh hải tại khu vực bờ biển
Khánh Hòa - Phú Yên sáng ngày 28/05/2011 :
"Lập trường của Trung Quốc về Biển Đông rõ ràng và nhất quán. Chúng tôi phản đối việc khai thác dầu khí của Việt Nam vì nó đi ngược lại lợi ích và chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, vi phạm nhận thức chung mà hai bên đã đạt được về vấn đề này.
Những gì mà các cơ quan của Trung Quốc thực hiện đều là hoạt động thực thi pháp luật trên biển và giám sát hải dương hoàn toàn bình thường trong vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Trung Quốc luôn cam kết duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các bên liên quan để tìm giải pháp cho các tranh chấp và thực hiện Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông."
Thật
may mắn là một ngày sau đó, tại Hà Nội, bà Nguyễn Phương Nga - người
phát ngôn của Bộ ngoại giao Việt Nam cũng đã xuất hiện và nói thay cho
chính phủ Việt Nam thế này:
"Quan điểm của Việt Nam về vấn đề này là hết sức rõ ràng. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động của phía Trung Quốc phá hoại, cản trở hoạt động thăm dò, khảo sát bình thường của Việt Nam trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây thiệt hại lớn cho Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam.
Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay, không để tái diễn những hành động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam.
Việt Nam hoàn toàn bác bỏ tuyên bố ngày 28/5 của phía Trung Quốc. Cần làm rõ một số điểm như sau: Trước hết, khu vực mà Việt Nam tiến hành thăm dò hoàn toàn nằm trong khu vực vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước Luật Biển 1982. Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp, lại càng không thể nói là khu vực do Trung Quốc quản lý. Phía Trung Quốc đang cố tình làm cho dư luận hiểu nhầm khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp."
Tôi đặc biệt chú ý đến câu nhấn mạnh của bà Nga "Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp". Vậy hải quân, và biên phòng Việt Nam ở đâu làm gì lúc ấy?
Tôi
và nhiều người khác đã mong đợi ông Thứ trưởng bộ Quốc phòng Nguyễn Chí
Vịnh xuất hiện với uy thế mạnh mẽ như ông đã từng tuyên bố "Phải làm
thất bại mọi âm mưu xâm phạm chủ quyền"(*) hơn là những phát ngôn mang
tính "thuộc lòng" của bà Nguyễn Phương Nga.
Liệu tôi có đòi hỏi quá đáng đối với chính phủ nước mình không nhỉ?
Bị
xâm phạm quyền lợi ngay trên chính vùng biển của quê hương mình, thì
không còn gọi là Trung Quốc đang cố tình gây hấn hay ngang ngược nữa.
Hãy gọi đúng tên bản chất sự việc đó là: xâm lược.
Trong bài tuyên bố ở buổi họp báo chiều ngày 29/5, bà Nga cũng nói rằng:
"Việt Nam luôn tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình. Tuy nhiên cũng cần phải nói rõ rằng không có nhận thức chung nào nói rằng Trung Quốc có quyền cản trở các hoạt động của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Chính hành động này của Trung Quốc đã đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước. Trung Quốc kêu gọi giải quyết các tranh chấp liên quan bằng các biện pháp hòa bình nhưngchính hành động của Trung Quốc đang làm phức tạp thêm tình hình ở biển Đông.
Chúng tôi mong rằng Trung Quốc là một nước lớn thì sẽ thể hiện vai trò có trách nhiệm của một nước lớn và thực hiện đúng tinh thần tuyên bố của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc"
Là
người dân tôi không thể hiểu được thế nào là nhận thức chung của lãnh
đạo cấp cao hai nước, tôi chỉ biết rằng từ năm 2005 cho đến nay, Trung
Quốc càng ngày càng hành xử côn đồ trên biển Đông, đỉnh điểm là năm
2009, đã bắt giam, cướp tài sản và giết chết ngư dân Việt Nam.
Sau
những lần gặp mặt, hội thảo và tiếp xúc cấp cao của cả hai nước thì sự
thật đã chứng minh, Trung Quốc nói một đàng làm một nẻo, và Việt Nam thì
bày tỏ sự phản đối của mình mạnh mẽ hơn bằng ngôn ngữ ngoại giao.
Thật
buồn khi xung quanh tôi có nhiều người nói rằng: "Việt Nam bây giờ sử
dụng từ ngữ phản đối mạnh hơn một chút rồi đó, đề nghị được thay bằng
yêu cầu, phản đối bằng cực lực phản đối...".
Nghe những lời đó thật chua xót.
Là công dân, chúng ta có thể làm gì?
"Biểu
tình lúc này là chưa phải. Biểu tình không giải quyết được vấn đề, chỉ
làm ảnh hưởng đến ngoại giao". (Người ta nói, không phải mẹ Nấm nói)
Tôi
nghĩ, người dân nào cũng hiểu rằng, không thể bảo vệ chủ quyền ở Hoàng
Sa - Trường Sa bằng con đường biểu tình. Nhưng ít nhất việc để người dân
bày tỏ thái độ phản đối hành động xâm lược của Trung Quốc bằng cách
xuống đường chắc chắn sẽ làm cho mỗi người có ý thức hơn đối với an ninh
quốc gia và ý thức hơn trách nhiệm của mình trước vấn đề chủ quyền của
Tổ quốc.
Biểu
tình có thể không giải quyết được vấn đề, nhưng ngăn cấm biểu tình và
cho rằng hành vi ngăn chặn này nhằm để bảo vệ "con đường ngoại giao" là
cách làm thui chột ý thức dân tộc trong mỗi người trẻ nhanh chóng nhất.
Đó cũng là con đường ngắn nhất để triệt tiêu một dân tộc.
Đấu
tranh với Trung Quốc không hề đơn giản nhất là khi hai nước có chung
đường biên giới lãnh thổ. Nhưng đấu tranh bằng ngoại giao không có nghĩa
là nhân nhượng quyền lợi của quốc gia, của dân tộc.
Hãy thử nghĩ xem, vì sao nhà nước Trung Quốc càng ngày càng lấn lướt Việt Nam?
Hãy nghĩ xem, vì sao Trung Quốc không cần giữ "thể diện ngoại giao" với Việt Nam?
Vì chúng ta có những phản ứng ngoại giao chậm chạp và phụ thuộc vào phản ứng của họ.
Trước
hành động xâm lược bờ biển Khánh Hòa - Phú Yên của Trung Quốc vào sáng
ngày 28/05/2011, phải nhìn nhận rằng: Từ ngày hai nước bình thường
hóa quan hệ, nối lại ngoại giao bằng “mười sáu chữ vàng” và
“bốn tốt”, những hành vi, ứng xử từ phía Trung Quốc về vấn đề chủ
quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam cho thấy: Họ không hề
muốn có ổn định khu vực.
Với
các hệ lụy như: Đào sâu ngăn cách giữa lãnh đạo Việt Nam và
nhân dân, mà vốn lòng tin của nhân dân vào nhà nước đã bị xói mòn
rất nhiều do những chính sách đối nội. Trung Quốc đã cố tình làm
giảm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Những thỏa thuận
quốc tế nếu có người Trung Quốc tham gia, thì phía Việt Nam bao
giờ cũng gặp khó khăn.
Để thôn tính nhau, không có cách nào nhanh nhất bằng con đường làm suy yếu “đối tác” từ nội bộ.
Họ đã có âm mưu và đã thể hiện những hành vi nhằm mục đích thôn tính.
Vậy,
chúng ta chỉ bằng những lời lẽ nhẹ nhàng, và chỉ ở cấp độ
một bộ, một ngành thì liệu vấn đề được giải quyết như nào?
Ngư dân vẫn chết, tài nguyên vẫn mất, toàn vẹn lãnh thổ bị vi phạm nghiêm trọng.
Nhận
thức của người dân đâu đến nỗi nào, sao lại để họ coi thường
và cư xử vậy? Khi nhà cầm quyền chưa lên tiếng và lại cấm dân
lên tiếng vì lẽ gì? Dân có thể nói nhà cầm quyền hèn được
chưa?
Vấn đề hai quốc gia, không phải là đôi co giữa hai nhà phát ngôn đồng cấp của một bộ.
Lãnh đạo cấp cao hai nước nên ngồi để xem lại mười sáu chữ vàng hay bốn tốt đã đề ra.
Nhà
nước Việt Nam hãy có động thái, chí ít là ghi nhận sự thức
tỉnh của người dân nếu không muốn ru ngủ họ nữa. Hãy nhìn sự
đoàn kết của nhân dân mà lấy làm hổ thẹn cho các bậc lương
đống triều đình…
Không
nhất thiết là cứ “ăn miếng trả miếng” nhưng nhịn mãi rồi
thành quen, thành bản chất ươn hèn, đến lúc có muốn cũng chả
vực lên được.
Cũng
cần nói thêm rằng, khi người ta xâm phạm mình, không có nghĩa
chỉ đóng cửa ra biển cãi nhau hay đưa nhau ra quốc tế kiện cáo.
Sẽ không có nước nào lên tiếng ủng hộ Việt Nam khi chính Việt Nam chưa
có động thái tích cực bảo vệ chủ quyền của mình!
Bên
cạnh đó, chúng ta không nên quên việc phải từng ngày từng giờ
đối phó với giặc nội xâm cũng không kém phần nguy hiểm như tham
nhũng, lộng quyền, làm trái pháp luật...
Một
đất nước vững mạnh là đất nước có thể tự đứng bằng chính nội lực
của mình. Không đứng trên chân ai, cũng không vịn vào ai!
P/s
: Có nhiều bạn cho rằng, việc thể hiện sự phẫn nộ đối với hành vi xâm
lược của Trung Quốc trên các diễn đàn, blog, Facebook là "nói nhiều", là
"không thiết thực" - Hãy thể hiện lời nói bằng cách tẩy chay hàng hóa
Trung Quốc. Tôi nghĩ thế này, tẩy chay hàng hóa Trung Quốc, là cách tốt
nhất và cần phải làm để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình mình cũng
như cộng đồng. Phẩm chất của hàng hóa Trung Quốc nếu kém chất lượng thì
không những chỉ bị tẩy chay ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Thị
trường tiêu dùng hàng hóa trên thế giới đã, và đang đặt racâu hỏi nghiêm
túc về chất lượng hàng hóa Trung Quốc. Nếu chất lượng hàng hóa đảm bảo,
mà chúng ta vẫn tẩy chay thì hóa ra chúng ta đang thù vặt trẻ con hay
sao?
Việc
tẩy chay hàng hóa không bao hàm thái độ chính trị hoặc chính kiến. Một
ví dụ được coi là điển hình nhất, ông Hồ - lãnh đạo nhân dân Việt Nam
đánh Mỹ, lại rất thích hút thuốc lá Mỹ. Điều này có nói lên điều gì
không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét